Trang chủ > Hồ sơ thị trường > Xlô-vê-nia
- Cộng hòa Áo
- Vương quốc Bỉ
- Cộng hoà Pháp
- Cộng hòa Liên bang Đức
- Cộng hoà I-ta-li-a
- Vương quốc Hà Lan
- Cộng hòa Ba Lan
- Liên bang Nga
- Cộng hòa Xlô-va-ki-a
- Vương quốc Tây Ban Nha
- Thuỵ Điển
- Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
- Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ
- Hung-ga-ri
- Vương quốc Na-uy
- U-crai-na
- Liên Bang Thụy Sỹ
- Cộng hòa Lát-vi-a
- Ru-ma-ni
- Cộng hòa Bun-ga-ri
- Cộng hòa Phần Lan
- Vương quốc Đan Mạch
- Cộng hòa Bê-la-rút
- Cộng hòa Séc
- Gru-di-a
- Công quốc Lít-ten-xờ-tên
- Cộng hòa E-xtô-ni-a
Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây
Cộng hòa Slovenia là thị trường mới gia nhập khối Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2004, có diện tích 20,273 km2 và quy mô dân số nhỏ (2 triệu người). Slovenia là một quốc gia phát triển thịnh vượng và ổn định với mức GDP bình quân đầu người (34.100 USD) cao hơn đáng kể so với các nền kinh tế chuyển đổi khác của Trung Âu.
Slovenia khá thành công trong chuyển đổi từ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường, trong tư nhân hóa nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, giải quyết thất nghiệp, ổn định đồng tiền, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và hiện đại hóa hệ thống thuế. Phát triển hạ tầng kinh tế, hệ thống điện, hệ thống giao thông và bưu chính viễn thông sẽ là các bước đi quan trọng tiếp theo để Slovenia hòa nhập tốt vào nền kinh tế của EU. Ngoài ra, Slovenia là quốc gia đầu tiên trong khối Đông Âu được EU công nhận đáp ứng mọi tiêu chí để có thể gia nhập khối đồng tiền chung Euro từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.
Theo Ủy ban Châu Âu, tăng trưởng kinh tế của Slovenia đạt 5,0% trong năm 2017 và dự kiến sẽ vẫn tăng mạnh trong năm 2018 và 2019. Năm 2018, cả nhu cầu trong và ngoài nước được dự báo sẽ đóng góp tích cực. Đầu tư vào lĩnh vực máy móc và thiết bị dự kiến sẽ tăng mạnh mẽ, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước và quốc tế trong bối cảnh thị trường lao động siết chặt. Tài chính công được dự báo sẽ cải thiện, nhờ vào triển vọng kinh tế vĩ mô thuận lợi, nợ công giảm dưới 70% của GDP trong năm 2018.
Một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế
Một số ngành kinh tế trọng điểm
Về cơ cấu nền kinh tế, ngành dịch vụ chiếm tỷ trong cao trong cơ cấu GDP (khoảng 66%), tiếp đến là công nghiệp (31%) và nông nghiệp (trên dưới 3%). Xuất khẩu là động lực quan trọng giúp phát triển kinh tế, cụ thể xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm hơn 79% của GDP trong năm 2017 (cao hơn mức trung bình 46% của EU 19).
Ngành dịch vụ vẫn đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, với các ngành chủ lực như công nghệ thông tin – truyền thông, tài chính và ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, vận tải và bán buôn bán lẻ. Ngành du lịch cũng rất năng động và đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Các ngành công nghiệp quan trọng của Slovenia gồm: luyện kim, sản xuất sắt thép và kim loại màu; khai khoáng: nhôm, chì, kẽm; công nghiệp chất dẻo; thiết bị điện và điện tử, kể cả điện tử quân sự; hóa chất và dược phẩm; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất xe tải; máy công cụ; chế tạo thiết bị điện; đồ gỗ; dệt may; giấy.
Nông nghiệp sử dụng khoảng 25% diện tích lãnh thổ của Slovenia. Do xu hướng giảm đất nông nghiệp và tăng cường chuyển đổi thành đất đất kinh doanh, Slovenia ngày càng tăng nhập khẩu lương thực để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Các sản phẩm nông nghiệp quan trọng là mạch nha, ngô, lúa mì, khoai tây, ngô, táo, lê, gia súc, cừu, gia cầm
Thông tin về xuất nhập khẩu, đầu tư
Xuất nhập khẩu
Trong những năm qua, Slovenia hòa nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới và kinh tế của EU. Điều này được phản ánh qua các Hiệp định thương mại khu vực, đa phương và song phương, trong đó tập trung vào các đối tác thương mại quan trọng của Slovenia là các nước thành viên của EU và các nước ở Trung và Đông Âu mà chiếm gần 2/3 kim ngạch thương mại của Slovenia là với EU.
