Kinh nghiệm của Trung Quốc về phát triển kinh tế số và hàm ý chính sách cho Việt Nam (phần 1)

0
42
Trong bối cảnh đã có trên 81 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu và số ca nhiễm mới mỗi ngày lên đến con số hàng trăm nghìn, kinh tế thế giới vẫn cần thêm thời gian mới có thể thoát khỏi hố sâu suy thoái để phục hồi.

1. Một số điểm nổi bật về kinh tế số Trung Quốc:

Trong những năm qua, Trung Quốc đã nổi lên trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 10% – 20% liên tục từ năm 2016. Quy mô kinh tế số của Trung Quốc năm 2022 đã đạt 50,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 07 nghìn tỉ USD), chiếm khoảng 41,5% GDP. Nếu xét theo giai đoạn, quy mô kinh tế số của Trung Quốc đã tăng gấp 2,2 lần trong giai đoạn 2016 – 2022.

Một cách phổ biến khác để đánh giá tốc độ tăng trưởng của kinh tế số là dựa trên tỉ lệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế số so với tốc độ tăng trưởng GDP. Theo tiêu chí này thì tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Trung Quốc vào khoảng 3,7 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Trong khi đó, tỉ lệ này trung bình của thế giới vào khoảng 2,5 lần.

Không chỉ có đóng góp ngày càng lớn vào GDP, kinh tế số của Trung Quốc đã trở thành một động lực mới cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, làm tăng sức chống chịu (resilient) của nền kinh tế trước những cú sốc từ bên ngoài. Dịch bệnh đã trở thành phép thử cho sự phát triển của nền kinh tế số, bất kể là trong phòng, chống dịch bệnh hay giai đoạn bình thường hóa, vai trò của nền kinh tế số là công cụ tăng tốc và bình ổn của kinh tế vĩ mô ngày càng nổi bật.

Nền kinh tế số không chỉ định hình lại nền kinh tế Trung Quốc mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh cho các công ty mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Thị trường nội địa rộng lớn[1] của Trung Quốc mang lại lợi thế quy mô rộng lớn cho phép thương mại hóa nhanh chóng các công nghệ số[2].

Về phát triển kinh tế số tại các địa phương của Trung Quốc cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trung Quốc hiện nay có 34 đầu mối cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[3]. Hàng năm, Trung Quốc lập danh sách của các địa phương có quy mô kinh tế số đạt trên 1.000 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 140 tỉ USD). Đến hết năm 2021 đã có 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt doanh thu kinh tế số trên 1.000 tỉ Nhân dân tệ, tăng thêm 3 địa phương so với năm 2020. Trong đó có một số tỉnh, thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, tỉ trọng của kinh tế số đã chiếm trên 50% GRDP của địa phương.

Việc phát triển kinh tế số tại các địa phương đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giải quyết các vấn đề phát triển bền vững.

Trung Quốc hiện nay đang chứng kiến hiện tượng di cư ngược[4], nghĩa là người dân ở khu vực thành thị có xu hướng di chuyển ngược về quê thay vì bám trụ ở những thành phố lớn.

Dữ liệu năm 2021 cho thấy, số lượng lao động nhập cư tại các thành phố thấp hơn khoảng 2,46 triệu người so với năm 2019. Một trong những lý do chính đóng góp vào xu thế này là do kinh tế số tại các miền quê ngày một phát triển. Người dân được tiếp cận công nghệ đã tìm thấy nhiều hơn cơ hội việc làm như bán hàng, livestream qua các nền tảng thương mại điện tử, dán nhãn dữ liệu[5]… để làm giàu, thoát nghèo ngay tại quê hương của mình. Ước tính năm 2022, số lao động dẫn nhãn dữ liệu đạt khoảng 05 triệu người, góp phần tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo tại các tỉnh kém phát triển của Trung Quốc.

Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, kinh tế số sẽ là lời giải hiệu quả cho các bài toán về phát triển đô thị bền vững tại Trung Quốc.

2. Định nghĩa và nội hàm kinh tế số của Trung Quốc

Khái niệm kinh tế số chính thức xuất hiện lần đầu tiên trong các văn bản tại Trung Quốc vào năm 2016 khi Trung Quốc tổ chức họp nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Các nước tham gia đã thống nhất khái niệm kinh tế số:

Nền kinh tế số lấy tri thức và thông tin số làm nhân tố sản xuất then chốt, lấy công nghệ số làm động lực cốt lõi, lấy mạng thông tin hiện đại làm vật dẫn quan trọng, thông qua sự tích hợp sâu rộng giữa công nghệ số và nền kinh tế thực, không ngừng cải thiện trình độ số hóa, mạng hóa và thông minh hóa của kinh tế – xã hội, đẩy nhanh quá trình tái thiết các hình thái kinh tế mới về phát triển kinh tế và mô hình quản trị.

Từ đó đến nay, Trung Quốc liên tục ban hành các văn bản để làm rõ nội hàm và các sáng kiến thúc đẩy phát triển kinh tế số.

a) Nội hàm của kinh tế số Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam: cũng coi dữ liệu là yếu tố đầu vào bắt buộc và đóng vai trò ngày một quan trọng trong quá trình sản xuất của nền kinh tế; cũng coi công nghệ số, các nền tảng số, các thuật toán là công cụ lao động mới để nâng cao hiệu quả và năng suất lao động trong các ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, Trung Quốc nhấn mạnh yếu tố năng lực quản trị số. Khi kinh tế số phát triển sẽ phát sinh các mối quan hệ mới giữa người – người, người – máy và máy – máy. Những mối quan hệ mới này chủ yếu xoay quanh công nghệ, và vì vậy, chính quyền cần phát triển năng lực quản trị dựa trên công nghệ để quản trị nền kinh tế số một cách hiệu quả, lành mạnh và bền vững.

Một trong những nội hàm quan trọng của quản trị số là Chính quyền cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) 100% tới người dân, doanh nghiệp, Hiệu quả của các dịch vụ chính phủ số đã được cải thiện. Với việc tích hợp các công nghệ số mới, “Phê duyệt mà không cần gặp mặt”, “Đi nhiều nhất một lần” đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc của các dịch vụ công trực tuyến, giải quyết hiệu quả các vấn đề của người dân và doanh nghiệp trong xử lý các thủ tục hành chính.

b) Từ góc độ đo lường kinh tế số, kinh tế số Trung Quốc bao gồm 02 thành phần[6]:

– Kinh tế số lõi ICT, cụ thể bao gồm ngành sản xuất điện tử, ngành viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm, công nghiệp Internet, v.v;

– Kinh tế số ngành, lĩnh vực: định lượng đóng góp của công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực cụ thể. Nếu so sánh với kinh tế số Việt Nam, kinh tế số ngành, lĩnh vực của Trung Quốc tương ứng với vòng 2 và vòng 3, tức là bao gồm cả kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Nếu nhìn sâu hơn vào cơ cấu của kinh tế số Trung Quốc, có thể thấy mặc dù kinh tế số Trung Quốc tăng trưởng nhanh, tuy nhiên đóng góp của từng thành phần vào trong tăng trưởng này không giống nhau, thậm chí là có sự chênh lệch rõ rệt. Tỉ lệ đóng góp của công nghiệp ICT vào kinh tế số vào khoảng 20% và có dấu hiệu giảm dần theo năm. Trong khi đó, đóng góp của kinh tế số ngành, lĩnh vực chiếm một tỉ lệ tương đối lớn, khoảng trên 80%, có xu hướng tăng dần theo từng năm.

3.Kinh tế số của một số ngành, lĩnh vực

3.1. Lĩnh vực Công nghiệp

Internet công nghiệp là phương pháp luận cốt lõi của chuyển đổi số. Ứng dụng tích hợp Internet công nghiệp bước vào thời kỳ phát triển nhanh chóng theo hướng: thiết kế nền tảng hóa, sản xuất thông minh hóa, tùy chỉnh cá nhân hóa, cộng tác Internet hóa, mở rộng dịch vụ hóa và số hóa quản lý.

Phạm vi ứng dụng tiếp tục được mở rộng. Thông qua việc triển khai Dự án Đổi mới và Phát triển Internet Công nghiệp, Trung Quốc đã phát triển hơn 150 nền tảng Internet công nghiệp quy mô lớn và nền tảng này phục vụ hơn 1,6 triệu doanh nghiệp công nghiệp, được triển khai rộng rãi trong 31 ngành then chốt như nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng và thiết bị, bao trùm 41 hạng mục chính của nền kinh tế quốc dân.

Mức độ ứng dụng ngày càng sâu hơn, mở rộng từ quản lý thiết bị và kiểm soát quy trình sản xuất đến các công đoạn phức tạp như thiết kế nghiên cứu phát triển sản phẩm, tối ưu hóa sản xuất và công nghệ, cũng như quản lý chuỗi cung ứng. Tỷ lệ kiểm soát số của các quy trình chính trong các doanh nghiệp công nghiệp quy mô trên 20 triệu Nhân dân tệ (khoảng 2,8 triệu đô la Mỹ) ở Trung Quốc đạt 55,3%.

Trình độ ứng dụng không ngừng được nâng cao, tích hợp và đổi mới với 5G, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, v.v. đang trở nên sôi động hơn, ứng dụng “5G + Internet công nghiệp” đang dẫn đầu thế giới. Các hình thức kinh doanh, mô hình số mới cũng không ngừng phát triển và đổi mới, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện hợp tác Internet hóa và sản xuất theo mô hình dịch vụ toàn Trung Quốc lần lượt đạt 38,8% và 29,6%.

3.2. Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp đang diễn ra ổn định và tỷ lệ thâm nhập của công nghệ số vào các hoạt động sản xuất và vận hành nông nghiệp không ngừng tăng lên.

Theo tính toán của Trung tâm Thông tin của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tỉ trọng kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp Trung Quốc năm 2020 là 22,5%, tăng 3% so với năm 2019.

Xây dựng nông thôn số tiếp tục được đẩy mạnh, 117 thí điểm làng số đã được triển khai trên cả nước, thành lập 09 tỉnh thí điểm mẫu triển khai IoT (Internet vạn vật) trong nông nghiệp và 100 dự án thí điểm nông nghiệp số, 316 cơ sở thí điểm chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục xúc tiến dự án thí điểm xây dựng dữ liệu lớn toàn chuỗi.

Tháng 7 năm 2021, Trung Quốc[7] đã ban hành Hướng dẫn phát triển làng số phiên bản 1.0 và đang tiếp tục cập nhật phiên bản 2.0.

3.3. Lĩnh vực Thương mại điện tử

Thương mại điện tử Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Bán lẻ trực tuyến tiếp tục phát triển nhanh chóng. Doanh thu bán lẻ trực tuyến toàn quốc năm 2021 đạt 13,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, doanh số bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 10,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 24,5%[8] tổng doanh số bản lẻ và đóng góp 23,6% vào tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội.

Thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội đã trở thành một ứng dụng phổ biến và hiệu quả cao. Theo dõi dữ liệu lớn kinh doanh cho thấy năm 2021, tổng số lượt phát sóng trực tiếp trên các nền tảng thương mại điện tử vượt 24 triệu, tổng số lượng người xem đạt trên 120 tỷ, số lượng sản phẩm phát sóng trực tiếp đạt trên 50 triệu và số lượng người bán hàng qua livestream hoạt động vượt 550.000 người.

Thương mại điện tử ở nông thôn đặt được những bước đột phá mới. Năm 2021, doanh số bán lẻ trực tuyến ở nông thôn Trung Quốc đạt 2,05 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 287 tỷ đô la Mỹ), tăng 11,3% so với năm 2020. Doanh số bán lẻ nông sản trực tuyến đạt 422,1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 60 tỉ đô la Mỹ), tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

4. Một số kinh nghiệm nổi bật trong phát triển kinh tế số của Trung Quốc.

4.1 Trung Quốc đã thống nhất được nhận thức và lý luận về kinh tế số từ Trung ương đến địa phương.

Kinh tế số được Đảng, Nhà nước Trung Quốc xác định là trọng tâm cốt lõi, là lợi thế cạnh tranh để Trung Quốc bứt phá vượt lên trên các quốc gia khác. Quyết tâm này thể hiện từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và lan tỏa xuống toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Kinh tế số đã trở thành một nội dung học tập của Bộ Chính trị Trung Quốc. Năm 2021, Bộ Chính trị Trung Quốc đã tiến hành Hội nghị Học tập tập thể về “Nắm bắt xu thế, quy luật phát triển của kinh tế số và thúc đẩy kinh tế số Trung Quốc phát triển lành mạnh”.

Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên tục chỉ đạo phải làm cho kinh tế số của Trung Quốc “không ngừng mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn”.

4.2 Trung Quốc đã hình thành hệ thống chiến lược kinh tế số liên kết ngang và thâm nhập dọc.

Ở Trung ương, các cơ quan đã ban hành một hệ thống các văn bản chiến lược, quy hoạch, quy định, hướng dẫn phát triển kinh tế số.

