Bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng tạo động lực tăng trưởng kinh tế và có khả năng lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế quan trọng khác như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất… Trong năm 2022, lĩnh vực bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm nhân lực. Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản hiện nay gặp 04 khó khăn chính là vướng mắc về vốn; vướng mắc liên quan đến luật đất đai trong xác định giá đất, tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng; khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội; và các thông tin không chính xác về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu và xử lí vi phạm của một số doanh nghiệp gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Để có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm xử lý vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản hướng tới phát triển thị trường bất động sản bền vững thì kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này là vô cùng cần thiết.
1. Một số đặc điểm về thị trường bất động sản Trung Quốc và phương thức quản lý của Chính phủ
1.1. Vai trò đối với nền kinh tế: Bất động sản là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc. Tổng đầu tư vào bất động sản đã tăng từ khoảng 3% GDP vào năm 2000 lên mức cao nhất là 14,8% vào năm 2014 và ở mức 12,9% GDP vào cuối năm 2021. Nếu tính cả các yếu tố đầu vào của chuỗi cung ứng ngành bất động sản thì lĩnh vực này có thể chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc; 40-50% nguồn thu tài chính của 90% thành phố Trung Quốc; chiếm 60-70% giá trị tài sản các hộ gia đình. Đầu tư vào nhà ở là động lực phát triển chính của lĩnh vực, chiếm gần 70% tổng đầu tư bất động sản[1].
1.2. Về quy mô thị trường: Trong hơn 20 năm qua, quy mô thị trường bất động sản Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là sau khi cải cách nhà ở bắt đầu từ năm 1992. Từ năm 1998 đến năm 2021, doanh thu nhà ở thương mại đã tăng 90 lần lên 18,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT); đầu tư vào bất động sản tăng 25 lần lên 14,8 nghìn tỷ NDT; diện tích nhà ở cũng tăng 15 lần lên 1,79 tỷ mét vuông[2]. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, hiện nay có khoảng 100.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tăng 4 lần so với 20 năm trước. Nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Trung Quốc phát triển mạnh do: (i) Dân số Trung Quốc tăng nhanh khiến nhu cầu thực về nhà ở tăng theo; (ii) Trung Quốc sử dụng lĩnh vực bất động sản như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội;
(iii) Người dân coi bất động sản là kênh đầu tư chủ yếu và có khả năng sinh lời cao.
1.3. Về khủng hoảng thị trường bất động sản ở Trung Quốc: Trước khi thị trường bất động sản gặp khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay, Trung Quốc đã trải qua 3 lần khủng hoảng vào các giai đoạn 1993-1998, 1998-2008 và 2008-2013[3]. Đặc điểm chung của các lần khủng hoảng là đều diễn ra theo 4 giai đoạn:
Kích thích và tăng trưởng: Các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường bất động sản dẫn đến giá nhà tăng cao.
Thắt chặt quản lý: Để quản lý thị trường, hạ nhiệt giá nhà, Chính phủ Trung Quốc ban hành các chính sách và biện pháp kiểm soát từ cả hai phía cung – cầu. Các cơ quan liên quan thường sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ (lãi suất cao, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng cao hơn[4]…), các biện pháp hành chính để hạn chế các nhà phát triển bất động sản tiếp cận nguồn vốn (tiêu chuẩn vay vốn cao hơn), hạn chế đối với người mua (hạn chế giao dịch bất động sản, hạn chế quyền sở hữu nhiều tài sản, quyền sở hữu của người không cư trú và yêu cầu thời gian nắm giữ tối thiểu…).
Thị trường đi xuống: Các chính sách và biện pháp này khiến thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản giảm mạnh, mức tăng của giá nhà được kiềm chế.
Giải cứu thị trường: Do mức độ quan trọng của thị trường bất động sản đối với hệ thống tài chính – ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung,
Chính phủ Trung Quốc đảo ngược các biện pháp và chính sách để bình ổn thị trường.
