Trong bài viết: “Giải mã chiến tranh thương mại Trung – Mỹ: Tiếng nói từ hai bờ đại dương” được đăng trên tạp chí Trí thức Thế giới ngày 1/11, tác giả – Dương Trạch Thuỵ, công tác tại Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương toàn quốc Trung Quốc cho rằng, nói về nguyên nhân của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, Trung Quốc đã có rất nhiều cách lý giải, phổ biến cho rằng là sự khởi đầu của thay đổi chiến lược lâu dài của Mỹ đối với Trung Quốc, chiến tranh thương mại chỉ là bước đầu, tiếp theo sẽ đến chiến tranh đầu tư, chiến tranh tài chính. Còn bên kia bờ đại dương thì các chuyên gia học giả nhìn nhận thế nào về chiến tranh thương mại Trung – Mỹ?
Gần đây tác giả có cùng đoàn đi thăm và nghiên cứu tại Washington, Chicago và một số nơi khác, chủ đề về nguyên nhân bùng phát chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, xu hướng trong tương lai, yêu cầu và kiến nghị của phía Mỹ đối với Trung Quốc, tác giả cũng đã đến thăm Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao, Viện kinh tế quốc tế Peterson, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), Tổ chức Di sản, Viện Brookings, Vụ Khảo cứu Quốc hội… và một số Think-tank chính phủ rút ra một số quan điểm của chính phủ Mỹ và các cơ quan nghiên cứu về vấn đề này.
Nguyên nhân Mỹ phát động chiến tranh thương mại
Các bên đều phổ biến cho rằng nguyên nhân Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc gồm hai mặt: Một là về kinh tế. Mỹ chỉ trích Trung Quốc lợi dụng ưu thế về chế độ, trong các lĩnh vực như thâm hụt thương mại, thâm nhập thị trường, chuyển nhượng công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… để xâm hại lợi ích kinh tế của Mỹ; Hai là về chính trị. Do các nguyên nhân chồng lấn trong nội bộ Mỹ như hai đảng chính trị cực đoan hóa, phong cách cầm quyền cứng rắn của Trump và những nhu cầu bầu cử giữa kỳ… đã dẫn đến phát sinh chiến tranh thương mại.
Trưởng Ban Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Ivan Kanapathy cho biết, Tổng thống Trump đã thất vọng với những thành quả đàm phán kinh tế và thương mại Trung – Mỹ hồi năm ngoái, hy vọng điều chỉnh hướng đàm phán trong tương lai. Cách làm của Tổng thống Trump hiện nay là thự hiện những cam kết khi tranh cử. Sự bất mãn của Mỹ đối với chính sách kinh tế thương mại của Trung Quốc ở hai điểm: Một là, cho rằng môi trường kinh doanh trong nước của Trung Quốc chuyển biến xấu, chính sách “bất công bằng” tổn hại lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài, và yêu cầu Trung Quốc thúc đẩy cải cách thị trường hóa, “công bằng” đối xử với nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ bỏ “cưỡng chế chuyển giao công nghệ”… ; Hai là, cho rằng cam kết của Trung Quốc khi gia nhập WTO không thực hiện một cách hiệu quả; Trung Quốc lợi dụng kẽ hở của WTO để tìm kiếm sự “cạnh tranh không công bằng”, làm cho Mỹ tổn hại nghiêm trọng, và gây những ảnh hưởng không tốt đến trật tự thương mại quốc tế và thể chế hiện hành.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Tổng thống Trump theo đuổi sự tự do, cân bằng của thương mại Trung – Mỹ, coi trọng các vấn đề như thâm hụt thương mại, thâm nhập thị trường và chuyển giao công nghệ… Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Brookings Richard Bush cho biết, chiến tranh thương mại là không cần thiết, Mỹ còn rất nhiều việc cần phải làm, ví dụ như chú ý đến môi trường kinh doanh của Trung Quốc. Đại diện đàm phán thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cho rằng quy tắc vận hành của WTO tồn tại khiếm khuyết lớn làm cho Trung Quốc “đục nước béo cò”; giới công thương của Mỹ ủng hộ Tổng thống Trump đánh chiến tranh thương mại, bởi vì những năm gần đây họ làm ăn với Trung Quốc rất không vui, không ai nghiêm túc quan tâm đến yêu cầu của họ, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ, ví dụ như ngành tài chính, họ bất mãn rất nhiều. Còn đối với Phó Chủ nhiệm Ủy ban sự vụ toàn cầu Chicago Brian Hanson đưa ra một logic đơn giản rằng, bản thân Tổng thống Trump rất coi trọng cân bằng thương mại song phương, từ góc độ nội chính, Trump cho rằng việc áp thuế là lựa chọn hàng đầu, bởi vì áp thuế là do Trung Quốc nhập khẩu ít, xuất khẩu nhiều, áp thuế Trung Quốc nhất định sẽ chịu thua trước.
