Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Hồ sơ thị trường Vương quốc Căm-pu-chia
- Ô-xtrây-li-a
- Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét
- Vương quốc Căm-pu-chia
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Cộng hoà Ấn Độ
- Cộng hoà In-đô-nê-xi-a
- Nhật Bản
- Đại Hàn Dân Quốc
- Cộng hoà DCND Lào
- Liên bang Ma-lai-xi-a
- Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma
- Niu-di-lân
- Cộng hòa Hồi giáo Pa-kít-xtan
- Cộng hoà Phi-líp-pin
- Cộng hoà Xinh-ga-po
- Vương quốc Thái Lan
- Đài Loan
- Hồng Công
- Bờ-ru-nây
- Mông Cổ
- CHDCND Triều Tiên
- Xri Lan-ca
- Papua Niu Ghi-nê
- Đông Ti-mo
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Nền kinh tế Campuchia bắt đầu phát triển từ những năm 1990, khi tình hình chính trị đi vào ổn định và nền kinh tế đi theo mô hình kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2009 tốc độ tăng trưởng GDP của Campuchia chỉ đạt 0,1%, năm 2010 đạt 6,0%. Để tập trung mọi nguồn lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ năm 2011 – 2018, Chính phủ Campuchia đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng chiến lược tứ giác phát triển kinh tế theo từng nhiệm kỳ Chính phủ v.v… Các chính sách này đã có tác dụng để Chính phủ tập trung phát triển một số ngành quan trọng như nông nghiệp, du lịch, xây dựng, công nghiệp dệt may, công nghiệp chế biến hàng nông sản, khai thác khoảng sản, dầu mỏ v.v….
Vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của Campuchia giai đoạn 2011 – 2018 luôn đạt ở mức 6,9% – 7%, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, các chính sách an sinh, xã hội được quan tâm, các chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của Chính phủ nhiệm kỳ 5, giai đoạn 2013 – 2018 về cơ bản đã đạt được. Năm 2015, Campuchia đã được công nhận từ một nước có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp và được Ngân hàng Phát triển Châu Á coi như là “con hổ kinh tế mới ở Châu Á năm 2016”.
Một số chỉ số kinh tế
Một số ngành kinh tế trọng điểm
Tăng trưởng kinh tế của Campuchia chủ yếu dựa vào tăng trưởng của các lĩnh vực như nông nghiệp (nông lâm nghiệp lương thực và hải sản), xây dựng, công nghiệp may mặc, du lịch và thương mại trong nước và quốc tế.
Lĩnh vực nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, với hơn 75% dân số sống bằng nghề nông, năm 2017 giá trị ngành này tăng trưởng 2,0% và đóng góp 25% cho GDP (cụ thể sản xuất lương thực, hoa màu chiếm 58,5%; chăn nuôi 11,2%, thủy sản 23,5%, lâm sản 6,8%).
Sản xuất lúa gạo đạt 10,52 triệu tấn thóc, sau khi cân đối đảm bảo tiêu dùng trong nước, còn dư thừa 5,56 triệu tấn thóc, tương đương với 3,56 triệu tấn gạo để xuất khẩu. (Diện tích gieo trồng mùa mưa 2,65 triệu ha, sản lượng 8,05 triệu tấn thóc; diện tích mùa khô 550.000 ha, sản lượng 2,47 triệu tấn thóc)
Chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp cũng phát triển đáng kể.
Sản xuất cao su: Tính đến ngày 31/12/2017, diện tích gieo trồng cao su năm 2017 đạt 439.797 ha (trong đó 232.771 ha là diện dích đất tô nhượng trồng cao su, diện tích cao su cho phép cạo mủ là 170.337 ha, chiếm 38,73%, diện tích đất chưa cho phép cạo mủ là 269.459 ha, tương ứng 61,26%). Sản lượng mủ cao su cạo được là 209.805 tấn mủ, đã bán và xuất khẩu được 188.832 tấn mủ, trị giá 299,48 triệu USD tăng 30% về lượng và tăng 24% về giá trị so với năm 2016 (năm 2016 xuất khẩu được 145.100 tấn), giá bán mủ cao su trung bình là 1.586 USD/tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016.
Lĩnh vực công nghiệp
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2017 tăng 10,7% và đóng góp 30% cho GDP. Tính đến 30/6/2018, Campuchia có 1.585 nhà máy, xí nghiệp, tạo công ăn việc làm cho 1.011.146 người (may mặc chiếm 863.227 người, lĩnh vực khác 147.919 người), cụ thể số lượng các nhà máy theo lĩnh vực sản xuất:
+ Chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá: 126 nhà máy
+ Dệt may, may mặc, giày dép, túi xách, thuộc da: 1.076 nhà máy
+ Chế biến gỗ: 23 nhà máy
+ Sản xuất từ giấy các loại và in ấn trên giấy: 44 nhà máy
+ Sản xuất hóa chất, cao su và nhựa: 113 nhà máy
+ Sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng: 36 nhà máy
+ Sản xuất, chế biến kim loại, thép, điện tử, máy móc, thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải: 114 nhà máy
+ Sản xuất đồ nội thất: 14 nhà máy
+ Các nhà máy sản xuất, chế biến khác: 48 nhà máy
Hiện có 7 dự án thủy điện đã và đang phát điện cung cấp cho điện lưới quốc gia, cụ thể:
Nhà máy thủy điện Kirirum 1, công sất 12 MW ở tỉnh Kongpong Spư, đưa vào hoạt động năm 2011.
Nhà máy thủy điện Kom Chay, công suất 193 MW ở tỉnh Kam Pốt, đưa vào hoạt động năm 2011.
Nhà máy thủy điện Kirirum 3, công sất 18 MW, đưa vào hoạt động năm 2013
Nhà máy thủy điện Stung Atay, công suất 120 MW ở tỉnh Pu Sát, đưa vào hoạt động 2013.
Nhà máy thủy điện Russei Chrum Krom, công suất 338 MW ở tỉnh Kô Kông, đưa vào sử dụng năm 2014.
Nhà máy Thủy điện Stung Tatay, công suất 246 MW ở tỉnh Kô Kông, đưa vào sử dụng năm 2014.
Nhà máy Thủy điện Hạ Sesan 2, công suất 400 MW,ở tỉnh Stung Treng Kô Kông, đã xây dựng xong 96%, đưa vào sử dụng 3 tua bin, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đưa cả 8 tua bin vào hoạt động.
Ngoài ra, có 15 dự án thủy điện khác đang trong giai đoạn nghiên cứu, lập dự án tiền khả thi để triển khai xây dựng.
Về nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đầu tiên ở Campuchia tại thôn 2, xã Kom Penh, huyện Stung Hau, tỉnh Sihanoukville, vốn đầu tư 195 triệu USD của Công ty Malaysia, công suất 100 MW, đưa vào hoạt động tháng 2/2014.
Tháng 8/2015, CPC ban hành Chính sách Phát triển công nghiệp (IDP) giai đoạn 2015-2025, trong đó tập trung vào phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); phát triển các ngành công nghiệp mới và sản xuất, chế biến với giá trị gia tăng cao; cùng với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và dệt may; công nghệ thông tin và viễn thông, Chính sách IDP này cũng tập trung vào thúc đẩy thu hút nguồn vốn FDI và phát triển xây dựng các khu kinh tế đặc biệt.
