Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Đan Mạch
- Cộng hòa Áo
- Vương quốc Bỉ
- Cộng hoà Pháp
- Cộng hòa Liên bang Đức
- Cộng hoà I-ta-li-a
- Vương quốc Hà Lan
- Cộng hòa Ba Lan
- Liên bang Nga
- Cộng hòa Xlô-va-ki-a
- Vương quốc Tây Ban Nha
- Thuỵ Điển
- Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
- Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ
- Hung-ga-ri
- Vương quốc Na-uy
- U-crai-na
- Cộng hòa Xlô-ven-ni-a
- Liên Bang Thụy Sỹ
- Cộng hòa Lát-vi-a
- Ru-ma-ni
- Cộng hòa Bun-ga-ri
- Cộng hòa Phần Lan
- Vương quốc Đan Mạch
- Cộng hòa Bê-la-rút
- Cộng hòa Séc
- Gru-di-a
- Công quốc Lít-ten-xờ-tên
- Cộng hòa E-xtô-ni-a
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Sau đợt cải cách trong những năm gần đây, kinh tế Đan Mạch tiếp tục duy trì, nợ công ổn định, chỉ số niềm tin của giới kinh doanh và người tiêu dùng ở mức cao. Hiện Đan Mạch là nền kinh tế lớn thứ 39 trên thế giới tính trên GDP danh nghĩa và đứng thứ 60 trên thế giới tính trên sức mua. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Đan Mạch hiện có mức chênh lệch về thu nhập giữa các ngành, lĩnh vực thấp nhất thế giới.
Một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế
Tỷ lệ tăng trưởng của Đan Mạch năm 2015 là 1,6%, năm 2016 là 2% và năm 2017 là 2,2%; dự kiến năm 2018 sẽ đạt 1,9% và năm 2019 đạt 1,8%. Chi tiêu của Chính phủ năm 2017 chiếm khoảng 52,17% GDP, thấp hơn mức 53,6% GDP của năm 2016. GDP bình quân đầu người của Đan Mạch thuộc diện cao nhất thế giới; năm 2015 là 53.236 USD, năm 2016 là 53.774 USD và năm 2017 là 56.444 USD. Tỷ lệ thất nghiệp trong 03 năm gần đây ở mức thấp kể từ sau đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu, năm 2015 và 2016 là 6,2%, năm 2017 là 5,7%, kỳ vọng năm 2018 sẽ giảm xuống 5,5%. Tỷ lệ lạm phát năm 2016 là 0%, năm 2017 là 1,1% và dự đoán năm 2018 sẽ là 0,8%. Nợ công năm 2016 là 37,9% GDP, năm 2017 là 36,4% GDP (bằng một nửa so với trung bình của Châu Âu) và dự đoán năm 2018 là 33,6% GDP. Tài khoản của Chính phủ tại Ngân hàng Quốc gia trong tháng 4/2018 là khoảng 34 tỷ USD, cao gấp hai lần mục tiêu đề ra và cao nhất trong 03 năm gần đây.
Một số ngành kinh tế trọng điểm
Đan Mạch có một nền kinh tế thị trường hiện đại, dựa chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ (chiếm trên 65% cơ cấu nền kinh tế). Trong bảng xếp hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Đan Mạch được xếp thứ sáu với những ưu điểm về khuôn khổ thể chế và phúc lợi xã hội cao, hệ thống phân phối thu nhập công bằng, không có tham nhũng, có khung pháp lý giải quyết hiệu quả các tranh chấp, tăng trưởng xanh, tỷ lệ việc làm cao ở mức kỷ lục (khoảng 65%) với lực lượng lao động có tay nghề cao. Do nghèo tài nguyên nên Đan Mạch phải học cách sử dụng nguyên liệu một cách tiết kiệm và hiệu quả như ứng dụng năng lượng gió và năng lượng tái tạo, đồng thời Đan Mạch cũng phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô cho sản xuất. Các ngành kinh tế trọng tâm của Đan Mạch là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến với các công ty hàng đầu thế giới về dược phẩm, vận tải biển, cơ khí đóng tàu, sản xuất xi măng, năng lượng tái tạo, chế biến thuỷ sản và thực phẩm. Các công ty Đan Mạch chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ; nhiều công ty có thương hiệu nổi tiếng thế giới do trình độ chuyên môn hóa cao, có tầm nhìn và phạm vi hoạt động toàn cầu như: AP Moller – Maersk (vận tải biển), Carlsberg, Danfos và Grundfos (sản xuất thiết bị điều hòa nhiệt độ và máy bơm), Novo Nordisk (dược phẩm), Lundbeck, Scandinavian Tobaco, Vestas Wind Systems (turbine gió), Danisco (chế biến thực phẩm), FLSmith (xi măng), Lego (sản xuất đồ chơi).
