Phát triển du lịch sinh thái bền vững: tổng quan kinh nghiệm một số nước và hàm ý với Việt Nam

0
334
Khách quốc tế đến Việt nam năm 2022 gấp 41,2 lần so với năm 2021 do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. (Ảnh: Mạnh Cường)

Du lịch sinh thái được đánh giá là loại hình tăng trưởng nhanh nhất trong các loại hình du lịch, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều quốc gia trong những năm gần đây [11]. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, du lịch sinh thái là loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp du lịch, với tốc độ phát triển tăng khoảng 20 – 34%/năm [16]. Tuy nhiên, đứng trước mối đe dọa đối với môi trường của các khu thiên nhiên và khu bảo tồn do quá nhiều khách du lịch; vấn đề phát triển của du lịch sinh thái đã được đề cao và đánh giá lại ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, du lịch sinh thái mới thật sự phát triển từ những năm 90 của thế kỷ 20, với các hình thức như: Du lịch tham quan, nghiên cứu ở một số khu vườn quốc gia; du lịch thám hiểm, nghiên cứu vùng núi cao;…Năm 2021, Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật, là 1 trong 12 trung tâm đa sinh học phong phú nhất thế giới và được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu… [10]. Phát triển du lịch sinh thái không chỉ nâng cao các giá trị tự nhiên, sinh thái; mà còn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa, nâng cao nhận thức của du khách trong nước và nước ngoài về trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sinh thái đã và đang có những tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên. Do vậy, Việt Nam cần có những giải pháp để phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, nhằm đưa ngành Du lịch phát triển theo hướng bền vững. Bài viết nhằm tổng hợp các kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái từ đó rút ra bài học phát triển du lịch sinh thái bền vững cho Việt Nam.

1. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp tổng hợp và nghiên cứu tài liệu: Tổng hợp và phân tích các tài liệu lấy từ các bài báo, các nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái của các nước trong khu vực để đưa ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển du lịch sinh thái.

Phương pháp phân loại: là phương pháp sắp xếp các tài liệu thành hệ thống logic chặt chẽ theo từng vấn đề có cùng bản chất, có cùng hướng phát triển để dễ nhận biết, dễ sử dụng theo mục đích nghiên cứu, giúp phát hiện các bài học, kinh nghiệm phát triển của du lịch sinh thái của các nước trong khu vực.

2.  Kết quả và thảo luận

2.1. Một số lý luận về du lịch sinh thái

2.1.1. Khái niệm về du lịch sinh thái

Định nghĩa về du lịch sinh thái lần đầu tiên được Hector Ceballos-Lascurain nêu vào năm 1987: “Du lịch sinh thái là du lịch đến những khu vực tự nhiên còn ít bị thay đổi, với những mục đích đặc biệt: nghiên cứu, tham quan với ý thức trân trọng thế giới hoang dã và những giá trị văn hóa được khám phá” [13].

Theo Wood, (1991): “Du lịch sinh thái là du lịch đến các khu vực còn tương đối hoang sơ với mục đích tìm hiểu về lịch sử môi trường tự nhiên và văn hóa mà không làm thay đổi sự toàn vẹn của các hệ sinh thái. Đồng thời tạo những cơ hội về kinh tế để ủng hộ việc bảo tồn tự nhiên và mang lại lợi ích về tài chính cho người dân địa phương” [13].

Mặc dù có chung những quan điểm cơ bản về du lịch sinh thái, nhưng mỗi quốc gia, mỗi tổ chức quốc tế đều có những định nghĩa về du lịch sinh thái.

Định nghĩa của Hàn Quốc “Du lịch sinh thái là một hình thức du lịch tự nhiên trong đó sự quan tâm cao nhất dành cho việc bảo tồn môi trường, bao gồm đa dạng sinh học, động vật hoang dã và các hệ sinh thái, với sự nhấn mạnh vào việc giáo dục khách du lịch về môi trường và cách bảo tồn. Các khu vực du lịch sinh thái thường bao gồm các khu định cư (hoặc cộng đồng) hiện có của con người, đặc biệt là của các dân tộc truyền thống, và một kế hoạch du lịch sinh thái phải xem xét các cách để bảo tồn truyền thống và bản sắc văn hóa địa phương và cách mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương này [4].

