Kinh nghiệm quốc tế về ổn định vĩ mô và ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

0
61
(Shutterstock)

Nhiều báo chí quốc tế, chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về những nỗ lực điều hành kinh tế – xã hội và kết quả phục hồi tăng trưởng của Việt Nam. Bloomberg nhận định Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm 2022 – 2023. IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên mức 7% – 7,5%; tuy nhiên, cho rằng tăng trưởng của năm 2023 có thể thấp hơn do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, lạm phát cũng dự kiến tăng lên trước khi trở lại dưới mức 4%. Để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính – tiền tệ, trong đó có trái phiếu, đồng thời hướng tới tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này là hết sức cần thiết.

1. Trong bối cảnh KTTG đối mặt nhiều rủi ro, bất ổn nghiêm trọng, các nước tiếp tục chú trọng mục tiêu ổn định vĩ mô, trong đó việc duy trì ổn định thị trường vốn, thị trường chứng khoán, bất động sản, bảo đảm an ninh tài chính – tiền tệ được xác định là vấn đề căn cơ, có ý nghĩa nền tảng cho ổn định vĩ mô. Trong thời gian qua, một số biện pháp được các nước triển khai bao gồm:

Các nước đối mặt với áp lực lạm phát tăng (EU, Mỹ…) tiếp tục lộ trình tăng lãi suất nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75%, nâng biên độ lãi suất cho vay cơ bản của FED lên khoảng 3,75 đến 4% (ngày 03/11/2022). Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất[1] để chống lạm phát, ngay cả khi nguy cơ suy thoái tại khu vực đồng euro gia tăng. Việc tăng lãi suất của Mỹ và EU tiếp tục kéo theo nhiều nền kinh tế phải tăng lãi suất nhằm hạn chế các tác động dây chuyền. Dự báo xu hướng tăng lãi suất sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023 tuy tốc độ, cường độ tăng có thể sẽ chậm lại.

– Ổn định vĩ mô là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của các nền kinh tế. Nhật Bản triển khai can thiệp ngoại hối để ổn định tỷ giá đồng Yên. Sau giai đoạn siết chặt quản lý thị trường bất động sản, Trung Quốc triển khai gói biện pháp toàn diện gồm 16 điểm[2] nhằm hỗ trợ cho sự phát triển ổn định và lành mạnh của lĩnh vực quan trọng này. Trong bối cảnh dư địa tiền tệ cho phép, Trung Quốc đã giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc 0,25% đối với các ngân hàng lần thứ hai trong năm 2022 (qua đó sẽ bơm khoảng 70 tỷ USD vào nền kinh tế để hỗ trợ thanh khoản).

Đa dạng hoá chuỗi cung ứng các mặt hàng chiến lược, tăng cường dự trữ chiến lược là ưu tiên chính sách của nhiều nước nhằm năng cao năng lực thích ứng, sức kháng chịu của nền kinh tế trước các bất ổn của KTTG. Nhật Bản thông qua danh mục các mặt hàng, dịch vụ[3] cần đảm bảo nguồn cung ứng theo Luật thúc đẩy đảm bảo an ninh kinh tế. Mỹ đi đầu trong việc xây dựng liên minh “Chip 4” với Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản để tăng cường an ninh kinh tế, bảo đảm nguồn cung chip điện tử.

Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ có mục tiêu cho các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh lạm phát cao. Các nước đẩy mạnh thực hiện điều tiết giá cả thông qua cắt giảm, bãi bỏ các khoản thuế, phí, áp mức giá trần, nhất là với các mặt hàng lương thực, xăng dầu, bao gồm: (i) tiếp tục cắt giảm hoặc tạm dừng các loại thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, VAT) liên quan đến xăng dầu, lương thực[4]; (ii) thực hiện “đóng băng” giá hoặc hạn chế tối đa việc tăng giá các hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu (điện, internet, nước và rác thải…)[5]; (iii) trợ giá, khấu trừ thuế, giảm thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối nhiên liệu, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, logistics. Nhiều nước ban hành các chính sách hỗ trợ người dân có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương do lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân (nhiều nước châu Âu tăng cường các chính sách trợ giá năng lượng, đánh thuế các tập đoàn năng lượng hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp).

2. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều cho thấy tầm quan trọng của kênh huy động vốn này. Do đó, việc ngăn ngừa nguy cơ bất ổn, khủng hoảng, xây dựng được thị trường trái phiếu lành mạnh, hiệu quả, bền vững có ý nghĩa rất quan trọng. Một số biện pháp được các nước triển khai theo hướng này bao gồm:

2.1. Kinh nghiệm xử lý trong các giai đoạn thị trường TPDN gặp bất ổn, khó khăn

– Thực tiễn tại nhiều nước cho thấy, trong quá trình phát triển thị trường vốn rất khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh như thao túng cổ phiếu, TPDN, khó khăn và vỡ nợ của các tổ chức phát hành… Theo đó, ưu tiên của Chính phủ các nước trong những trường hợp này là có giải pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời, đúng trọng tâm, đúng đối tượng nhằm tạo thanh khoản cho thị trường, ngăn ngừa xuất hiện các rủi ro, bất ổn mang tính hệ thống về thanh khoản, ngân hàng, bất động sản.

Sau vụ việc trái phiếu Legoland tháng 10/2022[6] gây ra nguy cơ tác động dây chuyền, làm trái chủ mất niềm tin cả các trái phiếu xếp hạng tín nhiệm cao, trong bối cảnh tình hình tài chính – tiền tệ trong nước gia tăng bất ổn (lãi suất huy động tăng, tỷ giá thấp kỷ lục, thị trường chứng khoán giảm điểm…), Hàn Quốc nhanh chóng công bố kế hoạch mở rộng tài trợ cho các chương trình thanh khoản lên tới 35 tỷ USD nhằm bình ổn thị trường trái phiếu, hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp. Cụ thể, Hàn Quốc đã kích hoạt lại các Quỹ bình ổn thị trường trái phiếu từ ngày 24/10/2022; trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu được Chính phủ thu mua. Mức trần của các chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được nâng lên 2 lần (12 tỷ USD). Tại Mỹ vào tháng 3/2020, FED đã thành lập Quỹ tín nhiệm doanh nghiệp thị trường thứ cấp (SMCFF) để mua lại các trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ thanh khoản thị trường do tác động của dịch Covid-19.

Điểm mấu chốt trong việc xử lý bất ổn TPDN nằm tốc độ xử lý, phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy việc Ngân hàng Trung ương (BoK) xem xét giảm biên độ tăng lãi suất cơ bản (chỉ tăng 0,25%) có tác động tích cực trong ổn định niềm tin thị trường.

– Trong bối cảnh thị trường xuất hiện nhiều rủi ro, nguy cơ tăng trưởng nóng, Chính phủ cần có biện pháp can thiệp, tăng cường kỷ luật thị trường. Phòng ngừa rủi ro tài chính là chủ đề quan trọng trong cả năm 2022 của Chính phủ Trung Quốc. Dự thảo “Luật Ổn định tài chính” đã được đưa ra đầu tháng 4/2022 để lấy ý kiến, cho thấy kinh nghiệm của việc xây dựng cơ sở pháp lý tổng thể trong phòng ngừa và giải quyết các rủi ro tài chính.

– Tại nhiều nước phát triển, việc phát hành TPDN được quản lý rất chặt chẽ do đó ít khả năng xảy ra khủng hoảng TPDN trên diện rộng. Đối với một số doanh nghiệp riêng lẻ, nếu mất khả năng thanh toán, quy trình xử lý sẽ theo thủ tục
phá sản doanh nghiệp; quyền lợi của các nhà đầu tư trái phiếu cũng được xử lý theo Luật phá sản.

2.2. Trong trung và dài hạn, các nước hướng tới xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với quy mô nền kinh tế, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí và thông lệ, quốc tế, cụ thể:

– Việc phát hành TPDN phải đi đôi với xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp. Đây là một yêu cầu khách quan nhằm tăng tính minh bạch, chuyên nghiệp của thị trường trái phiếu, cũng là tiêu chuẩn chung ở các thị trường trái phiếu phát triển. Mỹ yêu cầu việc phát hành TPDN ra công chúng bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm. Sau khủng hoảng 2008, Mỹ tiến hành cải cách quản lý tài chính qua đạo luật Dodd-Frank, trong đó bảo đảm các tổ chức xếp hạng tín nhiệm phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý và nhà đầu tư. Đài Loan chú trọng kiểm soát chặt chẽ việc xếp hạng tín dụng của tổ chức phát hành, không chỉ xếp hạng tại thời điểm phát hành mà còn phải có tiêu chí xếp hạng tín dụng của các khoản nợ dài hạn nhằm đánh giá khả năng tài chính của tổ chức phát hành. Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy việc mở rộng cấp giấy phép cho các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế sẽ góp phần làm tăng mức độ phát triển của thị trường; cung cấp thêm các thông tin cho các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ.

