Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Hồ sơ thị trường Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ
- Cộng hòa Áo
- Vương quốc Bỉ
- Cộng hoà Pháp
- Cộng hòa Liên bang Đức
- Cộng hoà I-ta-li-a
- Vương quốc Hà Lan
- Cộng hòa Ba Lan
- Liên bang Nga
- Cộng hòa Xlô-va-ki-a
- Vương quốc Tây Ban Nha
- Thuỵ Điển
- Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
- Hung-ga-ri
- Vương quốc Na-uy
- U-crai-na
- Cộng hòa Xlô-ven-ni-a
- Liên Bang Thụy Sỹ
- Cộng hòa Lát-vi-a
- Ru-ma-ni
- Cộng hòa Bun-ga-ri
- Cộng hòa Phần Lan
- Vương quốc Đan Mạch
- Cộng hòa Bê-la-rút
- Cộng hòa Séc
- Gru-di-a
- Công quốc Lít-ten-xờ-tên
- Cộng hòa E-xtô-ni-a
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế
Theo xếp hạng của IMF, Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF tháng 4/2018, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có GDP danh nghĩa đứng thứ 17 thế giới và GDP quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) đứng thứ 13 trên thế giới. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phục hồi và phát triển nhanh chóng từ khi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) nắm quyền năm 2002. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên sáng lập của OECD và G-20. Năm 1995, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp định Liên minh thuế quan với EU. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tiếp tục tiến trình xin gia nhập EU bắt đầu từ năm 2005, nhưng do căng thẳng giữa hai bên nên tiến trình này tương đối chậm và khó khăn. Tăng trưởng GDP trung bình từ năm 2010-2016 của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 6,7% (theo Eurostat).
Trong 3 năm trở lại đây, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều khó khăn do các biến động an ninh chính trị trong và ngoài nước (đảo chính, khủng bố, bầu cử liên miên…). Tuy nhiên, năm 2017, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước phát triển khả quan từ các gói kích thích tăng trưởng của chính phủ (năm 2017 tăng trưởng GDP đạt 7,4%), nhưng cùng với đó là những dấu hiệu bất ổn của sự phát triển quá nóng của kinh tế vĩ mô (tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp hai con số, đồng lira trượt giá sâu, thâm hụt ngân sách cao…).
Các chỉ số cơ bản của kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ (từ 2015 đến 2017)
Đơn vị tính: %
Một số ngành kinh tế trọng điểm
Năm 2016, cơ cấu GDP của Thổ Nhĩ Kỳ 2 là dịch vụ chiếm 64,3%, công nghiệp 27,1% (trong đó ngành xây dựng chiếm hơn 6%) và nông nghiệp: 8,6%.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực: sản phẩm nông nghiệp, dệt may, phương tiện ô tô, đóng tàu và các trang thiết bị giao thông khác, vật liệu xây dựng, điện tử và gia dụng.
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư:
Về thương mại, số liệu trong 3 năm gần đây như sau: năm 2017 xuất khẩu 157,1 tỷ USD, nhập khẩu 234,2 tỷ USD; năm 2016 xuất khẩu 142,5 tỷ USD, nhập khẩu 198,6 tỷ USD; năm 2015 xuất khẩu 143,9 tỷ USD, nhập khẩu 207,2 tỷ USD.
Năm 2016, các đối tác xuất khẩu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Đức (9,8%), Anh (8,2%), Iraq (5,4%), Ý (5,3%), Mỹ (4,7%); đối tác nhập khẩu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Trung Quốc (12,8%), Đức (10,8%), Nga (7,6%), Mỹ (5,5%), Ý (5,1%). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Thổ là xe cộ, máy móc, đá quý và kim loại quý, quần áo, sắt thép, đồ điện tử, nhiên liệu… Các mặt hàng nhập khẩu chính là: nhiên liệu, máy móc, điện tử, đá quý và kim loại quý, xe cộ, sắt thép, hóa chất, dược phẩm… Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên minh thuế quan, đã ký FTA với 28 nước trên thế giới (trong đó châu Á có Hàn Quốc, Singapore và Malaysia).
Về đầu tư, năm 2017 Thổ Nhĩ Kỳ thu hút 10,9 tỷ USD FDI, năm 2016 là 12,3 tỷ USD, năm 2015 đạt 16,8 tỷ USD. Các nước đầu tư chính năm 2017 là: Hà Lan (23,8%), Tây Ban Nha (19,5%), Azerbaijan (13,6%), Áo (4,4%), Anh (4,4%), Đức (4%), Nhật (4%), Bỉ (3%), Mỹ (2,3%). Các lĩnh vực đầu tư chính: tài chính và bảo hiểm, giao thông và kho trữ, sản xuất, năng lượng, xây dựng.
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư:
Định hướng lớn trong chính sách thương mại đầu tư:
Trong 5 năm vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn là một nước nhập siêu, với thâm hụt cán cân thương mại năm 2013 lên tới 79,9 tỷ USD. Những năm tiếp theo đến trước năm 2017 có xu hướng giảm dần do tình hình chính trị và kinh tế trong nước bất ổn, tuy nhiên đến cuối năm 2017 (và đầu năm nay) nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước hồi phục, nhập khẩu tăng dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại năm 2017 là 58,9 tỷ USD.
