Malaysia và kế hoạch tái phát triển ngành công nghiệp đất hiếm

0
257
Một công trường khai thác đất hiếm. (Nguồn: Shutterstock)

Khai thác tài nguyên khoáng sản cũng đòi hỏi phải phân tích hiệu quả chi phí-lợi ích của việc khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng. Quan trọng hơn, những thách thức về môi trường đòi hỏi phải có cơ chế thực thi cũng như giám sát chặt chẽ việc tuân thủ.

Một công trường khai thác đất hiếm. (Nguồn: Shutterstock)

Malaysia muốn có một phần trong miếng bánh đất hiếm màu mỡ bằng cách khai thác trữ lượng khoáng sản ước tính trị giá 173 tỷ USD, trong bối cảnh nước này muốn thúc đẩy FDI và tăng trưởng kinh tế.

Chính quyền Thủ tướng Anwar Ibrahim hy vọng rằng với trữ lượng đất hiếm ước tính 16,2 triệu tấn, cùng mối quan hệ với ông lớn khai thác mỏ Lynas của Australia, nước này sẽ trở thành nhà xuất khẩu chủ chốt trên thị trường đất hiếm toàn cầu.

Đất hiếm được ứng dụng trong các công nghệ xanh, là chất liệu chế tạo mọi thứ từ xe điện đến điện thoại thông minh.

Viện Yusof Ishak Singapor (ISEAS) đăng bài phân tích “Malaysia quay trở lại khai thác mỏ: Tái phát triển các nguyên tố đất hiếm (REE)” của hai đồng tác giả gồm Giáo sư Tham Siew Yean thuộc Đại học Quốc gia Malaysia và Chuyên viên Neo Hui Yun Rebecca thuộc Viện ISEAS. Bài viết nhấn mạnh về mối quan tâm mới liên quan đến việc phát triển các hoạt động khai thác mỏ, các loại khoáng sản sẵn có và sự phân bố của chúng ở Malaysia. Đồng thời, cũng đề cập đến các chính sách hiện hành và thách thức phát triển ngành đất hiếm tại quốc gia Đông Nam Á.

Tài nguyên khoáng sản của Malaysia

Kế hoạch chuyển đổi ngành công nghiệp khoáng sản quốc gia của Malaysia giai đoạn 2021-2030 (NMITP), được triển khai vào năm 2021, nhằm mục đích phát triển ngành khoáng sản một cách bền vững và dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị. Đây được xem như một nguồn tăng trưởng mới cho Malaysia. NMITP mô tả bản đồ tài nguyên khoáng sản trong nước, bao gồm khoáng sản kim loại và phi kim loại.

Kế hoạch này cho thấy Malaysia sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản có tiềm năng trị giá 4,11 nghìn tỷ RM (khoảng 982 tỷ USD), bao gồm cả khoáng sản kim loại và phi kim loại. Giá trị ước tính của riêng khoáng sản kim loại là 1,03 nghìn tỷ RM, với các khoáng sản quan trọng có giá trị ước tính tiềm năng lên tới 182 tỷ USD.

Các khoáng chất kim loại như niken, mangan, đồng và nhôm được sử dụng trong sản xuất pin xe điện. Mặc dù các nguyên tố đất hiếm (REE) cũng được sử dụng để phát triển xe điện (EV) nhưng không được sử dụng trong pin lithium-ion. Thay vào đó, REE cần thiết cho các nam châm tạo thành động cơ đẩy chính.

Kế hoạch coi 5 loại khoáng sản là chiến lược, bao gồm các nguyên tố đất hiếm không phóng xạ (NR-REE) như các nguyên tố lanthanide (ước tính 747,42 tỷ RM), bauxite (20,3 tỷ RM), quặng thiếc (140,4 tỷ RM), cát silic (27,9 tỷ RM) và cao lanh (25,5 tỷ RM). Trong số 5 loại khoáng sản chiến lược được xác định, NR-REE có giá trị ước tính cao nhất và do đó là trọng tâm cho lợi ích chiến lược của chính quyền hiện tại.

Tái phát triển công nghiệp nguyên tố đất hiếm

Từng có hai công ty sản xuất nguyên tố đất hiếm (REE) tại Malaysia vào những năm 1970, bao gồm Tập đoàn Đất hiếm Malaysia (MAREC) và Đất hiếm châu Á (ARE) ở Perak. Đây là những công ty có liên kết với các đối tác cổ phần Nhật Bản. Tuy nhiên, cả hai công ty đều đã đóng cửa năm 1992 do các cuộc biểu tình và xung đột với công chúng về mối nguy hiểm liên quan đến việc xử lý chất thải phóng xạ.

Ngoài ra, chi phí bảo trì cao của các nhà máy, cùng với tình trạng tồi tệ hơn do lệnh đình chỉ 14 tháng của Tòa án Tối cao Malaysia ban hành nhằm hạn chế các mối đe dọa về môi trường, là yếu tố khác dẫn đến việc cuối cùng các nhà máy phải đóng cửa.