Lĩnh vực xây dựng
Năm 2017, Campuchia phát triển mạnh lĩnh vực xây dựng ở các trung tâm đô thị lớn như Phnôm Pênh, Kandal, Siem Reap, Preah Sihanouk, Koh Kong, các tỉnh giáp biên với Việt Nam như Svay Rieng, T’bong Khmum, giáp biên giới Thái Lan ở Banteay Meanchey..v.v.. Các dự án xây dựng bao gồm trung tâm thương mại, căn hộ cho thuê, nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, casino, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu đô thị mới.v.v…..
Theo báo cáo của Bộ kiến thiết và quản lý xây dựng, năm 2017 cấp phép xây dựng được 3.052 dự án (năm 2016 là 2.405 dự án), trị giá 6.428 triệu USD, tăng 22,31 % so với năm 2016 (năm 2016 là 5.256 triệu USD), chiếm diện tích đất xây dựng là 10.748.219 m2 (tăng 647 dự án so với cùng kỳ năm 2016). Năm 2017 cũng có 275 công ty xây dựng thành lập mới, trong đó công ty nước ngoài là 102 công ty. Năm 2017 nhu cầu lao động trong lĩnh vực xây dựng là 255.000 đến 260.000 người/ngày (năm 2016 nhu cầu là 180.000 – 185.000 người/ngày). Hiện Campuchia đang có nhu cầu rất lớn về đội ngũ chuyên môn về lĩnh vực xây dựng và công nhân xây dựng có tay nghề cao.
Hoạt động xây dựng cơ bản gia tăng mạnh, tổng lượng tín dụng nội địa (Total Domestic Credit) trong ngành xây dựng và bất động sản tăng 26% năm 2017 so với mức 22% vào năm 2016. Con số này cao hơn so với kỷ lục 23% vào năm 2009 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu kích nổ bong bóng bất động sản. Đây là dấu hiệu đầu tiên về bong bóng bất động sản có thể xuất hiện ở Campuchia trong những năm tới.
Lĩnh vực du lịch
Ngành du lịch là một trong bốn lĩnh vực quan trọng của kinh tế Campuchia, CPC có ba địa danh được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đó là khu di tích Angkor Wat, đền Preah Vihear, và khu vực khảo cổ Sambor Prei Kuk, tỉnh Kong Pong Thom. Năm 2017, ngành dịch vụ, du lịch tăng 7%, đóng góp 45% cho GDP, cụ thể:
+ Về lĩnh vực du lịch, năm 2017, Campuchia đón 5,6 triệu du khách, tăng 12% so với năm 2016, đạt doanh thu 3,63 tỷ USD, đóng góp 12,3 % tổng sản phẩm quốc nội. 4 tháng đầu năm 2018 đón 1,7 triệu du khách, tăng 14 % so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc là nước có số lượng du khách đến Campuchia nhiều nhất với 1,2 triệu du khách (chiếm 21,6% tổng lượng du khách du lịch quốc tế đến Campuchia tăng đột biến 47% vào năm 2017); Việt Nam với khoảng 800.000 du khách (chiếm 14,9%)đứng thứ hai, tiếp theo là du khách đến từ Hàn quốc, Lào, Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản v.v…
Tuy nhiên, 3/4 tổng số khách du lịch nước ngoài đến Campuchia từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chỉ có 15% số khách du lịch đến từ Châu Âu.
Đáng chú ý, lượng du khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không tăng 22,5%. Đây là con số cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua do nỗ lực của Chính phủ Campuchia trong việc thiết lập nhiều đường bay trực tiếp giữa các nước trong khu vực, trên thế giới, nhất là giữa Campuchia và Trung Quốc. Năm 2017, lượng khách quốc tế tới Campuchia lần đầu tiên đạt con số 8 triệu lượt khách, với Sân bay quốc tế Phnom Penh đón khoảng 4 triệu khách và Sân bay quốc tế Siêm Riệp và Sân bay quốc tế Sihanoukville đón 4 triệu khách còn lại.
- Lĩnh vực giao thông vận tải
Việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đã được Chính phủ nêu trong chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2014 – 2018, bao gồm phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt, cầu, cảng biển, đường thủy, sân bay, đường hàng không. Đây là hệ thống cơ sở giao thông hạ tầng rất quan trọng, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thông thương hàng hóa giữa các tỉnh trong cả nước, cụ thể
Hệ thống đường bộ
Hệ thống đường bộ Campuchia dài 47.263 km, trong đó 74% là đường liên tỉnh tới các vùng nông thôn. Tính đến năm 2018, đường quốc lộ và đường liên tỉnh dài 17.389 km được sửa chữa và nâng cấp. Hiện Campuchia đã cơ bản sửa chữa và nâng cấp tất cả các đường quốc lộ đi qua các tỉnh của Campuchia để đi sang Việt Nam, Thái Lan và Lào như quốc lộ 1,2,3,4, 5,6 7, 44, 62, 76,78.v.v. trong đó có một số dự án cải tạo nâng cấp đường quốc lộ thành đường cao tốc:
Đường cao tốc 4 làn xe từ Phnôm Pênh – Sihanoulkville dài 190 km, vồn đầu tư 1,9 tỷ USD được thực hiện bởi Công ty Khmer Global CAM Project Development Plc với công ty Green Eco Energy của Trung Quốc, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 11/2018 tới. TQ là nhà tài trợ lớn nhất cho CPC trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, Trung Quốc tài trợ cho CPC 23 dự án xây dựng đường, với tổng chiều dài 2.301 km, trị giá 1,3 tỷ USD và 7 cây cầu với chiều dài 6.824m, giá trị 216 triệu USD. 23 dự án này đã hoàn thành. Bên cạnh đó, có 6 dự án xây dựng đường với chiều dài 600 km, trị giá 490 triệu USD và một dự án xây dựng cầu (cầu Stung Treng – Kroch Chmar) đang được xây dựng. Năm 2018, Trung Quốc đã hộ trợ 2 dự án nâng cấp Quốc lộ số 3 và xây dựng một con đường vành đai Thủ đô Phnom Penh với chiều dài 187 km, trị giá khoảng 483 triệu USD.
Hệ thống đường sắt
Campuchia có 2 hệ thống đường sắt, đường sắt thứ nhất phía bắc từ thủ đô Phnôm Pênh tới Tp. Poi Pét dài 338 km, qua các tỉnh Pu sát, Battambang và đi đến biên giới Campuchia – Thái Lan; đường sắt thứ hai (phía nam) từ Phnôm Pênh tới TP. Sihanoukville dài 264 km, hai hệ thống đường sắt này được sử dụng có hiệu quả nhiều vào những năm 1970 của thế kỷ trước. Tuy nhiên do chiến tranh, nội chiến nên hai hệ thống đường sắt này bị hư hại nhiều. Đến năm 2016 hệ thống đường sắt phía nam đã được cải tạo và đưa vào sử dụng để vận chuyển hàng như than, xăng dầu, xi măng, Contairner và hành khách.
Tuyến đường sắt phía Bắc vẫn đang trong giai đoạn sửa chữa, nâng cấp, từ tháng 7 năm 2015, dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây sẽ là tuyết đường sắt nối Phnôm Pênh với Băng Kôk, Thái Lan. Tuyến đường sắt phía Nam đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp, đã đưa vào sử dụng từ đầu 2018.
Ngoài ra Chính phủ Campuchia sẽ sớm hoàn thành đề án nghiên cứu khả thi cho xây dựng một tuyến đường sắt thứ ba dài 273 km, đây là tuyến đường sắt nằm trong tuyến đường sắt xuyên ASEAN (từ biên giới Lào qua tỉnh Stung Treng – qua Snoul đến tỉnh Bình Phước, VN ) , Dự án này cũng được Chính phủ Trung Quốc quan tâm vì nó sẽ tăng cường khả năng kết nối các nước láng giềng, đặc biệt với các nước hợp tác Lan Cang – Me Kong ( CPC, Lào, VN , Myanmar và Thái Lan)
Đường Thủy và cảng biển
Hệ thống đường thủy của Campuchia dài 1.750 km, trong đó 850 km có thể phục vụ giao thông thủy trong mùa nước
Hiện Campuchia có 3 cảng biển Sihanuokville, 1 cảng biển ở Kam Pốt và 01 cảng đường thủy Phnôm Pênh. Đối với Cảng biển nước sâu Sihanoukville là cảng quốc tế phục vụ cho hoạt động bốc dỡ hàng hóa thương mại do nhà nước quản lý rộng 124 ha. Chính phủ Campuchia dự kiến xây dựng cảng biển nước sâu đa năng tự hành thứ hai tại Sihanoukville với khoản vốn vay 203 triệu USD của Nhật Bản, cầu cảng dài 350 m, mực nước sâu 14,5 m, và khởi công xây dựng vào đầu năm 2019, hoàn thành năm 2023.
Ngày 25/6/2018, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã khánh thành cầu cảng biển nước sâu Preah Sihanouk, cho phép tàu có trọng tải 50 ngàn tấn ra vào cảng.Cầu cảng biển mới có chiều dài 330 mét, độ sâu 13,5 mét. Có tới 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia được vận chuyển qua cảng này. Công trình này có vốn đầu tư 74 triệu USD, do Chính phủ Nhật Bản cho vay gần 48 triệu USD, còn là vốn đối ứng của Chính phủ Campuchia.
Bên cạnh cầu cảng vận chuyển hàng hóa, Campuchia cũng đưa vào sử dụng cầu cảng dành cho tàu thăm dò tìm kiếm mỏ dầu có chiều dài 200 mét, sâu 7,5 mét, để đáp ứng hoạt động tìm kiếm khai thác dầu.
Đường hàng không
Campuchia có 3 sân bay quốc tế (Phnôm Pênh, Siêm Riệp và Sihanoukville) các sân bay này được quản lý và khai thác bởi công ty Cambodia Airports điều hành, trong đó công ty Vinci của Pháp chiếm 70 % và 30 % là của Công ty liên doanh Campuchia –Malaysia Muhibbah Masteron Cambodia.
Hiện Chính phủ Campuchia đang nghiên cứu đề án xây dựng một sân bay quốc tế Phnom Penh mới tại tỉnh Kandal trên diện tích 2.600 ha, với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, trong đó phần lớn vốn vay từ Ngân hàng phát triển của Trung Quốc. Dự kiến Sân bay quốc tế mới Siêm Riệp, vốn đầu tư 1 tỷ USD cũng sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2019 tới.
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
Về lĩnh vực thương mại
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu: Gồm hàng may mặc, giày dép, dệt may, thiết bị phụ tùng phương tiện, xe đạp, gỗ và sản phẩm gỗ các loại, gạo, mủ cao su sơ chế, hải sản, hàng nông sản, thuốc lá, dây diện các loại, hộp cát ton và bao bì giấy, mặt hàng khác.v.v…
Hàng hóa Campuchia xuất khẩu sang các khu vực:
Các nước khu vực châu Âu chiếm thị phần là 39,0% (Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, Ba Lan…)
Các nước khu vực Châu Mỹ chiếm thị phần là Hoa kỳ 28,0% (Mỹ, Canada…)
Các nước khu vực Châu Á chiếm thị phần là 32,0% (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore….)
Các nước khu vực Châu phi chiếm thị phần là 1,0% (Ga Bon, Nam Phi….)
Về cơ cấu hàng nhập khẩu: hàng dược phẩm, thuốc lá, đồ uống có cồn – gas, đường ăn, dầu ăn, lương thực thực phẩm chế biến các loại, vật liệu xây dựng, ciment, sắt thép các loại, máy móc thiết bị điện tử các loại, phương tiên giao thông các loại, nguyên phụ liệu dệt may, vàng, bạc, xăng dầu các loại, rau củ quả các loại, hải sản, đồ gia dụng, đồ nhựa, đồ sành sứ, phân bón các loại, hóa chất, thiết bị điện .v.v…
Campuchia nhập khẩu hàng hóa từ các nước:
Các nước khu vực Châu Á chiếm thị phần là 93% (Trung Quốc 36,1%, Nhật 1,92 %, Hàn Quốc 4,38%, Hồng Kông 5,06 %, Đài Loan 4,82%, Thái Lan 17,6 %, Việt Nam 12,2 %, Malaysia 1,55%, Singapore 3,8%….)
Các nước khu vực châu Âu chiếm thị phần là 3,26% ( Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, Ba Lan…)
Các nước khu vực Châu Mỹ chiếm thị phần là Hoa kỳ 3,1% (Mỹ, Canada…)
Các nước khu vực Châu Phi chiếm thị phần là 0,64% (Ga Bon, Nam Phi….)
- Về lĩnh vực đầu tư tư nhân trong và ngoài nước
Năm 2017, Campuchia đã cấp phép cho 117 dự án, vốn đầu tư 5,2 tỷ USD tăng 61% và tạo 137.000 việc làm.
Tính lũy kế từ năm 1994 đến tháng 4/2018, Campuchia đã cấp phép cho gần 2.600 dự án đầu tư trong và ngoài nước với số vốn đầu tư đăng ký hơn 60 tỷ USD.
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư của Campuchia
Những thuận lợi khi đầu tư làm ăn tại Campuchia
Hoạt động xuất khẩu từ Campuchia được hưởng quy chế ưu đãi giảm thuế hoặc miễn thuế từ nhiều thị trường lớn. Dưới Chương trình tất cả các mặt hàng trừ vũ khí (EBA) của Liên minh Châu Âu, tất cả các hàng hóa xuất khẩu từ Campuchia sang EU đều được miễn thuế và hạn ngạch từ mặt hàng vũ khí. Doanh nghiệp xuất khẩu tại Campuchia cũng có thể được hưởng lợi từ các Bản thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Campuchia cũng là nước tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 16 nước. Campuchia cũng là một điểm đến quan trọng trong chiến lược Thái Lan Plus One và China Plus One.
Chính sách tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh
Chính phủ Campuchia áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Campuchia, cụ thể:
Campuchia thi hành chính sách khuyến khích đầu tư tự do, không hạn chế quyền sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông (trừ sở hữu đất). Luật đầu tư quy định rằng một nhà đầu tư nước ngoài không bị phân biệt đối xử trừ những vấn đề liên quan đến sở hữu đất. Mặc dù, nhà đầu tư nước ngoài không thể sở hữu đất ở Campuchia, nhưng họ có thể thuê trong thời gian 70 năm.