Từ góc độ chiến lược tổng thể, trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, Trung ương Đảng và Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã ban hành các văn bản quan trọng như Đề cương chiến lược phát triển theo định hướng đổi mới quốc gia Kế hoạch thông tin hóa quốc gia Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, đưa kinh tế số vào một trong những hướng phát triển chính. Năm 2021, Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đã làm rõ hơn tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc cơ bản, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và các biện pháp bảo vệ để thúc đẩy sự phát triển lãnh mạnh của nền kinh tế số trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14.

Tháng 8 năm 2018, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và 85 Văn phòng Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành Đề cương chiến lược phát triển nền kinh tế số. Đây là chiến lược tổng thể cấp quốc gia đầu tiên về kinh tế số, đặt phát triển nền kinh tế số ở vị trí chiến lược quan trọng hơn.

Về hệ thống thống kê, tháng 5 năm 2021, Cục Thống kê Quốc gia đã chính thức công bố và thử nghiệm Phân loại thống kê kinh tế số và các ngành cốt lõi (2021), trong đó xác định phạm vi thống kê của nền kinh tế số và các ngành cốt lõi, hướng dẫn thống kê toàn diện về quy mô, tốc độ, cơ cấu phát triển kinh tế số, đáp ứng các nhu cầu thống kê về kinh tế số.

Đối với các lĩnh vực ngành, lĩnh vực, Trung Quốc đã liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo với vai trò hướng dẫn của Quốc Vụ viện như: Phương án thực hiện Băng rộng Trung Quốc, Đề cương hành động thúc đẩy phát triển Dữ liệu lớn, Chỉ thị của Quốc Vụ viện về tăng cường phát triển tích hợp giữa sản xuất và Internet, Quy hoạch phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2016 – 2020, Chỉ thị của Quốc Vụ viện về việc phát triển Internet công nghiệp, Internet + Các ngành sản xuất tiên tiến[9], Chỉ thị của Quốc Vụ viện về việc thúc đẩy nền kinh tế nền tảng phát triển lành mạnh và theo tiêu chuẩn số hóa sản xuất, số hóa ngành dịch vụ, số hóa nông nghiệp và chính phủ số, và một số ngành khác.

Ở địa phương, các tỉnh, thành phố của Trung Quốc ban hành chính sách để thực hiện theo định hướng của Trung ương. Năm 2021, các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đã ban hành tổng cộng hơn 200 chính sách liên quan đến kinh tế số, tập trung vào các chính sách về công nghiệp ICT, chính sách phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, chính sách quản trị số và chính sách giá trị hóa dữ liệu. Trọng tâm và mục tiêu của các chính sách kinh tế số có sự khác nhau tùy theo hoàn cảnh, thế mạnh của từng địa phương.

4.3. Vai trò dẫn dắt của cơ quan nhà nước, đặc biệt là phát triển hạ tầng và các yếu tố nền tảng phát triển kinh tế số.

Ở cấp cao, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Vụ viện tích cực xây dựng và ban hành hướng dẫn thúc đẩy phát triển kinh tế số, tập trung vào các nền tảng số công nghiệp.

Ở cấp thực thi, vai trò điều phối, triển khai thí điểm các sáng kiến phát triển kinh tế số của Trung Quốc thuộc về Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (Ministry of Industry and Information Technology / MIIT) mà cụ thể là một đơn vị cấp Vụ: Thông tin hóa và Dịch vụ phần mềm[10]. Bộ MIIT thực hiện vai trò điều phối hoạt động của các nhóm công tác, viện nghiên cứu[11], ban hành các quy định cụ thể và khuyến khích các dự án thử nghiệm nền tảng số trong từng ngành, lĩnh vực.

Các chính sách của MIIT tập trung vào thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và đưa vào sử dụng của các nền tảng số. MIIT thực hiện điều phối, đề xuất cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nhà nước[12] để xây dựng và triển khai thử nghiệm nền tảng số trong từng ngành, lĩnh vực. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp truyền thống đã phát triển thành công nền tảng số dùng chung cho toàn quốc và thực hiện xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài[13].

Trong Bộ MIIT, các Viện nghiên cứu cũng tham gia với vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuẩn hóa nền tảng số công nghiệp. Điển hình, Viện CAICT được MIIT giao điều phối hoạt động của Liên minh Internet ngành công nghiệp (AII)[14], cơ chế quan trọng nhất là cầu nối giữa cơ quan xây dựng chính sách và doanh nghiệp. Được thành lập từ năm 2016, Liên minh AII đã kết nạp được khoảng 1.300 doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp lớn của thế giới như SAP, Siemens, Schneider Electric và GE.

