Quá trình thoát Trung của doanh nghiệp Nhật Bản không mấy tiến triển

0
80
(Internet)
(Internet)

Ngày 3/8, trên Báo Sankei (Nhật Bản), có bài viết với tiêu đề “Quá trình thoát Trung của doanh nghiệp Nhật Bản không mấy tiến triển” phân tích những khó khăn của doanh nghiệp Nhật Bản trong việc dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Nội dung chính bài báo như sau:

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 làm rối loạn chuỗi cung ứng sản xuất, các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh sức hấp dẫn lớn không thể phủ nhận của thị trường nội địa Trung Quốc với 1,4 tỷ dân thì việc chưa tìm ra “địa điểm phù hợp” là lý do cản trở mong muốn “thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc” của doanh nghiệp Nhật, mặc dù chính phủ Nhật đã đưa ra gói hỗ trợ lớn cho việc “thoát khỏi Trung Quốc” cũng như các chính sách phục hồi sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp Nhật Bản hoàn toàn hiểu cần phải đa dạng hóa và phân tán chuỗi cung ứng, không được phụ thuộc vào mỗi Trung Quốc, điều này càng rõ rệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) hiện đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác. Trong tháng 7/2020, JETRO đã hỗ trợ 30 doanh nghiệp. Chính phủ Nhật Bản cũng đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp củng cố cơ sở sản xuất trong nước và đã hỗ trợ 57 doanh nghiệp, trong đó có hãng Sharp.

Một vài hãng đã thành công trong việc “thoát khỏi Trung Quốc”. Giám đốc Tanimoto của tập đoàn Kyocera cho biết do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, từ năm 2018 hãng đã rời nhà máy sản xuất camera gắn trong xe hơi chuyên xuất khẩu cho thị trường Bắc Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan. Cho đến tháng 7 năm nay, hãng Asics đã hoàn thành rời nhà máy sản xuất giầy thể thao từ Trung Quốc sang Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang trong quá trình dò dẫm tìm kiếm con đường “thoát Trung” và giới sản xuất vẫn rất coi trọng thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê của JETRO, tổng vốn đầu tư vào Trung Quốc của Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt 5,9 tỷ USD, không kém so với mức đầu tư cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Toyota công bố đã thành lập nhà máy liên doanh sản xuất hệ thống pin nhiên liệu với 5 nhà máy của Trung Quốc; Honda cũng đã quyết định rót vốn đầu tư vào một hãng sản xuất pin lớn của Trung Quốc, ngày càng gắn chặt hơn với thị trường này.

Bộ phận điều tra tâm lý doanh nghiệp của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản cho biết không thể phủ nhận tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Nhật Bản thậm chí khó có thể “thoát khỏi Trung Quốc” ngay cả khi chi phí nhân lực ngày càng tăng cao và họ khắc phục điều này bằng cách đẩy mạnh tự động hoá.

Trung Quốc cũng đang thực hiện các chính sách giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết họ nhận được rất nhiều câu hỏi “doanh nghiệp Nhật Bản thực sự muốn rời khỏi Trung Quốc?” từ chính quyền địa phương nơi đặt nhà máy. Mặt khác, bản thân Trung Quốc cũng tự ý thức được sự hấp dẫn từ thị trường nội địa khổng lồ của mình. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 5, Bộ trưởng Bộ Thương vụ Trung Quốc đã nói rằng “Trung Quốc là một trường với 1,4 tỷ dân, những nhà kinh doanh khôn ngoan chắc chắn sẽ không từ bỏ thị trường Trung Quốc”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here