Mức thuế doanh nghiệp thường ở mức 20% đối với hầu hết các hoạt động kinh doanh trừ mức 30% đối với lĩnh vực dầu khí, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tỷ lệ này thấp thứ 3 trong các nước ASEAN chỉ sau Singapore (17%) và Brunei (18,5%). Campuchia không có thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax), áp dụng tỷ lệ lũy tiến trong thuế thu nhập cá nhân từ 0 – 20%. Campuchia cũng không thiết lập hạn chế về việc chuyển vốn và lợi nhuận khỏi Campuchia; ngoại tệ có thể được quy đổi tự do sang đồng Riel và ngược lại.
Những ưu đãi về đầu tư
Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) là cơ quan chính chịu trách nhiệm quản lý những chương trình sáng kiến dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia. Các nhà đầu tư có thể đăng ký Chương trình Dự án đầu tư chất lượng (QIP) với một loạt những lợi ích sau khi nhận được Giấy Đăng ký cuối cùng (FRC) như:
- Được miễn thuế lợi tức trong 9 năm hoặc mức khấu hao 40% giá trị thực của tài sản mới hoặc đã được sử dụng.
- Được miễn thuế nhập khẩu đối với các phương tiện, máy móc sản xuất, vật liệu xây dựng….
- Được miễn 100% thuế xuất khẩu đối với hầu hết các mặt hàng.
Campuchia cũng đã và đang thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế đặc biệt (SEZs) trên cả nước nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư nhằm cung cấp tốt hơn những ưu đãi về cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và đầu tư cho các doanh nghiệp. Hiện nay, Campuchia có 34 khu kinh tế đặc biệt đã được cấp phép thành lập, trong đó có 11 khu đi vào hoạt động, 23 khu đang xây dựng. Các khu SEZ đi vào hoạt động gồm: Poitet O’Neang SEZ, Kok Kong SEZ, Souy Chheng SEZ, Kiri Sakor Kokong SEZ, Oknha Mong SEZ, Sihanoukville SEZ 1, Sihanoukville SEZ 2, Stung Hao SEZ, S.N.C SEZ, Kong Pong Som SEZ, Sihanouville Port SEZ, Kampot SEZ, Phnom Penh SEZ, Tai Seng Bavet SEZ, Manhattan SEZ, N.L.C SEZ, P(SEZ)IC, Doung Chhiv SEZ, Thary Kampong Cham SEZ. Các SEZ này cung cấp dịch vụ một cửa nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp làm:
- Giấy phép kinh doanh, đầu tư.
- Giấy phép xuất nhập khẩu.
- Giấy phép lao động và sổ lao động.
- Các hỗ trợ hành chính và pháp lý khác.
Một số thay đổi về chính sách thương mại, đầu tư
Trong năm 2017, Chính phủ Campuchia đã có nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực:
- Campuchia đã bắt đầu thực hiện cơ chế một cửa đối với thuế và hải quan: Bộ Kinh tế và Tài chính đã chính thức ra mắt dịch vụ một cửa được triển khai đầu tiên tại Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước.
- Bộ Thương mại Campuchia đã ký thỏa thuận với Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp quốc về Châu Á và Thái Bình Dương trong việc áp dụng giấy tờ nhập khẩu và xuất khẩu điện tử. Theo đó, Hiệp định khung về tạo điều kiện thuận lợi cho Thương mại không biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương sẽ tăng cường các hoạt động thương mại điện tử trong khu vực. Sau khi phê chuẩn thỏa thuận này, Campuchia sẽ có nhiều lợi ích hơn trong thương mại với các nước là thành viên Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp quốc tại Châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP).
- Chính phủ Campuchia đang có kế hoạch thành lập một ngân hàng chuyên ngành mới dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Campuchia nhằm phát triển ngành sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Việc thành lập ngân hàng này cũng là một kế hoạch quan trọng trong Chính sách phát triển Công nghiệp của Chính phủ giai đoạn 2015 – 2020 với ưu tiên thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa dạng hóa xuất khẩu.
- Thí điểm cấp giấy chứng nhận C/O trực tuyến: Bộ Thương mại Campuchia đã áp dụng hệ thống này ở tỉnh Pailin, Battambang. Trong năm 2018, hệ thống này sẽ được tiến hành áp dụng tại các tỉnh có biên giới giáp Việt Nam như Svay Rieng, Prey Veng, T’bong Khmum và Takeo.
- Chính phủ Campuchia đã đưa ra kế hoạch thành lập Hội đồng Logistics quốc gia, gồm nhóm chuyên gia chuyên trách giải quyết chi phí cao của ngành logistics. Hội đồng này sẽ vạch ra kế hoạch tổng thể nhằm giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng, hoạt động của các cảng, thương mại qua biên giới và thủ tục hải quan. + Dự thảo mới về Luật cạnh tranh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn một cách công bằng, hiệu quả, bảo vệ nền kinh tế khỏi những hành vi cạnh tranh không lành mạnh dự kiến sẽ Bộ Thương mại Campuchia trình lên Hội đồng Bộ trưởng. Hội đồng Bộ trưởng cũng đang thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Luật Thương mại điện tử.
Các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên
Chính phủ Campuchia đã ban hành quy định, chỉ thị khuyến khích những lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể trong các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên như:
- Các dự án đầu tư vào lĩnh vực ngành công nghiệp nhẹ như: may mặc, da giầy..
- Các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng như: sản xuất, lắp ráp phụ tùng ô tô, đầu tư vào xây dựng nhà máy thép, điện.
- Các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng..
- Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông-công nghiệp như: cao su, chế biến hàng nông sản….
- Các dự án đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng căn bản như: đường, bến cảng, thủy điện, nhiệt điện
Các thỏa thuận song phương Campuchia đã ký
Campuchia hiện có tới 52 quy định, điều luật có các biện pháp phi thuế quan (NTMs) nhưng mới chỉ có 3/52 biện pháp được báo cáo với WTO là: Luật về an toàn sinh học và các khu vực bảo vệ, Nghị định về tiêu chuẩn công nghiệp và Luật về quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm, dịch vụ. Trên thực tế, Campuchia đang áp dụng tổng số 243 biện pháp NTMS, có tác động tới 9.558 sản phẩm (theo định dạng của hệ thống Harmonized – System) tức là có tác động tới 100% mặt hàng thương mại tại Campuchia.
Các biện pháp NTMs phổ biến nhất của Campuchia là biện pháp kỹ thuật (TBT) liên quan đến thương mại (loại B), các biện pháp liên quan đến xuất khẩu (loại P), và các biện pháp về vệ sinh, kiểm dịch (SPS – loại A), trong đó các biện pháp TBT tại Campuchia chiếm 49% tổng số NTMs, các biện pháp SPS chiếm 14,8%.
