1. Kế hoạch mở rộng thành viên của OECD
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với 38 quốc gia thành viên[1] được thành lập năm 1961 nhằm thúc đẩy tiến bộ kinh tế và thương mại thế giới. OECD chiếm 57,8% GDP toàn cầu (58,4 nghìn tỷ USD) và 18% dân số thế giới (1,38 tỷ người). OECD có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc nghiên cứu chính sách kinh tế, định hình các ý tưởng, tiêu chí, thông lệ, tiêu chuẩn chung trong quản lý kinh tế vĩ mô và quản trị kinh tế toàn cầu; thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế thông qua phối hợp chính sách, tạo diễn đàn đối thoại, nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển. OECD đặt ra các quy định và tiêu chuẩn cao về kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu[2].
Từ đầu những năm 1990, bên cạnh việc kết nạp thành viên mới, OECD đã tăng cường hợp tác với các quốc gia chưa phải thành viên, mở rộng đối tượng kết nạp ra các nước đang phát triển[3], thúc đẩy hợp tác với các “Đối tác chủ chốt” (Key Partners). Hiện tại, các Đối tác chủ chốt của OECD gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi. OECD cũng tăng cường hợp tác với các nước thông qua Trung tâm phát triển OECD, các Chương trình khu vực (Đông Nam Á, Đông Nam Âu, Châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ La-tinh và vùng Caribe) hoặc các Chương trình quốc gia như với Thái Lan, Ma Rốc và Ai Cập.
Năm 2017, OECD đã công bố Báo cáo về Khuôn khổ cân nhắc thành viên triển vọng nhằm xây dựng tiêu chí và quá trình lựa chọn thành viên dựa trên các khuôn khổ tiêu chuẩn chính sách và pháp lý. Theo đó, OECD hướng tới việc mở rộng lên 50 nước thành viên. Tính đến tháng 9/2023, OECD đang đàm phán kết nạp 06 thành viên gồm Argentina, Brazil, Bulgaria, Croatia, Peru và Romania. Nếu việc đàm phán đạt kết quả, OECD sẽ tiến tới bao gồm 44 thành viên, do đó còn 6 “vị trí trống” cho các nước quan tâm tiếp theo.
Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2023 đã thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với mục tiêu ưu tiên mở rộng thêm thành viên đến từ khu vực Đông Nam Á.
Ngày 14/7/2023, Indonesia đã chính thức có thư gửi Tổng thư ký OECD bày tỏ ý định gia nhập OECD và đề nghị khởi động quá trình đàm phán[4]. Thái Lan bày tỏ mong muốn tham gia OECD, đã hoàn thành Chương trình quốc gia với OECD giai đoạn 1 và đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2[5]. Singapore bày tỏ quan tâm đến khả năng gia nhập OECD, đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với OECD và là thành viên của Cơ quan Năng lượng quốc tế của OECD.
2. Các tiêu chí cân nhắc thành viên triển vọng của OECD
Việc thảo luận về mở rộng thành viên của OECD dựa trên nguyện vọng của nước xin gia nhập. Trên cơ sở đó, Hội đồng OECD sẽ xem xét, quyết định khởi động quá trình đàm phán và đánh giá sau khi nhận được đơn xin gia nhập chính thức của các nước.
2.1. Các tiêu chí để được cân nhắc là thành viên triển vọng:
- Mức độ sẵn sàng: về quản trị kinh tế và quản trị công; khả năng thực hiện các nghĩa vụ thành viên và tham gia vào các ủy ban của OECD; tầm ảnh hưởng trong kinh tế khu vực và toàn cầu.
- Cam kết đối với các giá trị và nghĩa vụ thành viên: giá trị dân chủ dựa trên luật pháp và quyền con người và tuân thủ các nguyên tắc nền kinh tế thị trường mở và minh bạch.
- Khuôn khổ, thể chế: Bộ máy chính quyền, hệ thống lập pháp – hành pháp – tư pháp, ngân hàng trung ương, quy định về cạnh tranh,…
- Các chỉ số kinh tế chủ chốt: GDP, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ thất nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, nợ công, lạm phát, lao động, FDI, ODA,…tương đương với mức trung bình của các thành viên.
- Quan hệ với OECD: tham gia vào các cơ quan của OECD, tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý, tham gia vào các công cụ hợp tác quốc tế của OECD như Chương trình quốc gia, Chương trình khu vực,…
Căn cứ vào 05 tiêu chí này, OECD sẽ đánh giá khả năng tuân thủ các công cụ pháp lý và tiêu chuẩn của OECD (hiện tại và tương lai), khả năng nước này triển khai quá trình gia nhập (về mặt tài chính) và đáp ứng các yêu cầu bắt buộc tại các ủy ban của OECD, v.v.
2.2. Các công cụ pháp lý các nước cần tuân thủ để trở thành thành viên OECD gồm:
– Các quy định có tính chất ràng buộc pháp lý: gồm Tuyên bố OECD về Đầu tư quốc tế và Doanh nghiệp đa quốc gia, Công ước OECD về Chống hối lộ quan chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế, 23 quy định đặt ra bởi Hội đồng OECD và 10 Hiệp định quốc tế;
– Các quy định không ràng buộc về pháp lý: gồm 186 khuyến nghị (như thực hành thống kê tốt, tiếp cận số liệu nghiên cứu, an ninh số, nguồn nước, bình đẳng giới,…) và 37 Tuyên bố cấp Bộ trưởng trở lên (về giáo dục, nông nghiệp, môi trường,…).
Các nước không nhất thiết phải tuân thủ hết các quy định trên. OECD sẽ tiến hành đánh giá chính sách của các nước để đưa ra các khuyến nghị về các lĩnh vực cần xem xét điều chỉnh. Căn cứ vào các khuyến nghị, các nước đánh giá môi trường chính sách và trao đổi với OECD về các kế hoạch hoặc biện pháp hướng tới việc thực hiện các khuyến nghị này. Đến nay, Việt Nam đã tuân thủ 07 quy định của OECD, gồm 01 quy định có tính ràng buộc pháp lý[6] và 06 quy định không có tính ràng buộc[7].
3. Lộ trình gia nhập OECD, gồm 09 bước:
- Bước 1: Nước thành viên triển vọng gửi thư cho Tổng Thư ký OCED thể hiện quan tâm/đề nghị khởi động đàm phán gia nhập, hoặc Hội đồng OECD có thể trực tiếp đề nghị khởi động quá trình đàm phán gia nhập với nước đó. Sau khi Ban Thư ký OECD nhận được văn bản đề nghị chính thức, Tổng Thư ký trình yêu cầu này lên Hội đồng OECD.
– Bước 2: Căn cứ vào các tiêu chí tại Khuôn khổ cân nhắc thành viên triển vọng, Tổng Thư ký báo cáo lên Hội đồng OECD thông tin về thành viên triển vọng. Hội đồng OECD sẽ cân nhắc về việc khởi động quá trình đàm phán. Tổng Thư ký OECD sẽ thông báo với nước thành viên triển vọng về quyết định của Hội đồng. Quá trình kể từ khi thể hiện quan tâm/nộp đơn xin gia nhập đến khi khởi động đàm phán thường kéo dài (có thể từ 02 đến 18 năm)[8].
- Bước 3: Trong trường hợp Hội đồng OECD nhất trí khởi động đàm phán gia nhập, Tổng Thư ký sẽ xây dựng Lộ trình gia nhập dành riêng cho từng nước. Văn bản này trình bày chi tiết các điều khoản, điều kiện và quá trình gia nhập, đặt ra yêu cầu nước thành viên triển vọng cần đáp ứng.
- Bước 4: Căn cứ Lộ trình gia nhập, nước thành viên triển vọng trình lên Tổng Thư ký OECD Biên bản ghi nhớ ban đầu (Initial Memorandum), trong đó thể hiện lập trường ban đầu[9] đối với từng công cụ pháp lý đang có hiệu lực của OECD, đồng thời đánh giá mức độ hài hòa/tuân thủ của hệ thống lập pháp, chính sách và thực tiễn của nước này với từng công cụ pháp lý đó.
- Bước 5: Từ Biên bản ghi nhớ ban đầu, hơn 20 ủy ban chuyên môn của OECD[10] sẽ thảo luận và đánh giá kỹ thuật chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực chính sách. OECD không áp đặt thời hạn thực hiện cho các nước; tiến độ hoàn thành phụ thuộc vào nước thành viên triển vọng. Giai đoạn này, nước thành viên triển vọng có thể lựa chọn tham gia các cơ chế hoặc chương trình không bắt buộc khác của OECD[11].
- Bước 6: Sau khi hoàn thành các đánh giá kỹ thuật, các ủy ban hoàn thiện báo cáo kết luận. Đồng thời, nước thành viên triển vọng gửi Báo cáo cuối cùng liệt kê đầy đủ nghĩa vụ thành viên lên Tổng Thư ký.
