Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam dưới góc nhìn của báo chí nước ngoài

0
102
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra trong 2 ngày đầu tháng 5 là diễn đàn đối thoại về kinh tế tư nhân lớn nhất với sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu, bao gồm đại diện Chính phủ, bộ, ban ngành, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, diễn giả. Truyền thông trong nước và quốc tế đã theo sát sự kiện và đưa ra nhiều bình luận về cơ hội phát triển Kinh tế tư nhân của Việt Nam, xin giới thiệu một số ý kiến từ một số báo chí nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật

Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ” nhằm ba mục tiêu: đánh giá kết quả sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết 10 của Trung ương và Nghị quyết 98 của Chính phủ, nhận diện các mặt được để phát huy và các mặt chưa được để khắc phục; quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân (KTTN) trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo cơ hội cho các doanh nhân tư nhân, cơ quan, tổ chức đối thoại, hiến kế, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về các cơ chế, chính sách và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển KTTN.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ phát triển và vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, ông kêu gọi doanh nghiệp “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” để phát triển và đóng góp cho xã hội, cũng như vươn ra cạnh tranh toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là dịp để Nhà nước tiếp thu ý kiến cho việc góp ý xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đại diện của các cơ quan Đảng và Chính phủ, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 cho biết, khối doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng phát triển qua các con số ghi nhận như đóng góp tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khoảng 14% so với tổng thu ngân sách Nhà nước, và tính đến cuối năm 2018, có 715 nghìn doanh nghiệp tư nhân, chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế.

Giới chức Nhà nước Việt Nam cũng nhắc lại mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ có một triệu doanh nghiệp tư nhân và cố gắng nâng tỷ trọng đóng góp lên đến 50-60% GDP.

Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nêu thông điệp về chủ trương của Việt Nam là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, mà ông nói là “nền kinh tế phải vỗ bằng hai tay là Nhà nước và thị trường”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam nhận định: “Chính phủ cũng đã quan tâm rất lớn đến kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế tư nhân thật sự chưa được như mong muốn. Chính vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 với khoảng 2.500 đại diện của các doanh nghiệp tư nhân thực sự là một bước đổi mới. Người ta đã lắng nghe hơn những ý kiến khác nhau từ các doanh nghiệp tư nhân, từ đó cũng có các trao đổi một cách tương đối thẳng thắn, sòng phẳng về những vướng mắc cũng như những vấn đề mà kinh tế tư nhân đang gặp phải và cần phải có sự thay đổi cả về thể chế, kinh tế cũng như về phương thức quản lý, đặc biệt là thay đổi về cách điều hành đối với các cơ quan quản lý khi có kinh tế tư nhân”.

Thách thức, khó khăn và hạn chế
Mặc dù khách tham dự Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 thừa nhận rằng trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hóa về các chính sách kinh tế liên quan kinh tế tư nhân, tuy nhiên, khối kinh tế tư nhân vẫn còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn và hạn chế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng xác nhận còn có nhiều rào cản, vướng mắc về mặt thể chế và pháp luật trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, truyền thông trong nước đăng tải nhiều thông tin liên quan doanh nghiệp trong nước than phiền về cơ chế, mà trong đó chủ yếu là tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan chức năng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tháng 3/2019, công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, ghi nhận phản ánh từ 12 nghìn doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy có đến 58% bị nhũng nhiễu và 54% phải trả chi phí bôi trơn cho cơ quan công quyền các cấp.

Liên quan kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ muốn thúc đẩy kinh tế tư nhân để có thể tạo ra sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng không những đóng góp cho xã hội mà còn vươn tầm quốc tế, một số doanh nghiệp tư nhân cho biết đó cũng là mong muốn và ước vọng của họ ngay khi có ý tưởng kinh doanh hình thành. Thế nhưng, với môi trường kinh doanh hiện nay tại Việt Nam, rất khó để thực hiện được.

Phát triển hài hòa giữa tư nhân và nhà nước

Không ít chuyên gia đã lưu ý rằng, với chủ trương của Chính phủ đưa kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn và là động lực phát triển kinh tế mà vẫn giữ kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, rõ ràng thực tế đã chứng minh khối kinh tế tư nhân không thể phát triển như mong đợi suốt 3 thập niên qua.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 nhấn mạnh rằng, kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ; tuy nhiên, cần phải luôn cảnh giác với mọi biểu hiện sai lệch, dẫn tới tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân, mà cần phải khích lệ các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường. Ông Bình khẳng định, phải có sự giải quyết đúng đắn quy luật giữa nhà nước và thị trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, tuyên bố của ông Nguyễn Văn Bình là hợp lý: “Hợp lý ở chỗ nhà nước vẫn có bàn tay điều tiết để phát triển một cách đồng đều và tận dụng năng lực của nhà nước đang có, nhưng một mặt, nhà nước phải tự đổi mới mình bằng cách đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở những ngành, những lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ toàn bộ để đẩy lượng tài sản, năng lực sản xuất sang khu vực tư nhân cùng với việc xây dựng mới ở khu vực tư nhân, từ đó giúp cho khu vực tư nhân lớn lên và liên kết với nhau trở thành những dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị để từ đó tạo ra được những thực thể kinh tế tư nhân có tầm vóc, có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh bày tỏ hy vọng sau Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 sẽ có những thay đổi, đổi mới trong cách thức thực hiện, cũng như đường lối chỉ đạo để từ đó cho kinh tế tư nhân được rộng đường phát triển.

Một số chuyên gia kêu gọi Chính phủ cần cấp bách hành động vì nhiều dự án kinh tế lớn do doanh nghiệp nhà nước quản lý bị thua lỗ hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong lúc tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp mới được thành lập, hơn 45 nghìn doanh nghiệp giải thể mỗi ngày trong năm 2018. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có được một thương hiệu nổi tiếng tầm quốc tế.

Nguyễn Hằng (tổng hợp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here