Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Hồ sơ thị trường Vương quốc Tây Ban Nha
- Cộng hòa Áo
- Vương quốc Bỉ
- Cộng hoà Pháp
- Cộng hòa Liên bang Đức
- Cộng hoà I-ta-li-a
- Vương quốc Hà Lan
- Cộng hòa Ba Lan
- Liên bang Nga
- Cộng hòa Xlô-va-ki-a
- Thuỵ Điển
- Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
- Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ
- Hung-ga-ri
- Vương quốc Na-uy
- U-crai-na
- Cộng hòa Xlô-ven-ni-a
- Liên Bang Thụy Sỹ
- Cộng hòa Lát-vi-a
- Ru-ma-ni
- Cộng hòa Bun-ga-ri
- Cộng hòa Phần Lan
- Vương quốc Đan Mạch
- Cộng hòa Bê-la-rút
- Cộng hòa Séc
- Gru-di-a
- Công quốc Lít-ten-xờ-tên
- Cộng hòa E-xtô-ni-a
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
2015-2017 là giai đoạn nền kinh tế Tây Ban Nha phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng kinh tế từ năm 2009. Đến hết Quý III/2017, quy mô kinh tế Tây Ban Nha chính thức đạt trở lại mức tương đương như trước khủng hoảng kinh tế.
Những yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng GDP là: (i) ưu tiên công ăn việc làm; (ii) nới lỏng chính sách tiền tệ; (iii) phát huy thế mạnh ngành du lịch; (iv) tăng xuất khẩu; (v) giá dầu và nguyên liệu vẫn ở mức thấp; (vi) phục hồi đầu tư của doanh nghiệp; và (vii) chú trọng tiêu dùng.
Trong hai năm qua, Chính phủ Tây Ban Nha tiếp tục thúc đẩy chương trình cải cách để phục hồi kinh tế và hoàn thành các cam kết của Tây Ban Nha với Liên minh châu Âu. Những cải cách này nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm một cách hài hòa và bền vững cả trong trung và dài hạn.
Một số chỉ tiêu kinh tế
Một số ngành kinh tế trọng điểm
- Hạ tầng (đường sắt, đường bộ)
- Công nghiệp xe hơi
- Công nghiệp hóa chất
- Năng lượng tái tạo (gió, mặt trời)
- Du lịch kết hợp văn hóa, ẩm thực
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
Thị trường xuất – nhập khẩu chính của Tây Ban Nha năm 2017
Thị trường Tây Ban Nha xuất khẩu gồm: Pháp (41,6 tỷ euro), Đức (30,9 tỷ euro), Italy (22,2 tỷ euro), Bồ Đào Nha (19,8 tỷ euro), Anh (19 tỷ euro), Hoa Kỳ (12,5 tỷ euro), Hà Lan (9,5 tỷ euro), Bỉ (8,3 tỉ euro), Maroc (8 tỉ euro), Trung Quốc (6,3 tỉ euro), Thổ Nhĩ Kỳ (5,7 tỉ euro), Ba Lan (5,5 tỉ euro), Mexico (4,6 tỉ euro), Thụy sỹ (4,1 tỉ euro), Algierie (2,7 tỉ euro).
Thị trường Tây Ban Nha nhập khẩu gồm: Đức (38,9 tỉ euro), Pháp (33,3 tỉ euro), Trung Quốc (25,7 tỉ euro), Italy (20,2 tỉ euro), Mỹ (13,8 tỉ euro), Hà Lan (12,5 tỉ euro), Anh (11,4 tỉ euro), Bồ Đào Nha (11 tỉ euro), Bỉ (7,8 tỉ euro), Maroc (6,3 tỉ euro), Thổ Nhĩ Kỳ (6,1 tỉ euro), Ba Lan (5,2 tỉ euro), Algeria (4,6 tỉ euro), Nigerie (4,4 tỉ euro), Séc (4,2 tỉ euro).
Về đầu tư
Tính đến tháng 3/2018, tổng vốn FDI vào Tây Ban Nha là 394,1 tỷ euro, và vốn Tây Ban Nha đầu tư tại các nước là 744,8 tỉ euro. Trong đó:
(i) Các nước có vốn đầu tư lớn vào Tây Ban Nha lần lượt là: Hà Lan (84,3 tỉ euro), Anh (63,2 tỉ euro), Luxemburg (62,7 tỉ euro), Pháp (33,5 tỉ euro), Đức (31 tỉ euro), Italy (26,3 tỉ euro), Mỹ (13,7 tỉ euro), Bồ Đào Nha (11,9 tỉ euro), Thụy Sỹ (10,9 tỉ euro), Các Tiểu vương quốc Ả rập (7,8 tỉ euro), Mexico (5,7 tỉ euro), Bỉ (4,2 tỉ euro), Thụy Điển (3,8 tỉ euro), Hồng Công (2,9 tỉ euro), Nhật Bản (2,8 tỉ euro).
(ii) Các nước Tây Ban Nha có vốn đầu tư lớn nhất là: Anh (139,4 tỉ euro), Hà Lan (73,7 tỉ euro), Mỹ (69,4 tỉ euro), Brasil (64,1 tỉ euro), Mexico (42,5 tỉ euro), Argentina (36,8 tỉ euro), Pháp (32,2 tỉ euro), Đức (27,5 tỉ euro), Bồ Đào Nha (26,8 tỉ euro), Chilê (25,7 tỉ euro), Italy (22,3 tỉ euro), Ai-len (17,9 tỉ euro), Canada (14,2 tỉ euro), Hungary (13,4 tỉ euro), Peru (11,4 tỉ euro).
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư
Định hướng trong chính sách thương mại đầu tư
Những năm qua, trong quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, Tây Ban Nha chủ trương vừa thúc đẩy xuất khẩu vừa phát triển thị trường trong nước.
Về xuất khẩu và đầu tư: Chính phủ Tây Ban Nha xác định sự cần thiết phải ưu tiên những thị trường hấp dẫn và quan trọng nhất ngoài EU để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này phát triển đầu tư và thương mại. Theo chủ trương này, đến năm 2015, có 16 quốc gia hoặc khu vực được xác định ưu tiên, bao gồm: Algeria, Australia, Brazil, Trung Quốc, các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Ma-rốc, Mexico, Nga, Singapore, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với từng nước trong danh sách, Chính phủ Tây Ban Nha lại có một chương trình riêng với mục tiêu và hành động cụ thể, điểu chỉnh và cập nhật hàng năm.
Khu vực châu Á – Thái bình Dương và ASEAN có 6 quốc gia nằm trong danh sách ưu tiên này là: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Singapore (nếu tính cả Australia thì là 7 nước), tuy nhiên không có Việt Nam. Mặc dù là thuộc địa cũ và đối tác truyền thống, khá quan trọng trong quan hệ chính trị ngoại giao của Tây Ban Nha nhưng Philippines cũng không có trong danh sách.
Về phát triển thị trường trong nước: một trong những hành động quan trọng nhằm năng động hóa nền kinh tế là thúc đẩy việc thực thi Luật Thống nhất thị trường (Market Unity Law), thông qua từ tháng 12/2013. Luật này thiết lập những nguyên tắc và quy định nhằm đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ thị trường Tây Ban Nha thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan công và lĩnh vực tư nhân.
Các lĩnh vực chính trong luật liên quan đến:
+ Các quy định kỹ thuật và dán nhãn sản phẩm.
+ Giấy phép lao động tự do cho các địa phương.
+ Thống nhất các hoạt động đấu thầu công.
+ Thống nhất mạng lưới phân phối thương mại, khắc phục các khác biệt về cấp phép, thời gian hoạt động, bán hàng khuyến mại…
Việc thúc đẩy thực thi Luật đã giúp đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả của thị trường, đặc biệt là cung cấp đầu vào và dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp, như năng lượng, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, du lịch và tài chính.
