Triển vọng hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do châu Phi AfCFTA

0
178
Ủy ban Liên hợp quốc về châu Phi ước tính AfCFTA có tiềm năng thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi thêm 52% vào năm 2022. (Nguồn: Newtimes.co)

Trang Brookings.edu mới đây đăng bài phân tích về triển vọng và các biện pháp nhằm hiện thực hóa hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA).

Ủy ban Liên hợp quốc về châu Phi ước tính AfCFTA có tiềm năng thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi thêm 52% vào năm 2022. (Nguồn: Newtimes.co)

Những trở ngại đáng kể

Đầu tháng 7 vừa qua, hai quốc gia Nigeria và Benin đã ký kết hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA). Khi kế hoạch đầy tham vọng này lần đầu tiên được đề cập để tiến tới thành lập khu thương mại tự do lớn nhất thế giới, không ít chuyên gia đã tỏ ra nghi ngờ và tự hỏi liệu các nhà lãnh đạo châu Phi có thực sự cam kết để đạt được cột mốc lịch sử này hay không.

Tuy nhiên, tiến bộ đạt được và sự nhiệt tình xung quanh thỏa thuận này, cũng như tiềm năng to lớn của AfCFTA trong biến đổi cuộc sống tất cả người dân châu Phi, đã giảm bớt những dè dặt ban đầu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, AfCFTA có tiềm năng rất lớn và mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế. Ủy ban Liên hợp quốc về châu Phi ước tính AfCFTA có tiềm năng thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi thêm 52% vào năm 2022.

Tuy nhiên, AfCFTA cũng gặp phải những trở ngại đáng kể. Cụ thể, châu Phi vẫn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu hàng hóa và nông sản. Công nghiệp hóa đang chậm lại, thậm chí bị trì trệ ở một số nơi. Với thị phần thương mại toàn cầu dưới 3%, đa dạng hóa xuất khẩu của châu Phi vẫn đang ở mức thấp. Thương mại nội khối châu Phi hiện tại chỉ chiếm 16% tổng khối lượng giao dịch của toàn lục địa.

Hiện còn có nhiều đánh giá trái chiều về tác động của AfCFTA. Trong khi nhiều chuyên gia coi đây là một bước quan trọng để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và tăng trưởng kinh tế nói chung, thì vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại rằng thị trường châu Phi chưa được chuẩn bị kỹ càng cho mức độ cạnh tranh cao như vậy. Lục địa này vẫn bị ảnh hưởng bởi nhiều hàng rào thuế quan và phi thuế quan được đặt ra một cách bất thường, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, rất ít chính sách hỗ trợ và thiếu hụt khung pháp lý, thiếu mạng lưới giao thông, tình trạng quan liêu nặng nề của chính phủ và mức độ tham nhũng vẫn còn cao.

Hiện thực hóa các cam kết và triển vọng của AfCFTA

Để hiện thực hóa các cam kết và triển vọng của AfCFTA, các bên liên quan cần xóa bỏ hàng loạt rào cản pháp lý và tiến hành nhiều biện pháp tổng hợp, bao gồm:

Thứ nhất, thống nhất nhận thức về đoàn kết châu Phi thông qua giáo dục và truyền thông. Châu Phi là lục địa rất đa dạng trong mọi khía cạnh xã hội, từ hệ thống chính trị, kinh tế, tiền tệ đến tôn giáo, chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Ngay cả khi ý tưởng xây dựng một thị trường chung châu Phi đang rất phổ biến ở khu vực này, một số quốc gia thành viên vẫn đang thực hiện biện pháp bảo hộ, chẳng hạn như Guinea Xích đạo và Gabon vẫn không muốn mở cửa biên giới. Trên thực tế, đầu tháng Tám vừa qua, Guinea Xích đạo tuyên bố rằng do các mối đe dọa an ninh, quốc gia Trung Phi này dự định xây dựng bức tường biên giới để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp của người Cameroon và Tây Phi. Nhiều vụ tấn công bài ngoại đã xảy ra ở Nam Phi tháng Ba vừa qua và hiện đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Do đó, trước khi AfCFTA có hiệu lực đầy đủ, Liên minh châu Phi (AU) cần nâng cao nhận thức về AfCFTA cho cộng đồng nói chung, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ và người lao động trong những khu vực phi chính thức bằng cách giáo dục, tuyên truyền về yêu cầu và tác động của AfCFTA đối với họ. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo cần chỉ ra lợi ích của AfCFTA, không chỉ đối với những công ty đa quốc gia mà còn cả các công ty nhỏ, vừa và lớn của châu Phi, để xóa bỏ nhận thức sai lầm rằng giảm kiểm soát biên giới sẽ đồng nghĩa với mất việc làm hoặc nhập cư hàng loạt từ các nước có thu nhập thấp hơn.

AU nên tuyên bố Ngày Cộng đồng kinh tế châu Phi chính thức để kỷ niệm ngày thành lập AfCFTA và bổ nhiệm các đặc phái viên trong số những người có ảnh hưởng như những người nổi tiếng châu Phi trong nghệ thuật, truyền thông, kinh doanh và thể thao để tham gia ngoại giao thương mại và thúc đẩy sự đoàn kết, khoan dung và ý thức về mục đích chung của châu lục. Các đặc phái viên này sẽ đảm nhận vai trò tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của công chúng về tầm quan trọng của việc giảm các rào cản thương mại và xây dựng một thị trường chung. Điều này giúp ngăn ngừa những xung đột có thể xảy ra trong tương lai, hạn chế những nhận thức sai lầm về AfCFTA, ngăn ngừa bài ngoại và quan trọng hơn là biến sự đa dạng sắc tộc, văn hóa và tôn giáo của châu Phi thành tài sản chứ không phải là nguyên nhân của xung đột.

Thứ hai, thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và điện năng. Có lẽ một trong những vấn đề cấp bách nhất mà châu Phi phải đối mặt là thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Không có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu, các doanh nghiệp không thể lưu thông con người, hàng hóa và dịch vụ theo hướng tiết kiệm chi phí. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), nhu cầu tài chính cho cơ sở hạ tầng của châu lục vào khoảng từ 130 tỷ USD đến 170 tỷ USD/năm. AU cần kêu gọi các đối tác quốc tế đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng khu vực, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, bao gồm thông qua Diễn đàn đầu tư châu Phi hay Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi.

Thứ ba, thiết lập sân chơi bình đẳng cho các nước thành viên. AfCFTA là khuôn khổ bao gồm các thành viên với mức chênh lệch thu nhập lớn nhất so với bất kỳ hiệp định thương mại lục địa nào khác. Mức chênh lệch thu nhập giữa các nước thành viên của AfCFTA lớn gấp hai lần mức chênh lệch thu nhập giữa các nước thành viên của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và CARICOM (Cộng đồng Caribbean). Nhiều nhà phân tích của Viện Brookings đã chỉ ra rằng những khác biệt kinh tế này có thể được giải quyết thông qua áp dụng các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt (S&DT), nhất là đối với các nước kém phát triển nhất, cùng với các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho phép những nước này có được thời gian dài hơn để dần thực hiện nghĩa vụ theo AfCFTA, giám sát tiến độ và thiết lập lưới an toàn.

Thứ tư, tăng cường vai trò của khu vực tư nhân. Bất chấp sự tăng trưởng của lục địa, các nhà kinh tế vẫn dự đoán vào năm 2022, châu Phi vẫn thiếu hụt 68 triệu việc làm, không kể hàng chục triệu người hiện đang thất nghiệp. Ngay cả trong bối cảnh thực thi AfCFTA, Liên minh châu Phi cần khuyến khích các nước thành viên và các thể chế khác ưu tiên chiến lược cho khu vực tư nhân, khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ và năng lượng, cũng như kinh doanh nông nghiệp. Quan trọng hơn, chính quyền địa phương và chính phủ các nước nên tập trung tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển thịnh vượng và đảm bảo rằng của cải tạo ra mang tính bao trùm cho tất cả mọi người, mang tính bền vững và được tái đầu tư vào các cộng đồng ở châu Phi, vào tầng lớp thanh niên và phụ nữ.

Cần đặc biệt quan tâm đến khu vực phi chính thức, bởi khu vực này đang chiếm hơn 66% tổng số việc làm ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi và 52% ở Bắc Phi. Giảm tình trạng quan liêu và tham nhũng của chính phủ, cải thiện chính sách tài khóa và tính trách nhiệm, cũng như cung cấp đào tạo, công nghệ và tiếp cận các dịch vụ tài chính, sẽ trao quyền cho các công ty khởi nghiệp thoát khỏi khu vực phi chính thức, tiếp cận lợi ích của thị trường lục địa và đương nhiên là tăng thu ngân sách của chính phủ.

Tóm lại, để thực thi Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) thành công, các nhà lãnh đạo châu Phi cần hình dung được bối cảnh tổng thể, cũng như ưu tiên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế dài hạn và cải thiện hiện trạng của châu Phi trên các chương trình nghị sự chính trị ngắn hạn mang tính nhiệm kỳ của bản thân. Cuộc đua marathon luôn bắt đầu với một bước đầu tiên, như cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã nói “Mọi thứ dường như luôn là không thể cho đến khi điều đó được thực hiện”.

Đình Lượng (theo Brookings.edu)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here