Notifications
Clear all

Bản tin Kinh tế số tháng 10-2018

1 Bài viết
1 Thành viên
0 Reactions
2,589 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 8 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

​​​

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ

            Ngày 19-20/10/2018, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ để thảo luận về những thách thức, cơ hội trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và rà soát kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và kế hoạch ngân sách.

            Theo báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Souphanh Keomixay, tăng trưởng GDP năm 2018 ước chỉ đạt 6.5%, thấp hơn so với năm 2017 (6,9%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là 7%. Nguyên nhân chính làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế do (i) tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng giữa các cường quốc kinh tế gây bất ổn toàn cầu về thương mại, đầu tư và tài chính, đã tác động "bất lợi" lên môi trường phát triển kinh tế của Lào và (ii) tình trạng ngập lụt nặng nề đã xảy ra ở hầu hết tất cả các tỉnh làm giảm sản lượng nông nghiệp, ước mất khoảng 10% so với chỉ tiêu kế hoạch.

            Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Somdy Duangdy cho biết, chỉ tiêu thu ngân sách đang gặp thách thức lớn do tình trạng thiên tai đã ảnh hưởng lên nguồn thu. Trong 08 tháng đầu năm, thu ngân sách chỉ đạt 14.906 tỷ Kíp, tương đương 58,57% kế hoạch năm.

            Để đạt được mục tiêu, Chính phủ đã chỉ đạo tất cả các cơ quan liên quan nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu về ngân sách. Hội nghị đã thảo luận các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp mùa khô; ra nghị quyết về việc cắt giảm các loại thuế và phí khác nhau ở các vùng bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt để giảm nhẹ hậu quả thiên tai, bao gồm giảm hoặc miễn thuế đất và tiền điện ở các địa bàn ngập lụt để thúc đẩy sản xuất; cử các cán bộ kỹ thuật xuống giúp các địa phương và nhân dân bị ảnh hưởng khắc phục thiệt hại và sửa chữa các hệ thống thủy lợi, giám sát, khống chế bùng phát dịch bệnh.

            Bên cạnh đó, một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập để triển khai công tác thanh tra. Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra các dự án đầu tư nhà nước để đảm bảo hiệu quả của các dự án này. Đối với các dự án đã hoàn thành, phải tiếp tục thanh tra, kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn kỹ thuật được sử dụng trong xây dựng; chỉ ưu tiên cho các dự án đầu tư nhà nước thật sự cần thiết và có hiệu quả trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai; chú trọng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và kinh doanh tại 12 đặc khu kinh tế đang hoạt động ở các tỉnh trên cả nước; vận hành có hiệu quả dịch vụ một cửa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đồng thời, đảm bảo các doanh nghiệp nộp thuế và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác đối với nhà nước.

            Tại hội nghị, Chính phủ cũng đã thảo luận 03 dự thảo Nghị định, bao gồm các Nghị định về thực hiện Quy hoạch Quản lý Đất Quốc gia, An toàn và Sức khỏe Lao động và Huy động và Quản lý ODA. (Vientiane Times, 19, 22/10/2018)

Cần thiết phải hợp tác khu vực và quốc tế để phát triển bền vững

            Từ ngày 26-29/9/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đã dẫn đầu đoàn đại biểu Lào tham dự Kỳ họp Đại hội đồng LHQ tại New York, Hoa Kỳ và các cuộc họp bên lề hội nghị.

            Bộ trưởng Saleumxay cho biết, để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và đạt mục tiêu SDGs, Chính phủ Lào đã: (i) Lồng ghép mục tiêu SDGs vào Kế hoạch Phát triển Kinh tế - xã hội quốc gia lần thứ 8 giai đoạn 2016-2020 của Lào ngay sau khi ban hành Chương trình Nghị sự 2030; (ii) Thông qua mục tiêu SDG quốc gia thứ 18 với tiêu đề "Đảm bảo sự sống từ Bom mìn chưa nổ (UXO)" nhằm giải quyết các vấn đề do UXO gây ra, vấn đề tiếp tục ảnh hưởng trên diện tích lớn của nhiều tỉnh trên khắp nước Lào; (iii) Đưa ra Bản đánh giá Quốc gia Tự nguyện đầu tiên về việc thực hiện SDGs 1 (7/2018); (iv) Lào cũng như nhiều nước trên thế giới cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Ông đánh giá cao chia sẻ và tình cảm của các nước, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, viện trợ nhân đạo đối với Lào và giúp Lào khắc phục hậu quả ảnh hưởng của lũ lụt vừa qua. (Vientiane Times, 02/10/2018)

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Lào

            Theo báo cáo Cập nhật về kinh tế Đông Á và Thái Bình dương (EAP) công bố ngày 04/10/2018 của WB, tăng trưởng kinh tế của Lào dự báo sẽ đạt 6,9% trong giai đoạn 2019-2020 nhờ tăng sản lượng điện, các cơ hội phát triển các ngành phi tài nguyên xuất phát từ hội nhập khu vực và cải thiện môi trường kinh doanh.

            Tăng trưởng kinh tế của Lào ước tính sẽ giảm nhẹ xuống 6,7% năm 2018 so với mức 6,9% năm 2017, vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Lào được WB xếp vào danh sách các nền kinh tế nhỏ của khu vực Đông Á và Thái Bình dương (EAP). Triển vọng tăng trưởng kinh tế ở mức cao, trung bình hàng năm đạt trên 6% trong giai đoạn 2018 – 2020. Đồng thời, triển vọng tăng trưởng của các nước EAP đang phát triển sẽ vẫn duy trì ở mức khả quan bất chấp môi trường bên ngoài kém thuận lợi như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tăng lãi suất ở Mỹ, đồng USD tăng giá, thị trường tài chính bấp bênh ở nhiều nền kinh tế mới nổi làm tăng tình trạng bất ổn đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực.

            Bên cạnh đó, lạm phát đã bắt đầu tăng ở các nước trong khu vực, đặc biệt là ở Myanmar, Philippines và Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo sẽ chậm lại ở mức 6,5% trong năm 2018. Tăng trưởng ở các nước EAP đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc dự báo sẽ ở mức ổn định 5,3% trong các năm 2018-2020. Ở Thái Lan và Việt Nam, tăng trưởng dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2018 trước khi chậm lại trong các năm 2019 và 2020 khi nhu cầu trong nước mạnh lên chỉ bù đắp được một phần chậm lại về tăng trưởng xuất khẩu. Tăng trưởng của Indonesia sẽ ổn định nhờ triển vọng đầu tư và tiêu thụ của khu vực tư nhân được cải thiện. Ở các nền kinh tế nhỏ của EAP, triển vọng tăng trưởng vẫn ở mức cao, trung bình trên 6% hàng năm ở Lào, Campuchia, Mông Cổ và Myanmar trong giai đoạn 2018 – 2020. (Vientiane Times, 05/10/2018)

Tỷ lệ lạm phát của Lào tăng trên 3%

            Ngày 16/10/2018, Tổng cục Thống kê Lào công bố tỷ lệ lạm phát của Lào tiếp tục tăng, vượt mức 3% trong tháng 9 bất chấp hàng loạt các giải pháp Chính phủ đã áp dụng để kiềm chế giá cả hàng hóa trên thị trường trong nước.

            Chỉ số giá Tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 đã đạt mức 105,73 điểm, tăng so với mức 104,96 điểm của tháng 8/2018. Tình trạng CPI tiếp tục tăng dẫn đến tỷ lệ lạm phát so cùng kỳ năm trước của Lào tăng lên 3,06% trong tháng 9/2018 (tỷ lệ này trong tháng 8/2018 là 2,57%). Tỷ lệ lạm phát hàng tháng ở Lào dựa trên sự thay đổi giá cả của 12 loại hàng hóa và dịch vụ. Các yếu tố làm tăng lạm phát là do giá nhiên liệu tăng và sự mất giá của đồng Kíp. Trong những tháng vừa qua, giá nhiên liệu tiếp tục tăng mặc dù Chính phủ đã cắt giảm một số phí đánh vào nhiên liệu. Giá nhiên liệu đã tăng trên 17% trong tháng 8/2018 so cùng kỳ năm 2017. Theo các cơ quan chức năng của Chính phủ, mặc dù Chính phủ đã cố gắng giảm giá nhiên liệu bằng cách cắt giảm thuế nhưng giá cả mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng do giá cả trên thị trường thế giới tăng. Theo dự báo của WB, giá cả nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

            Bên cạnh giá nhiên liệu, việc mất giá đồng Kíp so với USD và Baht Thái cũng là yếu tố làm tăng lạm phát ở Lào vì phần lớn hàng hóa tiêu dùng ở Lào là hàng nhập khẩu. Theo Ngân hàng TW Lào, tỷ lệ lạm phát của Lào chỉ ở mức 0,95% trong tháng 01/2018, tăng lên 1,88% tháng 04 và 2,57% trong tháng 8/2018.

            Mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Lào tăng, nhưng so với các nước trong khu vực vẫn ở mức thấp. Ví dụ, so cùng kỳ tháng 8/2018, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam là 4%, Philippines là 6,4%.

            Theo các nhà quan sát, Chính phủ đã hối thúc Ngân hàng TW Lào giữ mức cung tiền tệ trong tâm kiểm soát theo phê chuẩn của Quốc hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng nguồn cung, ổn định giá cả hàng hóa và dịch vụ. (Vientiane Times, 17/10/2018)

Kim ngạch thương mại của Lào có xu hướng tăng

            Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng giá trị kim ngạch thương mại của Lào, bao gồm cả nhập khẩu và xuất khẩu trong tháng 8 so với tháng 7/2018 đã tăng 35 triệu USD, đạt 900 triệu USD.

            Hàng hóa xuất khẩu chính bao gồm điện, các sản phẩm kim loại đồng và quặng đồng, chuối, đồ uống, vàng, cà phê, đường và hàng may mặc. Hàng hóa nhập khẩu chính bao gồm các sản phẩm xăng dầu (xăng máy bay, dầu diesel và xăng), thiết bị điện, cơ khí, phương tiện (ô tô), phụ tùng, sắt thép... Thị trường xuất khẩu chính (theo thứ tự giá trị hàng hóa) là Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Đức và Ấn Độ; thị trường nhập khẩu chính bao gồm Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Australia và Hong Kong.

            Trong quý II năm 2018, tổng giá trị kim ngạch thương mại đạt 5,011 tỷ USD, tăng 14,5% so cùng kỳ năm 2017, trong đó, xuất khẩu đạt 2,262 tỷ USD, tăng 4% so cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 2,212 tỷ USD, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2017.

Năm 2017, Lào đạt thặng dư thương mại 261 triệu USD nhờ xuất khẩu tăng đến 4,803 tỷ USD, mức tăng 13% so năm 2016. Điện vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính, tạo thu nhập cho quốc gia. Dự kiến sản xuất điện và việc mở rộng sản xuất các linh kiện điện tử sẽ tăng trong giai đoạn tới.