Nhóm các sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các NTMs của Campuchia gồm có: máy móc (chiếm 21,6%), hóa chất (12,1%), dệt may (11,3%), kim loại (9,5%), rau củ quả (5,5%), thức ăn gia súc (4,6%). Cụ thể: Nhóm sản phẩm động vật và sản phẩm động vật bị áp 521 NTMs, sản phẩm nông nghiệp là 630 NTMs, hóa chất – sản phẩm cùng loại gồm xăng dầu có 1.157 NTMs, may mặc là 1.079 NTMs… Qua số liệu trên có thể thấy, Campuchia đang áp đặt các biện pháp NTMs vào các mặt hàng với mục đích bảo hộ ngành sản xuất trong nước như ngành may mặc, nông nghiệp. Các NTMs của Campuchia cũng có xu hướng tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, các sản phẩm nông nghiệp… điều này đã tạo ra trở lực lớn đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư, phát triển tại Campuchia và đồng thời gia tăng hoạt động buôn bán qua đường tiểu ngạch, buôn lậu qua biên giới như trong thời gian qua.
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Về thương mại
Campuchia là thị truờng rất gần với Việt Nam, có 9 tỉnh biên giới chung, 9 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu quốc gia, 30 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, có địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống kênh rạch đi lại thuận lợi ở cả hai bên, khoảng cách từ TP. Hồ Chí Minh đến Phnôm Pênh chỉ có 230 km. Như vậy hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Về kinh tế, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm qua đã được tăng cường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong những năm qua, hai nước đã tạo ra được một môi trường pháp lý thuận lợi về nhiều mặt thương mại, dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp và hàng hóa của nhau. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản có xuất xứ Campuchia được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% của Việt Nam. Các cơ chế, chính sách về quản lý các hoạt động thương mại biên giới đã được triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước không ngừng tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Campuchia, chiếm hơn 10% tổng giá trị XK của Campuchia. Việt Nam cũng là thị trường mà Campuchia nhập khẩu hàng hóa chiếm khoảng 18-19 % (đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan). Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia vải vóc, dây cáp, các đồ gia dụng bằng nhựa, mỳ ăn và các phụ tùng thay thế đồ điện, vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón, hàng tiêu dùng, hoa quả, thủy sản.v.v.v.. Campuchia xuất khẩu các hàng như cao su, nguyên liệu thô cho ngành may mặc, lá thuốc lá và các sản phẩm từ gỗ sang Việt Nam.
Năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Campuchia đạt kim ngạch 3.796,7 triệu USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ 2016.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 2.776,1 triệu USD, tăng 26,1% so với năm 2016 và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Campuchia là 1.020,6 triệu USD, tăng 40,6 % so với năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa giữa hai nước có mức thặng dư 1.755,5 triệu USD nghiêng về phía Việt Nam. Có thể thấy từ năm 2013 đến nay, Việt Nam luôn xuất siêu trong quan hệ thương mại với Campuchia.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia trong năm 2017 chủ yếu gồm: mặt hàng sắt thép các loại đạt 914 nghìn tấn, trị giá 521 triệu USD, tăng 69,7% về trị giá so với năm 2016; xăng dầu các loại đạt 678 nghìn tấn, trị giá 375 triệu USD, tăng gần 30% về trị giá so với với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt trị giá 348 triệu USD, tăng 42,6%.
Về nhập khẩu: Trong năm 2017 các hàng hóa có xuất xứ từ Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam đạt trị giá 1.021 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó,gỗ và sản phẩm gỗ có trị giá 214 triệu USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2016; hạt điều đạt trị giá 168 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ; cao su đạt trị giá 138 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016.
Về đầu tư
Campuchia có 18 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 58,1 triệu đô la Mỹ, đứng thứ 51/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, có 01 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD. Các dự án còn lại có quy mô nhỏ và đầu tư vào các lĩnh vực như vận tải, kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại.
Việt Nam có 196 dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,94 tỷ USD. Campuchia đứng vị trí thứ 3 trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (sau Lào 5 tỷ USD và Nga gần 3 tỷ USD) và Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 6 tại Campuchia (sau Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hồng Kông). Các dự án đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 70% tổng vốn đăng ký), tài chính – ngân hàng – bảo hiểm (chiếm 9,4%), viễn thông (chiếm 7,5%).
Các thỏa thuận hợp tác kinh tế đã ký kết
- Hiệp định về Hợp tác kinh tế thương mại (03/4/1994)
- Hiệp định về thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (03/4/1994).
- Hiệp định về Quá cảnh hàng hoá ký lần đầu vào ngày 03/4/1994; ký lại 7/9/2000; ký lại 4/11/2008 và ký mới lại ngày 26/12/2013.
- Hiệp định Thương mại mới ký ngày 24/3/1998.
- Nghị định thư về Bán điện cho Campuchia (03/7/2000).
- Hiệp định về Hợp tác khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp ký ngày 28/8/2000 .
- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư ký ngày 26/11/2001
- Hiệp định mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia ngày 26/11/2001.
- MOU về hợp tác trong lĩnh vực lao động ký ngày 22/3/2017
- Thỏa thuận khung về kết nối hai nền kinh tế VN-CPC, ký ngày 21/7/2013
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, ký ngày 31/03/2018.
Lĩnh vực nông nghiệp
Ngành khai thác, chế biến tài nguyên thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp là một trong những trọng tâm chính của Chính sách phát triển Công nghiệp Campuchia. Ngành nông nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, cũng như là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngành nông nghiệp của Campuchia ngày càng được mở rộng phát triển do sự gia tăng của diện tích đất canh tác hàng năm và sự đa dạng hóa trong các sản phẩm nông sản như rau, ngô và sắn. Trong tương lai, ngành nông nghiệp Campuchia sẽ tiếp tục gia tăng khả năng sản xuất và năng lực cạnh tranh. Hiện nay, ngành nông nghiệp Campuchia có một số cơ hội để các nhà đầu tư Việt Nam xem xét cụ thể như sau:
- Cơ khí hóa nông nghiệp: Theo báo cáo của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia, việc sử dụng máy móc nông nghiệp tăng 7% giữa 2015 và 2016. Báo cáo này cũng cho biết xu hướng này đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua với việc áp dụng máy móc cho trên 90% diện tích đất nông nghiệp. Hiện nay, máy kéo, máy gặt đã tăng lên 18.317 đầu máy tương đương 320%, máy xay xát là 54.965 đầu máy, tăng 13%; máy phát điện tăng 4 lần lên 343.764 đầu máy trong vòng 5 năm qua. Việt Nam với lợi thế là nước giáp biên với Campuchia, có vị trí địa lý, văn hóa, tập quán canh tác tương đồng, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phân phối máy móc nông nghiệp của Việt Nam.
- Chế biến sản phẩm nông nghiệp: Chính sách phát triển công nghiệp của Campuchia đã nhấn mạnh về việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến gồm đồ gia dụng, chế biến cao su, chế biến hải sản, chế biến thực phẩm thông qua việc thúc đẩy thu hút đầu tư. Campuchia cũng đang có kế hoạch xây dựng một khu kinh tế đặc biệt để chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp ở Campuchia không được sản xuất trong nước. Một số lĩnh vực tiềm năng có thể đầu tư gồm: sản xuất đồ uống, chế biến gạo, sắn, đường, ngô, hạt điều, đậu đỗ, hoa quả, rau, thịt, cao su, giấy, bông.
- Trồng rau: Campuchia có tiềm năng lớn trong việc phát triển các trang trại trồng rau, củ, quả phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, hàng ngày Campuchia vẫn phải nhập khẩu 400 tấn rau, củ các loại từ Việt Nam, Thái Lan với trị giá trung bình khoảng 250 triệu USD/năm. Chính phủ Campuchia hiện đang có kế hoạch giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập rau, củ từ Việt Nam, Thái Lan thông qua việc nâng cao năng xuất sản xuất rau, củ trong nước lên mức 160 tấn/ngày. Như vậy, về lâu dài, việc xuất khẩu rau, củ, quả sang thị trường Campuchia sẽ gặp nhiều khó khăn và đầu tư trực tiếp tại thị trường này là hướng mở cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một lợi thế của Campuchia là nước này đã mở ra thị trường xuất khẩu rau, củ quả sang Trung Quốc và có một diện tích đất nông nghiệp chưa canh tác lớn.
Lĩnh vực giáo dục
Trình độ giáo dục của Campuchia chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp. Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) vào năm 2015, Campuchia có tới 55,9% công nhân và 50,7% kỹ sư không đáp ứng được tiêu chuẩn ngành nghề. Việc gia tăng sản xuất trong các ngành sản xuất không phải dệt may và ngành xây dựng sẽ đòi hỏi Campuchia phải có một đội ngũ lao động và quản lý lành nghề. Hiện nay, lĩnh vực giáo dục có một số tiềm năng sau:
+ Giáo dục cơ sở: Campuchia hiện ngày càng có nhiều những trường tư nhân và quốc tế ở cấp cơ sở (Cấp Tiểu học, Cấp Trung học, Cấp Phổ thông Trung học – theo cách gọi của Việt Nam). Một số trường quốc tế hàng đầu ở Campuchia gồm International School of Phnom Penh, ICAN British International School, CIA First International School… Ngoài ra, còn có một số học viện quốc tế của các nước như Limkokwing University of Technology (Malaysia) và Raffles International College (Singapore) cũng đã mở chi nhánh tại Campuchia.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều sinh viên Campuchia ra nước ngoài học tập. Hiện nay, có 4.221 sinh viên Campuchia đang học tập ở nước ngoài chủ yếu ở Thái Lan, sau đó đến Úc, Việt Nam, Pháp và Ả Rập Xê Út. Chi phí trung bình cho việc học tập này hết khoảng 29.000 USD/năm. Rõ ràng, nếu Việt Nam có chi nhánh các trường đại học ở Campuchia thì sẽ làm giảm chi phí đi lại, học tập, ăn ở của các sinh viên Campuchia.
+ Đào tạo về kỹ thuật và ngành nghề: Một trong những trọng tâm lớn của Chính phủ Campuchia là thúc đẩy Giáo dục, đào tạo kỹ thuật và ngành nghề (TVET) do Campuchia đạt mục tiêu hiện đại hóa cơ cấu công nghiệp từ việc phụ thuộc vào lao động chân tay thành nước có nền công nghiệp định hướng sử dụng lao động kỹ thuật vào năm 2025. Khoảng cách về trình độ đã được chỉ ra trong các ngành như du lịch, kỹ thuật nông nghiệp và y tế.Về những ngành này, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và có nhiều trường Đại học đã khẳng định được vị thế trong nước như Đại học Du lịch, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông Nghiệp…. Trong thời gian tới, Campuchia cũng như Lào sẽ là một trong những thị trường giáo dục tiềm năng mà các doanh nghiệp giáo dục có thể khai thác.
Lĩnh vực du lịch
Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất của Campuchia. Ngành này đóng góp trung bình 30% cho GDP cả nước, đồng thời thu hút khoảng 15% vốn đầu tư (tương đương 600 triệu USD) mỗi năm.
Ngành khách sạn tại Campuchia đã phát triển bùng nổ với việc gia tăng lượng khách du lịch nước ngoài và gia tăng những đường bay trực tiếp. Hàng năm, lượng khách du lịch Việt Nam đến Campuchia trung bình đạt 300.000 lượt du khách. Hiện nay, tại các điểm du lịch nổi tiếng như Siem Reap (Angkor Wat), Sihanoukville, Koh Kong… chưa có một nhà hàng hay khách sạn của người Việt Nam. Thời điểm này là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn nghiên cứu đầu tư vào thị trường Campuchia. Đây là một hướng đi khả quan vì hiện có nhiều công ty lữ hành, du lịch Việt Nam đang hoạt động khá hiệu quả tại Campuchia có thể tạo ra mạng lưới kết nối khép kín, trực tiếp giữa khách sạn, nhà hàng với doanh nghiệp lữ hành, du lịch.
Y tế
– Dịch vụ khám chữa bệnh: Ngành y tế của Campuchia chưa phát triển. Do đó, người dân Campuchia thường phải đi ra nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Malaysia để chữa bệnh. Hiện nay, Chính phủ Thái Lan đã cấp thị thực miễn phí 90 ngày cho những người Campuchia đi khám chữa bệnh tại Thái Lan. Hàn Quốc cũng đã triển khai kế hoạch thu hút nhiều hơn người dân Campuchia sang khám chữa bệnh. Việt Nam với lợi thế là nước giáp biên với Campuchia và có nền y học đang khẳng định tên tuổi với thế giới. Do đó, các doanh nghiệp hay các bệnh viện nên tính đến việc quảng bá hình ảnh tại Campuchia để thu hút nhiều hơn người dân Campuchia sang khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Campuchia đang ngày càng trở nên nổi tiếng với những phòng khám nha khoa tiêu chuẩn khu vực và có giá rẻ. Nhiều du khách từ Úc, New Zealand đã đến Campuchia để chuẩn trị nha khoa. Hiện nay, chỉ riêng ở Phnom Penh có tới 20 phòng khám nha khoa đạt tiêu chuẩn quốc tế với những chứng chỉ ISO và bác sỹ được đào tạo ở phương Tây.
Theo Viện Nghiên cứu và Đánh giá y tế Campuchia (IHME), hiện nay, người dân Campuchia phải đối mặt với 5 loại bệnh phổ biến nhất là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, bệnh tai biến mạch máu não, bệnh tim, sinh non và tai nạn giao thông. Hàng năm, người dân Campuchia phải bỏ ra khoảng hơn 2 tỷ USD để phục vụ khám chữa bệnh, dự kiến đến năm 2040 con số này khoảng 8,3 tỷ USD.
Hiện nay, sức mua của người dân Campuchia cũng gia tăng do thu nhập tốt hơn, vì vậy, dịch vụ y tế sẽ trở thành một điều thiết yếu cơ bản nhất đối với cuộc sống của người dân. Trong tương lai, nhu cầu khám chữa bệnh trong nước sẽ ngày càng gia tăng.
Như vậy, tiềm năng của thị trường y tế tại Campuchia là rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tính toán mở những phòng khám đa khoa hoặc nha khoa ở Campuchia cùng với bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh tạo thành một mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế trực tiếp tại Campuchia.
– Cung cấp các thiết bị y tế, dược phẩm: Cùng với sự gia tăng nhu cầu về cung cấp các dịch vụ y tế, thì nhu cầu về thiết bị y tế, dược phẩm cũng gia tăng nhanh chóng. Năm 2016, Campuchia đã nhập khẩu 167 triệu USD dược phẩm cao gấp 30% so với năm 2012. Với việc gia tăng ngày càng nhiều bệnh viện tư nhân và phòng khám thì nhu cầu nhập khẩu dụng cụ y tế cũng ngày càng gia tăng. Năm 2015, Campuchia có 2.000 hiệu thuốc tân dược đăng ký thành lập, 300 công ty xuất nhập, khẩu thuốc mới được thành lập và 13 cơ sở sản xuất thuốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú ý đến việc phân phối mặt hàng này tại Campuchia. Hiện nay, trong danh mục hàng hóa Việt Nam xuất sang Campuchia chưa có tên của loại mặt hàng này.
Các quy định về xuất nhập khẩu
Campuchia đã thông qua Luật Hải quan mới vào tháng 6/2007 nhằm phù hợp với những quy định về định thuế hải quan của GATT/WTO. Tháng 6/2011, Campuchia trở thành thành viên thứ 155 của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Tổng cục Hải quan Campuchia quy định doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu xuất trình đầy đủ các giấy tờ như: Vận đơn đường biển/đường hàng không, danh sách đóng gói (packing list), hóa đơn, giấy tờ bảo hiểm, báo cáo kiểm tra và một số giấy tờ khác. Trong những năm gần đây, Chính phủ Campuchia đã nỗ lực để hiện đại hóa các hoạt động xuất nhập khẩu hoặc quá cảnh theo hướng phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế. Chính phủ đã và đang khuyến khích sử dụng hệ thống một văn bản hành chính (A Single administrative document – SAD) và cơ chế dịch vụ một điểm dừng, trong đó, tồn tại chỉ một cơ chế thanh kiểm tra chung của các bộ có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, những hệ thống và cơ chế này vẫn chưa được triển khai hiệu quả trên thực tế.Bên cạnh đó, hệ thống hải quan tự động (ASYCUDA) cũng đã được Campuchia đưa vào sử dụng tại tất cả các cửa khẩu quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan. Tất cả những thay đổi này đã giúp Campuchia nâng hạng trong Chỉ số logistics của World Bank từ vị trí 83 năm 2014 lên 73 năm 2016.
Ngoài ra, là một nước thành viên trong cộng đồng kinh tế ASEAN, Campuchia đang tiến hành nghiên cứu thiết lập cơ chế “Một cửa quốc gia”, nhằm thiết lập một cơ chế khai báo điện tử chung cho tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
(Thông tin chi tiết về thủ tục thông quan, các doanh nghiệp có thể tham khảo trang Web: http://www.customs.gov.kh/)
Các quy định về thuế và thuế suất
Campuchia có 3 loại thuế nhập khẩu: (1) Thuế nhập khẩu với một tỷ lệ thuế quan theo đơn giá hàng hóa (ad-valorem rate); (2) Thuế đặc biệt đối với một số mặt hàng cụ thể; (3) Thuế giá trị gia tăng (VAT). Tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều là đối tượng chịu mức thuế suất VAT 10%, tuy nhiên, một số mặt hàng nhập khẩu được nhận mức thuế ưu đãi, như các mặt được quy định trong Thỏa thuận về khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Các mặt hàng như: Thiết bị nông nghiệp, nguyên liệu nông nghiệp, thiết bị trường học, dược phẩm (HS code 30), hàng thể thao được miễn thuế nhập khẩu (không phải VAT).
Các dòng thuế cụ thể được quy định trong báo cáo về biểu thuế quan Campuchia năm 2012. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tham khảo các quy định về thuế quan thông qua các trang Web sau:
Tổng cục Thuế: http://www.customs.gov.kh/
Bộ Kinh tế, Tài chính: http://www.mef.gov.kh/
Quy định về bao bì, nhãn mác
Nhãn mác sản phẩm không phải bắt buộc đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu; tuy nhiên, hàng hóa phải được cấp nhãn mác và phải đăng ký với các Bộ có liên quan trước khi nhập khẩu vào Campuchia. Các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng cũng được yêu cầu chứng thực các sản phẩm này đáp ứng tiêu chuẩn của Viện tiêu chuẩn quốc gia Campuchia (ISC). Ví dụ như, các tiêu chuẩn bắt buộc của ISC được áp dụng cho các sản phẩm điện và điện tử.
Viện tiêu chuẩn quốc gia Campuchia (ISC) có trách nhiệm soạn thảo và thông báo về các quy định tiêu chuẩn. Trong kỳ, Tổng cục chống hàng giả và thanh kiểm tra xuất nhập khẩu Campuchia (Camcontrol) trực thuộc Bộ Thương mại có trách nhiệm cung cấp bản thông báo về các mặt hàng đã được ISC quy định trước khi thông quan.
Để biết thêm thông tin, doanh nghiệp có thể tham khảo tại địa chỉ: http://www.isc.gov.kh và http://www.camcontrol.gov.kh/index.php
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
Campuchia chủ yếu quản lý tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm thông qua Thông tư liên bộ về việc áp dụng quy chế quản lý an toàn thực phẩm dựa trên các tiếp cận Farm to Table, trong đó, quy chế này giao cho Tổng cục Camcontrol có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan đế quản lý về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại Campuchia.
Theo mô hình Farm to Table, Chính phủ Campuchia áp dụng biện pháp quản lý đến từng khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng và tại mỗi khâu sẽ có các quy định riêng, cụ thể:
– Tại các trang trại: Chính phủ Campuchia thông qua Luật về quản lý thuốc trừ sâu và phân bón năm 2012 giao cho Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp là cơ quan phụ trách kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm trên trong nông nghiệp.
– Tại các nhà máy sản xuất: Campuchia thông qua Luật về tiêu chuẩn năm 2007 giao cho Bộ Công nghiệp và Thủ công quản lý chất lượng sản phẩm sau chế biến.
– Tại các đầu mối bán lẻ (chợ, cửa hàng phân phối..) và tại các nhà hàng: Chính phủ Campuchia ra Quy định về vệ sinh thực phẩm đối với người dùng ký năm 2003, trong đó quy định doanh nghiệp phân phối phải nói rõ về sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ bằng tiếng Khmer, phải có hướng dẫn về thành phần sản phẩm, cách sử dụng, ngày sản xuất, ngày hết hạn….
Các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP)
Tại Campuchia, các doanh nghiệp cần chú ý về một số nguyên tắc quan trọng nhằm đảm bảo sự quản lý hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ (IP) bao gồm: (1) Việc doanh nghiệp có một chính sách toàn diện để bảo vệ IP là rất quan trọng; (2) Việc bảo vệ IP ở Campuchia rất khác biệt so với ở Việt Nam; (3) Những quyền IP phải được đăng ký và cấp giấy chứng nhận ở Campuchia dưới hiệu lực của Luật của Campuchia. Ví dụ, như những đăng ký về thương hiệu và bằng sáng chế được đăng ký tại Việt Nam hoặc trên thế giới sẽ không có đủ hiệu lực để được bảo vệ toàn diện ở Campuchia vì phải phụ thuộc vào hệ thống luật của nước này.
