Không như thương lệ, lần này, khi Fed hạ lãi suất, dòng tiền đang chạy từ các nền kinh tế mới nổi về Mỹ.
Theo tờ Nikkei Asia Review, thông thường, mỗi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm mạnh lãi suất như họ đã làm trong tháng này, sức hấp dẫn của đồng bạc xanh sẽ giảm. Bên cạnh đó, phản ứng được cho là chậm chạp của Tổng thống Donald Trump trước các rủi ro mà dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đem đến cho nước Mỹ khiến nhiều người cho rằng dòng vốn có thể sẽ tháo chạy khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng tiền lại đang chạy từ các nền kinh tế mới nổi về Mỹ.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), kể từ cuối tháng 1/2020 đến nay, có khoảng 55 tỷ USD đã chảy ra khỏi các thị trường mới nổi, cao hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-08 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98. Các đồng tiền ở những nền kinh tế mới nổi này đều mất giá so với đồng USD. Kể từ đầu năm tới nay, đồng won của Hàn Quốc đã mất giá 11%, đồng rupiah của Indonesia và đồng baht của Thái Lan đều mất giá khoảng 11%, trong khi đồng rupiah của Malaysia cũng mất giá khoảng 7,6%.
Một điểm cần lưu ý là khi đồng USD tăng giá, các khoản nợ được định giá bằng đồng tiền này sẽ trở nên đắt đỏ hơn mỗi ngày. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương mất đi động lực để cắt giảm lãi suất bởi vì, khi họ nới lỏng chính sách tiền tệ để bình ổn tăng trưởng kinh tế trong nước, họ có thể sẽ kích thích sự tháo chạy của các nhà đầu tư.
Mặt khác, các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của châu Á đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới đó là việc đồng USD tăng giá có thể gây tổn hại cho thương mại thế giới. Trong quá khứ, đồng USD mạnh sẽ giúp tăng sức mua trên toàn cầu của người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, theo Bank for International Settlements, điều đó không còn đúng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Các nhà phân tích của Bank for International Settlements cho rằng trong thời hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi đồng USD bất ngờ tăng giá, điều này khiến tăng trưởng thương mại thế giới bị đình trệ cho dù các hàng hóa xuất khẩu được định giá bằng đồng USD trở nên rẻ hơn. Do đồng USD mạnh thường xuất phát từ việc thắt chặt tín dụng nên điều này sẽ khiến các ngân hàng Mỹ có ít tiền mặt hơn để cho các thị trường có rủi ro cao hơn vay.
Tại thời điểm hiện nay, Fed đang nới lỏng tín dụng bằng cách khôi phục lại chương trình nới lỏng định lượng mà họ đã triển khai năm 2008. Tuy nhiên, nhu cầu đối với USD và các tài sản an toàn khác nói chung vẫn đang đi trước các động thái nới lỏng tiền tệ của Fed.
Hơn thế nữa, trong các thập kỷ gần đây đã diễn ra sự thay đổi về cơ cấu tài chính toàn cầu. Sau cuộc khủng hoảng năm 1997, châu Á nhận ra rằng châu lục này quá phụ thuộc không chỉ vào đồng bạc xanh nói riêng mà còn vào người tiêu dùng Mỹ nói chung. Sự cần thiết phải thoát ly, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ đã trở thành cụm từ kinh tế thông dụng. Mặc dù vậy, theo thời gian, các chính phủ đã xoay trục trở lại cỗ máy xuất khẩu của Mỹ khi đà tăng trưởng đã quay lại.
Châu Á đã đổ xô đi dự trữ USD và khiến Mỹ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thậm chí ngay cả sau cuộc khủng hoảng ở phố Wall năm 2008, những tuyên bố tìm phương tiện thay thế cho đồng bạc xanh từ Bắc Kinh đến Moskva cũng không có nhiều ý nghĩa. Các bài học từ thập kỷ trước đã khiến nhiều chính phủ dự trữ USD, thậm chí quá mức trong nhiều trường hợp. Vào cuối tháng 1/2020, 10 nước nắm giữ nhiều nhất ở châu Á đã nắm giữ hơn 3.300 tỷ USD chứng khoán Kho bạc Mỹ.
Tuy nhiên, có một số thông tin tốt lành. Khi các thị trường toàn cầu bất ổn, các chính phủ đã chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ nền kinh tế của mình. Vào tháng 7/1997, sự mất giá của đồng baht, kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, chủ yếu do Bangkok không còn USD dự trữ thì vào ngày 31/1, Ngân hàng Trung ương Thái Lan có 96 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.
Đối với Nhật Bản, nước vốn đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái mạnh, đồng yen yếu có thể giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, giá dầu thấp giúp giảm thiểu rủi ro kim ngạch nhập khẩu tăng cho các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo, Bắc Kinh, Seoul, Singapore và những nơi khác. Hàn Quốc cũng cần tất cả lợi thế thương mại đó khi đà tăng trưởng đang chậm dần.
Mặc dù vậy, việc dòng vốn tháo chạy sẽ không chỉ khiến cho nhiều chính phủ ở châu Á gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ bằng đồng USD, mà còn khiến họ khó khăn hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư mua các chứng chỉ nợ mà họ sắp phát hành. Điều này có thể làm giảm nhu cầu đối với các thị trường chứng khoán trong nước và khiến cho việc thu hút vốn để tài trợ cho các dự án hạ tầng trở nên khó khăn hơn.
Vấn đề này có thể sẽ dễ dàng trở nên tồi tệ khi năm 2020 kết thúc. Ngay cả nếu Trung Quốc khôi phục được hoạt động kinh doanh, tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nước này và các chuỗi cung ứng trong khu vực vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Thương mại toàn cầu vẫn chủ yếu được tài trợ bởi đồng USD.
Các chuyên gia phân tích Udith Sikand và Vincent Tsui của tổ chức Gavekal Research nhận định: “Sự lo lắng đối với (các thị trường mới nổi) đó là sự gián đoạn của hoạt động thanh toán trong các chuỗi cung ứng”. Điều này khiến cho sự lo lắng của các chính phủ, giới doanh nghiệp và hộ gia đình mới chỉ trong giai đoạn đầu. Khi “cú sốc COVID-19 cho các dòng vốn vào thị trường mới nổi” gia tăng, tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh trong lúc đồng USD tiếp tục tăng giá. Mặc dù là đồng tiền của Mỹ, nhưng USD có thể một lần nữa trở thành vấn đề của châu Á trong năm 2020./.
Đào Tùng