TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO |
Phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ
Ngày 22-23/8/2018, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ để thảo luận và thông qua 09 chủ đề trong chương trình nghị sự.
Thứ nhất, Chính phủ đã thảo luận báo cáo cập nhật về tình hình lũ lụt trên cả nước làm 46 người tử vong, 97 người mất tích và hàng nghìn người mất nhà cửa. 08 chủ đề còn lại bao gồm các dự thảo luật (liên quan đến chữ ký điện tử, bảo hiểm y tế, đường sắt, ngân hàng thương mại và luật dân sự); 03 nghị định về sử dụng và quản lý tem hàng hóa; các khoản phạt và kiểm soát thuốc lá.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo về các giải pháp khôi phục và ổn định đời sống cho khoảng 7.000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại tỉnh Attapeu do sự cố vỡ đập phụ tại dự án thủy điện Xepian Xe-Namnoi ngày 23/7. Đầu tháng, Chính phủ đã tổ chức phiên họp bất thường để thảo luận giải pháp nhằm giúp đỡ các nạn nhân của lũ lụt, xây dựng kế hoạch ổn định đời sống của dân bản bị ảnh hưởng. Các lực lượng khác nhau đã được cử xuống huyện Sanamxay để hỗ trợ các nạn nhân, đặc biệt là tham gia chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ, cung cấp hàng cứu trợ và xây dựng nhà tạm cho các hộ gia đình mất nhà cửa. Tại phiên họp bất thường, Chính phủ cũng đã thống nhất thành lập các ban công tác đặc biệt để điều tra nguyên nhân của vụ vỡ đập, xem xét trách nhiệm của các cá nhân, bao gồm cả các cán bộ về sự cố.
- 8 biện pháp tăng trưởng kinh tế:
Tại phiên họp thường kỳ, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith yêu cầu các Bộ trưởng, Đô trưởng Viêng Chăn và các tỉnh trưởng triển khai 8 biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp này được thiết kế để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2018 và năm 2019 trong bối cảnh căng thẳng về ngân sách.
Biện pháp đầu tiên là nhằm kiềm chế lạm phát và cải thiện chính sách tiền tệ, trong đó Ngân hàng trung ương Lào được cho là có vai trò tích cực trong việc kiểm soát khoản tiền quay vòng (M2) và ổn định tỷ giá ngoại tệ, đồng thời phải tăng dự trữ ngoại tệ thông qua thúc đẩy xuất khẩu và khuyến khích các giao dịch tài chính qua ngân hàng. Bộ Công Thương có nhiệm vụ xác định cơ cấu giá cũng như bình ổn giá xăng dầu và các sản phẩm khác nhằm giảm thiểu tác động tới người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy sản xuất và gia tăng công nghiệp chế biến để giảm nhập khẩu.
Biện pháp thứ hai liên quan đến việc cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nghị định yêu cầu các cơ quan chính phủ cần tinh giản các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc phê duyệt các dự án đầu tư cũng như xuất- nhập khẩu và hoạt động kinh doanh. Các cơ quan Chính phủ cũng được hướng dẫn giới thiệu các dịch vụ 1 cửa nhằm thu hút đầu tư hơn nữa tới Lào.
Biện pháp thứ ba là việc thanh toán các khoản nợ trong nước, nhấn mạnh việc thực hiện tốt hơn sáng kiến giải ngân tam giác nợ, trong đó Chính phủ đã chi 3,25 nghìn tỷ Kíp để trả nợ cho các công ty tư nhân trong thời gian 10 năm. Chính phủ cho biết sẽ ưu tiên trả nợ cho các công ty đã hoàn thành xong việc xây dựng các dự án có vốn đầu tư của Nhà nước.
Biện pháp thứ tư liên quan đến việc thu thuế và quản lý chi tiêu. Các cấp chính quyền được yêu cầu phải kiểm tra lại các nguồn thu và cần chủ động hơn trong việc thu thuế của những doanh nghiệp không đóng thuế. Chính phủ nhấn mạnh rằng cần phải tin học hóa việc thu thuế, thuế quan và các loại phí, đồng thời thúc đẩy quản lý hiệu quả việc nhập khẩu xăng dầu và xe cộ, đấu tranh với các hành vi nhập lậu các sản phẩm này. Bộ Năng lượng và Mỏ có nhiệm vụ phải nghiên cứu kỹ việc chuyển giao các dự án sử dụng vốn vay nhằm xác định xem việc miễn giảm thuế có được thực hiện theo đúng luật pháp không.
Biện pháp thứ năm liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thúc đẩy sản xuất. Bộ Công Thương có nhiệm vụ phải đóng vai trò là một cơ quan điều phối chủ chốt trong phối hợp với Bộ Nông-Lâm, Bộ Tài chính và Ngân hàng TW Lào để gia tăng sản xuất. Một trong những nhiệm vụ cấp thiết là tạo điều kiện tiếp cận vốn cho SMEs, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới trong quá trình sản xuất.