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
Đan Mạch có nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu (chiếm khoảng 50% GDP). Năm 2015 và 2016, Đan Mạch nhập khẩu khoảng 573 tỷ krone và xuất khẩu lần lượt là 636 và 640 tỷ krone. Năm 2017, Đan Mạch nhập khẩu 608 tỷ krone và xuất khẩu khoảng 670 tỷ krone. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là động vật sống, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, nguyên vật liệu thô, dầu mỏ, dược phẩm, hoá chất, máy móc thiết bị… Với vị trí giáp Đức bằng đường bộ và giáp Anh, Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển bằng đường biển, các đối tác xuất nhập khẩu chính của Đan Mạch là Đức, Thuỵ Điển, Mỹ, Anh, Na Uy, Hà Lan và Trung Quốc.
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư
Định hướng lớn trong chính sách thương mại đầu tư
Chủ trương về xuất khẩu hay ưu tiên khai thác thị trường trong nước
Là một quốc gia nhỏ có nền kinh tế mở, Đan Mạch phụ thuộc nhiều vào quan hệ thương mại với nước ngoài. Chính sách đầu tư và thương mại của Đan Mạch là thúc đẩy thương mại tự do và khuyến khích đầu tư nước ngoài, phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực tăng trưởng cao. Theo một cuộc khảo sát môi trường kinh doanh cho giai đoạn 2014-2018, Đan Mạch được xếp hạng thứ mười trên toàn cầu và thứ tư trong khu vực về mức độ hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài với cơ sở hạ tầng tuyệt vời và thị trường lao động rất linh hoạt. Chính phủ Đan Mạch tích cực khuyến khích đầu tư nước ngoài, không có sự phân biệt hay thiên vị giữa các nhà đầu tư từ EU với các nước khác. Đồng thời, các doanh nghiệp Đan Mạch cũng không bị hạn chế việc đầu tư ra nước ngoài; trong hơn một thập kỷ qua, đầu tư ra nước ngoài của Đan Mạch luôn vượt quá đầu tư trong nước. Nhìn chung, Đan Mạch áp dụng các tiêu chuẩn cao liên quan đến sức khỏe, môi trường và an toàn lao động; luật doanh nghiệp Đan Mạch tương đối minh bạch và phù hợp với các quy định hiện hành của EU. Kể từ ngày 19/12/2012, Bộ Thuế đã công khai hồ sơ thuế của tất cả các công ty và tiến hành cập nhật hàng năm.
Các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên
(Thông tin đang được cập nhật)
Các đối tác thương mại ưu tiên
(Thông tin đang được cập nhật)
Chính sách mới nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh
Trong 02 năm 2016 và 2017, Đan Mạch đều được Ngân hàng Thế giới xếp hạng đứng đầu Châu Âu và đứng thứ ba thế giới về mức độ thuận lợi trong kinh doanh. Năm 2016, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng Đan Mạch ở vị trí thứ tám trong số 128 quốc gia về chỉ số đổi mới toàn cầu. Bộ Ngoại giao Đan Mạch có một bộ phận gọi là “Đầu tư vào Đan Mạch” (Invest in Denmark – https://investindk.com), trong đó hướng dẫn các bước để thành lập một doanh nghiệp ở Đan Mạch; các dịch vụ này hoàn toàn miễn phí và áp dụng với tất cả các nhà đầu tư đến từ bất kỳ nước nào. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu các quy định, thông tin liên quan cũng như đăng ký kinh doanh trực tuyến tại webite của Cơ quan Quản lý Kinh doanh Đan Mạch (Danish Business Authority – https://danishbusinessauthority.dk/).
Các FTAs chính hiện đang tham gia
Mặc dù chưa tham gia thị trường tiền tệ chung của Châu Âu, song Đan mạch là nước ủng hộ mạnh mẽ chính sách thương mại tự do và toàn cầu hoá (khoảng 74% dân số Đan Mạch có thái độ tích cực đối với toàn cầu hoá và các FTA). Đan Mạch tin rằng nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các nước đang phát triển, sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng thương mại quốc tế. Với tư cách là thành viên của EU, Đan Mạch hiện đang thực hiện FTA ký với Hàn Quốc; là quốc gia thứ hai trong EU tiến hành phê chuẩn Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện với Canada (CETA); chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế với Nhật Bản, FTA với Singapore và Việt Nam; đang tiến hành đàm phán FTA với Indonesia, Australia, New Zealand, MERCOSUR.
