Khẩn trương ký hiệp định vay vốn nước ngoài, triển khai dự án phát triển hành lang thủy phía Nam gần 3.900 tỷ

0
32
Vận tải container khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn rất khiêm tốn do hạn chễ tĩnh không, tuyến luồng không đồng cấp.
Vận tải container khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn rất khiêm tốn do hạn chễ tĩnh không, tuyến luồng không đồng cấp.
Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 04/8/2022. Đây là dự án quan trọng, cấp bách của lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ nước ngoài.
KHẮC PHỤC ĐIỂM NGHẼN, PHÁT HUY THẾ MẠNH VẬN TẢI THUỶ
Dự án nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông – Tây kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc – Nam kết nối khu vực Đông Nam bộ với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, tương đương 163,34 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 106,96 triệu USD, tương đương hơn 2.550 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc 0,58 triệu USD, tương đương gần 13,9 tỷ đồng; vốn đối ứng dự kiến hơn 1.330 tỷ đồng, tương đương 55,79 triệu USD.
Thời gian thực hiện là 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2023 đến năm 2027.
Đây là dự án nhóm A, loại công trình giao thông đường thủy nội địa, công trình cấp II với phạm vi đầu tư:
Mặc dù vận tải đa phương thức khu vực Đông Nam Bộ (hành lang Bắc-Nam) hiện khá tốt với lưu lượng container dày đặc nhưng vận tải container khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (hành lang Đông – Tây) còn rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 2% lượng hàng hóa vận chuyển, do tĩnh không các cầu trên tuyến không đồng bộ và tuyến luồng không đồng cấp.
Dự án sẽ khắc phục các điểm nghẽn trên hành lang Đông – Tây qua sông Hậu (TP. Cần Thơ), sông Trà Ôn, sông Mang Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp (TP. Hồ Chí Minh).
Cùng với đó là các điểm nghẽn trên hành lang Bắc – Nam qua các sông Đồng Nai (cảng Đồng Nai), sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải (cụm cảng Cái Mép Thị Vải).
Về quy mô đầu tư, đối với hành lang Đông – Tây, tiến hành cải tạo, nâng cấp đảm bảo cho tàu tự hành đến 600 tấn, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.
Đối với hành lang Bắc – Nam, tiến hành cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.
Dự kiến sẽ nạo vét luồng trên các tuyến sông Trà Ôn, sông Mang Thít, kênh Chợ Lách, rạch Kỳ Hôn, rạch Lá và sông Tắc Cua phù hợp với quy mô đầu tư. Đồng thời, xây dựng các bãi chứa có các khoang chứa, khoang lắng và đê bao để chứa vật liệu sau nạo vét của dự án.
Bên cạnh đó, xây dựng kè bảo vệ bờ tại các vị trí sau khi nạo vét luồng có nguy cơ gây sạt lở bờ, mất ổn định cho các công trình dọc tuyến luồng, xây dựng cầu Chợ Lách 2 bắc qua kênh Chợ Lách.
SỚM KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH VAY VỐN, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý các dự án đường thủy có trách nhiệm tiếp thu ý kiến thẩm định và ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan để chỉ đạo tư vấn tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ dự án theo đúng quy định. Đồng thời, khẩn trương phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan liên quan để chuẩn bị, triển khai thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn cho dự án làm cơ sở thực hiện đầu tư.
“Phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án”, Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và an toàn của hai tuyến đường thủy nội địa trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ; đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận và di chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các cảng nước sâu xuất nhập khẩu dọc sông Thị Vải.
Bên cạnh đó, dự án còn góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường thủy trọng điểm và giảm chi phí vận tải, dự án sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao an toàn giao thông đường thủy và an ninh khu vực biên giới các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
(Anh Tú)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here