Thuỵ Điển thảo luận về viện trợ phát triển cho các nước

52
(ảnh minh hoạ)

Người phát ngôn về chính sách kinh tế của đảng Ôn hòa Elisabeth Svantesson cho biết, ngay trước hội nghị hàng năm của đảng Ôn hòa vào mùa thu này, một nhóm công tác thuộc đảng này đề xuất chấm dứt mục tiêu dành 1% tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho viện trợ phát triển, thay vào đó họ đề nghị chỉ ở mức 0,73% GNI (tương đương 170 tỉ SEK) cho giai đoạn 2021-2024. Viện trợ phát triển là khu vực chi tiêu duy nhất được phép gia tăng liên tục trong thời gian dài, nhất là những năm gần đây.

Điều này là không hợp lý, một phần vì Thụy Điển đang có nhiều nhu cầu trong nước, phần nữa là không cho thấy rõ kết quả, hiệu quả, không biết các khoản viện trợ đầu tư vào đâu. Bà cho biết thêm, chỉ có Thụy Điển và Na Uy là hai nước trong OECD đặt mục tiêu viện trợ phát triển ở mức 1% GNI và ngày nay, Thụy Điển là nhà tài trợ lớn nhất trong OECD. Với đề xuất của đảng Ôn hòa, Thụy Điển là nhà tài trợ lớn thứ 3 sau Na Uy, Luxemburg. Bà lấy ví dụ, năm 2019, viện trợ phát triển của Thụy Điển sẽ là 50 tỉ SEK, như vậy là gấp đôi sự hỗ trợ cho cảnh sát, ngang bằng với ngân sách quốc phòng. Với đề xuất mới, bình quân viện trợ trong 4 năm tới sẽ giảm còn 45 tỉ SEK.

Cho tới nay, đề xuất này của đảng Ôn hòa mới nhận được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ Thụy Điển (SD). Còn Phó chủ tịch thứ 2 của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CD) lại cho rằng, 1% dành cho viện trợ là quan trọng, thể hiện được Thụy Điển có khả năng hỗ trợ những ai cần giúp đỡ. Đảng Trung tâm có cách nhìn khác về viện trợ của Thụy Điển khi người phát ngôn về chính sách đối ngoại của đảng này phê phán SD và Ôn hòa đề xuất giảm viện trợ. Ông cho rằng, Thụy Điển phải đối phó với nhiều vấn đề như khí hậu, xây dưng thế giới an toàn hơn, tốt hơn, do đó, cần phải huy động nguồn lực thì khi đó viện trợ trở thành chất xúc tác quan trọng.

(Nguồn: ĐSQVN tại Thuỵ Điển)