            Theo số liệu thống kê, số lượng khách du lịch năm nay đang hồi phục dần và đã tăng trở lại trong quý I năm 2018. Tuy sản lượng khai khoáng dự kiến sẽ không thay đổi nhưng giá cả kim loại trên thị trường năm nay tăng cao hơn so năm 2017, chắc chắn sẽ làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

            Theo dự kiến của Bộ Công Thương, Lào sẽ tiếp tục đạt thặng dư thương mại trong năm 2018 nhờ nỗ lực xúc tiến sản xuất hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Chính phủ, bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,015 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 4,978 tỷ USD. (Vientiane Times, 12/10/2018)

Nông nghiệp hữu cơ ở Lào có xu hướng tăng

            Ngày 02/10/2018, Vụ Nông nghiệp, Bộ Nông Lâm cho biết, diện tích canh tác nông nghiệp sạch dự kiến sẽ đạt gần 8.000 ha, tăng 6% trong năm 2018 nhờ nhu cầu nông sản hữu cơ tăng cả trên thị trường trong và ngoài nước.

            Lào có các loại cây trồng tự nhiên và sản xuất theo phương pháp hữu cơ có giá trị về sức khỏe cao. Ở nước ngoài, các loại sản phẩm hữu cơ của Lào cũng đã trở nên nổi tiếng và thông dụng ở các thị trường quốc tế vì khách hàng ngày càng biết đến chất lượng và phương pháp hữu cơ được áp dụng để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là cà phê. Diện tích hiện có được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ ở Lào là 7.984 ha, chủ yếu tập trung ở Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Viêng Chăn, Luang Prabang, Xiêng Khoảng, Oudomxay, Savannakhet, Champassack và Xayaboury với sản lượng ước tính 3.375 tấn/năm. Đồng thời, các thành viên GAP của Lào (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) năm 2017 có 15 nhóm nông dân với trên 500 hộ. Diện tích GAP có khoảng 1.400 ha ở thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Viêng Chăn, Khammuon, Savannakhet và Champassack.

            Ngành nông lâm và phát triển nông thôn Lào dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,8% trong năm 2018, chiếm khoảng 15,73% GDP. Mục tiêu phấn đấu đạt 4,2 triệu tấn thóc, 199.800 tấn thịt, 179.000 tấn cá và 34.450 tấn trứng năm 2018; các loại cây trồng khác phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước bao gồm 137.500 tấn cà phê, 1,2 triệu tấn ngô và 2.4 triệu tấn sắn.

            Ngày 03/10/2018, WB đã phê duyệt việc hỗ trợ dự án Năng lực Cạnh tranh Nông nghiệp của Lào trị giá 25 triệu USD thông qua Khung khổ Đối tác Quốc gia 2017-2021. Dự án sẽ hỗ trợ 28.000 hộ gia đình ở 224 bản chọn lọc nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, tăng cường chất lượng giống, sử dụng máy móc và thủy lợi để qua đó giảm chi phí sản xuất và trung gian để tăng thu nhập cho người nông dân. (Vientiane Times, 03/10/2018)

Thiếu lao động đang cản trở sự phát triển của các Đặc khu kinh tế

            Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), các Đặc khu kinh tế (SEZ) ở Lào đang gặp khó khăn về thiếu lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng, điều đó đang cản trở sự mở rộng của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Kết quả điều tra doanh nghiệp 2016-2017 cho thấy, 13% các ngành công nghiệp thiếu lao động có kỹ năng như một cản trở chính.

            Hiện nay, ở Lào có 12 SEZ, trong đó 05 khu ở thủ đô Viêng Chăn, có tổng số 350 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó, trên 50% là các doanh nghiệp Trung Quốc, tiếp theo là Thái Lan và Nhật Bản. Trong số đầu tư đăng ký năm 2017, gần 50% là trong lĩnh vực dịch vụ, tiếp đến là kinh doanh thương mại và công nghiệp. Tổng vốn đầu tư tính đến nay đã tăng khoảng 40%, từ 1,2 tỷ USD năm 2015 lên 1,8 tỷ USD năm 2017; tạo công ăn, việc làm bao gồm cả lao động nước ngoài và trong nước đã tăng khoảng 55%, từ 11.000 năm 2014 lên 17.000 lao động năm 2017, trong đó, người Lào chiếm khoảng 50% tổng số lao động trong các SEZ, tập trung chủ yếu tại 02 khu chế xuất Savan – Seno và VITA, chiếm gần 80% tổng số lao động. Việc phát triển các SEZ tạo ra nhiều lựa chọn việc làm cho lao động địa phương tại các tỉnh, nơi vẫn diễn ra tình trạng lao động vượt biên tìm kiếm việc làm tại nước láng giềng.

            Hàng hóa xuất khẩu của các SEZ đã tăng gấp đôi, đạt 350 triệu USD trong giai đoạn 2014 – 2017, chủ yếu là các sản phẩm linh kiện camera kỹ thuật số, thiết bị viễn thông xuất sang thị trường Thái Lan, trong đó, xuất khẩu linh kiện điện tử đã tăng gấp đôi lên khoảng 20 triệu USD trong gian đoạn 2015-2017. Tuy vậy, đóng góp cho thu trong nước vẫn chưa đến 1%, chủ yếu là do các ưu đãi và miễn giảm tài chính đối với các SEZ. Nhiều khu vẫn trong giai đoạn đầu phát triển cơ sở hạ tầng, chỉ có một số ít khu đã bắt đầu sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các khu còn chưa có đại diện của ngành tài chính tại dịch vụ một cửa cũng tạo ra thách thức trong việc xác định cơ sở thuế và thu thuế một cách có hiệu quả. (Vientiane Times, 10/10/2018)

Ngành Thuế thu nộp ngân sách tăng hơn năm trước

            Theo báo cáo của Cục Thuế, Bộ Tài chính Lào, nguồn thu từ thuế nộp vào ngân sách nhà nước có triển vọng khả quan và tăng hơn cùng kỳ năm 2017.

            Nguồn thu chủ yếu từ việc nhập khẩu xăng, dầu chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là thu thuế nhập khẩu các phương tiện, hàng tiêu dùng và một số mặt hàng hóa khác.

            Quyền Cục trưởng Cục Thuế, Bộ tài chính Boupaseuth Sikulabouth cho biết, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành thuế trên toàn quốc có nhiều tiến triển khả quan nhờ vào việc cải cách cơ cấu tổ chức thu thuế. Theo kế hoạch đề ra, năm 2018 việc thu thuế phải đạt 7.200 tỷ Kíp, nhưng chỉ tính từ ngày 01/01/2018 đến tháng 23/9/2018 ngành thuế đã thu nộp vào ngân sách nhà nước được 4.590 tỷ Kíp đạt 63,76% kế hoạch năm, tăng hơn cùng kỳ năm trước 4,05%, tương đương 178 tỷ Kíp.

            Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức thực hiện thu thuế tại Lào vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự điều chỉnh Luật thuế, sửa đổi bổ sung một số điều liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện thu thuế trong các lĩnh vực hoạt động trong toàn xã hội. (KPL, 10/10/2018) 

Diễn đàn hợp tác khoa học và công nghệ Lào

            Ngày 15/10/2018, tại Lao-ITECH, Viêng Chăn, Thứ trưởng Bộ KHCN Lào Chanseng Phimmavong đã khai mạc Diễn đàn hợp tác khoa học và công nghệ, với sự tham dự của các quan chức Chính phủ, đại diện khu vực tư nhân, các viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp Lào và doanh nghiệp nước ngoài nhằm trao đổi kinh nghiệm về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước. Đây là sự kiện nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm "Thúc đẩy hợp tác công nghệ vì phát triển bền vững".

            Diễn đàn cũng nhằm tạo cơ hội gặp gỡ giữa các đối tác hợp tác về khoa học, công nghệ với các viện nghiên cứu, nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp tại Lào nhằm trao đổi thông tin và chia sẻ các thành tựu nghiên cứu, giới thiệu công nghệ để xây dựng các dự án hợp tác trong thời gian tới nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến của nước ngoài, góp phần hỗ trợ sản xuất và dịch vụ đạt hiệu quả cao hơn. Từ đó giúp các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ của Lào tìm hiểu, nghiên cứu phương thức ứng dụng công nghệ và sáng tạo trong sản xuất, tạo điều kiện cho sản phẩm của Lào có thể cạnh tranh được trên thị trường trong nước và nước ngoài. (Vientiane Times, 16/10/2018)

Tác động của El Nino và La Nina đối với nông nghiệp Lào

            Ngày 19/10/2018, tại Viêng Chăn, Ngân hàng thế giới (WB) đã tổ chức hội thảo báo cáo "Kiểm soát tác động của El Nino và La Nina đối với nông nghiệp Lào". Theo báo cáo, kể từ năm 1966, hơn 70% thiên tai hạn hán, lũ lụt ở Lào xảy ra trong các năm El Nino và La Nina, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực nông nghiệp và nền kinh tế nói chung của Lào.

            Tại sự kiện, các đại biểu đã trao đổi về báo cáo và các khuyến nghị nhằm tăng cường khả năng phục hồi đối với "Dao động hướng Nam của El Nino" (ENSO). ENSO gồm biến động về nhiệt độ giữa đại dương và khí quyển, gây ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu toàn cầu, El Nino là giai đoạn ấm của ENSO, làm giảm lượng mưa và hạn hán, còn La Nina là giai đoạn mát của ENSO, thường xảy ra sau 1 năm và làm tăng lượng mưa và gây ra lũ lụt. Theo báo cáo, mặc dù El Nino và La Nina tác động khác nhau đến các khu vực ở Lào nhưng đều gây ảnh hưởng tiêu cực tới nông nghiệp, đời sống con người và nền kinh tế. Mặc dù Lào đã có cải thiện trong việc ứng phó với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, nhưng vẫn cần làm nhiều việc hơn để ứng phó với ENSO.

            Ông Xaypladeth Choulamany, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Nông Lâm Lào, đồng chủ trì hội thảo, đánh giá báo cáo đã cung cấp những thông tin hữu ích cho phát triển trong thời gian tới và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các hành động để ứng phó với tác động của ENSO. Giám đốc quốc gia WB tại Lào Nicola Pontara cho biết, nghiên cứu này đã kịp thời đưa ra cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của hiện tượng El Nino cuối cùng xảy ra tại Lào trong thời gian từ 2014-2016, gây ra tình trạng thiếu nước trên toàn quốc. Dự báo mới nhất cho thấy Lào có thể sẽ phải trải qua một đợt El Nino khác vào tháng tới. Thời tiết khắc nghiệt đã tác động không nhỏ tới phụ nữ, hộ gia đình nghèo và ảnh hưởng đến những nỗ lực dài hạn của Lào trong việc xóa đói giảm nghèo.

            Khuyến nghị đối với Lào để ứng phó tốt hơn với El Nino và La Nina bao gồm việc đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm, lập cơ quan đầu mối về ENSO, xây dựng kế hoạch hành động, bản đồ rủi ro với mục tiêu là các vùng dễ bị tổn thương nhất, cải thiện cơ chế tài chính về ENSO, hợp tác với các nước Đông Nam Á khác để ứng phó với các thách thức liên quan đến ENSO. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy đầu tư vào các trang trại sử dụng các loại hạt giống chịu được hạn hán và mở rộng cơ sở tưới tiêu quy mô nhỏ để hạn chế tối đa mất mát.