Thị trường các nước thành viên EU vẫn giữ vị trí quan trọng nhất trong xuất nhập khẩu của Slovenia. Trong năm 2017, 76,7% tổng xuất khẩu hàng hóa và 80,1% tổng nhập khẩu hàng hóa được trao đổi với thị trường EU. Xuất khẩu sang các nước này đã tăng từ năm 2013 và nhập khẩu tăng từ năm 2014. Slovenia nhập siêu từ các thành viên EU, mặc dù thâm hụt đã giảm trong những năm gần đây. Mặt khác, Slovenia tiếp tục có thặng dư thương mại với các nước không phải là thành viên EU.
Năm 2017, đối tác xuất khẩu chính của Slovenia gồm Đức (chiếm 20,4% tổng xuất khẩu hàng hóa), Ý (11,5%), Croatia (7,6%), Áo (7,6%) và Pháp (5,7%). Đối tác nhập khẩu chính của Slovenia cũng là các quốc gia này: 19,1% tổng nhập khẩu hàng hóa là từ Đức, 15,6% từ Ý, 10,7% từ Áo, 5,4% từ Croatia và 4,4% từ Pháp. Trong giai đoạn từ năm 2000 trở đi, những quốc gia này là đối tác thương mại quan trọng nhất của Slovenia. Năm 2017, thương mại hàng hóa với Pháp và Ý tăng mạnh nhất.
Thị phần xuất khẩu lớn nhất trong năm 2017 được đóng góp bởi các sản phẩm từ nhóm phương tiện vận tải (chiếm 16,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu); thứ hai được đóng góp bởi các sản phẩm từ nhóm máy móc, thiết bị và thiết bị điện (10%), tiếp theo là dược phẩm (9,9%), máy móc công nghiệp (5,2%), sản phẩm kim loại (4,7%), sắt thép (3,4%), xăng dầu (3,2%). Đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị nhập khẩu năm 2017 cũng là các sản phẩm từ nhóm phương tiện giao thông đường bộ (chiếm 13,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu); tiếp theo là các nhóm: sắt thép và kim loại màu (7,8%), các sản phẩm từ nhóm xăng dầu, các sản phẩm dầu mỏ và các vật liệu liên quan (6,9%), nhóm máy móc, thiết bị và thiết bị điện (6,8%), dược phẩm (4,7%), máy móc công nghiệp (4,2%).
Đầu tư
Slovenia hoàn toàn mở cửa cho đầu tư nước ngoài, phù hợp với các nguyên tắc của Liên minh châu Âu và OECD. Quốc gia này cũng không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các lĩnh vực kinh tế thu hút FDI nhất bao gồm sản xuất (đặc biệt là sản phẩm kim loại, thiết bị điện và quang học, và linh kiện cho ngành ô tô), sản phẩm hóa chất, sản phẩm từ vật liệu nhựa, giấy, dược phẩm, cao su, bán buôn, bán lẻ và tài chính tư vấn kinh doanh.
Đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh do khủng hoảng kinh tế quốc tế từ 2008-2009 và những khó khăn ở châu Âu kể từ năm 2011. Theo Kế hoạch đầu tư cho chương trình châu Âu của Quỹ đầu tư các dự án chiến lược châu Âu giai đoạn 2014-2020, các dự án được quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng đường sắt và trung tâm xử lý nước thải và chất thải. Slovenia đứng thứ 37 trong tổng số 190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh trong Báo cáo kinh doanh thường niên năm 2018 của Ngân hàng Thế giới.
Vốn FDI lũy kế tại Slovenia đạt 13,4 tỷ EUR vào cuối năm 2017. Các nước đầu tư lớn nhất là Đức, Mỹ, Áo, Ý và Thụy Sĩ. Đức nắm giữ phần lớn các khoản đầu tư gián tiếp tại Slovenia thông qua các công ty con của Áo. Trong khi đó Mỹ nắm giữ 1,8 tỷ EUR vốn FDI vào Slovenia, phần lớn các khoản đầu tư được tổ chức gián tiếp thông qua các công ty con ở Luxembourg, Thụy Điển, Đức và Thụy Sĩ.
Theo Ngân hàng Slovenia, vốn FDI ra nước ngoài đạt khoảng 5,8 tỷ EUR vào cuối năm 2017, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực tài chính – ngân hàng và bảo hiểm, dược phẩm, vận tải, bán buôn bán lẻ, dịch vụ, dệt may. Doanh nghiệp Slovenia hiện đang đầu tư ra nước ngoài thông qua đầu tư vào lĩnh vực mới (Greenfield investment) cũng như thông qua việc mua lại, đặc biệt là tài sản tư nhân hóa. Các công ty Slovenia đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là các công ty lớn và vừa, mặc dù các công ty nhỏ hơn cũng đang rất tích cực, năng động.