Các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên: (i) Năng lượng tái tạo; (ii) Môi trường; (iii) Kinh tế số; (iv) Du lịch; (v) Cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt cao tốc…)…
Về chính sách tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, xoay quanh 5 nhóm chính:
– Tạo việc làm và hòa nhập xã hội: một trong những mục tiêu ưu tiên là tăng cường tạo thêm việc làm một cách toàn diện hơn và chất lượng cao hơn. Nhiều biện pháp nhằm tăng hiệu quả cao trong chính sách việc làm và đào tạo, đặc biệt liên quan đến thanh niên và những người thất nghiệp dài hạn, đã được thông qua như Chiến lược hành động quốc gia về việc làm 2017-2020, Chiến lược Kinh doanh và Việc làm cho Thanh niên 2017-2020, cải cách chế độ lao động tự do dựa trên Luật Cải cách Khẩn cấp chế độ lao động tự do được thông qua tháng 10/2017…
– Phát triển thị trường nội địa.
– Hỗ trợ các sáng kiến kinh doanh và phát triển doanh nghiệp: Với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, một số biện pháp nổi bật đã triển khai như thông qua Luật Cải cách Khẩn cấp chế độ lao động tự do, Chiến lược loại bỏ các ngưỡng quy định kinh doanh và Chiến lược Quốc tế hóa nền kinh tế Tây Ban Nha giai đoạn 2017-2027.
– Tăng trưởng bền vững: Ưu tiên của Chính phủ Tây Ban Nha là xây dựng một khuôn khổ trung và dài hạn để đảm bảo chuyển đổi có trật tự nền kinh tế hướng tới một nền kinh tế sạch. Chính phủ tiếp tục hành động trên ba mục tiêu chính: giảm khí thải, cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo. Các biện pháp chính bao gồm thông qua Luật Biến đổi khí hậu và Chuyển đổi năng lượng cũng như Chương trình quốc gia về năng lượng và khí hậu.
– Tăng hiệu quả của hành chính công: Các biện pháp được thực hiện trong ba lĩnh vực chính: cải cách và hiện đại hóa nền hành chính công và mối quan hệ với người dân và doanh nghiệp; cải tiến quy trình mua sắm công; nâng cao hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật.
Các FTA hiện đang tham gia:
Là thành viên của EU, Tây Ban Nha tham gia các FTA mà EU đã ký kết với các đối tác khác. Đến đầu năm 2018, các FTAs mà EU với các nước đang tham gia gồm: Albania, Algieria, Andorra, Bosnia và Herzegovina, Chile, Ai Cập, Đảo quốc Faroe, Georgia, Bailiwick of Guernsey, Iceland, Isle of Man, Israel, Bailiwick of Jersey, Jordan, Kosovo, Lebanon, Liechtenstein, Macedonia, Mexico, Moldova, Monaco, Montenegro, Ma rốc, Palestin, San Marino, Serbia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ucraina.
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng
Là thành viên EU, Tây Ban Nha tuân thủ các chính sách thương mại chung của EU về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Biện pháp chống bán phá giá
EC có trách nhiệm điều tra các cáo buộc bán phá giá của các nhà sản xuất xuất khẩu ở các nước không thuộc EU. EC thường mở một cuộc điều tra sau khi nhận được một khiếu nại từ các nhà sản xuất EU có liên quan, nhưng cũng có thể làm như vậy theo sáng kiến riêng của mình. Khi nhận thấy các nhà xuất khẩu ngoài EU bán hàng hóa ở EU dưới mức giá bán tại thị trường nội địa của họ hoặc thấp hơn chi phí sản xuất.
Thông thường, đây là các mức thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ quốc gia liên quan. Thuế chống bán phá giá có thể được cố định, thay đổi hoặc theo tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị.
Biện pháp này có thể kéo dài 6 tháng (các biện pháp tạm thời) và nếu Ủy ban quyết định chính thức thì có thể kéo dài đến 5 năm.