- Bước 7: Tổng Thư ký OECD trình lên Hội đồng OECD: (i) Báo cáo cuối cùng của nước thành viên triển vọng, (ii) Báo cáo kết luận của các ủy ban chuyên môn, (iii) Báo cáo của Ban Thư ký OECD về các công cụ pháp lý không do các ủy ban chuyên môn đánh giá, và (iv) Khuyến nghị của Tổng Thư ký. Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc mời nước thành viên triển vọng trở thành thành viên chính thức.
- Bước 8: Hai bên ký kết Hiệp định gia nhập, bao gồm Báo cáo cuối cùng của nước thành viên triển vọng và Quyết định của Hội đồng OECD. Nội dung hiệp định được đăng tải công khai.
- Bước 9: Nước thành viên triển vọng thực hiện các thủ tục nội bộ cần thiết và sớm nộp văn kiện gia nhập Công ước OECD cho cơ quan lưu chiểu (tức Chính phủ Pháp). Ngày nộp lưu chiểu được tính là ngày chính thức gia nhập OECD của nước này.
Trong nhiều trường hợp, trong các Báo cáo kết luận của các ủy ban chuyên môn, các ủy ban có thể yêu cầu nước thành viên triển vọng phải tiếp tục thực hiện các khuyến nghị, và/hoặc báo cáo bổ sung tiến độ triển khai các khuyến nghị đó.
4. Hợp tác Việt Nam – OECD
Tháng 03/2008, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Trung tâm Phát triển OECD. Kể từ năm 2012, Việt Nam và OECD luôn xây dựng kế hoạch hợp tác song phương theo giai đoạn 2012-2016 và 2016-2020. Tháng 11/2021, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác Việt Nam – OECD giai đoạn 2021-2025. Năm 2022, hai bên công bố kế hoạch hành động hợp tác giai đoạn 2022-2025.
Thông qua hợp tác với OECD, ta đã tranh thủ được tư vấn chính sách về các vấn đề ưu tiên trong phát triển kinh tế – xã hội của nước ta như nâng cao năng suất lao động, phát triển bao trùm, Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế,… thông qua tổ chức các Hội nghị[12], báo cáo nghiên cứu chính sách[13] và tham gia vào các dự án kỹ thuật[14].
Việt Nam đồng thời là thành viên tích cực của Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) kể từ khi chương trình được thành lập năm 2014. Việt Nam cùng Australia đang giữ cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP nhiệm kỳ 2022-2025. Đây là lần đầu tiên ta đảm nhiệm vị trí chủ trì một cơ chế của OECD, khẳng định sự ghi nhận vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam, cũng như tin tưởng của các nước OECD và khu vực đối với năng lực của Việt Nam trong gắn kết hiệu quả OECD và khu vực. Năm 2023, lần đầu tiên OECD mời Việt Nam tham dự và phát biểu tại cơ chế ra quyết định cao nhất của OECD là Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (07-08/6/2023).
5. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc gia nhập OECD:
(i) Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao, nhất là tại các diễn đàn đa phương khu vực và phạm vi toàn cầu. Trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP 2022-2025, Việt Nam và Australia đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký OECD và các thành viên thúc đẩy nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực. Tổng Thư ký OECD và các đối tác coi trọng đặc biệt Chương trình SEARP; đánh giá cao những đóng góp của
Việt Nam trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình và vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ OECD với các nước Đông Nam Á.
(ii) OECD xác định Đông Nam Á là “khu vực ưu tiên chiến lược”, cam kết mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực thông qua việc tuân thủ các công cụ pháp lý và tiêu chuẩn của OECD, với “tầm nhìn mở rộng cơ hội kết nạp” cho các nước Đông Nam Á[15], trong đó có thông qua Chương trình Đông Nam Á (SEARP)[16].
(iii) Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước thành viên OECD[17], nhất là các nước thành viên có vai trò chủ chốt như Hoa Kỳ (thành viên sáng lập) và Nhật Bản (nước khởi xướng Chương trình SEARP). Một số nước thành viên OECD bày tỏ ủng hộ và đề nghị Việt Nam “cân nhắc nghiêm túc” về việc gia nhập OECD.
6. Một số khuyến nghị cần cân nhắc khi gia nhập OECD:
(i) Phải rà soát, điều chỉnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách trong nhiều lĩnh vực để tuân thủ với các quy định và tiêu chuẩn cao của OECD.