Hầu hết các khoản đầu tư FDI của Slovenia tập trung vào các quốc gia Nam Tư cũ, đặc biệt là Croatia. Ngoài ra, các nhà đầu tư thành công nhất ở Slovenia (ví dụ: Gorenje, Kolektor, Krka và NLB,…) hiện đang cạnh tranh trên thị trường thế giới với các công ty đa quốc gia tại các nền kinh tế phát triển.
Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại đầu tư
Định hướng lớn trong chính sách thương mại đầu tư
Thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU), đồng tiền chung Euro, sự mở rộng của EU, tăng cường quốc tế hóa nền kinh tế và sự thay đổi cơ cấu nhanh đã thống trị và thay đổi cơ bản khung chính sách kinh tế của Slovenia và kế hoạch hành động trong những năm trước.
Chính sách thương mại chung của các quốc gia thành viên EU thuộc thẩm quyền của Ủy ban Châu Âu. Kể từ khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2009, các mục tiêu của chính sách thương mại chung bao gồm: xóa bỏ các hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài và các hàng rào phi thuế quan cũng như việc loại bỏ các hạn chế về thương mại và loại bỏ các rào cản hải quan. Điều này ảnh hưởng đến các lĩnh vực cụ thể sau đây: thương mại hàng hóa và dịch vụ; quyền sở hữu trí tuệ; đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính sách thương mại chung của EU dựa trên các nguyên tắc thống nhất và được quy định tại Điều 206 et seq. của Hiệp ước Lisbon. Theo Hiệp ước Lisbon, Nghị viện châu Âu (EP) có quyền quyết định chung trong chính sách thương mại (điều này liên quan đặc biệt đến sự tham gia của EP trong việc thông qua các Quy định xác định khuôn khổ cho việc thực hiện chính sách thương mại chung).
Các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên
Năm 2015, Chính phủ Slovenia đã phê duyệt Chiến lược Chuyên môn hóa Thông minh (S4) làm nền tảng cho phát triển kinh tế. Nó đã được nhấn mạnh rằng việc đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược sẽ đòi hỏi sự đổi mới và quan hệ đối tác giữa các lĩnh vực kinh doanh, các viện nghiên cứu khoa học và nhà nước. “Hợp tác với khu vực tư nhân, chúng tôi đã xác định 9 cụm cơ bản dành cho sự phát triển trong tương lai sẽ cho phép tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Kinh tế Zdravko Počivalšek cho biết. “Chúng tôi đã thiết kế, xây dựng Đối tác phát triển sáng tạo chiến lược (SRIPS) để thực hiện chiến lược chuyên môn hóa thông minh trong thực tế. Với sự giúp đỡ của 9 loại SRIPs, chúng tôi sẽ thực hiện chính sách phát triển kinh tế của Slovenia trong 9 cụm nói trên. Do đó, 9 cụm này đại diện cho hơn 500 công ty năng động nhất của Slovenia. Đồng thời trên thực tế tất cả các cơ sở tri thức và môi trường hỗ trợ ở Slovenia đều tham gia vào dự án này. Hôm nay chúng ta có thể nói về một quan hệ đối tác liên quan đến hơn 600 bên và tôi tin rằng con số này sẽ tiếp tục phát triển.” Cụ thể, 9 cụm này bao phủ các lĩnh vực: (i) thành phố/đô thị thông minh, nhà thông minh; (ii) mạng lưới để chuẩn bị cho kinh tế tuần hoàn, sản xuất lượng thực và du lịch bền vững; (iii) công nghiệp 4.0: nhà máy tương lai, y tế và dược phẩm, sự di chuyển – đi lại, nguyên liệu – sản phẩm.
Các đối tác thương mại ưu tiên
Canada, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar, Tunisia, Philippines, Mexico, Việt Nam, Singapore, Ấn Độ, Ai Cập, Jordan và Marocco và khối ASEAN
Chính sách mới nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh
Chiến lược phát triển Slovenia 2030, được Chính phủ Cộng hòa Slovenia thông qua vào tháng 12 năm 2017, trình bày một khung phát triển quốc gia mới, dài hạn. Mục tiêu chính của nó là “Slovenia, đất nước có chất lượng cuộc sống cao cho tất cả mọi người.” Với 5 định hướng chiến lược và 12 mục tiêu phát triển liên kết, chiến lược này đặt nền tảng mới cho sự phát triển tương lai của Slovenia. Bằng cách phù hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên Hiệp Quốc, Slovenia công nhận tầm quan trọng của một tương lai bền vững, toàn diện và có ý thức hơn, nơi xã hội nói chung có thể phát triển.