Biện pháp chống trợ cấp
Trợ cấp là khi một chính phủ không thuộc EU cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty để sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hóa. Ủy ban được phép chống lại bất kỳ tác động bóp méo thương mại của các khoản trợ cấp này trên thị trường EU – sau khi điều tra xem liệu trợ cấp có làm méo mó và gây tiêu cực cho các công ty EU hay không. Có thể kéo dài đến 4 tháng với các biện pháp tạm thời và 5 năm nếu Ủy ban quyết định chính thức.
Biện pháp tự vệ
Không giống như trợ cấp và bán phá giá, các biện pháp tự vệ không được thực hiện để giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng. Thay vào đó, họ quan tâm đến việc một sản phẩm nhập khẩu nhất định tăng đột ngột làm các nhà sản xuất EU không thể thích nghi ngay lập tức với tình hình thương mại thay đổi.
Trong những trường hợp như vậy, các quy định của WTO và EU cho phép các biện pháp ngắn hạn để điều tiết nhập khẩu, cho phép các công ty EU tạm thời giảm nhẹ và có thời gian thích nghi với sự gia tăng không lường trước được này.
Các biện pháp này thường áp dụng cho việc nhập khẩu sản phẩm từ tất cả các nước không thuộc EU. Đổi lại, ngành công nghiệp EU bị ảnh hưởng cần thiết phải được cơ cấu lại.
Nhìn chung, EU chủ trương tự do hóa thương mại, chống bảo hộ thương mại. Thời gian qua, tỷ lệ hàng nhập khẩu vào EU bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của EU liên tục giảm. Hiện chỉ dưới 0,5% tổng nhập khẩu của EU đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp như vậy.
Các rào cản kỹ thuật thương mại, tiêu chuẩn chất lượng…
Tây Ban Nha tuân thủ các quy định chung của EU về nhập khẩu với các quy định chặt chẽ về dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu, chất chống nấm mốc, kháng sinh, tạp chất, chất gây ô nhiễm…, các quy định về quy cách chất lượng sản phẩm, về dán nhãn sản phẩm… Liên quan đến từng loại sản phẩm lại có những quy định cụ thể riêng. Có thể tham khảo các quy định pháp lý liên quan của EU tại trang web: http://exporthelp.europa.eu/thdapp/index.htm
Các đối tác và mặt hàng bị áp dụng nhiều nhất các biện pháp trên: Trung Quốc, Ấn Độ… tập trung vào các mặt hàng công nghiệp, nông sản…
Các vụ kiện ra WTO : Từ khi WTO ra đời năm 1995, EU đã kiện lên WTO 99 vụ việc. Có thể tham khảo số các vụ kiện ra WTO của EU tại : https://wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_by_country_e.htm#eec
Quan hệ kinh tế Việt Nam – Tây Ban Nha
Thương mại
Đầu tư
Đầu tư của Tây Ban Nha tại Việt Nam còn ở mức rất thấp so với các nước châu Âu khác. Đến hết năm 2017, Tây Ban Nha có 63 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 90,8 triệu USD, đứng thứ 48 trong tổng số 126 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Tây Ban Nha nhìn chung đều có quy mô nhỏ.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Tây Ban Nha rất quan tâm đến việc tham gia vào thị trường đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, kể cả theo hình thức PPP. Tuy nhiên cho đến giờ vẫn không có nhiều kết quả khả quan do thiếu kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng như sự thận trọng, mức độ chịu rủi ro không cao của các doanh nghiệp Tây Ban Nha. Mặt khác nhiều doanh nghiệp lớn hy vọng tham gia vào dự án xây dựng đường tầu điện ngầm số 5 tại TP Hồ Chí Minh sử dụng vốn ODA của TBN từ nhiều năm nay nhưng Quốc hội Việt Nam vẫn chưa thông qua dự án.
Một thế mạnh khác của Tây Ban Nha là công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Hiện nay chính phủ Tây Ban Nha và các doanh nghiệp bạn rất mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nói trên. Các sản phẩm của TBN đạt chuẩn châu Âu nhưng giá cả rất cạnh tranh.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kinh tế và Cạnh tranh Tây Ban Nha, tính đến tháng 12/2017 tổng vốn đầu tư của Việt Nam tại Tây Ban Nha là 606,6 nghìn USD, đứng thứ 149/200 nước có đầu tư vào Tây Ban Nha. Riêng năm 2017, vốn đầu tư của Việt Nam vào Tây Ban Nha tăng thêm 573 nghìn USD, tập trung vào hai lĩnh vực là dịch vụ logistics và đại lý du lịch.
Các Hiệp định đã ký giữa hai nước
– Hiệp định khung về Hợp tác.
– Hiệp định Hợp tác Du lịch giữa Tổng cục Du lịch VN và Bộ Du lịch Tây Ban Nha
– Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
– Hiệp định Hợp tác Văn hóa, Giáo dục và Khoa học kỹ thuật.
– Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư
– Chương trình hành động chung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Tây Ban Nha, trong đó xác định khuôn khổ quan hệ song phương là «Đối tác chiến lược hướng tới tương lai»;
– Bản ghi nhớ về cấp vốn xây tàu điện ngầm tại Thành phố Hồ Chí Minh;
– Bản ghi nhớ về danh mục dự án ưu tiên trong Chương trình Tài chính giai đoạn 4;
– Bản ghi nhớ về hợp tác Khoa học – Công nghệ;
– Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và bảo hiểm xã hội;
– Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực Hạ tầng giao thông.
– Biên bản ghi nhớ về hợp tác Quốc phòng.
– Hiệp định Vận chuyển hàng không giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Tây Ban Nha.
– Hiệp định tài chính lần thứ 5.
– Bản ghi nhớ về việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Năng lượng tái tạo
Tây Ban Nha đứng thứ hai châu Âu sau Đức và đứng thứ năm trên thế giới về tổng công suất điện gió đã lắp đặt (23.000MW năm 2016).
Đứng thứ năm châu Âu và thứ mười thế giới về tổng công suất điện mặt trời từ pin quang điện (5.500MW năm 2016).
Đứng đầu thế giới về công suất điện mặt trời nhiệt (2.300MW năm 2016). 73% các dự án điện mặt trời nhiệt đang triển khai trên thế giới do các công ty Tây Ban Nha thực hiện.
Với sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp Tây Ban Nha trong lĩnh vực này cũng vươn lên vị trí hàng đầu thế giới, sẵn sàng mở rộng đầu tư ra nước ngoài, có năng lực cạnh tranh cao trước các đối thủ khác. Hiện các doanh nghiệp nước này đang thực hiện hàng trăm dự án năng lượng tái tạo, tập trung chủ yếu ở các nước Mỹ Latinh và Trung Đông.
Nhìn chung các doanh nghiệp Tây Ban Nha sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để triển khai các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt về điện gió và điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án quy mô vừa và nhỏ từ 50-200MW. Họ có thể thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC, thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư. Họ cũng có thể tham gia đấu thầu các gói thầu riêng lẻ của từng dự án cụ thể.
Cơ sở hạ tầng
Tây Ban Nha có thế mạnh về hạ tầng đường bộ và đường sắt. Mạng lưới đường sắt cao tốc Tây Ban Nha dài 3.100 km, đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Pháp, theo đó TBN sản xuất từ A –Z. Mạng lưới đường bộ cao tốc Tây Ban Nha dài trên 16.000km, đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc, Mỹ. Các doanh nghiệp Tây Ban Nha mong muốn tham gia các dự án PPP tại Việt Nam về cơ sở hạ tầng.
Du lịch
Tây Ban Nha là cường quốc du lịch trên thế giới, năm 2017 đón khoảng 80 triệu du khách quốc tế, đứng thứ hai thế giới sau Pháp. Số lượng du khách Tây Ban Nha sang Việt nam tăng trưởng mạnh thời gian qua. Hai bên có thể tăng cường hợp tác về kinh nghiệm phát triển du lịch, tổ chức khai thác các tours cho du khách từ Tây Ban Nha sang Việt Nam và ngược lại.
