Notifications
Clear all

Bản tin Kinh tế số tháng 09-2019

1 Bài viết
1 Thành viên
0 Reactions
1,324 Lượt xem
(@dsqvn-lao)
Trusted Member
Gia nhập: 7 năm trước
Bài viết: 80
Topic starter  

​​​​

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Chính phủ họp phiên khẩn cấp hỗ trợ khắc phục thiên tai

        Ngày 16/9/2019, tại thủ đô Viêng Chăn, Cuộc họp khẩn cấp của Chính phủ do Thủ tướng Thoong loun Sisoulith chủ trì được tổ chức nhằm thảo luận các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

        Tại phiên họp, ngoài việc trao đổi, tìm giải pháp cấp bách, lâu dài khắc phục hậu quả thiên tai, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận thêm các chính sách ưu đãi về thuế, giảm giá điện, chính sách tín dụng và kiểm soát giá cả thị trường; đặc biệt là các tác động đến giá cả thị trường hàng hóa tại Trung-Nam Lào và các chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp trong vùng ảnh hưởng để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

       Người phát ngôn của Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào Chaleun Yiapaoher nêu rõ, Chính phủ yêu cầu Cơ quan Điều phối phòng chống thiên tai Trung ương phối hợp chặt chẽ với Chính quyền địa phương khẩn trương giải quyết, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sớm ổn định đời sống, sinh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm các đóng góp giúp các doanh nghiệp phục hồi các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nhanh chóng khôi phục các tuyến đường giao thông quan trọng, các hạ tầng công cộng...Đồng thời, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; kiểm soát tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do.

       Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ quan tâm sát sao, tổ chức thực hiện ngay các biện pháp giải quyết trước mắt tại các tỉnh Trung-Nam Lào và xây dựng kế hoạch thực hiện giải pháp lâu dài, ứng phó với những biến động không lường của thiên nhiên.

      Theo báo cáo của Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào, tính đến ngày 10/9/2019, lũ lụt đã tác động, ảnh hưởng đến 47 huyện, 1.655 bản, 169.916 hộ gia đình, làm thiệt mạng 18 người (tỉnh Savanakhet 03 người, Salavan 03 người, Attapeu 04 người, Champasak 08 người) và 01 người bị mất tích. Phải di dời 10.163 hộ gia đình ra khỏi vùng lũ lụt đưa đến địa điểm an toàn và sang các tỉnh khác lân cận. Về giao thông, nhiều cầu cống hư hỏng, nhiều đoạn đường bị ách tắc, gián đoạn, sạt lở khoảng 104 km đường quốc lộ, 262 km tỉnh lộ và khoảng trên 1400 km đường cấp huyện, bản, với tổng giá trị khoảng 900 tỷ Kíp. Thiệt hại 147.619 ha ruộng sản xuất, 5.599 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trên 87.000 vật nuôi, 438.956 gia cầm và 133 kênh mương thủy lợi.

       Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Chính phủ Lào đã tập trung nguồn lực, tích cực, khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu trợ nhân dân, khắc phục, củng cố các cơ sở hạ tầng bị hư hại; huy động các nguồn lực trong toàn xã hội quan tâm, góp sức cùng Chính phủ khắc phục khó khăn, hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời, giao nhiệm vụ đến từng Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan của Lào, nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm ổn định hoạt động xã hội, cuộc sống của nhân dân, cụ thể:

       Trước mắt cần triển khai 07 biện pháp: (i) theo dõi sự biến động, thay đổi của thời tiết, thông báo nhanh, chính xác đến nhân dân để kịp thời ứng phó; (ii) cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men và dịch vụ y tế đảm bảo cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng; (iii) đánh giá, thẩm định sự thiệt hại để xây dựng kế hoạch khắc phục; (iv) chuẩn bị lực lượng phòng chống, cứu hộ, thu dọn, vệ sinh các khu vực công cộng, nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt, làm việc trở lại bình thường; (v) Tổ chức các đội cứu hộ trong Ủy ban bảo vệ và giám sát thiên tai quốc gia giúp đỡ các địa phương bị ảnh hưởng; (vi) tổ chức kêu gọi sự hỗ trợ, cứu trợ của các tầng lớp tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội từ trung ương đến địa phương giúp đỡ nhân dân vùng lũ lụt; (vii) triển khai thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế cho các doanh nghiệp, thương nhân, nông dân vùng bị ảnh hưởng;

       Về trung và dài hạn, cần thực hiện 05 biện pháp: (i) Xây dựng vững mạnh cho Ủy ban Bảo vệ và giám sát thiên tai, đặc biệt đối với cấp tỉnh, huyện và bản trong công tác quản lý thiên tai, công tác chuẩn bị phòng chống, giảm thiểu tác động và thực hiện công tác cứu hộ; (ii) Tăng cường hơn công tác cảnh báo nhằm để nhân dân tiếp cận được thông tin, thông báo tình hình thời tiết nhanh chóng và kịp thời và hướng dẫn biện pháp phòng chống thiên tai cho người dân, vật nuôi, cây trồng khi gặp thời tiết xấu có thể gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất; (iii) Kết hợp giữa công tác quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai trong kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế-xã hội theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo có nguồn vốn thường xuyên cho các chương trình viện trợ, cứu hộ và các dự án khôi phục sau thảm họa thiên tai; (iv) Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về công tác quản lý rủi ro thiên tai, nhiều kịch bản khác nhau trong công tác quản lý và phòng chống thiên tai cho từ cấp trung ương đến địa phương trong từng giai đoạn cụ thể; (v) Tăng cường áp dụng các trang thiết bị hiện đại, thông tin điện tử, thông tin từ vệ tinh để xây dựng kế hoạch quản lý, giám sát và ứng phó với rủi ro về thiên tai. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài chính chỉ đạo khẩn cấp việc sử dụng nguồn kinh phí được ủng hộ từ năm 2018 (1,5 tỷ Kíp) để cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng trước khi tiếp nhận các nguồn ủng hộ mới từ các tổ chức, cá nhân trong nước. (ĐSQVN tại Lào, Vientiane Time 16,17/9/2019)

Kíp mất giá so với Baht làm ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu tại Lào

       Đồng Kíp liên tục mất giá so với đồng Baht Thái đã gây ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp tại Lào, đặc biệt là nhập khẩu, dẫn đến giảm lợi nhuận. Theo tỷ giá hối đoái tại Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) ngày 2/9/2019, 1 Baht Thái bán ra là 291,92 Kíp, mua vào là 289,73 Kíp. Việc đồng Baht Thái tăng giá và đồng Kíp mất giá gây khó khăn cho cả khu vực công và tư trong thời gian tới.

       Chủ công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ BNN Nidtaya Phetdavan cho biết, công ty của bà nhập chủ yếu thiết bị sản xuất nông nghiệp từ Thái Lan để bán (chiếm khoảng 70%, 30% nhập từ Trung Quốc và Việt Nam) và thường sử dụng tiền Baht để thanh toán, do vậy khi đồng Kíp mất giá so với đồng Baht thì doanh nghiệp trong nước Lào bị ảnh hưởng rất lớn. Các sản phẩm được nhập khẩu vào Lào chủ yếu là máy móc nông nghiệp, phân bón và các nhu yếu phẩm khác. Bà bày tỏ mong muốn Chính phủ Lào có biện pháp kiểm soát tỷ giá ngoại tệ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực cho doanh nghiệp trong nước và về ngắn và dài hạn. (Vientiane Times, 3/9/2019)

Viêng Chăn thúc đẩy du lịch bền vững

       Từ ngày 27-28/9/2019, tại Viêng Chăn, Hiệp hội các công ty du lịch Lào đã tổ chức Triển lãm Giải pháp Du lịch bền vững (STSE) năm 2019 nhằm thúc đẩy ngành du lịch của Lào với chủ đề "Tìm hiểu những giải pháp trách nhiệm, thân thiện sinh thái để thúc đẩy kinh doanh". Theo website của STSE, triển lãm giới thiệu những doanh nghiệp và nhà kinh doanh các sản phẩm bền vững, công nghệ và dịch vụ tại Lào, giới thiệu sản phẩm du lịch truyền thống bền vững như các sản phẩm sạch thân thiện với môi trường, vệ sinh, đồ dùng không sản xuất từ nhựa, đồ ăn, thức uống nhập khẩu, công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản phẩm handmade và đồ trang trí, khám phá những công nghệ mới, sản phẩm hữu cơ…

       Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch cho biết, trong những năm gần đây, Lào cho thấy có sự phát triển ấn tượng về du lịch, nhiều hoạt động được tổ chức trên toàn quốc, thu hút thêm nhiều du khách, thúc đẩy để Lào trở thành điểm đến du lịch mang tầm khu vực. Năm 2018, hơn 4,1 triệu lượt du khách nước ngoài đến Lào, tăng 8,2% so với năm 2017, tạo khoản thu là hơn 755 triệu USD. Năm 2019, dự kiến đạt 4,5 triệu du khách đến Lào, tạo thu nhập là hơn 700 triệu USD. Du lịch được phân khúc làm 3 loại: du lịch thiên nhiên, du lịch lịch sử và du lịch văn hóa. Cho đến nay 985 điểm du lịch được địa phương khảo sát và xác nhận, trong đó xác định 257 điểm du lịch văn hóa, 570 điểm du lịch tự nhiên và 162 điểm du lịch lịch sử. (Vientiane Times, 23/9/2019)

Thu thuế không đạt chỉ tiêu do nhập khẩu xăng dầu, phương tiện giảm

       Ngày 13/9/2019, báo KT-XH đưa tin, cửa khẩu quốc tế Paksan, tỉnh Bolykhamxay sẽ thu không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2019 do lượng nhập khẩu xăng dầu, phương tiện giảm mạnh.

       Cửa khẩu quốc tế Paksan, tỉnh Bolykhamxay là một trong các cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ xuất nhập khẩu hàng hóa ra nước ngoài, nằm ở vị trí quan trọng, trên trục kinh tế Đông-Tây, từ Hà Tĩnh (Việt Nam) qua Bolykhamxay (Lào) sang Thái Lan. Giai đoạn qua, cửa khẩu này đã không ngừng tăng trưởng, hoạt động mạnh mẽ về thương mại, đầu tư, du lịch, có nguồn thu đáng kể nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tính đến hết 08 tháng đầu năm thu chỉ được 132,5 tỷ Kíp, đạt 43,81% và theo dự tính, năm 2019 thu sẽ không đạt được chỉ tiêu giao là 302 tỷ Kíp, nguyên nhân do lượng nhập khẩu xăng dầu, thiết bị phục vụ một số dự án lớn giảm.