Trong lĩnh vực đầu tư, Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu (TFEU) đã thành lập cơ quan mới thuộc EU phụ trách các khoản đầu tư trực tiếp từ ngày 01 tháng 12 năm 2009. Kể từ đó, các điều khoản đầu tư có thể được đưa vào các hiệp ước của EU với các nước thứ ba. Sau 2,5 năm đàm phán gay gắt, Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU cuối cùng đã nhất trí một quy định liên quan đến việc thiết lập một thỏa thuận chuyển tiếp cho các hiệp ước đầu tư song phương (BIT) giữa các nước thành viên và các nước thứ ba. Văn bản này có hiệu lực vào ngày 09 tháng 01 năm 2013, theo đó các BIT trước đây vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, sự hiệu lực của BIT vẫn còn phụ thuộc vào sự cho phép của Ủy ban châu Âu sau khi được thảo luận trong khuôn khổ ‘Ủy ban Hợp tác Đầu tư’ mới thành lập (CIA).
Các đặc điểm cơ bản của chính sách đầu tư mới của EU được đưa vào trong Bảng thông tin của Ủy ban (2010) 343 từ ngày 07 tháng 7 năm 2010. Hiện nay, các cuộc đàm phán về các chương đầu tư trong các hiệp định với Canada, Việt Nam và Singapore đã kết thúc. Các cuộc đàm phán với Mỹ (Hiệp định TTIP), Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar, Tunisia, Philippines và Mexico đang diễn ra. Chủ trương đàm phán với Ấn Độ, Ai Cập, Jordan và Marocco và khối ASEAN đang được xem xét.
Một số yếu tố chính khiến Slovenia trở thành một địa điểm hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): cơ sở hạ tầng hiện đại gắn liền với các hành lang giao thông chính của EU, một cảng chính trên Biển Adriatic (cảng Koper), một lực lượng lao động có trình độ cao và chuyên nghiệp, vị trí địa lý gần Trung Âu / Đông Nam Châu Âu, là thành viên trong EU và Eurozone. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tiềm năng ở Slovenia đã phải đối mặt với những thách thức bao gồm sự thiếu minh bạch trong việc ra các quyết định kinh tế và thương mại, quy trình đấu thầu công khai không rõ ràng và cơ cấu thuế, hệ thống pháp lý chưa nhất quán.
Chương trình trợ cấp chia sẻ chi phí FDI của Chính phủ Slovenia đang cố gắng đưa ra các biện pháp có tác động tích cực đến tạo việc làm, kiến thức và chuyển giao công nghệ và phát triển vùng miền, có thể kích thích một liên minh lớn hơn giữa các công ty Slovenia và đầu tư nước ngoài. Các khoản ưu đãi của Nhà nước dành cho đầu tư với vốn hơn 0,5 triệu EUR trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chiến lược (trung tâm dịch vụ khách hàng, logistics và hệ thống phân phối, trụ sở công ty tại khu vực), nghiên cứu và phát triển. Đầu tư được chú trọng nhiều nhất thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ “xanh” mới (greenfield).
Chính phủ đang tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài vào một số vùng kinh tế khủng hoảng hoặc kém phát triển. Hơn nữa, kể từ năm 2013 thuế doanh nghiệp đã giảm còn 17%. Cuối cùng, Chính phủ đã bắt đầu tư nhân hóa một số công ty nhà nước.
Các FTAs chính hiện đang tham gia
Thông tin về các Hiệp định thương mại EU (Slovenia là thành viên EU) đã ký kết hoặc đang đàm phán có thể được tham khảo tại các đường link:
- http://ec.europa.eu/trade/policy/countries-and-regions/negotiations-and-agreements/
- https://tcc.export.gov/Trade_Agreements/index.asp
Danh sách các hiệp ước đầu tư song phương Slovenia đã ký:
- http://investmentpolicyhub.unctad.org/IIA/CountryBits/192
- https://www.export.gov/article?id=Slovenia-Bilateral-Investment-Agreements
Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng
Là thành viên của EU, Slovenia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật trên cơ sở các quy định và quyết định của EU. Ngày 15 tháng 11 năm 2017, Nghị viện châu Âu đã thông qua với đa số phiếu tán thành Luật phòng vệ thương mại mới, với các sửa đổi về phương pháp xác định giá trị bình thường của một sản phẩm và ước tính thiệt hại đối với một ngành sản xuất nội khối do hành vi bán phá giá của nước ngoài. Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh EU chuẩn bị loại bỏ các nước như Trung Quốc và Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có nền kinh tế “phi thị trường” mà theo đó EU áp dụng phương pháp luận “phi tiêu chuẩn” để tính toán thiệt hại do bán phá giá. Theo nghị định thư gia nhập WTO năm 2001 của Trung Quốc, EU và các thành viên WTO khác được kỳ vọng sẽ từ bỏ sử dụng phương pháp luận “quốc gia tương tự” vào tháng 12 năm 2016. Theo phương pháp này, EU so sánh giá sản phẩm bị điều tra bán phá giá với giá sản phẩm tương tự ở các nước thứ ba. Cách thức này không phù hợp với các quy định của WTO. Quy định mới này thực hiện hai bước đi quan trọng để phù hợp hơn với thực tiễn tiêu chuẩn của WTO. Gánh nặng chứng minh việc hoạt động trong một môi trường bị bóp méo với nền kinh tế phi thị trường bây giờ chính thức thuộc trách nhiệm của EU. Phương pháp mới không nêu tên các nền kinh tế phi thị trường cụ thể mà áp dụng chung đối với tất cả các nước.
Thông tin chi tiết về các quy định, quyết định và vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại có thể được tham khảo theo đường link:
http://ec.europa.eu/trade/policy/accessing-markets/trade-defence/
Slovenia là thành viên tham gia Hiệp định về Tiêu chuẩn sản phẩm của WTO (GATT). Là thành viên của EU, Slovenia bắt buộc phải tuân theo các tiêu chuẩn của EU. Trong khi một số tiêu chuẩn EU đã ràng buộc về mặt pháp lý, một số khác vẫn có thể đang trong giai đoạn chuyển đổi hoặc đang chờ các hướng dẫn trong nước. Trong trường hợp không có tiêu chuẩn chung của EU, tiêu chuẩn quốc gia sẽ được áp dụng.
Hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu để bán tại Slovenia phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được quy định và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, nếu được Bộ quy định phù hợp. Viện Tiêu chuẩn Slovenia sẽ trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến các tiêu chuẩn (Email: sist@sist.si). Trường hợp không có tổ chức được ủy quyền để chứng nhận, Viện Tiêu chuẩn và Đo lường Slovenia sẽ cấp giấy chứng nhận. Các chứng chỉ được cấp ở nước ngoài có hiệu lực tại Slovenia nếu cơ quan cấp và tổ chức phát hành địa phương có thỏa thuận công nhận lẫn nhau. An toàn thực phẩm, thú y, kiểm dịch động thực vật hoặc kiểm soát sinh thái là bắt buộc đối với một số loại sản phẩm như thực phẩm và động vật.
Hướng dẫn kỹ thuật, văn bản đảm bảo và, nếu cần thiết, hướng dẫn sử dụng phải được kèm theo hàng hóa kỹ thuật và hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Slovenia. Ngoài ra, nhà nhập khẩu phải đảm bảo phục vụ sản phẩm và cung cấp phụ tùng thay thế. Một tờ khai bao gồm tên và loại sản phẩm, tên nhà sản xuất và các dữ liệu được quy định khác phải được dán vào sản phẩm. Các tài liệu và tờ khai phải được viết bằng tiếng Slovenia.
Thông tin về các đầu mối của phụ trách các tiêu chuẩn kỹ thuật, có thể được tham khảo theo đường link:
- Viện Tiêu chuẩn Slovenia: http://www.sist.si/
- Viện Tiêu chuẩn và Đo lường Slovenia: http://www.mirs.gov.si/en
Số lượng các vụ kiện ra WTO, các đối tác và mặt hàng bị kiện
Slovenia chưa từng kiện/bị kiện ra WTO.
(Theo WTO: https://www.wto.org/english/thewto_e/countries_e/slovenia_e.htm)
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Thương mại
Quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước Việt Nam và Slovenia có những bước phát triển vượt bậc, tăng khoảng 25 lần trong giai đoạn từ năm 2005 đến hết năm 2017. Đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt khoảng 328 triệu USD vào năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Slovenia đạt 286 triệu USD, chủ yếu là da giày, thiết bị điện, dệt may, cà phê, điện thoại di động; nhập khẩu từ Slovenia vào Việt Nam đạt 42 triệu USD, chủ yếu là phân bón, bột mỳ, máy móc, dược phẩm.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, song kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam – Slovenia vẫn còn ở mức khiêm tốn, tiềm năng để mở rộng giao thương là rất lớn. Đặc biệt, tập quán và nhu cầu tiêu dùng của người dân Slovenia tương đối phù hợp với hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam có rất nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn tại thị trường Slovenia, đặc biệt là đối với thủy sản, nông sản, các mặt hàng dệt may và da giày, sản phẩm thủ công.