Môi trường
Tây Ban Nha có các công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ môi trường, thu gom chất thải rắn, xử lý và tái chế chất thải đô thị, xử lý nước thải…
Tây Ban Nha có thể hợp tác từ việc xúc tiến ý tưởng, thiết kế, xây dựng, cấp vốn và vận hành các nhà máy trong lĩnh vực môi trường.
Nông nghiệp, nông sản
Tây ban Nha có ngành nông nghiệp phát triển cao. Các doanh nghiệp Tây Ban Nha có thể hợp tác về khoa học nông nghiệp, chế biến nông sản…
Tây Ban Nha tuân thủ các quy định chung của EU về xuất nhập khẩu, thuế, bao bì nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ… (tham khảo tại trang web: http://trade.ec.europa.eu/tradehelp/)
Tập quán kinh doanh
Tây Ban Nha đang thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các ngành kinh tế có thế mạnh như năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, chế biến nông sản… thông qua xuất khẩu và đầu tư. Bên cạnh đó, cùng với việc phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tăng cao dẫn đến việc mở rộng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng và vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, khi sức mua tăng cao thì người dân sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng cao hơn nên khả năng cạnh tranh của các sản phẩm giá rẻ sẽ giảm bớt.
Xu hướng hiện nay của các doanh nghiệp Tây Ban Nha là giảm bớt tập trung vào những thị trường truyền thống như Mỹ La-tinh, Bắc Phi, Trung Đông và đang có xu hướng mở rộng kinh doanh sang châu Á-Thái Bình Dương. Trong xu thế này, Việt Nam cũng đang được các doanh nghiệp Tây Ban Nha đặc biệt quan tâm. Bạn luôn coi Việt Nam là một thị trường đang phát triển có nhiều tiềm năng.
Trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký FTA và sắp có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Tây Ban Nha đang đầu tư tại khu vực châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc, đang cân nhắc chuyển một phần hoặc mở rộng đầu tư sang Việt Nam nhằm tận dụng những ưu đãi từ FTA này. Vì vậy cần phải có những chính sách cụ thể góp phần thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Tây Ban Nha.
Cần chú ý nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của EU, tránh để bị cảnh báo về chất lượng dẫn đến giảm uy tín sản phẩm xuất khẩu và chịu các biện pháp kiểm soát đặc biệt tại các cửa khẩu Tây Ban Nha. Việc đảm bảo chất lượng xuất khẩu cũng rất quan trọng để đối tác Tây Ban Nha làm ăn lâu dài. Kinh nghiệm cho thấy nếu mua phải một lô hàng chất lượng kém thì đối tác Tây Ban Nha không chỉ bỏ doanh nghiệp Việt Nam đó mà cũng bỏ luôn tìm kiếm bạn hàng khác từ Việt Nam. Họ sẽ tìm kiếm bạn hàng ở các nước khác.
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ – Bộ Công Thương
Địa chỉ: Nhà B, 54 Hai Bà Trưng – Hà Nội
Tel: +84 (0)24 2220 5380, +84 (0)24 2220 5381, +84 (0)24 2220 5382
Fax: +84 (0)24 2220 5376, +84 (0)24 2220 2525
Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam
Địa chỉ: Số 4 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: +84 (0)24 3771 5207/8/9
Fax: +84 (0)24 3771 5206
Email: embajadaesp@vnn.vn
Website: www.embassyinvietnam.maec.es
Tại Tây Ban Nha
Cơ quan Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha
Địa chỉ: Paseo de la Castellana, 166, Esc.2, 2º-Izq, 28046 Madrid
Tel: +34 913 45 05 19 Fax: +34 91 345 04 96
Email: espa@moit.gov.vn; vnespa@gmail.com