Sự sụp đổ của 2 ngân hàng SVB và SB diễn ra nhanh chóng với nguyên nhân trực tiếp là do mất thanh khoản. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, tác động của vụ việc đến thời điểm hiện nay chưa có dấu hiệu lây lan mang tính hệ thống, tuy nhiên vẫn cần được theo dõi sát trong bối cảnh hệ thống tài chính – tiền tệ toàn cầu và tại nhiều nước còn tiềm ẩn rủi ro. Một số diễn biến tại châu Âu (Credit Suisse) cho thấy hệ thống tín dụng đang chịu nhiều áp lực về thanh khoản do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài. Quốc tế đánh giá sơ bộ chưa có tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam, tuy nhiên nếu vụ việc tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại, đồng thời có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam và thu hút đầu tư từ Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, ưu tiên hàng đầu là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ưu tiên bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống ngân hàng, kiềm chế lạm phát luôn tăng cường các cơ chế quản lý.
1. Tổng quan một số diễn biến chính
1.1. Ngày 08/3/2023, Ngân hàng Silvergate[1] tuyên bố đóng cửa, trả lại tiền gửi. Ngày 10/3/2023, Ngân hàng SVB đã sụp đổ do mất cân đối dòng tiền. Đây là Ngân hàng có quy mô đứng thứ 16 tại Mỹ, với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, chủ yếu hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp “khởi nghiệp” về công nghệ. Tiếp đó, ngày 12/3/2023, Ngân hàng SB cũng bị đóng cửa,[2] và là tổ chức tài chính thứ ba của Mỹ đóng cửa trong vòng một tuần.
Ngay sau khi các vụ việc diễn ra, các cơ quan điều hành tiền tệ của Mỹ (Cục Dự trữ liên bang – FED, Bộ Tài chính, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi – FDIC…) đã nhanh chóng nắm quyền kiểm soát các ngân hàng, đưa ra nhiều biện pháp kịp thời để củng cố niềm tin, tránh hiệu ứng tâm lý lan rộng. Cụ thể là: (i) Cam kết bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền (vượt quá mức giới hạn bảo hiểm tiền gửi 250.000 USD). (ii) Nhấn mạnh thông điệp không “giải cứu” (bail-out) các ngân hàng bị phá sản bằng tiền thuế của người dân; các nhà đầu tư, người nắm giữ cổ phần các ngân hàng sẽ phải chịu thiệt hại. (iii) Thiết lập cơ chế cho vay có tài sản bảo đảm nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó khăn; nhấn mạnh thông điệp cam kết giải quyết bất cứ trường hợp mất thanh khoản nào có thể xảy ra. (iv) Nghiên cứu, thúc đẩy khả năng mua bán, sáp nhập các ngân hàng đã đổ vỡ để xử lý các vụ việc theo nguyên tắc thị trường.
1.2. Việc sụp đổ hai ngân hàng có tính “tiệm tiến”, và “diễn biến nhanh”:
– Sau giai đoạn tăng trưởng nóng (trong đó có yếu tố tác động từ dịch Covid-19), tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghệ số đã suy giảm mạnh trong năm 2022 (như vụ việc sàn giao dịch tiền số FTX phá sản vào cuối năm 2022). Do đây cũng là phân khúc khách hàng chủ yếu của Ngân hàng SVB và SB, nên lợi nhuận, lượng tiền gửi và giá cố phiếu của các ngân hàng này đã bị ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2022 (lượng tiền gửi của SVB giảm hơn 8%, từ mức 189 tỷ USD năm 2021 xuống còn 173 tỷ USD cuối năm 2022).
– Vụ việc Ngân hàng SVB sụp đổ trong vòng 48 giờ cho thấy tốc độ lan tỏa nhanh của các sự cố tài chính – tiền tệ trong bối cảnh công nghệ ngân hàng số ngày càng phát triển. Việc ngân hàng SVB bán lỗ 1,8 tỷ USD trái phiếu có tài sản bảo đảm và phát hành không thành công 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới đã kích hoạt một làn sóng “tháo chạy” – rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng với quy mô và tốc độ kỷ lục (chỉ trong ngày 9/3/2023, số tiền rút ra lên tới 42 tỷ USD). Tính liên kết cao của cộng đồng khởi nghiệp, đầu tư công nghệ Mỹ cũng góp phần đẩy nhanh phản ứng dây chuyền này.
2. Nguyên nhân
2.1. Nguyên nhân trực tiếp
– Mô hình kinh doanh của các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cao xuất phát từ sự mất cân đối giữa dòng tiền gửi và tiền cho vay, cơ cấu đầu tư kinh doanh không đa dạng, thiếu linh hoạt, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ số. Ngân hàng SVB đã trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng từ năm 2017-2021, trong đó tổng tiền gửi tăng gấp bốn lần (từ 44 tỷ USD năm 2017 lên 189 tỷ USD cuối năm 2021), trong khi lượng tiền cho vay chỉ tăng từ 23 tỷ USD lên 66 tỷ USD.
Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và tối đa hóa lợi nhuận, các Ngân hàng đã đầu tư hơn 120 tỷ USD từ nguồn tiền gửi ngắn hạn vào trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm kỳ hạn dài. Về bản chất, mô hình này rủi ro và thiếu bền vững do sử dụng khoản tiền gửi ngắn hạn để đầu tư vào các tài sản dài hạn. Do FED tăng lãi suất kỷ lục, các khoản đầu tư này bị lỗ nặng trên sổ sách. Trong khi đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ gặp khó khăn, rút tiền mạnh, khiến SVB phải bán lỗ trái phiếu để bù đắp thanh khoản.
– Hiệu ứng ngược về truyền thông và tâm lý “đám đông” đã kích hoạt xu hướng người gửi tiền “tháo chạy”: Việc ngân hàng SVB thông báo khoản lỗ lớn không đúng thời điểm đã khiến kế hoạch tăng vốn không thành công, đồng thời kích hoạt làn sóng rút tiền. Sự sụp đổ nhanh chóng của SVB và quyết định không“giải cứu” của FDIC đã tạo làn sóng rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng khác trong cùng phân khúc như SB.
2.2. Nguyên nhân gián tiếp
– Do tác động của cả yếu tố chủ quan và khách quan (điều hành chính sách tiền tệ, tác động của đại dịch Covid-19 và bất ổn địa chính trị gia tăng), lạm phát đã tăng mạnh trong thời gian dài ở Mỹ, kéo theo việc FED tăng lãi suất nhiều lần. Môi trường tiền tệ thắt chặt, với lãi suất ở mức cao đã khiến nhiều khoản đầu tư vào chứng khoán, tài sản có giá (như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…) bị thua lỗ, nhất là khi phải bán trước kỳ hạn để tạo thanh khoản.
– Ngành công nghệ số giảm doanh thu[3], dẫn tới lượng tiền gửi vào các ngân hàng SVB và SB cũng giảm tương đối. Qua đó, cũng tạo thêm áp lực cho bảng cân đối kế toán của các ngân hàng hoạt động tập trung trong lĩnh vực này.
2.3. Nguyên nhân cơ cấu
Theo các đánh giá quốc tế, hiện nay chưa thấy rõ các nguyên nhân mang tính cơ cấu trong nội tại của hệ thống ngân hàng Mỹ. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Mỹ đã đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, cơ bản giảm thiểu các rủi ro mang tính hệ thống[4]. Tuy nhiên, hoạt động tài chính – ngân hàng toàn cầu cũng tiềm ẩn một số rủi ro mà ta cần tiếp tục theo dõi:
– Dưới tác động của sự phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tư vào khởi nghiệp công nghệ tăng rất mạnh ở Mỹ trong vài năm gần đây, dẫn đến rủi ro bong bóng startup tương tự như bong bóng dotcom đầu thập niên 2000. Cơn sốt đầu tư vào startup đã thu hút lượng vốn lớn vào các ngân hàng đầu tư công nghệ như SVB.
– Trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số, ranh giới giữa nền kinh tế thực và ảo ngày càng xóa nhòa; nhiều lĩnh vực chưa được các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, đánh giá đầy đủ, cũng như thiếu các tiêu chuẩn quản trị (ví dụ như các đồng tiền mã hoá). Sự gia tăng liên kết giữa các ngân hàng truyền thống, các công ty tài chính công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ số có thể tạo ra các hệ sinh thái không được kiểm soát, tạo ra các rủi ro như “bong bóng” tài sản, tỷ lệ đòn bẩy cao, tiềm ẩn nguy cơ gây khủng hoảng.