Xu hướng tiếp theo của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ
Các chuyên gia học giả Mỹ thường cho rằng, Mỹ tiếp tục duy trì gây áp lực, cọ sát thương mại sẽ tiếp tục trong thời gian dài, chiến tranh thương mại trong thời gian ngắn sẽ còn xấu đi, không thấy hy vọng gì, con số áp thuế sẽ còn lớn hơn, rất có thể còn lan sang lĩnh vực đầu tư, tài chính…, trừ khi xuất hiện các tình thế như thất bại nặng nề của đảng cộng hòa trong bầu cử giữa kỳ, giới công thương Mỹ vì tổn thất lớn mà gây áp lực cho tổng thống hay sụp đổ thị trường chứng khoán…
Trưởng Ban Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Ivan Kanapathy cho biết, các khoản áp thuế chỉ chiếm một phần trong tổng kim ngạch thương mại Trung – Mỹ, ảnh hưởng rất nhỏ đến tổng thể quan hệ thương mại hai bên. Mỹ không thể từ bỏ chế tài ngay khi Trung Quốc vừa đưa ra cam kết, như vậy sẽ thể hiện sự yếu đuối của Mỹ. Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường mức độ chế tài đối với Trung Quốc, đặc biệt trên phương diện thuế quan.
Richard Bush cho hay, ông Trump có thể cảm thấy chán nản với độ khó của chiến tranh thương mại, chiến tranh thương mại có thể sẽ càng xấu hơn trong năm sau, mở rộng ra các lĩnh vực khác, ví dụ như vấn đề NDT, vấn đề Đài Loan, yêu cầu Trung Quốc đồng ý thị trường hóa tỷ giá NDT. Ông Richard Bush và William Reinsch là nghiên cứu viên cao cấp về thương vụ quốc tế đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Mỹ đều cho rằng Trump sẽ tiếp tục gây áp lực trên vấn đề thương mại với Trung Quốc, dĩ bất biến ứng vạn biến. Nếu như cuối cùng không đạt được kết quả lý tưởng, Trump sẽ trực tiếp tìm kiếm các biện pháp đáp trả khác. Nhưng trước khi những tình huống này xảy ra, Trump sẽ không dễ dàng giảm gây áp lực.
Brian Hanson cho hay, Nhà Trắng cho rằng Trung Quốc tự biết làm thế nào để thỏa mãn yêu cầu của phía Mỹ, do vậy chỉ cần tiếp tục tăng áp lực để muốn Trung Quốc tự thay đổi. Một số chuyên gia khác phía Mỹ cũng cho rằng, chiến tranh thương mại sẽ còn xấu đi, phạm vi sẽ mở rộng sang tiền tệ và tài chính, Mỹ chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ, thậm chí còn liên đới đến vấn đề cấm vận dầu thô của Iran. Cọ sát thương mại Trung – Mỹ vẫn chưa gây ra những đe dọa thật sự cho hai bên, lĩnh vực đầu tư hai bên vẫn còn kiềm chế, vì cạnh tranh đầu tư mới là then chốt của quan hệ thương mại hai bên. Không ai có thể biết được triển vọng của chiến tranh thương mại, thời gian dài hay ngắn không thể dự báo, có thể đến bản thân Tổng thống Trump cũng không biết.