– Minh bạch thông tin tài chính doanh nghiệp (báo cáo tài chính, cáo bạch thông tin phát hành trái phiếu…) và sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý là yêu cầu chung để phát triển thị trường trái phiếu bền vững. Hàn Quốc thành lập cơ quan định giá trái phiếu và công khai giá trái phiếu (từ năm 1999, đã có 03 cơ quan có chức năng định giá trái phiếu); công ty chứng khoán được yêu cầu công bố dữ liệu giao dịch trái phiếu trong vòng 30 phút sau khi thực hiện giao dịch. Uỷ ban Chứng khoán Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp phát hành phải cung cấp thông tin công ty, báo cáo tài chính; giám sát các công ty chứng khoán, công ty môi giới và tư vấn đầu tư.

Chú trọng quản lý phát hành TPDN ra nước ngoài. Tháng 6/2019, Uỷ bản Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) của Trung Quốc đã ban hành Thông tư thắt thặt việc phát thành TPDN ra nước ngoài nhằm ngăn ngừa rủi ro nợ nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, có trật tự nguồn tài chính nước ngoài của doanh nghiệp. Tháng 11/2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng ban hành quy định quản lý quỹ trái phiếu của các tổ chức nước ngoài phát hành ở
Trung Quốc.

– Xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý TPDN toàn diện, cụ thể là hết sức cần thiết. Hệ thống luật pháp Đức rất chặt chẽ trong quá trình doanh nghiệp đăng ký phát hành TPDN, bao gồm: Luật Trái phiếu Đức (2009), Đạo luật cáo bạch chứng khoán Đức. Hàn Quốc ban hành Luật về dịch vụ đầu tư tài chính và
thị trường vốn quy định về thủ tục đăng ký phát hành, phòng chống cung cấp sai lệch thông tin, lợi dụng, trục lợi của tổ chức phát hành, bảo vệ nhà đầu tư.

– Ban hành các chính sách hỗ trợ và bão lãnh TPDN trong các lĩnh vực ưu tiên. Đài Loan hỗ trợ bảo lãnh TPDN của doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở
hạ tầng năng lượng và thông tin./.

(Thúy Quản)

[1] Ngày 21/7, ECB đã tăng lãi suất thêm 0,5 % lần đầu tiên sau 11 năm; ngày 8/9, tiếp tục tăng 0,75%; ngày 27/10, tiếp tục tăng thêm 0,75%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp.

[2]  Bao gồm: nới lỏng tín dụng cho các công ty kinh doanh bất động sản, tối ưu hoá quy định mua nhà, hỗ trợ vốn cho các công ty xây dựng, gia hạn, hoán đổi trái phiếu do công ty bất động sản phát hành, có chính sách hỗ trợ hoàn thiện các dự án dở dang, hỗ trợ tín dụng mua nhà, Chính quyền mua lại một số dự án bất động sản để chuyển đổi mục đích sử dụng như biến thành nhà ở xã hội…

[3] Gồm có: chất bán dẫn, pin tích điện, nam châm vĩnh cửu, khoáng sản quan trọng, robot công nghiệp và máy móc sản xuất, linh kiện máy bay, hệ thống đám mây, khí thiên nhiên, linh kiện tàu thuyền, thuốc kháng virus và phân bón.

[4] Tây Ban Nha kéo dài các biện pháp hỗ trợ gồm giảm thuế đánh lên điện, trợ giá xăng thêm 3 tháng. Na Uy giảm giá điện cho hộ gia đình, sinh viên, áp dụng giá trần và trợ cấp nhà ở. Hàn Quốc nâng mức trần giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu từ 30% lên 37% sau khi đã nâng mức trần trong tháng 2 (thuế nhiên liệu ở mức 573 won (0,44 USD/lít) sẽ giảm thêm 57 won/lít)

[5] Pháp dự thảo Luật về sức mua trong đó sẽ đặt ra mức trần cho tăng giá thuê nhà ở mức 3,5%. Hàn Quốc khôg tăng giá các dịch vụ thiết yếu trừ điện. Mexico không tăng giá dịch vụ điện thoại và internet, giá vé đường sắt.

[6] Chính quyền tỉnh Gangwon từ chối tiếp tục bảo lãnh đối với khoản nợ trái phiếu 160 triệu USD của dự án công viên Legoland Korea Resort.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here