3. Triển vọng
3.1. Các đánh giá quốc tế hiện nay cho rằng sự sụp đổ của hai ngân hàng SVB và SB là sự kiện mang tính “đơn lẻ”, xảy ra đối với các ngân hàng có đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số. Sau SVB, SB và Silvergate, có thể còn có một số tổ chức tài chính nữa tại Mỹ hoặc toàn cầu gặp khó khăn, song ít khả năng kéo theo hiệu ứng “domino”, gây ra khủng hoảng tài chính ở Mỹ và lan rộng ra toàn cầu tương tự như kịch bản khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Các diễn biến trong thời gian tới cần tiếp tục được theo dõi để có đánh giá toàn diện, đầy đủ. Dựa trên các thông tin hiện tại, cộng đồng quốc tế cơ bản nhận định vụ việc ít khả năng xảy ra sụp đổ mang tính hệ thống do: (i) Quy mô các ngân hàng Mỹ bị dừng hoạt động ở mức vừa phải[5]; (ii) Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng ban hành nhiều biện pháp đồng bộ, kịp thời để bình ổn thị trường. Thêm vào đó, sau khủng hoảng tài chính, Mỹ đã ban hành nhiều quy định quản lý chặt chẽ hơn hệ thống ngân hàng (nhất là Đạo luật Dodd-Frank)[6]; (iii) Tính “lan truyền” của vụ việc ở mức độ hạn chế vì không tạo ra các “bong bong” tài sản. Các ngân hàng tuy mất khả năng thanh khoản nhưng vẫn có các chứng khoán, trái phiếu có bảo đảm để vay nợ, không dẫn tới sự sụp đổ mang tính hệ thống. Đối tượng khách hàng của các ngân hàng trên chủ yếu là doanh nghiệp, do đó chỉ tác động hạn chế đến người dân, đồng thời cũng giảm thiểu tác động đến tâm lý xã hội nói chung.
3.2. Phản ứng của một số nước
Thái Lan đánh giá việc sụp đổ SVB và SB ở Mỹ hầu như không tác động tới nền kinh tế và hệ thống ngân hàng do các tổ chức tài chính của Thái Lan không đầu tư cũng như không thực hiện các giao dịch qua hai ngân hàng này.[7] Bộ trưởng Kinh tế Ma-lai-xi-a nhận định vụ việc SVB và SB không tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp Ma-lai-xi-a, tuy nhiên nếu tiếp tục có diễn biến phức tạp, có khả năng sẽ ảnh hưởng nhưng chỉ ở quy mô hạn chế. Bộ Tài chính In-đô-nê-xi-a cho rằng sự việc không ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống tài chính, ngân hàng; khẳng định hệ thống ổn định và đủ sức “chống chịu” với cú sốc. Tại một số nước Mỹ Latinh có nền tảng tài chính – tiền tệ yếu như Ác-hen-ti-na, thị trường trái phiếu chính phủ, tỷ giá đã có những biến động do những quan ngại về rủi ro hệ thống tài chính.
4. Tác động
Tác động của vụ việc tiếp tục phụ thuộc vào các diễn biến trong thời gian tới cũng như hiệu quả các chính sách ứng phó của các nước, nhất là Mỹ. Ở mức độ hiện nay, một số tác động cụ thể có thể bao gồm:
– Đối với kinh tế toàn cầu: Vụ việc đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động của các chi nhánh của các ngân hàng bị sụp đổ ở nước ngoài. Trong diễn biến mới nhất, ngân hàng HSBC đã quyết định mua lại chi nhánh của SVB tại Anh để sớm ổn định tình hình, tránh tác động đến người dân và nền kinh tế. Ngân hàng SVB hiện có chi nhánh tại 11 nước/vùng lãnh thổ như Anh, Đức, Ca-na-đa, Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Công…
Tuy chưa tạo ra các rủi ro mang tính hệ thống, song tác động gián tiếp của vụ việc đang gây ảnh hưởng tâm lý, tạo một số biến động đối với các thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu. Khi kết hợp với chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều nước cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của một số tổ chức tính dụng. Tại châu Âu, ngày 15/3/2023, cổ phiếu của Credit Suisse giảm 24% do một số cổ đông lớn của ngân hàng từ chối cấp thêm vốn. Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ sau đó đã tuyên bố sẽ hỗ trợ thanh khoản 50 tỷ CHF cho ngân hàng (nếu cần).
Việc ngành công nghiệp công nghệ trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực cũng sẽ có tác động nhất định tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư toàn cầu trong bối cảnh đây đang được coi là động lực phát triển mới của KTTG.
– Đối với kinh tế Mỹ: (i) Giá trị cổ phiếu ngành ngân hàng Mỹ đứng trước áp lực giảm mạnh[8]. Xuất hiện xu hướng dịch chuyển tiền gửi từ các ngân hàng nhỏ sang ngân hàng lớn. Các ngân hàng có lĩnh vực, mô hình hoạt động tương tự SVB và SB đang chịu nhiều tác động; không loại trừ khả năng có thêm một số ngân hàng phải đóng cửa. (ii) Tạo khó khăn nhất định cho hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Mỹ, làm sụt giảm đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số và suy giảm niềm tin, tác động đến tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2023. (iii) Làm phức tạp thêm các nỗ lực giảm lạm phát của FED trong thời gian tới. Một số đánh giá cho rằng có khả năng FED sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng lãi suất 0,25%, nhưng cũng có thể sớm đảo chiều giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Trong bối cảnh chỉ số CPI vẫn ở mức cao, kịch bản “nới lỏng chính sách tiền tệ” quá sớm sẽ tạo rủi ro lạm phát tăng cao trở lại.