Trung Quốc tập trung đầu tư vào xây dựng hạ tầng số, làm nền tảng phát triển kinh tế số. Hiện nay, gần như toàn bộ làng xã đã được tiếp cận sử dụng cáp quang băng rộng hoặc mạng 4G. Dưới sự điều phối của Bộ MIIT, bốn[15] nhà mạng của Trung Quốc đã cùng nhau triển khai mạng di động 5G có khả năng kết nối, liên thông, chia sẻ hạ tầng, mang lại trải nghiệm mượt mà hơn cho người dùng. Đến cuối năm 2022, tổng số trạm 5G tại Trung Quốc đã lên tới 2,5 triệu trạm, chiếm hơn 60% tổng số trạm 5G được triển khai trên toàn cầu.

Trung Quốc cũng ban hành Chiến lược “Dữ liệu phía đông. Tính toán phía tây[16] với mục tiêu xây dựng 10 cụm trung tâm để chuyển dữ liệu từ vùng dân cư đông đúc (phía đông) về khu vực dân cư thưa thớt nhưng giàu tài nguyên (phía tây), đặc biệt là có nguồn năng lượng tái tạo từ gió, năng lượng mặt trời. Bộ MIT ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 – 2023 triển khai xây dựng các trung tâm dữ liệu mới, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

4.4. Trung Quốc có nhiều đột phá về thể chế gắn với tầm nhìn và phản ứng nhanh với thực tiễn.

Lấy ví dụ minh họa về dữ liệu. Như đã trình bày ở phần đầu báo cáo, Trung Quốc coi dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng, bắt buộc của nền kinh tế số. Trung Quốc đã triển khai các hành động để cụ thể hóa tầm nhìn này như sau:

Thứ nhất, thành lập Cục Dữ liệu quốc gia trực thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia để phát triển và khai thác tiềm năng dữ liệu từ Trung ương tới địa phương. Chức năng này trước đó thuộc về Cơ quan quản lý không gian mạng quốc gia (CAC). Tuy nhiên, hoạt động của CAC trước đây chủ yếu thiên về quản lý và kiểm soát, do vậy, Trung Quốc thành lập cơ quan mới chuyên trách về phát triển dữ liệu và triển khai chiến lược quốc gia về dữ liệu lớn.

Thứ hai, ban hành quy định coi dữ liệu như một loại hàng hóa đặc biệt, được định giá và có thể được mua bán, trao đổi trên các sàn giao dịch dữ liệu. Hàng Châu là một trong những địa phương triển khai thí điểm sàn giao dịch dữ liệu quốc gia.

Thứ ba, hình thành ngành công nghiệp dữ liệu. Ngành công nghiệp dữ liệu đã tạo thêm nhiều nghề và vị trí việc làm mới so với trước đây, điển hình là nghề dán nhãn dữ liệu. Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã chính thức công nhận “Dán nhãn dữ liệu” là một nghề và được đưa vào danh mục phân loại nghề quốc gia từ tháng 4/2020.

Thứ tư, với việc giá trị hóa dữ liệu, dữ liệu đã trở thành một nguồn lực mới mà nhà nước Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tức là trong các gói hỗ trợ của nhà nước có thêm thành phần dữ liệu.

Thông qua thuật toán định giá dữ liệu, các vấn đề trong việc chia sẻ và phân phối lợi ích kinh tế của các nhân tố dữ liệu sẽ được giải quyết trong quá trình lưu thông dữ liệu và hợp tác nhiều bên.

Ví dụ trên đây chỉ là một lát cắt nhỏ về dữ liệu, cho thấy các hành động thực tế của Trung Quốc đều bám rất sát với các định hướng đề ra ở cấp cao.

4.5. Làm điểm, đúc kết và nhân rộng mô hình (cách tiếp cận từ dưới lên)

Các sáng kiến, ý tưởng liên tục được triển khai thí điểm tại các địa phương. Nếu mang lại kết quả tốt sẽ triển khai diện rộng hoặc triển khai ở cấp quốc gia. Việc lựa chọn triển khai thí điểm phụ thuộc vào đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương, tập trung vào các sáng kiến về chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; phát triển công nghiệp thông minh; quản trị và khai thác dữ liệu; quản trị số, phát triển đô thị thông minh…

Một trong những những sáng kiến đã được chuyển từ thí điểm sang triển khai diện rộng là: triển khai đồng Nhân dân tệ số. Được ra mắt vào năm 2020 với 4 địa phương thí điểm thì nay, đồng Nhân dân tệ số đã được triển khai ở 23 địa phương của Trung Quốc. Người dân có thể đăng ký sử dụng qua các ứng dụng của 09 ngân hàng Trung Quốc. Các nền tảng số lớn, siêu ứng dụng như WeChat (Tencent), Alipay (Alibaba) đã nhanh chóng tích hợp đồng e-CNY vào để người dùng có thêm lựa chọn thanh toán…. (còn tiếp).

