Chính sách thương mại mới của EU

0
1500
(Reuters)
(Reuters)

Vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã công bố thông cáo chi tiết về chính sách thương mại mới. Brussels dự định đặc biệt hướng tới “quyền tự chủ chiến lược mở”, một khái niệm lần đầu tiên tập trung nhấn mạnh “năng lực của EU trong đưa ra các lựa chọn của riêng mình và định hình thế giới thông qua vai trò dẫn dắt và cam kết của EU, trên cơ sở lợi ích chiến lược và giá trị của EU”.

Ngày 22/2/2021, ông Pascal Lamy, nguyên Ủy viên Thương mại Châu Âu (1999-2004), Chủ tịch danh dự Viện Jacques-Delors, đã trả lời phỏng vấn với Báo l’Opinion về chính sách thương mại của Châu Âu với tựa đề “EU sẽ phản công tích cực hơn về giá trị và phòng thủ tốt hơn về lợi ích”.

Có thể rút ra điều gì từ lần điểu chỉnh đầu tiên chính sách thương mại châu Âu kể từ 2015 ?

Chính sách thương mại mới được công bố được đánh giá là nhiều hơn một bước chuyển và ít hơn một bước ngoặt. Thuật ngữ phù hợp nhất để đánh giá văn bản mang tính địa chính trị này là thái độ “cứng rắn”. Thông cáo ghi nhận những thay đổi tác động tới thế giới, Liên minh Châu Âu và chính bản chất của trao đổi thương mại, đặc biệt khi các thay đổi này tác động đến các giá trị và lợi ích của Châu Âu. Bắt đầu với một Trung Quốc đã ngừng theo đuổi mô hình kinh tế tự do từ hơn mười năm nay vốn là giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tư bản thị trường. Điều đó có thể ảnh hưởng tới các tác động tích cực truyền thống của việc mở cửa trao đổi thương mại. Châu Âu cũng học được rằng, với Donald Trump, Hoa Kỳ có thể xung đột trực diện với họ trên phương diện thương mại. Bản thân EU đã quyết định thay đổi sâu sắc với trục chiến lược mới, đó là Thỏa thuận Xanh. Ở một góc độ nào đó, mục tiêu giảm phát thải cacbon có thể được ví với mục tiêu xây dựng thị trường nội địa hoặc đồng euro trước đây với tư cách là một giai đoạn mới trong hội nhập kinh tế châu Âu. Trao đổi thương mại cũng đã thay đổi bản chất với việc số hóa nhanh chóng, với tầm quan trọng của dịch vụ và dữ liệu ngày càng tăng. Cuối cùng, về chính trị, toàn cầu hóa hiện nay được coi là khó khăn hơn đối với các nước giàu, vì hầu hết các nước đã không kiểm soát tốt và chia sẻ lợi ích và chi phí một cách công bằng.

Chiến lược mới này mang lại những thay đổi gì?

Chiến lược này dẫn đến hai điều không thay đổi và một số khác biệt. Không thay đổi: mở cửa vẫn là nguyên tắc chính trong chiến lược mới này, bởi vì đây là ADN của quá trình xây dựng châu Âu. Không thay đổi: Chính sách thương mại vẫn phụ thuộc vào sự kết hợp giữa lợi ích và giá trị. Tuy nhiên, trong việc kết hợp này, chúng ta đang chứng kiến ​​một sự thay đổi khá rõ ràng về mặt giá trị, thể hiện qua kỳ vọng xanh hóa quá trình toàn cầu hóa. Một thay đổi quan trọng khác là sự khẳng định vai trò của các công cụ phòng vệ thương mại, ngay cả khi nó không được đề cập rõ trong thông cáo chi tiết. Thứ nhất, đó là các cơ chế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đã được âm thầm củng cố một cách nghiêm túc từ 5 năm qua. Ủy ban cũng đang thông báo về việc thiết lập một công cụ chống cưỡng chế và một công cụ khác chống lại trợ cấp nước ngoài, nhằm tăng cường các công cụ phòng vệ thương mại. Do vậy, EU sẽ phản công nhiều hơn về giá trị và phòng thủ nhiều hơn về lợi ích. Cuối cùng là việc quay trở lại lựa chọn quy định đa phương tại WTO, thay vì ưu tiên song phương đã được duy trì từ 15 năm. Một thách thức lớn khác vẫn là việc thực hiện các hiệp định đã ký về thương mại hay đầu tư. Và ngay cả khi hiện tại Ủy ban nhấn mạnh về việc thực hiện thì vẫn còn một chặng đường dài trước mắt, và vẫn tồn tại một vấn đề cơ bản: chính sách thương mại đã chuyển cho EU nhưng việc áp dụng nó vẫn mang tính quốc gia. Khi các quy tắc mới dần được bổ sung vào chính sách thương mại, sự phân chia thẩm quyền giữa EU và các nước trở nên không kiểm soát nổi. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về lỗ hổng trong kiểm soát nhập khẩu.

Thông cáo xác định và ghi nhận khái niệm tự chủ chiến lược mở trong chính sách thương mại. Điều này quan trọng như thế nào?

Ủy ban cần tập trung trí lực để giải bài toán này. Tổng vụ Thương mại vẫn rất gắn bó với nguyên tắc mở cửa vốn là giá trị cơ bản, song cũng đã nắm bắt được thay đổi đang diễn ra. Khái niệm về quyền tự chủ chiến lược của Châu Âu ra đời cách đây vài năm trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng với phần còn lại của thế giới, và đã thấy được thực tiễn mới với đại dịch và sự mong manh của một số chuỗi cung ứng, bao gồm cả lĩnh vực chất bán dẫn. Đó là cách diễn giải nội hàm chủ quyền mà người Pháp chúng ta rất gắn bó trong khi nhiều nước châu Âu khác không tỏ ra hào hứng.

Liệu có cần gắn liền sự xuất hiện của khái niệm mới này với các nỗ lực ngoại giao của Pháp?

Ý tưởng về một châu Âu có chủ quyền, khác với hình ảnh nước Pháp vĩ đại, có lẽ là điều đã được François Mitterrand đưa ra, và kể từ đó trở thành hằng số trong chính sách ngoại giao của Pháp. Emmanuel Macron cũng đã đi xa hơn những người tiền nhiệm của mình trong xây dựng nội hàm tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự đến từ Đức. Bằng cách chấp nhận nguyên tắc thúc đẩy chính sách công nghiệp châu Âu, và bằng việc đưa ra các dự án pin và hydrogen ở châu Âu, Đức đã cho phép nội hàm tự chủ chiến lược định hình, ngay cả khi vẫn có sự phản đối từ các quốc gia có truyền thống theo đuổi chính sách tự do như Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và một số quốc gia Trung Âu.

Các quốc gia thành viên dường như quyết tâm sử dụng vũ khí mới để tự vệ chống lại Trung Quốc, nhưng kém đoàn kết hơn trong cuộc chiến chống lại trị ngoại pháp quyền trong luật của Hoa Kỳ …

Cần lưu ý rằng những vũ khí này không nhắm vào mục tiêu cụ thể hoặc vào bất kỳ ai, vì điều này sẽ trái với các quy định của WTO. Về trị ngoại pháp quyền, thông cáo không đề cập đến. Chỉ có thể suy đoán rằng công cụ chống cưỡng chế đã được công bố sẽ giải quyết vấn đề này. Trị ngoại pháp quyền có nghĩa qui định luật của Mỹ có hiệu lực bên ngoài Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tập quán của Hoa Kỳ hoàn toàn với mâu thuẫn luật pháp quốc tế. Washington đang buộc các nước khác phải tuân thủ các mục tiêu chính sách đối ngoại của họ. Đến nay, Đức tương đối ít bị đe dọa bởi nguyên tắc này, nhưng mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dự án NordStream 2 có thể là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. “Ba chị em”, như người ta gọi, gồm Viện Jacques-Delors tại Paris, Trung tâm Jacques-Delors tại Berlin, và Europe Jacques-Delors tại Brussels, sẽ sớm công bố một loạt đề xuất để khắc phục thiệt hại bất hợp pháp do Mỹ áp đặt lên doanh nghiệp châu Âu, mà chúng tôi hy vọng sẽ có giá trị gợi mở với Ủy ban.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here