2. Cuộc khủng hoảng hiện nay của thị trường bất động sản Trung Quốc và các chính sách, biện pháp hỗ trợ của Chính phủ
2.1. Tình hình: Thị trường bất động sản Trung Quốc đang trong giai đoạn cuối của một chu kỳ phát triển. Có thể khái quát sự phát triển của thị trường bất động sản Trung Quốc trong chu kỳ từ 2013 đến nay như sau:
– 2013 – 2016: Thị trường bất động sản Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Tương tự như những lần trước, khủng hoảng thị trường bất động sản
Trung Quốc manh nha từ chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2014 khi Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ định hướng xuất khẩu sang chú trọng nhu cầu trong nước nhiều hơn.
– 2016 -2020: Trong bối cảnh giá nhà ở tăng nhanh do tâm lý đầu cơ, Trung Quốc đã quyết liệt ban hành nhiều chính sách quản lý thị trường với phương châm “nhà để ở, không phải để đầu cơ”. Tháng 9/2016, chính quyền ở 21 thành phố lớn đã áp đặt biện pháp hạn chế mới đối với việc mua bất động sản đầu tư. Năm 2017, yêu cầu thanh toán trước và tỷ lệ thế chấp đã được tăng lên đối với những người mua nhà lần đầu ở các thành phố lớn để ngăn chặn sự tăng giá. Mặc dù nguồn cung đất đai đã tăng lên ở các thành phố cấp 1 và cấp 2 trong năm 2016 và 2017, nhưng hầu hết nguồn cung này đều phải tuân theo các điều kiện đấu giá đất mới (đặt giá trần cho giá đấu thầu và chỉ sử dụng tài sản hạn chế cho các dự án cho thuê thuộc sở hữu của nhà phát triển bất động sản) hoặc được phân vùng chỉ dành cho nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội.
Một đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là sự mất cân đối cung – cầu nhà ở. Ở phía cầu, người dân tại các thành phố lớn gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà do mức giá ngoài khả năng chi trả. Ở phía cung, nguồn cung nhà ở tại các thành phố kém phát triển lại dư thừa. Thêm vào đó, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã sử dụng nhiều cách thức để huy động nguồn vốn triển khai dự án, trong đó bao gồm nhiều kênh huy động có tính rủi ro cao, đưa đòn bẩy tài chính lên mức quá cao. Tỷ lệ nợ của lĩnh vực bất động sản, xây dựng ngày càng tăng, lên mức 70% tổng tài sản[5].
Tháng 8/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ban hành chính sách giới hạn “3 lằn ranh đỏ”, bao gồm: (i) Tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản dưới 70%; (ii) Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100%; và (iii) Tiền mặt phải lớn hơn hoặc bằng với nợ ngắn hạn. Các công ty không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ phải đối mặt với những hạn chế trong việc vay vốn từ ngân hàng. Chính sách này khiến các nhà phát triển càng gặp khó khăn và nhiều nhà phát triển bất động sản có nguy cơ vỡ nợ.
– 2021 – 2022: Thị trường đi xuống. Sự kiện tập đoàn bất động sản Evergrande tuyên bố vỡ nợ là “cú huých mạnh” khiến thị trường bất động sản chao đảo. Các nhà phát triển bất động sản không có đủ nguồn tài chính để hoàn thiện dự án và bàn giao nhà. Theo sau Evergrande, nhiều nhà phát triển bất động sản khác như Yango Group, Sunac China Holdings cũng có nguy cơ vỡ nợ. Điều này tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư và người mua nhà. Cùng với đó, do tác động của dịch Covid, nhu cầu mua nhà của người dân cũng có dấu hiệu suy giảm. Trong năm 2021, người mua nhà đến biểu tình ở các dự án chậm bàn giao căn hộ mà họ đã trả tiền xong trước khi hoàn tất, số người mua nhà dừng thanh toán khoản vay thế chấp nhà tăng vọt. Các số liệu về thị trường bất động sản trong năm 2022 đều suy giảm rõ rệt, trong đó diện tích và doanh số bán nhà giảm lần lượt 27% và 28%; diện tích xây dựng mới giảm đến 40% so với năm 2021. Các số liệu cho thấy lĩnh vực bất động sản đã tạo ra những lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2022. Với mức tăng GDP ước khoảng 3% năm 2022, đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc trong hơn 40 năm qua, một phần do tác động từ khủng hoảng thị trường bất động sản.
Nội dung | Tổng đầu tư BĐS (tỷ NDT) | Diện tích nhà ở xây mới (triệu m2) | Diện tích nhà ở hoàn thiện (triệu m2) | Diện tích nhà ở bán ra (triệu m2) | Doanh thu bán nhà ở (tỷ NDT) |
2022 | 10.064,60 | 881,35 | 625,39 | 1.146,31 | 1.167,47 |
Biến động so với năm 2021 | -9% | -40% | -14% | -27% | -28% |
Nguồn: Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc
– Từ 2022 đến nay: Năm 2022 là năm suy thoái nghiêm trọng nhất của
thị trường bất động sản Trung Quốc trong 30 năm qua[6]. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua một loạt các biện pháp và chính sách từ cả phía cung và phía cầu.
2.2. Kinh nghiệm hỗ trợ thị trường bất động sản của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay
a. Các chính sách và biện pháp hỗ trợ thị trường phục hồi.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã ban hành Kế hoạch 16 điểm nhằm giúp thị trường bất động sản hồi phục. Kế hoạch này bao gồm các điều khoản mang tính định hướng để thị trường tự điều tiết; nới lỏng tín dụng có hạn mức giúp các nhà phát triển bất động sản vay vốn để hoàn thành các dự án dang dở, nhất là các dự án nhà ở; ưu tiên hỗ trợ người thực sự có nhu cầu mua nhà (người lần đầu tiên mua nhà)…
Nhiều biện pháp cụ thể hoá Kế hoạch trên đã được triển khai, đáng chú ý là: (i) 6 ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước đã ký thỏa thuận với các doanh nghiệp bất động sản có hồ sơ kinh doanh tốt cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới hơn 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 140,2 tỷ USD)[7]. (ii) Mỗi chính quyền địa phương đều ban hành những biện pháp khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của địa phương để ổn định lại thị trường bất động sản tại địa phương. Một số thành phố trực thuộc trung ương (như Giang Tô, Liêu Ninh, Thượng Hải và Trùng Khánh) đã huỷ bỏ nhiều biện pháp hạn chế giao dịch nhà ở và thực hiện chính sách “giảm kép” là giảm tỷ lệ thanh toán trước và giảm lãi suất cho vay cho những người mua nhà lần đầu.
b. Xử lý các tập đoàn bất động sản phá sản và hoạt động kém hiệu quả.
Trung Quốc thành lập “Uỷ ban giải quyết rủi ro” đối với từng trường hợp cụ thể trên nguyên tắc ít tạo ra sự đổ vỡ hoặc các hệ luỵ kéo dài cho xã hội. Các cơ quan trực thuộc chính phủ sẽ can thiệp và các doanh nghiệp này sẽ được cơ cấu lại. Một số trường hợp đã được “Uỷ ban giải quyết rủi ro” xử lý thành công có thể kể đến là Tập đoàn Hoa Hạ Hạnh Phúc (China Fortune Land Development)[8]. Đối với trường hợp của Evergrande, “Uỷ ban giải quyết rủi ro Tập đoàn Evergrande” đã được thành lập tại Quảng Đông với nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu, thúc đẩy mua bán sáp nhập. Ngoài ra, các chính quyền địa phương nơi có dự án của Evergrande cũng thành lập các “Tổ công tác rủi ro đặc biệt” để can thiệp vào việc xử lý khủng hoảng với trọng tâm là cách ly rủi ro của Evergrande với các ngân hàng thương mại. Cho đến nay, Tập đoàn Evergrande vẫn đang tập trung vào việc chào bán các bất động sản của mình để tái cơ cấu; vấn đề về nợ nước ngoài vẫn chưa tìm được phương án giải quyết.
Kết quả của các chính sách và biện pháp giải cứu: Trong tháng 1/2023, quy mô giao dịch bất động sản ở Trung Quốc vẫn đang ở mức thấp. Tuy nhiên, một số thành phố cấp 3 và cấp 4 đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực về giao dịch bất động sản nhà ở (như Thành Đô và Hợp Phì). Giá nhà ở mới và đã qua sử dụng tiếp tục đà giảm với biên độ nhỏ hơn. Một số ý kiến cho rằng thị trường bất động sản Trung Quốc đã qua đáy suy giảm và bước vào giai đoạn phục hồi.
c. Phát triển bền vững thị trường bất động sản, ưu tiên nhà ở xã hội
So với các giai đoạn trước, Trung Quốc đã có sự thay đổi về chủ trương phát triển thị trường bất động sản, đặt yếu tố ổn định lên trên hết thay vì sự tăng trưởng: (i) Năm 2017, Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu lại khái niệm “nhà để ở, không phải để đầu cơ” và xác định thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ được điều chỉnh thông qua các chính sách đầu tư, pháp luật, tài chính và thuế. (ii) Năm 2022, Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh mô hình phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh và bền vững và việc phòng ngừa, tháo gỡ rủi ro được đặt lên hàng đầu. Hội nghị công tác Kinh tế Trung ương tháng 12/2022 nhấn mạnh chuyển đổi thuận lợi sang
mô hình phát triển mới.
Phát triển nhà ở xã hội cho nhóm cư dân đô thị mới (công nhân lao động và thanh niên có thu nhập thấp) là ưu tiên của chính sách phát triển bất động sản hiện nay. Để thực hiện chính sách này, Trung Quốc đang tăng cường thúc đẩy phát triển thị trường nhà cho thuê dài hạn[9]. Trọng tâm công tác phát triển nhà ở xã hội giá rẻ trong năm 2023 bao gồm: (i) Tăng cường nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê, thúc đẩy cải tạo các khu nhà ổ chuột; (ii) Tích cực phát huy vai trò của quỹ tiết kiệm nhà ở, thúc đẩy số hoá quỹ tiết kiệm nhà ở.
3.1. Một số đặc điểm trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển thị trường bất động sản của Trung Quốc:
– Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, Trung Quốc có xu hướng sử dụng một phương thức chung để xử lý khủng hoảng mang tính chu kỳ của thị trường bất động sản. Ở mỗi giai đoạn trong một chu kỳ phát triển, Trung Quốc có xu hướng sử dụng cùng nhóm các chính sách tiền tệ và các biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường. Khi thị trường bùng nổ, chính quyền sẽ áp đặt các chính sách thắt chặt tiền tệ và quản lý hành chính chặt chẽ. Để hỗ trợ thị trường phục hồi, chính sách nới lỏng tiền tệ được sử dụng đi kèm với các biện pháp hành chính khác. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi năng lực tài chính lớn và đồng thời Trung Quốc phải có năng lực quy hoạch đô thị tốt hơn nhiều nước đang phát triển.
– Cách Trung Quốc hỗ trợ thị trường phục hồi hiện nay có nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều yếu tố thuận lợi. Thách thức chủ yếu nằm ở phía cầu: (i) Khủng hoảng lần này của Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái và bản thân kinh tế Trung Quốc cũng chịu tác động tiêu cực của dịch Covid. Người dân Trung Quốc có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn khi thu nhập bấp bênh[10]; (ii) Nguồn cung nhà ở đã dư thừa nếu tính theo số hộ gia đình[11].