       Phó Trưởng ban quản lý cửa khẩu quốc tế Paksan Xaysana Vongsomphou cho biết, cùng thời điểm, nếu năm 2018, lượng nhập khẩu xăng dầu đạt 51,08 triệu lít thì năm 2019 chỉ đạt 43,61 triệu lít và thu thuế nhập khẩu từ mặt hàng này cũng giảm từ 106,5 tỷ Kíp (2018) xuống còn 90,3 tỷ Kíp (2019). Đối với nhập khẩu phương tiện cũng giảm mạnh từ 650 phương tiện vào năm 2018 xuống còn 55 phương tiện tính đến hết tháng 8/2019.   

       Như vậy, chỉ còn 04 tháng cuối năm 2019, để đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cửa khẩu cần lên kế hoạch thu 170 tỷ Kíp, đây là một thách thức lớn, khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của các dự án lớn giảm vì đang trong giai đoạn hoàn thành, phương tiện nhập khẩu cũng giảm mạnh do cầu trong nước giảm, sẽ là áp lực chính làm giảm nguồn thu cho ngân sách trong khoảng thời gian còn lại của năm. (Báo KT-XH, 13/9/2019)

Dự án thủy điện Nậm Ou 1 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020

       Ngày 16/9/2019, báo KT-XH đưa tin, Dự án thủy điện Nậm Ou 1 là một trong 07 dự án thủy điện bậc thang nằm trên dòng sông Nậm Ou, có công suất thiết kế 180 MW, do công ty Sainohaido Trung Quốc làm chủ đầu tư và phát triển, được triển khai xây dựng từ năm 2016, đến nay đạt tiến độ 85%.

      Giám đốc xây dựng Dự án Huanan Xang cho biết, Đập thủy điện Nam Ou 1 cách Luang Prabang 45 km về phía bắc, nằm sát tuyến đường 13 bắc, thuộc huyện Pak Ou, tỉnh Luang Prabang, tiến độ xây dựng đến nay đạt 85% (riêng phần đổ bê tông đạt 95%). Theo kế hoạch, đến 6/2020 sẽ hoàn thành đưa vào vận hành sản xuất điện và sẽ được hòa lưới tại trạm điện Pakmong, huyện Nampak và trạm điện huyện Xiengngan. Tiến độ xây dựng đập Nam Ou 1 nhanh hơn tiến độ Nam Ou 3,4,7 khoảng 5%. Khi ngăn đập, phần đoạn đường 13 bắc bị ngập nước có chiều dài khoảng 5,2 km sẽ được nâng cấp cải tạo và hoàn thành vào tháng 10/2019.

       Cùng với đó, khu vực hồ chứa nước trước đập được quy hoạch thành các khu du lịch sinh thái, phong cảnh và khu nghỉ dưỡng, tạo nên khuôn mặt mới cho huyện Pak Ou về lĩnh vực du lịch. (Báo KT-XH, 16/9/2019) 

Ngập lụt khiến giá gạo và thịt lợn tăng, Lào giới hạn xuất khẩu gạo

       Ngày 16/9/2019, Báo Vientiane Times đưa tin, giá thịt lợn và gạo tăng ở các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của lũ lụt nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của chính phủ.

       Lũ lụt đã ảnh hưởng khoảng 147.619 ha ruộng đất (trong đó: 10.896 ha lúa ở tỉnh Khăm muộn, 47.457 ha ở tỉnh Sa vẳn nạ khẹt, tỉnh Salavan là 45.640, 1.722 ha ở tỉnh Xê kông, tỉnh Champasak 34.492 ha và Attapeu là 7.982 ha); nhiều trang trại chăn nuôi, hệ thống tưới tiêu và hồ cá là một phần của ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đã làm cho giá gạo tăng lên từ 500-1000 Kip/kg, giá thịt lợn tăng khoảng 5.000 Kip/kg do giao thông ách tắc, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, trở ngại. Giá gạo, thịt lợn tăng cao do thiếu nguồn cung đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các mặt hàng này ra nước ngoài của nhiều công ty kinh doanh của Lào.

       Đến nay, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 1.350 tấn sang Trung Quốc trong tổng hạn ngạch hai bên đã ký kết là 50.000 tấn. (Vientiane Times, 16/9/2019)

 

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI​

​Chính phủ chú trọng cải thiện dịch vụ công

       Ngày 03/9/2019, theo dẫn của Vientiane Times, Chính phủ Lào cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện dịch vụ công để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ công của tầng lớp nhân dân trong xã hội.

       Theo thông tin từ Vụ Quan hệ với công chúng, Văn phòng Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo cho các Bộ, ban, ngành phải giải quyết kịp thời, đầy đủ các ý kiến đóng góp của công chúng đã được gửi qua các đường dây nóng cũng như qua các kênh truyền thông, mạng thông tin xã hội.

       Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Vientiane Times, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) Davone Phachanthvong thể hiện mong muốn về việc Chính phủ cần xử lý nghiêm khắc các thương vụ bất hợp pháp để hỗ trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp và cho rằng, việc Chính phủ cải thiện các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp sẽ tạo môi trường để thu hút đầu tư vào Lào.

       Để thực hiện cải tiến cung cấp dịch vụ công, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, Nghị định về Nghiêm cấm cán bộ nhà nước lạm dụng quyền lực và chức vụ để trì hoãn công vụ. Ngoài ra, Chính phủ cần quy định rõ những thủ tục yêu cầu đối với công dân khi cần dịch vụ công để mọi người biết và tuân thủ, đặc biệt là về các loại phí. (Báo Vientiane Time, 03/9/2019)

​​​Chính sách mới của Chính phủ về trồng cây và tái sinh rừng​

       Ngày 17/9/2019, Vientiane Time đưa tin, Nghị định về việc Khuyến khích các trang trại trồng cây thương mại của Chính phủ được ban hành ngày 20/8/2019. Theo đó, các chủ rừng trồng, chủ trang trại sẽ được khai thác gỗ trồng mà không phải qua thủ tục khảo sát kỹ thuật và xin phép, các doanh nhân cũng được miễn chi trả nhiều nghĩa vụ liên quan.

       ​Nghị định được ban hành nhằm hỗ trợ và xúc tiến đầu tư phát triển trang trại trồng cây thương mại để cung cấp nguyên liệu thô cho ngành chế biến gỗ, đồng thời tăng diện tích che phủ rừng của Lào theo định hướng, kế hoạch đã đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia.

       Điều 7 của Nghị định nêu rõ: "Việc khai thác cây trồng, đã được đăng ký là rừng trồng hoặc cây trồng đã được chứng nhận có thể được thực hiện mà không cần khảo sát kỹ thuật và xin phép. Tuy nhiên, chủ rừng phải có giấy đăng ký về rừng trồng hoặc giấy chứng nhận về cây trồng của họ do Phòng Nông Lâm huyện cấp" là hồ sơ xác nhận về nguồn gốc, vị trí, chủng loại và khối lượng sẽ được thu hoạch trước khi khai thác. Đồng thời, Nghị định quy định việc khai thác cây trồng để sử dụng cho mục đích gia đình hoặc công cộng có thể được thực hiện mà không phải chi trả phí tài nguyên hoặc các nghĩa vụ tái sinh khác, nhưng phải thông báo cho Chính quyền bản về số lượng hoặc quy mô khai thác; gỗ cây trồng sẽ được vận chuyển tự do sau khi báo cáo cho Phòng Nông lâm huyện về số lượng hoặc quy mô.

       Thông qua chính sách này, Chính phủ muốn xóa bỏ các rào cản đối với gỗ cây trồng trên cả nước trong việc khai thác, sử dụng; được phép xuất khẩu dưới dạng gỗ tròn, nhưng cần tuân thủ theo quy định pháp luật liên quan và các hiệp ước quốc tế mà Lào là thành viên. Đồng thời, Chính phủ sẽ cung cấp những thông tin cần thiết nhằm hỗ trợ và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại cây trồng lấy gỗ và tham gia các chương trình tái sinh rừng. (Vientiane Times, 17/9/2019)

Chính phủ lập Ủy ban nghiên cứu về cây cần sa phục vụ y tế

       Ngày 23/9/2019, Vientiane Time đưa tin, Chính phủ Lào thông báo việc thành lập Ủy ban chuyên trách do Bộ trưởng Bộ Y tế Bounkong Syhavong làm chủ tịch, có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu tổng thể về cây cần sa phục vụ mục đích y tế.

       Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế Lào đề xuất xây dựng một bệnh viện điều trị bệnh ung thư bằng thuốc truyền thống chiết xuất từ dược liệu tự nhiên và cây cần sa, Chính phủ Lào cho phép tiến hành nghiên cứu về loại cây này trong việc sử dụng vào mục đích y tế và các tác động của nó đến chính trị, kinh tế, xã hội và quy định quốc tế. Kết quả nghiên cứu sẽ được báo cáo Chính phủ để có hướng dẫn triển khai.

       Hiện nay, luật pháp Lào chưa cho phép trồng, thương mại và sử dụng cây cần sa nhưng sẽ nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới (như Canada, Uruguay, Thái Lan, và một số nước phương Tây) về phát triển và ứng dụng các sản phẩm của cây cần sa vào mục đích y tế. (Vientiane Times, 23/9/2019)

EDL-Gen không trả cổ tức cho các cổ đông vì lỗ trong 06 tháng đầu năm 2019

       Ngày 04/9/2019, theo tin từ Vientiane Times, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phát điện Đại chúng (EDL – Gen) quyết định không chi trả cổ tức cho các cổ đông vì kết quả kinh doanh 06 tháng đầu năm 2019 của công ty lỗ 147,15 tỷ Kíp.

       Mức lỗ của công ty được công bố bằng đồng Kíp trong khi tỷ giá giữa đồng Kíp và USD và đồng Baht Thái đang biến động bất lợi theo hướng đồng Kíp mất giá. Tuy nhiên, EDL-Gen tin rằng các cổ đông của Công ty sẽ được nhận cổ tức trong 06 tháng cuối năm khi kết quả kinh doanh được cải thiện và đồng Kíp ổn định trở lại. Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại đại hội cổ đông thường niên 2019.

       ​EDL-Gen được thành lập vào tháng 12/2010 và là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Lào (LSX) vào tháng 11/2011 với hoạt động chính là sản xuất điện. Vốn chủ sở hữu của EDL-Gen khi phát hành lần đầu là 3.474 tỷ Kíp, sau đó vào năm 2012 đã tăng lên 4,9 nghìn tỷ Kíp; năm 2015, tăng lên 6,17 nghìn tỷ Kíp.

