Trung Quốc công bố các chính sách thúc đẩy các nhà sản xuất chip, bán dẫn

0
62
(Internet)

Theo CNBC, vừa qua Trung Quốc đã công bố một loạt các chính sách để giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước khi căng thẳng với Mỹ tiếp tục gia tăng. Phần lớn các ưu đãi từ Chính phủ Trung Quốc tập trung vào việc giảm thuế. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động hơn 15 năm và sản xuất loại chip 28 nanomet trở lên sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 10 năm. Đối với các nhà sản xuất chip, thời gian ưu đãi bắt đầu từ năm đầu tiên có lãi. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip và phần mềm, những lĩnh vực mà Mỹ và Châu Âu có truyền thống rất mạnh, cũng nhận được ưu đãi về thuế. Các chính sách mới của Bắc Kinh còn tập trung vào tài trợ và khuyến khích các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán công nghệ của Trung Quốc. Theo kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 40% chất bán dẫn sử dụng trong nước vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.

Các nhà phân tích nghi ngờ những chính sách này có thể hỗ trợ ngành sản xuất chip và chất bán dẫn ở Trung Quốc khi sức ép từ Mỹ tiếp tục gia tăng. Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với CNBC: “Thông báo của Chính phủ chủ yếu tập trung vào việc giảm thuế, vốn không có khả năng thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc.

Các biện pháp khuyến khích cho ngành công nghiệp chip, bán dẫn ở Trung Quốc không phải là mới. Năm 2014, Bắc Kinh thành lập một quỹ quốc gia trị giá hàng tỷ đô la để đầu tư vào các nhà sản xuất chip và năm ngoái đã thành lập một quỹ khác. Nhưng Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ và các nền kinh tế khác như Đài Loan và Hàn Quốc.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Huawei đã cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nhà sản xuất chip bên ngoài. Washington yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép trước khi bán sản phẩm cho Huawei.

Huawei đang dựa vào công ty TSMC của Đài Loan để sản xuất loại chip 7 nanomet cho điện thoại thông minh của hãng này. TSMC sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ nếu vi phạm các quy định liên quan. Nếu TSMC dừng cung cấp, Huawei sẽ gặp khó khăn vì đây là sản phẩm tiên tiến nhất và không có công ty Trung Quốc nào có thể sản xuất với quy mô mà Huawei cần. Ngay cả nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của Huawei. Chuỗi cung ứng sản phẩm bán dẫn khá phức tạp. Dù tự thiết kế được sản phẩm, Huawei vẫn cần hợp tác với TSMC để sản xuất. Và quá trình sản xuất được tạo thành từ nhiều phần thiết bị rất phức tạp khác nhau do rất ít công ty đối tác thực hiện./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here