Từ đầu năm tới nay, kinh tế thế giới phát triển chậm, chủ nghĩa bảo hộ lan rộng; tăng trưởng của các thực thể kinh tế chủ chốt của thế giới có sự phân hóa rõ rệt. Kinh tế Mỹ tiếp tục xu thế phát triển, kinh tế châu Âu vẫn tăng trưởng chậm, phục hồi của kinh tế Nhật có viễn cảnh không sáng sủa. Triển vọng 6 tháng cuối năm tranh chấp mậu dịch liệu có đạt thỏa thuận hay không đang ngày càng gây lo ngại và điều này có tác động nhất định tới xu thế phát triển của kinh tế thế giới.
Đặc điểm mới của xu thế tình hình kinh tế thế giới
Một là, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục chậm lại. 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế thế giới tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng thấp, song tốc độ giảm xuống, nhân tố không ổn định tăng thêm. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) liên tiếp hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. IMF hạ từ mức 3,7% xuống 3,3% – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ cho đến nay. Thương mại toàn cầu tiếp tục chậm lại. Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 4 năm nay, tăng trưởng của thương mại toàn cầu năm 2019 sẽ từ mức 3% hạ xuống 2,6%. Đầu tư quốc tế cũng giảm tương tự. Theo báo cáo đầu tư thế giới của Hội nghị thương mại và đầu tư Liên Hợp Quốc, năm 2018, đầu tư trực tiếp toàn cầu giảm 13%, liên tiếp trong vòng 3 năm – đây là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hai là, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lan rộng. Từ năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu thi hành chính sách bảo hộ mậu dịch, điều chỉnh toàn diện chính sách thương mại với các bạn hàng mậu dịch chủ chốt như Trung Quốc, Canada, Mexico, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm làm giảm thâm hụt mậu dịch, thúc đẩy việc “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Đầu năm 2019, ngoài việc ký kết Hiệp định thương mại với Mexico, Mỹ tiếp tục chính sách thuế quan với các nước khác. Theo báo cáo về hàng rào thương mại, đầu tư của Ủy ban Châu Âu ra tháng 6/2019, năm 2018, các nước không phải là thành viên EU đã có 23 nước lập kỷ lục thiết lập 35 hàng rào mậu dịch mới, làm cho số lượng các hàng rào mậu dịch trên toàn thế giới tăng thêm 425, liên quan tới 59 quốc gia. Ngoài ra, từ tháng 10/2018 tới tháng 5/2019, các nước G20 đã có 20 biện pháp hạn chế mậu dịch bao gồm thuế quan, lệnh cấm nhập khẩu, các thủ tục hải quan mới, ứng với 335,9 tỉ USD giá trị hàng hóa. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch này đã tác động và phá hoại chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng, làm dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, tăng giá thành giao dịch quốc tế, làm rối loại tài nguyên thị trường quốc tế.
Ba là, gia tăng điều chỉnh cơ cấu kinh tế, thương mại toàn cầu. WTO – tổ chức được hình thành sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 với vai trò là hạt nhân của hệ thống thương mại quốc tế tự do, mở cửa hiện nay đã bị tác động và phá vỡ. Trật tự kinh tế, thương mại toàn cầu đang được vẽ lại. Ba chức năng đàm phán, giám sát và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đều xuất hiện những nguy cơ, do đó, cải cách là xu thế tất yếu. Trong tình hình trật tự kinh tế, thương mại toàn cầu bị phá vỡ, các nước liên tiếp tìm cách thúc đẩy hợp tác thương mại thông qua các Hiệp định khu vực hoặc liên khu vực. Đầu năm 2019, các Hiệp định khu vực, liên khu vực phát triển như vũ bão. Hiệp định thương mại EU và Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực chính thức. Hiệp định bảo hộ mậu dịch, đầu tư
Singapore – EU được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn. EU với Việt Nam ký Hiệp định bảo hộ mậu dịch, đầu tư. Anh và Hàn Quốc ký Hiệp định mậu dịch tạm thời; Đàm phán “Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực Châu Âu” đi vào giai đoạn then chốt; Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ khởi động tiến trình mở rộng.
Tình hình của các nền kinh tế chủ chốt
Kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển, rủi ro giảm tốc tăng lên. Từ đầu năm tới nay, kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì xu thế tăng trưởng song dấu hiệu suy yếu đã xuất hiện, tốc độ phục hồi giảm bớt. Quý 1/2019, GDP có tốc độ 3,1%, cao hơn dự kiến, tỉ lệ thất nghiệp ổn định, tháng 4, 5 đều ở mức 3,6% – mức thấp nhất kể từ 50 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do tình hình căng thẳng mậu dịch và sự suy giảm của hiệu quả kích thích của chính sách thuế quan, tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2019 không được sáng sủa. Tháng 5, số việc làm mới thấp hơn nhiều so với dự báo, số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp giảm mạnh, chỉ có 75 ngàn việc làm so với mức 224 ngàn của tháng 4; PMI tiếp tục giảm xuống 51,7% – mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2018.
Kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm chạp, rủi ro suy thoái tăng lên. Quý 1/2019, GDP của khu vực đồng Euro chỉ tăng trưởng 0,4%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2018; GDP của 28 nước EU tăng 0,5%, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tiêu dùng gia đình tăng nhanh là động lực chủ yếu của tăng trưởng. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái kinh tế của khu vực EU đang tăng lên. PMI của các nền kinh tế chủ chốt của khu vực EU đang xuống dốc, đều chỉ đạt 48,4, tháng 3 giảm chỉ còn 47,5 – thấp nhất kể từ năm 2013. Sự suy giảm của ngành chế tạo nước Đức đã gây khó khăn cho tăng trưởng của kinh tế EU, nửa đầu năm chỉ số PMI đều ở dưới ngưỡng 50.
Kinh tế Nhật tăng trưởng yếu ớt, dự báo không sáng sủa. GDP tăng trưởng 2,2% cao hơn dự báo. Trong đó, đầu tư công là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, song tiêu dùng cá nhân, xuất khẩu và đầu tư cá nhân đều không tốt. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, ngoại nhu của Nhật yếu ớt đã làm suy giảm tăng trưởng kinh tế. Quý 1/2019, xuất nhập khẩu của Nhật giảm 5,7%, kim ngạch xuất khẩu giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2018 và liên tục giảm 6 tháng từ tháng 12 năm 2018 tới nay.
Kinh tế Trung Quốc và các nước đang phát triển, các nước mới nổi tăng trưởng chậm lại. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển và Trung Quốc đứng trước ảnh hưởng từ bên ngoài khá lớn, do căng thẳng mậu dịch và đầu tư quốc tế suy yếu. WB và IMF đều hạ dự báo tăng trưởng xuống mức khoảng 4%, thấp nhất kể từ 4 năm nay và kinh tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương sẽ giảm xuống mức 5,9%. Cọ sát thương mại Trung-Mỹ gia tăng gây khó khăn cho thương mại của một số nước đang phát triển. Quý 1/2019, xuất khẩu của Indonesia giảm 4,3%, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 7,1%. Tất nhiên, chiến tranh thương mại tạo ra hiệu ứng mậu dịch làm cho một số nước như Việt Nam được lợi rõ nhất. Theo số liệu của Mỹ, quý 1/2019, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng 40,2%. Theo số liệu của Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp cho tới ngày 20/6 của Việt Nam đạt 18,4 tỉ USD, tương đương 90,8% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, về tổng thể cho các nước là không có lợi, gây áp lực giảm tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển.
Những rủi ro chủ yếu của kinh tế thế giới hiện nay
Một là, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới. Năm 2008, khủng hoảng tài chính trên quy mô lớn là sự thất bại của chủ nghĩa tự do mới, thúc đẩy làn sóng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân túy. Gần 10 năm nay, tăng trưởng kinh tế thế giới nằm trong sự chuyển biến giữa động lực cũ và mới. Sản nghiệp, ngành nghề mới, mô thức mới vẫn đang trong quá trình hình thành và đang cần cộng đồng quốc tế đẩy nhanh hợp tác thúc đẩy giai đoạn quá độ ổn định của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chính quyền Trump đưa ra chính sách bảo hộ mậu dịch, tìm kiếm lợi ích, không chỉ không giải quyết được vấn đề của kinh tế Mỹ mà còn chuyển gánh nặng thuế sang người tiêu dùng, tác động tới chuỗi giá trị toàn cầu, phá hoại hệ thống mậu dịch đa phương, làm tổn hại tới lợi ích tổng thể của các nước.
Hai là, dư địa chính sách tài chính, tiền tệ đối với khủng hoảng là có hạn. Hiện nay, giới hạn chính sách của các nền kinh tế chủ chốt về tiền tệ, tài chính đối phó với khủng hoảng là có hạn. Những năm gần đây, tính không ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu tăng lên, tăng trưởng chậm lại, tình hình mậu dịch quốc tế căng thẳng, rủi ro địa chính trị gia tăng, … đang thúc đẩy ngân hàng trung ương các nước nới rộng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
Ba là, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ tăng lên. Từ khủng hoảng tiền tệ năm 2008 tới nay, đà phục hồi kinh tế Mỹ đã kéo dài nhiều năm, song từ đầu năm tới nay, dấu hiệu về giảm tốc độ tăng trưởng, thậm chí suy thoái tăng lên. Dự báo của nhiều cơ quan cũng đánh giá khả năng suy thoái tăng lên. Tháng 6 vừa qua, chỉ số lòng tin tiêu dùng giảm xuống mức 121,5 – mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2017. Bong bóng thị trường tài chính đang gia tăng, thị trường cổ phiếu 10 năm tăng nhanh chóng, giá cổ phiếu bị định giá quá cao, và nợ chính phủ của Mỹ đã vượt qua mức 22 ngàn tỉ USD.
Bốn là, tranh chấp địa chính trị gia tăng. Hiện nay, cục diện chính trị quốc tế đang điều chỉnh, cục diện chính trị khu vực căng thẳng gia tăng, quan hệ giữa các nước lớn đang phân hóa và tập hợp lại mang lại nhiều nhân tố không ổn định cho tăng trưởng của kinh tế thế giới. Gần đây điểm nóng khu vực ở phạm vi toàn cầu xuất hiện nhiều nơi, nhất là khu vực Trung Đông mức độ nguy hiểm đang gia tăng. Mỹ đẩy mạnh mức độ trừng phạt kinh tế và dầu mỏ đối với Iran, tàu chở dầu của Nhật bị đánh, máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rơi,… làm gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ – Iran. Khu vực Trung Đông tồn tại khả năng mất kiểm soát cục bộ, làm cho nguồn cung cấp dầu mỏ và giá cả dầu mỏ trở nên bất ổn, phủ bóng đen lên kinh tế thế giới.
Những thách thức chủ yếu của Trung Quốc và đối sách
Một là, quan hệ kinh tế, thương mại Trung-Mỹ đang chờ đợi được giải quyết. Từ năm 2018 tới nay, chính quyền Trump phát động chiến tranh thuế quan, chiến tranh đầu tư, chiến tranh khoa học công nghệ khiến quan hệ kinh tế thương mại thậm chí quan hệ Trung – Mỹ rơi vào bế tắc. Tiếp đó, Mỹ tiếp tục giơ cây gậy thuế quan cao, đưa tập đoàn Hoa Vi vào danh sách đen làm cho quan hệ kinh tế thương mại ở tình trạng căng thẳng. Cuộc chiến thương mại kéo dài một năm nay không chỉ ảnh hưởng tới bản thân kinh tế Mỹ mà còn gây áp lực giảm tốc, trong bối cảnh Trump tìm cách liên nhiệm, cơ hội giải quyết chiến tranh thương mại Trung – Mỹ lần nữa được mở ra. Tại G20 tại Nhật Bản, hai bên đồng ý nối lại đàm phán thương mại trên cơ sở cùng tôn trọng và bình đẳng cùng có lợi.
Hai là, quy tắc mậu dịch quốc tế đang được chờ đợi cải cách. Do tác động của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ, hệ thống thương mại đa phương quốc tế đang bị rung lắc, WTO đứng trước nguy cơ bị trì trệ, các nước liên tiếp tìm cách đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, gây áp lực nhất định đối với việc Trung Quốc tham gia vào các đàm phán Hiệp định thương mại, các Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao. Từ năm 2018 tới nay, Nhật Bản giữ vai trò chủ đạo trong Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương; Nhật Bản, EU ký Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế. Mỹ ký với Mexico, Mỹ còn đang có ý đồ đàm phán thương mại với EU. EU đẩy mạnh tiến trình xây dựng mạng lưới mậu dịch tự do, ký Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định bảo hộ đầu tư với Singapore, Việt Nam và các nước Mỹ Latinh.
Riêng đối với Trung Quốc, mức độ mạng lưới mậu dịch tự do, chất lượng cần phải được nâng cao. Đối tác mậu dịch tự do của Trung Quốc đa phần là các nước đang phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mức độ mở cửa tương đối thấp, hiện đang đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do, hy vọng nâng cao trình độ tự do thương mại và đầu tư. Về cải cách quy tắc thương mại quốc tế, Trung Quốc cần hội nhập xu thế cải cách này, thậm chí cần trở thành nhà xây dựng quy định kinh tế thương mại mới, cần cải cách từ trong nước, đi sâu cải cách đối nội, nhất là đẩy nhanh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời làm cho thị trường Trung Quốc càng thêm có sức hút, thúc đẩy Trung Quốc trở thành người tiên phong trong toàn cầu hóa hoàn toàn mới.
Ba là, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế cần được tăng cường. Từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tới nay, G20 là kênh chủ đạo quốc tế ứng phó với khủng hoảng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới. Tuy nhiên, G20 thiếu cơ chế chấp hành có hiệu quả, không thể ứng phó tích cực với sự thay đổi của kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế, cũng không thể thúc đẩy xây dựng các quy tắc thương mại quốc tế, cải cách các cơ cấu như WB, IMF, WTO, ứng phó với rủi ro đang tồn tại của hệ thống kinh tế thế giới. Điều lo ngại là, Mỹ bảo vệ chính sách bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ làm cho vấn đề quản trị toàn cầu trở nên khó khăn hơn, làm cho sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô đứng trước những thách thức to lớn./.
(Nguồn: Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc)