Sau một năm thực hiện FTA EAEU – Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nga có tiến triển rõ rệt, khẳng định tính hiệu quả của hiệp định trong việc thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 28 của Nga trên thế giới và lớn thứ hai trong số các nước thành viên ASEAN. Theo số liệu thống kê của Nga, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt gần 2,5 tỷ USD.
Đó là nhận định của trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam V.N. Kharinov về hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á Âu và Việt Nam (FTA EAEU – Việt Nam) đối với tăng trưởng thương mại đầu tư giữa Việt Nam – Nga tại cuộc họp báo kỷ niệm một năm ngày bắt đầu có hiệu lực của FTA EAEU – Việt Nam mới được tổ chức tại Hà Nội.
Xu hướng thay đổi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu
Cũng tại sự kiện, nhận định về những hiệu quả sau 1 năm thực hiện FTA EAEU – Việt Nam, Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov cho rằng, về tổng thể, có thể ghi nhận hiệu quả tích cực của cả hai phía sau khi khởi động hiệp định.
Theo Đại sứ K.V.Vnukov, “việc đưa về không” và giảm thuế nhập khẩu đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường xuất khẩu của Nga sang Việt Nam, đặc biệt là lúa mỳ, ngô, phân bón, các loại kim loại. Bên cạnh đó, EAEU nói chung và Nga nói riêng đã ghi nhận sự gia tăng cơ bản kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam, chủ yếu là các mặt hàng: điện thoại di động và các phụ kiện đi kèm, giày dép, các sản phẩm dệt kim, cao su, cá và hải sản.
Còn theo đại diện thương mại Nga tại Việt Nam, sau khi FTA EAEU – Việt Nam có hiệu lực, hai bên đã ghi nhận xu hướng thay đổi trong cơ cấu xuất nhập khẩu thương mại giữa hai nước.
Cụ thể, từ tháng 1 – 7/ 2017, kim ngạch thương mại song phương đối với hàng thực phẩm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đạt gần 420 triệu USD, trong đó, xuất khẩu thực phẩm từ Nga tăng 10 lần, đạt khoảng 180 triệu USD. Trong xuất khẩu của Nga, tỷ trọng hàng nông sản có gia tăng như thịt và phủ tạng, các sản phẩm có nguồn gốc động vật, rau củ, bột mỳ, đường và bánh kẹo, ca cao và các sản phẩm từ ca cao.
Được biết, cục thú y của Nga và Việt Nam đã thống nhất được biểu mẫu các chứng chỉ thú y đối với thịt bò, thịt gà và các phủ tạng do các nhà sản xuất hàng đầu của Nga sản xuất. Nga đã tăng xuất khẩu gấp nhiều lần đối với các loại ắc quy, các ấn phẩm báo chí, phân đạm. Bên cạnh đó, 7 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu dược phẩm của Nga sang Việt Nam đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam cũng nhận định, trong tương lai trung hạn, việc xóa bỏ thuế hải quan sẽ dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm có mức độ hoàn thiện và giá trị gia tăng cao của Nga sang Việt Nam như: thép cán, đường ống, các sản phẩm cơ khí, thiết bị và vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, các sản phẩm hóa dầu, xe ô tô, phụ tùng, lốp ô tô.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu nhập khẩu của Nga từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017, 52% là các thiết bị điện tử và gia dụng, 20% là hàng dệt may, quần áo, giày dép, và 10% là hàng thực phẩm như: chè, cà phê, gạo, cá và hải sản, trái cây và hạt điều.
Triển vọng tích cực trong quan hệ thương mại song phương
Theo nội dung FTA EAEU – Việt Nam, Nga và Việt Nam cùng cam kết thúc đẩy đầu tư và lưu thông dòng vốn.
Theo đó, đại diện thương mại Nga tại Việt Nam cho biết, sau khi FTA EAEU – Việt Nam có hiệu lực, các bên đã hoàn tất giai đoạn xây dựng cơ cấu để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương. Điều cần thiết lúc này là các bên đơn giản hóa các điều kiện để thương mại song phương được thực hiện ở mức tối đa. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp của hai nước cũng cần vào cuộc một cách tích cực hơn.
Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam nhận định, các ngành có triển vọng đáng kể trong việc đẩy mạnh hoạt động của các doanh nghiệp Nga tại Việt Nam là dầu khí, ngành điện, ngành nông nghiệp và dược phẩm.
Các doanh nghiệp Nga cũng rất quan tâm tới môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nga trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nga vừa qua, đã có khoảng 600 doanh nghiệp Nga tham dự. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay mà chưa một diễn đàn doanh nghiệp song phương nào của 2 nước có được.
Bên cạnh đó, về việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Nga, ông V.N. Kharinov cũng nhấn mạnh đến các dự án đầu tư của Tập đoàn TH True Milk ở các tỉnh Mátxcơva, Kaluga và vùng Viễn Đông của Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
Theo đó, trong năm 2017, TH True Milk đã đăng ký tại Vùng liên bang Viễn Đông một dự án đầu tư xây dựng 3 tổ hợp chăn nuôi công suất 2,5 nghìn con bò sữa mỗi tổ hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn dự kiến xây dựng nhà máy sữa công suất 300 nghìn tấn sữa/ngày và xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn gia súc cho 15 000 con bò. Dự kiến, lô sữa sản xuất công nghiệp đầu tiên sẽ xuất xưởng vào năm 2019.
Ngoài ra, theo đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, một loạt các dự án đầu tư lớn mang tính xã hội giữa Nga và Việt Nam cũng đang được nghiên cứu triển khai.
Đại sứ Nga tại Việt Nam cũng nhận định, các cơ quan chức năng của Nga và Việt Nam đang có nỗ lực rất lớn để tăng cường hợp tác song phươ