       Trong những năm tới EDL-Gen cam kết mở rộng hoạt động, đảm bảo tăng trưởng bền vững và trở thành doanh nghiệp sản xuất điện hàng đầu ở Lào và ASEAN. (Vientiane Times, 04/9/2019)

BOL áp dụng các giải pháp nhằm ổn định đồng Kíp

       Ngày 04/5/2019, theo tin đăng tải trên Website chính thức của Ngân hàng CHDCND Lào (BOL), BOL đang áp dụng các giải pháp để ngăn chặn đà giảm giá của đồng Kíp so với các đồng ngoại tệ khác.

       Theo bản tin của BOL, để ngăn chặn đồng Kíp trượt giá so với USD và Baht Thái, BOL đã điều chỉnh cung tiền ở mức phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, BOL đang áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý để giữ cho đồng Kíp ổn định hơn. Theo BOL, một trong các giải pháp có hiệu nhất để ổn định đồng Kíp là hạn chế cầu và tăng cung ngoại tệ trong nước. Về mặt này, BOL đã yêu cầu sự tham gia của tất cả các cơ quan liên quan và công chúng để hỗ trợ và xúc tiến đầu tư trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, người tiêu dùng cũng phải thay đổi hành vi bằng cách mua và sử dụng ít hơn hàng hóa nhập khẩu xa xỉ không cần thiết. BOL kêu gọi các Bộ ngành liên quan đẩy mạnh phát triển du lịch trong nước để thu ngoại tệ

        Theo BOL, các yếu tố chính gây giảm giá trị đồng Kíp trong những tháng gần đây là do USD và Bah Thái tăng giá. Trong 8 tháng đầu năm 2019, giá trị USD so với đồng Euro đã tăng 1,5%; giá trị đồng Baht Thái đã tăng 3,5% so với USD. Việc tăng giá của các đồng tiền này trên thị trường quốc tế đã gây áp lực lên tình trạng giảm giá của đồng Kíp. Theo số liệu của BOL, tỷ giá hối đoái ngày 04/9/2019 là 290 Kíp/Bath Thái, giảm từ mức 276 Kíp hồi tháng 6/1019; 8.790 Kíp/USD, giảm từ mức 8.600 Kíp/USD hồi tháng 6/2019. Trên thị trường tự do, tỷ giá trao đổi ít nhất là 300 Kíp/Bath Thái và trên 9000 Kíp/USD. (Vientiane Times, 05/9/2019)

Hối thúc các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa sản xuất hàng hóa đặc biệt để xuất khẩu

       Ngày 9/9/2019, trả lời phỏng vấn độc quyền Vientiane Times, Giám đốc Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) Arancha Gonzalez nhấn mạnh, các doanh nghiệp qui mô nhỏ và vừa (SMEs) ở Lào cần tăng cường khả năng sản xuất hàng hóa đặc biệt để xuất khẩu ra thị trường quốc tế vì đó là phương án lựa chọn thực tế.

       Lào không có khả năng sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn, giá rẻ. Đó không phải là sân chơi của Lào. Lào phải sản xuất quy mô nhỏ với giá cao. Vấn đề đối với các sản phẩm của Lào là của một nước không có biển, Logistics khó khăn. Vì vậy, cần thiết phải đầu tư vào các loại hàng hóa đặc biệt, bà Arancha Gonzalez nói.

       Bài phỏng vấn được thực hiện bên lề lễ khai trương dự án ARISE PLUS – LAO PDR do ITC, Liên minh châu Âu và Chính phủ Lào tài trợ. Dự án trị giá 5 triệu USD sẽ được thực hiện trong thời gian 2019-2023 nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh về xuất khẩu của SMEs với kỳ vọng tăng trưởng của khu vực này sẽ đóng góp đáng kể trong tạo việc làm và giảm nghèo ở Lào. Tăng khả năng canh tranh về xuất khẩu của các SMEs địa phương là một trong các mục tiêu then chốt của dự án nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất các loại hàng hóa đặc biệt phục vụ xuất khẩu ra thị trường quốc tế và phục vụ du lịch. Lào có tiềm năng lớn về hàng hóa nông sản chất lượng cao nhờ đất đai phì nhiêu. Dự án ARISE PLUS – LAO PDR sẽ hỗ trợ các SMEs địa phương sản xuất nông sản sạch để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Lào có thể sản xuất nông sản sạch để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Tuy nhiên, sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các thị trường có sức mua lớn này. Dự án sẽ giúp về chứng nhận hàng hóa của Lào. Với chứng nhận hàng hóa và tín nhiệm, Lào có thể tiếp cận các thị trường quốc tế. Sự can thiệp của dự án ARISE PLUS – LAO PDR có thể giúp các SMEs Lào xác định được cơ hội và thách thức của mình. Ví dụ, họ được hưởng đặc quyền tiếp cận các thị trường châu Âu với thuế quan thấp đối với hàng hóa từ nước kém phát triển. Đồng thời, dự án cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Lào nhận thức về những thách thức và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cạnh tranh gay gắt hơn khi Lào ra khỏi địa vị của một nước kém phát triển và không còn được hưởng đặc quyền này. Bên cạnh các hoạt động này, dự án cũng sẽ hỗ trợ Lào đơn giản hóa các thủ tục hải quan, khuyến khích các doanh nghiệp trẻ khai thác các cơ hội thị trường quốc tế. (Vientiane Times, 16/9/2019)

Chuẩn bị thu hồi 20 dự án tô nhượng đất Chính phủ tại tỉnh Attapeu

       Ngày 28/8/2019, Ban chuyên trách tỉnh Attapeu phối hợp với Ban chuyên trách Trung ương tổ chức cuộc họp thảo luận về tình hình hoạt động của các dự án thuê và tô nhượng đất Chính phủ tại địa phương của các nhà đâu tư trong và ngoài nước. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch tỉnh Attapeu Souksamay Chanthamath và các đại biểu liên quan.

      Theo báo cáo tại cuộc họp, tỉnh Attapeu hiện có 17 dự án thuê và tô nhượng đất Chính phủ, đang trong tình trạng bị bỏ hoang, không triển khai hoạt động theo cam kết trong hợp đồng. Việc bỏ bê, sao nhãng hoạt động sản xuất đã làm mất cơ hội phát triển và tạo nguồn thu nhập cho xã hội, ảnh hưởng đến môi trường hoạt động đầu tư cần phải xem xét và xử lý. Các dự án trên đang được nghiên cứu tổng hợp và sẽ rút phép đầu tư, thu hồi dự án trước thời hạn hợp đồng.

       Hiện nay, tỉnh Attapeu đang tiếp tục xem xét cấp phép các dự án đầu tư mới và thu hồi những dự án không triển khai hoạt động nhằm tăng cường sử dụng quỹ đất đai có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và địa phương. Các dự án nằm trong diện không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, chuyển nhượng dự án trái phép, sử dụng đất sai mục đích, triển khai không đúng nội dung hợp đồng đã ký kết, sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư, hủy bỏ hợp đồng thuê và tô nhượng đất trước thời hạn để cấp mới cho các nhà đầu tư đủ năng lực phát triển dự án.

       Trên cơ sở đó, Ban chuyên trách Trung ương và Địa phương đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, kiểm tra sát sao việc sử dụng đất của Chính phủ tại địa phương nhằm đảm bảo cho việc sử dụng quỹ đất theo đúng mục tiêu kế hoạch đã đề ra. (Báo KT-XH, 02/9/2019)

Nghiên cứu chuỗi giá trị gia tăng về sản xuất gạo và chuối để xuất khẩu

            Ngày 20/9/2019, Viện Nghiên cứu kinh tế Công nghiệp và Thương mại Lào đã tổ chức hội nghị chuyên ngành để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo dưới chủ đề "Chuỗi giá trị gia tăng thương phẩm nông sản giữa Lào và Trung Quốc về lĩnh vực sản xuất gạo và chuối" do Phó Viện trưởng Viengsavang Thipphavong chủ trì, cùng các đơn vị liên quan tham dự.

       Phát biểu tại hội nghị, ông Viengsavang Thipphavong cho biết, cuộc họp lần này nhằm lây ý kiến đóng góp về nội dung liên quan đến chuỗi giá trị gia tăng hàng hóa nông sản đã được triển khai từ đầu năm 2019, đặc biệt đối với mặt hàng gạo và chuối. Chương trình trên do Chính phủ Trung Quốc tài trợ, được triển khai nghiên cứu tại 06 quốc gia để tạo ra hàng hóa nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Lào chọn lựa 02 sản phẩm là gạo và chuối. Vì vậy, ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung vào chủ đề trên để tổng hợp phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, chính sách của Bộ Công Thương trong thời gian tới.

      Đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế Công nghiệp và Thương mại Somdeth Phothisan cho biết, nông nghiệp là một trong lĩnh vực quan trọng hàng đầu đóng góp cho nền kinh tế Lào, theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Lào đến 2025, ngành nông nghiệp sẽ đóng góp trên 19% GDP.

       Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Lào chủ yếu là gạo, chuối, ngô, cà phê, sắn, mía đường…trong đó, giá trị xuất khẩu cao thuộc sản phẩm về gạo và chuối. Do vậy, việc nghiên cứu giá trị gia tăng thương mại đối với hai loại sản phẩm trên rất cần thiết, đúng hướng và lâu dài đối với ngành nông nghiệp của Lào, cần phải được quan tâm phát triển các mặt hàng này trong việc tạo ra giá trị thương mại cao hơn nữa trong thời gian tới đây. (Báo KT-XH, 23/9/2019) 

Cải thiện giao dịch trên thị trường chứng khoán

       Ngày 13/9/2019, tại thủ đô Vientiane, Ủy ban quản lý chứng khoán Lào tiến hành cuộc họp thường kỳ lần thứ III năm 2019, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban quản lý chứng khoán Lào Somdy Duangdy cùng các đại biểu liên quan tham dự.

       Tại cuộc họp, các đại biểu nghe báo cáo kết quả tổ chức thực hiện nội dung cuộc họp lần thứ II năm 2019 của Ủy ban chứng khoán; thông qua dự thảo 02 văn bản hướng dẫn về Tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý vốn đầu tư và dự thảo Quyết định liên doanh Tổ chức tài chính. Đồng thời, đề xuất cải tiến điều kiện niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Lào; tình hình giao dịch cổ phiếu; kết quả hoạt động trong 06 tháng đầu năm 2019 và các biện pháp giải quyết, bao gồm cả kế hoạch cải tiến và phát triển thị trường chứng khoán tại Lào.

       Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Somdy Duangdy chỉ đạo Ủy ban quản lý chứng khoán phải tập trung cải tiến các hoạt động của thị trường vốn do thời gian qua nhiều vấn đề tồn tại trong triển khai hoạt động tại các sàn giao dịch, chưa tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia, một số hoạt động không đáp ứng kịp thời, đặc biệt là bước chuẩn bị cho các công ty đăng ký lên sàn giao dịch còn chậm, các công ty thực hiện đăng ký còn chưa đúng tiến trình và việc giao dịch tại thị trường chưa sôi động. (KPL, 17/9/2019)

​Lào đẩy mạnh phát triển đường sắt để kết nối khu vực

       Ngày 05/9/2019, Nhóm làm việc phụ về Kết nối đường sắt Singapore-Côn Minh (SWG-SKRL) đã nhóm họp lần thứ 21 tại Viêng Chăn. Cuộc họp đồng chủ trì bởi Bộ Giao thông vận tải Lào và Bộ Giao thông Malaysia để cập nhật SKRL trong mỗi nước thành viên, thảo luận các dự án liên quan khác và công việc tương lai.

       Đường sắt SKRL có khoảng 7.000 km đường ray, phía đông chạy qua Việt Nam, Cămpuchia và Thái Lan, phía Tây qua Mianmar và Thái Lan, đường chính qua Lào và Thái Lan và phía Nam nối Singapore và Malaysia qua Thái Lan.

       Các nước thành viên phải hoàn thành việc xây dựng 1.287 km đường sắt nối Cămpuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và phục hồi 1.250 đường ray hiện có ở Cămpuchia, Malaysia và Thái Lan.  

       Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lào, ông Viengsavath Siphandone, chính phủ đã nỗ lực hơn 10 năm qua tham gia thực hiện đầu tư, nghiên cứu đường sắt Lào-Trung Quốc, Viêng Chăn-Thakhẹc-Mugia và giai đoạn 2 của đường sắt Lào-Thái. Đường sắt Lào-Trung là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường và một phần không thể thiếu của tuyến trung tâm SKRL, đến tháng 7 đã hoàn thành 75% và kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2021. Chiến lược logistic quốc gia được phê duyệt năm ngoái là khuôn khổ chính sách phù hợp với mục tiêu của đất nước không đơn thuần chỉ là cầu nối mà còn là hành lang giao thông đa phương thức tạo nên phần lớn lợi ích tiềm năng.

       Tại cuộc họp, Tổng thư ký của Bộ Giao thông Malaysia, Datuk Mohd Khairul Adib Abd Rahman nhấn mạnh tầm quan trọng của Kết nối đường sắt Singapore-Côn Minh. Bằng việc kết nối các thủ đô của các nước Asean, đường sắt sẽ trở thành một mạng lưới kết nối các nước thành viên để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội to lớn và nâng cao hợp tác người với người khắp khu vực. (Vientiane Times, 6/9/2019)

Chính phủ dừng kiểm tra chất lượng hàng điện, điện tử

       Ngày 23/9/2019, Vientiane Times đưa tin, chính phủ đã bãi bỏ việc kiểm tra chất lượng thiết bị điện, điện tử nhập khẩu qua Cầu Hữu nghị Lào-Thái I mà Chính phủ ban hành vào tháng 9/2017 đã làm tăng thời gian nhập khẩu và chi phí dịch vụ, gây cản trở về thương mại.

       Mục đích của việc bãi bỏ trên nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí để thuận lợi hóa thương mại, cải thiện thứ hạng thuận lợi kinh doanh đang được Bộ Công Thương triển khai thực hiện. Chỉ số dễ dàng kinh doanh của Lào xếp thứ 154/190 phản ánh môi trường kinh doanh không minh bạch và phức tạp đang là rào cản đối với thương mại và hội nhập khu vực khiến Lào hạn chế tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Chi phí kinh doanh cao, môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, kém năng động và thông thoáng khiến các nhà đầu tư lo ngại.

       Việc bãi bỏ kiểm tra chất lượng thiết bị điện, điện tử nhập khẩu qua Cầu Hữu nghị Lào-Thái I sẽ giúp tiết kiệm thời gian và giảm phí dịch vụ. Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng, vấn đề trên vẫn được tiến hành tại các nơi phân phối, cửa hàng và không thu thêm bất kỳ loại phí nào. (Vientiane Times, 23/9/2019)

 

HỢP TÁC LÀO-VIỆT NAM​

Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019

       Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào tính đến hết tháng 7/2019 đạt 748.087.186 USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó,

       - Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 452.242.889.USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2018. Một số mặt hàng xuất khẩu có mức tăng thứ tự như sau: Hàng rau quả tăng 185,5% đạt 17,4 triệu USD; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 85,3% đạt 10,6 triệu USD; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 42,9% đạt 4,47 triệu USD; phân bón các loại tăng 37% đạt 14,8 triệu USD; clanhke và xi măng tăng 34,9% đạt 8,47 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 34,4% đạt 38 triệu USD; hàng dệt may tăng 30,4% đạt 5,3 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 29,6% đạt 26,16 triệu USD; cà phê tăng 20,3% đạt 7,61 triệu USD; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 17,8% đạt 2,15 triệu USD; sản phẩm gốm, sứ tăng11,4% đạt 4,8 triệu US; Hàng hóa khác tăng 54,6% đạt 123.33 triệu USD.

       Một số mặt hàng tăng nhẹ: sản phẩm từ chất dẻo tăng 4,4%; sản phẩm từ sắt thép tăng  4,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 1,3%;

       Một số ít mặt hàng ghi nhận giảm: xăng dầu đạt 50,23 triệu USD giảm 25,2%; dây điện và cáp điện đạt 4,4 triệu USD giảm 21,2%; sản phẩm từ hóa chất giảm 11,3%; sắt thép các loại giảm nhẹ 2,6%; riêng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xăng dầu so với cùng kỳ liên tục giảm từ đầu năm đến nay.

       - Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 295.844.297 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2018.

       Một số mặt hàng nhập khẩu có giá trị tăng: gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh 85,3% đạt 32,6 triệu USD; phân bón các loại tăng 48,1% đạt 36,8 triệu USD; cao su tăng 39,5% đạt 69,14 triệu USD..

       Mặt hàng có mức giảm mạnh là kim loại thường giảm 73,8% chỉ đạt 1,2 triệu USD; hàng rau quả giảm 43,9% đạt 7,96 triệu USD;

       Một số mặt hàng khác giảm nhẹ: quặng và khoáng sản giảm 8,2% đạt 16,58 triệu USD. Hàng hóa khác giảm nhẹ 5,1% đạt 131,6 triệu USD. (ĐSQVN tại Lào, 29/9/2019)

Ngân hàng Nhà nước Lào và Việt Nam thúc đẩy hợp tác

       Ngày 17/9/2019, tại thủ đô Viêng Chăn đã tiến hành Cuộc họp giữa Ngân hàng CHDCHND Lào và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Thống đốc Sonexay Sithphaxay và Lê Minh Hưng đồng chủ trì. Tham dự cuộc họp có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng và các đại biểu hai bên.

       Nội dung của cuộc họp nhằm tăng cường hợp tác song phương về công nghệ thông tin, các vấn đề kỹ thuật và các lĩnh vực quan trọng khác liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

       Tại cuộc họp, các đại biểu được nghe báo cáo đánh giá thành tựu đạt được năm qua trong hợp tác về tài chính, tiền tệ và biện pháp thúc đẩy hợp tác trong tương lai. Đồng thời, các đại biểu hai bên cũng thảo luận về chính sách tiền tệ, công tác quản lý ngân hàng thương mại và các vấn đề liên quan khác.

       Theo ông Sonexay, sự suy thoái kinh tế khu vực và quốc tê, chiến tranh thương mại Mỹ Trung và sự mất ổn định về giá trị của đồng đô la Mỹ và giá xăng dầu toàn cầu là thách thức, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các quốc gia. Riêng Lào, những khó khăn về thâm hụt ngân sách, nợ công tăng và tính thanh khoản yếu của các ngân hàng thương mại đã gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành, ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quốc gia.

       Tại cuộc họp, ông Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng nhà nước Việt Nam luôn thắt chặt sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Ngân hàng CHDCND Lào trong nhiều lĩnh vực. Hai bên cam kết thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại hai nước thiết lập quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống ngân hàng thương mại để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Lào và Việt Nam.

       Ngân hàng CHDCND Lào và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký MOU về hợp tác công nghệ thông tin và kỹ thuật ngân hàng. (Vientiane Times, 18/9/2019).

VietinBank khai trương trụ sở mới

       Ngày 17/9/2019, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương (VietinBank) đã chính thức khai trương trụ sở mới của VietinBank Lào tại Viêng Chăn.

       Tham dự lễ khai trương gồm có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Somdy Duangdy, Bộ trưởng Công Thương Khemmani Pholsena, Thống đốc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) Sonexay Sithphaxay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cùng đông đảo các quan chức Chính phủ và đại diện khu vực tư nhân từ Lào và Việt Nam.

       VietinBank bắt đầu hoạt động tại Lào từ tháng 2/2012. Tháng 8/2015, Chi nhánh của VietinBank tại Lào được nâng cấp lên thành Ngân hàng TNHH Công Thương Việt Nam tại Lào (VietinBank Lào). Với cam kết đầu tư và hoạt động lâu dài tại Lào, VietinBank Lào đã mở chi nhánh tại tỉnh Champassak (9/2016). Hiện nay, VietinBank Lào có hai chi nhánh và một điểm giao dịch, Ngân hàng đang có kế hoạch mở rộng các chi nhánh trên cả nước Lào, đặc biệt là ở các tỉnh Savannakhet, Luang Prabang và Borikhamxay. Hoạt động của VietinBank Lào không ngừng tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ và hợp tác của chính quyền các cấp và nhân dân Lào, cũng như của Hội đồng quản trị VietinBank và doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2018, giá trị tổng tài sản của VietinBank Lào đạt trên 358 triệu USD với trên 249 triệu USD tiền cho vay và khoảng 279 triệu USD tiền gửi từ công chúng và các tổ chức tài chính. Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 1,32%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 7,29% với lợi nhuận 5,87 triệu USD, tương đương 104% kế hoạch năm. Tòa nhà trụ sở mới sẽ góp phần tăng giá trị thương hiệu và hình ảnh của VietinBank Lào cũng như bộ mặt của Thủ đô Viêng Chăn. (Vientiane Times, 20/9/2019)

Sân bay Hủa phăn phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2019

       Ngày 13/9/2019, Vientiane Times đưa tin, dự án sân bay Nọng Khang mới ở huyện Sầm nưa, tỉnh Huaphanh đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2019.