Năm 2008, Lynas Malaysia Sdn Bhd (Lynas), công ty con thuộc sở hữu của tập đoàn Lynas Corporation Ltd của Australia, đã được cấp giấy phép sản xuất oxit đất hiếm và carbonate tại Khu công nghiệp Gebeng ở Kuantan, bang Pahang. Việc thành lập nhà máy Vật liệu tiên tiến Lynas (LAMP) tại Malaysia là bước mở rộng của công ty nhằm củng cố chuỗi cung ứng đất hiếm, sau khoản đầu tư đáng kể trị giá 304 triệu USD được cam kết thông qua sáng kiến huy động vốn cổ phần.

Lynas đã sử dụng địa điểm này ở Malaysia để phát triển một cơ sở chế biến tinh quặng khoáng sản được nhập khẩu từ mỏ của họ ở Australia. Năm 2011, để giải quyết những lo ngại của công chúng về các vấn đề sức khỏe và an toàn đối với chất thải phóng xạ liên quan đến quá trình xử lý REE, Chính phủ Malaysia đã kêu gọi các đánh giá từ bên thứ ba do một nhóm chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thực hiện về sự tuân thủ của Lynas theo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và các thực hành có lợi cũng như an toàn bức xạ.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy Lynas đã tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn bức xạ do cơ quan quản lý đặt ra và kết quả đã được công khai. Sau đó, nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại năm 2012 bằng việc tinh chế và xử lý các oxit đất hiếm được khai thác từ Mount Weld (Australia) trở thành nguyên liệu đất hiếm được phân tách chất lượng cao để xuất khẩu sang các thị trường sản xuất châu Á, châu Âu và Mỹ.

Kể từ đó, nhà máy đã tự hào với công suất sản xuất hàng năm đạt 22.000 tấn, giúp công ty tăng gấp đôi tổng sản lượng. Nhà máy cũng cung cấp 450 việc làm cho người dân địa phương, khiến bờ biển phía đông Malaysia trở thành địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quan tâm đến chuỗi cung ứng đất hiếm.

Mặc dù vậy, mỗi lần gia hạn giấy phép hoạt động của Lynas vẫn gây tranh cãi trong bối cảnh công chúng phản đối chất thải phóng xạ từ nhà máy. Cuộc tranh cãi về việc gia hạn giấy phép hoạt động và xử lý chất thải phóng xạ vẫn tiếp tục cho đến gần đây nhất khi công ty được gia hạn lại vào năm 2023. Giấy phép sau đó đã được gia hạn đến tháng 3/2026.

Một nhóm nhất định trong xã hội Malaysia tiếp tục ủng hộ sự phát triển của REE. Năm 2014, Viện Hàn lâm khoa học Malaysia (ASM) cùng với Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia (MOSTI) đã đưa ra Kế hoạch chi tiết về việc thành lập các ngành công nghiệp REE trong nước như một nguồn tăng trưởng mới. Một phần quan trọng của kế hoạch này là kêu gọi phát triển các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn, thay vì chỉ tập trung vào khai thác thượng nguồn. Điều này nhằm tăng cường các hoạt động giá trị gia tăng trong nước. Trung nguồn đề cập đến việc chuyển đổi khoáng sản thành các sản phẩm tinh chế thông qua quá trình phân tách và tinh chế, trong khi các hoạt động ở hạ nguồn là đưa các sản phẩm tinh chế này vào sản xuất.

Mặc dù kế hoạch chi tiết đề xuất không được thông qua nhưng Chính phủ Malaysia đã công bố NMITP năm 2021. Tương tự, NMITP cũng nhấn mạnh việc phát triển hạ nguồn như một định hướng để phát triển tài nguyên khoáng sản. Quy hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030), được công bố tháng 9/2023, cũng kêu gọi phát triển hạ nguồn bằng cách sử dụng tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu tiên tiến, trong đó các loại vật liệu tiên tiến do các bên tham gia thị trường quyết định.

Chính phủ sau đó đã công bố kế hoạch cấm xuất khẩu NR-REE thô, một động thái gợi nhớ đến sự thay đổi của Indonesia hướng tới chủ nghĩa dân tộc tài nguyên khi cấm xuất khẩu niken để tiếp tục các hoạt động hạ nguồn. Lý do đằng sau cả hai lệnh cấm này là nhằm khuyến khích thành lập các nhà máy sản xuất trong nước. Điều này kỳ vọng sẽ tạo ra việc làm cho người dân địa phương và nâng cao thu nhập quốc dân thông qua việc xuất khẩu các nguyên liệu đã qua chế biến có giá trị cao hơn thay vì kim loại thô. Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) cũng đưa ra các ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển các hoạt động hạ nguồn như Quy chế tiên phong với việc miễn thuế thu nhập một phần trong 5 năm và trợ cấp thuế đầu tư.

Vấn đề môi trường?