Ngoài ra, Đan Mạch cũng đã ký thỏa thuận bảo hộ đầu tư với 45 nước (và Hồng Công): Ai Cập, Albania, Algeria, Ấn Độ, Argentina, Belarus, Bolivia, Bulgaria, Ba Lan, Chile, Croatia, Ethiopia, Estonia, Ghana, Hàn Quốc, Hungary, Indonesia, Kuwait, Latvia, Lithuania, Malaysia, Mexico, Mông Cổ, Mozambique, Nam Phi, Nga, Nicaragua, Pakistan, Peru, Philippines, Romania, Séc, Slovakia, Slovenia, Sri Lanka, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên, Trung Quốc, Tunisia, Uganda, Ucraina, Venezuela, Việt Nam và Zimbabwe. Bên cạnh đó, Đan Mạch cũng đã ký thỏa thuận bảo hộ đầu tư với Bangladesh, Bosnia Herzegovina, Brazil, Cuba, Lào, Montenegro, Morocco và Serbia song những thỏa thuận này vẫn đang chờ phê chuẩn.
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng
Một số biện pháp phòng vệ thương mại sử dụng nhiều nhất
(thông tin đang được cập nhật)
Các hàng rào kỹ thuật chính đối với thương mại
Đan Mạch thực hiện chính sách không có rào cản thương mại và đi đầu trên thế giới trong chiến dịch chống rào cản thương mại phi thuế quan.
Các đối tác và mặt hàng bị áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại
(thông tin đang được cập nhật)
Số lượng các vụ kiện ra WTO, các đối tác và mặt hàng bị kiện
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Với việc chuyển đổi thành công từ quan hệ hợp tác phát triển truyền thống sang quan hệ hợp tác đối tác toàn diện, Đan Mạch tiếp tục cam kết là một đối tác năng động, đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam. Chính phủ Đan Mạch tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách một trong những thị trường chiến lược, ưu tiên để xúc tiến hợp tác thương mại – đầu tư. Quan hệ thương mại – đầu tư song phương giữa Việt Nam và Đan Mạch trên đà phát triển tốt với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch năm 2017 là 343 triệu USD (tăng 21,3% so với năm 2016) và kim ngạch nhập khẩu từ là 321 triệu USD (giảm 3,2% so với năm 2016). Việt Nam hiện thu hút khoảng 135 doanh nghiệp Đan Mạch hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là hãng giày ECCO, công ty liên doanh Orana Việt Nam, công ty chăm sóc sức khoẻ Novo Nordisk, hãng bia Carlsberg, tập đoàn sản xuất thiết bị công nghiệp Howden… Tính đến tháng 10/2017, Đan Mạch đứng thứ 21/112 nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam, với 133 dự án có tổng số vốn đầu tư là 883,85 triệu USD.
Tổng quan
Đan Mạch là một nước “có giá trị gia tăng” công nghiệp, phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu thô và hàng hóa bán thành phẩm của nước ngoài. Đồng thời, Đan Mạch cũng là một nước xuất khẩu ròng dầu mỏ, khí đốt và chiếm hơn một phần ba doanh số bán tua-bin gió của thế giới. Các lĩnh vực thế mạnh của Đan Mạch như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, dược phẩm và vận tải biển… đều là các lĩnh vực có lợi ích song trùng với các ưu tiên của ta trong phát triển kinh tế xã hội. Các mặt hàng nhập khẩu của Đan Mạch rất đa dạng, trong đó triển vọng xuất khẩu cho các công ty của Việt Nam là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu thô, lâm sản, rau tươi, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, đồ nội thất… Với vị trí chiến lược tại lối vào biển Baltic, Đan Mạch là một điểm phân phối tuyệt vời cho các thị trường Bắc Âu và Baltic. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch cũng là một thị trường tiềm năng với khoảng 35.000 lượt khách du lịch Đan Mạch đến Việt Nam mỗi năm.
Các quy định về xuất nhập khẩu
(Thông tin đang được cập nhật)
Chính sách thuế và thuế suất
Đan Mạch thực hiện chính sách không có rào cản thương mại và đi đầu trên thế giới trong chiến dịch chống rào cản thương mại phi thuế quan. Đan Mạch cũng là nước tuân thủ tốt nhất những yêu cầu của thị trường chung EU. Là một thành viên của EU, thuế nhập khẩu của Đan Mạch áp dụng chung cho tất cả các sản phẩm đến từ các nước không thuộc EU. Thuế nhập khẩu từ 5% đến 14% cho các sản phẩm công nghiệp. Một số sản phẩm nông nghiệp được nhập khẩu từ các nước không thuộc EU được điều chỉnh bởi Chính sách Nông nghiệp chung (CAP); các mặt hàng như ngũ cốc, gạo, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt bò, thịt bê, dầu ô liu, đường sẽ chịu một số thuế và phí khác nhau nhằm cân bằng giá giữa các mặt hàng nhập khẩu với những mặt hàng được sản xuất trong EU. Các sản phẩm nhập vào EU cần phải được khai báo hải quan theo Danh mục mã số hải quan chung của EU (Combined Nomenclature) và danh mục này sẽ được cập nhật hàng năm (https://ec.europa.eu/taxation_customs/business/calculation-customs-duties/what-is-common-customs-tariff/combined-nomenclature_en), đồng thời phải trả mức thuế áp dụng theo Biểu thuế Hải quan EU (TARIC – https://ec.europa.eu/taxation_customs/business/calculation-customs-duties/what-is-common-customs-tariff/taric_en). Khi đã qua cửa khẩu hải quan của một nước thành viên EU, hàng hóa có thể tự do di chuyển đến các nước thành viên khác của khối. Thuế giá trị gia tăng (VAT) 25% được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử đối với tất cả hàng hóa (và hầu như tất cả các dịch vụ) được bán tại Đan Mạch, dù được nhập khẩu hay sản xuất tại địa phương.
Quy định về bao bì, nhãn mác
Các yêu cầu về bao bì, nhãn mác đối với các sản phẩm bán trên thị trường Đan Mạch dựa trên luật của Châu Âu hoặc luật Đan Mạch. Việc đối tác xuất khẩu liên hệ với đối tác nhập khẩu để biết thông tin về các quy định này là rất cần thiết. Thông thường, các sản phẩm tiêu dùng phải có nhãn bằng tiếng Đan Mạch hoặc một ngôn ngữ rất giống với tiếng Đan Mạch như tiếng Thuỵ Điển, Na Uy. Nhà xuất khẩu không được chỉ dán nhãn mác theo tiêu chuẩn của nước mình mà cần dùng nhãn mác theo các tiêu chuẩn của Đan Mạch và dính bên cạnh hoặc đè lên để che đi phần trên nhãn mác của nơi xuất khẩu không theo quy định của Đan Mạch (ví dụ như những thông tin dinh dưỡng bằng tiếng nước ngoài).
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
(thông tin đang được cập nhật)
Quyền sở hữu trí tuệ
Bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Đan Mạch được đặc biệt coi trọng. Đan Mạch tuân thủ các công ước và hiệp ước quốc tế quan trọng liên quan. Đan Mạch đã phê chuẩn Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), các hiệp ước về internet, hiệp ước về bản quyền, hiệp ước về biểu diễn và ghi âm của WIPO. Đan Mạch có một đường dây nóng để người tiêu dùng hay các doanh nghiệp báo cáo về hàng giả, hàng lậu, đồng thời thường xuyên cập nhật, thông báo công khai tình trạng hàng giả, hàng lậu; cơ quan phụ trách vấn đề sở hữu trí tuệ của Đan Mạch là Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu (Danish Patent and Trademark Office – http://www.dkpto.org/). Trong năm 2015, Cơ quan Thuế Đan Mạch đã thu giữ 51.021 sản phẩm vì nghi ngờ giả mạo và ước tính mỗi năm các công ty Đan Mạch mất khoảng 4,5 tỷ krone (670 triệu USD) do hàng giả và hàng lậu.
Tập quán kinh doanh
(thông tin đang được cập nhật bổ sung)
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ – Bộ Công Thương
Địa chỉ: Nhà B, 54 Hai Bà Trưng – Hà Nội
Tel: +84 (0)24 2220 5380, +84 (0)24 2220 5381, +84 (0)24 2220 5382
Fax: +84 (0)24 2220 5376, +84 (0)24 2220 2525
Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội
Địa chỉ: tòa nhà BIDV, tầng 7, 194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tel: +84 24 3 8231888
Fax: +84 24 3 8231999
Email: hanamb@um.dk
Website: http://vietnam.um.dk/
Văn phòng Kinh tế và Thương mại Đan Mạch tại TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Phòng 505, Tầng 5, Tòa nhà Centec, 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP HCM
Tel: +84 (28) 3821 9373
Website http://vietnam.um.dk/vi/ve–chung-toi/deco/
Tại Đan Mạch
Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch
Địa chỉ: Bernstorffsvej 30C, 2900 Hellerup
Tel: +45 39 18 26 29
Fax: +45 39 18 41 71
E-mail: embvndk@hotmail.com
Website: http://vnembassy-copenhagen.mofa.gov.vn
Hiệp hội Công nghiệp Đan Mạch
Địa chỉ: HC Andersens Boulevard 18, 1787 Copenhagen V
Tel: +45 3377 3377
E-mail: di@di.dk
Website: https://www.danskindustri.dk/
Cơ quan Thuế Đan Mạch
Địa chỉ: Nicolai Eigtveds Gade 28, DK – 1402 Copenhagen K
Tel: + 45 33 92 33 92
Email: skm@skm.dk
Website: http://www.skm.dk/english/the-danish-ministry-of-taxation