Thương mại điện tử sẽ là cầu nối quan trọng giúp tiêu thụ sản phẩm của Tây Nguyên

0
115
Liên kết vùng chính là chìa khóa để khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo ra chuỗi giá trị và lợi ích chung cho toàn vùng Tây Nguyên. (Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp Kinh tế xanh)

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, thương mại điện tử đang khẳng định vị trí hàng đầu trong nền kinh tế số Việt Nam.

Liên kết vùng chính là chìa khóa để khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo ra chuỗi giá trị và lợi ích chung cho toàn vùng Tây Nguyên. (Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp Kinh tế xanh)

Thông tin trên được bà Oanh đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử các tỉnh vùng Tây Nguyên vừa diễn ra tại thành phố Pleiku.

Theo bà Oanh, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, việc chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng Việt vươn tầm thế giới.

Về phía Tây Nguyên, nơi đây nổi bật với các mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây đặc sản và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng. Những sản phẩm này không chỉ có chất lượng cao mà còn mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên.

“Thương mại điện tử sẽ là cầu nối quan trọng giúp tiêu thụ sản phẩm rộng rãi trong và ngoài khu vực. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên còn có tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu trực tuyến các mặt hàng này sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và các nước ASEAN khác.

Sự phát triển của thương mại điện tử đã giúp xóa nhòa ranh giới địa lý, giảm thiểu chi phí và thời gian giao dịch, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường quốc tế”, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho biết, thương mại điện tử hiện nay phát triển nhanh nhưng tồn tại nhiều bất cập và có sức cạnh tranh khốc liệt, điều này đã khiến các sản phẩm nội địa khó có cơ hội cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử phổ biến.

Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm đã đem đến giới thiệu kênh thương mại điện tử Sàn Việt, nhằm hỗ trợ kết nối và thúc đẩy hàng hoá nội địa lưu thông hiệu quả, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập.

Ông Thành nhấn mạnh: “Theo lộ trình trong năm 2024, thông qua kênh Sàn Việt sẽ giúp kết nối sàn thương mại điện tử của 6 vùng kinh tế trọng điểm. Qua đó hỗ trợ cho khoảng 1.000 sản phẩm, giúp các đơn vị xây dựng gian hàng giới thiệu trên sanviet.com, livetream giới thiệu và bán các sản phẩm, xây dựng các bài giới thiệu về sản phẩm đặc trưng vùng miền bằng tiếng nước ngoài”.

Về phía tỉnh Gia Lai, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, từ năm 2021 đến 2023, đơn vị đã hỗ trợ xây dựng 255 website thương mại điện tử, bộ thương hiệu trực tuyến và phần mềm quản trị kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp và thương nhân trên địa bàn tỉnh.

Đến cuối năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 7,5%. Chỉ số thương mại điện tử (EBI) của tỉnh đạt 13.6 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh và 03/05 tỉnh Tây Nguyên.

Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử của Gia Lai vẫn còn chậm, chưa xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Chính vì vậy, thông qua hội nghị lần này sẽ là tiền đề cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh địa phương có cơ hội tiếp cận với các kênh mua bán theo phương thức mới, bắt kịp với xu thế hiện nay.

Với những hạn chế về cơ sở vật chất, hạ tầng logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao và thói quen tiêu dùng của người dân, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, thương mại điện tử tại Gia Lai nói riêng, các tỉnh vùng Tây Nguyên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, liên kết nội vùng tại Tây Nguyên cũng còn hạn chế do đầu tư thiếu đồng bộ dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng nội vùng.

Để thương mại điện tử thực sự phát huy hiệu quả, bà Lê Hoàng Oanh khẳng định, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Liên kết vùng chính là chìa khóa để khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo ra chuỗi giá trị và lợi ích chung cho toàn vùng.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here