1. Kế hoạch mở rộng thành viên của OECD
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với 38 quốc gia thành viên[1] được thành lập năm 1961 nhằm thúc đẩy tiến bộ kinh tế và thương mại thế giới. OECD chiếm 57,8% GDP toàn cầu (58,4 nghìn tỷ USD) và 18% dân số thế giới (1,38 tỷ người). OECD có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc nghiên cứu chính sách kinh tế, định hình các ý tưởng, tiêu chí, thông lệ, tiêu chuẩn chung trong quản lý kinh tế vĩ mô và quản trị kinh tế toàn cầu; thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế thông qua phối hợp chính sách, tạo diễn đàn đối thoại, nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển. OECD đặt ra các quy định và tiêu chuẩn cao về kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu[2].
Từ đầu những năm 1990, bên cạnh việc kết nạp thành viên mới, OECD đã tăng cường hợp tác với các quốc gia chưa phải thành viên, mở rộng đối tượng kết nạp ra các nước đang phát triển[3], thúc đẩy hợp tác với các “Đối tác chủ chốt” (Key Partners). Hiện tại, các Đối tác chủ chốt của OECD gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi. OECD cũng tăng cường hợp tác với các nước thông qua Trung tâm phát triển OECD, các Chương trình khu vực (Đông Nam Á, Đông Nam Âu, Châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ La-tinh và vùng Caribe) hoặc các Chương trình quốc gia như với Thái Lan, Ma Rốc và Ai Cập.
Năm 2017, OECD đã công bố Báo cáo về Khuôn khổ cân nhắc thành viên triển vọng nhằm xây dựng tiêu chí và quá trình lựa chọn thành viên dựa trên các khuôn khổ tiêu chuẩn chính sách và pháp lý. Theo đó, OECD hướng tới việc mở rộng lên 50 nước thành viên. Tính đến tháng 9/2023, OECD đang đàm phán kết nạp 06 thành viên gồm Argentina, Brazil, Bulgaria, Croatia, Peru và Romania. Nếu việc đàm phán đạt kết quả, OECD sẽ tiến tới bao gồm 44 thành viên, do đó còn 6 “vị trí trống” cho các nước quan tâm tiếp theo.
Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2023 đã thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với mục tiêu ưu tiên mở rộng thêm thành viên đến từ khu vực Đông Nam Á.
Ngày 14/7/2023, Indonesia đã chính thức có thư gửi Tổng thư ký OECD bày tỏ ý định gia nhập OECD và đề nghị khởi động quá trình đàm phán[4]. Thái Lan bày tỏ mong muốn tham gia OECD, đã hoàn thành Chương trình quốc gia với OECD giai đoạn 1 và đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2[5]. Singapore bày tỏ quan tâm đến khả năng gia nhập OECD, đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với OECD và là thành viên của Cơ quan Năng lượng quốc tế của OECD.
2. Các tiêu chí cân nhắc thành viên triển vọng của OECD
Việc thảo luận về mở rộng thành viên của OECD dựa trên nguyện vọng của nước xin gia nhập. Trên cơ sở đó, Hội đồng OECD sẽ xem xét, quyết định khởi động quá trình đàm phán và đánh giá sau khi nhận được đơn xin gia nhập chính thức của các nước.
2.1. Các tiêu chí để được cân nhắc là thành viên triển vọng:
- Mức độ sẵn sàng: về quản trị kinh tế và quản trị công; khả năng thực hiện các nghĩa vụ thành viên và tham gia vào các ủy ban của OECD; tầm ảnh hưởng trong kinh tế khu vực và toàn cầu.
- Cam kết đối với các giá trị và nghĩa vụ thành viên: giá trị dân chủ dựa trên luật pháp và quyền con người và tuân thủ các nguyên tắc nền kinh tế thị trường mở và minh bạch.
- Khuôn khổ, thể chế: Bộ máy chính quyền, hệ thống lập pháp – hành pháp – tư pháp, ngân hàng trung ương, quy định về cạnh tranh,…
- Các chỉ số kinh tế chủ chốt: GDP, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ thất nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, nợ công, lạm phát, lao động, FDI, ODA,…tương đương với mức trung bình của các thành viên.
- Quan hệ với OECD: tham gia vào các cơ quan của OECD, tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý, tham gia vào các công cụ hợp tác quốc tế của OECD như Chương trình quốc gia, Chương trình khu vực,…
Căn cứ vào 05 tiêu chí này, OECD sẽ đánh giá khả năng tuân thủ các công cụ pháp lý và tiêu chuẩn của OECD (hiện tại và tương lai), khả năng nước này triển khai quá trình gia nhập (về mặt tài chính) và đáp ứng các yêu cầu bắt buộc tại các ủy ban của OECD, v.v.
2.2. Các công cụ pháp lý các nước cần tuân thủ để trở thành thành viên OECD gồm:
– Các quy định có tính chất ràng buộc pháp lý: gồm Tuyên bố OECD về Đầu tư quốc tế và Doanh nghiệp đa quốc gia, Công ước OECD về Chống hối lộ quan chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế, 23 quy định đặt ra bởi Hội đồng OECD và 10 Hiệp định quốc tế;
– Các quy định không ràng buộc về pháp lý: gồm 186 khuyến nghị (như thực hành thống kê tốt, tiếp cận số liệu nghiên cứu, an ninh số, nguồn nước, bình đẳng giới,…) và 37 Tuyên bố cấp Bộ trưởng trở lên (về giáo dục, nông nghiệp, môi trường,…).
Các nước không nhất thiết phải tuân thủ hết các quy định trên. OECD sẽ tiến hành đánh giá chính sách của các nước để đưa ra các khuyến nghị về các lĩnh vực cần xem xét điều chỉnh. Căn cứ vào các khuyến nghị, các nước đánh giá môi trường chính sách và trao đổi với OECD về các kế hoạch hoặc biện pháp hướng tới việc thực hiện các khuyến nghị này. Đến nay, Việt Nam đã tuân thủ 07 quy định của OECD, gồm 01 quy định có tính ràng buộc pháp lý[6] và 06 quy định không có tính ràng buộc[7].
3. Lộ trình gia nhập OECD, gồm 09 bước:
- Bước 1: Nước thành viên triển vọng gửi thư cho Tổng Thư ký OCED thể hiện quan tâm/đề nghị khởi động đàm phán gia nhập, hoặc Hội đồng OECD có thể trực tiếp đề nghị khởi động quá trình đàm phán gia nhập với nước đó. Sau khi Ban Thư ký OECD nhận được văn bản đề nghị chính thức, Tổng Thư ký trình yêu cầu này lên Hội đồng OECD.
– Bước 2: Căn cứ vào các tiêu chí tại Khuôn khổ cân nhắc thành viên triển vọng, Tổng Thư ký báo cáo lên Hội đồng OECD thông tin về thành viên triển vọng. Hội đồng OECD sẽ cân nhắc về việc khởi động quá trình đàm phán. Tổng Thư ký OECD sẽ thông báo với nước thành viên triển vọng về quyết định của Hội đồng. Quá trình kể từ khi thể hiện quan tâm/nộp đơn xin gia nhập đến khi khởi động đàm phán thường kéo dài (có thể từ 02 đến 18 năm)[8].
- Bước 3: Trong trường hợp Hội đồng OECD nhất trí khởi động đàm phán gia nhập, Tổng Thư ký sẽ xây dựng Lộ trình gia nhập dành riêng cho từng nước. Văn bản này trình bày chi tiết các điều khoản, điều kiện và quá trình gia nhập, đặt ra yêu cầu nước thành viên triển vọng cần đáp ứng.
- Bước 4: Căn cứ Lộ trình gia nhập, nước thành viên triển vọng trình lên Tổng Thư ký OECD Biên bản ghi nhớ ban đầu (Initial Memoran