1. Tình hình và chính sách tài chính – tiền tệ:
Trong tháng qua, đồng rupi ghi nhận mức giá cao nhất 72,50 rupi đổi 1 USD ngày 19/02/2021; mức thấp nhất 73,18 rupi đổi 1 USD ngày 01/02/2021. So với tháng trước, đồng Rupee tiếp tục tăng giá, đặc biệt là nhờ phần lớn những kì vọng của thị trường được dự toán ngân sách chi tiêu liên bang đáp ứng.
Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ tiếp tục tăng với kỉ lục mới 590,19 tỷ USD ghi nhận trong tuần kết thúc vào ngày 29/01/2021, tăng 190 tỷ USD so với cùng kỳ. Trong khi đó, nợ nước ngoài chỉ ở mức 554 tỷ USD khiến Ấn Độ trở thành “chủ nợ ròng” (net creditor).
Về FDI, năm 2020, Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng 13% so với cùng kỳ, đạt 57 tỷ USD. Dòng vốn FDI đổ vào Ấn Độ tập trung trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kĩ thuật số, cơ sở hạ tầng và năng lượng.
Trong tháng, các cơ quan xếp hạng dự đoán mức tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong Quý 3 năm tài khóa 2020-2021 (tháng 10–12/2021) dao động trong khoảng -1% đến 0,8% so với cùng kỳ. Còn mức dự báo cho năm tài khóa 2021-2022 xoay quanh khoảng 8–10%.
Chỉ số lạm phát tháng 01 giảm xuống mức 4,1% từ mức 4,6% tháng 12. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 9/2019. Trong khi đó giá tiêu dùng tháng 01/2021 giảm nhẹ 0,64% so với tháng 12/2020.
Điểm nhấn trong tháng qua là việc Chính phủ công bố ngân sách liên bang vào ngày 01/02/2021: chi tiêu cho lĩnh vực y tế tăng 135%; các dự án xây dựng đường cao tốc được thúc đẩy; ngân sách dành cho quốc phòng không có thay đổi đáng kể; miễn thuế cho người cao tuổi; chi tiêu vốn so với GDP được xác định tiếp tục tăng tỉ trọng. Tuy nhiên, mức thâm hụt tài khóa cho năm tài khóa 2020-2021 được dự tính sẽ tăng mạnh lên 9,5% trước khi được kiểm soát xuống mức 6,8% trong năm tài khóa tiếp theo.
2. Tình hình xuất nhập khẩu của Ấn Độ
Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, từ đầu năm tài khóa 2020-2021 đến nay, xuất khẩu giảm 10,63% so với cùng kỳ, đạt 396,60 tỷ USD. Nhập khẩu giảm 22,80% so với cùng kỳ, đạt 398,47 tỷ USD. Thặng dư thương mại là 1,87 tỷ USD.
Từ đầu năm tài khóa đến nay, nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu là: dầu thô; vàng; sản phẩm từ dầu mỏ. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu là: chế phẩm từ dầu mỏ; dược phẩm, đá quý và trang sức.
Trong tháng 2, Ấn Độ cũng bắt đầu tăng thuế nhập khẩu với danh mục khoảng 30 đầu sản phẩm bao gồm các lĩnh vực điện tử, ô tô, hóa chất, da và nông nghiệp. Mục đích là giảm thiểu nhập khẩu những mặt hàng này từ Trung Quốc và các nước khác cũng như khuyến khích hoạt động sản xuất địa phương. Đồng thời, Ấn Độ đã giảm thuế đối với nguyên liệu thô để hạ giá thành cho các nhà sản xuất trong nước. Ấn Độ cũng cắt giảm thuế đối với vàng, bạc và bạch kim.
3. Quan hệ kinh tế Ấn Độ với Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 01/2020, Ấn Độ nhập khẩu 645 triệu USD, chủ yếu là, điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, kim loại thường và sản phẩm liên quan; xuất khẩu 495 triệu USD, chủ yếu là sắt thép các loại, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng thủy sản.
Theo số liệu từ Bộ Công thương Ấn Độ, trong tháng 11/2020 Ấn Độ xuất sang Việt Nam trị giá 373,37 triệu USD, giảm 29,65% so với cùng kỳ; lũy kế theo năm tài khóa đạt 2988,28 triệu USD, giảm 16,59%. Ấn Độ nhập từ Việt Nam trị giá 513,01 triệu USD, tăng 6,47% so với cùng kỳ; tuy nhiên lũy kế theo năm tài khóa chỉ đạt 3642,39 triệu USD, giảm mạnh ở mức 32,92% so với cùng kỳ.
Ngày 22/01/2021, Hội nghị trực tuyến và trực tiếp Diễn đàn Đầu tư Ấn Độ – Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn VinaCapital tổ chức.
Trong tháng tới, Ấn Độ cũng sẽ tổ chức một loạt các phiên điều trần điều tra chống bán phá giá với một số mặt hàng của Việt Nam như ván ép và sợi polyeste.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)