            Trưởng nhóm các nhà kinh tế nông nghiệp của WB, Trưởng nhóm xây dựng báo cáo, Ông William R. Sutton hy vọng báo cáo này đã cung cấp các thông tin cần thiết nhằm thúc đẩy Lào và các nước láng giềng có hành động cụ thể. Ngoài ra báo cáo giúp Lào có thể học cách phục hồi ảnh hưởng từ La Nina, bù đắp tổn thất về kinh tế, xã hội và nông nghiệp do El Nino gây ra. (Vientiane Times, 22/10/2018)

Hội thảo về nhu cầu khắc phục thiên tai ở Lào

            Ngày 23/10/2018, tại Viêng Chăn, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Khampheng Saysompheng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Lào Nicola Pontara, Điều phối viên Liên hợp quốc và Đại diện thường trú UNDP Kaarina Immonen và ông Koen Everaert đại diện Liên minh châu Âu (EU) tại Lào đã đồng chủ trì Hội thảo về nhu cầu khắc phục thiên tai ở Lào với mục đích chuẩn bị báo cáo để trình lên Hội nghị Bàn tròn tổ chức vào tháng 11/2018. Hội thảo cho thấy Chính phủ Lào ước tính cần hơn 06 nghìn tỷ Kíp để khắc phục những thiệt hại do lũ lụt gây ra trên toàn quốc trong năm 2018, nhu cầu lớn nhất là giao thông và nông nghiệp. Việc này sẽ được tiến hành trong giai đoạn ngắn, trung và dài hạn, tập trung vào các vấn đề xã hội, lĩnh vực sản xuất và các vấn đề liên quan khác.

            Theo Quyền Vụ trưởng Vụ Phúc lợi Xã hội, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào Vilayphong Sisomvang, trong năm 2018, Lào đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai: (i) cơn bão Sơn Tinh (18-19/7) đã gây ra lượng mưa rất lớn ảnh hưởng đến 55 huyện thuộc 13 tỉnh ở Bắc, Trung và Nam Lào; (ii) vỡ một đập phụ tại nhà máy thủy điện Xe-pian Xe-namnoy (23/7) gây ra lũ quét diện rộng chưa từng có ở hạ lưu; (iii) bão nhiệt đới Bebinca (17-18/8) gây ra lũ lụt ở Bắc Lào và ảnh hưởng đến một số tỉnh Nam Lào. Ước tính tổng thiệt hại về xã hội, sản xuất, cơ sở hạ tầng trên toàn quốc là trên 3 nghìn tỷ Kíp, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các tỉnh Vientiane, Huaphan, Khammuan và Attapeu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Vilayphong cũng cho biết các kế hoạch khắc phục bao gồm: (i) về xã hội: các vấn đề liên quan nhà ở, khu định cư, giáo dục, y tế, dinh dưỡng và văn hóa; (ii) về sản xuất: nông nghiệp (cây trồng, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi) cũng như du lịch, công nghiệp, thương mại; (iii) về cơ sở hạ tầng: giao thông, cấp nước đô thị và nông thôn, đường thủy, điện lực; (iv) các vấn đề liên quan khác: quản lý rủi ro thiên tai, quản trị, môi trường, việc làm, đời sống người dân và rà phá bom mìn chưa nổ (UXO). (Vientiane Times, 24/10/2018)

Hội chợ ngành, nghề thủ công Lào sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10 năm nay

            Ngày 05/10/2018, tại khách sạn Land Mark, thủ đô Vientiane, Hiệp hội nghề thủ công Lào đã tổ chức buổi truyền thông năm 2018, do Chủ tịch Hiệp hội Hansana Sisan chủ trì với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan.

            Tại buổi lễ, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: Việc tổ chức triển lãm ngành nghề thủ công, mỹ nghệ lần này nhằm thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa được sản xuất bằng thủ công với sự tham gia của các địa phương, các dân tộc trên toàn đất nước Lào, với mục đích quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tiểu thủ công, mỹ nghệ. Hội chợ sẽ là nơi để các nghệ nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cũng như kết nối sản phẩm của các vùng miền khác nhau, giới thiệu khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, đánh thức tiềm năng truyền thống, lâu đời có bản sắc riêng biệt của các bộ tộc Lào, trở thành phong trào rộng khắp để làm ra các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có chất lượng, có thẩm mỹ đại diện cho quốc gia Lào. Đồng thời, hội chợ triển lãm và tiêu thụ các sản phẩm thủ công sẽ làm sinh động thêm cho năm du lịch Lào 2018.  Ngoài ý nghĩa về tiêu dùng, sản phẩm sau khi triển lãm sẽ được lựa chọn để sản xuất thành đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước trong thời gian tới.

            Theo kế hoạch, Hội chợ thủ công, mỹ nghệ Lào sẽ kéo dài từ 27/10-04/11/2018 tại Trung tâm Thương mại Lào-Itech, với dung lượng khoảng 200 gian hàng triển lãm về các sản phẩm thủ công truyền thống, các chế tác từ gỗ, gốm, vàng, bạc và kim loại quý của khắp các vùng miền trên toàn quốc đem đến triển lãm để dự thi, giới thiệu và tiêu thụ. (Viengchanmai, 11/10/2018)

Cửa khẩu Đăc-tà-oọc cần phải nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế

            Sê- kông là tỉnh có đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, có tuyến đường 16B nối từ khu vực Nam Lào đến cảng biển Đà Nẵng, chiều dài 250 km qua cặp cửa khẩu quốc gia Đak Ta Ooc (Sê-kông, Lào) và Nam Giang (Quảng Nam, Việt Nam).

            Với tiềm năng về điều kiện tự nhiên, việc phát triển các sản phẩm hàng hóa nông sản của nhân dân trong tỉnh Sekong và người dân dọc tuyến đường 16B ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng (nông sản sạch) đã đến lúc cần phải có thị trường đầu ra thuận lợi để tiêu thụ các sản phẩm, tạo động lực để thúc đẩy sản xuất hàng hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, tiềm năng về tự nhiên với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, tài nguyên khoáng sản, năng lượng thủy điện sẽ thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đến với tỉnh ngày càng tăng.

            Phát biểu trước báo chí, Chủ tịch tỉnh Khampheuy Bouthdavieng cho biết, hiện nay, cửa khẩu Đak Ta Ooc đang là cửa khẩu cấp quốc gia, nếu như cửa khẩu này được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh Sekong phát triển nhanh chóng; song song với đó, tuyến đường quốc lộ 16B đã hoàn thành sẽ là tuyến đường kết nối ngắn nhất từ khu vực Nam Lào sang cảng biển Đà Nẵng, Việt Nam.

            Do đó, để kinh tế-xã hội của Sê-kông nói riêng và cả khu vực Nam Lào nói chung tăng trưởng nhanh chóng, vững mạnh, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây trong khu vực, tạo điều kiện cho người, hàng hóa và phương tiện lưu thông thuận lợi, giảm chi phí vận chuyển, cần nâng cấp cặp cửa khẩu Đak Ta Ooc – Nam Giang thành cặp cửa khẩu quốc tế trong thời gian sớm nhất. (KTXH, 15/10/2018)

Lào tụt hạng về chỉ số cạnh tranh theo WEF

            Mặc dù Chính phủ Lào đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nhưng theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018  khi tiến hành nghiên cứu đối với 140 nền kinh tế cần cải thiện về đầu tư và duy trì tăng trưởng kinh tế, Lào vẫn bị tụt bậc về chỉ số cạnh tranh, xếp thứ 112/140. Nghiên cứu này dựa trên các chỉ số về thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm sóc sức khỏe, kỹ năng, thị trường sản xuất, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, đa dạng kinh doanh và khả năng sáng tạo.

            Năm 2017, Lào xếp thứ 110/135 nền kinh tế về chỉ số cạnh tranh toàn cầu. So sánh các chỉ số cho thấy, trong hai năm gần đây, Lào không có chuyển biến nào đáng kể. Chính phủ đã rất nỗ lực để Lào trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, tuy nhiên, theo báo cáo thì Lào phải trải qua một chặng đường dài mới tiến kịp các nước trong khu vực và trở thành nước có môi trường đầu tư hấp dẫn. Chỉ tiêu xếp hạng cao nhất của Lào là khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, đạt 69/100 điểm và xếp hạng thấp nhất là chỉ tiêu về khả năng sáng tạo, chỉ đạt 27/100 điểm. Điều này cho thấy kinh tế Lào cần chuyển đổi trở thành nền kinh tế dựa trên tri thức. Xếp hạng của các nước trong khu vực như sau: Malaysia 25, Thái Lan 38, Indonesia 45, Philippines 56, Brunei 62, Việt Nam 77 và Campuchia 110.

            Chính phủ Lào nhận thức được sự tụt hậu của mình và đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức đối với Lào là đầu tư nhiều hơn vào phát triển nguồn nhân lực. Cải thiện dịch vụ công cũng được coi là chìa khóa để thúc đẩy đầu tư. Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký giấy phép kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn đầu tư và lao động kỹ năng. Chính phủ nhận thức được những thách thức này và đang tích cực làm việc để khắc phục những yếu kém trong sản xuất kinh doanh. (Vientiane Times, 26/10/2018)

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Lãnh đạo Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nghe ý kiến về các ý tưởng chính sách

            Ngày 04/10/2018, hội nghị với chủ đề: "Doanh nghiệp Tư nhân: Vấn đề hiện nay và Giải pháp Tương lai" đã được tổ chức tại Viêng Chăn với mục đích tìm kiếm các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh những thách thức và cơ hội phát triển mới của đất nước. Hội nghị do Văn phòng TW Đảng tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực.

            Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachit kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước nêu lên những thách thức và rào cản đối với hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như đối với phát triển kinh tế - xã hội; đưa ra những khuyến nghị về cách thức giải quyết các vấn đề nhằm tăng trưởng, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu. "Tất cả ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp, phân tích và tính đến", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang nhấn mạnh.

            Kết quả của hội nghị sẽ được xem xét và thảo luận tại Hội nghị TW 7, Đại hội Đảng X tổ chức vào cuối tháng 10/2018. Đây là một nỗ lực của BCH TW Đảng và Chính phủ nhằm giải quyết những thách thức nảy sinh hiện nay. Mặc dù trong những năm gần đây, Lào đạt tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng nền kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách kinh niên, nợ công cao, thiếu thanh khoản tài chính. Một số doanh nghiệp đang phải chịu thiệt hại vì rơi vào chu kỳ khó khăn này, đặt biệt là các công ty xây dựng chưa được giải ngân cho các dự án mà họ đã hoàn thành xây dựng. Vì vậy, Hội nghi TW 7 sẽ thảo luận các giải pháp để giải quyết các vấn đề về ngân sách, nợ công và các vấn đề vĩ mô khác.

            Nguyên nhân của các vấn đề nêu trên là do hàng loạt các yếu tố trong nước và bên ngoài, bao gồm, quản lý nhà nước lỏng lẻo gây ra những lỗ hổng kinh tế và yếu kém ở khu vực doanh nghiệp.

            Chính phủ đang xác định các hoạt động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh (EDB) và cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của Lào để nâng thứ hạng EDB từ mức 03 con số hiện nay lên 02 con số vào năm 2020.(Vientiane Times, 0/10/2018)

Ngành Tài chính xây dựng kế hoạch phát triển thị trường trái phiếu

            Ngày 04/10/2018, Bộ Tài chính phối hợp với Viện Nghiên cứu Nomura, Nhật Bản đã tổ chức hội nghị tại Viêng Chăn để thảo luận về dự thảo kế hoạch phát triển thị trường trái phiếu tại Lào. Tham dự hội nghị có đại diện của các ngành ngân hàng, tài chính, an ninh và bảo hiểm.

            Các đại biểu dự hội nghị đã nghe báo cáo về tiến độ nghiên cứu dự thảo kế hoạch phát triển thị trường trái phiếu lấy kinh nghiệm từ ASEAN-3. Phát triển thị trường trái phiếu có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường khu vực và quốc tế, một lựa chọn huy động tốt đối với các chính phủ, có kỳ hạn rõ ràng và giảm thiểu được rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu. Hiệu quả và điểm mạnh của thị trường trái phiếu trong nước có thể giúp làm lành mạnh hóa nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường trái phiếu ở Lào đã được khai trương từ năm 1990 sau khi phát hành trái phiếu kho bạc, từ đó đến nay thị trường đã phát triển dần dần từng bước với việc Chính phủ mở rộng phát hành trái phiếu ngắn và dài hạn. Năm 2013, Chính phủ đã phát hành trái phiếu ở Thái Lan - lần đầu tiên phát hành trái phiếu ở thị trường nước ngoài.

            Chính phủ đã nâng cấp cơ chế và quy định của thị trường trái phiếu nhằm mục đích quản lý có hiệu quả hơn thị trường này. Tháng 03/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Trái phiếu Chính phủ; tháng 7/2018 Quốc hội đã phê chuẩn Luật về Nợ công nhằm tăng cường công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài Chính. (Vientiane Times, 06/10/2018)

Ngành Giao thông Vận tải tham vấn về Xúc tiến Liên minh Logistics, xây dựng chính sách

            Ngày 18/10/2018, Hội nghị quốc gia về xúc tiến các liên minh logistics (hậu cần) và xây dựng chính sách đã được tổ chức tại Viêng Chăn với sự tham gia của các đại diện của các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân.

            Hội nghị do Bộ Công chính và Vận tải (MPWT) tổ chức trong khuôn khổ Dự án Giao thông Hàng hóa Bền vững trong Khu vực Mekong. Mục đích của hội nghị là nhằm tạo ra diễn đàn rộng rãi cho các bên liên quan và người hưởng lợi dự án từ khu vực nhà nước và tư nhân, bao gồm ngành giao thông – vận tải (GTVT), các hiệp hội vận chuyển hàng hóa và logistics, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực GTVT … thảo luận về phương cách có hiệu quả nhằm đẩy mạnh phát triển các dịch vụ logistics. Các nỗ lực này cũng bao gồm việc sử dụng Cơ sở Dữ liệu Logistics GMS của 05 nước Mekong để trao đổi thông tin, sử dụng các ứng dụng, cơ sở dữ liệu trên website và các cơ chế chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, dự án cũng tạo cơ hội để thảo luận và kiến nghị chính sách về vận tải và kế hoạch phát triển GTVT xanh quốc gia liên quan đến Lào và 05 nước Mekong. Nhằm mục đích đó, việc tìm hiểu ý kiến của các bên liên quan về kế hoạch và kế hoạch hành động GTVT xanh sẽ tạo điều kiện để xây dựng các chính sách, quy định về đầu tư để thể chế hóa vận tải hàng hóa và logistics ở Lào và các nước Mekong.

            Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ MPWT nhấn mạnh, đối với Lào, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược GTVT logistics là nỗ lực nhằm biến đổi Lào – một nước không có biển – trở thành một quốc gia kết nối đất liền, cung cấp dịch vụ quá cảnh hàng đầu trong khu vực. (Vientiane Times, 19/10/2018)

M​ục tiêu sản xuất lúa gạo năm 2019 dự kiến sẽ tăng

            Ngày 1/10/2018, phát biểu nhân ngày Lương thực Thế giới, Bộ trưởng Nông Lâm Lien Thikeo cho biết, Lào dự kiến tăng mục tiêu sản xuất lúa gạo năm 2019 và đảm bảo an ninh lương thực bất chấp tình trạng thiên tai ngập lụt nặng nề năm 2018.

            Bộ Nông Lâm dự kiến mục tiêu diện tích lúa mùa khô năm 2019 là 100.000 ha, tăng so với 90.400 ha năm 2018; diện tích lúa mùa mưa là 850.000 ha, tăng so với 817.800 ha năm 2018.  Mục tiêu đặt ra không chỉ để bù lại thiệt hại của năm 2018 mà còn đảm bảo cho dự trữ tiêu thụ trong nước và dư để xuất khẩu. Để khuyến khích sản xuất nhằm bù lại thiệt hại, Chính phủ đã công bố hàng loạt ưu đãi, bao gồm cắt giảm thuế và phí cho các địa bàn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong mùa khô tới. Bộ cũng đã được chỉ thị xác định chính sách giảm thuế nhập khẩu các loại vật tư sử dụng cho canh tác, bao gồm phân bón, hạt giống và con giống phục vụ chăn nuôi.

            Năm 2019, bên cạnh tăng diện tích lúa gạo ở các địa bàn có tiềm năng, Bộ Nông Lâm cũng khuyến khích sản xuất rau quả và chăn nuôi với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và trang trại được tổ chức tốt hơn. Dự kiến, diện tích các loại cây trồng khác ngoài lúa sẽ đạt 185.000 ha trong năm 2019. (Vientiane Times, 20/10/2018)

Chính phủ, Khu vực Tư nhân và Đối tác phát triển hội thảo chính sách thu hút đầu tư vào Lào

            Ngày 08/10/2018, tại thủ đô Vientiane, Hội nghị thường niên của các tổ chức thương mại và khu vực Tư nhân lần thứ 13 được tiến hành dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Somchit Inthamit, Đại sứ Liên minh Châu Âu Leo Phaber và Đại sứ Australia Mr. Jean Bernard Carrasco tại Lào với hơn 140 đại biểu đến tham dự.

            Mục đích của cuộc họp nhằm thảo luận về các chính sách liên quan đến thương mại và khu vực tư nhân giữa Chính phủ và các đối tác phát triển, tham vấn về tiến độ và thách thức của việc phát triển khu vực tư nhân Lào để thu hút đầu tư.

            Tại cuộc họp, các bên tham gia đã đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Khuyến khích đầu tư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của quốc gia; thảo luận các vấn đề liên quan đến tính hiệu quả trong hợp tác giữa Chính phủ với khu vực tư nhân và kế hoạch của Chính phủ trong việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ để phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và kế hoạch vốn trong dài hạn bằng việc tăng cường các quỹ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

            Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Somchit Inthamit cho biết, Chính phủ Lào rất cần khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và rất hoan nghênh vai trò quan trọng, xuất sắc của các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo công ăn việc làm, đưa vốn, kỹ thuật và tay nghề giúp nâng cao hạ tầng cơ sở cho đất nước Lào và giúp khu vực tư nhân nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và nền kinh tế Lào có thể hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực thông qua chuỗi giá trị gia tăng.

            Việc phát triển khu vực tư nhân mạnh hơn trước và tạo môi trường kinh doanh minh bạch và có thể dự báo là điều kiện đầu tiên để thu hút đầu tư có chất lượng; điều quan trọng nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. (KPL, 10/10/2018)  

Luật mới về bồi thường cho người dân tái định cư

            Chủ tịch nước Bounnhang Vorachit đã ký ban hành Luật mới đưa ra thời gian các chủ đầu tư phải bồi thường cho người dân tái định cư khi triển khai dự án là trong vòng 2 năm sau khi kế hoạch bồi thường được thông qua và theo điều 22 của Luật này thì thời gian nói trên có thể gia hạn 01 năm nếu được ủy ban chuyên trách về định cư và việc làm thông qua. Luật này cũng đã được thông qua tại kỳ họp thường kỳ thứ 5 của Quốc hội trong tháng 6/2018. Các chủ đầu tư được yêu cầu phải cấp đất đền bù cho người dân để họ ổn định cuộc sống theo phương án đền bù được phê duyệt. Người dân không muốn tái định cư tại vùng đất do Chính phủ hoặc chủ đầu tư sắp xếp có thể lựa chọn hình thức đền bù khác.

            Theo Bộ trưởng Nông Lâm Lien Thikeo, luật mới này đề cập việc đền bù toàn diện sẽ giúp Chính phủ quy định và phát triển việc an cư, hay còn gọi là Định cư và ổn định cuộc sống (SSL). Việc an cư phải phản ánh lợi ích của người dân bị ảnh hưởng và được thực hiện một cách công bằng, cởi mở và minh bạch với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, kể cả người dân bị ảnh hưởng. Các điều khoản về an cư của luật này được áp dụng đối với 2 thành phần, thứ nhất là người những người tái định cư theo dự án phát triển, và thứ hai là người dân sống ở những nơi khó khăn hay ở những vùng có nguy cơ, kể cả những nơi bất lợi trong phát triển, thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ thiên tai. Cả hai loại này đều yêu cầu chính phủ hoặc chủ đầu tư phải xây dựng và cung cấp cơ sở hạ tầng, điều kiện và dịch vụ công cơ bản ở những nơi định cư mới, giúp người dân được hưởng điều kiện sống tương tự hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

            Tuy nhiên, theo các nhà quan sát thì luật mới cũng chưa thể khắc phục được các vấn đề phát sinh khi thực hiện đền bù như việc trả tiền đền bù còn chậm và người dân vẫn tiếp tục phàn nàn về tiền đền bù quá thấp. Mặc dù luật nhấn mạnh việc đền bù phải được thực hiện trong vòng 24 tháng sau khi kế hoạch đền bù được phê duyệt, nhưng không nêu cụ thể khi nào lập kế hoạch và kéo dài trong bao lâu. Dự án đường sắt Lào – Trung là một ví dụ, việc xây dựng đã tiến hành được một thời gian nhưng người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa nhận được đền bù do kế hoạch đền bù vẫn chưa được phê duyệt. Ngoài ra, theo một số báo cáo trước đây, nhiều người dân từ chối không chấp nhận đề xuất đền bù, cho rằng số tiền đền bù là quá thấp. (Vientiane Times, 26/10/2018)

 

HỢP TÁC VIỆT NAM - LÀO

Vietcombank khai trương ngân hàng 100% vốn tại Lào

            Ngày 19/10/2018, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), một trong 04 ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Việt Nam đã khai trương ngân hàng 100% vốn tại Lào với vốn điều lệ ban đầu là 80 triệu USD.

            Tham dự lễ khai trương Vietcombank Lào (VCB Laos) – có trụ sở tại Đại lộ Lane Xang, huyện Chanthaboury, thủ đô Viêng Chăn – có sự tham gia của Quyền Thống đốc Ngân hàng TW Lào Sonexay Sithphaxay, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng các quan chức từ các Bộ ngành, thành viên HĐQT của Vietcombank và VCB Laos.

            Theo thông cáo báo chí, trong 55 năm hoạt động, Vietcombank đã mở văn phòng đại diện ở nhiều thị trường tài chính cạnh tranh trên thế giới, đặc biệt là ở Singapore, công ty tài chính ở Hong Kong và công ty chuyển tiền tại Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong quá trình mở rộng mạng lưới của mình, Vietcombank mở ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài.

            Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, VCB Laos sẽ cung cấp các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào và các doanh nghiệp Lào. Ngân hàng sẽ tham gia đẩy mạnh quan hệ thương mại, góp phần phát triển kinh tế và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Hy vọng, VCB Laos sẽ trở thành một trong những ngân hàng thương mại tốt nhất ở Lào, chiếm được lòng tin của khách hàng với các dịch vụ tài chính và ngân hàng có chất lượng. Việc khai trương ngân hàng 100% vốn ở Lào là bước đi quan trọng trong nỗ lực của Vietcombank nhằm mở rộng mạng lưới kinh doanh ở Đông Nam Á. Vietcombank đang có kế hoạch mở văn phòng đại diện ở Mỹ và ngân hàng con ở Australia. (Vientiane Times, 23/10/2018)

Kim ngạch thương mại Việt – Lào 09 tháng đầu năm 2018

            Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt – Lào 9 tháng đầu năm 2018 đạt 734,1 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017 (650 triệu USD).

            Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 431,9 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017 (386,1 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Xăng dầu các loại đạt 72,3 triệu USD, tăng 11,9%; sắt thép các loại đạt 67,1 triệu USD, tăng 19,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 43 triệu USD, tăng 11,1%; sản phẩm từ sắt thép đạt 27,8 triệu USD, tăng 2,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 21,9 triệu USD, tăng 2,1%; phân bón các loại đạt 11,5 triệu USD, giảm 15,2%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 8,6 triệu USD, giảm 28,1%; hàng rau quả đạt 7 triệu USD, tăng 14,3%; clanhke và xi măng đạt 6,9 triệu USD, giảm 19,2%; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc đạt 6,4 triệu USD, tăng 6,1%; dây điện và dây cáp điện đạt 5,8 triệu USD, giảm 13,6%; sản phẩm gốm, sứ đạt 4,6 triệu USD, giảm 2,5%; hàng dệt may đạt 4,5 triệu USD, tăng 0,1%; giấy và sản phẩm từ giấy đạt 3,8 triệu USD, tăng 11,8%; than các loại đạt 2,9 triệu USD, giảm 34,6%; kim loại thường khác và sản phẩm đạt 2 triệu USD, giảm 43,3%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ đạt 620,3 nghìn USD, tăng 2,1%.

            Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 302,2 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017 (263,9 triệu USD), bao gồm: phân bón các loại đạt 30 triệu USD, giảm 14,2%; quặng và khoáng sản khác đạt 19,3 triệu USD, giảm 0,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 19,1 triệu USD, giảm 14,7%; kim loại thường khác đạt 4,5 triệu USD, tăng 22,1%; ngô đạt 46,4 nghìn USD, giảm 88,7%.

            Ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Lào 10 tháng năm 2018 đạt khoảng 816 triệu USD. (ĐSQVN tại Lào, ngày 24/10/2018)

 

HỢP TÁC LÀO VỚI CÁC ĐỐI TÁC

Lào – Trung Quốc

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào

            Ngày 04/10/2018, Báo Kinh tế-xã hội Lào, đến nay, Trung Quốc là nước đứng tốp đầu về đầu tư, thương mại tại Lào. Nhiều dự án đầu tư có giá trị lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Trung tâm thương mại, bất động sản, khu kinh tế, các nhà máy, thủy điện…đang được thúc đẩy triển khai tại Lào.

            Về đầu tư, Trung Quốc đứng thứ nhất trong tổng số các nước có đầu tư (FDI) tại Lào. Riêng trong lĩnh vực năng lượng, tham gia vào gần một nửa các dự án thủy điện của Lào trên cả dòng chính và các nhánh sông Mekong, bao gồm các nhà máy: Thủy điện Pak Beng với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD sẽ do Tập đoàn Đầu tư Nước ngoài Datang của TQ xây dựng; các dự án thủy điện trên bậc thang sông Nam Ou do Tập đoàn Sinohydro đang xây dựng; dự án thủy điện Nam Khan 3 cũng do Sinohydro đang xây dựng và; các dự án thủy điện Nam Beng, Nam Leuk 1&2, Nam Ngừm 5, Nam Mang và Nam Phay do Tập đoàn Thiết bị Điện Trung Quốc xây dựng. Tính đến nay, đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực này đạt 15 tỷ USD năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

            Về thương mại, trong 06 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 13,6 nghìn tỷ Kíp, tương đương 1,7 tỷ USD; tổng giá trị đầu tư đạt 6,32 nghìn tỷ Kíp, tương đương 790 triệu USD; tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đã giải ngân đạt 20% tổng giá trị đầu tư dự án gần 06 tỷ USD; các dự án thủy điện do các nhà đầu tư Trung Quốc triển khai cơ bản hoàn thành giai đoạn xây dựng, bước vào giai đoạn sản xuất điện, các đường truyền tải đã được hoàn thành việc lắp đặt và chuẩn bị đưa vào vận hành. Du lịch giữa hai nước không ngừng tăng trưởng, lượng khách Trung Quốc sang Lào tham quan, du lịch đạt 7,6 triệu lượt người năm 2017 và trong Quí I năm 2018, đạt hơn 2,2 triệu lượt người, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

            Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực hợp tác khác đang được hai bên liên tục thúc đẩy và triển khai. Gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng cơ sở, gia tăng đầu tư về lĩnh vực thông tin, truyền thông tại các vùng xa xôi, hẻo lánh của Lào. Đồng thời, triển khai tích cực chương trình hợp tác Mê Kông-Lan Thương, tạo động lực mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới. (KTXH, Vientiane 04,15/10/2018)

Lào – Trung Quốc hợp tác về nông nghiệp sạch

            Ngày 10/10/2018, tại Viêng Chăn, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp thuộc Bộ Nông Lâm Lào Bounchanh Kombounyasith và bà E Wei, Chủ tịch Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Meixiang, Trung Quốc đã ký MOU hợp tác về nông nghiệp sạch tại Lào để cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Bounkouang Khambounheaung. Dự án này thuộc khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Chính phủ Trung Quốc, hỗ trợ triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất rau, hoa quả sạch tại các khu vực dọc tuyến đường sắt Lào – Trung và phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự án sẽ tăng cường cập nhật kiến thức, kỹ năng cho nhân viên kỹ thuật và nông dân, đặc biệt là kỹ thuật nông nghiệp xanh, xây dựng các nhà kính hiện đại, tiến hành thử nghiệm sản xuất rau, hoa quả nông nghiệp sạch tại Viêng Chăn, sau đó mở rộng tới các địa phương khác dọc tuyến đường sắt Lào – Trung. Sau khi ký MOU, hai bên sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi và xây dựng kế hoạch tổng thể, đề xuất dự án trình Chính phủ hai nước.

            Hiện nay, ở Lào, nhất là ở Viêng Chăn, cũng đã có các nhóm "nông nghiệp sạch" chủ yếu sản xuất theo vụ mùa phục vụ thị trường địa phương hoặc là các doanh nghiệp gia đình. Vụ Nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ những nhóm này chuyển đổi phương pháp sản xuất từ nông nghiệp hóa học vô cơ sang hữu cơ. Ngoài việc mở rộng sản xuất nông nghiệp sạch, Chính phủ dự kiến phát triển tiếp thị dựa trên đánh giá về nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài, đảm bảo các tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng và giá cả.

            Lĩnh vực nông nghiệp của Lào hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài do các vấn đề như trang trại sản xuất, chất lượng và lợi nhuận. Các dự án này hy vọng sẽ khắc phục được thách thức thông qua việc tăng cường các ứng dụng tốt nhất về nông nghiệp, cải thiện chất lượng sản xuất, kết nối nông dân với doanh nghiệp nông nghiệp, tăng cường tiếp thị, có cơ sở chế biến và công nghệ hiện đại hơn, thân thiện với môi trường. (Vientiane Times, 16/10/2018)

Khai trương Văn phòng Hợp tác Phát triển khoa học

            Ngày 19/10/2018, tại thủ đô Vientiane, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lào Chanseng Phimmavong và Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung Quốc Changyaping cùng đại diện các Bộ, ngành, Trường Đại học Quốc gia Lào và các đơn vị liên quan tổ chức lễ khai trương Văn phòng phối hợp phát triển khoa học giữa hai nước Lào-Trung Quốc.

            Trụ sở Văn phòng đặt tại Viện Sinh thái và Kỹ thuật sinh học, Bộ Khoa học và Công nghệ, có vai trò là nơi phối hợp hợp tác về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực trong việc nghiên cứu đa dạng sinh học, bảo tồn, xây dựng khu vườn tự nhiên theo mô hình bền vững phục vụ du lịch sinh thái theo dọc tuyến hành lang đường sắt Lào-Trung nhằm từng bước tạo điểm nhấn trong lĩnh vực khoa học.

            Văn phòng nhận được sự hỗ trợ hợp tác từ Viện Khoa học Sinh thái Trung Quốc về xây dựng hạ tầng cơ sở, phòng thí nghiệm nghiên cứu và triển khai nguồn nhân lực cho Lào, đồng thời, cũng là nơi triển khai nội dung các biên bản hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Lào và Viện Khoa học Sinh thái Trung Quốc trong nghiên cứu khoa học sinh thái. (KTXH, 24/10/2018)

Lào – Thái Lan

Chính phủ Lào vay vốn để xây dựng đường Quốc lộ số 11

            Ngày 26/9/2018, tại thủ đô Vientiane, thay mặt Chính phủ Lào, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thipphakone Chathavong và Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Phát triển Kinh tế với các nước láng giềng (NEDA) Vương quốc Thái Lan Phiramet Vouthithonetirac đã ký kết Thỏa thuận vay vốn để thực hiện Dự án xây dựng tuyến quốc lộ số 11 (QL-11), với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính và vận tải Lào Viengsavath Siphandone, Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Lào Kiattikhun Chartprasert và đại diện các ban, ngành có liên quan.

            Dự án xây dựng QL-11 kết nối từ tỉnh Xayabuly đến các tỉnh phía Bắc Thái Lan theo trục từ Khokhando-Banvang-BanNamxang có tổng chiều dài 124 km, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,82 tỷ Bath, tương đương 455 tỷ Kíp; đây là dự án tiếp nối các dự án đã được triển khai trước đó từ nguồn vốn của NEDA vào năm 2010. Việc xây dựng tuyến QL-11 nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội lần thứ 8 của Chính phủ Lào về việc tiếp tục củng cố và xây dựng hạ tầng giao thông quan trọng trong chiến lược phát triển Giao thông vận tải đã đề ra nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người, hàng hóa và phương tiện giữa hai bên qua lại ngày càng thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo cho nhân dân tại vùng dự án đi qua nhờ việc mở rộng giao thông nội địa. Đồng thời, dự án này cũng nằm trong chương trình hợp tác 03 năm (2017-2019) giữa Chính phủ Lào và NEDA.

