Chiến tranh thương mại trở lại đúng lúc kinh tế toàn cầu có dấu hiệu cải thiện.

0
66
ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ

Ngày 15/5/2019, Tờ New York Times đăng bài viết với tiêu đề “Chiến tranh thương mại trở lại đúng lúc kinh tế toàn cầu có dấu hiệu cải thiện” với một số nội dung đáng chú ý như sau:

 Trong những thời kỳ thông thường, quan ngại về sức khỏe nền kinh tế thế giới thường buộc các lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất chung tay vì sự an toàn của toàn cầu.

Thực tế thời điểm hiện tại không phải như vậy.

Mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu giờ đây là xung đột leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc. Khi các lãnh đạo của hai nước cân nhắc về cách thức gây đau thương cho nhau thì phần còn lại của thế giới lo ngại trở thành nạn nhân trong cuộc chiến thương mại này.

Một tuần trước đây, Mỹ – Trung dường như sắp đi đến thỏa thuận. Lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc tụt dốc có vẻ được chặn lại. Triển vọng của các nền kinh tế Châu Á phụ thuộc vào thương mại toàn cầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có vẻ sáng sủa hơn. Châu Âu cũng có vẻ phát tín hiệu hồi sinh kinh tế.

Tuy nhiên, cuối tuần vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố nâng thuế quan đối với 200 tỉ hàng hóa Trung Quốc. Tiếp đó Trung Quốc đáp trả hôm thứ 2 đầu tuần, rồi chính quyền Tổng thống Trump lên kế hoạch chi tiết về việc áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.

Đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, triển vọng là họ sẽ sớm phải trả giá cao hơn cho hàng hóa, một thực tế không mấy sáng sủa đối với thương mại.

Theo Trưởng Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Viện Kinh tế Oxford ở Luân Đôn, “một viễn cảnh chiến tranh thương mại leo thang sẽ có ảnh hưởng tồi tệ ở cấp độ toàn cầu. Tác động tiêu cực đối với dòng chảy thương mại sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu trong vài năm tới. Đây là tin xấu đối với phần lớn mọi người”.

Cũng theo Oxford Economics, nếu cả Mỹ và Trung Quốc triển khai đúng các đe dọa, sản lượng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm 0,8% còn tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm khoảng 0,3%. Những con số là nhỏ so với tổng thể vấn đề, và ảnh hưởng sâu sắc sẽ rõ nhất ở các ngành kinh tế bị tác động bởi chiến tranh thương mại, như ngành nông nghiệp Hoa Kỳ và các nhà sản xuất điện tử Trung Quốc.

Các quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất là các quốc gia phụ thuộc vào thương mại, như: Singapore, Malaysia, Mê-hi-cô và Nhật Bản.

Ở trung tâm trận bão thương mại này là Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất toàn cầu. Với việc Trung Quốc đóng góp gần 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bất kỳ sự gián đoạn nào với thương mại của nước này sẽ có tác động lan tỏa toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Trump đã thiết kế chính sách thuế quan với mục tiêu gây tổn thương cho Trung Quốc, ép lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận ngừng trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, dừng yêu cầu doanh nghiệp Mỹ chuyển giao sở hữu trí tuệ, và mở cửa cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Cho đến tuần trước Tổng thống Trump khẳng định một thỏa thuận thương mại sẽ được thông qua. Tuy nhiên, Tổng Thống Trump đột ngột tuyên bố Trung Quốc lật ngược các cam kết trước đó và quyết định áp thuế.

Sự leo thang căng thẳng thương mại nhanh chóng diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm đối với kinh tế toàn cầu, và đặt nền kinh tế Trung Quốc vào tình thế khó khăn đúng vào thời điểm nền kinh tế nước này có dấu hiệu bình ổn, sau quá trình tăng trưởng chậm dần.

Xuất khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm khoảng 14% trong năm vừa qua, tương đương khoảng 6,3 tỉ USD, theo số liệu phân tích từ Oxford Economics. Các nước nói trên cũng đã chứng kiến xuất khẩu tới Mỹ tăng trưởng với tỷ lệ phần trăm tương tự, tuy nhiên, trao đổi thương mại với Mỹ còn khiêm tốn, nên giá trị tuyệt đối ít hơn 2 tỉ USD.

Tại Châu Âu, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là một nguồn lo ngại vào thời điểm những cải thiện còn mong manh. Quan ngại về tác động tới thương mại của việc Anh rời EU đột ngột đã được giải quyết ít nhất trong trung hạn khi Luân Đôn và Bruc-xen thống nhất kéo dài quá trình đến cuối tháng 10.

Nền kinh tế lớn nhất lục địa Châu Âu là Đức dường như đang xử lý êm các lo ngại về suy yếu, khi số liệu cho thấy tăng trưởng các đơn đặt hàng cho các nhà máy và trong xuất khẩu. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 5% trong tháng 5, so với 1 năm trước.

Tuy nhiên, phần lớn đơn đặt hàng tại Đức là các phụ tùng phục vụ ngành công nghiệp Trung Quốc như phụ tùng ô tô, động cơ, máy móc điện tử… Nếu hoạt động của các nhà máy Trung Quốc suy giảm do tác động của thuế quan, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa Đức sẽ suy giảm.

Tại Ý và Pháp, các chỉ số các hoạt động công nghiệp đang sụt giảm trong vài tháng qua.

Bà Kjersti Haugland, Chuyên gia kinh tế Trưởng tại DNB Markets, một ngân hàng đầu tư tại Na-Uy, phát biểu “Với Châu Âu, đây là thời điểm nhạy cảm. Tăng trưởng hiện tại là rất yếu ớt”.

Cuộc chiến thương mại làm thị trường chứng khooán toàn cầu chao đảo, làm chứng khoán sụt giảm mạnh mẽ trong nhiều phiên. Nếu lo ngại của các nhà đầu tư gia tăng, đồng đô la Mỹ sẽ trở thành hình thức trú ẩn cuối cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiền di chuyển ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, làm tồi tệ hơn các khủng hoảng tại Ac-hen-ti-na và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời làm giảm giá trị của các đồng tiền khác từ Bra-xin tới Nam Phi và Ấn Độ.

Đồng tiền nội địa mất giá sẽ làm cho giá trị hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn ở các quốc gia còn lại, buộc người nghèo phải trả nhiều tiền hơn cho thức ăn, nhiên liệu và giao thông.

Câu hỏi đặt ra hiện tại là căng thẳng thương mại sẽ kéo dài bao lâu. Đây là câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng.

Với nền tảng nền kinh tế Mỹ đang vững mạnh, Tổng thống Trump có vẻ như rất quyết tâm trong cuộc chiến thương mại đến cùng với Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 3,6% là mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua. Nền kinh tế tăng trưởng ở mức 3,2% trong 3 tháng đầu năm.

Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ có thể chiến thắng trong cuộc chiến thương mại nếu tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, qua Twitter, ông cũng phàn nàn về Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không hạ lãi suất trong khi các lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục kích thích nền kinh tế nội địa bằng tăng trưởng tín dụng.

Đây cũng là một tín hiệu cho thấy Tổng thống Trump thiếu, hoặc mong ước Ông có công cụ mà đối thủ Bắc Kinh có được trong triển khai các chính sách tiền tệ.

Chiến lược của Tổng thống Trump lại càng kích thích sự giận dữ của nhóm theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc, trong khi chủ nghĩa dân tộc là một trụ cột quan trọng trong công cuộc tuyên truyền của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này sẽ buộc lãnh đạo Trung Quốc giữ vững quan điểm do lo ngại hậu quả của việc nhẫn nhịn trước sự tấn công của chính quyền Mỹ.

Đây không phải là bài thuốc giúp kích thích thương mại toàn cầu tăng trưởng – tăng 4% năm 2017, suy giảm còn 2% năm 2016 và có thể sụt giảm trong năm nay.

Bà Marie Owens Thomsen, chuyên gia kinh tế trưởng tại Indosuez Wealth Management tại Geneva cho biết: “Khi tăng trưởng trong hoạt động thương mại về mức số âm, chúng ta cần phải chuẩn bị cho kịch bản suy thoái. Rủi ro suy giảm đang trên đà gia tăng”.

(TLSQVN tại Houston, Hoa Kỳ).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here