Tổng quan kinh tế thế giới tháng 9 năm 2017

0
138

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ lạc quan hơn về sự phục hồi toàn cầu so với dự báo trong tháng 7/2017 và kêu gọi các nước tiến hành cải cách nhằm duy trì tăng trưởng toàn diện và bền vững. Trong tháng 7, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 3,5 % trong năm nay và 3,6% trong năm 2018. Phát biểu đầu tháng 10 vừa qua, Giám đốc IMF bà Lagarde khẳng định sự phục hồi toàn cầu đang được đẩy nhanh và bao phủ gần 75% thế giới, cho rằng ngoài tăng trưởng toàn cầu, an ninh tài chính được cải thiện do hệ thống ngân hàng ổn định hơn và niềm tin trên thị trường ngày càng tăng. Đồng thời, bà cũng cảnh báo mức nợ cao, các rủi ro quá mức trong thị trường tài chính và những căng thẳng địa chính trị là mối đe dọa cho sự phục hồi toàn cầu.Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây của IMF cành báo về tác động của thời tiết (thay đổi khí hậu toàn cầu) có thể gây hậu quả lâu dài cho kinh tế thế giới đặc biệt là ngành nông nghiệp ở các nước có khí hậu ấm áp. Theo cơ sở dữ liệu quốc tế về thiên tai, trong giai đoạn 2000-2014 các cơn bão lũ đã gây thiệt hại 548 tỷ USD trên toàn thế giới.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn một chút so với ước tính trong quý II và đạt mức cao hơn 2 năm qua, nhưng tạm thời chậm lại trong quý III do bão Harvey và Irma. GDP tháng 4-6 tăng 3,1% tính theo năm. Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 0,9% so với cùng kỳ sau khi tăng 0,4% trong tháng 7, trong đó khai thác mỏ giảm 0,8 %. Sản xuất hàng tiêu dùng giảm 0,7 % trong khi sản xuất ôtô và phụ tùng tăng 2,2%. Xuất khẩu đạt 195,3 tỷ USD, nhập khẩu 237,7 tỷ USD. Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm làm cho nhập siêu trong tháng 8 còn 42,4 tỷ USD- mức thấp nhất trong 11 tháng qua. Giá tiêu dùng tăng 0,4% và tốc độ tăng CPI 1.9% trong tháng 8 do chi phí xăng dầu và thuê mướn tăng, có thể làm cho Cục Dự trữ liên bang thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ trong năm nay.
Bộ Lao động cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0.4% sau khi tăng 0.1% trong tháng 7- mức tăng lớn nhất trong 7 tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 đạt 4,2%-mức thấp nhất trong 16 năm qua mặc dù chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão lớn.
Kinh tế EU: Theo ước tính của Eurostat, GDP điều chỉnh theo mùa tăng 2,3% ở khu vực đồng euro (EA19) và 2,4 % ở EU28 trong quý II so với 2,0% và 2,1% trong quý I. Sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 3,2% ở khu vực đồng Euro và 3,1% ở EU28 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hoá tháng 7 của Eurozone đạt 177,7 tỷ euro, tăng 6,1% so với tháng 7/2016 (167,6 tỷ euro). Nhập khẩu đạt 154,6 tỷ euro, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (142,8 tỷ euro). Khối lượng thương mại trong khu vực đồng Euro trong tháng 7 đat 145,6 tỷ euro, tăng 5,6%, còn khối lượng thương mại trong EU đạt 260,3 tỷ euro, tăng 5,3% so với tháng 7 năm 2016. Lạm phát tính theo năm của Eurozone trong 9 đạt 1,5%, không thay đổi so với tháng trước, trong đó giá năng lượng tăng cao nhất (3,9%, so với 4,0% trong tháng 8). Tỷ lệ thất nghiệp điều chỉnh theo mùa ở Eurozone là 9,1% vào tháng 8, ổn định so với tháng 7 và so với mức 9,9% vào tháng 8/2016- là con số thấp nhất kể từ 2/2009. Tỷ lệ thất nghiệp ở EU28 là 7,6%, so với 7,7% của tháng 7 và 8,5% cùng kỳ 2016 – thấp nhất kể từ 11/2008.
Kinh tế Nhật Bản phát triển chậm hơn so với dự kiến ban đầu. GDP trong quý II tăng 2,5% so với dự báo là 4,0%, nhưng vẫn là mức tăng nhanh nhất trong hơn 2 năm qua. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng 2,1% trong tháng 8. Theo dự báo, trong tháng 9, sản lượng công nghiệp sẽ giảm 1,9% và sẽ tăng 3,5% trong tháng 10. Thặng dư thương mại tháng 8/2017 đạt 113,6 tỷ Yên (1,01 tỷ USD). Xuất khẩu tăng 18,1% trong khi nhập khẩu tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng chung tăng 0,7% trong tháng 8 so với 0,4% trong tháng 7. Chi tiêu gia đình ở Nhật Bản trong tháng 8 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước sau khi giảm 0,2% trong tháng 7. Thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi hộ gia đình là 485.099 Yên, cao hơn 0,2% so với năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 đạt 2,8%, không thay đổi so với tháng trước 7. Số người thất nghiệp trong tháng 8 là 1.89 triệu người giảm 230 nghìn người.
Kinh tế Nga: theo Rosstat, trong quý II/ 2017, GDP của Nga tăng 2,5%, mức cao nhất kể từ quý III năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP đã tăng 1,5%. Khối lượng sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và so với 1,1% trong tháng 7. Thặng dư thương mại giảm 36,3% còn 3,97 tỷ đô la vào tháng 7 và so với 6,24 tỷ đô la cùng kỳ năm trước, nhập khẩu tăng 28,1% đạt 20,77 USD, trong khi xuất khẩu tăng 10,2% đạt 24,74 tỷ USD. Giá tiêu dùng tháng 8 tăng 3,3% so với so với 3,9% trong tháng 7- mức thấp nhất kể từ năm 1991, chủ yếu là do giá lương thực và vận tải giảm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm 4,9% vào tháng 8, so với mức 5,2% cùng kỳ năm trước và thấp hơn dự báo 5,1%. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kề từ tháng 8 năm 2014, khi số người thất nghiệp giảm 245 nghìn xuống còn 3,792 triệu người.

Theo TLSQVN tại Ekaterinburg – Liên bang Nga (Nguồn Yandex.Direct 08/10/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here