Định nghĩa của Thái Lan: “Du lịch sinh thái là du lịch có trách nhiệm trong các khu vực có tài nguyên thiên nhiên mang đặc điểm đặc hữu và tài nguyên văn hóa hoặc lịch sử được tích hợp vào hệ thống sinh thái của khu vực. Mục đích tạo nhận thức giữa tất cả các bên liên quan về nhu cầu và các biện pháp được sử dụng để bảo tồn hệ sinh thái và như vậy hướng tới sự tham gia của cộng đồng cũng như cung cấp kinh nghiệm học tập chung về quản lý môi trường và du lịch bền vững” [15].

Ở Việt Nam trong Hội thảo quốc gia về “Xây dựng chiến lược phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam” năm 1999, Tổng cục Du lịch đã đưa ra định nghĩa về du lịch sinh thái ở Việt Nam như sau: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương” [14].

Theo Luật Du lịch Việt Nam ban hành ngày 19/6/2017, du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.

Tóm lại, khái niệm du lịch sinh thái được hiểu từ nhiều góc độ khác nhau dưới nhiều tên gọi khác nhau, nhưng có thể khái quát như sau: Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, phát triển dựa trên các giá trị hấp dẫn của tự nhiên và văn hóa địa phương; lợi nhuận từ hoạt động du lịch góp phần duy trì và nâng cao mức sống của cư dân địa phương; đồng thời tuyên truyền những kiến ​​thức cơ bản về sinh thái học để du khách có ý thức bảo vệ môi trường.

2.1.2. Nguyên tắc của phát triển du lịch sinh thái

Một số nguyên tắc cơ bản cần phải tuân thủ trong quá trình phát triển du lịch sinh tháigồm:

(i) Giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và văn hóa có thể làm hỏng điểm đến;

(ii) Giáo dục du khách về tầm quan trọng của việc bảo tồn;

(iii) Nhấn mạnh tầm quan trọng của doanh nghiệp có trách nhiệm, hợp tác với chính quyền và người dân địa phương để đáp ứng nhu cầu địa phương và chia sẻ lợi ích của bảo tồn;

(iv) Doanh thu trực tiếp cho việc bảo tồn và quản lý các khu vực tự nhiên và được bảo vệ;

(v) Nhấn mạnh sự cần thiết phải phân vùng du lịch theo khu vực và các kế hoạch quản lý du khách được thiết kế cho các vùng hoặc khu vực tự nhiên dự kiến trở thành điểm đến sinh thái;

(vi) Nhấn mạnh việc sử dụng các nghiên cứu cơ bản về môi trường và xã hội, cũng như các chương trình giám sát dài hạn, để đánh giá và giảm thiểu tác động;

(vii) Cố gắng tối đa hóa lợi ích kinh tế cho nước chủ nhà, doanh nghiệp địa phương và cộng đồng, đặc biệt là người dân sống trong và liền kề với các khu vực tự nhiên và được bảo vệ;

(viii) Tìm cách đảm bảo sự phát triển du lịch không vượt quá giới hạn xã hội và môi trường của sự thay đổi có thể chấp nhận được do các nhà nghiên cứu hợp tác với cư dân địa phương xác định;

(ix) Dựa vào cơ sở hạ tầng đã được phát triển hài hòa với môi trường, giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bảo tồn thực vật và động vật hoang dã địa phương, đồng thời hòa hợp với môi trường tự nhiên và văn hóa [2, 8, 13].

2.2. Kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái bền vững của một số nước trong khu vực

2.2.1. Xây dựng chiến lược, chính sách phát triển du lịch sinh thái bền vững

Hầu hết các nước đã xây dựng các chiến lược, chính sách riêng cho phát triển du lịch sinh thái, đây là định hướng, kim chỉ nam để thực hiện phát triển du lịch sinh thái.

Tại Philippine đã Thành lập Hội đồng phát triển du lịch sinh thái quốc gia, đóng vai trò là cơ quan hoạch định chính sách cho du lịch sinh thái. Hội đồng đã xây dựng Chiến lược du lịch sinh tháiquốc gia nhằm cung cấp định hướng toàn diện cho du lịch sinh thái trong nước, xác định các vấn đề và vấn đề phát triển bền vững và đề xuất các phương pháp khả thi để giải quyết các vấn đề này. Nội dung của kế hoạch này bao gồm: phát triển, quản lý và bảo vệ các địa điểm du lịch sinh thái đã được xác định; cải tiến và phát triển sản phẩm; các chiến dịch thông tin và giáo dục môi trường; hỗ trợ các chương trình quản lý cộng đồng và phát triển sinh kế [2].

Tại Malaysia, một kế hoạch du lịch sinh thái quốc gia Bộ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch ban hành vào năm 1995. Và gần đây đã xây dựng Chiến lược quản lý các khu bảo tồn giai đoạn 2015-2025. Chiến lược như một công cụ thích hợp trong sự phát triển du lịch tổng thể của Malaysia, và là một công cụ hiệu quả để bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước [6].

2.2.2. Bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại các điểm du lịch sinh thái

Đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái. Xác định được vai trò và tầm quan trọng đó, các nước đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Hàn Quốc xác định để phát triển du lịch sinh thái bền vững, Chính phủ đã xây dựng một xã hội thân thiện với môi trường, tôn trọng các giá trị sinh thái. Tại Hàn Quốc hơn 70% các loài động và thực vật khác nhau sống tại các Công viên Quốc gia, do vậy Chính phủ xác định các công viên này là trung tâm của việc bảo tồn đa dạng sinh học và cam kết nỗ lực hết sức để bảo vệ động vật và thực vật trong các công viên. Cơ quan Công viên Quốc gia thực hiện “Hệ thống năm nghỉ ngơi (Rest Year System)” trong các khu vực Công viên Quốc gia, mục đích của việc này là để kiểm soát việc tiếp cận trong một khoảng thời gian nhất định đối với các khu vực có khả năng bị hư hại do tập trung nhiều du khách để bảo tồn hệ sinh thái [4].

Tại Philippines đã thiết lập các chương trình nhân giống các loài có nguy cơ tuyệt chủng bằng cách nuôi nhốt tại các vườn thú. Một số loài được chọn nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt được sử dụng làm điểm tham quan để quyên góp tiền từ những người tham quan vườn thú cho chương trình bảo tồn. Các loài bị đe dọa, quý hiếm thường được sử dụng làm biểu tượng trong các chiến dịch gây quỹ và bảo tồn [3].

2.2.3. Trao quyền cho cộng đồng tham gia vào phát triển du lịch sinh thái

Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch sinh thái, bởi cộng đồng có thể là đối tác, nhà cung cấp dịch vụ, nguồn lao động hay là người bảo vệ các điểm du lịch sinh thái. Như tại Philippine thành lập khu bảo tồn biển do người ngư dân quản lý nhằm khai thác bền vững và bảo vệ các rặng san hô. Ngư dân địa phương đã nhận ra việc bảo vệ các rạn san hô không chỉ tăng thêm giá trị cho trải nghiệm du lịch (do đó, thu nhập từ phí sử dụng nhiều hơn và bền vững hơn) mà còn giúp duy trì sản lượng cá cao hơn. Do đó, nâng cao trách nhiệm của người dân địa phương [3].

Hay chương trình Trao quyền cho người dân địa phương với tư cách là điều phối viên du lịch biển tại Hàn Quốc. Họ đã lựa chọn người dân địa phương và đào tạo cho họ trở thành các điều phối viên, có vai trò điều phối và giám sát du lịch biển, bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch biển, tiến hành tư vấn kinh doanh theo kinh nghiệm giám sát và tiếp thị, giáo dục cho cư dân địa phương các cách thức và bảo vệ an toàn cho khu du lịch biển [7].

2.2.4. Nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về du lịch sinh thái

Công tác truyền thông và giáo dục môi trường luôn được các nước đẩy mạnh thực hiện nhằm trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức về du lịch sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường cho cộng đồng và du khách. Tại Thái Lan đã triển khai các kế hoạch hành động cho du lịch sinh thái rất cụ thể đã nhấn mạnh: Phát triển phải thúc đẩy phát triển giáo dục và tạo ra nhận thức của cộng đồng và ngành để cùng duy trì hệ sinh thái của khu vực, thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế và tạo thu nhập [17].

Hay như chính phủ Nhật Bản hết sức chú trọng nâng cao ý thức cộng đồng trong phát triển du lịch sinh thái. Ở các thành phố du lịch Nhật Bản, người dân địa phương, thậm chí cả trẻ em cũng được trực tiếp đào tạo hướng dẫn du lịch. Trong việc đào tạo ý thức và kỹ năng cho người dân, Nhật Bản lấy yếu tố văn hóa làm hạt nhân. Theo quan niệm chung của người Nhật, văn hóa Nhật phụ thuộc vào 3 giá trị và nguyên tắc căn bản là sự hài hòa, thân thiện; sự đồng cảm, thấu cảm và lòng trung thành. Vì thế, người dân địa phương luôn cố gắng thể hiện sự hài hòa thân thiện, sự thấu cảm và lòng trung thành với khách du lịch đến địa phương mình. Qua việc có rất nhiều khách du lịch tới tham quan, cộng đồng địa phương đã nhận ra giá trị, nét đẹp của môi trường sống và lịch sử của mình [12].

