Chuyên gia: Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường

0
24
Việc công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam sẽ giúp hai nền kinh tế Mỹ - Việt Nam mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư. (Nguồn: Shutterstock)

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước.

Việc công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam sẽ giúp hai nền kinh tế Mỹ – Việt Nam mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư. (Nguồn: Shutterstock)

Sau gần 40 năm Đổi mới (từ 1986), kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong giai đoạn đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Việt Nam từ 36,67 tỷ USD tăng lên gần 10 lần, đạt 358,92 tỷ USD năm 2022, GDP bình quân đầu người thực tế tăng gấp hơn 6 lần từ 598,9 USD lên 3655,46 USD (tính theo đơn vị đo là đồng USD 2015). Tỷ lệ đói nghèo đã giảm, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên.

Việt Nam cũng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đang đàm phán 3 FTA. Quy mô thương mại của Việt Nam nằm trong top 20 của thế giới, với độ mở của nền kinh tế (tổng xuất nhập khẩu/GDP) rất cao, khoảng 185%.

Dù vậy, Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của mình. Một vướng mắc đối với hoạt động xuất nhập khẩu chưa được tháo gỡ là Việt Nam vẫn chưa được coi là nền kinh tế thị trường bởi một số đối tác thương mại lớn nhất, đặc biệt là Mỹ.

Ngay sau khi trao cho Việt Nam Quy chế Quan hệ thương mại bình thường (NTR – Normal Trade Relations) năm 2001, Mỹ đã xếp Việt Nam là “nền kinh tế phi thị trường” (NME – Non-market Economy). Việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường đặt Việt Nam vào thế bất lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Ví dụ, trong cuộc điều tra chống bán phá giá với cá da trơn của Việt Nam từ những năm 2000, Bộ Thương mại Mỹ đã không sử dụng các thông tin về chi phí và giá cả của Việt Nam mà tự xác định cách tính họ cho là hợp lý. Cụ thể trong trường hợp này là sử dụng số liệu của Bangladesh và Ấn Độ làm cơ sở so sánh, dẫn đến tính toán biên độ phá giá và mức thuế chống bán phá giá cao hơn.

Để giành lại sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam đã nỗ lực để Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Tháng 9/2023, trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm đối tác về an ninh và kinh tế. Ngay trước khi chuyến thăm diễn ra, Việt Nam đã chính thức yêu cầu Mỹ dỡ bỏ việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường. Một tháng sau chuyến thăm, Bộ Thương mại Mỹ nhất trí mở cuộc điều tra về việc đưa Việt Nam khỏi danh sách này, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 26/7 năm nay.

Sáu tiêu chí mà Mỹ đưa ra để xem xét nền kinh tế có thị trường hay không lần lượt là: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; và các yếu tố khác.

Chúng ta cùng nhìn nhận những nỗ lực của Việt Nam theo từng tiêu chí mà Mỹ quy định.

Mức độ chuyển đổi của đồng tiền

Nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam là một mục tiêu đã được khẳng định trong Pháp lệnh Ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng chính sách tỷ giá nổi có quản lý, mở rộng biên độ từ 1% lên 3% năm 2015, và hiện tại là 5%.

Để đồng Việt Nam trở thành đồng tiền thực tế tự do chuyển đổi, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để đảm bảo các cân đối vĩ mô như kiểm soát lạm phát thành công trong những năm qua (trong bối cảnh lạm phát cao trên thế giới), xóa bỏ thành công tình trạng đô la hóa nền kinh tế, tăng cường niềm tin của người dân với đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại tệ, hoàn thiện cơ chế quản lý ngoại hối và đổi mới chính sách tiền tệ tỷ giá.

Một điểm cần lưu ý là đồng Việt Nam từng bị đưa vào danh sách giám sát theo dõi thao túng tiền tệ, mới nhất là trong Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ tháng 11/2023 do có thặng dư thương mại với Mỹ (quốc gia xuất siêu sang Mỹ lớn thứ ba) và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu lớn. Tuy nhiên, Việt Nam, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, luôn tăng cường hợp tác ngoại giao với Chính phủ Mỹ về các vấn đề tiền tệ và sau đó Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Theo GS. David Dapice (Đại học Harvard), tỷ giá hối đoái của Việt Nam được quản lý nhưng không bị thao túng vì lợi ích không công bằng.

Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động

Việt Nam đã có đầy đủ các bộ luật để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên như Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật phòng chống mua bán người. Cá nhân tôi tin rằng, việc xác định tiền lương thực sự thông qua thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động, dù xin lưu ý điểm này phía phản đối vẫn còn đang có những tranh luận. Việt Nam cũng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Việt Nam đồng ý trao cho các liên đoàn lao động độc lập một vai trò lớn hơn. Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và tiếp tục ứng cử trong nhiệm kỳ tới, thể hiện nỗ lực bảo vệ quyền con người và quyền của người lao động.

Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế

Tiêu chí này Việt Nam đã đáp ứng rất rõ ràng. Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhiều doanh nghiệp Mỹ đã và đang đầu tư tại Việt Nam. Khu vực FDI chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% xuất khẩu của Việt Nam.

Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân

Việc Việt Nam nhấn mạnh kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo có lẽ là một điểm mà phía phản đối hay sử dụng để lập luận Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Tuy nhiên, theo Luật sư Eric Emerson từ công ty luật Steptoe LLP đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam, Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ, đồng thời cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada và Philippines, những nước đã được Mỹ coi là nền kinh tế thị trường. Trợ cấp cho cách doanh nghiệp nhà nước đã được cắt giảm, và qua các kỳ Đại hội Đảng, vai trò của kinh tế tư nhân đã chính thức được khẳng định và nhấn mạnh.

Kinh tế tư nhân đóng góp gần 45% GDP cả nước, cao nhất trong 3 khu vực nhà nước, tư nhân và FDI. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”, đặt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 – 65%”; “tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 – 35% GDP”.

Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả

Việt Nam đã từ bỏ kiểm soát giá cả. Luật Giá 2023 đã loại trừ các mặt hàng như điện, muối đường, chỉ giữ lại chín mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá: xăng, dầu diesel, khí dầu mỏ hóa lỏng, sữa công thức cho trẻ em, gạo, thức ăn gia súc, vaccine, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thiết yếu cho con người. Các biện pháp can thiệp cũng được quy định rõ chỉ sử dụng trong thời gian nhất định do lý do khẩn cấp như thiên tai, gián đoạn chuỗi cung ứng. Có thể thấy sự can thiệp, nếu có, hoàn toàn không ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư.

Các yếu tố khác

Yếu tố này không rõ mà tùy Bộ Thương mại Mỹ có thể quyết định. Yếu tố này có thể bị ảnh hưởng bởi một số lý do chủ quan khác.

Hiện đã có 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn và/hoặc phát triển như Trung Quốc (2004), Nga và các thành viên ASEAN (2007), Australia, New Zealand (2008), Ấn Độ, Hàn Quốc (2009), Nhật Bản (2011), các thành viên của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu EFTA như Na Uy, Thụy Sỹ (2012), Canada (2016) và mới đây nhất là Vương quốc Anh (2023).

Dù chưa đáp ứng hoàn hảo, nhưng với những nỗ lực Việt Nam đã thực hiện và sự ghi nhận của những đối tác lớn, Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường.

Ths. Phan Minh Hòa, Giảng viên ngành Kinh tế, Đại học RMIT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here