IEA xác nhận việc khai thác khoáng sản đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương và khu vực theo ba cách đáng kể. Đầu tiên là việc sử dụng đất nơi có khoáng sản chưa được khai thác. Phá rừng là mối quan ngại chính. Chẳng hạn như sự bùng nổ khai thác niken ở Indonesia kể từ năm 2019 đã làm mất 76.301 ha đất ở nước này, gây gia tăng sự mất mát về đa dạng sinh học và môi trường sống của một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Tương tự, NR-REE ở Malaysia nằm ở xung quanh hoặc trong các khu vực có trữ lượng carbon cao. Một cuộc điều tra sâu hơn về những địa điểm này cũng cho thấy quy mô lớn rừng bị tàn phá ở các khu vực xung quanh trong 10 năm từ 2012 – 2022. Mặc dù nguyên nhân của nạn phá rừng vẫn chưa được làm rõ nhưng mối liên hệ này cho thấy các khu vực có rừng có thể bị xâm lấn khi một khu vực được xác định khai thác NR-REE trong tương lai.

Sự khác biệt trong thái độ đối với tính bền vững cũng được thể hiện rõ giữa chính quyền liên bang và tiểu bang. Chính quyền tiểu bang muốn theo đuổi lợi ích kinh tế đối với hoạt động khai thác của REE, thay vì nỗ lực của cấp liên bang muốn bảo tồn trữ lượng carbon quốc gia. Bắt đầu với Ngân sách 2019, chính phủ liên bang đã sử dụng Chuyển giao tài chính sinh thái (EFT) để tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực của chính quyền tiểu bang nhằm bảo vệ rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, việc sử dụng đất vốn thuộc chính quyền các tiểu bang kiểm soát nên đã có những tiểu bang đi chệch khỏi mục tiêu bền vững ban đầu do chính phủ liên bang đặt ra.

Anh sẽ chịu trách nhiệm?

Mặc dù NIMTP coi quản trị là một trong những trụ cột quan trọng cho sự phát triển của ngành khoáng sản, nhưng không có cuộc thảo luận nào về trách nhiệm giải trình đối với doanh thu, cũng như việc doanh thu này được đầu tư để mang lại phúc lợi công cộng trước mắt và tương lai dài hạn. Trách nhiệm giải trình đòi hỏi phải công bố chính xác các khoản thu mà các công ty tham gia phát triển khoáng sản chi trả và tính minh bạch cao nhiều hơn nữa trong chuyển tải tới công chúng.

Chính phủ Malaysia hiện đang phát triển mô hình kinh doanh NR-REE kết hợp với ASM và Đại học Sunway. Tiền thuê khoáng sản có thể là nguồn thu nhập tốt để thúc đẩy phát triển. Chẳng hạn như bang Perak được cho là đã nhận 1,66 triệu RM tiền thuê mỏ cho việc sản xuất Đất hiếm Carbonate (REC) từ dự án thí điểm đất hiếm của bang. Tuy nhiên, không có tiết lộ nào về khoản thanh toán này, trừ khi bị chất vấn tại quốc hội. Do đó, vẫn còn phải xem liệu việc sử dụng tiền thuê khoáng sản có được đưa vào mô hình kinh doanh, hay mô hình kinh doanh chỉ bao gồm việc tính toán chi phí và lợi ích của việc khai thác kết hợp với các chi phí xã hội liên quan.

Mối quan tâm làm mới trong lĩnh vực khai thác mỏ ở Malaysia trùng khớp với mối quan tâm toàn cầu ngày càng gia tăng đối với việc sử dụng nhiều hơn và đa dạng hóa các nguồn khoáng sản quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động khai thác phải đối mặt với những thách thức đáng kể về môi trường. Các công ty khai thác xin cấp quyền khai thác cần phải tuân thủ các luật về môi trường của quốc gia, bao gồm các đánh giá tác động môi trường và xã hội trung thực và toàn diện. Quan trọng hơn, những thách thức về môi trường đòi hỏi phải có cơ chế thực thi cũng như giám sát chặt chẽ việc tuân thủ.

Khai thác tài nguyên khoáng sản cũng đòi hỏi phải phân tích hiệu quả chi phí-lợi ích của việc khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng. Điều này bao gồm việc tính toán kỹ lưỡng chi phí xã hội của việc khai thác mỏ, thay vì chỉ tính đến lợi nhuận kinh tế từ các hoạt động khai thác hạ nguồn ở Malaysia.

Do tài nguyên khoáng sản có nguồn cung hữu hạn nên điều quan trọng không kém là tiền thuê khai thác thu được, ở cấp liên bang hoặc tiểu bang, được chuyển thành các mục đích phát triển như đầu tư vào hàng hóa công hữu hình bao gồm giáo dục và y tế, hoặc vào cơ sở hạ tầng cần thiết cho các tiểu bang tương ứng. Rõ ràng cần phải có sự minh bạch và trách nhiệm cao hơn để đảm bảo rằng tài nguyên khoáng sản của đất nước không bị khai thác vì lợi ích của một số ít, mà vì lợi ích lớn hơn của đất nước.

Do đó, chính phủ cả ở cấp tiểu bang và liên bang phải đảm bảo rằng các dự án khai thác được thực hiện với sự quản trị mạnh mẽ hơn, minh bạch rõ ràng và trách nhiệm giải trình tốt hơn để những sai lầm trong quá khứ hoặc ở các quốc gia khác đã trải qua con đường tương tự sẽ không còn lặp lại.

An Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here