5 triệu Euro vốn ODA không hoàn lại của Đức để phát triển nguồn năng lượng tái tạo

0
243
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 519/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả (SGRE-EE)”, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức.

Theo kế hoạch, Dự án thực hiện trong 4 năm (2018-2022) trên toàn quốc với tổng mức đầu tư là 5.297.980 Euro, trong đó: 5 triệu Euro vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức; 297.980 Euro vốn đối ứng của phía Việt Nam do Bộ Công Thương tự bố trí bằng các nguồn lực hiện có.

Dự án nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc thúc đẩy và hỗ trợ phát triển các dạng nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện và lưới điện thông minh tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (PDP), Chiến lược tăng trưởng Xanh (GGS) cũng như kế hoạch Hàng động Tăng trưởng Xanh (GGAP) nhằm đảm bảo cung ứng điện nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện gắn liền với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng. Dự án còn tiến tới tăng cường năng lực về công nghệ lưới điện thông minh và phát triển năng lượng tái tạo cho các cán bộ chuyên môn tại các đơn vị quản lý nhà nước, các chuyên gia tại các đơn vị trong ngành điện, hình thành mạng lưới chuyên gia về lưới điện thông minh.

Kết quả chủ yếu từ Dự án được nêu rõ trong Quyết định là xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ phát triển lưới điện thông minh kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng. Đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông được áp dụng trong việc quản lý, vận hành các nguồn năng lượng tái tạo, tối ưu hoá việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp giữa Việt Nam và Đức để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thiết lập các mạng lưới hợp tác và trao đổi kinh nghiệm quốc tế giữa các nhà xây dựng chính sách, các nhà quản lý, các đơn vị phát triển dự án. Việc hợp tác công nghệ tập trung vào các giải pháp công nghệ hiện đại nhất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ và phần mềm hiệu quả năng lượng, kết nối và vận hành năng lượng tái tạo với xu hướng của các sản phẩm và dịch vụ để xây dựng ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó tiềm năng năng lượng mặt trời cho khu dân cư và thương mại ước tính đạt tối thiểu 2 – 5 GW trong thập kỷ tới. Công suất của hệ thống mặt trời lắp trên mặt đất có tiềm năng vào khoảng 22 GW đối với khu vực miền Nam.

Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng công suất điện mặt trời từ khoảng 6 – 7 MW vào cuối năm 2015 lên 850 MW vào năm 2020, 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW vào năm 2030. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (ngày 11/4/2017) về cơ chế hỗ trợ cho dự án điện mặt trời.

PV.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here