Biện pháp thứ sáu là cải thiện cơ cấu đầu tư. Các ngành liên quan được yêu cầu phải xác định những dự án vượt quá mức đầu tư cho phép và các dự án do Nhà nước đầu tư nhưng chất lượng thấp và phải tính toán lại chính xác các chi phí xây dựng các dự án này trước khi thanh toán cho các chủ thầu.
Biện pháp thứ bảy liên quan đến quản lý đất đai và thu thuế đất. Các ngành liên quan phải tiến hành công tác bảo hiểm đất đai và sử dụng tin học để thu thuế, phí liên quan đến đất đai.
Biện pháp thứ tám là thanh tra việc thực hiện luật pháp, chú trọng việc quản lý tài sản của Nhà nước theo đúng quy định của luật pháp. (Vientiane Times, 23, 27/8/2018)
Đồng Kíp giảm giá ảnh hưởng lên các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu nhiên liệu
Tỷ giá hối đoái giao động đang tạo ra một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu khi sử dụng đồng Kíp mua USD để nhập khẩu nhiên liệu. Đồng thời, các doanh nghiệp vay USD để nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xe cộ cũng thiệt hại từ việc giá trị của đồng Kíp giảm so USD.
Ngày 13/8/2018, một chủ doanh nghiệp đề nghị không nêu tên cho biết, công ty của ông bị mất hàng tỷ Kíp do tỷ giá, vì vậy làm ăn khó khăn. “Trên thực tế, chúng tôi mất rất nhiều tiền để mua ngoại tệ, đặc biệt là USD để thanh toán nhập khẩu và bán hàng nhập khẩu thu nội tệ”, ông nói.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước lại không gặp khó khăn trong việc mua ngoại tệ vì việc thanh toán được thực hiện thông qua hệ thống E-banking. Ông Inpong Keopanya, đại diện của Doanh nghiệp Xăng dầu Nhà nước cho biết, tỷ giá đối với doanh nghiệp này không thành vấn đề “Chừng nào doanh nghiệp có thể thanh toán ngân hàng bằng nội tệ, hệ thống ngân hàng tự động đổi nội tệ thành ngoại tệ theo tỷ giá quy định thì không ảnh hưởng đến doanh nghiệp”, ông nói. Trên thực tế, nhìn chung các cá nhân bị hạn chế đổi Kíp ra ngoại tệ. Ví dụ, mỗi cá nhân chỉ được phép mua 1.000 Baht/ngày.
- Đồng Kíp giảm giá trị có ảnh hưởng đối với lạm phát
Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê quốc gia Lào, biên độ dao động của đồng Kíp Lào so với đồng Baht Thái đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi giá cả hàng tiêu dùng. Tổng cục này cho biết, 52% hàng tiêu dùng ở Lào chủ yếu là nhập khẩu từ Thái Lan, điều này có nghĩa là khi giá trị đồng Kíp dao động, thì chỉ số lạm phát cũng bị ảnh hưởng.
Theo Tổng cục Thống kê, Lào nhập khẩu khoảng 255 mặt hàng tiêu dùng, chủ yếu là từ Thái Lan. Tổng cục đã tiến hành khảo sát về thay đổi giá hàng hóa nhập khẩu. Tổng cục này đưa ra kết luận về đồng Kíp dao động so với ngoại tệ, chủ yếu là đồng đôla Mỹ và đồng Baht Thái nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về mối quan hệ giữa việc giảm giá đồng Kíp với tỷ giá lạm phát đối với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, số liệu của Ngân hàng TW Lào cho thấy là trong tháng 6 vừa qua, tỷ giá hối đoái chính thức giữa đồng Kíp và đồng đôla là 8.384 Kíp/1 USD. Với tỷ giá này, giá trị đồng Kíp giảm 1,76% so với đồng USD trong cùng kỳ năm trước. Đồng Kíp giảm 6,95% so với đồng Baht, tỷ giá chính thức giữa đồng Kíp và Baht là 261 Kíp/1 Baht. Ngân hàng TW Lào duy trì chính sách giữ biên độ đồng Kíp so với USD trong khoảng 5%. Các nhà quan sát cho biết Ngân hàng TW Lào có thể thuyết phục các ngân hàng thương mại công bố tỷ giá hối đoái chính thức nhưng vẫn đặt câu hỏi về tỷ giá thực tế.
