Lai Châu ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, cửa khẩu

0
649
Lai Châu ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, cửa khẩu. (Nguồn: Báo Lai Châu)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 542/TB-VPCP ngày 29/12/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu.

Lai Châu ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, cửa khẩu. (Nguồn: Báo Lai Châu)

Tỉnh Lai Châu có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế – xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu.

Lai Châu là tỉnh đất rộng, người thưa với diện tích tự nhiên trên 9.000 km2, dân số trên 489.000 người với 20 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85% (dân tộc Thái chiếm 32,3%, Mông 21,5%, Dao 13,2%, Kinh 15,3%, Hà Nhì 3,1%…).

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực: Tăng trưởng được thúc đẩy, GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2023 tăng 3,91%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao.

Toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Dịch vụ, du lịch được quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khách du lịch tăng bình quân 33,2%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư; các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của Nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 – 2023 giảm bình quân 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm bình quân 4,7%…

Thời gian tới, Lai Châu tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Lai Châu là địa phương có thế mạnh phát triển về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, tỉnh Lai Châu phải hết sức chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ.

Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ của Lai Châu trong thời gian tới là chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; cấp điện cho khu vực nông thôn, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là những nông sản có thế mạnh của địa phương (lúa chất lượng cao, cao su, mắc ca, quế, dược liệu…).

Triển khai hiệu quả Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” – OCOP. Thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.

Đồng thời, Lai Châu phải cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là chế biến nông sản, sản xuất vật liệu, phát triển ngành điện năng, khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng xanh, bền vững.

Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đột phá, trong đó tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Lai Châu (du lịch sinh thái, trải nghiệm, chữa bệnh, kết hợp nông nghiệp…). Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Lai Châu nhất là tại huyện Sìn Hồ; tăng cường liên kết du lịch với các trung tâm du lịch và các tỉnh lân cận. Tập trung phát triển thương mại điện tử, kinh tế biên mậu.

Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các hình thức xã hội hóa.

Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không manh mún, giàn trải, chia cắt; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng trọng tâm, trọng điểm.

Đức Khôi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here