Thoát bẫy thu nhập trung bình trong 10 năm tới và xa hơn nữa

0
500
Cuộc hành trình để Việt Nam đi trên con đường có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Thế giới vừa phối hợp với Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 đến 2030 và tầm nhìn 2040”. Nội dung buổi hội thảo là phải thoát bẫy thu nhập trung bình trong 10 năm tới và xa hơn nữa.

Thu nhập trung bình cao để thoát bẫy thu nhập trung bình

Tiến tới thu nhập trung bình cao là một mô hình tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình hiện tại, đó là một hướng được các nhà quản lý và chuyên gia đưa ra tại hội thảo. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, xác định mô hình tăng trưởng là quan trọng, nhưng định hướng lớn về mặt chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu mong muốn còn quan trọng hơn nhiều.

Cuộc hành trình để Việt Nam đi trên con đường có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. (Ảnh: Cafebiz)

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam xấp xỉ 1.000 USD, được coi là mức thu nhập trung bình. Ngay lúc đó, giới quan sát kinh tế đã cảnh báo Việt Nam sẽ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bởi nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc khai thác sức lao động rẻ và đơn giản.

Đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc lại cảnh báo trên, nói rằng Việt Nam đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình vì chi phí lao động thấp, sản xuất có giá trị thấp và công nghệ thấp.

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, cựu chuyên gia kinh tế của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế  giới, từng làm trong ngành phát triển và cải cách hành chính ở Afghanistan, Iraq và Việt Nam cho biết, dựa theo tỷ lệ của Ngân hàng Thế giới thì: “Trong thu nhập trung bình có 2 hay 3 cấp,  từ 1.000 USD tới 2.000 USD là  thu nhập trung bình thấp, từ 2.000 USD tới 6.000 USD là trung cấp, trên 10.000 USD thì mới là mức thu nhập trung bình cao. Bẫy thu nhập trung bình là các nước mà thu nhập trung bình không qua được 2.000, 3.000 hay 4.000 USD nghĩa là  không ra khỏi được mức thu nhập trung bình thấp. Từ mức trung bình thấp tới mức trung bình cao hơn nữa là khó, rất nhiều nước trên thế giới đi vào mức trung bình thấp mà không qua được, cứ nằm ở mức 2.000, 3.000, 4.000 USD/đầu người/một năm. Đó gọi là cái bẫy thu nhập trung bình”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ở Hà Nội nhận định về mức thu nhập trung bình hiện tại của Việt Nam: “Chúng ta đã đạt mức trung bình trong một thời gian khá dài, năm nay xấp sỉ 2.500 USD, nhưng để đạt được mức 12.000 USD/đầu người là một quá trình rất dài và khó khăn”.

Thu nhập bình quân 12.000 USD một đầu người một năm được xem là mức thu nhập của một quốc gia đã trở thành giàu có. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cách để thực hiện chiến lược đưa Việt Nam thành một đất nước có thu nhập trung bình cao hơn thì; một là tiệm tiến và hai là đột phá, nhảy vọt, đi tắt đón đầu. Đi con đường này như thế nào là câu hỏi được ông Vương Đình Huệ nêu ra.

2021 – 2030: Giai đoạn quyết định

Trong khi đó, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, góp ý rằng giai đoạn 2021 đến 2030 vô cùng quan trọng và có tính chất quyết định cho vấn đề Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không.

Chuyên gia kinh tế tài chính, Tiến sĩ Ngô Trí Long phân tích: “Thực trạng thu nhập trung bình của Việt Nam theo số liệu cuối năm 2018 là 2.584 USD/đầu người, vẫn là  mức thu nhập trung bình thấp. Trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, đến năm 2030 sẽ là 3.500 USD, nhưng đạt đến mục tiêu đó rất là khó. Bình quân hàng năm tốc độ tăng thu nhập trên đầu người vào khoảng từ 100 đến 150 USD, năm nào cao nhất là 150 USD. Đây là kỳ vọng, là ước vọng của lãnh đạo Việt Nam cũng như người dân Việt Nam”.

Tiến sĩ Ngô Trí Long nói tiếp, ước vọng đó còn rất nhiều gian nan, trắc trở. Nếu không cẩn thận, Việt Nam không những rơi vào mà còn quanh quẩn mãi trong bẫy thu nhập trung bình thấp: “Là vì trong khi Việt Nam tiến một bước thì người ta đã tiến mấy bước. Cuộc hội thảo lần này diễn ra với mục tiêu là làm sao để Việt Nam cất cánh, có nghĩa là nâng thu nhập trung bình đầu người bằng thu nhập bình quân của thế giới trong những năm tới, có thể là mười mấy nghìn đô”.

Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Ousmane Dione, cuộc hành trình để Việt Nam đi trên con đường có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu, những thành tựu mà Việt Nam đạt được hơn 30 năm qua không chắc bảo đảm thành công trong tương lai. Ông Ousmane Dione nhấn mạnh, Việt Nam cần thay đổi, cần đổi mới mô hình tăng trưởng để trở thành đất nước có thu nhập cao hơn vào năm 2030 cũng như tiếp sau đó. Ông khuyên Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng dựa căn bản vào tăng năng suất.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), năng suất lao động ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN khác, chưa kể đến Singapore hay Trung Quốc. Bên cạnh đó, thiếu nguồn đầu tư, môi trường làm việc, cộng với việc sử dụng công nghệ thấp khiến Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước thu nhập thấp ở ASEAN và châu Á.

Từng làm việc trong lĩnh vực cải cách hành chính ở Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Xuân Quân cho rằng Việt Nam có thể thoát được mà cũng có thể không thoát được bẫy thu nhập trung bình: “Hiện Việt Nam làm gì, xuất khẩu cái gì, sản xuất cái gì? Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc, gạo, cà phê,… Đó là những thứ mình đã có, nhưng chưa có chế tạo cái gì mới. Thí dụ làm điện thoại Samsung thì Việt Nam chỉ lắp ráp, chứ có chế tạo được cái gì mới đâu. Muốn qua được bẫy thu nhập trung bình thì mình phải đủ sức tham gia vào chế biến chứ không phải chỉ đi làm công cho người ta. Hiện nay, kinh tế Việt Nam chỉ một là khai thác các tài nguyên thiên nhiên, hai là đi làm mướn cho người khác, do đó chưa có kỹ nghệ công nghiệp gì đặc biệt cho Việt Nam”.

Vẫn theo lời ông Đinh Xuân Quân, muốn vào ngưỡng thu nhập trung bình cao thì Việt Nam phải có sự đóng góp của cái gọi là lao động có trí óc, có trí tuệ: “Ở đây, Việt Nam còn ít về vấn đề trí thức, nghĩa là trí thức công nghiệp còn thấp. Việt Nam vẫn tới được mức thu nhập trung bình thấp 2.000 -3.000 USD, nhưng muốn từ 3.000 USD nhảy lên 10.000, 11.000, 15.000 USD thì cần nhiều thay đổi. Trong thay đổi có vấn đề thay đổi về tổ chức, về doanh nghiệp nhà nước. Trong khi doanh nghiệp nhà nước vẫn được sản xuất, vẫn được vay tiền một cách dễ dàng, nhưng doanh nghiệp tư nhân có đầu óc, có trí tuệ muốn vay tiền thì rất khó”.

Nguyễn Thị Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here