Tận dụng EVFTA, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang EU

0
61

Dù Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan khi xuất khẩu nông sản sang EU, thể hiện ở sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu, chủng loại hàng hóa và thị trường nhưng số lượng vẫn được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng của hai bên. Hiệp định EVFTA đi vào thực thi hiệu quả, được coi là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường “khó tính” này.

Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường 27 nước EU năm 2021 đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 12% tỷ trọng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Giá trị, thị phần xuất khẩu còn khiêm tốn

Theo Bộ Công Thương, sau 2 năm có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) đã có tác động tích cực tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU. Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường 27 nước EU năm 2021 đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 12% tỷ trọng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU cụ thể như sau: cà phê chiếm 42,2% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính sang EU; hạt điều chiếm 33%; cao su chiếm 7,9%; rau quả chiếm 7,8%; hạt tiêu chiếm 7,4%; gạo chiếm 1,7%.

Tuy nhiên nếu xét riêng từng nhóm mặt hàng theo mã HS có thể thấy, vị trí về giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam tại thị trường EU còn khá khiêm tốn. Cụ thể, ca cao và các chế phẩm từ ca cao- HS 18 xếp thứ 65; rau ăn được và một số loại rễ, củ- HS 07 xếp thứ 59; các chế phẩm từ rau, quả, quả hạch hoặc các bộ phận khác của cây – HS 20 xếp thứ 34; chế phẩm từ ngũ cốc, bột, tinh bột hoặc sữa, sản phẩm bánh ngọt- HS -19 xếp thứ 27… Chỉ nhóm mặt hàng cà phê, trà, maté và gia vị- HS 09 có vị trí đáng kể trên thị trường EU, xếp thứ 5. Xét theo tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do thì tỷ lệ của tận dụng của Hiệp định EVFTA ở mức trung bình, khoảng 20%.

Ông Đinh Sỹ Lăng- Đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản chưa thực sự tận dụng được hiệu quả của Hiệp định EVFTA đến từ việc thiếu nguồn gốc, quy tắc xuất xứ, nguyên này chiếm tới 33,33%. So với các FTA mà Việt Nam đang thực thi, quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa đối với hàng nông sản trong EVFTA được đánh giá là chặt chẽ hơn khi tiêu chí xuất xứ hàng hóa áp dụng chủ yếu là xuất xứ thuần túy. Bên cạnh đó, EVFTA cũng giới hạn tỷ lệ sử dụng các nguyên liệu từ bơ, trứng, sữa và đường từ nước thứ ba ngoài lãnh thổ Hiệp định trong việc sản xuất hàng nông nghiệp.

EU là một thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn… Thực tế, EVFTA không có nhiều cam kết mới về các biện pháp phi thuế như các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT). Trong khi đó, những biện pháp này mới được coi là rào cản khó khăn nhất đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường. Hầu hết các cam kết về SPS và TBT trong EVFTA đều chỉ khẳng định lại các nghĩa vụ theo Hiệp định SPS và TBT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, EVFTA không giúp hạn chế các rào cản phi thuế của EU với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Tại Việt Nam, phương thức nuôi trồng và thực tiễn sản xuất vẫn chưa phù hợp để đáp ứng được các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn, tuân thủ các quy trình theo chuẩn quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất hoặc phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến…, dẫn tới chi phí tuân thủ bị gia tăng, tạo áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra những yếu tố như năng lực nội tại về vốn, con người… của các doanh nghiệp xuất khẩu còn hạn chế; vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức; chi phí logictics trong xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng còn cao so với các đối thủ cạnh tranh…cũng là những thách thức đang cản bước nông sản Việt xâm nhập thị trường EU.

Nỗ lực tìm giải pháp

Nhằm tận dụng có hiệu quả Hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang EU trong thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương khuyến nghị, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, để nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường EU, được đánh giá là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thì nông sản Việt Nam phải có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, áp dụng phương thức trồng trọt theo các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP.

Hiện tại, người nông dân chưa am hiểu sâu về các kỹ thuật tiến bộ để nâng cao nâng suất và chất lượng sản phẩm, cũng như còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với công nghệ trong việc xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, người nông dân cần phải liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn hoặc tập hợp thành mô hình hợp tác xã để dễ dàng áp dụng kỹ thuật công nghệ vào quá trình trồng trọt và thu hoạch. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản cũng cần chú trọng đến việc xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch, đặc biệt là chế biến sâu.

Thứ hai, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất nông sản sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thúc đẩy phát triển các mối liên kết giữa người sản xuất – vận chuyển – chế biến – tiêu thụ; giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối; giữa nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp nông nghiệp.

Tiếp tục xây dựng các chính sách toàn diện về an toàn hợp với chuẩn mực quốc tế. Nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, các trung tâm thử nghiệm và các tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn; có các quy định về nhãn hiệu hàng hóa thân thiện với môi trường; xây dựng và áp dụng các chính sách về tiêu chuẩn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, xúc tiến thương mại và thông tin thị trường. Theo đó, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa về thông tin thương mại EU thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng nông sản khu vực EU.

Tăng cường công tác cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với nông sản xuất khẩu. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã khai trương và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định Thương mại tự do (FTAP), trong đó có Hiệp định EVFTA. Đây là một công cụ rất hiệu quả để giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin về các cam kết của Hiệp định, nắm bắt thông tin thị trường để từ đó tận dụng hiệu quả Hiệp định.

Thứ tư, để mở rộng thị trường nông sản Việt Nam sang các nước khác trên thế giới, đặc biệt là thị trường EU, đòi hỏi phải có rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất chế biến, bắt buộc hàng hóa Việt Nam phải đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong các giai đoạn tạo ra sản phẩm.

Do vậy, để hàng nông sản Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường EU, vấn đề đặt ra là một mặt Việt Nam cần phát triển sản xuất hàng nông sản xuất khẩu chú trọng gắn liền với tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn khắt khe của EU.

Mặt khác, ở góc độ quốc gia cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại, đàm phán để tránh việc bị EU áp các rào cản kỹ thuật không hợp lý. Bên cạnh đó, người nông dân và doanh nghiệp phải đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong quá trình sản xuất nông sản xuất khẩu.

Văn Khải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here