Do đó, định hướng chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện trong những năm qua là đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tăng cường quan hệ ngoại giao kinh tế , ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), gia tăng các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, đồng thời hạn chế nhập khẩu bằng nhiều biện pháp. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước tích cực dùng các biện pháp phòng vệ thương mại (như điều tra đánh thuế chống bán phá giá, điều tra tự vệ, điều tra lẩn thuế chống bán phá giá), bên cạnh đó nước này cũng tăng thuế nhập khẩu dưới hình thức áp đặt thuế nhập khẩu bổ sung với mức thuế từ mức hiện tại lên bằng mức nằm trong cam kết của nước này với WTO (do đó không vi phạm các cam kết quốc tế). Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sử dụng nhiều biện pháp khác như biện pháp xác định giá trị hải quan (tương tự áp giá tối thiểu), tính thuế trên trọng lượng tổng (thay vì trọng lượng tịnh)… Tất cả các biện pháp này nhằm tăng thuế nhập khẩu nhưng không gây phản ứng, trả đũa của các đối tác thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với nhiều mặt hàng, trong đó bao gồm nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam; mức thuế bổ sung nâng lên bằng mức cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ WTO do đó hầu hết các nước bị áp dụng không có động thái phản ứng. Tuy nhiên, đáng lưu ý là biện pháp này không áp dụng với các nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Thổ Nhĩ Kỳ.
Về các đối tác thương mại ưu tiên:
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay chủ yếu xuất khẩu hàng hóa đi các đối tác chính, gồm Đức, UAE, Anh, Iraq, Hoa Kỳ, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và một số đối tác khác. Ngược lại, thị trường nhập khẩu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Trung Quốc, Đức, Nga, Hoa Kỳ, Ý, Pháp.
Theo nguyên tắc tối huệ quốc của WTO, Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra danh sách các đối tác thương mại ưu tiên, tuy nhiên các đối tác thương mại chính của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là các nước châu Âu do sự gần gũi về địa lý và tính bổ sung của các nền kinh tế. Do không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phải nhập khẩu các loại nhiên liệu và sản phẩm từ hóa dầu cũng như các loại nguyên liệu sản xuất khác … Ở chiều xuất khẩu, Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo.
Về các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên:
Về đầu tư, đối tác đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ kể cả FDI và đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là các nước châu Âu, nhất là Hà Lan và Anh; ngoài ra, Đức, Pháp, Ý, các nước EFTA, Hoa Kỳ, các quốc gia Trung Đông và một số quốc gia khác như Nga cũng là đối tác đầu tư lớn của Thổ. Các lĩnh vực đầu tư chính bao gồm khai khoáng, chế biến chế tạo, các ngành dịch vụ đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm và tài chính, dịch vụ cung ứng điện, nước, khí.
Trong “Chương trình khuyến khích đầu tư mới” của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, một số lĩnh vực đã được xác định là “ưu tiên” và những hỗ trợ đặc biệt đã được ban hành cho các khoản đầu tư trong các lĩnh vực này”. Các lĩnh vực đầu tư sau sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ bao gồm:
- Đầu tư vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường biển.
- Đầu tư đường sắt cho vận chuyển hàng hóa, hành khách nội thành của khu vực tư nhân và đầu tư đường sắt để vận tải hàng hóa nội thành.
- Trung tâm thử nghiệm, đường hầm gió và các khoản đầu tư của lĩnh vực này (cho ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ hoặc quốc phòng).
- Đầu tư vào lưu trú du lịch có thể hưởng lợi từ sự hỗ trợ của khu vực trong các khu bảo tồn và phát triển văn hóa và du lịch hoặc trong lĩnh vực du lịch nước khoáng nóng.
- Đầu tư triển lãm quốc tế với diện tích trưng bầy tối thiểu năm mươi mét vuông (không bao gồm cơ sở lưu trú và trung tâm mua sắm).
- Đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng được thực hiện trên cơ sở phê duyệt dự án từ Cục Công nghiệp quốc phòng.
- Đầu tư thăm dò khoáng sản và / hoặc đầu tư chế biến khoáng sản (trừ mỏ nhóm I và đầu tư đá dăm theo quy định tại Luật Khai thác ngày 4/6/1985 và số 3213 và đầu tư khai thác và / hoặc chế biến tại tỉnh Istanbul).
- Nhà trẻ và nhà giữ trẻ được thực hiện bởi khu vực tư nhân và các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
- Đầu tư sản xuất sản phẩm hoặc bộ phận phát triển trên cơ sở các dự án AR-GE được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học, Công nghiệp và Công nghệ, TUBITAK và KOSGEB.
- Đầu tư với số tiền tối thiểu là 300 triệu TL để sản xuất xe cơ giới, đầu tư động cơ với số tiền tối thiểu là 75 triệu TL và đầu tư vào các bộ phận / linh kiện động cơ và điện tử ô tô tối thiểu là 20 triệu TL.
- Đầu tư phát điện trong đó các mỏ thuộc nhóm 4-b Điều 2 Điều 3213 của Bộ luật Khai thác số 3213 được sử dụng làm đầu vào theo giấy phép khai thác và giấy phép khai thác hợp lệ do Bộ Năng lượng và Tài nguyên cấp.
- Ngoại trừ “Các khoản đầu tư không thể đáp ứng” trong Phụ lục 4, Bộ Năng lượng và Tài nguyên sẽ yêu cầu ít nhất 20% cho mỗi sản phẩm được thực hiện tại các cơ sở sản xuất hiện có với mức tiêu thụ năng lượng hàng năm ít nhất 500 tấn xăng dầu, đầu tư hiệu quả năng lượng với thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.
