Các yếu tố hình thành và thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn

0
54
Thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. (Nguồn: sggp.org

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành vấn đề cần thiết và được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ quan tâm và thực hiện trong bối cảnh môi trường trên toàn thế giới đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm chất thải do con người gây ra. Từ cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu chú trọng đến nội dung phát triển bền vững, tăng trưởng xanh trong việc xây dựng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ thực hiện, nhiều nghiên cứu thực nghiệm được công bố đã cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn không tách rời với suy thoái môi trường trên toàn cầu (Hickel & Kallis và cộng sự, 2019). Mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa chỉ khả thi khi tăng trưởng GDP toàn cầu bằng 0. Mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,50C không khả thi với kịch bản tăng trưởng GDP toàn cầu bằng 0 mà chỉ có thể đạt được trong kịch bản tăng trưởng GDP toàn cầu âm. Việc thực hiện mô hình kinh tế xanh (tập trung vào việc thúc đẩy chi tiêu công xanh, đầu tư xanh, tiêu dùng xanh, công nghệ và năng lượng sạch, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững) là xa xỉ, không phù hợp với các nước đang phát triển, các nước kém phát triển và các nước nghèo. Trước thực tế đó, việc phát triển mô hình KTTH được coi là một giải pháp hữu ích để có thể vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường đối với các quốc gia, các địa phương cũng như các ngành, lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế. Vậy những yếu tố hình thành và thúc đẩy sự phát triển KTTH là gì? Việc tìm hiểu các yếu tố này rất cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, khi muốn chuyển đổi từ mô hình sản xuất tuyến tính sang mô hình KTTH. Trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ về các yếu tố hình thành và thúc đẩy sự phát triển của KTTH, các quốc gia từ thu nhập thấp đến thu nhập cao đều có thể xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển KTTH ở tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.

1. Khái quát về kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh tế tuần hoàn

1.1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn

Mô hình kinh tế tuần hoàn không phải ra đời sau khi có những đề xuất về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh mà thực tế đã tồn tại trước đó từ lâu ở một số ngành với việc phế thải từ hoạt động kinh tế này trở thành đầu vào của hoạt động kinh tế khác (Desrochers và Leppala, 2010). Tuy nhiên, khái niệm “KTTH” (circular economy) chỉ được đưa ra từ những năm 1990 với tư cách một mô hình kinh tế cần được phổ rộng trong phạm vi toàn nền kinh tế chứ không phải chỉ trong một số ngành. Khác với nền kinh tế tuyến tính hiện nay đang hoạt động theo mô hình đi từ khai thác tài nguyên đến sản xuất – tiêu dùng rồi thải bỏ ra môi trường, nền KTTH đưa những tài nguyên đã qua sử dụng quay trở lại quá trình sản xuất – tiêu dùng và do đó, giảm thiểu lượng thải bỏ ra môi trường và giảm thiểu gánh nặng sinh thái. Như vậy, “KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. KTTH có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng”. Theo cách tiếp cận này, tất cả các ngành từ nông nghiệp, công nghiệp, hay dịch vụ ở tất cả các nước từ thu nhập thấp đến thu nhập cao đều có cơ hội áp dụng KTTH. Đây là một giải pháp tốt để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến cạn kiệt tài nguyên nhiên nhiên và ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

1.2. Khái niệm về mô hình kinh tế tuần hoàn

Qua quá trình tổng quan, nhóm tác giả đã nhận thấy mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình có sự kết nối và quản lý các yếu tố: (i) đầu vào; (ii) đầu ra (chất thải); (iii) tài nguyên; (iv) hoạt động sản xuất; (v) phân phối và dịch vụ; (vi) tiêu dùng; (vii) quản lý chất thải; (viii) thiết kế; và (ix) giáo dục trong tất cả các khâu để quay trở lại vòng tuần hoàn như một nguồn tài nguyên (Suárez-Eiroa, 2019).

Đầu vào của hệ thống kinh tế gồm hai loại là đầu vào có thể tái tạo và đầu vào không thể tái tạo. Đầu ra của hệ thống gồm chất thải kỹ thuật và chất thải sinh học. Các yếu tố hoạt động bên trong hệ thống gồm tài nguyên – sản xuất – phân phối và dịch vụ – tiêu dùng – chất thải. Khác với nền kinh tế tuyến tính trong đó mối quan hệ giữa các yếu tố trên là tuyến tính và tất cả chất thải đều là đầu ra của hệ thống, trong mô hình KTTH được đề cập bởi Suárez-Eiroa (2019), chất thải được coi như một loại tài nguyên và tiếp tục quay trở lại quá trình sản xuất. Phần chất thải đi ra khỏi hệ thống gồm các chất thải sinh học và chất thải kỹ thuật được đề cập đến với mục tiêu đảm bảo lượng xả thải chất thải sinh học phải phù hợp với khả năng tiếp thu của môi trường tự nhiên và việc xả thải chất thải kỹ thuật cần được giảm đến mức thấp nhất và tiến đến loại bỏ. Mô hình này cũng đề cập đến sự kết nối của tất cả các khâu trong hệ thống kinh tế, trong đó, tất cả các khâu từ thu nhận tài nguyên, sản xuất, phân phối và dịch vụ, tiêu dùng đều có thể tạo ra chất thải. Chất thải, do đó, cần được quản lý ở tất cả các khâu để quay trở lại vòng tuần hoàn như một nguồn tài nguyên. Trong mô hình này, hoạt động thiết kế và giáo dục là những yếu tố thiết yếu cần được tính đến ở tất cả các khâu, do đó, bao trùm mọi hoạt động của nền KTTH, quyết định khả năng thành công của KTTH.

2. Các động lực, rào cản và biện pháp thực thi tác động đến sự hình thành, phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn ở các quốc gia

2.1. Các động lực

Govindan & Hasanagic (2018) đã liệt kê 13 động lực chính thúc đẩy việc thực hiện KTTH. Các động lực này được chia thành các nhóm sau: (1) Chính sách và kinh tế; (2) Sức khỏe; (3) Bảo vệ môi trường; (4) Xã hội; và (5) Phát triển sản phẩm. Trong đó:

– Về chính sách: KTTH được thực hiện do chính phủ đưa ra các quy định pháp luật về sản xuất và tiêu dùng sạch hơn.

– Về kinh tế: động lực thực hiện KTTH là sự gia tăng cơ hội tạo ra thu nhập trong dài hạn thông qua các hoạt động tái chế và tái sử dụng một cách có hiệu quả.

– Về sức khỏe: động lực thực hiện KTTH là để hạn chế môi trường bị ô nhiễm do tiêu dùng quá mức tài nguyên và năng lượng.

– Về bảo vệ môi trường: biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu do ảnh hưởng của gia tăng chất thải và khí nhà kính bắt nguồn từ sự gia tăng sản xuất và tiêu dùng đã thôi thúc nhân loại nói chung và các quốc gia nói riêng hướng tới việc phát triển KTTH. Các hoạt động nông nghiệp hiện đại đã làm năng suất tăng nhanh, nhưng cái giá