COVID-19 tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn

0
195
Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cải tổ lại như thế nào sau khi dịch bệnh kết thúc?
Liệu sẽ có một trào lưu mạnh mẽ rút khỏi Trung Quốc hay không?

Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh do quan ngại về ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với môi trường kinh tế toàn cầu, trong đó tiêu điểm quan trọng nhất là thiệt hại đối với chuỗi cung ứng. Đây không chỉ là thách thức đặt ra bởi những khó khăn của Trung Quốc trong việc phục hồi sản xuất trong ngắn hạn mà còn liên quan đến việc tổ chức lại chuỗi cung ứng về dài hạn.

Thay đổi quan điểm về việc Trung Quốc là “công xưởng của thế giới”

Phát biểu tại hội nghị Tiểu ban Lãnh đạo công tác ứng phó với tình hình dịch bệnh gần đây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn cho rằng cần tìm mọi cách để ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thực hiện 20 biện pháp; trong đó có biện pháp thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp nối lại sản xuất có trật tự, đảm bảo chuỗi công nghiệp và chuỗi công ứng thông suốt, đưa ra các chính sách hỗ trợ vượt trên thông thường, có tính giai đoạn, dựa vào đó để ổn định cỗ máy cơ bản về ngoại thương và đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, từ góc độ của chuỗi cung ứng, có thể nói virus SARS-CoV-2 không phải là “thiên nga đen” mà là một con tê giác xám “ở trong tầm tay”. “Thiên nga đen” và “tê giác xám” là hai con vật tượng trưng cho những rủi ro mà Trung Quốc phải chuẩn bị. Trong thuật ngữ thị trường tài chính, “thiên nga đen” đề cập đến một sự cố không lường trước nghiêm trọng chưa từng biết đến; “tê giác xám” ám chỉ đến một nguy cơ tiềm tàng rất rõ ràng nhưng bị bỏ qua). Ngay từ tháng 2/2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê “Bệnh X” trong “Danh sách những bệnh ưu tiên” mang tính cảnh báo, có nghĩa là với bất kỳ mầm bệnh mới nào chưa biết có thể gây ra bệnh truyền nhiễm trong tương lai, cần phải làm tốt công tác chuẩn bị dựa trên các chương trình nghiên cứu và phát triển.

Quan trọng hơn, các loại thuế quan và biện pháp áp thuế mang tính trả đũa trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong hai năm qua đã thức tỉnh các công ty xuyên quốc gia, khiến họ suy nghĩ lại về sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Theo đánh giá của Công ty thông tin thương mại Dun & Bradstreet (Mỹ), trong số 1.000 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, 163 doanh nghiệp có nhà cung cấp cấp một có quan hệ kinh doanh trực tiếp tại Trung Quốc và 938 công ty có nhà cung cấp cấp hai của Trung Quốc là nguồn cung cấp một. Nói cách khác, gần như tất cả trong số 1.000 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đều trực tiếp hoặc gián tiếp chịu rủi ro “nhân tố Trung Quốc” trong chuỗi cung ứng.

Do đó, các công ty xuyên quốc gia và thị trường chứng khoán đều đang đặt câu hỏi: Liệu virus SARS-CoV-2 sẽ chỉ là một “cuộc diễn tập” cho những thảm họa lớn hơn trong tương lai? Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cải tổ lại như thế nào sau khi dịch bệnh kết thúc? Liệu sẽ có một trào lưu mạnh mẽ rút khỏi Trung Quốc hay không?

 * Thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt

Ngày 27/2, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc đã công bố báo cáo về tác động của dịch COVID-19, dựa trên một cuộc điều tra khảo sát thực hiện từ ngày 17-20/2, áp dụng với 169 công ty thành viên, bao gồm các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, nhiều công ty đa quốc gia, một số có hoạt động ở Hồ Bắc hoặc các tỉnh gần trung tâm vùng dịch.

Đây là một nghiên cứu mang tính dự báo và hệ thống về tình hình các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Phản ứng tổng thể là tác động rất lớn. Du lịch bị gián đoạn và năng suất nhân công giảm xuống là những thách thức nghiêm trọng nhất mà các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) phải đối mặt. Gần 1/3 số người được hỏi cho biết họ đang phải đối mặt với những thách thức về tăng chi phí và giảm mạnh doanh thu.