Yêu cầu và kiến nghị đối với phía Trung Quốc
Các nơi đều cho rằng, tuy các bên trong nội bộ Mỹ đều có gì đó sự bất mãn đối với chính sách của chính phủ, nhưng đều lựa chọn im lặng. Các yêu cầu và kiến nghị của các bên đối với Trung Quốc bao gồm hai phương diện: Một là trong ngắn hạn, bao gồm nghiêm túc đáp ứng sự quan tâm của Mỹ, lý tính đối xử với tranh chấp thương mại, không ảnh hưởng đến hợp tác Trung – Mỹ trên một số vấn đề cốt lõi; Hai là về lâu dài, bao gồm đi sâu cải cách trong nước Trung Quốc, mở cửa mạnh hơn, cải thiện các vấn đề có tính kết cấu trong tranh chấp thương mại Trung – Mỹ, đồng thời thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung lợi ích Trung – Mỹ, phòng ngừa mang tính cơ chế phát sinh tranh chấp thương mại.
Các chính khách và chuyên gia Mỹ cho rằng, Mỹ biết một số kế hoạch cải cách kinh tế liên quan của Trung Quốc, nhưng đến nay, cam kết nhiều hơn thực tiễn. Phía Mỹ quan tâm đến Trung Quốc trong tương lai có hay không làm được những thay đổi thực chất liên quan đến cải cách trong các lĩnh vực kinh tế để phù hợp với kỳ vọng của Mỹ. Mỹ hy vọng nhìn thấy một Trung Quốc thay đổi trên phương diện lập pháp và thiết lập quy tắc trong nội bộ Trung Quốc mà không phải là cam kết càng nhiều đơn hàng thương mại. Thực tế trọng tâm mà Mỹ quan tâm đối với “Trung Quốc chế tạo 2025” không phải ở “có cái gì” mà là vấn đề “thực hiện thế nào”.
Theo GS. Jamie Horsley, cho rằng do Trung Quốc đã “thực hiện không hiệu quả” các cam kết cải cách trong lĩnh vực kinh tế thương mại trong quá khứ, hiện nay mức độ lòng tin giữa Trung – Mỹ là rất thấp, Mỹ cho rằng chu kỳ thực hiện cam kết của Trung Quốc quá dài, chỉ là cam kết miệng. Đồng thời Mỹ cũng lo lắng cho việc doanh nghiệp Mỹ có cơ hội tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, và cần tăng cường sự minh bạch, công khai hơn của sáng kiến này để cho các doanh nghiệp Mỹ có cơ hội tham gia. Kinh tế thương mại là “hòn đá dằn” của quan hệ Trung – Mỹ hiện trở thành vấn đề lớn, Trump thích thắng lợi, phía Trung Quốc cho chút ngọt đầu môi và đặc biệt chỉ mang tính tượng trưng, xét về lâu dài vấn đề mang tính nền tảng của thương mại Trung – Mỹ vẫn cần đi sâu cải cách mới có thể giải quyết. Người sáng lập Viện Kinh tế quốc tế Peterson Fred Bergsten còn đưa ra hai kiến nghị: Một là, Trung – Mỹ đàm phán ký một hiệp định thương mại toàn diện có tính tổng hợp, đem tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế thương mại hai nước đưa ra bàn đàm phán, hình thành G2 của thực tế; Hai là, tận dụng APEC, hai bên Trung – Mỹ cùng thúc đẩy đạt được và gia nhập các hiệp định như khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), từ đó bảo đảm ổn định vấn đề kinh tế thương mại Trung – Mỹ có tính cơ chế.
Tác giả kết luận: Từ các quan điểm trên có thể thấy chuyên gia học giả phía Mỹ nói về chiến tranh thương mại, thông thường cho rằng quan hệ kinh tế thương mại Trung – Mỹ là có vấn đề, là kết quả do nhiều năm tích tụ làm cho quan hệ kinh tế thương mại hai bên khó mà tiếp tục, do vậy chiến tranh thương mại đã được sự ủng hộ rộng rãi của nội bộ nước Mỹ. Chuyên gia phía Mỹ nói rất cụ thể về các vấn đề kinh tế thương mại hai bên, không cho rằng Tổng thống Trump phát động chiến tranh thương mại chỉ là một cái cớ.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)