       Dự án sân bay Nong-khang bắt đầu khởi công xây dựng vào 14/3/2013, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Tổng mức đầu tư hơn 74 triệu USD (khoảng 616 tỷ Kíp) từ nguồn vốn vay của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, do Chính phủ Lào là Chủ đầu tư và CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai làm chủ thầu xây dựng công trình. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, dự án bị chậm tiến độ và khởi công tiếp vào 12/2017. Đến nay, theo Giám đốc Sở Công chính và Vận tải tỉnh Huaphanh Houngarloun Bounthameuang, dự án đã hoàn thành 75% khối lượng và các hạng mục của dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019, công trình được bàn giao đi vào khai thác sử dụng. 

       Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1, sau khi hoàn thành, sân bay có thể tiếp nhận được cho loại máy bay từ 70 đến 100 chỗ ngồi cất, hạ cánh (ATR 72, Fokker 70); giai đoạn 2, sẽ được nâng cấp và có thể đáp ứng được loại máy bay cỡ lớn như A320, 321. (Vientiane Times, 13/9/2019)

HỢP TÁC LÀO-CÁC NƯỚC​​​

Lào-Trung Quốc

Nâng cao năng lực chuyên môn cho các quan chức ngành mỏ Lào

       Ngày 4/9/2019, tại Viêng Chăn, khóa tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về chế biến khoáng sản cho các quan chức chính phủ ngành mỏ Lào từ cấp trung ương đến địa phương, dưới sự hỗ trợ của Bộ Thương mại Trung Quốc.

       Hợp tác về phát triển nguồn nhân lực là một phần không thể thiếu của hợp tác song phương và qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban hợp tác Lào-Trung và Bộ Thương mại Trung Quốc, hai bên đang tổ chức các cuộc hội thảo và đào tạo song phương.

       Phó Chủ tịch Uỷ ban hợp tác Lào-Trung thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Khenthong Sisouvong cho biết, đây là khoá đào tạo lần thứ 5 được tổ chức; Uỷ ban hợp tác Lào-Trung Quốc đề xuất tiếp tục mở thêm các khóa học mới để nâng cao kiến thức chuyên môn cho các quan chức ngành mỏ Lào nhằm đảm bảo đạt trình độ khoa học kỹ thuật tân tiến trong lĩnh vực chế biến khoáng sản từ Trung Quốc.

Việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn này rất có ý nghĩa đối với Lào trong giai đoạn hiện nay và sau này đối với cán bộ kỹ thuật mỏ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành khai khoáng Lào trong thời gian tới đây. (Vientiane Times,05/9/2019)​

​Lào thúc đẩy thương mại, đầu tư tại Lễ hội du lịch Hồ Nam

       Từ ngày  21-28/9/2019, tại vùng núi Mangshan, huyện Yizhang, thành phố Chenzhou, Hồ Nam, Trung Quốc, Lễ hội Văn hóa - Du lịch quốc tế Hồ Nam đã được tổ chức. Đoàn Lào do Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Savankhone Razmountry dẫn đầu tham gia Lễ hội nhằm thúc đẩy hợp tác về du lịch, thương mại và đầu tư giữa Lào và Trung Quốc, kêu gọi truyền thông tỉnh Hồ Nam truyền bá nhiều hơn về Năm du lịch Lào – Trung 2019, kêu gọi nhiều nhà đầu tư Trung Quốc hơn nữa sang kinh doanh tại Lào.

       Tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) và Lào thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch từ tháng 7/2018 với dự án đầu tiên thực hiện thành công với việc mời 10.000 du khách Hồ Nam tới Lào, cho thấy du khách Hồ Nam quan tâm tới các điểm du lịch của Lào. Lào và Trung Quốc khởi động Năm Du lịch Lào – Trung 2019, triển khai nhiều hoạt động cho đến cuối năm 2019, và trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 2 triệu du khách tới Lào, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có khoảng 500.000 người Trung Quốc. (Vientiane Times, 24/9/2019)

Lào-Thái Lan

Lào – Thái Lan hợp tác công nghệ kỹ thuật số

       Ngày 09/9/2019, Vientiane Times đưa tin, tại Viêng Chăn, Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật số, Bộ Khoa học Công nghệ Lào Keonakhone Xaysoulien và Trưởng Cơ quan Xúc tiến và Kinh tế số Thái Lan (DEPA) Nuttapon Nimmanphatcharin tiến hành ký MOU về ứng dụng và phát triển công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp và công nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự chứng kiến của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Lào Boviengkham Vongdara.

       Ông Keonakhone nhấn mạnh, mục đích của MOU nói trên là nhằm quản lý, phát triển, thúc đẩy và phục vụ công nghệ số, truyền tải điện trên toàn quốc, xây dựng chính sách, chiến lược về công nghệ số. Bộ này đã tạo điều kiện cho các đơn vị, viện nghiên cứu và phát triển công cụ quản lý hành chính, dịch vụ công nhằm tối đa hóa lợi ích của công nghệ số. Việc ký kết này nhằm tiến hành nghiên cứu khả thi về lợi ích của công nghệ số đối với phát triển nông nghiệp và công nghiệp tại Lào, nắm bắt cách mạng 4.0.

       Theo MOU đã được ký kết, hai bên sẽ phối hợp, khuyến khích, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực liên quan. Lào hiện mong muốn có thể sử dụng một cách tốt nhất công nghệ số phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song song với việc cải thiện chất lượng dịch vụ/hành chính của chính phủ. (Vientiane Times, 9/9/2019)

Dự án Nậm nghiệp 1 bắt đầu sản xuất điện xuất khẩu sang Thái Lan

       Ngày 16/9/2019, Vientiane Times đưa tin, sau 5 năm xây dựng, nhà máy thủy điện Nậm Nghiệp 1 (NNP1) tại tỉnh Bolykhamxay, Lào đã hoàn thành và vận hành vào ngày 05/9/2019.

       Dự án NNP1 bắt đầu xây dựng vào cuối năm 2014, hoàn thành các hạng mục vào tháng 8/2019, vận hành thử và chính thức sản xuất điện thương mại ngày 5/9/2019 và xuất sang Thái Lan theo thỏa thuận mua bán giữa Cơ quan phát triển điện của Thái Lan (EGAT) với NNP1.

       Nhà máy có công suất lắp đặt 290 MW, gồm hệ thống một đập, nhà máy điện chính và đập, nhà máy điều tiết lại dọc theo sông Nghiệp nằm tại huyện Borikhan, tỉnh Bolykhamxay. Nhà máy điện chính có công suất lắp đặt 272 MW, có đập chính là đập bê tông con lăn nén, cao 167 m, lượng điện sản xuất từ nhà máy này sẽ bán cho EGAT, qua đường dây truyền tải 230 kV, với chiều dài 120km đến trạm hạ áp Nabong, thủ đô Viêng Chăn và sẽ được đưa vào hệ thống truyền tải 500kV trước khi bán cho Thái Lan. Nhà máy điều tiết lại có công suất lắp đặt 18MW, lượng điện sản xuất được sẽ bán cho Điện lực Lào để tiêu dùng nội địa.

       Dự án NNP1 là một trong những dự án ưu tiên của chính phủ Lào, được xây dựng theo tiêu chí thân thiện với môi trường và xã hội, có thể cung cấp điện sạch và góp phần xóa đói giảm nghèo ở Lào. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, thời gian nhượng quyền 27 năm dưới sự quản lý và vận hành của Công ty Điện lực Nậm Nghiệp 1 và các cổ đông là Công ty Điện lực Kansai của Nhật, Công ty TNHH Quốc tế EGAT và Doanh nghiệp nhà nước Điện lực Lào, sau đó sẽ chuyển giao quyền sở hữu cho Chính phủ Lào. (Vientiane Times, 16/9/2019).

Lào-Campuchia

Campuchia đồng ý mua 2.400 MW điện từ Lào

       Ngày 11/9/2019, theo báo Bưu điện Phnom Penh, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Thoongloun Sisoulith tại Vương quốc Campuchia từ ngày 12-13/9/2019, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó bao gồm Thỏa thuận sửa đổi hợp tác năng lượng và Thỏa thuận mua bán điện với tổng công suất là 2.400 MW từ hai nhà máy điện của Lào là: (i) Nhà máy nhiệt điện than TSBP Sekong Power & Công ty TNHH Khoáng sản, có năng lực sản xuất điện đạt 600MW và (ii) Nhà máy điện Thermal Sekong, có năng lực sản xuất điện đạt 1.800 MW. Tổng giá trị đầu tư cho hai dự án này là 4,970 tỷ USD bao gồm: cơ sở hạ tầng mỏ than, nhà máy điện, trạm biến áp và đường dây truyền tải đến biên giới Lào-Cămpuchia.

       Theo kế hoạch dự kiến, việc huy động vốn và xây dựng các tổ máy phát điện của hai nhà máy trên được chia thành 4 giai đoạn: (i) giai đoạn 1: thiết lập hệ thống và xây dựng vận hành máy phát điện lần 1 vào cuối năm 2024, sản xuất điện được 300 MW; (ii) lắp đặt và vận hành máy phát lần 2 vào năm 2025, sản xuất điện đạt 600MW; (iii) hoàn thành và phát điện lần 3 vào năm 2026, sản xuất điện đạt 600MW và (iv) vận hành phát điện lần 4 vào năm 2027, đạt 900MW. Tổng lượng điện sản xuất cả 04 giai đoạn sẽ được xuất sang Campuchia đạt 2.400MW.

       Tại cuộc họp tổng kết Quý I của ngành điện vào tháng 6 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Khammany Inthilath cho biết, Chính phủ Lào xuất khẩu điện cho Campuchia qua đường dây truyền tải 22kV và 115kV đến điểm đấu nối tại biên giới hai nước giữa tỉnh Champasak (Lào) và Strungstreng (CPC), giai đoạn đầu là 10MW và hai bên đã ký thỏa thuận bán thêm cho Campuchia 195 MW, bắt đầu vào năm 2020. (Vientiane Times, 13/9/2019)

Lào-Hàn Quốc

Lào, Hàn Quốc tăng cường quan hệ chặt chẽ

       Ngày 05/9/2019, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Lào, Chủ tịch Bounnhang Vorachit và Tổng thống Hàn Quốc Moon Ja-in đã hội đàm tại Viêng Chăn, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường các mối quan hệ và mở rộng hợp tác. Chuyến thăm của Tổng thống Moon Ja-in là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc tới Lào.

