Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Hồ sơ thị trường Cộng hòa Áo
- Vương quốc Bỉ
- Cộng hoà Pháp
- Cộng hòa Liên bang Đức
- Cộng hoà I-ta-li-a
- Vương quốc Hà Lan
- Cộng hòa Ba Lan
- Liên bang Nga
- Cộng hòa Xlô-va-ki-a
- Vương quốc Tây Ban Nha
- Thuỵ Điển
- Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
- Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ
- Hung-ga-ri
- Vương quốc Na-uy
- U-crai-na
- Cộng hòa Xlô-ven-ni-a
- Liên Bang Thụy Sỹ
- Cộng hòa Lát-vi-a
- Ru-ma-ni
- Cộng hòa Bun-ga-ri
- Cộng hòa Phần Lan
- Vương quốc Đan Mạch
- Cộng hòa Bê-la-rút
- Cộng hòa Séc
- Gru-di-a
- Công quốc Lít-ten-xờ-tên
- Cộng hòa E-xtô-ni-a
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế
Áo là thị trường trong khối Liên minh Châu Âu (EU) với nền kinh tế phát triển và ổn định, có diện tích 83.879 km2 và quy mô dân số nhỏ (8,8 triệu người). Áo được UNIDO xếp hạng là một nước công nghiệp phát triển với chính sách phúc lợi xã hội cao. Thu nhập bình quân đầu người của Áo thuộc nhóm cao nhất Châu Âu (GDP bình quân đầu người tính theo giá sức mua của Áo là khoảng 49.250 USD). Áo thi hành chính sách kinh tế thị trường xã hội, chủ yếu dựa trên cơ sở tư nhân.
Giai đoạn 2012 – 2016, nước Áo đối mặt với nhiều thách thức: tăng trưởng chậm (1-2%/năm), thất nghiệp tăng và thâm hụt ngân sách lớn. Từ quý 2/2016, nền kinh tế Áo có dấu hiệu hồi phục. Tăng trưởng GDP năm 2016 của Áo đạt 1,5% so với mức 0,9% vào năm 2015. Bước sang năm 2017, kinh tế Áo tiếp tục đà tăng trưởng và đạt mức tăng trưởng GDP 2,9%. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), tăng trưởng GDP của Áo dự kiến đạt 2,8% vào năm 2018 và 2,2% vào năm 2019. Trong nhiều năm qua, chỉ số lạm phát được duy trì ổn định ở mức 1-2%/năm, mức thất nghiệp 5-6%.
Nhu cầu trong nước sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính. Mặc dù có rủi ro cao hơn trên thị trường thế giới, xuất khẩu hàng hóa dự kiến sẽ vẫn tăng mạnh vào năm 2018, đóng góp tích cực vào tăng trưởng. Với sự phát triển kinh tế tích cực, thâm hụt ngân sách được cải thiện và giảm còn 0,5% của GDP trong năm 2018. Nợ công sẽ tiếp tục xu hướng giảm và dự kiến đạt mức 74,8% của GDP trong năm 2018.
Nguồn: Eurostat (ec.europa.ec)
Một số ngành kinh tế trọng điểm
Trong cơ cấu nền kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao (khoảng 70% GDP), tiếp đến là công nghiệp (28%) và nông nghiệp (trên dưới 1%). Xuất khẩu là động lực quan trọng giúp phát triển kinh tế Áo, trong đó xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm hơn 52% của GDP (năm 2017), cao hơn mức trung bình 46% của EU 19.
Ngành dịch vụ đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, gồm: du lịch, dịch vụ bất động sản, dịch vụ tài chính và ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ truyền thông và thông tin, dịch vụ tư vấn chuyên môn, giáo dục và y tế. Du lịch là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 10% trong GDP. Áo chỉ có hơn 8 triệu dân song một năm Áo đón hơn 32 triệu khách du lịch, gần gấp 4 lần dân số.
Các ngành công nghiệp quan trọng của Áo gồm: cơ khí và chế tạo máy móc, sắt thép và kim loại màu, hóa chất, ô tô, năng lượng, điện và điện tử, công nghiệp gỗ và giấy, chế biến thực phẩm, xăng dầu, xây dựng và vật liệu xây dựng, dầu khí, công nghiệp nhẹ, thủy tinh. Ngành sắt thép và chế tạo máy móc, ô tô chiếm gần 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Nông nghiệp sử dụng 41,6% diện tích lãnh thổ, đảm bảo khoảng 80% nhu cầu lương thực đất nước. Các sản phẩm nông nghiệp quan trọng là ngô, lúa mạnh, lúa mỳ, củ cải đường, khoai tây, nho và một số loại rau quả.
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
Xuất nhập khẩu
20 năm qua, Áo luôn là quốc gia nhập siêu (Áo chỉ xuất siêu vào các năm 2002 và 2007 với giá trị dưới 0,5 tỷ EUR). Để cân bằng tài khoản quốc gia, Áo xuất siêu mạnh về thương mại dịch vụ, khoảng 10-11 tỷ EUR/năm (2015-2017).
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Áo
Nguồn: Cơ quan thống kê trung ương Áo, Viện nghiên cứu kinh tế Áo (WIFO)
Theo số liệu thống kê của Áo, từ 2013 đến nay, cơ cấu các mặt hàng xuất/nhập khẩu và các đối tác thương mại chính không thay đổi đáng kể. Theo số liệu của Cơ quan thống kê trung ương Áo, năm 2017 cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu, các đối tác thương mại chính của Áo như sau:
– Các mặt hàng xuất khẩu chính: các loại máy móc và động cơ (18,2% của tổng kim ngạch xuất khẩu), ô tô và phương tiện vận tải (11,7%), máy móc và thiết bị điện (7,5%), các loại mỹ phẩm cá nhân và chất tẩy rửa (7%), thực phẩm (5,6%), sắt thép (5,4%), các sản phẩm kim loại (5,4%), giấy và các sản phẩm giấy, giấy carton (2,9%), các loại kim loại màu (2,7%), thiết bị viễn thông (1,8%), sản phẩm từ gỗ (1,7%), bia rượu và thuốc lá (1,6%),..
– Các mặt hàng nhập khẩu chính: các loại máy móc và thiết bị (22,6% của tổng kim ngạch nhập khẩu), ô tô và phương tiện vận tải (13,1%), nhiên liệu (7,2%), thực phẩm (6,6%), máy móc và thiết bị điện (6,5%), các loại mỹ phẩm cá nhân và chất tẩy rửa (6,1%), sắt thép và kim loại màu (5,8%), các sản phẩm kim loại (4,2%), quần áo và phụ kiện (4,1%), vật liệu thô (4%), đồ gỗ (1,5%), sản phẩm dệt (1,2%), da giày (1,1%), sản phẩm cao su (0,8%),…
Nguồn: Cơ quan thống kê trung ương Áo
Đầu tư
Theo số liệu của Ngân hàng quốc gia Áo (OeNB), đến hết năm 2017, tổng vốn đầu tư lũy kế của Áo ra nước ngoài đạt gần 201,1 tỷ EUR, chiếm 41% vốn FDI của Áo dành cho khối 10 nước mới gia nhập EU. Tại các nước: Slovakia, Hungary và Sec, đầu tư của Áo xếp thứ 3. Tại các nước: Bulgaria, Croatia, Rumani, Bosnia -Herzegovina, Serbia và Montenegro, đầu tư của Áo xếp thứ nhất. Nếu tính tổng cả khu vực Trung và Đông Âu thì đầu tư của Áo đứng vị trí thứ 5 sau Đức, Mỹ, Hà Lan và Pháp. Các lĩnh vực đầu tư quan trọng của Áolà tài chính, công nghiệp dầu mỏ, viễn thông, vận tải và du lịch. Đến nay Áo đã ký kết 47 Hiệp định bảo hộ đầu tư với các nước.
Về đầu tư vào Áo, tính đến hết năm 2017, tổng vốn đầu tư FDI lũy kế Áo nhận được đạt khoảng 155 tỷ EUR. Các nước chính đầu tư trực tiếp vào Áo gồm: Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nga, Séc.
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư
Định hướng lớn trong chính sách thương mại, đầu tư
Thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU), đồng tiền chung euro, sự mở rộng của EU, tăng cường quốc tế hóa nền kinh tế và sự thay đổi cơ cấu nhanh đã thống trị và thay đổi cơ bản khung chính sách kinh tế của Áo và kế hoạch hành động trong những năm trước.
Chính sách thương mại chung của các quốc gia thành viên EU thuộc thẩm quyền của Ủy ban Châu Âu. Kể từ khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực từ ngày 01/12/2009, các mục tiêu của chính sách thương mại chung bao gồm: xóa bỏ các hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài và các hàng rào phi thuế quan cũng như việc loại bỏ các hạn chế về thương mại và loại bỏ các rào cản hải quan. Điều này ảnh hưởng đến các lĩnh vực : thương mại hàng hóa và dịch vụ; quyền sở hữu trí tuệ; đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính sách thương mại chung của EU dựa trên các nguyên tắc thống nhất và được quy định tại Điều 206 et seq. của Hiệp ước Lisbon. Theo Hiệp ước Lisbon, Nghị viện Châu Âu (EP) có quyền quyết định chung trong chính sách thương mại (điều này liên quan đặc biệt đến sự tham gia của EP trong việc thông qua các Quy định xác định khuôn khổ cho việc thực hiện chính sách thương mại chung).
Áo là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Đây là lý do tại sao thương mại tự do và không hạn chế với các thị trường thế giới là đặc biệt quan trọng. Các thị trường xuất khẩu tiềm năng quan trọng của Áo gồm: các nước phát triển lớn (Hoa Kỳ và Nhật Bản), các quốc gia mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin), và các nước ở Đông và Đông Nam Âu cũng như vùng Biển Đen. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Áo, việc giảm các hàng rào phi thuế quan là ưu tiên hàng đầu. Việc thực hiện hiệu quả và áp dụng các quy tắc thương mại phải là một phần của chính sách thương mại chung của EU để ngăn chặn các hoạt động thương mại không công bằng.
Nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường, đối tác trong khu vực Châu Âu, đặc biệt là trong nội bộ EU, gần đây Áo đã có các tín hiệu sẵn sàng thay đổi từ xu hướng bảo hộ thương mại thành mở cửa cho các quốc gia ngoài khối EU-28, đặc biệt là khu vực năng động như Châu Á – Thái Bình Dương. Áo sẵn sàng trở thành cầu nối giữa Trung Quốc và EU, mong thu hút được thêm các khoản đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử và các ngành công nghiệp, ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Để đạt được mục tiêu này, Áo sẽ gia tăng các đoàn doanh nghiệp sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và xây dựng chiến lược xuất khẩu mở rộng trong năm 2018.
Trong lĩnh vực đầu tư, Hiệp ước về chức năng của Liên minh Châu Âu (TFEU) đã thành lập cơ quan mới thuộc EU phụ trách các khoản đầu tư trực tiếp từ ngày 01/12/2009. Kể từ đó, các điều khoản đầu tư có thể được đưa vào các hiệp ước của EU với các nước thứ ba. Sau hai năm rưỡi đàm phán gay gắt, Nghị viện Châu Âu và Hội đồng EU cuối cùng đã nhất trí một quy định liên quan đến việc thiết lập một thỏa thuận chuyển tiếp cho các hiệp ước đầu tư song phương (BIT) giữa các nước thành viên và các nước thứ ba. Văn bản này có hiệu lực vào ngày 09/01/2013, theo đó các BIT trước đây vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, hiệu lực của BIT vẫn còn phụ thuộc vào sự cho phép của Ủy ban Châu Âu sau khi được thảo luận trong khuôn khổ “Ủy ban Hợp tác Đầu tư” mới thành lập (CIA). Áo hiện đã có hiệp ước đầu tư song phương với hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, 12 trong số đó được ký kết với các nước thành viên EU khác (Estonia, Latvia, Lithuania, Bulgaria, Romania, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Malta và Croatia).
Chính phủ Áo luôn hoan nghênh đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt khi các khoản đầu tư có tiềm năng tạo việc làm mới trong các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy các ngành đòi hỏi nhiều vốn và tăng cường liên kết với nghiên cứu và phát triển (có thể được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt). Giới quan chức cũng có ý thức đảm bảo rằng các khoản đầu tư phải tránh bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường. Áo là một quốc gia có thuế suất cao với gánh nặng thuế thu nhập cá nhân nặng nề và chi phí phi lương lao động cao. Tuy nhiên, do tỷ lệ thuế doanh nghiệp 25% tương đối thấp, Áo vẫn là địa điểm hấp dẫn để đặt trụ sở kinh doanh. Tính đến các điều chỉnh cơ sở thuế, các chuyên gia ước tính gánh nặng thuế doanh nghiệp hiệu quả không quá 22%. Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2016-2017, Áo tiến hành cải cách sâu rộng chính sách thuế thu nhập, giảm đáng kể cho khối thu nhập thấp. Trong bối cảnh tăng trưởng và sức mua đang chững lại, mục tiêu của cải cách chính sách thuế lần này là kích thích khu vực doanh nghiệp,.
Áo không có chính sách hạn chế về khu vực hoặc địa lý đối với đầu tư nước ngoài. Ở một số vùng, Chính quyền địa phương có thể cung cấp các cơ sở và dịch vụ đặc biệt (“cluster package”) cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, chúng có thể bao gồm các ưu đãi cho các nhà sản xuất ô tô, nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ cao hoặc các công nghệ môi trường. Công ty xúc tiến đầu tư quốc gia của Áo, Cơ quan kinh doanh Áo (ABA) thuộc sở hữu và điều hành bởi Chính phủ Áo, là đầu mối đầu tiên cho các công ty nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Áo.
Thông tin về các Hiệp định thương mại Áo đã ký kết hoặc đang đàm phán có thể được tham khảo tại: https://www.export.gov/article?id=Austria-Trade-Agreements.
Thông tin về các Hiệp định thương mại EU đã ký kết hoặc đang đàm phán có thể được tham khảo tại: http://ec.europa.eu/trade/policy/countries-and-regions/negotiations-and-agreements/.
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng
Là thành viên của EU, Áo áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật trên cơ sở các quy định và quyết định của EU. Ngày 15/11/2017, Nghị viện Châu Âu đã thông qua với đa số phiếu tán thành Luật phòng vệ thương mại mới, với các sửa đổi về phương pháp xác định giá trị bình thường của một sản phẩm và ước tính thiệt hại đối với một ngành sản xuất nội khối do hành vi bán phá giá của nước ngoài. Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh EU chuẩn bị loại bỏ các nước như Trung Quốc và Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có nền kinh tế “phi thị trường” mà theo đó EU áp dụng phương pháp luận “phi tiêu chuẩn” để tính toán thiệt hại do bán phá giá. Theo nghị định thư gia nhập WTO năm 2001 của Trung Quốc, EU và các thành viên WTO khác được kỳ vọng sẽ từ bỏ sử dụng phương pháp luận “quốc gia tương tự” vào tháng 12/2016. Theo phương pháp này, EU so sánh giá sản phẩm bị điều tra bán phá giá với giá sản phẩm tương tự ở các nước thứ ba. Cách thức này không phù hợp với các quy định của WTO. Quy định mới này thực hiện hai bước đi quan trọng để phù hợp hơn với thực tiễn tiêu chuẩn của WTO. Gánh nặng chứng minh việc hoạt động trong một môi trường bị bóp méo với nền kinh tế phi thị trường bây giờ chính thức thuộc trách nhiệm của EU. Phương pháp mới không nêu tên các nền kinh tế phi thị trường cụ thể mà áp dụng chung đối với tất cả các nước.
Thông tin chi tiết về các quy định, quyết định và vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại xin tham khảo tại: http://ec.europa.eu/trade/policy/accessing-markets/trade-defence/.
Áo là thành viên tham gia Hiệp định về Tiêu chuẩn sản phẩm của WTO (GATT). Là thành viên của EU, Áo bắt buộc phải tuân theo các tiêu chuẩn của EU. Trong khi một số tiêu chuẩn EU đã ràng buộc về mặt pháp lý, một số khác vẫn có thể đang trong giai đoạn chuyển đổi hoặc đang chờ các hướng dẫn trong nước. Trong trường hợp không có tiêu chuẩn chung của EU, tiêu chuẩn quốc gia sẽ được áp dụng. Các tiêu chuẩn quốc gia của Áo được xây dựng và quản lý bởi Cơ quan Tiêu chuẩn Áo (Oesterreichisches Normungsinstitut – ON), một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân được thành lập bởi Quốc hội Áo trong Đạo luật Tiêu chuẩn năm 1971. Đây là cơ quan Áo duy nhất được ban hành và xác nhận các tiêu chuẩn của Áo. ON cũng có thể cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn phi chính phủ. ON xây dựng các tiêu chuẩn trong nhiều lĩnh vực khác nhau: quặng và kim loại, kỹ thuật cơ khí, xây dựng, sức khỏe và thiết bị y tế, vật liệu phi kim loại, hóa chất và các ngành công nghiệp liên quan, công nghệ đặc biệt, an toàn cá nhân, thực phẩm, môi trường và quản lý chất thải. Khoảng 90% các tiêu chuẩn là tự nguyện. Chuỗi các tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9000 là một trong những bộ tiêu chuẩn tự nguyện quan trọng nhất ở Áo và gần như trở thành yêu cầu trong nhiều ngành công nghiệp.
Thông tin về các đầu mối phụ trách các tiêu chuẩn kỹ thuật, bao gồm các hàng rào kỹ thuật trong thương mại và tiêu chuẩn vệ sinh – an toàn thực phẩm, xin tham khảo tại: https://www.bmdw.gv.at/Aussenwirtschaft/handelspolitik/WTO/Seiten/TBT-undSPS-EnquiryPoint(Auskunftsstelle).aspx.
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Thương mại
Việt Nam liên tục xuất siêu sang Áo năm sau cao hơn năm trước tính từ năm 2010. Áo chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam thông qua các công ty đa quốc gia, khu vực FDI, các công ty trung gian, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng gia dụng, dệt may và da giàu. Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt nam sang Áo, sản phẩm điện thoại di động và phụ tùng chiếm 80 – 85% giá trị, tiếp đến là dệt may và da giày và các sản phẩm máy móc, sắt thép khác. Việt Nam nhập khẩu từ Áo chủ yếu là máy móc, thiết bị chiếm 30-40 % tổng giá trị, tiếp đến các sản phẩm dược phẩm, nguyên liệu dược. Những năm gần đây, mặt hàng thức ăn gia súc tăng mạnh, trở thành nhóm hàng thế mạnh của Áo. Trong năm 2017, Việt Nam nhập khẩu từ Áo 304 triệu USD, trong đó máy móc chiếm 30%, dược phẩm – 19%, thức ăn gia súc – 16%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Áo
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Đầu tư
Tính đến nay, Áo đứng thứ 39 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 32 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 139,3 triệu USD.
Áo đã đầu tư vào 8 trên tổng số 21 ngành theo hệ thống phân ngành của Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ nhất với 15 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 97,8 triệu USD; tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với 1 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,5 triệu USD. Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô với 02 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,25 triệu USD. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Các nhà đầu tư Áo đầu tư chủ yếu vào hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Trong đó, hình thức 100% vốn nước ngoài thu hút được nhiều dự án cũng như vốn đầu tư nhất với 18 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 89,76 triệu USD; hình thức liên doanh có 12 dự án, số vốn đăng ký là 15,62 triệu USD.
Áo đã đầu tư vào 7/63 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó đứng đầu là Bình Dương với 02 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 42,8 triệu USD. Tiếp theo là Quảng Ngãi 1 dự án có tổng vốn đầu tư 28 triệu USD. Đứng thứ ba là Thành phố Hồ Chí Minh với 16 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 27,8 triệu USD…
Áo là nước cung cấp tín dụng ưu đãi ODA cho Việt Nam, tài trợ cho Việt Nam trên 3 lĩnh vực chính là: đường sắt , y tế, và giáo dục. Viện trợ phát triển (ODA) của Áo thực chất là một hình thức tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, theo đó các nước nhận ODA phải mua thiết bị của Áo thông qua một công ty Áo. Tín dụng của Áo có tính ưu đãi tương đối thấp (lãi suất từ 1,55 % – 3%/năm , thời hạn trả nợ 15-17 năm, thời gian ân hạn 4-5 năm, tỷ lệ không hoàn lại <35%).
Đến nay, Việt nam chưa có đầu tư nào vào Áo.
Các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết
– Hiệp định thương mại và thanh toán (1980);
– Hiệp định xử lý nợ của Việt Nam đối với Áo (1994);
– Hiệp định vận chuyển hàng không (3/1995);
– Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực đường sắt (3/1995);
– Thỏa thuận thành lập nhóm hỗn hợp để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại (3/1995);
– Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3/1995);
– Hiệp định hợp tác y tế (3/1995);
Tổng quan
Thị trường Áo bị chi phối bởi các công ty đa quốc gia. Các mặt hàng chính như dệt may, da giày và điện thoại di động đều của các công ty đa quốc gia/Việt Nam gia công, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu. Dư địa còn lại khoảng 10% là các sản phẩm như thực phẩm, nguyên liệu, đồ gỗ và các nhóm hàng lẻ khác.
Áo là nước không có biển, thị trường sâu nội địa, chi phí vận chuyển cao vì vậy chủ yếu xuất nhập khẩu thông qua trung gian. Hơn nữa, cộng đồng Việt Nam ở Áo nhỏ, không có doanh nghiệp lớn, năng lực hạn chế vì vậy khó hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại như một số nước.
Các nghiên cứu của Thương vụ tại Áo trong nhiều năm qua cho thấy các doanh nghiệp ít có nhu cầu nhập khẩu khối lượng lớn/nguyên container, do dung lượng thị trường nhỏ, nhu cầu đến đâu nhập đến đó và thông qua trung gian. Hàng nhập khẩu chính đến từ Đức và Hà Lan. Đối với hàng truyền thống xuất xứ Việt Nam, cũng nhập khẩu chính thông qua kênh này.
Duy nhất hàng rau tươi phục vụ các nhà hàng (khoảng 60 nhà hàng ở Viên), là được nhập trực tiếp bằng đường hàng không. Tại Viên có một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu mặt hàng này, với khối lượng 2-3 tấn/tuần vào mùa hè và 4-6 tấn/tuần vào mùa đông. Ở khía cạnh khác, điều tra các cửa hàng bán thực phẩm Châu Á, khoảng 40-50% hàng ở đây là hàng Thái Lan. Hàng Việt Nam chỉ cạnh tranh được với hàng Thái Lan ở các sản phẩm chế biến từ gạo như đa nem, miến, bún khô. Các sản phẩm khác có cùng cơ cấu như sữa dừa, hoa quả đóng hộp, gia vị và thậm chí nước mắm cũng không cạnh tranh được với hàng Thái Lan.
Nguyên nhân không cạnh tranh được với hàng Thái Lan do mẫu mã kém, giá cao và quan trọng hơn thiếu các hỗ trợ từ phía người bán/marketing. Các hỗ trợ từ người bán theo thông lệ của Châu Âu như: trả chậm, thu hồi sản phẩm/ bù khi sản phẩm có vấn đề, thưởng doanh số hầu như không bao giờ có đối với hàng Việt Nam do không đảm bảo, ổn định về chất lượng, số lượng, quy cách.
Các quy định về xuất nhập khẩu
Áo đã thông qua các quy định nhập khẩu của Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) và hệ thống hải quan khi gia nhập Liên minh châu Âu. Không có thuế quan trong thị trường nội địa Châu Âu, như là một thành viên Liên minh hải quan, EU vận hành hệ thống thuế quan chung cho thương mại với các nước thứ ba.
Quy định nhập khẩu của EU nói chung khá tự do, mặc dù có một số ngoại lệ và hạn chế: Hạn ngạch thuế quan; Thuế chống bán phá giá và thuế phòng vệ thương mại; Cấm vận của Liên hợp quốc. Những hạn ngạch thuế quan đối với các nước không thuộc EU được áp dụng trong các lĩnh vực: dệt may; sắt thép (Đông Âu); sản phẩm nông nghiệp; vũ khí; hàng hóa lưỡng dụng. Đối với các sản phẩm dân dụng, Bộ Kinh tế và các vấn đề kỹ thuật số là đầu mối cấp giấy phép. Riêng đối với nông sản, Agrarmarkt Austria (AMA) là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Thông tin chi tiết xin tham khảo tại– Cổng thông tin hỗ trợ xuất nhập khẩu của EU: http://trade.ec.europa.eu/tadehelp/
– Phòng Kinh tế Áo: http://www.advantageaustria.org/international/zentral/business-guide-oesterreich/exportieren-nach-oesterreich.en.html
Chính sách thuế và thuế suất
Nhập khẩu vào Áo từ các nước thành viên EU được miễn thuế suất hải quan.