Đáng chú ý, Campuchia áp dụng nguyên tắc first – to – file (ưu tiên người nộp đơn trước) trong đăng ký thương hiệu và bằng sáng chế, do đó các công ty nên xem xét đăng ký thương hiệu, bằng sáng chế trước khi giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ đến thị trường Campuchia. Điều tối quan trọng là các doanh nghiệp cần biết rằng quyền IP là quyền tư nhân và rằng Chính phủ Việt Nam không thể đủ thẩm quyền để đảm bảo các quyền này được thực thi đầy đủ ở Campuchia. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp là nên đăng ký giấy chứng nhận, bảo hộ IP thông qua hệ thống luật sư địa phương hoặc các chuyên gia về IP theo Luật Campuchia.
Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý tiếp theo là các doanh nghiệp cần áp dụng một quy trình thẩm tra cẩn thận (về mặt pháp lý, thương mại và tài chính) đối với các đối tác tiềm năng. Một đối tác tốt là bước quan trọng đầu tiên để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của quý doanh nghiệp.Các doanh nghiệp nên xem xét cẩn thận liệu có nên cho phép đối tác của mình đăng ký quyền IP trên danh nghĩa của họ hay không.
Một số địa chỉ, các công ty có thể liên hệ để được tư vấn về quá trình thẩm tra năng lực của đối tác tiềm năng: Tham khảo Phụ lục 1
Tập quán kinh doanh
Văn hóa kinh doanh tại Campuchia có một điểm đáng chú ý như sau:
Về chào hỏi:
Người Khmer có cách chào hỏi giống như người Thái và Ấn Độ với bàn tay chắp lại trước ngực và đưa lên ngang cằm thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác (cách chào này không cần dùng đối với người phục vụ hay người lái xe, nên tập trung vào đối tác chính do văn hóa Khmer phân biệt đẳng cấp rất rõ ràng). Trong một số trường hợp, đối tác người Khmer có thể bắt tay. Khi bắt tay cần lưu ý không nên bắt quá chặt, không nên đưa tay trái ra bắt tay với đối tác (vì văn hóa Khmer quan niệm tay trái là bàn tay không sạch sẽ).
Khi gặp gỡ:
– Bạn sẽ được giới thiệu với người có vị trí cao nhất trước tiên (Bạn cần phải lưu ý điều này khi đi gặp gỡ đối tác Campuchia để tránh gây hiểu lầm).
– Nên gọi đối tác với những danh xưng như: Ngài (tiếng Việt Nam), Sir (tiếng Anh), hoặc Lok (tiếng Khmer) đối với Nam; Bà (tiếng Việt Nam), Madame (tiếng Anh), hoặc Lok Srei (tiếng Khmer) đối với Nữ để tỏ thái độ trân trọng.
– Một điều tối quan trọng trong giao dịch với người Khmer là bạn nên đi trước giờ đã hẹn để tỏ thái độ trân trọng đối tác. Người Khmer hay tự ái và sẽ khó tiếp cận nếu bạn không tỏ thái độ trân trọng trước.
– Nếu được mời đến nhà, bạn cần chú ý cởi giày và đợi đến khi được mời ngồi (không nên ngồi trước). Đây là văn hóa chung của người Khmer thể hiện thứ tự chủ và khách.
– Chúng ta chỉ nên ăn, uống khi người lớn tuổi nhất, vị trí cao nhất bắt đầu.
– Không nên chỉ tay, hoặc chân hướng về phía một người vì đó được coi là một hành động bất lịch sự.
Bạn nên học một vài câu chào hỏi tiếng Khmer sẽ làm cho quan hệ đối tác trở nên gần gũi hơn.
Chuẩn bị Business Card:
Đây là một điều tối quan trọng khi đến làm ăn tại Campuchia. Bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề này.
– Đưa Card ngay khi được giới thiệu sẽ hiệu quả hơn đưa cuối buổi.
– Sử dụng tay phải hoặc hai tay để đưa Card, không đưa bằng tay trái.
– Không bao giờ được dùng tay trái để đưa hoặc nhận Card. Khi nhận Card nên cất vào một vị trí trang trọng.
– Nếu Card có nội dung bằng tiếng Khmer là thuận tiện nhất.
Ăn mặc:
Tại Campuchia, các đối tác thường rất chú ý cách ăn mặc và thường đánh giá sự tin tưởng hay không qua cách ăn mặc, do đó, bạn nên chuẩn bị tốt về vấn đề này. Tại các buổi họp lớn: Nên mặc áo vest tối màu, sơ mi sáng màu (tốt nhất là màu trắng) và có đeo cavat. Tại các buổi gặp mặt tại văn phòng: Ăn mặc lịch sự.
Tặng quà:
Để tăng thêm hiệu quả quan hệ, bạn nên tặng những món quà nhỏ cho các đối tác Campuchia vào các dịp lễ Tết, sinh nhật và một số dịp đặc biệt khác. Bạn cần lưu ý khi tặng quà: Lần đầu tiên gặp gỡ có một món quà nhỏ cho đối tác sẽ thúc đẩy quan hệ tốt hơn; Quà tặng cho đối tác nên được gói cẩn thận; không nên mở quà khi tặng; đưa và nhận đều bằng tay phải hoặc hai tay; không gói quà bằng giấy trắng vì tại Campuchia màu trắng đại diện cho đám tang.
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: +84 24 22205425
Fax: +84 22 22205518
Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam
Địa chỉ: Số 71 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024-39424788
Fax: 024-39423225
Email: camemb.vnm@mfa.gov.kh
Lãnh sự quán Cam-pu-chia tại Việt Nam
Địa chỉ: Số 41 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 38292751
Fax: 028 38222773
Email: cambocg@hcm.vnn.vn
Tại Campuchia
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia
Địa chỉ: Đại lộ 436 , Monivong, Phnom Penh
Tel: (+855) 23 726 274
Fax: (+855) 23 726 495
Email: ttcpc@mofa.gov.vn, vnembpnh@angkornet.com.kh
Website:https://vnembassy-phnompenh.mofa.gov.vn/vi-vn/Trang/default.aspx
Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Sihanoukville (Campuchia)
Địa chỉ: 310, Ekareach Blvd, Khan Mittapheap, Sihanoukville
Tel: (+855) 34 934039
Fax: (+855) 34 933669
Email : tlsqvn.siha@mofa.gov.vn
Website : http://www.vietnamconsulate-shihanoukville.org/vi/
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Bát-tam-bang (Cam-pu-chia)
Địa chỉ: Road No 3, Sangkat Svay Por, Battambang
Điện thoại: (+855) 53 6888867
Fax: (+855) 53 6888866
Email: battambang.kh@mofa.gov.vn hoặc consul.battambang@mofa.gov.vn
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia
Địa chỉ: Số 67, đường 214( Samdech Pan), quận Daun Penh, Phnom Penh;
Tel: (+855) 977 831 922.
Email: kh@moit.gov.vn
Website: http://vietnamexport.com/ (vào mục Thương vụ Campuchia)
Chú ý:
Các tranh chấp thương mại tại Campuchia cũng có thể giải quyết thông qua Trung tâm quốc gia về trọng tài thương mại (NCAC) – đây là cơ chế duy nhất giải quyết tranh chấp thương mại tại Campuchia. Cơ quan này được thành lập từ tháng 3/2013.
Trung tâm quốc gia về trọng tài thương mại.
Địa chỉ: Tầng 1, Tòa nhà 65-67-69, đường 136, phường Phsar Kandal I, quận Daun Penh, Phnom Penh.
Số điện thoại: (+855) 012 440 022