Về tiềm năng, thế mạnh của Slovenia như công nghiệp giấy, công nghiệp điện tử, vận tải biển, logistics và một số lĩnh vực liên quan đến công nghiệp chế biến có thể được tận dụng tích cực tại thị trường Việt Nam. Sau khi EVFTA được ký kết và phê chuẩn, Slovenia sẽ là cầu nối cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập và phát triển thị phần tại thị trường EU, đặc biệt là các nước Đông Âu và Đông Nam Âu. Về phía mình, Việt Nam là cửa ngõ để các doanh nghiệp Slovenia tiếp cận thị trường ASEAN.
Đầu tư
Tính đến nay, Slovenia có 4 dự án đầu tư ở Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký là 3,27 triệu USD, xếp thứ 81/120 nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đầu tư của Slovenia tại Việt Nam còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của Slovenia.
Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết
- Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2006);
- Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (2009);
- Hiệp định về hợp tác kinh tế (2015).
Tổng quan
Slovenia tuy là một nước nhỏ với hơn 2 triệu dân nhưng kim ngạch thương mại với Việt Nam đạt gần 330 triệu USD nếu Việt Nam có thể hợp tác và phát triển kinh tế – thương mại thành công hơn nữa với Slovenia cùng với các nước Nam Tư cũ khác (Serbia, Croatia…) sẽ tạo cơ hội mở rộng chiếm lĩnh toàn bộ thị trường các nước Nam Tư cũ còn lại.
Việc tích cực tìm hiểu thị trường của nhau và thiết lập các mối quan hệ hợp tác ở giai đoạn này sẽ là những tiền đề quan trọng để khai thác tốt Hiệp định hợp tác kinh tế giữa hai nước và triển vọng Hiệp định EVFTA.Với thế mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ của Slovenia, Việt Nam nên tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với Slovenia trong các lĩnh vực Slovenia có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng hợp tác như dệt may, da giày, cơ khí, máy móc công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, chế biến thực phẩm, logistics, du lịch…
Các quy định về xuất nhập khẩu
Slovenia đã thông qua các quy định nhập khẩu của Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) và hệ thống hải quan khi gia nhập Liên minh châu Âu. Không có thuế quan trong thị trường nội địa châu Âu và, như là một thành viên Liên minh hải quan, EU vận hành hệ thống thuế quan chung cho thương mại với các nước thứ ba.
Quy định nhập khẩu của EU nói chung khá tự do, mặc dù có một số ngoại lệ và hạn chế: Hạn ngạch thuế quan; Thuế chống bán phá giá và thuế phòng vệ thương mại; Cấm vận của Liên hợp quốc. Những hạn ngạch thuế quan đối với các nước không thuộc EU được áp dụng trong các lĩnh vực: dệt may; sắt thép (Đông Âu); sản phẩm nông nghiệp; vũ khí; hàng hóa lưỡng dụng. Hạn ngạch thuế quan cho các sản phẩm nông sản do Cơ quan Thị trường nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thực phẩm Slovenia cấp.
Thông tin chi tiết có thể được tham khảo:
Hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu của Bộ Tài chính Slovenia:
http://www.fu.gov.si/en/customs/areas_of_work/import_of_goods/
Cổng thông tin hỗ trợ xuất nhập khẩu của EU:
http://trade.ec.europa.eu/tradehelp/
Thông tin về hạn ngạch thuế quan do Cơ quan Thị trường nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thực phẩm Slovenia cấp:
http://www.arsktrp.gov.si/en/storitve_ukrepi/trzni_ukrepi/foreign_trade/import_tariff_quota/
Chính sách thuế và thuế suất
Nhập khẩu vào Slovenia từ các nước thành viên EU được miễn thuế suất hải quan.
Thuế suất hải quan được áp dụng đối với nhập khẩu từ các nước không thuộc EU; mức thuế suất phụ thuộc vào loại hàng hóa, giá trị của họ và nước xuất xứ. Thuế suất thuế hải quan của Slovenia được tính dựa trên Biểu thuế tích hợp của EU (TARIC), một cơ sở dữ liệu đa ngôn ngữ, trong đó tất cả các biện pháp liên quan đến thuế suất hải quan EU, luật thương mại và nông nghiệp được tích hợp. TARIC có thể được truy cập trực tuyến và hiển thị thuế hải quan cho từng loại hàng hóa.
Thuế suất thuế nhập khẩu trung bình của EU là khoảng 4%, và khoảng 60% hàng hóa có thể được nhập khẩu vào EU miễn thuế. Thuế quan của Slovenia được dựa trên Biểu thuế tích hợp của EU – TARIC. Hàng hóa nhập khẩu được sản xuất ngoài EU có thể được miễn thuế. Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) quy định các điều kiện về thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các nước đang phát triển. Một số thỏa thuận đặc biệt cũng tồn tại giữa các quốc gia thành viên EU và các nước đang phát triển. Để tận dụng các ưu đãi này, doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải có Giấy chứng nhận xuất xứ phù hợp.
Ngoài thuế quan được tính theo mức thuế suất do Hải quan quy định hoặc theo thỏa thuận ưu đãi, hàng hóa nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT (VAT) với mức 9,5% (đối với thực phẩm, nước, thuốc, sách,…) hoặc 22% (mức chung).
Thông tin chi tiết có thể được tham khảo:
Cổng thông tin hỗ trợ xuất nhập khẩu của EU:
http://trade.ec.europa.eu/tradehelp/
Biểu thuế tích hợp của EU – TARIC:
http://ec.europa.eu/taxation_customs/dds2/taric/taric_consultation.jsp?Lang=en
Thông tin về chính sách thuế, thuế quan của EU:
https://ec.europa.eu/taxation_customs/
Thông tin về chính sách thuế của Slovenia:
http://www.fu.gov.si/en/taxes_and_other_duties/
Quy định về bao bì, nhãn mác
Bao bì thực phẩm, rượu vang, dệt may và hóa chất phải đáp ứng các tiêu chuẩn đóng gói và dán nhãn của EU.
Nhãn mác CE xác nhận rằng các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và môi trường của EU đã được đáp ứng cho các loại sản phẩm: Máy móc; Vật liệu xây dựng; Hệ thống viễn thông; Thiết bị y tế; Thiết bị thể thao; Đồ chơi; Vật liệu nổ.
Thông tin nhãn mác sau đây phải ghi bằng tiếng Slovenia trên gói sản phẩm gốc trước khi kiểm soát chất lượng:
- Tên sản phẩm;
- Địa chỉ đầy đủ của nhà sản xuất;
- Địa chỉ đầy đủ của nhà nhập khẩu;
- Số lượng / trọng lượng / khối lượng thực;
- Thông tin, nếu có, liên quan đến các thành phần;
- Hướng dẫn sử dụng và lưu trữ;
- Cảnh báo khác quan trọng đối với khách hàng.
Các sản phẩm phức tạp về mặt kỹ thuật cũng phải bao gồm hướng dẫn sử dụng, thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, danh sách các văn phòng bảo trì được ủy quyền, bảo hành và các dữ liệu hiện hành khác. Tất cả thông tin này phải ghi bằng tiếng Slovenia và được đính kèm với từng sản phẩm trước khi tiếp cận khách hàng. Thông tin chi tiết về các yêu cầu ghi nhãn và ghi nhãn có sẵn tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia.
Thông tin chi tiết có thể được tham khảo:
Tại cổng thông tin của EU:
https://ec.europa.eu/info/business-economy-euro/product-safety-and-requirements/eu-labels_en
Viện Tiêu chuẩn Slovenia: http://www.sist.si/
Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia: https://eng.gzs.si/
Báo cáo chuyên đề của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về thực tiễn áp dụng quy bao bì, nhãn mác của EU:
https://www.export.gov/article?id=European-Union-Marking-Labeling-and-Packaging-Overview
Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cần thiết cho hầu hết các loại trái cây tươi, rau và các nguyên liệu thực vật khác.
Giấy chứng nhận thú y áp dụng đối với hàng hóa bao gồm sản phẩm động vật hoặc phụ phẩm. Các nước EU yêu cầu các lô hàng phải kèm theo giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Điều này được áp dụng bất kể sản phẩm có sử dụng cho con người hay không hoặc sử dụng cho mục đích dược phẩm hoặc nghiêm ngặt cho những mục đích khác (ví dụ: sinh học – thú y, thức ăn gia súc, phân bón, nghiên cứu). Phần lớn các chứng chỉ này đều được thống nhất trong toàn EU, nhưng quá trình hài hòa không hoàn chỉnh. Trong giai đoạn chuyển đổi này, các yêu cầu nhập khẩu của từng quốc gia nhất định sẽ tiếp tục được áp dụng. Ngoài các chứng nhận y tế theo yêu cầu của EU, một số chứng chỉ khác được sử dụng trong thương mại quốc tế. Những chứng chỉ này, cũng có thể được hài hòa trong luật pháp của EU, như chứng nhận xuất xứ cho mục đích hải quan và các thuộc tính chất lượng nhất định.
