Tốc độ giảm nghèo của Bangladesh chậm lại

0
264
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Ngày 13/5, Cục Thống kê Bangladesh (BBS) công bố số liệu về tỷ lệ giảm nghèo của Bangladesh trong giai đoạn 2010-2016. Theo đó, tỷ lệ người nghèo của nước này trong giai đoạn trên đã giảm xuống 24,3% trong tổng dân số; tính trung bình tốc độ giảm nghèo là 1,2%/năm. Tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ giảm nghèo 1,7%/năm trong giai đoạn 2005-2010.

Tính tới hết năm 2018, tỷ lệ người nghèo của Bangladesh đã giảm xuống, chỉ còn chiếm 21,8% trong tổng dân số. Theo Giám đốc Dự án Khảo sát chi tiêu và thu nhập hộ gia đình của BBS, Dipankar Roy, với tốc độ giảm nghèo như trên, Bangladesh có thể hoàn thành mục tiêu xóa nghèo vào năm 2030 như đã đề ra trong các Mục tiêu phát triển bền vững. Cuộc khảo sát được tiến hành trên 46.080 hộ gia đình vào năm 2016, gấp gần 4 lần so với số lượng khảo sát năm 2010.

Trước việc tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại, một số chuyên gia đã bày tỏ quan ngại. Chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Dhaka, Zahid Hussain cho rằng, tốc độ giảm nghèo tỷ lệ nghịch với tăng trưởng GDP đặt ra câu hỏi lớn. Ông nhấn mạnh: “Rõ ràng là tăng trưởng GDP đã không đem lại lợi ích cho mọi tầng lớp người dân, đặc biệt là người nghèo nhiều như mong đợi”. Lý do chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là tỷ lệ tạo ra việc làm mới có xu hướng giảm.

Theo kết quả khảo sát lực lượng lao động hàng quý của BBS, số lượng việc làm mới trong các lĩnh vực phi nông nghiệp đã giảm trong năm 2016 so với năm 2010; việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng tăng; trong khi đó, các lĩnh vực phi nông nghiệp lại đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là, số lượng lao động nữ trong ngành công nghiệp giảm 1,13 triệu người và trong lĩnh vực dịch vụ giảm 150.000 người trong năm 2016 so với năm 2013. Theo ông Zahid, việc 1.200 nhà máy dệt may bị đóng cửa kể từ sau thảm kịch sập tòa nhà Rana Plaza khiến hơn 1.000 công nhân Bangladesh thiệt mạng vào năm 2013 cũng khiến số lượng lao động trong lĩnh vực này giảm.

Bên cạnh đó, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển của Bangladesh, KAS Murshid, nguyên nhân khác khiến số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất giảm là do việc áp dụng công nghệ, máy móc, thay thế dần sức lao động. Ông Selim Raihan, Giám đốc điều hành Mạng lưới mô hình kinh tế Nam Á cho rằng, tăng trưởng GDP ở mức cao của Bangladesh trong một vài năm gần đây đã không dẫn tới việc kiến tạo thêm nhiều việc làm; nước này đang chứng kiến một giai đoạn gia tăng thất nghiệp. Việc ngày càng có nhiều người thất nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ giảm nghèo chậm lại.

(Nguồn: Tin từ ĐSQVN tại Bangladesh).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here