Phương Thuý

[1] Tính đến cuối năm 2022, dân số của Trung Quốc vào khoảng 1,4 tỉ người

[2] Trung Quốc hiện có khoảng 250 doanh nghiệp kỳ lân (doanh nghiệp công nghiệp được định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ), chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp kỳ lân của thế giới.

[3] Cụ thể gồm: 04 thành phố, 23 tỉnh trực thuộc Trung ương, 05 khu tự trị và 02 đặc khu hành chính

[4] Từ nguyên gốc trong các tài liệu tiếng Anh là reverse migration.

[5] Dán nhãn dữ liệu là quá trình xác định dữ liệu thô (hình ảnh, tệp văn bản, video, v.v.) và thêm một hoặc nhiều nhãn có nghĩa cùng thông tin cung cấp ngữ cảnh để mô hình học máy có thể học từ dữ liệu đó. Người dân có thể tham gia dán nhãn dữ liệu chi với thiết bị di động thông minh.

[6] Chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam xác định kinh tế số gồm 03 vòng: kinh tế số công nghiệp ICT (kinh tế số lỗi), kinh tế số nền tảng và kinh tế số theo ngành, lĩnh vực.

[7] Hướng dẫn được xây dựng với sự tham gia của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Văn phòng Cơ quan quản lý không gian mạng quốc gia, Cơ quan quản lý thị trường quốc gia.

[8] Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bản lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

[9] Sự ra đời của Internet+ vào năm 2015 là nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa mạng Internet và công nghệ số mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn và IoT thâm nhập vào từng ngành, lĩnh vực nhằm mở rộng không gian phát triển của nền kinh tế, cũng như các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc. Nếu như trước đó, kinh tế số của Trung Quốc chủ yếu là các hoạt động mua sắm, giải trí thuần Intemet, thì với Internet+, công nghệ số len lỏi vào từng ngành, lĩnh vực quan trọng như: “Internet-sản xuất”, “Internet+thương mại điện tử”, “Intemet-nông nghiệp”, “Internet-ngân hàng”,… tạo tiền đề cho chuyển đổi số ngành, lĩnh vực sau này.

[10] Informatization and Software Services Department.

[11] Bao gồm các Viện Think tank như Học viện Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), Học viện Intemet Công nghiệp Trung Quốc (CAll), Trung tâm Phát triển công nghiệp thông tin điện từ (CCID) và các tổ chức tiêu chuẩn như Viện tiêu chuẩn điện tử Trung Quốc (CESI) và Trung tâm nghiên cứu an ninh mạng quốc gia (CIC).

[12] Một số trường hợp điển hình: Nền tảng cho ngành công nghiệp hóa dầu do Tập đoàn Hóa chất và Dấu khí Trung Quốc (Sinopec) xây dựng, Nền tảng cho các nguồn năng lượng mới do Tập đoàn Điện lực Trung Quốc xây dựng, Nền tảng cho ngành công nghiệp gang thép của Tập đoàn Phương Đông.

[13] Một số nền tảng trong đó có thể kể tới là nền tảng COSMOPlat của Haier đã trở thành nền tảng dùng chung quốc gia và hiện diện tại 20 quốc gia trên thế giới; XCMG phục vụ 330 tỉnh, thành phố (cấp quận huyện) và 10 thị trường quốc tế thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI); nền tảng CASICloud và IoT của Tập đoàn hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) đã phục vụ hơn 20,000 doanh nghiệp tại 212 quốc gia trên thế giới.

[14] Trong cơ cấu Ban điều hành của AII, MIIT chiếm khoảng 25% số phiếu (trên tổng 118 phiếu). Trong các Nhóm công tác chung của AII, CAICT đại diện cho MIT, chiếm khoảng 13% số phiếu (trên tổng 151 phiếu).

[15] China Mobile, China Telecom, China Unicom và China Broadnet.

[16] Data East, Computing West.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here