Bầu cử Mỹ: Điểm khác biệt về chính sách kinh tế giữa hai ứng cử viên đảng Cộng hòa và Dân chủ?

0
20
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống (Nguồn: politico)

Kể từ khi bà Kamala Harris trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, các nhà phân tích đã cố gắng tìm hiểu rõ hơn về chính sách của bà – không chỉ về điểm khác biệt với ứng cử viên đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump, mà còn giữa bà với cấp trên hiện tại, Tổng thống Joe Biden. 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. (Nguồn: politico)

Nhà kinh tế học Adam Posen cho biết hai chiến dịch tranh cử có sự khác biệt sâu sắc trong vấn đề nhập cư và đồng USD, nhưng cả hai đều đưa ra các chính sách công nghiệp “không phù hợp”.

Mặc dù chiến dịch tranh cử của Harris chỉ mới bắt đầu để lộ một số khía cạnh trong chương trình nghị sự kinh tế, nhưng chiến dịch này tiếp tục hưởng lợi từ sự hào hứng của giới cử tri khi bà đứng ra ứng cử. Theo một cuộc thăm dò mới do tờ Financial Times và trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan tiến hành, nhiều người Mỹ tin tưởng để Harris điều hành nền kinh tế đất nước hơn là Trump. Mặc dù Harris chỉ dẫn trước 1 điểm phần trăm, nhưng đây cũng là lần đầu tiên ứng cử viên đảng Dân chủ vượt qua Trump kể từ khi cuộc thăm dò bắt đầu được tiến hành gần 1 năm trước.

Chính sách kinh tế toàn cầu trong chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên có gì khác biệt? Về một số vấn đề như nhập cư hay sức mạnh của đồng USD, 2 ứng cử viên có sự khác biệt đáng kể. Nhưng trong các lĩnh vực khác như chính sách công nghiệp và cạnh tranh với Trung Quốc thì 2 bên có nhiều điểm tương đồng. Để biết thêm chi tiết, tác giả bài viết (Ravi Agrawal, tổng biên tập tờ Foreign Policy) đã có cuộc trao đổi trên chuyên mục FP Live với Adam Posen, Chủ tịch Viện kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái.

Khác biệt lớn nhất trong chính sách kinh tế quốc tế của hai ứng cử viên có lẽ là về vấn đề nhập cư. Vậy hai chiến dịch khác nhau ở điểm nào?

Cả khía cạnh kinh tế và chính sách đối ngoại đều khác biệt rõ rệt. Tại đại hội đảng Cộng hòa, bài phát biểu của Trump và các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của ông đều nêu rõ mục tiêu trục xuất một lượng khổng lồ người nhập cư hiện đang cư trú và làm việc tại Mỹ. Ban đầu, đảng đang cân nhắc trục xuất khoảng 1,3 triệu người.

Bỏ qua vấn đề rất quan trọng là tổn thất về người – như các gia đình đa quốc tịch và trẻ em, và nếu chỉ nhìn vào nền kinh tế, đây là hiện tượng được gọi là lạm phát đình trệ, khi suy thoái và lạm phát đồng thời xảy ra. Nguồn lao động của nền kinh tế Mỹ bị tước đi, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn, đội chi phí, buộc phải trả thù lao vượt mức cho một số lao động nhất định để lấp đầy những vị trí bị bỏ trống trong những công việc mà người dân bản địa thường không làm, như thu hoạch trái cây, dọn dẹp khách sạn, công việc hậu sảnh trong bếp nhà hàng, nhân viên dây chuyền trong các nhà máy thực phẩm, hay xây dựng nhà ở. Đây đều là những lĩnh vực mà người lao động nhập cư – dù có giấy tờ hay không – đóng một vai trò lớn.

Chính quyền Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng họ có ý định trục xuất ngay lập tức khoảng 50.000 người. Sau đó, khi quá trình trục xuất tiếp diễn, việc tuyển dụng của các doanh nghiệp nhỏ, lập kế hoạch kinh doanh hay nhu cầu của nền kinh tế sẽ chịu hệ lụy rất lớn. Michael Clemens và Warwick McKibbin đã tiến hành nhiều nghiên cứu khác nhau cho PIIE về vấn đề này. Với 1,3 triệu người bị trục xuất, sản lượng công nghiệp sẽ bị thu hẹp khoảng vài điểm phần trăm vì các vị trí bị bỏ trống không thể thay thế dễ dàng, đồng thời lạm phát sẽ tăng lên vài điểm phần trăm gần như ngay lập tức.

Đây đều là những con số khổng lồ.
Kamala Harris và chiến dịch tranh cử của bà nhiều lần cho thấy đảng Dân chủ không có ý định tiến hành các vụ trục xuất hàng loạt. Họ đang vòng vo. Tổng thống có nhiều không gian để quyết định cách thực thi luật kiểm soát biên giới. Rõ ràng, Chính quyền Biden hay Chính quyền Harris tương lai sẽ không nói rằng “chúng tôi muốn càng nhiều người nhập cư càng tốt”. Nhưng ranh giới rõ ràng cũng đã được vạch ra: Họ sẽ không tiến hành trục xuất cưỡng bức hàng loạt.

Nếu chúng ta làm vậy với người nhập cư ở Mỹ, tiềm năng tăng trưởng và sản xuất công nghiệp của Mỹ sẽ bị hạn chế đáng kể, đồng thời, mức lạm phát sẽ tăng. Hệ lụy trực tiếp cũng sẽ lan tới Mexico và Trung Mỹ. Mexico là nơi những người Trung Mỹ, chiếm phần lớn trong số dân nhập cư không có giấy tờ gần đây, phải đi qua để tới Mỹ. Do đó nước này chắc chắn sẽ chịu phần lớn gánh nặng từ những người bị trục xuất. Tình huống này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ, dù dưới thời Harris hay Trump, sẽ đàm phán lại hoặc đe dọa Mexico về Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Do chính sách trên, Mexico sẽ phải chịu sức ép lớn, có thể dẫn đến tình trạng bất ổn ở nước này.

Hãy chuyển sang vấn đề đồng USD. Điều này khá kỳ lạ. Trump thực sự muốn làm suy yếu đồng USD. Tình hình sẽ thế nào nếu điều đó xảy ra? Và quan điểm của các ứng cử viên khác nhau như thế nào?

– Điều này kỳ lạ vì mặc dù mọi người có thể phàn nàn bất cứ lúc nào về việc định giá đồng USD, nhưng chính sách đồng USD mạnh được áp dụng trong hơn 30 năm qua đã mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Chính sách đồng USD đã giúp giảm lãi suất mà Chính phủ Mỹ phải trả cho các khoản nợ, cũng như tăng sức mua của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Chính sách này mang lại sức mạnh để Mỹ thực hiện các khoản vay và các chính sách mở rộng cần thiết như trong giai đoạn COVID-19, đồng thời giúp Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không phải tăng lãi suất thường xuyên. Chính sách này đa phần đều có lợi. Quan trọng hơn, khi nhìn vào các nước như Italy, Argentina và Anh trước thập niên 1990, những quốc gia từng nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế bằng cách hạ giá đồng nội tệ, kết quả thường là thất bại.

Vì vậy, một lần nữa cần làm rõ rằng Harris không trực tiếp khẳng định bà muốn đồng USD mạnh nhất có thể, nhưng bà cũng chưa nói gì về việc muốn đồng USD yếu hơn. Điều quan trọng là khác với Trump, Harris cho biết bà tin tưởng vào sự độc lập của Fed, và tổng thống không nên áp đặt chính sách trong vấn đề này. Tổng thống có thể phàn nàn về Fed, nhưng không nên bỏ phiếu hay chỉ đạo chính sách của Fed – một trong những cơ quan quan trọng nhất để củng cố đồng USD.

Phần lớn những gì Donald Trump, Robert Lighthizer (cựu Đại diện Thương mại Mỹ), và J.D. Vance (ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho vị trí phó tổng thống) từng nói trên thực tế sẽ củng cố đồng USD. Trong trường hợp chính quyền mới của Trump tăng mức thuế quan, đồng nội tệ sẽ tăng tương ứng. Hành động này có khả năng sẽ làm suy yếu cam kết của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ukraine và nhiều đồng minh khác trên thế giới, khiến người dân rơi vào tình trạng bất an, từ đó họ có xu hướng rót tiền vào Mỹ và khiến đồng USD tăng giá. Chính quyền mới cũng có khả năng sẽ cắt giảm thuế trong nước trên quy mô lớn để tạm thời thúc đẩy nền kinh tế và thu hút dòng vốn lớn hơn bằng đồng USD, với điều kiện doanh thu ròng phải tăng, mà khả năng này rất khó xảy ra. Do đó, Trump, Lighthizer và Vance đều muốn đồng USD yếu đi. Nhưng nếu họ hành động như những gì họ nói, thì đồng USD sẽ mạnh hơn và có thể dẫn đến một số chính sách điên rồ mang tính phá hoại.

Một lần nữa, không phải là Harris đang làm quá vấn đề này, nhưng theo một hướng nào đó lại chính là như vậy. Bà đang cố gắng duy trì và không xáo trộn sự ổn định của đồng USD. Trong khi Trump có khả năng sẽ phá hoại đồng USD trước hết bằng cách thực hiện các chính sách nâng giá đồng USD, sau đó tiến hành các biện pháp cực đoan để kéo đồng USD xuống, một số trong đó có tính chất phá hoại, chẳng hạn như phá vỡ tính độc lập của Fed hay đánh thuế dòng vốn từ nước ngoài.

Hãy chuyển sang vấn đề thuế quan, lĩnh vực tồn tại một số điểm khác biệt giữa hai ứng cử viên, tuy không nhiều. Chính quyền Biden không gỡ bỏ mức thuế mà Trump áp đặt đối với Trung Quốc. Nhưng trong chiến dịch tranh cử hiện tại, Trump đã nói về một mức thuế hoàn toàn mới nếu ông tái đắc cử.

– Công bằng mà nói, lập trường của Trump về thuế có phần khôn khéo hơn. Trước hết, Trump đã áp đặt thêm nhiều mức thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên. Và Biden đã chọn duy trì mức thuế này dù ông có đầy đủ quyền hành để loại bỏ chúng. Đây có thể là một cách để giảm lạm phát nhưng Biden không chọn làm vậy. Vì vậy nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên của Trump và Biden, vấn đề thuế quan không có nhiều khác biệt.

Tuy nhiên, trong tương lai, một số khác biệt đã hình thành, bắt đầu với Biden vài tháng trước, và Harris đã đặc biệt khẳng định điều này. Họ coi thuế quan (thuế xuất nhập khẩu) cũng là một loại thuế, mặt kinh tế thì đúng là như vậy. Nó tương đương với thuế bán hàng khi được tính vào giá trị sản phẩm và do người mua trả, dù đó là hộ gia đình hay một doanh nghiệp nhập khẩu thép. Biden và Harris nói rằng họ sẽ không tăng thuế quan đồng loạt, nhưng nhìn chung họ cũng không nói gì về việc dỡ bỏ thuế quan hay phản đối một số loại thuế quan cụ thể. Đây là điểm khác biệt quan trọng, vì xét trên quan điểm về lạm phát và cách nó tác động tới người dân, mức thuế quan chung còn tệ hơn thuế quan áp riêng cho xe điện hay hàng hóa của Trung Quốc chẳng hạn. Nhưng thuế quan áp riêng cho xe điện và hàng hóa Trung Quốc cũng gây ra tổn thất kinh tế. Harris vẫn chưa có động thái cho thấy bà sẽ thay đổi tình trạng này. Trên thực tế, đối với xe điện và hàng hóa Trung Quốc, Harris có dự định tăng hoặc duy trì mức thuế quan hiện tại.

Tuy nhiên, Trump và chiến dịch tranh cử của ông đều hướng đến mục tiêu tăng thuế quan, không chỉ đối với Trung Quốc mà là tăng thuế đồng loạt. Vậy “đồng loạt” là gì? Khả năng cao là trên thực tế, chính quyền mới của Trump sẽ tăng mức thuế đối với tất cả hàng hóa và sản phẩm công nghiệp, nông sản nhập khẩu mà ông đã áp đặt từ trước và được Biden duy trì cho đến nay. Dù bất kể lý do là gì, họ vẫn sẽ tăng mức thuế quan đối với những mặt hàng vốn đã bị áp thuế. Hiện vẫn chưa rõ liệu mức tăng sẽ là 10, 15 hay 20%, nhưng con số càng cao thì hậu quả càng lớn. Đây mới chỉ là điểm khởi đầu.

Điểm khôn khéo ở đây là, một số nhà quan sát và những người thay mặt cho chiến dịch tranh cử của Trump cho biết đây chỉ là lời đe dọa, còn tùy thuộc vào quá trình đàm phán song phương với từng quốc gia. Họ đã tiến hành một phần với Nhật Bản và Hàn Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Một mặt, phương án này ít gây lạm phát hơn vì sẽ có những lỗ hổng thuế quan và các biện pháp thay thế. Tuy nhiên, nó vẫn làm giảm sức mua và làm gia tăng tình trạng bất ổn đối với các doanh nghiệp. Phương án này dễ gây ra hành vi áp thuế tùy tiện, làm chệch hướng và giới hạn các lựa chọn của người dân. Đây không phải là một phương án tốt, nhưng công bằng mà nói, tác động tổng thể đến nền kinh tế sẽ ít hơn.

Sự khác biệt về chính sách công nghiệp giữa hai bên thậm chí còn mơ hồ hơn. Ông từng viết bài phân tích về vấn đề này cho Foreign Policy vào năm 2023, trong đó về cơ bản phê bình kế hoạch của Chính quyền Biden. Ông so sánh quan điểm của hai bên trong chiến dịch tranh cử hiện tại như thế nào?

– Đề xuất của Harris và Trump có rất ít điểm khác biệt. Và thật không may, tôi cho rằng chính sách công nghiệp đại khái đã đi theo đúng hướng như tôi lập luận. Nó dẫn đến một chính sách ưu tiên các doanh nghiệp đầu ngành ở các quốc gia và chạy đua trợ cấp trên thế giới, đồng nghĩa với việc chúng ta phải chi nhiều hơn nhưng khả năng cạnh tranh không cải thiện; ngoài ra còn tình trạng tham nhũng; và làm chậm quá trình phổ biến công nghệ, bao gồm cả công nghệ xanh.

Tuy nhiên, điều quan trọng là dưới thời Biden, với sự hỗ trợ của Quốc hội, Đạo luật CHIPS, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), và nhiều đạo luật về cơ sở hạ tầng đã được thông qua, đa số là các chương trình kéo dài trong nhiều năm. Nhưng chính quyền cũng biến chúng thành các chương trình phụ thuộc vào kết quả đầu ra. Quy trình là chính phủ rót tiền vào, nhưng sau đó các nhà sản xuất chất bán dẫn và pin xe điện sẽ nhận được khoản tiền bổ sung này tùy thuộc xem họ sản xuất được bao nhiêu. Vì thế, đây là một quy trình không giới hạn. Harris và Trump sẽ tiếp tục duy trì các chương trình này.

Xét tới những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Trump về cách chính quyền mới sử dụng quyền hành pháp, họ có thể sẽ diễn giải lại một số chi tiết của IRA hay CHIPS. Họ sẽ bắt đầu rót tiền vào các nhà sản xuất xe lai, có thể là cả các nhà sản xuất xe điện, hoặc họ sẽ bắt đầu tài trợ cho nhiều công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia, không chỉ riêng chip. Các đạo luật hiện hành không cho phép điều này. Nhưng nhiều văn bản pháp lý đang được những người có liên quan đến chiến dịch tranh cử hoặc Chính quyền Trump trước đây soạn thảo, nói rộng hơn, đó là những người muốn nhánh hành pháp có khả năng diễn giải được những gì Quốc hội đang làm và giữ lại hoặc điều hướng lại các khoản tiền được phân bổ.

Các chính sách công nghiệp của Harris nghiêng về hướng chuyển đổi xanh, trong khi chính sách của Trump lại ưu tiên tạo điều kiện cho việc kéo dài tuổi thọ của nhiên liệu hóa thạch, động cơ đốt trong,… Đây là một sự khác biệt đáng kể, nhưng không nên bị phóng đại. Điểm khác biệt này nhỏ hơn nhiều so với những vấn đề chúng ta đã đề cập trước đó. Và mặc dù biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính sống còn, nhưng cách tiếp cận của hai ứng cử viên trong vấn đề này cũng sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn, cả hai đều sẽ bóp méo, lãng phí, làm chậm quá trình áp dụng công nghệ carbon quốc tế cũng như công nghệ xanh ở Mỹ.

Hãy chuyển sang vấn đề Trung Quốc. Một điểm khá bất ngờ với tôi là sự phân chia từng rất rõ ràng giữa “phe diều hâu” và “phe bồ câu” ở Washington đối với vấn đề Trung Quốc giờ đã thay đổi. Vấn đề dường như chỉ là các nhà hoạch định chính sách muốn “diều hâu” đến mức nào. Liên quan đến vấn đề kinh tế, theo ông, điểm khác biệt giữa chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên trong chính sách đối với Trung Quốc là gì?

– Rất tiếc là tôi hoàn toàn nhất trí với ông. Về chính sách kinh tế, khi nhìn vào các quan chức được bầu, những người được bổ nhiệm hoặc có khả năng được bổ nhiệm trong Chính quyền Harris hay Trump, hầu như không thấy có sự khác biệt. Điểm khác biệt nằm ở vấn đề nhân quyền, một số ít về an ninh quốc gia theo nghĩa hẹp. Nhưng về mặt kinh tế, các chính sách hầu như không có sự khác biệt, cả trong chính quyền hiện tại, trước đây hay trong tương lai.

Điều này có nghĩa là Mỹ gần như chắc chắn áp đặt thêm các biện pháp thuế quan mang tính trừng phạt đối với Trung Quốc để ngăn chặn khối lượng giao dịch khổng lồ. Mức sống của người Mỹ gần như chắc chắn sẽ bị giảm sút và sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp mới cũng sẽ suy yếu, đây là những điều chúng ta phải hy sinh để cứu các ngành công nghiệp cũ đang suy tàn hay các ngành công nghiệp còn mờ nhạt. Phương án này sẽ hầu như không tác động gì đến cách các quốc gia khác hợp tác với Trung Quốc.

Mary Lovely, đồng nghiệp của tôi tại PIIE, đã dẫn chứng rằng trên khắp châu Á trong vài năm qua, khi Mỹ áp đặt các hạn chế đối với Trung Quốc cũng như hoạt động thương mại và hàng nhập khẩu của nước này tới Mỹ, các nước Đông Á và Đông Nam Á (bao gồm cả đồng minh của Mỹ) đã ngày càng phụ thuộc vào hàng xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc. Chính quyền Biden, và cả Chính quyền Trump, đều không mang lại gì cho các nước này. Nếu Mỹ không mang lại quyền tiếp cận thị trường hay bất kỳ khoản đầu tư nào thì không có lý do gì các quốc gia này lại hợp tác với Mỹ. Vì vậy, đây là chính sách “tự chuốc lấy thất bại”.

Mỹ muốn đối phó với Trung Quốc, nhưng thay vì đặt ra các rào cản kinh tế, chúng ta lại trực tiếp đối đầu và ngăn chặn Trung Quốc, điều đó sẽ khiến các bên khác hưởng lợi từ chính tổn thất của Mỹ. Đáng buồn là, trước các mối đe dọa an ninh quốc gia, có lẽ không có cách phản ứng nào khác ngoài trực tiếp đáp trả.

Hãy thử đánh giá chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên. Mặc dù việc này khá khiên cưỡng, nhưng hãy bắt đầu với chính sách kinh tế của Trump.

– Về kinh tế vĩ mô, họ xứng đáng bị điểm trượt, cụ thể về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách đối với đồng nội tệ, và cách phối hợp các chính sách với nhau. Về cơ bản, họ không hiểu rằng nền kinh tế không chỉ là tổng hòa các thỏa thuận song phương của chính phủ về từng ngành và lĩnh vực riêng lẻ. Và đây là điểm mâu thuẫn, như việc họ thúc đẩy những hành động làm nâng giá đồng USD, nhưng sau đó lại tuyên bố những biện pháp lố bịch để hạ giá đồng tiền. Tương tự, họ liên tục nhầm lẫn giữa thâm hụt thương mại do nền kinh tế vốn yếu kém và thâm hụt thương mại do sự gian lận của các nước khác, thay vì xuất phát từ các yếu tố về dòng vốn, tỷ lệ tăng trưởng tương đối và các lựa chọn của chính nước Mỹ, như chuyên gia kinh tế Maurice Obstfeld công bố. Vì thế, nếu kinh tế vĩ mô là một môn học, tôi đánh giá rằng họ chưa bao giờ lên lớp và chỉ đọc một số điều vớ vẩn trên mạng sau đó áp dụng vào bài luận cuối kỳ.

Vậy còn phía Harris thì sao?
– Về phía nhóm Harris, chính sách kinh tế vĩ mô có phần khá hơn. Ít nhất với giả định rằng Chính quyền Harris sẽ tiếp nối phần lớn chính sách dưới thời Biden. Về chính sách tài khóa, họ xứng đáng điểm C-. Chúng không phải là thảm họa, nhưng chúng lỏng lẻo hơn những gì đang cần trong giai đoạn này, xét đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính sách tài khóa bị trói chặt trong tình hình thực tế về đồng nội tệ và Fed, đồng thời, khi nhìn tổng thể nền kinh tế, những tác động này có phần tốt hơn.

Tuy nhiên, về thương mại, nhóm Harris cũng xứng đáng bị điểm trượt tương tự như Trump. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đều bày tỏ rõ ràng trong các bài phát biểu quan trọng rằng họ hoàn toàn đồng tình với Chính quyền Trump về quan điểm đối với Trung Quốc trong cán cân thương mại và cạnh tranh công nghệ.

Cả Chính quyền Trump và Biden đều hoàn toàn sai. Thương mại với Trung Quốc mang lại lợi ích cho Mỹ, ngay cả khi một số cộng đồng ở một số khu vực nhất định miền Trung Tây nước Mỹ không được hưởng lợi. Thâm hụt thương mại không phải là dấu hiệu của sự yếu kém, mà là dấu hiệu của dòng vốn đổ vào, cho thấy nhiều người muốn đầu tư vào Mỹ hơn mức Mỹ có thể tài trợ trong nước. Các rào cản về chính sách công nghiệp và thuế quan phản tác dụng vì nếu nhìn từ góc độ song phương, các rào cản này gây ra tác động lan truyền trên khắp thế giới khi các nước khác áp đặt biện pháp trả đũa hoặc cảm thấy phải tự vệ hay tự bảo toàn, và dẫn đến giảm thu nhập của người dân.

Nếu ông có thể buộc hai bên tranh luận về chính sách của họ đối với một vấn đề chưa được thảo luận đầy đủ, thì vấn đề đó là gì?

Không phải là họ chưa thảo luận đủ về vấn đề gì, mà là họ thảo luận quá nhiều về chính sách công nghiệp và Trung Quốc. Quốc hội và cả hai bên đều bị ám ảnh về nền kinh tế Trung Quốc, cũng như những quan điểm về an ninh công nghệ. Và một lần nữa, họ chỉ tập trung vào những chính sách không phù hợp – thành thật mà nói, tôi vô cùng khó chịu khi mọi chuyện trở nên điên rồ như thế này.

Nếu thực sự quan ngại về an ninh quốc gia, ngay từ khi mới nhậm chức, họ có thể thành lập một ủy ban đặc biệt dưới quyền tổng thống bao gồm một nhóm chuyên gia. Ủy ban này có thể đưa ra thước đo về thế nào là mối đe dọa an ninh quốc gia trong khía cạnh kinh tế, và thước đo đó phải dựa vào tình hình nguồn cung, tầm quan trọng của khả năng ứng dụng quân sự, cũng như tầm quan trọng đối với các đối thủ tiềm năng. Phải công khai những gì có thể đưa vào danh sách và những gì nằm ngoài danh sách này.

Chắc chắn sẽ có một số sai sót hay bỏ sót một số vấn đề không nên bị bỏ qua, nhưng xét cho cùng, phương án này vẫn tốt hơn những gì chúng ta hiện có. Chính sách mà Jake Sullivan gọi là “sân rộng, rào cao” là một nguyên tắc đúng, nhưng họ lại chọn một sân chơi không rõ kích thước và một hàng rào vô hình. Họ khiến mọi thứ trở nên mơ hồ – về điều gì được coi là vấn đề an ninh quốc gia và điều gì thì không – và ngăn chặn các ngành công nghiệp sát sườn của Trung Quốc và Mỹ phát triển. Điều này không chỉ không hiệu quả mà còn gây hại về mặt kinh tế.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here