Gần một nửa số người được hỏi dự tính doanh thu tại Trung Quốc sẽ giảm vào năm 2020 nếu việc kinh doanh không phục hồi bình thường trước ngày 30/4. Gần 1/5 số người được hỏi cho rằng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến cuối tháng Tám, doanh thu năm 2020 sẽ giảm từ 50% trở lên. Về triển vọng nối lại hoạt động, gần 1/3 số người được hỏi dự tính sẽ khôi phục kinh doanh bình thường vào cuối tháng Ba, 12% dự án sẽ tiếp tục bị chậm lại đến hết mùa Hè.

43% số người được hỏi nói rằng hiện nay còn quá sớm để xác định tác động của dịch COVID-19 đối với tăng trưởng năm 2020, nhưng khoảng 10% số người được hỏi cho biết họ bị thiệt hại ít nhất 500.000 NDT (70.392 USD) mỗi ngày. 50% số người cho rằng hiện tại là quá sớm để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các khoản đầu tư theo kế hoạch, trong khi 1/4 người trả lời cho biết, họ dự định duy trì các kế hoạch đầu tư hiện tại.

Mặc dù nghiên cứu của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc không cung cấp các chỉ số cụ thể đối với việc doanh nghiệp Mỹ có dự định rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc hay không, nhưng trước đó, ngày 16/2, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải đã công bố kết quả điều tra từ ngày 11-14/2 đối với 109 công ty sản xuất của Mỹ ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử.

Theo kết quả khảo sát, hoạt động toàn cầu của 48% công ty thành viên phòng thương mại đã bị ảnh hưởng bởi việc đình trệ sản xuất; 78% công ty không có đủ nhân viên để vận hành dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh; 41% công ty cho rằng thiếu nhân viên là thách thức lớn nhất của họ trong 2-4 tuần tới; 30% công ty cho biết vấn đề hậu cần (logistics) sẽ là mối quan tâm lớn nhất của họ.

Trong vài tháng tới, 58% công ty dự kiến sản lượng của họ sẽ thấp hơn mức bình thường, 38% công ty không có đủ khẩu trang hoặc các vật tư khác để bảo vệ nhân viên của họ khỏi bị lây nhiễm COVID-19. 1/3 số công ty có kế hoạch chuyển hướng kinh doanh khỏi Trung Quốc trong bối cảnh các nhà máy không thể hoạt động.

Kết quả khảo sát đối với 100 doanh nghiệp do Phòng Thương mại Australia tại Thượng Hải thực hiện từ ngày 10-13/2 cho thấy, có 92% công ty cho rằng dịch bệnh lần này sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu của họ trong quý I năm nay, hơn một nửa trong số đó cho rằng dịch bệnh có thể sẽ khiến cho doanh thu của họ trong quý I giảm hơn 20%.

Kết quả khảo sát được thực hiện tại Trung Quốc do Phòng Thương mại châu Âu và Đức công bố ngày 27/2 cho thấy tác động của dịch COVID-19 là “toàn diện và nghiêm trọng”. Gần một nửa số người được hỏi cho biết họ dự định hạ thấp mục tiêu kinh doanh hàng năm, trong đó 56% số người được hỏi cho biết COVID-19 dẫn đến việc nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ suy giảm. 1/4 số công ty EU dự kiến doanh thu năm nay sẽ giảm hơn 20%.

Chủ tịch Phòng Thương mại EU Joeg Wuttke nhận định rằng các biện pháp chống dịch khiến chính quyền các địa phương đưa ra các quy tắc phức tạp, rối rắm và mâu thuẫn với nhau, dẫn đến việc “gần như không thể vận chuyển hàng hóa hoặc nhân viên trên khắp Trung Quốc”. Theo ông Joeg Wuttke, dịch bệnh lần này đã khiến nhiều doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết phải phát triển đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh “bỏ tất cả trứng vào một cái giỏ”. Mặc dù thị trường Trung Quốc “luôn rất hấp dẫn… mọi người giờ đã nhận thức được sự cần thiết của kế hoạch dự phòng”.

