Bạc Liêu làm việc với ADB về đề xuất dự án tuyến đường ven biển

0
25
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khảo sát thực tế dự án (Nguồn: baclieu.dcs.vn)

Dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu được đánh giá là một trong những dự án đường giao thông động lực nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế phục vụ cho phát triển. Tỉnh Bạc Liêu mong muốn thuyết phục được ADB quan tâm hỗ trợ triển khai, để sớm mang lại những lợi ích to lớn cho sự phát triển địa phương trong tương lai.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khảo sát thực tế dự án tuyến đường ven biển. (Nguồn: baclieu.dcs.vn)

Ngày 8/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều tiếp ông Tomoaki Kawabata, chuyên gia cao cấp về giao thông, Ban Giao thông vận tải Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về đề xuất dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu.

Cùng tham gia tiếp đoàn có ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, lãnh đạo một số sở, ngành, Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông tỉnh và lãnh đạo chính quyền thành phố Bạc Liêu, huyện Hoà Bình, Đông Hải.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cảm ơn sự quan tâm của Ngân hàng Phát triển châu Á đối với dự án đường ven biển của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua; đồng thời, cho rằng dù tăng trưởng kinh tế những năm qua đạt khá, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân tăng 7,3%/năm, nhưng Bạc Liêu vẫn còn là tỉnh khó khăn, nhất là về lĩnh vực giao thông được xem là vùng trũng… Để phát huy các tiềm năng, lợi thế phục vụ cho phát triển, tỉnh đang rất cần các dự án đường giao thông động lực, nhất là dự án tuyến đường ven biển. Nếu được ADB quan tâm hỗ trợ, tỉnh sẽ tập trung triển khai khai quyết liệt, để sớm mang lại những lợi ích to lớn cho sự phát triển trong tương lai.

Ông Phạm Văn Thiều cho biết, qua khảo sát ban đầu, phương án 1 của dự án nằm cách đê biển 6 km vào bên trong, phương án này cũng đã được báo cáo với các bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên, sau khi có các ý kiến các chuyên gia và khảo sát lại cho thấy nhu cầu thực hiện dự án theo phương án 2 là dịch chuyển tuyến đường song song với đê biển hiện hữu thì sẽ phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế mà còn thích ứng tốt hơn trong xu thế tác động của biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi.

Tỉnh Bạc Liêu quyết định thay đổi phương án, là bỏ phương án 1, chọn phương án 2. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, mong rằng đề xuất trên sẽ được Ngân hàng phát triển châu Á ghi nhận xem xét để tỉnh Bạc Liêu sớm triển khai thực hiện dự án.

Các chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá cao đề xuất của tỉnh Bạc Liêu, đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn, tỉnh cần làm rõ thêm việc dịch tuyến cũng như bổ sung một số tuyến đường đấu nối. Các chuyên gia quan tâm về việc cân đối nguồn, do nguồn vốn đầu tư tăng cao; tuyến mới có ảnh hưởng đến rừng ngập mặn không, đồng thời xem đây là tiêu chí đánh giá khá quan trọng. Nếu ảnh hưởng đến rừng ngập mặn thì sẽ phải trồng lại gấp 3 lần so với diện tích rừng đã mất. Phần đất nằm giữa đê và tuyến đường dịch chuyển mới này tỉnh dùng để làm gì trồng rừng ngập mặn hay nuôi trồng thuỷ sản…

Đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo phương án 2 dịch tuyến. Dịch chuyển tuyến sát và song song với tuyến đê biển, bổ sung tuyến kết nối vào tuyến Nam sông Hậu.

Việc dịch tuyến này sẽ kết nối liên vùng, Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau và trong tương lai sẽ kết nối với mạng lưới hệ thống cao tốc; các hạng mục trong dự án cũng kết nối trung tâm thành phố Bạc Liêu với đường Nam Sông Hậu; kết nối với các trục đường ven biển của tỉnh và phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương…

Tổng vốn theo phương án 1 là 3.975 tỷ đồng; trong đó, vốn vay 2.263 tỷ đồng, vốn đối ứng 1.711 tỷ đồng, còn phương án 2 sau khi điều chỉnh thì bổ sung tuyến đường Trần Huỳnh kéo dài 3,32 km điểm đầu đường Trần Huỳnh hiện hữu nối đường vành đai ngoài bao gồm cầu Bạc Liêu 5, kết nối mở rộng không gian thành phố, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển thành phố Bạc Liêu đạt đô thị loại 1.

Theo hương án này, tuyến ven biển điều chỉnh chiều dài 53 km song song tuyến đê biển, hình thành trục động lực 4 làn xe, tạo hành lang phát triển kinh tế ven biển; kết nối và tạo tuyến đi dọc theo đê biển từ Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau, hình thành hành lang đê. Do vậy, tổng nguồn vốn tăng lên hơn 9.620 tỷ đồng; trong đó vốn đối ứng hơn 3.742 tỷ đồng và vốn vay hơn 5.877 tỷ đồng…

Đơn vị từ vấn và các sở, ban, ngành tỉnh Bạc Liêu đã giải trình, làm rõ thêm những nội dung được chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á đặt ra.  Sau buổi làm việc các chuyên gia tiến hành khảo sát thực tế tuyến đường dịch chuyển và các vị trí; trong đó có cầu Bạc Liêu 5, để có những quyết định tiếp theo.

Mục tiêu của Dự án tuyến đường ven biển là từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tỉnh; tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng, tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông của các địa phương; mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển… Từ đó, thúc đẩy các hoạt động sản xuất – kinh doanh, nâng cao đời sống của Nhân dân vùng nông thôn, nhất là đồng bào Khmer, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng…

Trước đó, vào tháng 8/2023, Đoàn công tác của Tỉnh ủy – UBND tỉnh Bạc Liêu do đồng chí Lữ Văn Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã đến khảo sát thực địa hướng tuyến đề xuất Dự án đường ven biển. Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại vị trí đấu nối tuyến đường ven biển của tỉnh Sóc Trăng vào tỉnh Bạc Liêu, tại đây Đoàn đã nghe lãnh đạo Sở Giao thông vận tải trình bày các phương án và hướng đấu nối của tuyến đường ven biển.

Theo đó, Lãnh đạo Tỉnh đánh giá cao phương án tập trung khả năng thông hành cao, hình thành tuyến đường du lịch quy mô lớn ven biển, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển, hạn chế tăng vốn ngân sách tỉnh đối ứng, phù hợp với việc phát triển kinh tế biển của tỉnh cũng như tăng khả năng liên kết vùng.

Tuấn Kiệt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here