- Đầu tư phát điện từ các nguồn nhiệt thải (trừ các cơ sở phát điện khí tự nhiên) thông qua việc thu hồi nhiệt thải tiêu chuẩn.
- Đầu tư khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và đầu tư kho chứa khí tự nhiên dưới lòng đất tối thiểu là 50 triệu TL.
- Đầu tư sản xuất vật liệu composite sợi carbon, có hoặc không có sản xuất sợi carbon.
- Đầu tư sản xuất sản phẩm trong hạng công nghiệp công nghệ cao theo định nghĩa về mật độ công nghệ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) (US-97 Mã số: 2423, 30, 32, 33 và 353).
- Đầu tư thăm dò khoáng sản được thực hiện trên các trang web được cấp phép của nhà đầu tư có Giấy phép Tìm kiếm hợp lệ hoặc Giấy chứng nhận được quy định phù hợp với Luật Khai thác.
Về các FTAs chính đang tham gia.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp tục đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU) về nâng cấp Hiệp định Liên minh Thuế quan để mở rộng sang một số lĩnh vực như nông nghiệp và mua sắm. Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của WTO từ năm 1995, ngoài ra đã tham gia ký kết các hiệp định đa phương như Tổ chức hợp tác Kinh tế, UNCTAD, Tổ chức hợp tác kinh tế vùng Biển đen (BSEC), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Phòng Thương mại quốc tế (ICC)…
Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết FTA với các nước như Albania, Bosnia-Herzegovina, Chile, các nước EFTA, Ai Cập, Grudia, Israel, Jordan, Macedonia, Malaysia, Mauritius, Moldova, Montenegro, Morocco, Palestine, Serbia, Hàn Quốc và Tunisia. Ngoài ra, FTA với Lebanon, Kosovo, Singapore và Faroe Islands đang trong quá trình phê chuẩn. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục xúc tiến đàm phán và ký kết các FTA với các quốc gia khác, trong đó khu vực ASEAN có Thái Lan và Indonesia. Như vậy, đến nay Thổ Nhĩ Kỳ đã ký FTA với 23 nước, trong đó 19 FTAs đã và đang có hiệu lực; đang đàm phán FTAs với 17 nước và dự kiến sẽ đàm phán với 10 nước, trong đó có Việt Nam.
Tổng cộng, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký FTA với các quốc gia có dân số 326 triệu người, quy mô kinh tế 4,2 nghìn tỷ và một thị trường nhập khẩu 1,5 nghìn tỷ đô la theo các số liệu năm 2016. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ cho các đối tác FTA khoảng 17 tỷ $ (số liệu 2017). Thị phần của FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 11,1% và 10,5%.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập một Nhóm làm việc với Vương quốc Anh do Brexit để duy trì cơ cấu tiếp cận thị trường song phương hiện tại trong ngắn hạn, và thiết lập một FTA sâu và toàn diện trong trung và dài hạn.
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng
Về các biện pháp phòng vệ thương mại sử dụng nhiều nhất:
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ thường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, điều tra chống lẩn thuế chống bán phá giá, thuế nhập khẩu bổ sung và điều tra tự vệ đối với một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, cụ thể:
- Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang áp đặt thuế chống bán phá giá qua 12 vụ việc với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm: (1) Sợi dún Polyester (PTY); (2) Tấm ván ép (gỗ dán veneer); (3) Săm và Lốp xe đạp; (4) Săm và Lốp xe máy; (5) Ống thép không gỉ hàn; (6) Đá hoa cương; (7) Tấm nhựa Tarpaulin làm từ polyethilene / polypropilen; (8) Sợi xơ polyester (xơ sợi dài); (9) Băng chuyền có mặt cắt ngang hình thang; (10) Máy điều hòa không khí gắn tường; (11) Bật lửa ga (12) sợi định hướng một phần (POY). Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành điều tra chống bán phá giá với mặt hàng dây hàn làm bằng kim loại thường (dùng để hàn hồ quang điện) thuộc mã HS 8311.20.00.00.00. (danh sách chi tiết tải về tại đây)
- Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tiến hành điều tra chống lẩn thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng đá hoa cương, tấm ván ép (gỗ dán), ống thép không rỉ do nghi ngờ nhập khẩu từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp đầy đủ thông tin và chứng minh được hàng xuất khẩu được sản xuất tại các công ty này không bị áp dụng biện pháp chống lẩn thuế chống bán phá giá. Ngoài ra các doanh nghiệp khác sẽ bị áp dụng với mức thuế chống bán phá tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ các nước cũng đang bị áp đặt thuế chống bán phá giá, thường là Trung Quốc. Quyết định cuối cùng của các cuộc điều tra này đều áp đặt thuế chống bán phá giá với hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngoại trừ một số ít các doanh nghiệp tham gia cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi định hướng một phần (POY) cho dù Việt Nam không xuất khẩu mặt hàng này sang Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn điều tra. Trong vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng biện pháp tạm thời áp dụng là 36,28% đối với Việt Nam và vừa ra quyết định áp thuế nhập khẩu 8% với tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam từ ngày 21/6/2018.