Xu thế chuỗi cung ứng đa dạng không thể đảo ngược

Kết quả từ những cuộc khảo sát trên cho thấy các công ty nước ngoài đang đánh giá lại mối quan hệ của họ với ngành công nghiệp Trung Quốc. Ông Joeg Wuttke cho rằng các doanh nghiệp phải nhận thức lại ý nghĩa của việc “đa dạng hóa” chuỗi cung ứng, thời đại mà Trung Quốc được coi là sự lựa chọn duy nhất có thể đã qua. Từ quan điểm này có thể nói, dịch bệnh có khả năng phá vỡ tiền đề của sự phân chia chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Hiện nay, 94% trong 1.000 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đều ghi nhận sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 gây ra. Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu việc đình trệ sản xuất tiếp tục kéo dài sau tháng Ba, điều đó sẽ tạo ra sự “trật khớp” dài hạn của chuỗi cung ứng. Do việc đình trệ sản xuất chưa quá hai tháng tác động vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu thời gian kéo dài hơn, các công ty tiếp nhận phụ tùng, thiết bị từ Trung Quốc để sản xuất có thể “tử nạn”, do đó họ phải nhanh chóng tìm nguồn cung cấp khác để thay thế, khi đó địa vị của Trung Quốc là một mắt xích trong chuỗi cung ứng sẽ bị mất đi. Điều này cho thấy sức ép đối với Chính phủ Trung Quốc trong việc chạy đua với thời gian để phục hồi sản xuất.

Điều quan trọng là hiện còn quá sớm để lý giải xu thế cải tổ chuỗi cung ứng trong khi dịch bệnh đang phát triển. Cuộc khảo sát về tác động thuế quan do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc thực hiện hồi tháng 5/2019 đã cho thấy, để đối phó với tác động của thuế quan các công ty Mỹ ngày càng sử dụng chiến lược “sản xuất tại Trung Quốc, cho Trung Quốc” (35,3% câu trả lời), hoặc trì hoãn và hủy bỏ các quyết định đầu tư (33,2%). Vào thời điểm đó, có khoảng 39,7% số người được hỏi đang xem xét di dời các nhà máy sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc. Đối với các công ty di dời sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, Đông Nam Á (24,7%) và Mexico (10,5%) là lựa chọn hàng đầu của họ.

Đan xen với tác động của dịch COVID-19, có thể nói gần 40% số doanh nghiệp ty Mỹ đã có ý định dời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc do vấn đề thuế quan. Với những doanh nghiệp chưa bắt tay làm việc này, có khả năng họ sẽ bắt đầu hành động ngay khi hoặc sau khi giải quyết được khủng hoảng do dịch bệnh. Điều này ít nhiều ăn khớp với kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải đã nói ở trên, đó là 1/3 số công ty thành viên có kế hoạch di dời cơ sở ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh các nhà máy không thể mở lại sản xuất.

Theo ước tính, ít nhất 30%-40% số doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc có thể chuyển một phần hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc. Một bài báo trên tạp chí Forbes gần đây cho biết, sự bùng phát của dịch bệnh nhắc nhở mọi người rằng mặc dù quy mô nền kinh tế của Trung Quốc rất lớn, nhưng đánh giá theo tiêu chuẩn, đây không phải là một quốc gia phát triển hoặc giàu có. Theo báo Nikkei Asian Review (Nhật Bản), do ảnh hưởng của dịch bệnh, Google và Microsoft đang nhanh chóng di dời dây chuyền sản xuất điện thoại mới, máy tính cá nhân và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan. Trước đó, hầu hết điện thoại thông minh và máy tính do Microsoft chế tạo đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Google sẽ bắt đầu hợp tác với các đối tác ở Việt Nam để sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất của họ, Pixel 4A, vào tháng 4/2020 và có kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh thế hệ tiếp theo, Pixel 5, tại các nước Đông Nam Á vào nửa cuối năm 2020. Microsoft có kế hoạch sản xuất loạt sản phẩm Surface ở Việt Nam ngay từ quý II năm nay, bao gồm máy tính xách tay và máy tính để bàn.

Năm ngoái, thương hiệu giày thể thao Mỹ Steve Madden và nhà bán lẻ vật liệu xây dựng Home Depot lần lượt công bố kế hoạch di dời một phần hoạt động kinh doanh của họ ra khỏi Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á được hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng, nhưng dịch bệnh cũng cho thấy thực tế là nhiều nhà cung cấp cho các nhà máy tại Việt Nam thực ra lại được đặt ở Trung Quốc. Ngoài ra, một số quốc gia thay thế trong chuỗi cung ứng cũng có thể gặp vấn đề liên quan đến y tế cộng đồng và cách điều hành của chính phủ khi những nước này phải đối mặt với thách thức tương tự như dịch COVID-19. Đây đều là những vấn đề tổng thể mà các công ty đa quốc gia trong tương lai buộc phải phân tích.

Chuỗi cung ứng an ninh quốc gia “đi ngược với toàn cầu hóa”

Ngoài những cân nhắc về nguy cơ chia rẽ địa chính trị và kinh tế, sự phát triển của dịch bệnh cũng làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh sinh hóa và chuỗi cung ứng thiết bị y tế và dược phẩm. Các nước rất coi trọng mặt “chiến lược” y tế và phân phối vật liệu an ninh công cộng.

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu. Hầu như một số nguyên liệu dược phẩm ở Mỹ đều đến từ Trung Quốc, bao gồm các loại kháng sinh như azithromycin, penicillin và cephalosporin. Mặc dù Ấn Độ là một trong những nhà xuất khẩu thuốc lớn nhất thế giới, 70% nguyên liệu thuốc của họ phụ thuộc vào Trung Quốc, trong khi với nhiều loại thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt quan trọng, mức độ phụ thuộc gần như 100%.

Ví dụ, Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất về acetaminophen trên thế giới. Acetaminophen là thành phần dược phẩm được sử dụng rộng rãi nhất ở Mỹ, không chỉ xuất hiện trong các loại thuốc cùng tên, mà còn là thành phần của hàng trăm loại thuốc trị cảm lạnh, cúm và dị ứng. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 84% nguồn cung acetaminophen toàn cầu, trong đó Trung Quốc chiếm gần 2/3 tổng số nguồn cung.

Ngày 27/2, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, do khó lấy nguyên liệu từ các khu vực bị ảnh hưởng, một số loại thuốc nhất định bị thiếu hụt. Mặc dù FDA không tiết lộ loại thuốc hay nhà sản xuất nào, nhưng các phương tiện truyền thông đã đưa ra các thông tin đáng lo ngại. FDA cho biết họ đã duy trì liên lạc với hơn 180 nhà sản xuất thuốc kể từ ngày 24/1, không chỉ nhắc nhở họ thông báo cho FDA về sự gián đoạn nguồn cung có thể, mà còn yêu cầu đánh giá toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả các thành phần dược phẩm hoạt tính và các thành phần khác được sản xuất tại Trung Quốc.

FDA cũng phát hiện ra rằng có khoảng 20 loại thuốc có nguồn gốc hoạt chất dược phẩm hoặc thành phẩm hoàn toàn mua từ Trung Quốc. Cho đến nay, các công ty liên quan đều chưa báo cáo về bất kỳ sự thiếu hụt. Ngoài ra, 63 nhà sản xuất đặt các cơ sở sản xuất thiết bị y tế cần thiết tại 72 nhà máy ở Trung Quốc, hiện vẫn chưa có báo cáo nào về tình trạng thiếu thiết bị y tế như vậy tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, ở Mỹ hiện có tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ y tế cá nhân, chẳng hạn như quần áo phẫu thuật, găng tay và khẩu trang. Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar mới đây đã bày tỏ với Ủy ban Ngân sách Thượng viện rằng hiện có 12 triệu khẩu trang N95 trong kho của Mỹ, nhưng sẽ cần tới 300 triệu khẩu trang N95 để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét sử dụng ủy quyền đặc biệt từ “Luật Sản xuất Quốc phòng” được thông qua năm 1950 để nhanh chóng mở rộng sản xuất khẩu trang và quần áo bảo hộ trong nội bộ nước Mỹ.

Có thể hình dung rằng hiện nay virus SARS-CoV-2 đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho các chính trị gia Mỹ. Cuộc khủng hoảng lần này làm nổi bật mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Đó là không chỉ nhiều loại thuốc sử dụng ở Mỹ đều được sản xuất ở nước ngoài, mà các thành phần chính của chúng cũng được sản xuất tại Trung Quốc và các nước khác. Do sự rắc rối phức tạp của chuỗi cung ứng và vấn đề minh bạch của nơi sản xuất, hiện nay rất khó để dự đoán đầy đủ sự thiếu hụt nghiêm trọng có thể xảy ra.

Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cải tổ lại như thế nào sau khi dịch bệnh kết thúc?

Anna Eshoe, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ tuyên bố: “Việc để Trung Quốc sản xuất quần áo thể thao cho chúng ta là một chuyện, nhưng có cần phải dựa vào Trung Quốc là nơi cung cấp nguồn cung ứng thuốc hay không? Điều này không thể chấp nhận được”. Ngày 27/2, Nghị sỹ đảng Cộng hòa Josh Hawley đã đưa ra dự thảo “Luật an ninh chuỗi cung ứng y tế”, mục đích nhằm đối phó với nguy cơ thiếu hụt dược phẩm tiềm tàng ở Mỹ do dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, qua đó đảm bảo sự an toàn của chuỗi cung ứng sản phẩm y tế của Mỹ.

Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp coi dịch bệnh lần này là “kẻ làm thay đổi cuộc chơi” đối với toàn cầu hóa, vì đại dịch phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng quốc tế. Ông cho rằng dịch bệnh cho thấy sự phụ thuộc “vô trách nhiệm và bất hợp lý” của quốc tế vào Trung Quốc. Do đó cần xem xét lại các mối quan hệ cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành chăm sóc y tế và sản xuất xe hơi: “Chúng tôi không thể tiếp tục dựa vào Trung Quốc để sản xuất từ 80-85% thành phần thuốc hoạt tính”.

Xét trên quan điểm này, việc cải tổ lại chuỗi cung ứng dường như là không thể tránh khỏi. Hướng cải tổ sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng, năng lực công nghệ của quốc gia thay thế. Liệu sự lây lan toàn cầu của dịch bệnh có ảnh hưởng đến nhiều thành viên hơn nữa của chuỗi cung ứng hay không. Rõ ràng là chính phủ các nước sẽ yêu cầu một số ngành nghề quan trọng đối với an ninh quốc gia chuyển dây chuyền sản xuất về trong nước hoặc những địa điểm gần hơn.

Phản ứng của Trung Quốc trước sự xáo trộn của chuỗi cung ứng

Cải tổ chuỗi cung ứng là không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ là thời gian và mức độ. Theo số liệu hiện nay, ít nhất có 30-40% nhà đầu tư nước ngoài có thể rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, vì tác động của cuộc chiến thương mại đã buộc các công ty phải tiến hành nghiên cứu và tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế. Dịch COVID-19 chỉ là yếu tố thúc đẩy tiến trình này. Nhìn chung, sự xáo trộn chuỗi cung ứng cũng không nhất thiết nhắm vào Trung Quốc, mà là những rủi ro phân tán theo khu vực đối với bố cục toàn cầu.

Trên thực tế, có một số nhân tố quyết định rằng chuỗi cung ứng của Trung Quốc không thể thay thế hoàn toàn. Thứ nhất, Trung Quốc có hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh hơn nhiều quốc gia khác, là quốc gia duy nhất trên thế giới có tất cả các loại hình công nghiệp trong phân loại công nghiệp của Liên hợp quốc. Thứ hai, trong các ngành riêng biệt, mức độ cao về công nghệ và chất lượng lao động mà Trung Quốc có thể cung cấp không thể dễ dàng thay thế bằng các quốc gia có mức lương thấp ở Đông Nam Á hiện nay. Thứ ba, Trung Quốc có một thị trường nội địa rất lớn để hỗ trợ chuỗi cung ứng ở lại Trung Quốc. Điều này thúc đẩy một số doanh nghiệp nước ngoài “sản xuất tại Trung Quốc, cho thị trường Trung Quốc” có xu hướng ở lại nước này.

Trong xu thế đó, ngành sản xuất công nghiệp trong nước của Trung Quốc buộc phải nỗ lực nâng cấp và thúc đẩy nâng cấp tiêu dùng trong nước, mặc dù nhu cầu trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Kết quả cuộc khảo sát nhanh đối với các Giám đốc tài chính toàn cầu do Kênh CNBC TV Network (Mỹ) công bố ngày 27/2 cho thấy 40% các công ty lớn tuyên bố dịch COVID-19 dẫn đến “sự sụt giảm đáng kể” nhu cầu từ Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc cũng phải áp dụng chính sách đa dạng hóa “bảo hiểm kép” để triển khai chuỗi cung ứng của riêng mình, bởi vì bất kỳ chiến lược quốc gia nào trong tương lai dựa vào việc “được ăn cả ngã về không” sẽ phải trả cái giá quá đắt.

Về chính sách ổn định ngoại thương, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đề xuất tăng cường hỗ trợ tài trợ thương mại để đảm bảo nhu cầu vốn hợp lý của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tăng hiệu suất. Về ổn định đầu tư nước ngoài, các biện pháp cụ thể bao gồm hướng dẫn các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo áp dụng bình đẳng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tiếp tục giảm tải hai danh sách tiêu cực của khu vực thí điểm thương mại quốc gia và khu vực thí điểm tự do, mở rộng hơn nữa lĩnh vực tiếp cận đầu tư nước ngoài. Điều chỉnh các biện pháp kiểm tra đánh giá các khu vực phát triển kinh tế cấp quốc gia, gia tăng sức nặng của các chỉ số đánh giá đầu tư nước ngoài và ngoại thương, kiện toàn hệ thống dịch vụ đầu tư nước ngoài. Sửa đổi các biện pháp công tác đối với khiếu nại của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt “Luật Đầu tư nước ngoài” và các quy định thi hành…

49% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc mong muốn Chính phủ Trung Quốc giảm thuế để giúp các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, hơn 1/3 số người được hỏi muốn có chính sách rõ ràng, nhất quán. 35% số người được hỏi yêu cầu ưu tiên xem xét tính minh bạch, đồng thời hy vọng sẽ có thêm thông tin bao gồm việc thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một và các chính sách kinh doanh liên quan đến sự bùng phát của dịch.

Nghiên cứu của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cũng cho thấy 35% các công ty Mỹ được hỏi cho rằng cần giải thích rõ ràng hơn về yêu cầu phục hồi sản xuất của Chính phủ Trung Quốc, đây là biện pháp quan trọng nhất để các quan chức chính phủ có thể đẩy nhanh việc phê duyệt mở cửa lại các nhà máy.

Trả lời phỏng vấn của Đài “Tiếng nói nước Đức”, ông Ricardo Kurt, đại diện Trung Quốc của Hiệp hội Quản lý vật liệu – mua sắm và hàng hóa Liên bang Đức (BME), cho rằng việc Chính phủ Trung Quốc minh bạch nhất có thể về sự lây lan của dịch bệnh là rất quan trọng, để các công ty có thể làm tốt công tác chuẩn bị phù hợp.

Nếu giống như dự đoán của nhiều chuyên gia y tế công cộng trên thế giới, COVID-19 có thể trở thành một bệnh truyền nhiễm theo mùa tái phát hàng năm. Nhưng với tỷ lệ lây nhiễm và gây tử vong cao, ngay cả khi có vắc-xin, liệu virus sẽ biến đổi thành các chủng khác nhau hay không, từ đó làm giảm hiệu quả của vắc-xin, điều này đều chưa thể biết được.

Như vậy, theo thuật ngữ của ngành bảo hiểm, virus ít nhất có một mối đe dọa kéo dài thay đổi từ “xác suất thấp, mức độ nghiêm trọng cao” sang “xác suất cao, mức độ nghiêm trọng cao” trong thời gian ngắn. Trong hoàn cảnh như vậy, doanh nghiệp các nước sẽ đánh giá như thế nào về ưu nhược điểm của các cơ sở sản xuất khác nhau, bao gồm việc cân nhắc về các biện pháp y tế công cộng, công tác điều hành quản trị của chính phủ, địa lý, khí hậu của địa phương?

Do đó, khi đánh giá các nhân tố rủi ro của chuỗi cung ứng tổng thể trong tương lai, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn bị giới hạn với những yếu tố như chính sách của chính phủ có rõ ràng hay hỗ trợ các ngành nghề then chốt nào, hiệu quả từ nỗ lực quốc gia để chống dịch hay tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tròn trịa ra sao, mà họ còn cần nhìn nhận công tác quản lý điều hành của chính phủ liệu có thể ngăn chặn kịp thời sự xuất hiện của dịch bệnh hay không.

Báo cáo của Công ty quản lý tài sản Krista Wealth có trụ sở tại Chicago đưa ra ngày 26/2 chỉ rõ, các công ty nước ngoài đang chuẩn bị “rời khỏi” Trung Quốc càng sớm càng tốt: “Nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng có thể dẫn đến việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng, quan hệ thương mại và giao dịch tài chính, lấy đi tăng trưởng tương lai của Trung Quốc… (mối quan tâm này) có thể vượt ra khỏi phạm vi suy thoái kinh tế ngắn hạn và ảnh hưởng đến các lĩnh vực như cơ cấu chính phủ, kiểm soát chính trị và thiết lập lại mô hình tăng trưởng”.

Hiển nhiên, chúng ta hy vọng rằng dự báo bi quan này sẽ không thành hiện thực. Tuy nhiên, xét từ quan điểm này, vấn đề chuỗi cung ứng bị phá vỡ đặt ra đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu câu hỏi: Một thực thể kinh tế đang tiến tới công nghệ hóa ở mức độ cao và có một cơ cấu chính trị phù hợp liệu có thể ngăn chặn những tác động mang tính thảm họa hay không? Về lâu dài, so với các chính sách ưu đãi kinh doanh khẩn cấp, sự minh bạch nhờ tự do ngôn luận và truyền thông mang lại cũng như hệ thống có nền pháp trị độc lập có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn khi một doanh nghiệp đánh giá về tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng.

Lê Mai Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here