       Hội đàm giữa các nhà lãnh đạo cấp cao Lào và Hàn Quốc được tiến hành tại Phủ Chủ tịch sau lễ đón tiếp chính thức với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao hai bên. Tại hội đàm, hai bên đã thảo luận các chủ đề bao gồm những giải pháp của hai nước nhằm tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng. Hai bên cũng đã xem xét các phương cách nhằm tăng cường hợp tác về đối mới sáng tạo, du lịch, y tế, lao động và phát triển nông thôn.

       Phát biểu tại buổi hội đàm, Tổng thống Moon mong muốn hợp tác tốt hơn với các nước Mê Công và hy vọng "điều kỳ diệu sông Hàn" sẽ dẫn tới "điều kỳ diệu sông Mê Công", Hàn Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo nhân lực, phát triển, công nghệ với các nước sông Mê Công. Tổng thống Moon chọn Lào để thực hiện cam kết của Hàn Quốc trong phát triển sông Mê Công là do Lào có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với chiều dài sông Mê Công thuộc địa phận Lào là 1.835 km suốt từ Bắc tới Nam Lào và hiểu rõ mong muốn của Lào là trở thành "cục pin của Đông Nam Á".

       Chủ tịch Bounnhang và Tổng thống Moon cũng đã trao đổi quan điểm về hợp tác khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Hàn Quốc và Mekong-Hàn Quốc. Sau hội đàm, Chủ tịch Bounnhang và Tổng thống Moon đã chứng kiến lễ ký kết 04 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực ICT, thương mại-công nghiệp, nông nghiệp và phát triển kinh tế.

       Lào và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 và dự kiến sẽ kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020. Hiện nay, Hàn Quốc xếp thứ 5 trong số các nước đầu tư lớn nhất tại Lào với vốn đầu tư lũy kế đạt 750 triệu USD. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Lào – Hàn Quốc đạt 114 triệu USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 84 triệu USD. Hàng hóa nhập khẩu của Lào từ Hàn Quốc chủ yếu là xe cộ, phụ tùng ô tô, thiết bị xây dựng, điện tử và hàng tiêu dùng. (Vientiane Times, 9/9/2019)

Lào - Hàn Quố​c hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng

       Theo báo Vientiane Times  ngày 2/9/2019, tại Viêng Chăn, Công ty Đối tác Hạt nhân Hàn Quốc (KNP), Công ty TNHH Năng lượng hạt nhân và Hydro Hàn Quốc (KHNP) và Tổng Công ty điện lực Lào (EDL) phối hợp tổ chức hội thảo về tiềm năng hợp tác phát triển năng lượng giữa Lào và Hàn Quốc với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Sinnava Souphanouvong và Đại sứ Hàn Quốc tại Lào Shin Sung Soon, Phó Chủ tịch KHNP, Tổng Giám đốc EDL Rattana Prathoumvan.

       Theo ông Sinava, đây là cơ hội tốt và tạo môi trường hợp tác về lĩnh vực năng lượng giữa hai nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ dự án, nhà đầu tư và cá nhân quan tâm có dịp gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi về nhiều chủ đề, đặc biệt là về phát triển hạt nhân và thủy điện. Bà Rattana cho biết, hội thảo thể hiện cam kết hợp tác giữa EDL, KHNP, Lào và Hàn Quốc và hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc đối với phát triển kinh tế-xã hội của Lào, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

       Hội thảo cũng giới thiệu một số sản phẩm chất lượng đối với lĩnh vực năng lượng của Lào, giúp EDL xây dựng hệ thống điện lực ổn định hơn trong việc cung cấp điện năng công, làm người Lào tin tưởng hơn vào EDL. Tại đây, 17 công ty năng lượng của Hàn Quốc đã gặp doanh nghiệp Lào để giới thiệu sản phẩm và tìm đối tác đầu tư tại Lào. (Vientiane Times, 2/9/2019)

Lào-Nhật Bản

JETRO Nhật Bản thúc đẩy đầu tư tại các đặc khu kinh tế (SEZs) Lào

       Ngày 3/9/2019, tại Viêng Chăn, Trưởng đại diện Tổ chức thương mại quốc tế Nhật Bản (JETRO) Katsuichi Iwakami đã ký Biên bản hợp tác với các nhà thầu SEZs tại Lào. Tham dự lễ ký có Thứ trưởng Bộ KHĐT Lào Khamchanh Vongseneboun, đại diện ĐSQ Malaysia, ĐSQ Nhật Bản tại Lào, Văn phòng Xúc tiến Đặc khu kinh tế, các quan chức Chính phủ khác. 4 SEZs là  Pakse-Nhật Bản SME, khu kinh tế Savan, Khu kinh tế Saysettha và Khi Công nghiệp và thương mại Viêng Chăn (VITA). Theo ông Iwakami, JETRO Viêng Chăn thành lập năm 2014, đã triển khai nhiều hoạt động cho dù có trách nhiệm chính là thúc đẩy đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Lào. Sau khi thành lập JETRO, đầu tư của các công ty Nhật tại Lào đã tăng lên gấp đôi và hiện nhiều công ty đang xem xét khả năng mở chi nhánh tại Lào. Một số công ty đã liên hệ JETRO Viêng Chăn để hỗ trợ tư vấn về luật đầu tư của Lào và văn bản pháp luật khác, đặc biệt là liên quan đến việc thành lậpc công ty, nộp thuế, nghiên cứu thị trưởng và đối tác kinh doanh.

       Bà Khamchanh cho biết, Lào hiện có 12 Sezs thu hút khoảng 600 doanh nghiệp Lào và công ty nước ngoài, trong đó 40 công ty Nhật Bản. Nhật hiện đứng thứ 3 về đầu tư nước ngoài tại các SEZs. Theo JETRO, trong số thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đầu tư tại tiểu vùng Mê Công, chỉ có 105 công ty có đại diện tại Lào, trong khi đó ở Việt Nam là 1.900 công ty, Myanmar là 400, 270 ở Campuchia. Hướng hợp tác mới này sẽ khuyến khích nhiều công ty Nhật đến đầu tư tại lào thông qua việc cập nhật thông tin về sự phát triển của kinh tế Lào, luật đầu tư của Lào lên website của JETRO, bao gồm việc đăng sách "100 doanh nghiệp tốt nhất của Lào" và năm 2018 đã giúp thành lập được 19 công ty, trong đó 6 công ty đã đi vào hoạt động. JETRO hiện đang phỏng vấn 30 công ty nông nghiệp tại Lào để xuất bản sách về kinh doanh nông sản và sẽ cung cấp cho các công ty Nhật trong lĩnh vực này. (Vientiane Times, 6/9/2019)

JICA hỗ trợ xây dựng hệ thống cung cấp nước ở Luang Prabang

       Ngày 19/9/2019, Vientiane Times dẫn nguồn từ Vụ cấp nước, Bộ Công Chính và Vận tải cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hỗ trợ mở rộng và nâng cấp hệ thống cung cấp nước của thành phố Luang Prabang giai đoạn 2019-2022 thông qua thỏa thuận viện trợ không hoàn lại trị giá 18,4 triệu USD.

       Trưởng phòng Cấp nước, Vụ Cấp nước, Bộ Giao Công chính và Vận tải Khanthone Vorachit cho biết, Công ty Tư vấn Nihon Suido sẽ chuẩn bị hồ sơ đấu thầu, chọn đơn vị trúng thầu và giám sát xây dựng dự án. Dự kiến, dự án sẽ bắt hoàn thành vào năm 2022. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cấp hệ thống cung cấp nước thông qua khôi phục nhà máy xử lý nước và mở rộng hệ thống phân phối nước ở thành phố di sản thế giới Luang Prabang. Hiện nay, JICA đang tài trợ trên 8 tỷ Kíp (97 triệu Yên Nhật) để thiết kế chi tiết mở rộng hệ thống cung cấp nước thành phố Luang Prabang trong thời gian từ 9/2019-01/2020. Hệ thống cung cấp nước của Luang Prabang hiện đã cũ, không có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân cư và khách du lịch, hệ thống đường ống cần phải thay mới và mở rộng công suất cấp nước.

       Công ty Tư vấn Nihon Suido, dự án sẽ bao gồm một trạm bơm công suất 13.200 M3/ngày; cơ sở xử lý nước công suất 12.000 M3/ngày. JICA và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký thỏa thuận về vốn viện trợ cho dự án cung cấp nước Luang Prabang ngày 28/5/2019. (Vientiane Times, 19/9/2019)

Lào-Cu Ba

Lào, Cu Ba tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại

       Trong thời gian từ 8-9/9/2019, Phái đoàn kinh tế - thương mại cao cấp Cu Ba do Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Nước ngoài Rodrigo Malmierca Diaz dẫn đầu đã có chuyến thăm chính thức Lào với mục đích chính nhằm tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế.

       Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phái đoàn của ông Diaz đã hội đàm với Bộ Công Thương do Thứ trưởng Somchit Inthamith làm trưởng đoàn. Tại hội đàm, hai bên đã thảo luận về phương hướng tăng cường các mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin, tạo cơ hội về kinh doanh và đầu tư giữa hai nước. Ông Diaz ca ngợi mối quan hệ lâu đời giữa hai nước, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương, đặc biệt là thương mại hàng hóa nông nghiệp. Phía Cu Ba sẽ mời cán bộ thương mại và đại diện doanh nghiệp tham gia hội chợ sẽ được tổ chức trong năm 2019 tại Cu Ba. Thứ trưởng Somchit bày tỏ quan tâm về việc tham gia sự kiện, sẽ cử đoàn do lãnh đạo Bộ và đại diện doanh nghiệp tham dự. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp (LNCCI) và các doanh nghiệp đã có buổi làm việc, trao đổi thông tin và kinh nghiệm kinh doanh tại Lào với phái đoàn Cu Ba.

       Cu Ba thiết lập quan hệ ngoại giao với Lào từ năm 1974. Giữa hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Hợp tác kinh  tế giữa hai nước chưa mạnh do bối cảnh và những hạn chế của từ hai bên. Trong những năm gần đây, Chính phủ Cu Ba đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Lào về giáo dục, thể thao và ngân hàng. (Vientiane Times, 10/9/2019)

Lào- Luxembourg

Luxembourg mở rộng hỗ trợ các dự án phát triển của Lào

       Ngày 11/9/2019, tại Viêng Chăn, Bộ trưởng Hợp tác phát triển, nhân đạo và bảo vệ người tiêu dùng Luxembourg Paulette Lenert và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Lào Souphanh Keomixay đã ký 3 thỏa thuận hợp tác. Theo đó Chính phủ Luxembourg nhất trí tiếp tục hỗ trợ khoản tài chính hơn 11,7 triệu EUR để thực hiện các dự án phát triển tại Lào nhằm giúp Lào đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 1,3 triệu EUR dành cho dự án Tăng cường hiệu quả của Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giai đoạn 2019-2022, 6,99 triệu EUR để thực hiện Chiến lược phát triển nông thôn và giảm nghèo, 3,5 triệu EUR dành cho các chương trình chăm sóc sức khỏe. Lễ ký được tiến hành tại Cuộc họp của Ủy ban hợp tác song phương lần thứ 12 giữa Lào và Luxembourg với nội dung chính là đánh giá hiệu quả triển khai các dự án hợp tác phát triển giai đoạn 2018-2019 và kế hoạch Chương trình hợp tác lần thứ 4 (ICP) giai đoạn 2016-2020. Hai bên cũng thảo luận về việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội quốc gia lần thứ 8 từ 2016-2020 của Lào và việc Lào phấn đấu ra khỏi tình trạng nước kém phát triển (LDC) vào năm 2024.

       Luxembourg hỗ trợ Lào trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, rà phá bom mìn chưa nổ, bệnh viện, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, phát triển nông thôn và hạ tầng. Hỗ trợ của Luxembourg dành cho Lào thuộc kế hoạch ICP tổng thể trong 4 giai đoạn với tổng trị giá là 178 triệu EUR. ICP giai đoạn 1 được triển khai từ 2003-2006, tài chính là 18 triệu EUR, giai đoạn 2 2007-2010 tài chính là 35 triệu EUR, giai đoạn 3 từ 2011-2015 là 50 triệu EUR, và giai đoạn 4 từ 2016-2020 là 75 triệu EUR. (Vientiane Times, 12/9/2019)

 

HỢP TÁC LÀO-KHU VỰC

​​Thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc

       Từ ngày 12-14/9/2019, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị Ủy ban tổ chức thực hiện Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 17. Tham dự hội nghị có đại diện Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Lào và đại diện các nước thành viên ASEAN.

       Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc mà Lào là một trong 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết hợp tác với Hàn Quốc về miễn thuế hoặc miễn giảm thuế quan đến 90% đối với nhiều loại mặt hàng xuất, nhập khẩu với nhau.

       Tại hội nghị, các bên thống nhất áp dụng Quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm cụ thể (PSR), được chuyển đổi từ Quy tắc cụ thể mặt hàng được xây dựng trên cơ sở Hệ thống Hài hòa (PSR HS) 2012 thành PSR HS 2017 trong khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc.

       Quy tắc cụ thể mặt hàng mới bắt đầu áp dụng từ ngày 01/9/2-2019. (Báo KT-XH, 11/9/2019)

Các nước CLMTV nhấn mạnh bảo vệ quyền lợi của lao động di cư

       Ngày 17/9/2019, tại Siêm Riệp, Campuchia, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 3 về hợp tác lao động của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Hội thảo thảo luận tiến triển trong hợp tác lao động giữa 5 nước nhằm tạo thêm cơ hội việc làm, thúc đẩy bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư theo Tuyên bố ASEAN 2007 tại Cebu (Philippine) và Đồng thuận ASEAN 2017 tại Manila (Philippine) về thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của lao động di cư. 5 nước ASEAN nhất trí Khuôn khổ pháp lý và hợp tác về an sinh xã hội nhằm bảo vệ lao động di cư.

       Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Khampheng Saysompheng cho biết, Lào hiện đang tập trung vào vấn đề bảo vệ quyền lợi của lao động di cư và thực hiện chính sách bảo vệ xã hội quốc gia, trong đó có hệ thống bảo trợ xã hội, tất cả lao động nhập động di cư đều có quyền đàm phán về điều kiện làm việc, những quyền lợi này chỉ được phát huy khi củng cố cơ chế pháp lý về quản lý lao động. Ngoài ra, tại Lào, người lao động được cải thiện về an toàn lao động thông qua bảo hiểm xã hội, đối thoại xã hội thông qua việc phát triển lực lượng lao động dựa trên cấu trúc kinh tế, thúc đẩy dịch vụ việc làm, tăng cường công tác bảo vệ người lao động và quan hệ ngành nghề. (Vientiane Times, 23/9/2019)

 

HỢP TÁC LÀO-CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ

10 ngân hàng tìm kiếm khoản vay để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs)

       Ngày 17/9/2019, Vientiane Times đưa tin, tại Viêng Chăn, Vụ Quản lý ngân hàng thuộc Ngân hàng CHDCND Lào (BOL) đã ký MOU với 10 ngân hàng thương mại vay 300 triệu USD từ Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Lào, bao gồm: Ngân hàng ngoại thương Lào (BCEL), Ngân hàng phát triển Lào (LDB) Ngân hàng Xúc tiến nông nghiệp (APB), Công ty TNHH Ngân hàng MARUHAN Nhật Bản-Lào, Ngân hàng liên doanh phát triển (JDB), Công ty TNHH Ngân hàng Lào-Trung, Công ty TNHH Ngân hàng Lào-Việt, Công ty TNHH Ngân hàng ST, Ngân hàng Thương mại Cổ phẩn Quân đội-chi nhánh Lào và Công ty TNHH Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín-Lào. Chứng kiến lễ ký kết có sự tham gia của Thống đốc BOL Sonexay Sithphaxay. 

       Mục đích của dự án là góp phần thực thi mục tiêu phát triển bền vững của chính phủ cũng như đạt được tăng trưởng kinh tế xã hội quốc gia qua việc thúc đẩy sự phát triển của các SMEs.

       Có 16 ngân hàng thương mại đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện của chương trình nhưng chỉ có 10 ngân hàng dự định sẽ tham gia.

       Khoản cho vay 300 triệu USD từ CDB được chia thành 3 nhánh, BOL đã ký cho nhánh thứ nhất 100 triệu USD vào tháng 7/2019, cho giai đoạn 5 năm.

       SMEs đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở Lào do vậy Chính phủ phát triển chính sách để thúc đẩy SMEs và cung cấp cho các doanh nghiệp tiếp cận tài chính và các thuận lợi khác. Theo báo cáo của Vụ Xúc tiến SMEs, có 124.567 doanh nghiệp (99,8%) là doanh nghiệp SME. SME tạo việc làm cho hơn 470.000 người chiếm 82,18% số lao động trong các doanh nghiệp. (Vientiane Times, 17/9/2019).

Lào-ADB

ADB cập nhật dự báo triển vọng kinh tế Lào 2019 và 2020

       Ngày 25/9/2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO). Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Lào trong năm 2019 và 2020 sẽ duy trì ở mức khoảng 6,2%, thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4/2019 là 6,5%, nguyên nhân do ngành công nghiệp, dịch vụ, du khách quốc tế đến Lào giảm trong nửa đầu năm 2019 và 4 tháng cuối năm 2019 bị tác động trực tiếp của thiên tai (hạn hán và lũ lụt).

       Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng hóa tăng nhẹ tính theo đồng USD so với cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu điện chỉ tăng 2,3%, giảm nhiều so với 7,0% cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy lĩnh vực công nghiệp suy giảm trong nửa đầu năm 2019, đặc biệt giảm nhiều trong lĩnh vực khai khoáng. Chỉ số ngành Du lịch cũng giảm do số lượng du khách giảm xuống 5,0% trong 6 tháng đầu năm 2019 so với 6,1% cùng kỳ năm 2018. Đồng Kíp Lào dường như được đánh giá quá cao, chênh lệch lớn giữa tỷ giá chính thức so với thị trường. Lạm phát dự kiến vào khoảng 2,3% năm 2019 và 2020, tăng nhẹ so với dự báo là 2,0% trong tháng 4/2019 do áp lực giá cả lương thực và sự mất giá của đồng Kíp. Chính sách tiền tệ và tín dụng vẫn bị thắt chặt khi cả hai tăng lần lượt là 3,9% và 3,1% trong quý I/2019. Thâm hụt tài khoản vãng lai so với GDP dự kiến là 8,9% năm 2019 và 8,4% năm 2020 do có cải thiện về xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu được dự báo là 9,5% năm 2019 và 10% năm 2020, ít hơn so với dự báo trước đó. Theo ADB, mặc dù Lào dự kiến cải thiện thâm hụt tài khoản vãng lai, dự báo tổng dự trữ ngoại hối được duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD cho đến tháng 12/2019, tương đương một tháng nhập khẩu, do đó dễ làm cho Lào dễ bị tổn thương trước những cú sốc tài chính bên ngoài. Trong thời gian tới, ADB sẽ thông qua khoản tài chính là 140 triệu USD dành cho Chính phủ Lào để hỗ trợ cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội. (Vientiane Times, 26/9/2019)

Lào-EU

EU hỗ trợ Lào nâng cao năng lực hội nhập ASEAN

       Ngày 9/9/2019, tại Viêng Chăn, trong lễ khởi động chương trình Hỗ trợ Lào hội nhập khu vực ASEAN (ARISE Plus-Lao PDR), EU nhất trí hỗ trợ khoản tài chính là 5 triệu EUR để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo công ăn việc làm cho Lào. Chương trình 4 năm này sẽ được Bộ Công Thương, Bộ Nông Lâm Lào và Trung tâm thương mại quốc tế phối hợp triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, tạo công ăn việc làm và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro (tính phụ thuộc vào một số ngành và hạn chế về thị trường). Mục đích của dự án là tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Lào và hội nhập vào chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới thông qua việc thúc đẩy thương mại và khai thác tiềm năng của 2 lĩnh vực lựa chọn cụ thể là chế biến gỗ và đặc sản nông nghiệp. Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Lào tăng trường kiến thức về xuất khẩu, gồm biện pháp giao dịch tốt hơn và nhiều hơn với các đối tác EU. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Lào, và EU muốn hỗ trợ Lào tận dụng tốt hơn vai trò là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều hơn với thị trường thế giới. EU mong muốn hỗ trợ Lào tăng cường hội nhập kinh tế với ASEAN, đặc biệt là việc đảm bảo cho Lào có lợi thế khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ở đó hàng hóa được tự do lưu thông trong khu vực và các cam kết khác trong khuôn khổ Kế hoạch cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 nhằm mục đích tạo ra một khu vực kinh tế hội nhập giữa các nước thành viên.

       Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào Somchit Inthamith cho biết, ông rất ủng hộ các mục tiêu của chương trình ARISE Plus-Lao PDR do tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh trong một số lĩnh vực cụ thể và tăng cường thương mại cũng như sự tham gia của doanh nghiệp Lào vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu bằng việc phát triển khả năng sản xuất, khắc phục hạn chế trong cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

       Cùng ngày 9/9, tại Viêng Chăn, nhân chuyến thăm tới Lào của ông Mimica (9-10/9), Cao ủy châu Âu về hợp tác và phát triển quốc tế, EU và Chính phủ Lào đã khai trương chương trình "Hỗ trợ Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng của Lào" trị giá 484 tỷ Kíp (50 triệu euro) nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của Lào. (KPL - 9/9, Vientiane Times - 10/9/2019)

Chính phủ cam kết với các đối tác về tăng cường quản lý rừng

       Ngày 20/9/2019, hội nghị của Ủy ban Hỗ trợ Phát triển đã được tổ chức tại Viêng Chăn để thảo luận về tiến độ và lộ trình quản lý rừng với sự tham gia của các đại biểu từ các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Theo Văn phòng thường trực về Thực thi Luật, Quản lý và Thương mại Rừng (FLEGT), Chính phủ Lào đang tiếp tục nỗ lực đấu tranh chống chặt phá rừng trái phép, xúc tiến thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.

      Hội nghị được tổ chức sau vòng đàm phán lần thứ 3 về Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về FLEGT giữa Chính phủ Lào và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức tại Vương quốc Bỉ vào tháng 6/2019. Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quản lý Rừng, Bộ Nông Lâm Sousath Sayakoummane nhấn mạnh cam kết của Chính phủ theo kết quả đàm phán với EU. Đàm phán chính thức lần thứ 3 với EU cho thấy Lào cam kết mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh quản lý rừng và đã triển khai rất tốt Hệ thống Đảm bảo Pháp lý về Gỗ (TLAS). Sự hỗ trợ của các bên liên quan có ý nghĩa quan trọng để  giải quyết những vấn đề thách thức đã được thống nhất trong lộ trình FLEGT ký kết với EU, đồng thời tăng cường quản lý rừng ở CHDCND Lào theo hướng phát triển bền vững về đẩy mạnh chuỗi cung ứng gỗ. Hội  nghị cũng đã nghe và thảo luận các báo cáo về các định nghĩa pháp lý về gỗ (TLDs) từ các diện tích chuyển đổi, rừng trồng, rừng sản xuất của bản và phản hồi, góp ý kiến từ các bên liên quan để tiếp tục hoàn thiện.

        Viện Nghiên cứu Rừng châu Âu (EFI) – đơn vị cung cấp hỗ thực hiện chương trình hành động FLEGT, cũng đã cung cấp những trường hợp điển hình từ các nước khác về TLDs và kiến nghị ứng dụng trong bối cảnh của Lào. Theo thông cáo báo chí của Văn phòng thường trực FLEGT, thực nghiệm TLDs và các quy trình thử nghiệm từ rừng đến các điểm xuất khẩu cũng như chuỗi cung ứng và chứng nhận của các cơ quan chức năng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của FLEGT trong thời gian tới. Các hoạt động này sẽ giúp ngăn chặn các hoạt động buôn bán gỗ trái phép, đồng thời củng cố TLAS tại Lào. (Vientiane Times, 24/9/2019)

 

BẠN CẦN BIẾT

Ngân hàng Lào ra mắt dịch vụ thanh toán thẻ Unipay mã QR

       Báo Vientiane Times ngày 18/9/2019 đưa tin, tại Viêng Chăn, Ngân hàng ngoại thương Lào (BCEL) hợp tác với UnionPay quốc tế (UPI) đã ra mắt dịch vụ thanh toán qua UnionPay mã QR để tạo thuận lợi cho khách hàng.

       Lễ ra mắt chính thức có sự tham dự của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lào, Mr Sonexay Sithphaxay, Phó Giám đốc điều hành UnionPay quốc tế đông Nam á, Mr Vincent Ling và Tổng Giám đốc điều hành, Mr Phoukhong Chanthachack cùng với quan chức của các ngành liên quan, các đối tác, các công ty du lịch, đại sứ quán Trung Quốc tại Lào và Phòng thương mại Trung Quốc tại Lào.

       BCEL  hợp tác kinh doanh tốt với UPI đã hơn 10 năm, bắt đầu bằng việc đưa ra dịch vụ như ATM UnionPay, thẻ sinh viên và thẻ tín dụng UnionPay Corban.

       BCEL là ngân hàng đầu tiên mang Dịch vụ thẻ UnionPay mã QR ở Lào, được biết đến ở trong nước là ứng dụng OnePay. UPI là dịch vụ đầu tiên ra mắt Dịch vụ thẻ UnionPay mã QR ở Đông Nam Á. Công nghệ mới cho phép giao dịch tài chính giữa Lào và Trung Quốc ngay tức thì, dễ dàng hơn, nhanh hơn, an toàn và giao dịch vốn thấp.

       Các cửa hàng thành viên mã QR của BCEL sẽ cho phép nhận thanh toán từ BCEL OnePay và cũng sẽ chấp nhận thanh toán từ các khách hàng Trung Quốc có sử dụng ứng dụng UnionPay.

       Dịch vụ UnionPay mã QR sẽ giúp người sử dụng ứng dụng UnionPay, đặc biệt người Trung Quốc thanh toán đúng thời gian bằng việc quét mã QR ở các cửa hàng của Lào.

       UnionPay gần đây là một trong những ứng dụng thanh toán di động phổ biến nhất ở Trung Quốc với khoảng 150 triệu người sử dụng gồm ở Thượng Hải. Công ty cũng là một trong đơn vị rộng nhất trong thị trường thẻ ngân hàng (Vientiane Times, 18/9/2019).

Triển lãm ô tô quốc tế Vientiane 2019

       Ngày 09/9/2019, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Lào đã tổ chức buổi họp báo tại triển lãm ô tô quốc tế Motor Show lần thứ 4 với chủ đề "Chính xác, tiết kiệm và hiện đại", dưới sự chủ trì của Giám đốc Cục Xúc tiến thương mại Somphet Phetnochan cùng các đại biểu liên quan tham dự.

       Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc điều hành triển lãm Phone Chanphalsouk cho biết, triển lãm xe hơi quốc tế lần này sẽ được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, đặc biệt là các ngân hàng tại Lào, các công ty bảo hiểm và hầu hết các đại lý bán xe trên toàn quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng thị trường xe hơi tại Lào theo hướng "Chính xác, tiết kiệm và hiện đại". Lần này, sản phẩm xe chạy điện sẽ được quảng bá và khách hàng được trải nghiệm, chạy thử dòng xe mới thân thiện với môi trường.

       Triển lãm chính thức được tổ chức từ ngày 28/9-06/10/2019 tại Lao-Itech, với lượng khách đến tham quan dự kiến trên 400 lượt khách. Đây là đợt triển lãm ô tô mang tính thiết thực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng tại Lào. (KPL, 17/9/2019)

Hiệp hội mới thúc đẩy kinh doanh sắn ở Lào

       Ngày 19/9/2019, Hiệp hội sắn Lào (LCA) đã chính thức ra mắt tại Viêng Chăn trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Bounkhuang Khambounheuang nhằm thúc đẩy các đơn vị kinh doanh sắn ở Lào, tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện để tồn tại và phát triền trong nền kinh tế cạnh tranh.

       Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch LCA, bà Inpeng Samountry cho biết, các nhà kinh doanh sắn hoạt động từ năm 2005 tại các tỉnh ở Viêng Chăn, Xaysomboun, Bolykhamxay, Saravan, Sekong, Attapeu và Champasak. Thời gian đầu, các nhà kinh doanh phát triển rất nhanh, sau đó giảm dần do gặp phải hàng loạt thách thức dẫn đến phá sản. Hoàn cảnh của những người nông dân có khoản nợ với chính phủ trở nên xấu hơn. Năm 2012, chính phủ cố gắng cải thiện chính sách thúc đẩy nông nghiệp, đặc biệt, với việc áp dụng mô hình hợp tác theo phương thức 2+3 cùng với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước giúp các đơn vị kinh doanh sắn ở khu vực Trung và Nam Lào ổn định lại kinh doanh. Năm 2014, có khoảng 12 đơn vị kinh doanh sắn khuyến khích các nhóm và các hộ gia đình trồng sắn tham gia vào chương trình xúc tiến xuất khẩu sản phẩm tại các tỉnh Champasak, Sekong và Saravan. Có tổng số 6.586 hộ gia đình tại 86 bản và 7 huyện đã tham gia dự án trồng sắn trên tổng diện tích 14.732 ha. Đến nay, các công ty thành viên của hiệp hội xuất khẩu được 550.000 tấn sắn hàng năm gồm 350.000 tấn sắn khô giá trị 350 tỷ kíp và 200.000 tấn sắn thô giá trị 120 tỷ kíp sang Thái Lan. Cho thấy, các đơn vị kinh doanh sắn có thể có thu nhập ổn định và những người nông dân có thể tạo ra thu nhập cho gia đình.

       Ủy ban để thành lập LCA được hình thành tháng 4/2019 và đã tổ chức các cuộc họp tiếp theo để trao đổi kinh nghiệm, chọn ban điều hành trước khi báo cáo thông tin cho các cơ quan liên quan xem xét. Hiệp hội gồm 10 người trong ban điều hành, 379 gia đình thành viên và 13 đơn vị kinh doanh.

       Mục tiêu là tạo ra sự thống nhất trong các thành viên, tạo ra cơ hội và tiềm năng cho các đơn vị kinh doanh xử lý việc cạnh tranh trong nền kinh tế đang thay đổi nhanh và tuân thủ chính sách của chính phủ khuyến khích khu vực kinh doanh tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội. (Vientiane Times, 20/9/2019)

 

BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Nguyễn Thanh Tùng

Ban Biên tập: Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Dương Thị Kim Nụ, Lê Thị Phương Hoa

 


   
Trích dẫn

Trả lời

Tên tác giả

Email tác giả

Vai trò *

 
Xem trước 0 Revisions Đã lưu
Chia sẻ: