Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6 – 6,5%

0
62
(minh họa)
(minh họa)
Mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đã chính thức được Quốc hội quyết nghị. Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng là tăng trưởng GDP đạt khoảng 6 – 6,5%.
Trong khi năm 2024 được các định chế quốc tế đánh giá là tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ chỉ đạt 2,9%, thấp hơn mức 3% của năm nay, nhưng trước những cơn gió ngược được cho là tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước, việc xác định mục tiêu như trên thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục phục hồi, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
Theo phân tích của một số chuyên gia trên Báo Đầu tư, trong 12 nhóm giải pháp được đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội, thúc đẩy các động lực tăng trưởng bao gồm: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu tiếp tục được nhấn mạnh. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 5 – 7% trong năm tới và đây sẽ là động lực tăng trưởng đầu tiên của nền kinh tế.
Mặt khác, do đặc điểm tác động của đầu tư công luôn có độ trễ khoảng 5 tháng, việc đầu tư công được tăng tốc giải ngân trong quý IV năm nay sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Tuy mục tiêu đặt ra là đầy thách thức, nhưng nhiều điều kiện chuyển biến những tháng cuối năm ủng hộ cho triển vọng tăng trưởng năm tới. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc đang phục hồi, thị trường châu Âu dù chưa như mong muốn, nhưng năm tiếp theo có nhiều kỳ vọng.
Các chuyên gia đánh giá yếu tố về tổng cầu xuất nhập khẩu, đầu tư tư nhân có triển vọng lớn. Chuyển biến, tăng trưởng đến đâu phụ thuộc rất nhiều và hành động của Chính phủ, bộ, ngành, theo báo Tiền Phong.
Tăng năng suất lao động phải dựa vào kinh tế số
Một nhóm giải pháp được tập trung thảo luận đó là làm sao để đạt mục tiêu năng suất lao động tăng 4,8 – 5,3%. Các chuyên gia nhận định trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng kinh tế không còn quá phụ thuộc vào lợi thế tài nguyên địa chính trị hay nguồn nhân lực, mà là năng suất lao động dựa vào kinh tế số, nền tảng số.
Kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số ngày càng dựa vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, nhưng con người vẫn là trung tâm, là nhân tố quyết định. Nếu không dù được trang bị công nghệ tối tân đến đâu, trí tuệ nhân tạo phát triển thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể tăng được năng suất lao động, hiệu quả lao động, thông tin trên Báo Đầu tư.
Nhận định trên của cộng đồng doanh nghiệp cũng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh khi đề cập đến những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Chủ trương kinh tế xanh là như vậy, nhưng theo khảo sát mới đây của VCCI, có tới 88 – 93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác nhau chưa từng biết tới, hoặc nghe nói sơ qua về thỏa thuận xanh và các chính sách quy định cụ thể mà EU đã thực hiện cho đến thời điểm hiện nay.
Doanh nghiệp “ăn xổi” khó phát triển bền vững
Tờ Lao động bình luận, nếu doanh nghiệp chỉ “ăn xổi” thì sẽ không thể phát triển bền vững vì xanh hóa là con đường tất yếu và xu thế chung của toàn thế giới. Trong quá trình chuyển đổi toàn diện, chi phí hao tổn có thể cao, mức đầu tư lớn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên doanh nghiệp nên hiểu đây không phải là gánh nặng về tài chính, mà là khoản đầu tư cho hành trình phát triển bền vững.
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chính là tấm hộ chiếu xanh giúp cho doanh nghiệp vượt qua các rào cản, vươn mình mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính nhất trên thế giới.
Thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có nhận thức sớm, đi tiên phong, làm nhiều việc hướng tới kinh tế xanh. Kết quả là những doanh nghiệp đó đã nâng cao được năng lực cạnh tranh, thuyết phục và tạo niềm tin lớn cho người tiêu dùng.
Cải thiện môi trường đầu tư khi áp thuế tối thiểu toàn cầu
Toàn cầu hóa là đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của quốc tế tuân thủ và thực hiện các cam kết luật chơi trong sân chơi toàn cầu và việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mà Quốc hội thảo luận trong tuần qua là một trong những chính sách như vậy.
Nhiều luồng ý kiến liên quan đến chính sách mới này của OECD. Mặt lợi là khoản thuế này nhằm mục đích giúp cho môi trường cạnh tranh giữa các quốc gia đảm bảo công bằng, minh bạch và chống chuyển giá. Việc áp dụng mức thuế tối thiểu 15% chắc chắn sẽ làm tăng thu ngân sách. Tuy nhiên mặt bất lợi là có khả năng hạn chế thu hút đầu tư của các tập đoàn nước ngoài hay như làm giảm lợi thế cạnh tranh thông qua chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam.
Một số ý kiến phân tích những mặt được và mất khi Việt Nam quyết định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này. Tuy nhiên nếu không tham gia thì doanh nghiệp là đối tượng chịu thuế cũng vẫn phải nộp về nước đặt trụ sở chính. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để chúng ta cải cách, thay đổi môi trường nội tại.
Phát biểu tại Quốc hội, ý kiến của các đại biểu cho rằng Chính phủ nên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính để nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy Việt Nam là môi trường đáng để đầu tư hay như nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đầu tư trên nguyên tắc công bằng, có tiêu chí cụ thể và không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không.
Thuế là ngân sách, ngân sách có thể dùng để tái đầu tư. Với những nỗ lực cải cách, hoàn thiện môi trường đầu tư trong nước, những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam cũng sẽ thấy yên tâm khi khoản thuế này được áp dụng, với mong muốn là đồng thuế mà mình nộp như một trách nhiệm với xã hội, nhằm tái đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung và tương lai phát triển của doanh nghiệp nói riêng.
(VTV)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here