            Mục đích của việc ký kết Thỏa thuận vay giữa hai bên lần này nhằm triển khai nội dung Chiến lược Phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa Lào-Thái Lan, đây là một trong những dự án nằm trong chương trình hợp tác giữa hai bên, giai đoạn từ nay đến 2022.

            ​Đến nay, Lào đã tiếp nhận viện trợ từ NEDA 18 dự án, với tổng vốn vay ưu đãi lên đến 10,36 tỷ Bath, tương đương 2.590 tỷ Kíp, bao gồm cả việc hỗ trợ chuyên gia tư vấn và vốn vay để phát triển kinh tế-xã hội trong Chiến lược kết nối kinh tế giữa Lào và Thái Lan. (KTXH, 28/9/2018)

Lào – Hàn Quốc

Lào, Hàn Quốc tăng cường hợp tác thương mại

            Các doanh nghiệp Lào và Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác thông qua hàng loạt các sáng kiến thương mại được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội Văn hóa – Công nghiệp Lào – Hàn Quốc lần thứ nhất tại Viêng Chăn từ ngày 28-30/10/2018.

            Tham dự lễ hội, triển lãm có 15 gian hàng từ Lào và 20 gian hàng từ Hàn Quốc trưng bày các sản phẩm bao gồm mỹ phẩm, dệt may và đồ uống.

            Phát biểu tại lễ khai khai mạc, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) Souphanphone Khamsennam cho biết, sự kiện nhằm kết nối văn hóa và kinh doanh giữa nhân dân hai nước thông qua trưng bày các sản phẩm và biểu diễn nghệ thuật. Hàn Quốc là đối tác thương mại và đầu tư lâu đời của Lào. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Hàn Quốc tại Lào xếp thứ 5 trong số các nước đầu tư FDI tại Lào với giá trị 750 triệu USD, tổng số 250 dự án trong giai đoạn 1985 – 2017. Năm 2017, thương mại song phương Lào – Hàn Quốc đạt 120 triệu USD. Dự kiến, con số này sẽ đạt 240 triệu USD vào năm 2020. Theo các nhà đầu tư Hàn Quốc, Lào có tiềm năng thu hút đầu tư từ Hàn Quốc để tăng cường năng lực sản xuất của các loại hình công nghiệp khác nhau.

            Trong thời gian tổ chức sự kiện, các doanh nghiệp của hai nước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường quan hệ giữa các doanh nghiệp. Hàng năm, Cơ quan Xúc tiến Đầu tư – Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) cũng tổ chức nhiều hoạt động để xúc tiến thương mại và hợp tác kinh doanh tại Lào. (Vientiane Times, 01/10/2018)

Lào – Nhật Bản

Khai trương Trung tâm Phát triển thủy sản Quốc gia

            Ngày 19/10/2018, Trung tâm Phát triển thủy sản Quốc gia được tài trợ xây dựng bởi Chính phủ Nhật Bản, đã chính thức khai trương tại thủ đô Viêng Chăn.

            Đây là một phần hợp thành của Dự án Tăng cường nghiên cứu và triển khai nghề cá và thủy sản ở Lào, được tài trợ bằng khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản với trị giá 54 tỷ Kíp (714 triệu Yên). Buổi lễ được tổ chức tại bản Sivilay, huyện Naxayphone với sự tham dự của Bộ trưởng Nông Lâm Lào Lien Thikeo, Đại sứ Nhật Bản tại Lào Takeshi Hikihara, Trưởng Văn phòng Đại diện Jica tại Lào Yoshiharu Yoneyama cùng đông đảo quan chức từ hai phía.

            Phát biểu tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Chăn nuôi và Thủy sản, Bộ Nông Lâm Somphan Chanphengxay cho biết, Chính phủ Nhật Bản cung cấp kinh phí cho Dự án Tăng cường Nghiên cứu và Triển khai Nghề cá và Thủy sản ở Lào có ý nghĩa rất quan trọng. Các hoạt động của dự án bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất như Trung tâm Phát triển Thủy sản và cung cấp đào tạo cho cán bộ về nghề cá và thủy sản.

            Việc xây dựng Trung tâm phát triển thủy sản được bắt đầu từ tháng 06/2017 và hoàn thành tháng 06/2018. Trung tâm là tòa nhà hai tầng, có văn phòng, 12 bể cá, trạm cho cá ăn và cơ sở nghiên cứu bệnh của cá và nuôi thủy sản. (Vientiane Times, 23/10/2018)

Thủ tướng Thongloun Sisoulith kêu gọi các doanh nhân Nhật Bản đầu tư vào Lào

            Ngày 09/10/2018, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Diễn đàn Thương mại, Đầu tư và Du lịch trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mê Kông-Nhật Bản đã được tổ chức nhằm thúc đẩy các doanh nhân Nhật Bản quan tâm nhiều hơn nữa tới Tiểu vùng Mê Kông trong thời gian tới.

            Tại Diễn đàn, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã giới thiệu các tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên phong phú, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, các điểm nổi tiếng về du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái gắn liền với việc bảo vệ môi trường; Lào là nước đang phát triển khả năng cung cấp nguồn điện năng sạch, khuyến khích sản xuất các nguồn điện thay thế khác thân thiện với môi trường và cần thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công nghiệp, thủ công nghiệp, y tế….

            Để có thể tiếp nhận và thu hút các nhà đầu tư phát triển Nhật Bản sang Lào trong giai đoạn hiện nay cũng như tới đây, Thủ tướng Thongloun Sisoulith nhấn mạnh về chính sách "3 mở" đó là: Mở cửa-Mở rào cản-Cởi mở tới các doanh nhân Nhật Bản tham dự hội nghị. Với chính sách trên, môi trường đầu tư của Lào sẽ trở nên thông thoáng, cởi mở hơn trong việc thu hút các dự án đầu tư và đặc biệt quan tâm đến khu vực tư nhân trong và ngoài nước, các dự án có hiệu quả cao, sử dụng lao động chất lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường và có sự đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của Lào.

            Đến nay, Lào đã hình thành 12 Đặc khu kinh tế và Khu kinh tế chuyên biệt trên toàn quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện tại các nhà đầu tư phát triển Nhật Bản rất quan tâm đến các Đặc khu kinh tế, đặc biệt là Khu kinh tế chuyên biệt Savan-Seno. (KPL, 10/10/2018)

Lào – Nhật Bản hợp tác sản xuất khí đốt "xanh"

            Ngày 18/10/2018, tại Viêng Chăn, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào và Tập đoàn Hitachi Zosen, Nhật Bản đã ký Thỏa thuận cam kết về dự án Khí đốt xanh ở Lào chuẩn bị cho việc sản xuất khí đốt tại Lào trong chiến lược về xăng dầu với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Sinava Souphanouvong, Thứ trưởng Bộ KHĐT Khamlien Pholsena, Đại sứ Nhật Bản tại Lào Takeshi Hikihara, Giám đốc Tập đoàn Hitachi Zosen Toshiyuki Shiraki.

            Lào hiện phát triển nhiều thủy điện nhưng lại thiếu nhiên liệu, do đó phải nhập khẩu nhiên liệu, dẫn đến giảm ngân khố quốc gia. Theo Thứ trưởng Sinava, hiện Lào nhập khẩu 100% khí đốt và xăng dầu từ nước ngoài, chủ yếu để phục vụ vận tải và các ngành công nghiệp. Tập đoàn Hitachi Zosen có ý tưởng chuyển hóa nguồn thủy điện dồi dào thành Khí đốt Xanh như chất mê-tan hay hydro. Năng lượng điện, hiện đang là nguồn năng lượng chiến lược của Lào, sẽ được chuyển thành Khí đốt xanh mang thương hiệu quốc gia, và loại khí đốt này sẽ trở thành năng lượng chiến lược của nước này trong tương lai. Thành phần chính của khí đốt tổng hợp tự nhiên (SNG) là metan, là hợp chất sạch và sử dụng hiệu quả hơn so với xăng dầu truyền thống. Dự án hướng tới việc sử dụng SNG đối với ô-tô và các nhu cầu nấu nướng. Hiện ở Lào, rất ít ô-tô sử dụng khí nén tự nhiên (CNG) (metan được tích lũy dưới áp suất cao). Khi dự án này được hoàn thành sẽ có khoảng 10% ô tô ở Lào sử dụng Khí đốt xanh vào năm 2030 và sẽ cho tất cả các phương tiện vào năm 2050.

            Chính phủ Nhật hiện ủng hộ nỗ lực sử dụng hydro như năng lượng nguồn trong tương lai, hướng tới mục tiêu "xã hội hydro". Nếu điều này trở thành hiện thực thì Hydro xanh sẽ được xuất khẩu sang Nhật. Theo Đại sứ Takeshi, Thủ tướng Lào Thongloun đã nhấn mạnh tiềm năng của Lào thông qua các dự án Khí đốt xanh, nguồn cung cấp hydro trong tương lai với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong chuyến thăm của ông tới Nhật trong tháng 10 vừa qua. Dự án này sẽ giúp giảm nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài và có thể xuất khẩu nếu sản xuất với khối lượng lớn.

            Chính phủ Lào đang thúc đẩy việc dùng khí đốt để đun nấu thay cho than, củi do ảnh hưởng tới sức khỏe. Điều này là mới đối với Lào, hy vọng sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực khí đốt, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Bộ TNMT Lào và Tập đoàn Hitachi Zosen tin tưởng rằng dự án này sẽ là nền tảng trong việc đạt được mục tiêu Tăng trưởng Xanh và giúp Lào thoát khỏi tình trạng kém phát triển. (Vientiane Times, 20/10/2018)

Lào – Đức

Đức cam kết tài trợ cho MRC để tăng cường hợp tác về nguồn nước xuyên biên giới

            Ngày 02/10/2018, theo tin từ MRC, Chính phủ Đức cam kết tài trợ 4 triệu EUR (khoảng 4,6  triệu USD) cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) nhằm tăng cường hợp tác xuyên biên giới về vấn đề nước, tăng cường đối thoại và hợp tác về xây dựng kế hoạch và quản lý nguồn nước qua biên giới của các nước ở hạ nguồn, thành viên MRC là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Nguồn vốn chủ yếu dành cho triển khai các hoạt động trong kế hoạch chiến lược 2016-2020. Dự kiến Đức và MRC sẽ ký thỏa thuận về hỗ trợ tài chính mới này vào cuối năm nay.

            Một quan chức của ĐSQ Đức tại Viêng Chăn cho biết, nguồn vốn này được giải ngân trong thời gian 3 năm từ tháng 01/2019 – 12/ 2021, do Cơ quan Phát triển kỹ thuật Đức (GIZ) thực hiện. Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành MRC cho biết, hỗ trợ tiếp theo này của Đức sẽ giúp tăng cường nỗ lực của MRC trong việc cải thiện việc xây dựng kế hoạch và quản lý lưu vực sông Mê Công trong bối cảnh khu vực lưu vực sông Mê Công đang phát triển khá nhanh và có nhiều biến đổi, phần lớn nguồn vốn dành hỗ trợ 2 dự án xuyên biên giới giữa Campuchia và Lào, Campuchia và Thái Lan nhằm đạt mục đích hiểu biết hơn và quản lý tốt hơn lưu vực sông Mê Công, các vấn đề liên quan đến khắc phục hậu quả lũ lụt và hạn hán. Ông Bertrand Meinier, Giám đốc chương trình hợp tác MRC-GIZ cho biết, tài trợ của Đức sẽ hỗ trợ thêm các nỗ lực của MRC về các vấn đề trong khu vực sông Mê Công, đảm bảo tiếp tục đối thoại và hợp tác chặt chẽ giữa các nước sông Mê Công, bảo vệ kịp thời và quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Công.

            Đức hỗ trợ cho MRC từ năm 2003 khoản kinh phí khoảng 31 triệu EUR (tương đương 36 triệu USD). Trong thời gian 15 năm, Đức giúp MRC triển khai nhiều hoạt động, trong đó có việc cải tổ cơ cấu, phát triển thủy điện bền vững, quản lý tổng thể nguồn nước, lũ lụt và biến đổi khí hậu. Hợp tác giữa Đức và MRC được xem là một mẫu hình trong hợp tác song phương giữa một bên là Đức và bên kia là các nước MRC nhằm giải quyết các vấn đề thực tế một cách hiệu quả. (Vientiane Times, 03/10/2018)

Lào – Luxembourg

Lào, Luxembourg tăng cường hợp tác

            Ngày 04/10/2018, hội đàm giữa Đại biện Đại sứ quán Luxembourg tại Lào Sam Schreiner và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Souphanh Keomixay đã được tổ chức tại Viêng Chăn, hai bên đã rà soát kết quả hợp tác song phương về y tế, giáo dục, phát triển nông thôn, quản trị và trao đổi kinh nghiệm phát triển.

            Tại hội đàm, Bộ trưởng Souphanh kêu gọi Luxembourg tiếp tục hỗ trợ phát triển của Lào, đặc biệt là phát triển nông thôn. Hai bên đã mở rộng Chương trình Hợp tác Định hướng (ICP40) giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ Kế hoạch Phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 8 của Lào. Kinh phí tài trợ cho ICP4 trị giá 75 triệu Euro tập trung vào các lĩnh vực chính là y tế, giáo dục, phát triển nông thôn và quản trị. Mục đích của chương trình là góp phần giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đưa Lào thoát khỏi địa vị của một nước kém phát triển (LDC), đặc biệt là hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất ở các địa bàn nghèo và xa xôi, hẻo lánh.

            Bên cạnh đó, Chính phủ Luxembourg và Thụy Sỹ đã cùng nhau cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 15 triệu Euro cho dự án Phát triển Kỹ năng cho ngành du lịch giai đoạn 2016-2020. Chính phủ Luxembourg cũng đã cung cấp 5 triệu Euro cho dự án tăng cường giáo dục cho ngành tư pháp, đẩy mạnh pháp quyền tại Lào giai đoạn 2017-2021; cung cấp viện trợ không hoàn lại để xây dựng 14 trường học ở các huyện Kasy và Maed, tỉnh Viêng Chăn. (Vientiane Times, 05/10/2018)

Lào – Mỹ

Đại sứ quán Mỹ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Hải quan Lào

            Ngày 11/10/2018, thỏa thuận về hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường thực thi luật và an ninh biên giới đã được ký kết giữa Đại sứ Mỹ tại Lào Rena Bitter và Quyền Cục trưởng Hải quan, Bộ Tài chính Lào Bounpasert Sikhoulabout với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Thipphakone Chanthavongsa.

            Phát biểu tại lễ ký, ông Bounpasert cho biết, ngăn chặn buôn lậu hàng hóa dọc biên giới là nhiệm vụ trọng tâm của ngành hải quan, hiện nay Cục Hải quan đang chú trọng cải thiện, tạo cơ chế và xây dựng các giải pháp để giải quyết vấn đề này. Cơ quan chức năng đang tiến hành tăng cường năng lực thanh tra hải quan cấp tỉnh và các trạm cửa khẩu thông qua xây dựng năng lực cán bộ thanh tra hàng hóa, sử dụng trang thiết bị hiện đại trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, tạo cơ sở dữ liệu, phân tích rủi ro để xác định các địa bàn trọng điểm buôn lậu và thiết lập các đơn vị thanh tra và điều phối chung. Để giải quyết nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, sự hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm và kinh phí từ Đại sứ quán Mỹ có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu của ngành hải quan.

            Hợp tác song phương về thực thi luật giữa Cục Hải quan và Đại sứ quán Mỹ đã được khởi xướng từ năm 2011 và giai đoạn II của dự án sẽ được tiếp tục với khoản hỗ trợ tài chính trị giá 225.000 USD, đưa tổng giá trị lên 1 triệu USD. Khoản hỗ trợ tài chính này sẽ được sử dụng để nâng cao năng lực cán bộ, tập trung vào đào tạo, mua sắm trang thiết bị và cử cán bộ hải quan đi tham quan nghiên cứu. (Vientiane Times, 15/10/2018)

Lào cải thiện môi trường kinh doanh sẽ thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài có chất lượng

            Từ ngày 14 - 16/10/2018, ông Walter Douglas, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương đã có chuyến thăm Lào, gặp Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Thongphat Inthavong, hai bên thảo luận biện pháp tiếp tục mở rộng đầu tư có chất lượng của Mỹ tại Lào.

            Tại hội đàm, ông Walter nhấn mạnh, Lào là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực ASEAN, Lào cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh sẽ thu hút được đầu tư có chất lượng, kể cả đầu tư từ Mỹ; Mỹ quan tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên các quy định, thương mại và đầu tư giá trị cao. Việc này sẽ định hướng phát triển toàn diện, bền vững và tạo cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ. Trong chuyến thăm, ông Douglas cũng đã có buổi thông tin tóm lược cho quan chức Lào về Chiến lược Ấn Độ - TBD của Mỹ (do Chính phủ Mỹ ban hành đầu năm 2018, ủng hộ khu vực Ấn Độ-TBD mở, chạy từ bờ Tây Mỹ sang bờ Tây Ấn Độ), thúc đẩy hệ thống toàn cầu trong đó các quốc gia tự do bảo vệ chủ quyền và thực hiện việc quản trị tốt, chính sách minh bạch, chống tham nhũng, rộng mở về đối thoại, phát triển hạ tầng, thương mại và đầu tư. Chiến lược này bao gồm những quy định và nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và nguyện vọng của tất cả các nước trong khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng phải xây dựng môi trường thương mại và đầu tư mở, công bằng, minh bạch và thúc đẩy phát triển bền vững.

            Đại sứ Mỹ tại Lào Rena Bitter cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Lào nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nhiều đầu tư hơn, và các công ty Mỹ đang nóng lòng đến làm ăn tại Lào, và quan chức cấp cao nhất của Chính phủ Lào hoan nghênh các doanh nghiệp Mỹ tới kinh doanh tại Lào. Đại sứ Bitter khuyến khích các công ty Mỹ cùng với các công ty Lào tìm kiếm cơ hội kinh doanh, bán sản phẩm của Mỹ tại Lào, và bày tỏ mong muốn của doanh nghiệp Mỹ là giúp Lào tiếp cận hàng hóa, dịch vụ với chất lượng và tiêu chuẩn cao hơn.

            Theo chương trình của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN tại Lào, lãnh đạo của một số công ty lớn của Mỹ đã đến thăm Lào vào tháng 8/2018, gặp các quan chức Lào để thảo luận các biện pháp mới nhằm mở rộng thương mại và đầu tư giữa hai bên. (Vientiane Times, 18/10/2018)

Lào – Hợp tác khu vực

Hội nghị Thượng đỉnh Mekong – Nhật Bản

            Trong thời gian từ 08-09/10/2018, Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Mekong – Nhật Bản đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản nhằm đẩy mạnh phát triển, rút ngắn khoảng cách phát triển trong khu vực.

            Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, việc phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng đang được chứng minh là có hiệu quả và hữu ích. Những dự án được thực hiện ở Lào trong 03 năm vừa qua đã giúp tăng cường kết nối trong nước và khu vực. Các sáng kiến bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao như mở rộng Sân bay Quốc tế Wattay ở Viêng Chăn, nâng cấp Quốc lộ (QL) số 9, xây dựng cầu Xekong trên QL 16B, dự án thủy điện Nậm Nghiệp 1.v.v. Các dự án này không chỉ góp phần kết nối kinh tế mà còn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong khu vực.

            Nhật Bản và 05 nước Mekong đã thông qua Chiến lược 3 năm mới tập trung vào cải thiện kết nối thông qua đẩy mạnh xây dựng "cơ sở hạ tầng có chất lượng" nhằm phát triển khu vực. Văn kiện đã được các nhà lãnh đạo Nhật Bản và 05 nước Mekong bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam phê chuẩn với việc phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường như những trụ cột trọng tâm của hợp tác. Trong khuôn khổ "Chiến lược Tokyo 2018 về Hợp tác Mekong – Nhật Bản", lãnh đạo các nước Mekong hoan nghênh chính sách của Nhật Bản nhằm hiện thực hóa Ấn độ - Thái Bình dương "tự do và mở cửa" được thiết kế để đẩy mạnh ổn định và thịnh vượng của khu vực dựa trên luật pháp và tự do thương mại. (Vientiane Times, 10/10/2018)

Lào – EU, UNICEF

Lào, EU, UNICEF tăng cường thông tin về dinh dưỡng

            Ngày 05/10/2018, lễ triển khai dự án Hệ thống thông tin Quốc gia về Dinh dưỡng (NIPN) với sự hỗ trợ kinh phí trị giá 3 triệu USD của EU đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

            NIPN là một phần của hỗ trợ phát triển để thực hiện Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia thời kỳ 2016-2025 nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở Lào. Dự án sẽ do UNICEF thực hiện tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NERI) với sự tham gia của các Bộ ngành liên quan. Hệ thống thông tin sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu có chất lượng, xử lý và phân tích thông tin phục vụ phát triển chính sách, góp phần mở rộng các chương trình và phân bổ tài chính công cho các hoạt động dinh dưỡng.

            Phát biểu tại lễ triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Kikeo Chanthaboury cho biết, việc thành lập và sử dụng NIPN sẽ giúp Lào tăng cường năng lực quốc gia về quản lý và phân tích thông tin và dữ liệu từ tất cả các ngành có ảnh hưởng lên dinh dưỡng, theo dõi tiến độ và phổ biến thông tin tốt hơn phục vụ xây dựng và thực hiện chính sách và các quyết định chiến lược nhằm ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng và hậu quả của nó. Các số liệu tổng hợp do NIPN xử lý sẽ là cơ sở để xây dựng báo cáo tiến độ hàng năm về tình hình thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2025 và Chương trình Hành động đến năm 2020. (Vientiane Times, 08/10/2018)

Lào – ADB

ADB hỗ trợ Lào giải quyết những thách thức đối với phát triển bền vững

            Theo báo cáo "CHDCND Lào - đang nổi lên từ địa vị của một nước kém phát triển" đăng tải trên website của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ADB tái khẳng định cam kết hỗ trợ Lào giải quyết hàng loạt những thách thức nhằm đạt tăng trưởng kinh tế bền vững.

            Báo cáo của ADB công bố những số liệu về việc cung cấp hỗ trợ trong thời gian qua và phương hướng trong tương lai nhằm hợp tác với Lào thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 8 giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch này nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và bao trùm. Trước đây, nền kinh tế của Lào chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khai khoáng, gỗ và thủy điện, theo ADB là thiếu bền vững, vì vậy, cần tập trung hỗ trợ Chính phủ Lào đa dạng hóa cơ sở phát triển kinh tế.

            Theo báo cáo, Lào cần mở rộng cơ sở tăng trưởng kinh tế, nếu không sẽ không đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng tăng. Khoảng 96.000 người trong độ tuổi lao động sẽ tham gia thị trường lao động hàng năm.

            Một thách thức chính khác là đảm bảo trang bị kỹ năng phù hợp với yêu cầu hiện nay của thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp ở Lào xác định thiếu lao động có kỹ năng như một hạn chế trong Báo cáo Khả năng Cạnh tranh Toàn cầu 2016-2017.

            Bên cạnh đó, Lào cần cải thiện môi trường khởi nghiệp và phát triển khu vực tư nhân được xem là động lực đối với các nền kinh tế hiện đại nhằm thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng có ý nghĩa sống còn đối với Lào để phát huy thế mạnh của một nền kinh tế thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

            Một trong những thách thức khác Lào đang phải đối mặt đó là ngăn chặn sự suy thoái về môi trường, đặc biệt là nguồn nước và rừng, điều này đang ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây lụt lội và hạn hán nghiêm trọng.

            Để hỗ trợ Chính phủ Lào giải quyết các thách thức, đạt các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm lần thứ 8, ADB đã và đang thực hiện chiến lược đối tác thời kỳ 2017-2020, tập trung vào các lĩnh vực:  phát triển cơ sở hạ tầng và khu vực tư nhân hỗ trợ tạo việc làm và thu nhập; phát triển nguồn nhân lực; quản lý tài nguyên bền vững, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; bình đẳng giới và quản trị. (Vientiane Times, 01/10/2018)

ADB tài trợ để cải thiện các dịch vụ du lịch và đô thị

            Ngày 16/10/2018, lễ ký kết thỏa thuận về việc ADB cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 125,5 triệu USD cho 03 dự án phát triển du lịch và dịch vụ đô thị đã được tổ chức tại Viêng Chăn. Văn kiện được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Tài chính Thiphankone Chanthavongsa và Giám đốc Quốc gia ADB tại Lào Yasushi Negishi.

            Phát biểu tại lễ ký, ông Yasushi cho biết, khoản viện trợ không hoàn lại cho 03 dự án thể hiện cam kết của ADB trong việc hỗ trợ Chính phủ Lào quản lý một cách bền vững quá trình đô thị hóa và du lịch, thu hút đầu tư nhằm tạo việc làm trong các lĩnh vực kinh tế đa dạng, giúp Lào thoát khỏi địa vị của một nước kém phát triển vào năm 2020.

            Khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 47 triệu USD dành cho giai đoạn II Dự án Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) để thực hiện dự án Hạ tầng Du lịch đã được HĐQT ADB phê duyệt tháng 8/2019 sẽ hỗ trợ Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch nâng cấp đường tiếp cận các điểm du lịch, cải thiện các dịch vụ môi trường đô thị liên quan đến du lịch và quản lý du lịch ở các tỉnh Luang Prabang, Viêng Chăn và Champassack. Khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 48 triệu USD cho giai đoạn IV dự án Phát triển các thị trấn trên Hành lang GMS đã được phê duyệt vào tháng 9/2018 sẽ do Bộ Công chính và Vận tải (MPWT) thực hiện nhằm cải thiện dịch vụ môi trường đô thị của 02 thị trấn Pakxan, tỉnh Borikhamxay và Thakhaek, tỉnh Khammuon. Khoản viện trợ không hoàn lại thứ ba trị giá 30,5 triệu USD là kinh phí bổ sung cho Dự án do ADB tài trợ đang triển khai về Cung cấp Nước và Vệ sinh do MPWT thực hiện. (Vientiane Times, 18/10/2018)

Lào – ADB - WB

Chính phủ, ADB và WB rà soát các dự án tại Lào

            Ngày 15/10/2018, Hội nghị Hỗn hợp Thường niên Rà soát Danh mục đầu tư Quốc gia (JCPR) đã được tổ chức tại Viêng Chăn để thảo luận về tình hình thực hiện các dự án do ADB và WB tài trợ tại Lào.

            Mục đích của hội nghị là để rà soát thành tựu đạt được, những vấn đề tồn tại và kiến nghị các giải pháp giải quyết. Phát biểu khai mạc hội  nghị, Giám đốc Quốc gia ADB tại Lào Yasushi Negishi nhấn mạnh, để chuẩn bị cho JCPR năm nay, nhiều cuộc họp giữa ADB và WB đã được tổ chức để thu thập thông tin về các vấn đề nêu ra tại báo cáo JCPR năm 2017.

            Báo cáo đã xác định những tiến độ đạt được theo lĩnh vực, đặc biệt là cải thiện về khởi nghiệp, sử dụng các phương pháp tiên tiến, báo cáo kiểm toán kịp thời, công tác giám sát và đánh giá dự án hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vấn đề thách thức. Năng lực mua sắm đã được cải thiện nhưng chưa đồng đều, có sự chênh lệch giữa TW và địa phương, giữa các Bộ, phản ánh qua quy trình và phê duyệt tài liệu mua sắm. Một lĩnh vực khác cần cải tiến là công tác giải ngân, đặc biệt là việc cung cấp bổ sung tài khoản dự án. Theo quy định, dịch vụ thanh toán là 05 ngày làm việc nhưng trên thực tế hiếm khi đạt yêu cầu. Theo quan sát của ADB, khó khăn nảy sinh do giấy tờ không đầy đủ, thiếu hoặc thông tin không chính xác khi nộp đơn rút tiền dẫn đến chậm trễ trong bổ sung tài khoản và thanh toán. Để giải quyết vấn đề này, ADB và WB đang xây dựng cổng thông tin điện tử phục vụ giải ngân sẽ đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018 để đơn giản hóa thủ tục, giảm sai sót. (Vientiane Times, 16/10/2018)

 

BẠN CẦN BIẾT

Khai trương hệ thống kết nối tài chính – Liên ngân hàng 2018

            Ngày 02/10/2018, lễ khai trương chính thức Interbank 2018 (Liên Ngân hàng 2018) đã được tổ chức tại trụ sở Ngân hàng TW Lào (BOL) nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập BOL.

            Phát biểu tại lễ khai trương, Vụ trưởng Vụ Hoạt động Ngân hàng, BOL Fongchida Sengsoulivong cho biết, đây là chương trình nhằm tăng cường thị trường liên ngân hàng. Việc kinh doanh ngoại tệ giữa các ngân hàng đã tăng từ mức 185,78 triệu USD năm 2016 lên 258,21 triệu USD năm 2017. Interbank 2018 đã được làm mới và nâng cấp để xử lý các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, cho phép các ngân hàng thương mại mở rộng kinh doanh trong bối cảnh hệ thống tài chính ngày càng phát triển. Các lợi ích bao gồm khả năng tiếp cận thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, cho vay, hợp đồng chuyển tiếp, kinh doanh trái phiếu sơ cấp và thứ cấp .v.v.

            Quyền Thống đốc BOL Sonexay Sithphaxay nhấn mạnh, việc phát triển chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập hệ thống ngân hàng. Đây là dự án do IMF tài trợ, Interbank 2018 sẽ được chứng nhận đạt chuẩn và cung cấp các giải pháp cụ thể và sự tin cậy đối với người sử dụng. Chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo giao dịch nhanh và an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ giá hối đoái có nhiều biến động. Một trong những nghĩa vụ của tất cả các ngân hàng là tạo điều kiện để Ngân hàng TW thu thập số liệu thống kê nhằm đảm bảo thu đổi ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng. Hệ thống được vận hành theo các luật, nghị định và quy định hiện hành. (Vientiane Times, 03/10/2018)

Thủ tướng L​ào ban hành Chỉ thị 09/TTg liên quan đến đất đai nông nghiệp

            Chỉ thị 09/TTg của Thủ tướng Chính phủ Lào ngày 02/7/2018 ban hành nhằm Tăng cường quản lý, sử dụng đất đai tô nhượng để trồng cây công nghiệp và các loại cây trồng khác trên toàn quốc.

            Sự cần thiết ban hành Chỉ thị 09/TTg xuất phát từ việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13/TTg ngày 11/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian qua, việc đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực nông-lâm nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước cũng như góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội cho quốc gia. Tuy nhiên, cần phải tăng cường việc quản lý, sử dụng đất đai trong việc tô nhượng trồng cây công nghiệp và các loại cây trồng khác trên toàn quốc theo định hướng và đạt hiệu quả cao; cần đánh giá lại kết quả, phân loại các dự án, tạo động lực và tính chủ động trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm cả về cơ chế chính sách và chiến lược rõ ràng, chắc chắn theo hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của Chính phủ trong giai đoạn tới.

            Chỉ thị bao gồm 03 nội dung chính đó là: (i) Đối với các dự án trồng cây công nghiệp; (ii) Các dự án trồng chuối và các loại cây trồng khác; (iii) Tổ chức thực hiện. Một số điểm chính như sau:

            Thứ nhất, đối với dự án trồng cây công nghiệp: Dừng cho thuê hoặc tô nhượng đối với các dự án xin cấp phép đầu tư mới về lĩnh vực trồng cây cao su; khuyến khích các cá nhân, pháp nhân và tổ chức sử dụng đất thuộc sở hữu của mình phát triển cây cao su tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện theo tiến độ; khuyến khích sử dụng đất đai theo đúng quy hoạch quy định, phù hợp với từng loại cây trồng…; kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả và không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước;

            - Thứ hai, đối với các dự án trồng chuối và các loại cây trồng khác: Có biện pháp xử lý những tác động, ảnh hưởng của các dự án đã được cấp phép cho thuê hoặc tô nhượng trong thời gian qua và các dự án xin cấp mới để trồng chuối và các loại cây trồng khác trong việc sử dụng các hóa chất cấm, quá tiêu chuẩn quy định gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội; khuyến khích thúc đẩy phát triển các loại cây trồng tạo ra sản phẩm góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho xã hội; rà soát và quy hoạch vùng sản xuất, khu vực chăn nuôi phục vụ cho quá trình cấp phép đầu tư các dự án mới.

            - Thứ ba, phần tổ chức thực hiện, Chính phủ giao Bộ Nông Lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương trên toàn quốc triển khai thực hiện.

            Chỉ thị 09/TTg ngày 02/7/2018 thay thế cho Chỉ thị số 13/TTg ngày 11/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày ký. (ĐSQVN tại Lào, 24/10/2018)

 

 

BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Nguyễn Thanh Tùng

Ban Biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Dương Thị Kim Nụ, Nguyễn Hữu Hà.

 


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: