Doanh nghiệp Việt Nam cần chấp nhận chỉ số rủi ro lớn hơn khi bước vào ‘sân chơi’ thế giới

0
64
Nhờ EVFTA, Việt Nam đã có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang thị trường EU. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Chuyên gia nhận định, một số nước trong khu vực ASEAN đang tích cực đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), nếu không tận dụng lợi thế của người đi trước, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt.

Nhờ EVFTA, Việt Nam đã có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang thị trường EU. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU (EVFTA) thực thi, Việt Nam đã có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang thị trường EU. Bộ Công Thương cho hay, bằng việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam và EU, nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất… Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Sau 2 năm thực thi, nhập khẩu của EU vào Việt Nam cũng tăng trưởng rất nhiều, đặc biệt  trong các nhóm chủ yếu là máy móc, thiết bị, sản phẩm – linh kiện điện tử và các nguồn nguyên liệu.

Nhóm sản phẩm máy móc, linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử chiếm tới 24% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022. Nhóm hàng máy móc, thiết bị cũng đạt tỷ trọng hơn 18%. Ngoài ra còn có các nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất của Việt Nam cũng chiếm trên 10% (chủ yếu là sản phẩm hóa chất).

Tại toạ đàm “Tăng kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng Hiệp định EVFTA” diễn ra mới đây, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, kể từ tháng 8/2020 – khi EVFTA có hiệu lực – xuất khẩu Việt Nam đã tăng trưởng dương, trong khi 6 tháng trước đó đang tăng trưởng âm.

Ông Võ Trí Thành nhận định. “Đây là chuyển biến rất ấn tượng nhờ tận dụng các ưu đãi từ EVFTA. Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU tăng trưởng đạt trên 30%, so với với nhiều FTA khác, thì tỷ lệ tận dụng này không phải là nhỏ mà quan trọng là tốc độ thay đổi tỷ lệ tận dụng EVFTA nhanh nhất”.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng nhận thấy, vẫn còn rất nhiều thị trường của EU mà xuất khẩu của Việt Nam chưa có chuyển biến, nhiều mặt hàng chưa tận dụng triệt để các ưu đãi từ EVFTA.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, ở cấp độ doanh nghiệp, hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn ngại xuất khẩu sang EU do chưa đủ năng lực vì thiếu vốn, công nghệ và do yếu tố truyền thông. Một số báo cáo làm cho doanh nghiệp e ngại thị trường EU vì đề cập đây là thị trường tiềm năng, lợi ích nhưng có nhiều rào cản kỹ thuật.

Về các biện pháp hỗ trợ, theo ông Ngô Chung Khanh, trong kế hoạch thực thi Hiệp định của Chính phủ, Bộ ngành… đều có mục quan trọng đó là hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng EVFTA. Thế nhưng, với vai trò cơ quan thực hiện nhiệm vụ thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương nhận thấy, hầu hết các tỉnh thành đều có báo cáo biện pháp hỗ trợ nhưng các biện pháp hỗ trợ lại chung cho các doanh nghiệp, dẫn tới thực trạng là số doanh nghiệp đang cần tận dụng EVFTA thì chưa chưa chắc nhận được, có doanh nghiệp ở lĩnh vực khác lại nhận được hỗ trợ.

Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ còn dàn trải, chưa tập trung vào các ngành có thế mạnh và thực sự muốn tận dụng cơ hội từ EVFTA. Đặc biệt, tính kết nối trong chuỗi giá trị còn nhiều bất cập. Chỉ riêng kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều vấn đề.

Về phía doanh nghiệp, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho hay, muốn đứng vững trên thị trường EU, 1 mình doanh nghiệp không làm được mà phải bằng định hướng chiến lược rõ ràng.

Theo TS. Tô Hoài Nam, một số nước trong khu vực ASEAN đang tích cực đàm phán với EU, nếu không tận dụng lợi thế của người đi trước, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt. Do vậy, doanh nghiệp cần thiết phải đầu tư theo chiều sâu, dành nguồn lực xứng đáng.

“Mỗi doanh nghiệp phải đảm nhận tốt phần của mình trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó công tác tuyên truyền, các tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp hiện rất khác nhau. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ có thiết chế bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia thương mại quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần thiết kế chính sách làm sao tạo động lực lớn hơn nữa cho doanh nghiệp, nhất là giúp họ có động lực chấp nhận chỉ số rủi ro lớn hơn khi bước vào ‘sân chơi’ kinh tế thế giới”, Phó Chủ tịch VINASME nhấn mạnh.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here