2.2.5. Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức liên quan đến phát triển du lịch sinh thái

Một trong những thành công của nhiều nước là đã khuyến khích được các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội, các tổ chức xã hội quan tâm và có trách nhiệm trong việc phát triển du lịch sinh thái.

Như trường hợp nghiên cứu tại Đảo Iriomote ở Okinawa, Nhật Bản, đây là một công viên Quốc gia. Năm 1996, Hiệp hội Du lịch Sinh thái Iriomote được thành lập với khoảng 50 thành viên bao gồm nông dân địa phương, nhà nghiên cứu, hướng dẫn viên chèo thuyền kayak, chủ nhà trọ địa phương và đại diện từ các công ty vận tải địa phương, công ty lữ hành, Văn phòng Công viên Quốc gia Iriomote và Cục Lâm nghiệp, cùng với các quan chức chính quyền địa phương. Hiệp hội hy vọng sẽ đào tạo người dân đảo trở thành hướng dẫn viên du lịch sinh thái [5].

Tại Indonesia, việc quản lý các khu bảo tồn là trách nhiệm của Chính phủ. Các hoạt động như phân định ranh giới, kiểm kê và xác định tài nguyên của công viên, bảo vệ môi trường, lập kế hoạch quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng là những vấn đề quản lý được tổ chức bởi các cơ quan Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng phân cấp, nhượng quyền điều hành và tiến hành các hoạt động du lịch trong các khu bảo tồn đã được phê duyệt (như Công viên giải trí tự nhiên, Công viên rừng lớn hoặc khu sử dụng tập trung của Công viên quốc gia) có thể được cấp cho các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp quản lý các khu du lịch đặc thù được phép thu phí của khách đối với các dịch vụ mà họ cung cấp trong khu vực theo quy định hiện hành; họ có nghĩa vụ lôi kéo người dân địa phương tham gia vào các hoạt động của họ. Các trách nhiệm khác là trả phí giấy phép và tiền bản quyền cho quyền được nhượng quyền du lịch tự nhiên, cũng như duy trì tính toàn vẹn của các khu du lịch [1].

Phát triển du lịch sinh thái ở Malaysia chủ yếu do khu vực tư nhân lãnh đạo. Do đó, các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích tham gia phát triển và quảng bá các điểm đến du lịch sinh thái trong nước, trong khuôn khổ hướng dẫn các cơ quan nhà nước. Khu vực tư nhân tham gia vào việc phát triển các nhà nghỉ sinh thái, tổ chức các tour du lịch, tiếp thị sản phẩm và thông qua các khu hiệp hội kinh doanh khác nhau của họ, tiến hành các chương trình đào tạo cho các hướng dẫn viên của họ [9].

2.3. Bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch sinh thái bền vững với Việt Nam

Từ thực tiễn kinh nghiệm triển khai phát triển du lịch sinh thái tại một số nước trên thế giới tác giả đưa ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất cho Việt Nam như sau:

– Cần xây dựng kế hoạch và đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái rộng rãi trên nhiều vùng miền của đất nước. Cần có những quy hoạch hợp lý, chính sách và dự án tối ưu trong phát triển du lịch nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường, trong đó gồm cả môi trường du lịch tự nhiên, môi trường du lịch nhân văn, môi trường du lịch kinh tế – xã hội…

– Cần trao quyền cho cộng đồng địa phương dựa trên việc chia sẻ rộng rãi thông tin và kiến thức về các điểm đến du lịch sinh thái, hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường bảo tồn đa dạng sinh học.

– Tăng cường các hoạt động tuyên truyền và quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển du lịch sinh thái trong sự phát triển bền vững của đất nước. Việc này không chỉ dừng lại ở du khách, cộng đồng dân cư địa phương mà còn phải tiến hành cả ở các cấp quản lý, các đơn vị và đối tượng kinh doanh tại các điểm du lịch sinh thái bằng nhiều hình thức, như tổ chức cuộc vận động, phổ biến văn bản hướng dẫn, phát hành ấn phẩm, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến những video clip về cảnh quan du lịch sinh thái hay thông qua việc thuyết minh về bảo vệ môi trường của các hướng dẫn viên du lịch.

– Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm mới; kiểm soát suy thoái môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế. Tăng cường kiểm soát chất thải, nhất là chất thải nhựa, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường xung quanh các khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao; giám sát việc thực hiện các cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học trong quá trình triển khai xây dựng, triển khai các dự án phát triển…

– Tăng cường thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế với cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch sinh thái bền vững. Cần có các chính sách, cơ chế đặc thù nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái tại các cộng đồng địa phương như tiếp nhận con em địa phương vào làm việc, sử dụng các sản phẩm địa phương, phát triển các sản phẩm du lịch do cộng đồng phục vụ.

3. Kết luận

Phát triển du lịch sinh thái bền vững sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch tại Việt Nam. Để làm được điều này, từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực, chúng ta cần xây dựng kế hoạch và đổi mới cơ chế chính sách phát triển du lịch sinh thái, đẩy mạnh việc trao quyền cho cộng đồng trong quản lý và phát triển du lịch sinh thái, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng và khách du lịch trong việc phát triền bền vững các khu du lịch sinh thái, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường và bảo tôn đa dạng sinh học tại các điểm du lịch sinh thái, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức trong phát triển DLST. Điều này sẽ góp phần vào việc phát triển bền vững du lịch sinh thái ở Việt Nam và đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch nước nhà./.

(Nhóm tác giả: TS. Hồ Ngọc Ninh (Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – ThS. Trương Thị Cẩm Anh (Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – TS. Nguyễn Tất Thắng (Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – TS. Lại Phương Thảo (Khoa Kế toán và QTKD, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – ThS. Bùi Thị Hải Yến (Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – ThS. Đỗ Thị Thủy (Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên))

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Anak A. G. R. Dalem (2002). Ecotourism in Indonesia. In book: Linking Green Productivity to Ecotourism – Experiences in the Asia-Pacific Region, (pp. 85-97). University of Queensland Printery, Australia.
  2. Arturo M. Alejandrino, (2002). Ecotourism in the Philippines. In book: Linking Green Productivity to Ecotourism – Experiences in the Asia-Pacific Region, (pp. 174-182). University of Queensland Printery, Australia.
  3. Corazon Catibog-Sinha (2010). Biodiversity conservation and sustainable tourism: Philippine initiatives, Journal of Heritage Tourism, 5(4), 297-309
  4. Chang-Gi Yi (2002). Ecotourism in Korea. In book: Linking Green Productivity to Ecotourism – Experiences in the Asia-Pacific Region, (pp. 119-127). University of Queensland Printery, Australia.
  5. Hiroshi Miyakaw (2002). Ecotourism in Japan. In book: Linking Green Productivity to Ecotourism – Experiences in the Asia-Pacific Region, (pp. 108-118). University of Queensland Printery, Australia.
  6. Lê Thu Hạnh (2018). Phát triển du lịch sinh thái Việt Nam: Bài học Kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á. Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tr 4-6.
  7. LimSoo (2023). Empowering Local residents as Marine tourism Coordinator. The International Ecotourism Forum.
  8. Megan E. Wood (2002). Ecotourism Principles, Practices and Policies for Sustainability. United Nations Publication, France.
  9. Mohammed M. Daud (2002). The Ecotourism Development in Malaysia. In book: Linking Green Productivity to Ecotourism – Experiences in the Asia-Pacific Region, (pp. 128-133). University of Queensland Printery, Australia.
  10. Ngọc Diệp (2021). Đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và các giải pháp. Truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/bao-ve-moi-truong/-/2018/824300/da-dang-sinh-hoc-o-viet-nam–thuc-trang-va-cac-giai-phap.aspx#
  11. Nguyễn Quyết Thắng & Nguyễn Văn Hóa (2012). Thực tiễn phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng: Bài học kinh nghiệm cho vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Tạp chí Phát triển kinh tế, 257, 3-11.
  12. Nguyễn Thị Thuý Hạnh (2017). Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững ở Nhật Bản và mội số gợi ý cho ngành Du lịch Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, 22, 97-102.
  13. Phạm Trung Lương (2002). Du lịch sinh thái, những vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  14. Tổng cục Du lịch Việt Nam (1999). Hội thảo Quốc gia Xây dựng chiến lược phát triển Du lịch sinh thái ở Việt Nam, T9/1999. Hà Nội.
  15. Tuan Phong Ly & Thomas Bauer (2014). Ecotourism in mainland Southeast Asia: Theory and practice. Tourism, Leisure and Global Change, 1(2014), 1-19.
  16. The Internatinal Ecotourism Society – TIES (2006). TIES Global Ecotourism Fact Sheet, TIES, Washington, USA.
  17. Vunsadet Thavarasukha (2002). Ecotourism Case Studies in Thailand. In book: Linking Green Productivity to Ecotourism – Experiences in the Asia-Pacific Region, (pp. 226-235). University of Queensland Printery, Australia.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here