Tận dụng “cam kết mở” của CPTPP

0
127

Tổng kim ngạch nhập khẩu của 10 nước đối tác trong CPTPP là gần 2.500 tỷ USD. Hiện Việt Nam mới xuất khẩu sang các nước này khoảng 42 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7% tổng nhập khẩu của các nước. Như vậy, với những cam kết “mở” trong CPTPP, dư địa cho xuất khẩu của nước ta sang các thị trường này còn rất lớn và được coi như cơ hội “vàng” cho xuất khẩu Việt Nam tiếp tục đạt những đỉnh cao mới.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của 10 nước đối tác trong CPTPP là gần 2.500 tỷ USD. Hiện Việt Nam mới xuất khẩu sang các nước này khoảng 42 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7% tổng nhập khẩu của các nước.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, được ký kết giữa 11 nước thành viên với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.

Như vậy, với 17 FTA đã ký kết, kết thúc đàm phán và đang tiến hành đàm phán với nhiều đối tác thương mại hàng đầu, trong đó có 11 FTA có hiệu lực và đi vào thực thi, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, vấn đề là DN cần tận dụng tương cơ hội từ hội nhập như thế nào để hiệu quả nhất.

Những thách thức lớn khi thực thi CPTPP

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định CPTPP, phát triển thị trường các nhóm ngành hàng vừa được tổ chức tại Cần Thơ, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để có thể tăng trưởng xuất khẩu. Nhưng bên cạnh đánh giá cơ hội, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra những thách thức lớn đối với DN Việt Nam khi đi vào thực thi các cam kết CPTPP.

Thứ nhất, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các DN yếu kém, nhất là các DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các DN liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Thứ hai, để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo CPTPP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa. Đây là thách thức vì nhận thức của DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, liên quan đến hội nhập nói chung và lộ trình giảm thuế, tiêu chí xuất xứ nói riêng chưa đầy đủ cũng như hàng hóa xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoại khối.

Thứ ba, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu, trong đó có cả các đối tác FTA ngày càng gia tăng. Các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ sẽ là thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức  

Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, tại Hội nghị trên, đại diện Bộ Công Thương cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể, đó là:

Thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và đáp ứng tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi, bao gồm: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể cho các dự án của DN để hỗ trợ DN tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng năng lực sản xuất, nhất là đối với các mặt hàng có thể tác động về nguồn cung do các DN trong nước sản xuất, còn dư địa để phát triển và có ý nghĩa thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu cho nông dân; Thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất. Các địa phương cũng cần nghiên cứu các lợi thế có được từ CPTPP và trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động, sản xuất để có kế hoạch phát triển sản xuất, xuất khẩu thông qua thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ngành hàng mà địa phương có lợi thế.

Đàm phán mở cửa thị trường, yêu cầu về an toàn thực phẩm: Mặc dù việc đàm phán mở cửa thị trường về thuế đã đạt được những thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam, tuy nhiên để tiếp tục thúc đẩy việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào các thị trường có FTA thì việc đàm phán các nội dung liên quan đến các quy định kiểm dịch động thực vật của nước nhập khẩu là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và nhiệm vụ cụ thể là các Bộ, ngành liên quan cần tích cực và đẩy mạnh công tác đàm phán, giải quyết khó khăn về tiếp cận thị trường có liên quan tới hệ thống quản lý chất lượng cũng như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giúp nông, thủy sản Việt Nam tận dụng được cơ hội mở ra khi thuế nhập khẩu trên các thị trường này được cắt giảm hoặc xóa bỏ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân không chỉ về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.

Các giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu cũng cần được chú trọng như: Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại; Thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics phục vụ cho xuất khẩu; Tăng cường tận dụng ưu đãi thông qua công tác chứng nhận xuất xứ; Vượt qua các rào cản kỹ thuật; Đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại; Xúc tiến thương mại.

Nhìn chung, CPTPP mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền kinh tế nói chung và đối với các DN Việt Nam nói riêng. Để tận dụng cơ hội đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của các ngành, các cấp và sự nỗ lực của cả cộng đồng DN để phát huy tối đa các thế mạnh, khắc phục những khó khăn, thách thức. Các DN cần phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, có kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng.

Đồng thời, DN phải chủ động cải thiện năng lực quản lý, chuyển đổi phương thức sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Chỉ khi DN đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo cam kết thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả thúc đẩy xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here