5. Khuyến nghị cho Việt Nam
Sự sụp đổ của 2 ngân hàng SVB và SB diễn ra nhanh là do mất thanh khoản. Bản chất của sự sụp đổ xuất phát từ việc mất khả năng thanh toán, không phải do nợ xấu hoặc các khoản nợ xấu được chứng khoán hoá như trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Bộ Tài chính Mỹ và FED đã có phản ứng nhanh, kịp thời hạn chế mức độ lan rộng của vụ việc; các ngân hàng trong tình trạng khó khăn được có công cụ để tiếp cận các khoản hỗ trợ thanh khoản từ phía nhà nước. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, tác động của vụ việc đến thời điểm hiện nay “chưa có dấu hiệu lây lan mang tính hệ thống”, tuy nhiên vẫn cần được theo dõi sát trong bối cảnh hệ thống tài chính – tiền tệ toàn cầu và tại nhiều nước còn tiềm ẩn rủi ro. Một số diễn biến mới tại châu Âu (Credit Suisse) cho thấy hệ thống tín dụng đang chịu nhiều áp lực về thanh khoản do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài.
Quốc tế đánh giá sơ bộ chưa có tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam, không ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Hoa Kỳ cũng như hoạt động tài chính – ngân hàng ở nước ta do các ngân hàng SVB và SB không có chi nhánh tại Việt Nam và các công ty Việt Nam cũng không phải đối tượng cho vay. Tuy nhiên, một số startup của ta tham gia cung cấp các dịch vụ trực tuyến và hưởng doanh thu từ quảng cáo của một số doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định trong ngắn hạn[9]. Ngoài ra, trong ngắn hạn, tác động gián tiếp do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý, đồng thời môi trường tài chính – tiền tệ toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tạo thêm thách thức cho ta trong điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu lạm phát và tăng trưởng. Nếu vụ việc tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại, đồng thời có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam và thu hút đầu tư từ Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ sự sụp đổ của ngân hàng SVB và SB là ưu tiên hàng đầu là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ưu tiên bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống ngân hàng, kiềm chế lạm phát luôn tăng cường các cơ chế quản lý. Bên cạnh đó, giám sát hoạt động ngân hàng cũng như theo dõi sát tác động của chính sách lãi suất là hết sức quan trọng và cần thiết. Việc thiết lập các cơ chế cảnh bảo sớm các rủi ro hay các cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, kịp thời là yếu tố quyết định để xử lý thành công những bất ổn về tiền tệ, ngân hàng. Đồng thời, cần tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến sự việc, cập nhật đánh giá tác động đối với điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là khi có các diễn biến mới (có thêm ngân hàng bị phá sản…) hoặc FED thay đổi chính sách tiền tệ, lãi suất để có những phản ứng chính sách phù hợp với tình hình thế giới và thực tiễn trong nước, không để bị động, bất ngờ.
[1] Đây là Ngân hàng nhỏ với tổng giá trị tài sản khoảng 9,8 tỷ USD.
[2] Khách hàng của SB hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tiền số, có tổng tài sản khoảng 110 tỷ USD.
[3] Năm 2022, nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Alphabet đạt doanh thu dưới mức kỳ vọng; Meta, Twitter, Tesla,…. sa thải nhân viên.
[4] Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc giảm giám sát ngân hàng cỡ trung như SVB từ thời Tổng thống Trump năm 2018 đã bỏ qua một số biện pháp phòng ngừa rủi ro và các kế hoạch ứng phó với bất ổn tài chính.
[5] Tổng tài sản của SVB ít hơn nhiều so với các ngân hàng lớn như JPMorgan (3.700 tỷ USD), Bank of America (3072 tỷ USD), Citi (2381 tỷ USD).
[6] Tuy nhiên, vẫn cho thấy những “lỗ hổng” trong quản trị rủi ro ở các ngân hàng vừa và nhỏ như SVB (các ngân hàng này được “miễn” trách nhiệm xây dựng các kế hoạch ứng phó với bất ổn tài chính).
[7] Tuyên bố của Phó phát ngôn Chính phủ Thái Lan ngày 13/3/2023.
[8] Ngân hàng First Republic Bank giảm 61,8%, Western Alliance Bancorp 47,1%, KeyCorp 27,3%…
[9] Vừa qua, các công ty Ironsource và Unity (Mỹ) đã thông báo cho các đối tác tại Việt Nam về việc chậm thanh toán các khoản phí quảng cáo cho tới khi việc mua bán, sáp nhập các Ngân hàng SVB và SB thành công.
(Vụ Tổng hợp kinh tế)