Phần lớn các quy định về an toàn thực phẩm của Slovenia được hài hòa với EU, phù hợp với các quy tắc và chỉ thị là với Ủy ban châu Âu. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thực phẩm Slovenia chịu trách nhiệm cho các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trách nhiệm về các vấn đề an toàn thực phẩm được chia sẻ với Bộ Y tế. Quy định về thực phẩm của Slovenia có giá trị đối với các sản phẩm được sản xuất tại Slovenia cũng thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, Slovenia có nghĩa vụ cho phép nhập các sản phẩm được phép ở các quốc gia khác thuộc EU.
Thông tin chi tiết có thể được tham khảo:
Cổng thông tin của EU về vệ sinh – an toàn thực phẩm:
https://ec.europa.eu/info/food-farming-fisheries/food-safety-and-quality_en
Cơ quan An toàn thực phẩm, Thú y và Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thực phẩm Slovenia:
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về những hàng rào vệ sinh – an toàn thực phẩm của EU trong thương mại:
Quyền sở hữu trí tuệ
Văn phòng sở hữu trí tuệ Slovenia (SIPO) là cơ quan tự quản trị trong Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Slovenia chịu trách nhiệm về lĩnh vực sở hữu công nghiệp và bản quyền. SIPO bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với: bằng sáng chế, giấy chứng nhận bảo hộ bổ sung, thiết kế công nghiệp, nhãn hiệu, mạch tích hợp và chỉ dẫn địa lý, trừ các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm.
SIPO cấp phép giấy sở hữu cho các hội tác giả và chủ sở hữu các quyền liên quan để tập thể quản lý các quyền của họ và giám sát hoạt động của các hội. SIPO xây dựng luật sở hữu trí tuệ, thực hiện các hoạt động chuẩn bị tài liệu và cung cấp dịch vụ công.
Thông tin chi tiết có thể được tham khảo:
Văn phòng sở hữu trí tuệ Slovenia: http://www.uil-sipo.si/sipo/
Các luật pháp của Slovenia về sở hữu trí tuệ:
http://www.uil-sipo.si/sipo/addition/resources/legislation/legislation-slovenia/
Các điều ước quốc tế, luật pháp của Slovenia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ:
http://www.wipo.int/wipolex/en/profile.jsp?code=SI
Tập quán kinh doanh
Nói chung, tập quán kinh doanh ở Slovenia tương tự như ở các nước khác của châu Âu; đặc biệt là Đức và Áo. Một cái bắt tay trước và sau một cuộc họp là phong tục thông dụng. Cần thận trọng bắt tay tất cả người có mặt tại một cuộc họp, ưu tiên bắt tay trước với những người phụ nữ. Trong một cuộc họp đầu tiên, hãy cẩn thận quan sát cơ cấu tổ chức của tất cả những người Slovenia và xưng hô đúng chức danh, bằng cấp, học vị, học hàm của đối tác.
Ngay sau khi bắt tay, vào lúc bắt đầu cuộc họp hai bên thông thường trao đổi danh thiếp. Trong các buổi làm việc, đàn ông nên mặc côm-lê; phụ nữ được khuyến khích ăn mặc thời trang, nhưng không quá nổi bật.
Hầu hết các doanh nhân ở các thành phố lớn ở Slovenia đều nói tiếng Anh tốt và một số người thông thạo tiếng Đức, tiếng Ý.
Quà tặng có thể chấp nhận cho các cuộc họp kinh doanh là các sản phẩm văn phòng, bút mực (bao gồm cả bút viết với logo công ty của bạn) cũng như các loại rượu được chọn lọc.
Phải mất một thời gian để lên lịch họp. Cần xác nhận trước cuộc họp, bằng fax hoặc thư, rằng cuộc họp sẽ diễn ra. Doanh nghiệp nên tránh các cuộc họp kinh doanh trong tháng 7 và tháng 8 hoặc khoảng thời gian các ngày lễ quốc gia.
Thông tin có thể được tham khảo:
Tại Việt Nam
Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ – Bộ Công Thương
Địa chỉ: Nhà B, 54 Hai Bà Trưng – Hà Nội
Tel: +84 (0)24 2220 5380, +84 (0)24 2220 5381, +84 (0)24 2220 5382
Fax: +84 (0)24 2220 5376, +84 (0)24 2220 2525
Tại Slovenia
Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo (kiêm nhiệm Slovenia)
Địa chỉ: Felix Mottl – Strasse 20, 1190 Viên, Cộng hòa Áo
Điện thoại: +43 1 367 1759 / + 43 699 120 88 444
E-mail: phuongtvi@moit.gov.vn