- Thổ Nhĩ Kỳ cũng áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung đối với rất nhiều mặt hàng từ năm 2015, gần đây nhất mở rộng thêm mặt hàng săm lốp xe thuộc nhóm mã HS 4011 với mức thuế không vượt mức trần thuế quan của Thổ Nhĩ Kỳ cam kết trong khuôn khổ WTO. Hơn nữa, với mặt hàng săm lốp xe Thổ Nhĩ Kỳ cũng áp dụng phương pháp đánh thuế tính trên trọng lượng cả bao bì thay vì tính trên trọng lượng tịnh.
- Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thường khởi xướng các cuộc điều tra tự vệ đối với một số sản phẩm khác của Việt Nam như mặt hàng điện thoại di động (Thương vụ đã đề xuất kịp thời biện pháp xử lý phù hợp góp phần ngăn chặn được vụ điều tra tự vệ này), kem đánh răng và hiện nay nước này đang khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Về các hàng rào kỹ thuật chính đối với thương mại:
Do Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của WTO và có Liên minh Thuế quan với EU do đó các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng giống như các nước EU và tuân thủ các quy định của WTO về hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể không chặt chẽ như các nước EU.
Về các đối tác và mặt hàng bị áp dụng nhiều nhất các biện pháp trên:
Liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại, Trung Quốc là quốc gia bị Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với 64 vụ việc tính đến thời điểm giữa năm 2018
Về số lượng các vụ kiện ra WTO, các đối tác và mặt hàng bị kiện
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiện 4 vụ ra Cơ quan xử lý tranh chấp (DSB) của WTO và bị các nước kiện ra WTO 9 vụ việc, bên cạnh đó Thổ Nhĩ Kỳ là bên thứ ba liên quan của 77 vụ việc.
Cụ thể, các vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ kiện các nước ra DSB của WTO bao gồm:
- DS211: Ai Cập – Các biện pháp chống bán phá giá đối với thép cây từ Thổ Nhĩ Kỳ
- DS288: Nam Phi – Các biện pháp chống bán phá giá đối với nguyên liệu làm chăn len từ Thổ Nhĩ Kỳ
- DS513: Morocco – Các biện pháp chống bán phá giá đối với một số thép cán nóng từ Thổ Nhĩ Kỳ
- DS523: Hoa Kỳ – Các biện pháp đối kháng trên một số sản phẩm ống thép và ống thép cỡ lớn (Thổ Nhĩ Kỳ)
Các vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bị kiện ra WTO bao gồm:
- DS29: Thổ Nhĩ Kỳ – Hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dệt may và quần áo
- DS34: Thổ Nhĩ Kỳ – Hạn chế nhập khẩu hàng dệt may
- DS43: Thổ Nhĩ Kỳ – Thuế thu nhập phim nước ngoài
- DS47: Thổ Nhĩ Kỳ – Hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dệt may
- DS208: Thổ Nhĩ Kỳ – Chống bán phá giá đối với phụ kiện đường ống thép và sắt
- DS237: Thổ Nhĩ Kỳ – Một số thủ tục nhập khẩu cho trái cây tươi
- DS256: Thổ Nhĩ Kỳ – Nhập khẩu về thức ăn cho vật nuôi từ Hungary
- DS334: Thổ Nhĩ Kỳ – Các biện pháp ảnh hưởng đến việc nhập khẩu gạo
- DS428: Thổ Nhĩ Kỳ – Các biện pháp tự vệ về nhập khẩu sợi bông (trừ chỉ khâu)
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Thương mại:
Theo số liệu thống kê của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2013 đến hết năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ như sau:
Đơn vị tính: USD
Nguồn: TUIK
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, xơ sợ dệt các loại, máy móc, thiết bị, cao su, hàng dệt may, giày dép các loại, hạt tiêu, phương tiện vận tải và phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, chất dẻo nguyên liệu, chè, gạo và sắt thép các loại. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ các sản phẩm sau: máy móc thiết bị, vải các loại, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, quặng và khoáng sản khác, sản phẩm từ chất dẻo và sắt thép các loại.
Đầu tư
Lũy kế đến năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ có 18 dự án đầu tư (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 708,22 triệu USD, đứng thứ 28 trong các nước/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tụt 2 bậc so với năm 2016 và 3 bậc so với năm 2015. Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tham gia đầu tư vào các lĩnh vực: dệt may, giáo dục, viễn thông, du lịch… Hiện nay, có một số doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đầu tư và xây dựng khu công nghiệp tại Việt Nam. Hiện Việt Nam chưa có dự án đầu tư nào tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Các thỏa thuận đã ký kết:
Hiệp định hợp tác thương mại, kinh tế và kỹ thuật (1997); Nghị định thư về hợp tác kinh tế và thương mại; Thỏa thuận miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao (1998); Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học và giáo dục (1999); Nghị định thư về hợp tác nông nghiệp; Hiệp định khung về hợp tác khoa học kỹ thuật và môi trường (2000); Hiệp định hợp tác du lịch (8/2004); Thỏa thuận Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (6/2005); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, đặc biệt; Hiệp định về hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép chất ma túy, các chất hướng thần và các loại tội phạm khác (2007); Thỏa thuận hợp tác giữa hai phòng Thương mại và Công nghiệp và thành lập Hội đồng kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ – Việt Nam (2009); MOU về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn (2011); Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư (1/2014); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2014), Hiệp định hợp tác hàng không, Hiệp định vận tải biển (4/2015); Thỏa thuận về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan (8/2017), Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực khu tự do/khu chế xuất/khu kinh tế/khu kinh tế đặc biệt (8/2017), Kế hoạch triển khai hợp tác 2017-2018 giữa Viện Tiêu chuẩn Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam (8/2017).
Du lịch
Lĩnh vực du lịch có tiềm năng to lớn đối với doanh nghiệp hai nước. Hiện TUIK không có số liệu cụ thể về lượng khách du lịch giữa hai nước. Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam được đưa vào nhóm “các nước Nam Á khác”. Năm 2017, số lượng khách đến từ nhóm nước này đạt gần 50.000 lượt, tăng gần 50% so với năm 2016 (khoảng gần 9.800 lượt). Năm 2017, lượng khách từ một số nước ASEAN đến Thổ Nhĩ Kỳ như sau: Indonesia (gần 9.300 lượt), Philippines (hơn 5.600 lượt), Malaysia (8.200 lượt), Singapore (gần 1.900 lượt), Thái Lan (hơn 3.000 lượt). Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong năm 2016 có khoảng 3.200 lượt công dân Việt Nam nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ . 11 tháng đầu năm 2017 con số này là khoảng 3.900 lượt.
Các doanh nghiệp vẫn đang tích cực tổ chức đưa khách du lịch qua lại và một số doanh nghiệp như Viettravel, Traveshop Turkey đã đưa khách Việt Nam sang thăm Thổ Nhĩ kỳ nhưng tâm lý của khách du lịch từ Việt Nam còn lo ngại về an toàn. Khách du lịch từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Việt Nam cũng chưa nhiều cho dù đã có đường bay thẳng hàng ngày từ Istanbul đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay có dân số hơn 80 triệu người; người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất tò mò về các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, nếu doanh nghiệp ta tận dụng được thị trường còn chưa khai phá này thì việc du hút khách Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một đột phá cho việc phát triển các thị trường du lịch mới.
Nông sản và thực phẩm từ nông sản
Các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ từ 600.000 USD trở lên trong năm 2016-2017 gồm có: cao su, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, sản phẩm từ cao su, gạo và chè. Các mặt hàng này chiếm tỷ trọng gần 4% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 và 3,3% năm 2017. Như vậy, mặt hàng nông lâm thủy sản hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Mặc dù vậy, đây cũng là một lĩnh vực tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Có một thực tế là thói quen và ẩm thực của Thổ Nhĩ Kỳ rất khác so với Việt Nam, và người Thổ Nhĩ Kỳ cũng tương đối “bảo thủ” trong ăn uống, do đó doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ thường ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng nông sản gần với thị hiếu từ các nước láng giềng hoặc châu Âu. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhập khẩu các sản phẩm nông sản và thực phẩm của Thái Lan (gạo, nước cốt dừa, nước mắm, tương ớt, me khô, bánh phở… ), Trung Quốc (bưởi, xì dầu… ), Nam Mỹ (chuối… ). Đối với Việt Nam, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ thường nhập khẩu nông sản thô để dùng chế biến tại Thổ Nhĩ Kỳ (tiêu, quế, bột cơm dừa… ). Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thị trường này để tăng cường xuất khẩu các nông sản ưu việt của ta (như hoa quả nhiệt đới, gạo, bún/phở/miến… ) hiện vẫn chưa có mặt tại thị trường này.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có một nền nông nghiệp công nghệ cao rất phát triển. Mặc dù đa phần địa hình đất đai cằn cỗi nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều vùng trồng rau, cây ăn quả, nuôi trồng thủy hải sản cho sản lượng cao, nhiều sản phẩm nổi tiếng xuất khẩu sang Nga và châu Âu. Các loại nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ như nho xanh không hạt, cherry, dâu tây, mận… rất tươi ngon và có giá thành thấp. Các địa phương và doanh nghiệp ta có thể cử đoàn sang giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và học tập về nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời có thể cân nhắc khả năng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp sạch của Thổ với giá thành thấp hơn các nước khác (Mỹ, Úc, Nhật… ).
Lao động
Hiện nay, số lượng lao động Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ không nhiều, khoảng trên 200 lao động Việt Nam đang làm việc tập trung tại dự án xây dựng sân bay thứ ba tại Istanbul (một dự án lớn dự kiến khai trương vào tháng 10/2018 sắp tới); ngành nghề chính là lái xe công trình và thợ mộc. Ngoài ra, có các đầu bếp làm việc nhỏ lẻ tại các nhà hàng và khu nghỉ dưỡng tại các tỉnh phía Nam giáp biển Địa Trung Hải. Nhưng, do tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao hai con số nên Thổ Nhĩ Kỳ không khuyến khích đưa lao động nước ngoài sang làm việc, ngoại trừ tham gia xây dựng sân bay thứ ba tại Istanbul.
Tuy nhiên, ngành thầu xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ rất phát triển với nhiều dự án tại nước ngoài. Riêng ngành xây dựng với các dự án ở các nước thứ ba (chủ yếu là các nước láng giềng và trong khu vực Trung Đông) đã đóng góp hơn 6% cho GDP Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, các hiệp hội và doanh nghiệp về xuất khẩu lao động của ta có thể cân nhắc khả năng hợp tác với các doanh nghiệp thầu xây dựng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, thúc đẩy đưa lao động của ta sang các công trình ở nước thứ ba.
Ẩm thực Việt Nam
Hiện nay, trên toàn đất nước Thổ Nhĩ Kỳ chưa có nhà hàng chuyên về ẩm thực Việt Nam. Chỉ có một số đầu bếp Việt Nam làm việc tại các nhà hàng ở các khu nghỉ dưỡng ven biển, phụ trách nấu cả các món Thổ – Âu – Á. Số lượng các nhà hàng châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… ) tại Thổ cũng không nhiều. Nguyên nhân là do người Thổ chỉ ưa chuộng ẩm thực địa phương, không cởi mở với ẩm thực nước ngoài. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp ta mạnh dạn, tìm cách khai thác và tiếp cận thị trường, có kế hoạch quảng bá và phát triển tốt thì rất có khả năng tạo đột phá trong lĩnh vực này. Ẩm thực Việt Nam được đông đảo khách du lịch và người nước ngoài sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ rất mến mộ, nên cơ hội quảng bá và tạo ảnh hưởng tại Thổ Nhĩ Kỳ và các nước lân cận là rất khả quan.
Công nghệ
Thổ Nhĩ Kỳ rất chú trọng khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo và phát triển công nghệ, trong đó chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có một chiến lược lớn về phát triển đô thị thông minh. Nhiều doanh nghiệp được khuyến khích khởi nghiệp với các công nghệ thông minh phục vụ cho đô thị hiện đại (phần mềm cập nhật thu gom rác tự động, hệ thống cảnh báo điểm nghẽn tắc đường, hệ thống chiếu sáng thông minh…). Một số doanh nghiệp Thổ đã bán được các dự án này cho chính phủ/địa phương nước ngoài. Có doanh nghiệp đã đặt trụ sở tại Đông Nam Á (Singapore) và đang tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác để đầu tư (trong đó có Việt Nam). Các địa phương và doanh nghiệp của ta nên tận dụng cơ hội trao đổi và học hỏi về chiến lược này của Thổ Nhĩ Kỳ, cân nhắc kêu gọi doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào Việt Nam để ta có thể áp dụng các công nghệ mới đối với các đô thị Việt Nam trong thời đại 4.0.
Tổng quan
Các quy định về xuất nhập khẩu:
Vào ngày 31 tháng 12 hàng năm, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ra công báo về Quy chế nhập khẩu với các nội dung có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 1 năm kế tiếp. Trong Quy chế này sẽ bao gồm các Quy định cập nhật về nhập khẩu hàng hóa vào Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng hạn, trong công báo Quy chế nhập khẩu ngày 31/12/2017, Việt Nam đã bị đưa ra khỏi danh sách các quốc gia được hưởng GSP dành cho các nước đang phát triển, vì vậy, thuế suất nhập khẩu hiện nay đối với hầu hết hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam cao hơn từ 5-7% so với trước kia. Mức thuế cụ thể có thể tra trên trang web của Bộ thương mại và hải quan Thổ Nhĩ Kỳ (https://english.gtb.gov.tr). Ngày 10/7/2018 vừa qua Thổ Nhĩ Kỳ đã lập nội các mới, theo đó Bộ Kinh tế và Bộ Thương mại và Hải quan được nhập lại với nhau thành Bộ Thương mại.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn áp dụng Luật Hải quan số 4458 ngày 27/10/1999 để xác định nguồn gốc xuất xứ của các hàng hóa nhập khẩu để áp dụng thuế suất đối với từng loại mặt hàng.
Các quy định khác của Thổ Nhĩ Kỳ thường áp dụng theo các tiêu chuẩn châu Âu, trong đó, thông tin về quyền sở hữu trí tuệ và các quy định liên quan có thể tham khảo tại website của Phòng thương hiệu và sáng chế Thổ Nhĩ Kỳ (http://www.turkpatent.gov.tr/TURKPATENT/?lang=en).
Chính sách thuế và thuế suất
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của WTO kể từ ngày 26 tháng 3 năm 1995 và là thành viên của GATT kể từ ngày 17 tháng 10 năm 1951. EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã được liên kết bởi thỏa thuận Liên minh Hải quan từ năm 1995. Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng thuế quan chung của Liên minh thuế quan (CET) cho hàng công nghiệp và thuế tối huệ quốc (MFN) cho các sản phẩm phi nông nghiệp thấp, trung bình 5%. Tuy nhiên, sự cởi mở tương đối này không được phản ánh trong cam kết WTO của Thổ Nhĩ Kỳ vì đã để lại 66,5% các dòng thuế phi nông nghiệp, và mức trung bình đơn giản trên các dòng thuế mà Thổ Nhĩ Kỳ có cam kết ràng buộc là 17,4%. Chế độ nhập khẩu cho hàng công nghiệp thậm chí còn cởi mở hơn CET cho thấy, khi Liên minh Hải quan và các hiệp định thương mại tự do cung cấp quyền truy cập miễn thuế cho nhiều đối tác thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng mở hạn ngạch thuế quan đối với hàng phi nông nghiệp, Chương trình Khuyến khích đầu tư quy định về thuế và thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, nhà xuất khẩu hưởng lợi từ kế hoạch chế biến nội địa và “danh sách tạm ngừng” nhập một số nguyên vật liệu và đầu vào trung gian với mức thuế suất thấp hoặc miễn thuế.
Mặc dù các điều khoản pháp lý cho phép Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tăng tỷ lệ MFN áp dụng khi những điều này được coi là không đủ để cung cấp sự bảo hộ “đầy đủ” cho các ngành công nghiệp trong nước, Quy chế Nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên Nghị định Quy chế Nhập khẩu ban đầu được đăng trên Công báo ngày 31 tháng 12 hàng năm. Vào cuối mỗi năm, nghị định này được sửa đổi bởi Nghị định bổ sung quy định chi tiết chế độ của năm sắp tới. Vào đầu mỗi năm, các danh mục Hiển thị thuế hải quan, quỹ nông nghiệp và các quỹ khác được áp dụng cho hàng nhập khẩu (Danh mục I, II, III, IV, V, VI) được ban hành trong Công báo theo quy định của Nghị định này.
Các phát triển trong lĩnh vực hải quan kể từ lần đánh giá gần đây nhất của WTO bao gồm: một bản khai báo tóm tắt trước khi đến; phát triển một ứng dụng một cửa sổ (hiện bao gồm 13 tổ chức); triển khai dự án thí điểm “một cửa” cho các vị trí biên giới trên cạn; và việc triển khai chương trình Nhà điều hành Kinh tế được Ủy quyền (AEO) là một chương trình hỗ trợ thương mại cho các công ty được chứng nhận AEO.
Các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục là một công cụ chính sách quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vì nó là một trong những biện pháp tự vệ và chống bán phá giá chính của WTO.
Phụ phí hải quan bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) được tính trên hầu hết hàng nhập khẩu, cũng như hàng hóa, dịch vụ trong nước. Nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm thanh toán VAT. Thuế GTGT được tính trên cơ sở Phí bảo hiểm hàng hóa (CIF) cộng với thuế suất và mọi khoản phí áp dụng khác được tính trước khi hàng hóa được thông quan. Thuế VAT đối với hầu hết các sản phẩm nông nghiệp (thực phẩm cơ bản) dao động từ 1% đến 8% và có thể lên đến 18% đối với một số sản phẩm chế biến. Hàng hóa vốn, một số nguyên vật liệu, nhập khẩu của các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, và các sản phẩm đầu tư với giấy chứng nhận khuyến khích được miễn lệ phí nhập khẩu.
Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào thuế nội bộ đối với hàng hóa và dịch vụ để tăng doanh thu của chính phủ, thay vì thuế thương mại như thuế hải quan. Thuế GTGT của Thổ Nhĩ Kỳ và thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) không phân biệt giữa hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước, về nguyên tắc. Tuy nhiên, như SCT về đồ uống có cồn thay đổi đáng kể tùy thuộc vào loại sản phẩm. Hệ thống thuế có tiềm năng ưu tiên tiêu thụ một số sản phẩm liên quan đến các sản phẩm khác. Các sản phẩm khác bị ảnh hưởng bởi SCT bao gồm các sản phẩm dầu mỏ, phương tiện cơ giới, máy bay, tàu thuyền và hàng tiêu dùng lâu bền. Thuế GTGT được áp dụng theo tỷ lệ chung là 18%, nhưng mức giảm (8% và 1%) được áp dụng cho một số hàng hóa và dịch vụ và một số loại giao dịch nhất định được miễn thuế. VAT cùng SCT cung cấp hơn một nửa doanh thu của chính phủ.
Cả nhập khẩu và xuất khẩu đều phải chịu một số biện pháp biên giới ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các lệnh cấm hoàn toàn, cấp phép, kiểm soát và hạn chế. Mười một loại hàng hóa phải chịu giấy phép nhập khẩu và 26 loại yêu cầu giấy phép xuất khẩu. Về phía xuất khẩu, Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về cấm hoặc kiểm soát hàng hóa chiến lược và có quy định về kiểm tra chất lượng xuất khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp nhất định.
Quy định về bao bì, nhãn mác
Tất cả các kiện hàng, bao bì và kiện phải có nhãn hiệu, số, kích thước và tổng trọng lượng của hàng hóa.
Các gói hàng cùng với vận đơn đi kèm đối với hàng hóa được vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ phải được đánh dấu “Hàng quá cảnh”. Tất cả hàng hóa vào Istanbul hoặc bất kỳ cảng nhập cảnh nào khác ở Thổ Nhĩ Kỳ (Ankara, Iskenderun, Izmir, Antalya, Mersin, Sinop, Samsun và Trabzon) sẽ được thông quan thông qua hải quan và sẽ phải thanh toán đầy đủ các khoản thuế trừ khi các gói và vận đơn được đánh dấu “Hàng quá cảnh”. Hàng hóa được đánh dấu “Hàng quá cảnh” có thể được xóa để nhập cảnh và tái phân phối.
Mặc dù chưa phải là thành viên EU, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện đầy đủ nhiều chỉ thị đánh dấu CE của Châu Âu. Các công ty bán cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ phải gửi bằng chứng tuân thủ (CE Mark) bằng cách cung cấp chứng nhận hợp chuẩn từ cơ quan được thông báo hoặc tuyên bố về sự phù hợp của nhà sản xuất, tuyên bố phù hợp với tất cả các tiêu chuẩn có liên quan và phụ lục chỉ thị. Việc khai báo sự phù hợp phải đề cập đến chỉ thị áp dụng, tên của nhà sản xuất hoặc người đại diện được ủy quyền của mình, tên của cơ quan được thông báo (nếu có), thông tin sản phẩm và tham chiếu các tiêu chuẩn hài hòa. Nếu cơ quan được thông báo cũng tham gia vào quá trình này, giấy chứng nhận kiểm tra loại cũng phải được nộp. Tài liệu kỹ thuật là một hồ sơ bao gồm sổ tay hướng dẫn sử dụng, thông số kỹ thuật sản phẩm, bản vẽ kỹ thuật và các tiêu chuẩn được áp dụng theo các chỉ thị thích hợp và các phụ lục tương ứng. Mặc dù nó có thể không được thực thi bởi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với mọi sản phẩm nhập khẩu có dấu CE, các nhà sản xuất được cho là đã chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật.
Quyền sở hữu trí tuệ
Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình đàm phá gia nhập EU do đó các quy định về quyền sở hữu trí tuệ của WTO mà EU thực hiện cũng được Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện. Chi tiết theo dõi trong website dưới đây:
https://ec.europa.eu/growth/industry/intellectual-property_en
Tập quán kinh doanh
Văn hóa doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng trên sự tin tưởng và quen biết; điều quan trọng là dành thời gian để thiết lập các mối quan hệ cá nhân với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ để thành công trong kinh doanh tại đây. Sắp xếp các cuộc hẹn trước, tốt nhất là tránh tháng ăn chay (Ramadan) của người Hồi giáo, và các tháng lễ chính của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Bảy và tháng Tám. Vì hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ đều là những người Hồi giáo mộ đạo nên các buổi họp nên được sắp xếp hài hòa với năm lần cầu nguyện Hồi giáo hàng ngày. Hãy chắc chắn đến đúng giờ, vì người Thổ Nhĩ Kỳ đặt tầm quan trọng cao vào đúng giờ.
Trang phục kinh doanh bình thường là kín đáo và khiêm tốn. Đàn ông nên mặc quần áo vest, mặc dù áo jacket và vest thường được bỏ trong thời tiết nóng. Phụ nữ cũng nên mặc bộ đồ kinh doanh hoặc trang phục thông minh, không hở hang.
Lời chào kinh doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ là một cái bắt tay vững chắc với ánh mắt tiếp xúc thiện chí. Nếu là bắt tay giữa hai người khác giới, đàn ông nên chờ phụ nữ đưa tay ra trước. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đứng gần người bạn đang nói chuyện là điều bình thường.
Dùng nghề nghiệp của đối tác để gọi là điều bình thường, chẳng hạn như Bác sĩ hoặc Luật sư, bạn nên gọi mọi người bằng cách sử dụng “Mr” hoặc “Mrs” cùng với tên của họ, hoặc “bey” (Mr) hoặc “hanim” ( Mrs) bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Danh thiếp thường được trao đổi trong cuộc họp; bạn nên đưa và nhận danh thiếp bằng cả hai tay, và lý tưởng là danh thiếp của bạn được dịch sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở một bên.
Thường khởi đầu cuộc họp bằng những câu chuyện bên ngoài, có thể bao gồm thảo luận về các chi tiết cá nhân hoặc gia đình, vì đây là một phần quan trọng trong quá trình tìm hiểu đối tác.
Việc nêu ý kiến phải rõ ràng và hợp lý, nhấn mạnh không chỉ các lợi ích tài chính mà còn bất kỳ lợi thế nào khác cho các đối tác. Sử dụng tốt các thiết bị hỗ trợ trực quan như đồ thị và biểu đồ, phổ biến với người Thổ.
Các cuộc họp tương đối không quá trịnh trọng và không bó cứng và có thể kéo dài. Người Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào một số nhiệm vụ khác nhau cùng một lúc là thực tế bình thường, vì vậy cuộc họp của bạn có thể bị gián đoạn nhiều lần.
Việc ra quyết định có thể rất chậm, đặc biệt khi các nhà đàm phán có thể phải hỏi ý kiến các nhà quản lý cấp cao. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải kiên nhẫn để không gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán.
Kinh doanh thường được thảo luận vào bữa ăn tối tại nhà hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nó là bình thường là chủ nhà để trả tiền, và mời lại vài ngày sau đó là thích hợp.
Bạn không cần phải trao đổi quà tặng trong văn hóa doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nếu bạn quyết định tặng một món quà lưu niệm ít tiền của công ty, hoặc một cái gì đó gắn với logo công ty là thích hợp.
Nếu được mời đến một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, có thể tặng hoa, sôcôla. Rượu có thể mang đến nếu chắc chắn chủ nhà chấp nhận đồ uống.
Tại Việt Nam
Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền – Hà Nội
Điện thoại: +84.24. 73037898
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ – Bộ Công Thương
Địa chỉ: Nhà B, 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: +84 (0)24 2220 5380, +84 (0)24 2220 5381, +84 (0)24 2220 5382
Fax: +84 (0)24 2220 5376, +84 (0)24 2220 2525
Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam
Địa chỉ: Số 4 Dã Tượng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tel: 024 3822 2460
Fax: +844-822-2458
Email: embassy.hanoi@mfa.gov.tr
Tại địa bàn
Họ và tên: Lê Phú Cường
Chức danh: Tham tán Thương mại
Cơ quan: Thương vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ – ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ
Địa chỉ: Hattat Halim sokak, No. 6/3, Gayrettepe, Besiktas, Istanbul, Turkey
Điện thoại: +90 212 267 3668
Fax: +90 212 267 4988
Email: tr@moit.gov.vn; cuonglp@moit.gov.vn