Mặt khác, các yếu tố thuận lợi bao gồm: (i) Trung Quốc có nền tảng kinh tế và năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm xử lý khủng hoảng thị trường bất động sản; (ii) Do chủ trương hiện nay của Trung Quốc là phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản nên Chính phủ không còn chịu áp lực cần phải kích thích thị trường để nhanh chóng tăng trưởng trở lại.
– Lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã được sử dụng hiệu quả như một công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn bứt tốc. Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng cách xử lý của Trung Quốc chỉ mang tính ngắn hạn và không giải quyết triệt để vấn đề giá nhà tăng nóng, nhưng nếu xét đến mục tiêu sử dụng lĩnh vực bất động sản như một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế thì kiềm chế giá nhà không hẳn đã là mục tiêu hàng đầu. Với mức độ đóng góp lớn trong cơ cấu GDP và khả năng kích thích kinh tế do có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác, thúc đẩy lĩnh vực xây dựng, bất động sản phát triển đã góp phần giúp Trung Quốc thành công trong việc giữ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm. Đây là yếu tố quan trọng để kinh tế Trung Quốc bứt phá để trở thành nước thu nhập trung bình.
– Thị trường bất động sản Trung Quốc ngày càng phát triển và hoàn thiện. Mặc dù cùng sử dụng các nhóm chính sách và biện pháp ở mỗi chu kỳ khủng hoảng nhưng quy mô và mức độ tinh vi ngày càng tăng qua từng chu kỳ. Đối với giai đoạn hiện nay, các chính sách và biện pháp quản lý của
Trung Quốc đang được đánh giá là có tính dài hạn hơn do chủ trương của Trung Quốc cũng đã thay đổi sang đảm bảo tính ổn định và bền vững của thị trường. Trong chu kỳ này, các công cụ tài chính hỗ trợ thị trường bất động sản (như chứng khoán hoá và quỹ uỷ thác) cũng được tăng cường và phát triển mạnh mẽ, điều này sẽ giúp thị trường bất động sản Trung Quốc hoàn thiện hơn./.
[1] Báo cáo, số liệu đánh giá của World Bank về “Các điểm dễ tổn thương của thị trường bất động sản và ổn định tài chính ở Trung Quốc” (6/2022).
[2] Theo nghiên cứu của Xiang, Guocheng, Juan Tang, và Shuntian Yao “The characteristics of Housing Market and the Goal of Stable and Healthy Development in China’s cities” (2022).
[3] Theo báo cáo của IMF (Stabilizing China’s Housing Market- 4/2022), bong bóng bất động sản tại Trung Quốc diễn ra trong các giai đoạn: (i) 1993-1998, Chương trình nhà ở dành cho các hộ gia đình đã khiến bong bóng bất động sản xảy ra cục bộ tại một số thành phố. Hậu quả là nhiều nhà phát triển bất động sản tại các thành phố này phá sản, gia tăng nợ xấu và nhiều công trình xây dựng dang dở; (ii) 1998 – 2008: Bất động sản dần dần trở thành thành phần chính của nền kinh tế Trung Quốc khi chính quyền địa phương tăng cường ngân sách bằng cách cung cấp đất cho các nhà phát triển bất động sản và hoạt động đầu cơ xuất hiện khiến thị trường nhà ở tại các thành phố lớn trở nên quá nóng; (iii) 2008 – 2013: Lo ngại về hậu quả lan rộng từ cuộc Đại suy thoái, Trung Quốc đã ban hành một gói các chương trình kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, bao gồm hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 2008 đến 2009, ban hành các biện pháp và hướng dẫn hành chính khuyến khích sự phát triển của thị trường nhà ở. Điều này đã khiến thị trường bất động sản bùng nổ mạnh trong giai đoạn này.
[4] Do các khoản vay, thế chấp bất động sản chiếm phần lớn tín dụng của ngân hàng.
[5] Báo cáo của IMF “A Tale of Tier 3 Cities” (9/2022). Theo một thống kê của Bloomberg, các khoảng nợ liên quan đến bất động sản chiếm gần 40% tỷ trọng nợ tại các ngân hàng Trung Quốc.
[6] Đầu tư vào bất động sản giảm lần đầu tiên kể từ khi số liệu này được thống kê vào năm 1999. Cũng lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua, giá nhà tại Trung Quốc năm 2022 giảm mạnh tại hơn 100 thành phố trong 7 tháng liên tiếp cho tới tháng 1/2023.
[7] Theo Tân Hoa Xã, 6 ngân hàng này bao gồm: Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Giao thông (BCM) và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc (PSBC). Các gói hỗ trợ tài chính này chủ yếu để phát triển bất động sản, thế chấp cho người tiêu dùng, sáp nhập và mua lại, tài trợ chuỗi cung ứng và đầu tư trái phiếu.
[8] Tháng 3/2021, China Fortune Land Development đã tuyên bố vỡ nợ đối với khoản trái phiếu trị giá 530 triệu USD, trở thành công ty bất động sản đầu tiên “thất bại trong việc trả nợ kể từ khi Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ vấn đề tín dụng của các nhà đầu tư bất động sản. “Uỷ ban giải quyết rủi ro” đã khuyến khích các nhà phát triển bất động sản có tình trạng tài chính lành mạnh mua lại các dự án từ các nhà phát triển bất động sản có vấn đề về tín dụng để giảm bớt căng thẳng về thanh khoản. Đến tháng 12/2022, China Fortune Land Development đã đồng ý bán lại cổ phần chủ sở hữu và nợ của bốn công ty bất động sản thành viên với trị giá 12,4 tỷ Nhân dân tệ (1,8 tỷ USD) cho một công ty con của China Resources Land (CR Land). Số tiền thu được từ thương vụ sẽ được China Fortune Land Development sử dụng chủ yếu để trả nợ và thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nợ. Đối với China Resources Land, thỏa thuận này có thể giúp công ty mở rộng thị phần ở các khu vực trung tâm của thành phố Vũ Hán và Nam Kinh, nơi có tiềm năng phát triển lâu dài; nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo ra lợi nhuận đầu tư.
[9] Từ tháng 7/2021, Văn phòng Quốc vụ viện đã đưa ra 5 biện pháp hỗ trợ chương trình nhà ở xã hội cho thuê, bao gồm: (i) Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đất đai để phát triển nhà ở cho thuê giá rẻ (như một số thành phố nhất định có thể sử dụng quỹ đất công để xây nhà ở xã hội cho thuê; chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không phải đóng thêm phí chuyển đổi; tăng tỷ lệ đất sử dụng làm khu nhà cho thuê của công nhân tại các khu công nghiệp…); (ii) Đơn giản hoá quy trình và thủ tục xét duyệt đối với đất sử dụng để xây nhà ở xã hội cho thuê; (iii) Cấp kinh phí trợ cấp từ cơ quan trung ương đối với dự án nhà ở xã hội cho thuê; (iv) Chính sách ưu đãi về thuế và các ưu đãi dân sinh đối với các khu đất chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng nhà ở xã hội cho thuê; (v) Tăng cường hỗ trợ tài chính, khuyến khích các tổ chức tài chính cung cấp các khoản vay dài hạn cho các nhà phát triển bất động sản có dự án nhà ở xã hội cho thuê.
[10] Theo China Times, tỷ lệ tiết kiệm của người dân Trung Quốc hiện nay đã tăng lên 36%, cao hơn mức 30% trước đây.
[11] Khoảng 96% hộ gia đình tại Trung Quốc đang sở hữu 1 căn hộ và 41,5% hộ gia đình sở hữu 02 căn hộ.
(Vụ Tổng hợp Kinh tế – Bộ Ngoại giao)