Thuế suất hải quan được áp dụng đối với nhập khẩu từ các nước không thuộc EU; mức thuế suất phụ thuộc vào loại hàng hóa, giá trị của họ và nước xuất xứ. Thuế suất thuế hải quan của Áo được tính dựa trên Biểu thuế tích hợp của EU (TARIC), một cơ sở dữ liệu đa ngôn ngữ, trong đó tất cả các biện pháp liên quan đến thuế suất hải quan EU, luật thương mại và nông nghiệp được tích hợp. TARIC có thể được truy cập trực tuyến và hiển thị thuế hải quan cho từng loại hàng hóa.
Thuế suất thuế nhập khẩu trung bình của EU là khoảng 4%, và khoảng 60% hàng hóa có thể được nhập khẩu vào EU miễn thuế. Thuế quan của Áo được dựa trên Biểu thuế tích hợp của EU – TARIC. Hàng hóa nhập khẩu được sản xuất ngoài EU có thể được miễn thuế. Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) quy định các điều kiện về thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các nước đang phát triển. Một số thỏa thuận đặc biệt cũng tồn tại giữa các quốc gia thành viên EU và các nước đang phát triển. Để tận dụng các ưu đãi này, doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải có Giấy chứng nhận xuất xứ phù hợp.
Ngoài ra, hải quan Áo cũng áp dụng thuế GTGT (VAT) đối với hàng nhập khẩu. Thuế suất VAT tiêu chuẩn là 20% ở Áo, được tính dựa trên giá trị hải quan cộng với thuế suất hải quan và các khoản phí khác như chi phí vận chuyển.
Thông tin chi tiết xin tham khảo tại:
– Cổng thông tin hỗ trợ xuất nhập khẩu của EU: http://trade.ec.europa.eu/tradehelp/
– Biểu thuế tích hợp của EU – TARIC: http://ec.europa.eu/taxation_customs/dds2/taric/taric_consultation.jsp?Lang=en
– Thông tin về chính sách thuế, thuế quan của EU: https://ec.europa.eu/taxation_customs/
– Thông tin về các đầu mối phụ trách về các vấn đề thuế, hải quan của Áo: https://english.bmf.gv.at/customs/Contact-information.html
Quy định về bao bì, nhãn mác
Bao bì thực phẩm, rượu vang, dệt may và hóa chất phải đáp ứng các tiêu chuẩn đóng gói và dán nhãn của EU.
Nhãn mác CE xác nhận rằng các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và môi trường của EU đã được đáp ứng cho các loại sản phẩm: Máy móc; Vật liệu xây dựng; Hệ thống viễn thông; Thiết bị y tế; Thiết bị thể thao; Đồ chơi; Vật liệu nổ.
Tại Áo, các yêu cầu ngôn ngữ để ghi nhãn và đánh dấu sản phẩm phụ thuộc vào loại sản phẩm và mục đích sử dụng. Đối với một số loại sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có tác động đến sức khỏe hoặc môi trường, bắt buộc phải dán nhãn sản phẩm bằng tiếng Đức. Mặc dù không bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm được bán ở Áo, doanh nghiệp nên ghi cả tiếng Đức trên tất cả các nhãn cho mục đích tiếp thị. Các sản phẩm yêu cầu nhãn nhưng không được dán nhãn đầy đủ (Kennzeichnungspflicht) được dừng lại ở biên giới và phải được dán nhãn chính xác trong vòng ba tuần. Công ty nhập khẩu sản phẩm chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm được chứng nhận và được đánh dấu đúng trước khi chúng được chào bán.
Nhằm bảo vệ môi trường và tạo khuôn khổ pháp lý về tái chế, Chính phủ Áo đã ban hành Pháp lệnh Bao bì năm vào 1992. Văn bản này đã được cập nhật vào năm 2006 để phù hợp với các quy định của Ủy ban Châu Âu.
Thông tin chi tiết xin tham khảo tại:
– Tại cổng thông tin của EU: https://ec.europa.eu/info/business-economy-euro/product-safety-and-requirements/eu-labels_en
– Cơ quan Tiêu chuẩn Áo: https://www.austrian-standards.at/en/home/
– Báo cáo chuyên đề của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về thực tiễn áp dụng quy bao bì, nhãn mác của EU: https://www.export.gov/article?id=European-Union-Marking-Labeling-and-Packaging-Overview
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
Luật thực phẩm của Áo bao gồm Luật Bảo vệ An toàn Thực phẩm và Bảo vệ Người tiêu dùng năm 2006 (Luật Thực phẩm Áo) và pháp lệnh của luật này cùng Bộ luật Thực phẩm Áo (Codex Alimentarius Austriacus). Luật thực phẩm Áo tuân thủ các quy định của EU. Quy định thực phẩm của Áo được áp dụng đối với các sản phẩm được sản xuất tại Áo và thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, Áo có nghĩa vụ cho phép vào Áo các sản phẩm đã được nhập khẩu vào các quốc gia khác của Khu vực kinh tế Châu Âu (EEA). Nhập khẩu từ các nước thứ ba phải tuân thủ luật pháp quốc gia nếu không có luật pháp EU.
Luật Thực phẩm Áo điều chỉnh các quy định an toàn thực phẩm đối với toàn bộ các khẩu trong chuỗi giá trị thực phẩm, từ sản xuất chính cho đến người tiêu dùng. Yêu cầu được thiết lập cho các sản phẩm thực phẩm, nước uống, vật dụng tiện ích và mỹ phẩm. Quy định áp dụng cho tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối và bao gồm cả kiểm tra thú y (nếu có), quy định vệ sinh và theo dõi / kiểm tra. Luật pháp dựa trên một số quy định và chỉ thị của EU. Kể từ khi giới thiệu luật, nó đã được cập nhật thông qua một số lần sửa đổi. Mục đích của pháp luật là để hài hòa pháp luật của Áo với các quy định về thực phẩm của EU.
Cơ quan thực thi pháp luật về thực phẩm của Áo là chính quyền các tiểu bang liên bang (“Bundeslaender”). Các sản phẩm trong nước và nước ngoài được kiểm tra thông qua việc lấy mẫu ngẫu nhiên bởi các quan chức chính phủ tại điểm bán hoặc tại bất kỳ điểm nào khác trong chuỗi thương mại hoặc tại địa điểm chế biến. Các mẫu phải được thử nghiệm bởi các phòng thí nghiệm được Chính phủ ủy quyền.
Về thủ tục, hàng hóa nhập khẩu được chuyển đến kho lưu trữ hải quan hoặc đến cơ sở giao nhận vận chuyển hàng hóa điểm đích giao thông hoặc hoặc sân bay. Việc lưu trữ và bỏ ra khỏi lưu trữ được thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên hải quan và so sánh các tài liệu với hàng hóa. Sau đó, hóa đơn thuế suất thuế nhập khẩu được phát hành. Thanh tra thực phẩm tại cảng nhập cảnh không thường xuyên kiểm tra thực phẩm đóng gói. Tuy nhiên, nhân viên hải quan có thể lấy mẫu để kiểm tra lại thành phần (đường, sữa bột, rượu) và thuế suất thuế hải quan sẽ được thanh toán cho các thành phần này theo tỷ lệ của chúng trong sản phẩm đã được chế biến. Các chứng từ nhập khẩu về thú y và hải quan phải có bản tiếng Đức. Giấy chứng nhận thú y thường là song ngữ. Doanh nghiệp không được kháng cáo các quyết định của hải quan hoặc cơ quan thú y. Nếu nhà nhập khẩu phản đối chất lượng của sản phẩm, vụ việc có thể được đưa ra trung tâm trọng tài.
Thông tin chi tiết xin tham khảo tại:
– https://ec.europa.eu/info/food-farming-fisheries/food-safety-and-quality_en
– https://gain.fas.usda.gov/Recent%20GAIN%20Publications/Food%20and%20Agricultural%20Import%20Regulations%20and%20Standards%20-%20Narrative_Vienna_Austria_12-19-2017.pdf
Quyền sở hữu trí tuệ
Đạo luật sáng chế của Áo (Patentgesetz) có các quy định chi tiết để bảo vệ những phát minh mới. Bằng sáng chế cho phép chủ sở hữu độc quyền đối với việc sản xuất thương mại và sử dụng chung sáng chế. Bằng sáng chế có hiệu lực trong thời hạn 20 năm. Trong trường hợp vi phạm, chủ sở hữu có thể yêu cầu các lệnh cấm sơ bộ và cũng có quyền được xem xét các khoản bồi thường. Bên vi phạm cũng có thể được yêu cầu hủy bỏ lợi nhuận được thực hiện thông qua vi phạm và công bố quyết định cuối cùng của tòa án. Bằng sáng chế phải được đăng ký với Văn phòng Bằng sáng chế Áo. Việc bảo vệ bằng sáng chế được cấp theo mức độ ưu tiên đăng ký. Áo cũng đã phê chuẩn Hiệp định TRIPS trong khuôn khổ WTO.
Các sáng chế dưới mức sáng chế được bảo vệ theo Đạo luật thiết kế đã đăng ký của Áo (Gebrauchsmustergesetz). Thủ tục đăng ký cho một thiết kế đã đăng ký dễ dàng hơn so với một bằng sáng chế; thời gian bảo vệ cũng ngắn hơn (10 năm). Tuy nhiên, phạm vi bảo vệ tương ứng với phạm vi của bằng sáng chế.
Các thiết kế khác được bảo vệ theo Đạo luật bảo vệ thiết kế Áo (Musterschutzgesetz) và bao gồm: các hình thức, bìa, vật liệu,… của một thiết kế cụ thể. Việc bảo vệ thiết kế cũng cho phép quyền độc quyền. Thời gian bảo hộ là 5 năm và có thể được gia hạn theo Luật pháp Áo.
Nhãn hiệu, nhãn hiệu dịch vụ và thương hiệu (Marken) được bảo hộ theo Đạo luật Thương hiệu Áo (Markenschutzgesetz). Quyền thương hiệu được thiết lập bằng cách đăng ký. Nhãn hiệu đã đăng ký cung cấp cho chủ sở hữu nhãn hiệu độc quyền sử dụng và chuyển giao nhãn hiệu. Trong trường hợp vi phạm, chủ thương hiệu có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại và yêu cầu các lệnh cấm sơ bộ. Việc đăng ký ban đầu giúp bảo vệ 10 năm và có thể được gia hạn theo Luật pháp Áo. Cơ quan của Áo phụ trách đăng ký nhãn hiệu là Văn phòng Bằng sáng chế Áo.
Các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật và điện ảnh và các chương trình máy tính được bảo vệ theo Đạo luật Bản quyền Áo (Urheberrechtsgesetz). Sự bảo vệ theo Đạo luật Bản quyền không yêu cầu đăng ký; bản quyền tồn tại khi tạo tác phẩm. Trong trường hợp vi phạm bản quyền, người giữ bản quyền có thể yêu cầu lệnh cấm sơ bộ, xóa bỏ các sản phẩm giả mạo và đòi hỏi bồi thường. Thời gian bảo vệ là: 70 năm cho các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật, chương trình phát thanh và sóng mang âm thanh; 50 năm cho ảnh.
Thông tin chi tiết xin tham khảo tại:
– https://www.patentamt.at/
Tập quán kinh doanh
Người Áo thích được giới thiệu từ bên thứ ba, họ không cần một mối quan hệ cá nhân để bắt đầu gặp gỡ, kinh doanh. Các cuộc hẹn là cần thiết và nên được thông báo từ 3 – 4 tuần trước khi gặp gỡ với các công ty tư nhân. Sẽ vô cùng thô lỗ khi hủy cuộc họp vào phút cuối, điều này có thể làm hỏng mối quan hệ kinh doanh.
Các cuộc họp kinh doanh tuân thủ các chương trình nghị sự nghiêm ngặt, bao gồm cả thời gian bắt đầu và kết thúc. Trong các cuộc đàm phán kinh doanh, người Áo đàm phán rất thẳng thắn và không nói lòng vòng. Người Áo có định hướng rất chi tiết và muốn hiểu mọi ám chỉ trước khi đến thỏa thuận. Đồng thời cần tránh hành vi đối đầu hoặc chiến thuật áp lực cao. Hơn nữa, mối quan hệ giữa người mua và người bán truyền thống có nghĩa là người mua đang cần một thứ gì đó, do đó người bán có vị trí khá chi phối.
Địa vị và vị trí của từng cá nhân là quan trọng. Hầu hết các công ty tại Áo thuộc loại vừa và nhỏ, vì vậy thường rất dễ gặp gỡ với người ra quyết định. Kinh doanh được tiến hành chậm nên bạn sẽ phải kiên nhẫn và không bị xáo trộn bởi sự tuân thủ nghiêm ngặt trong giao thức.
Một số lượng cuộc trò chuyện nhỏ, giúp thân quen có thể diễn ra trước khi cuộc trò chuyện kinh doanh bắt đầu. Người Áo quan tâm hơn đến các mối quan hệ lâu dài hơn là nhất thời. Người Áo nghi ngờ về cường điệu hoặc lời hứa hẹn quá chừng mực.
Không có nghi thức chính thức trao đổi danh thiếp. Người Áo ưu tiên danh thiếp mà được dịch sang tiếng Đức, có thông tin về bằng cấp hoặc chức danh cao cấp. Nếu công ty đã hoạt động trong một thời gian dài, hãy bổ sung ngày/năm thành lập vì nó thể hiện sự ổn định.
Những món quà nhỏ có thể được trao nếu hai đối tác gặp lần đầu tiên, thường là vào cuối cuộc họp. Quà tặng nên được gói gọn. Quà tặng thường được mở khi được nhận.
Thông tin xin tham khảo tại:
– https://en.portal.santandertrade.com/establish-overseas/austria/business-practices
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ – Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tel: +84-24-22205380-2
Fax: +84-24-2220 5376/2525
Đại sứ quán Áo tại Việt Nam
Địa chỉ: 53 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (+84/24) 3 943 3050
Fax: (+84/24) 3943 3055
Email: hanoi-ob (at) bmeia.gv.at
Tại Áo
Đại sứ quán Việt Nam tại Áo
Địa chỉ: Felix Mottl-Str. 20A-1190 Vienna.
Điện thoại: +43-1-3680755 /+43-1-3680755/21
Fax: +43-1-3680754
Email: embassy.vietnam@aon.at; vnemb.at@mofa.gov.vn
Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo
ĐT: +43 1 367 1759 / + 43 699 120 88 444
E-mail: phuongtvi@moit.gov.vn