(ii) Các quy định, tiêu chuẩn của OECD trải dài trên nhiều ngành, lĩnh vực, vì vậy quá trình rà soát, điều chỉnh nội luật cần có sự ủng hộ, tham gia sâu rộng và liên tục từ các bộ, ngành liên quan.
(iii) Thời gian đàm phán gia nhập có thể kéo dài nhiều năm, do đó cần nhiều nguồn lực để triển khai, nhất là liên quan đến quá trình rà soát, điều chỉnh nội luật để phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn của OECD.
(iv) Nước thành viên triển vọng phải chi trả nhiều khoản chi phí cả trước và sau khi gia nhập, bao gồm các chi phí liên quan đến việc gia nhập và chi phí thực hiện Chương trình quốc gia với OECD. Các chi phí liên quan đến việc gia nhập bao gồm chi phí trả cho cán bộ OECD làm nhiệm vụ và các chi phí liên quan khác, v.v. Ban Thư ký của OECD sẽ ước tính các khoản cần chi mỗi năm (kể từ khi Hội đồng OECD thông qua Lộ trình gia nhập) và nước thành viên triển vọng phải chi trả trước khi triển khai thực hiện. Sau khi trở thành thành viên, quốc gia gia nhập sẽ phải đóng phí thành viên thường niên[18] và các khoản phí tự nguyện khác./.
Bình Nguyễn
[1] Các nước thành viên OECD gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Australia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Áo, Bỉ, Chile, Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ireland, Israel, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Mexico, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Costa Rica.
[2] Thuế tối thiểu toàn cầu, Quy định thực hành kinh doanh có trách nhiệm,…
[3] Trong số các nước thành viên OECD, có 03 nước thuộc nhóm G77 gồm Chile, Colombia và Costa Rica.
[4] Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, Indonesia nhận định việc gia nhập OECD đã được đa phần các nước thành viên ủng hộ; lộ trình kết nạp có thể kéo dài từ 4-8 năm và đặt mục tiêu gia nhập vào năm 2026.
[5] Chương trình quốc gia Thái Lan – OECD giai đoạn 2 sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023-2025, với mục tiêu thúc đẩy cải cách trong nước và đưa Thái Lan tiệm cận với các tiêu chuẩn của OECD. Giai đoạn 2 bao gồm 20 dự án, trải đều trên 04 trụ cột: (i) Quản trị tốt, (ii) Môi trường kinh doanh và cạnh tranh, (iii) Phát triển xã hội bao trùm và nguồn nhân lực, và (iv) Phục hồi xanh. Các nội dung này được thiết kế và phát triển trên cơ sở mục tiêu của Thái Lan trở thành nước có thu nhập cao đến năm 2038, vừa tạo điều kiện cho Thái Lan tham gia vào các cơ chế/công cụ quan trọng của OECD – một trong những điều kiện quan trọng để xem xét trở thành thành viên OECD
[6] Công ước đa phương để thực hiện các biện pháp về hiệp ước thuế nhằm chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận.
[7] (i) Tuyên bố Bologna về chính sách doanh nghiệp vừa và nhỏ; (ii) Tuyên bố Istanbul cấp Bộ trưởng về thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp năng lực cạnh tranh quốc tế và đổi mới của doanh nghiệp vừa và nhỏ; (iii) Tuyên bố về chính sách tốt hơn để đạt được hệ thống lương thực toàn cầu năng suất, bền vững và tự cường; (iv) Tuyên bố Daejeon về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số và toàn cầu: (v) Tuyên bố về nâng cao năng suất và tăng trưởng bao trùm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp; (vi) Tuyên bố Paris về hỗ trợ hiệu quả.
[8] Hàn Quốc bày tỏ ý định xin gia nhập OECD từ năm 1990, tham gia nhiều Ủy ban của OECD với tư cách là quan sát viên, chính thức nộp đơn xin gia nhập tháng 3/1995 và chính thức gia nhập OECD vào tháng 12/1996. Brazil là đối tác chủ chốt của OECD từ năm 2007, có đơn xin gia nhập vào năm 2017 và quá trình đàm phán gia nhập bắt đầu chính thức năm 2022. Romania nộp đơn xin gia nhập từ năm 2004, liên tục tái khẳng định ý định xin gia nhập vào các năm 2012, 2016, 2017 nhưng đến năm 2022 Hội đồng OECD mới đồng ý khởi động quá trình đàm phán gia nhập.
[9] Nước thành viên có thể chọn 01 trong 04 lập trường sau: (i) chấp thuận, (ii) chấp thuận và đề nghị được triển khai trong một khung thời gian nhất định; (iii) chấp thuận và có quyền bảo lưu hoặc quan sát; và (iv) phản đối. Thông thường, nước thành viên triển vọng được kỳ vọng sẽ hạn chế có lập trường (iii) và (iv) nhất có thể. Các nước có thể thay đổi lập trường trong quá trình gia nhập bằng cách thông báo bằng văn bản lên Ban Thư ký.
[10] Các Ủy ban chuyên môn của OECD tham gia đánh giá kỹ thuật chyên sâu đối với các nước thành viên triển vọng là: Ủy ban đầu tư; Nhóm làm việc về Hối lộ trong Giao dịch kinh doanh quốc tế; Ủy ban Quản trị doanh nghiệp; Ủy ban về các Thị trường tài chính; Ủy ban Bảo hiểm và các quỹ lương hưu tư nhân; Ủy ban Cạnh tranh; Ủy ban các Vấn đề tài khóa; Ủy ban Chính sách môi trường; Ủy ban Hóa học; Ủy ban Quản trị công; Ủy ban Chính sách điều tiết; Ủy ban về Thống kê và các chính sách thống kê; Ủy ban Rà soát Kinh tế và Phát triển; Ủy ban Chính sách giáo dục; Ủy ban các Vấn đề Tuyển dụng, Lao động và Xã hội; Ủy ban Y tế; Ủy ban Thương mại và Nhóm làm việc về Tín dụng xuất khẩu; Ủy ban Nông nghiệp; Ủy ban Ngư nghiệp; Ủy ban Chính sách Khoa học và công nghệ; Ủy ban Chính sách Kinh tế số; Ủy ban Chính sách Tiêu dùng.
[11] Một số cơ chế hoặc Chương trình không bắt buộc tham gia đối với các nước thành viên OECD là: Ủy ban Viện trợ Phát triển, Cơ quan Năng lượng quốc tế, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử OECD, v.v.
[12] Các sự kiện Việt Nam đã phối hợp tổ chức: Diễn đàn OECD về khu vực Đông Nam Á năm 2016 tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao năng suất gắn liền với phát triển bao trùm ở Đông Nam Á”; Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của OECD tại Hà Nội (2019); Hội thảo “Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với chính sách công nghiệp và hàm ý cho Việt Nam” nhằm giới thiệu và xây dựng nhận thức về CMCN lần thứ 4 tại Việt Nam; và Hội thảo “Phục hồi phát triển kinh tế và hội nhập: Bối cảnh toàn cầu mới và lựa chọn chính sách cho APEC” nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng chủ đề và chương trình cho Hội nghị cấp cao APEC 14; Diễn đàn cao cấp OECD – Đông Nam Á năm 2022 với chủ đề “Kết nối khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững”.
[13] Báo cáo khảo sát kinh tế Việt Nam năm 2023, Báo cáo đánh giá doanh nghiệp nhà nước Việt Nam năm 2022, Báo cáo đánh giá Chính sách đầu tư và tài chính năng lượng sạch năm 2021, Báo cáo Chính sách doanh nghiệp và Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam năm 2021, Báo cáo đánh giá đa chiều (MDR) năm 2020, Báo cáo đánh giá chính sách đầu tư Việt Nam năm 2018, Báo cáo đánh giá chính sách đô thị Việt Nam năm 2018, Báo cáo nghiên cứu về tăng trưởng xanh tại Hải Phòng, Việt Nam năm 2016, Báo cáo đánh giá chính sách nông nghiệp Việt Nam năm 2015, Báo cáo về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam năm 2014, Báo cáo đánh giá chính sách gắn kết xã hội Việt Nam năm 2014. Các báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ.
[14] Việt Nam đã tham gia là thành viên Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (2017), Chương trình khảo sát quốc tế về dạy và học (2016) và là khách mời của 41 Ủy ban và nhóm làm việc ở nhiều lĩnh vực của OECD.
[15] Khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được thông qua tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD 2023 (tháng 6/2023 tại Paris, Pháp).
[16] OECD đang triển khai 05 Chương trình khu vực: Chương trình các khu vực Đông Nam Á, Nam Mỹ, Đông Âu, Trung Á và Châu Phi. Trong 05 CHương trình khu vực của OECD, SEARP là chương trình duy nhất được đề cập trong Tuyên bố Hội đồng Bộ trưởng năm 2023.
[17] Việt Nam đã thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với 15 nước thành viên OECD.
[18] Phí thành viên tính theo quy mô GDP và dân số của mỗi nước..