1. Nội các Bangladesh thông qua dự thảo sửa đổi Nghị định thư với Nepal về vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt
Hôm 10/8/2020, Nội các Bangladesh đã thông qua dự thảo sửa đổi Nghị định thư năm 1976 đối với Hiệp định Quá cảnh được ký kết giữa Bangladesh và Nepal cho phép sử dụng đường sắt để vận chuyển hàng hóa giữa hai nước qua Ấn Độ.
Trưởng Văn phòng Nội các Khandker Anwarul Islam, trong cuộc họp giao ban tại Văn phòng Nội các, nói rằng thỏa thuận vận chuyển đã có hiệu lực giữa hai nước kể từ năm 1976 và động thái mới nhất được khởi xướng theo yêu cầu của Nepal để mở thêm hai điểm tại huyện Rohanpur, tỉnh Chapainawabganj, Bangladesh và tại Singhabad ở Ấn Độ để vận chuyển hàng hóa giữa Nepal và Bangladesh bằng đường sắt. Bộ Thương mại đã trình dự thảo sửa đổi này trong cuộc họp nội các với Thủ tướng Sheikh Hasina.
Trưởng Văn phòng Nội các cho biết Nepal cũng muốn sử dụng Sân bay Saidpur ở phía bắc của Bangladesh, nhưng đề xuất này không được đưa ra trong cuộc họp nội các lần này mà sẽ được thảo luận và đệ trình trong tương lai. Ông cũng cho biết đây chỉ là vấn đề thương mại, không liên quan đến địa chính trị.
Các doanh nhân Bangladesh và Nepal hiện trao đổi hàng hóa bằng các phương tiện, chủ yếu là xe tải, hoạt động giữa các cửa khẩu trên bộ của hai nước, qua lãnh thổ Ấn Độ.
Theo thống kê của Bộ Thương mại, giá trị xuất khẩu của Bangladesh sang Nepal là khoảng 45 triệu USD trong năm tài chính 2018-19 và khoảng 10 triệu USD trong năm 2013-14. Bangladesh chủ yếu xuất khẩu xe máy, vật liệu xây dựng, đồ nội thất và gốm sứ sang Nepal. Xuất khẩu của Nepal sang Bangladesh trong năm tài chính 2019-20 là khoảng 11 triệu USD, chủ yếu là trái cây và rau quả.
Cùng ngày, Nội các cũng đã thông qua Dự luật Ủy thác Phúc lợi cho Nghệ sĩ Điện ảnh Bangladesh năm 2020 và chấp thuận dự thảo các thỏa thuận với Maldives và Cộng hòa Séc về tránh đánh thuế hai lần và trốn thuế. Nội các cũng thông qua dự thảo “Thỏa thuận giữa Chính phủ Vương quốc Ả Rập Xê-út và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Bangladesh về Hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hải quan”.
2. Nền kinh tế Bangladesh đang trở lại đúng hướng
Sau đợt suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra trong sáu tháng qua, khi mọi người đã bắt đầu quen với trạng thái bình thường mới trong bối cảnh dịch Covid-19, nền kinh tế Bangladesh đã bắt đầu phục hồi với việc dần dần mở lại các hoạt động thương mại, sản xuất và kinh doanh ở quy mô gần như đầy đủ vào tháng 7. Xu hướng tích cực trong xuất khẩu, kiều hối, dự trữ ngoại hối và hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đã tạo động lực cho nền kinh tế vượt qua sự suy thoái do đại dịch toàn cầu.
Trong tháng 7, tháng đầu tiên của năm tài khóa 2020-21 (FY21) hiện tại, hai chỉ số quan trọng là xuất khẩu và kiều hối đã mang lại tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Hầu hết các ngành định hướng xuất khẩu đang bận rộn thực hiện các đơn hàng đã bị ảnh hưởng trong 5 tháng đầu năm nay.
Với việc khôi phục các đơn đặt hàng từ những người mua toàn cầu, các nhà xuất khẩu Bangladesh đã thu về 3,91 tỷ USD trong tháng 7. Đây là con số thu nhập từ xuất khẩu trong một tháng cao nhất trong vài năm trở lại đây. Thu nhập xuất khẩu trong tháng đầu tiên của năm tài khóa hiện tại đã tăng 0,59%, tương đương 23,06 triệu USD so với cùng kỳ năm trước là 3,88 tỷ USD. Một cách bất ngờ, giá trị này cao hơn 13,39% so với mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đặt ra.
Bên cạnh đó, lượng kiều hối chuyển về trong tháng 7 đạt mức cao nhất trong một tháng với 2,6 tỷ USD, bất chấp đại dịch và khủng hoảng kinh tế toàn cầu toàn cầu. Đồng thời, dự trữ ngoại hối của Bangladesh đạt mức kỷ lục là 37,287 tỷ USD vào ngày 31/7/2020. Nhập khẩu của Bangladesh cũng đang tăng khi các dự án phát triển đang được tiếp tục đẩy mạnh tiến độ và thương mại quốc tế đang dần hồi phục sau suy thoái.
Hầu hết các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các doanh nghiệp nói chung đã hoạt động trở lại bất chấp nhiều thách thức. Cộng đồng doanh nghiệp tin rằng không có giải pháp nào khác thay cho việc mở cửa trở lại hoạt động thương mại và kinh doanh vì tình hình suy thoái đã và đang gây ra thiệt hại nặng nề cho kinh tế và việc làm. Chính phủ cũng đang nới lỏng các quy tắc và quy định để đưa hoạt động kinh tế trở lại để khôi phục kinh tế.
Một cuộc khảo sát gần đây do Mạng lưới Mô hình Kinh tế Nam Á (SANEM) thực hiện cũng cho thấy có sự cải thiện niềm tin của doanh nghiệp. Cuộc khảo sát cho thấy tình hình kinh doanh chung trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 là cực kỳ kém và tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Khảo sát cũng cho thấy, niềm tin kinh doanh trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020 được cải thiện so với giai đoạn trước, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, dược phẩm, bán buôn, nhà hàng, ICT và tài chính./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)