Người dân gặp nhiều khó khăn đối với khi muốn mua ngoại tệ của các ngân hàng với tỷ giá chính thức do các ngân hàng hạn chế số lượng tiền bán ra. Điều này làm cho người dân phải mua ngoại tệ ở thị trường bên ngoài với tỷ giá cao hơn nhiều. Các nhà quan sát cho biết, người dân có thể mua USD với tỷ giá khoảng 8.7000 Kíp/1 USD, và rằng tỷ giá hối đoái không thể kiểm soát có thể sẽ làm tăng áp lực đối với khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong thời gian tới. (Vientiane Times, 14, 15/8/2018)
Tỷ lệ nghèo có thể tăng do lũ lụt
Ngày 06/8/2018, trả lời phỏng vấn Vientiane Times, Vụ trưởng Vụ Phát triển Nông thôn và Hợp tác xã, Bộ Nông-Lâm Kongkeo Vongphaseuth cho biết, lũ lụt nặng nề chắc chắn sẽ ảnh hưởng lên các chương trình giảm nghèo của Chính phủ.
Số hộ nghèo có thể tăng trở lại trong năm 2018 do hậu quả của lũ lụt tàn phá nhiều vùng của Lào, gây thiệt hại lớn về sinh mạng và tài sản của nhân dân. Hàng nghìn người trước đây đã được đưa ra khỏi ngưỡng nghèo có thể tái nghèo do lũ lụt đã cuốn trôi nhà cửa, cây cối, dự trữ thóc gạo, gia súc, quần áo và các tài sản khác. Cơ quan chức năng đang chuẩn bị xem xét lại lỷ lệ nghèo sau thiên tai, lũ lụt. Chính phủ Lào dự kiến giảm tỷ lệ nghèo xuống khoảng 5% năm 2018, tuy nhiên trong bối cảnh thiên tai, lũ lụt chắc chắn khó đạt mục tiêu đặt ra. Chỉ riêng tỉnh Attapeu, lũ lụt do sự cố vỡ đập ngày 23/7 tại huyện Sanamxay đã gây thiệt hại lớn về sinh mạng và tàn phá nhiều bản với trên 6.000 người mất nhà cửa; ruộng vườn bị chìm trong biển bùn phải mất nhiều năm để khôi phục. Tỉnh Khammuon có khoảng 30.230 hộ ở 378 bản của 10 huyện bị ảnh hưởng bởi lũ lụt làm ngập nhiều nhà cửa và trên 35.000 ha lúa. Ở tỉnh Savanakhet gần 21.000 người ở 86 bản bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Theo các cơ quan chức năng, nhiều tỉnh ở Lào đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai và gây khó khăn đối với công tác giảm nghèo.
Năm 2017, Chính phủ đã nâng ngưỡng nghèo đối với dân cư thành thị và nông thôn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế và chi phí sinh hoạt của đất nước. Theo Nghị định của Chính phủ, để được xếp trên ngưỡng nghèo, mỗi người phải đảm bảo tối thiểu 2.100 calo/ngày, có đủ quần áo và nơi ở ổn định. Mỗi người cũng phải có khả năng tự lo chi phí chăm sóc sức khỏe khi ốm đau và các dịch vụ cơ bản khác, đồng thời, thu nhập phải trên 2,0 USD/ngày.
Ông Kongkeo cho biết, trong tình hình mới, việc thực hiện Nghị định, trong chừng mực nào đó sẽ phải hoãn lại, cơ quan chức năng sẽ xem xét xây dựng kế hoạch về tỷ lệ nghèo mới.
Theo báo cáo mới đây của Chính phủ, số hộ nghèo đã giảm từ 6,5% tổng số hộ năm 2015 xuống 6,3% năm 2016. Nếu áp dụng ngưỡng nghèo mới, cộng thêm số hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, số hộ nghèo chắc chăn sẽ tăng mạnh. (Vientiane Times,07/8/2018)
Sự trì hoãn của Chính phủ trong việc trả nợ và thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng đến
doanh nghiệp
Ngày 20/8/2018, trả lời phỏng vấn Vientiane Times, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) Valy Vetsaphong cho biết, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Lào đạt mức cao nhưng các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa vẫn đang phải vật lộn với điều kiện kinh doanh trì trệ, chi phí cao.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng đang gặp nhiều khó khăn do môi trường kinh doanh, trong thời gian gần đây, nhiều công việc phải hoãn, buộc họ phải sa thải công nhân. Theo bà Valy, điều kiện kinh doanh trì trệ là do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, là do Chính phủ trì hoãn việc trả nợ đối với các công ty xây dựng - gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tăng trưởng và trả nợ ngân hàng. Theo bà, Chính phủ nên trả nợ cho những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và hợp đồng nhằm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần phải công bằng, doanh nghiệp đội vốn cần phải rà soát lại trước khi thanh toán nợ.
Năm 2017, Chính phủ công bố sẽ phân bổ 3.000 tỷ Kíp từ ngân sách nhà nước để trả nợ trong chương trình thanh toán nợ trong thời gian 10 năm. Nguồn vốn này (300 tỷ Kíp/năm) sẽ trích từ chi ngân sách thường niên nhằm tăng thanh khoản cho doanh nghiệp tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, số kinh phí này không đủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Khu vực xây dựng trì trệ không chỉ ảnh hưởng lên các doanh nghiệp nhỏ mà còn tác động tiêu cực lên các lĩnh vực sản xuất.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp cho biết, các biện pháp thuế của Chính phủ đang làm cho đời sống khó khăn hơn và có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trốn thuế. Các nhà quan sát lưu ý rằng, hàng loạt các dự án xây dựng lớn ở thủ đô Viêng Chăn hoặc bị hoãn hoặc không được sử dụng đầy đủ khi hoàn thành. Bà Valy bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng của Thủ tướng Thongloun Sisoulith về cải thiện môi trường đầu tư và xóa bỏ thủ tục rườm rà đang gây cản trở đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện như kỳ vọng mặc dù Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng thứ hạng trong Chỉ số Môi trường Kinh doanh từ vị trí 141 hiện nay lên vị trí hai con số vào năm 2020. Công việc phê duyệt giấy tờ vẫn mất rất nhiều thời gian, làm mất cơ hội thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan nhà nước hiểu luật không thống nhất, dẫn đến khó khăn trong việc thực thi. (Vientiane Times,21/8/2018)
Ngành năng lượng Lào hy vọng tăng xuất khẩu điện
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ, lĩnh vực năng lượng Lào dự kiến xuất khẩu khoảng 25.681 triệu KWh vào năm 2019 sau khi hoàn thành xong việc xây dựng 13 dự án thủy điện. 13 dự án này sẽ làm tăng năng suất lắp đặt lên khoảng 2.372,49 MW và có thể tạo ra điện năng là 13.560 Wh hàng năm. Lĩnh vực năng lượng có thể tạo ra tổng điện năng là 36.131 triệu kWh mỗi năm khi các dự án thủy điện mới đi vào hoạt động. Một số dự án đã được Chính phủ phê duyệt sẽ có đóng góp quan trọng vào việc sản xuất điện năng, trong đó có nhà máy thủy điện Nậm Nghiệp 1, Don Sahong và Xayaboury. Các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ sẽ tạo ra năng lượng khoảng 5MW đến 15MW cũng sẽ hỗ trợ việc tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu điện. Các dự án này chủ yếu do chính quyền địa phương phê duyệt.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ xuất khẩu khoảng 12.900 triệu kWh, trị giá hơn 700 triệu USD, tăng 14,32% so với cùng kỳ năm trước và 56,22% kế hoạch năm 2018. Ngoài ra, số liệu nhập khẩu điện cho thấy Lào đã chi 14.83 triệu USD để mua 307,9 kWh của Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2018. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu điện giảm xuống 21% và giảm nhẹ khoảng 2% so với kế hoạch năm. Năm 2019, Chính phủ dự kiến đưa ra kế hoạch xây dựng và cải thiện một số đường dây tải điện dọc quốc gia để đảm bảo điện năng của các nhà máy thủy điện được đưa tới các trạm điện quốc gia.
Lào cũng dự kiến kết nối các trạm điện của mình tới các trạm điện của các nước láng giềng để tăng xuất - nhập khẩu năng lượng trong khu vực. (Vientiane Times, 27/8/2018)
Dịch vụ một cửa hoạt động không đạt kỳ vọng
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI), dịch vụ một cửa ở Lào hoạt động không hiệu quả vì quản lý yếu kém và có quá nhiều chậm trễ.
Ngày 03/8/2018, phát biểu tại hội nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội Viêng Chăn với đại diện của LNCCI và các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch LNCCI Vanthong Sithikoun cho biết, hệ thống hoạt động không có hiệu quả, gây chậm trễ trong đăng ký và thành lập doanh nghiệp. Cán bộ công chức làm việc trong các văn phòng một cửa đòi hỏi phải có năng lực ra quyết định và phê duyệt các văn bản và mẫu trình ký. Tuy nhiên, các cán bộ công chức lại phải trình các văn bản này lên cấp trên và chờ đợi để được phê duyệt và ký. Việc này thường kéo dài, không đúng hạn định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Lào vẫn đang phải vật lộn với các vấn đề khác như đăng ký và xin giấy phép kinh doanh, xúc tiến du lịch và đăng ký thương hiệu. Ông Vanthong cho biết, nhiều người Lào hiện vẫn kinh doanh không đăng ký, thực tế đó là không công bằng đối với những người đăng ký, nhiều doanh nghiệp cũng không có thương hiệu. Doanh nghiệp đề nghị các đại biểu Quốc hội đẩy mạnh công tác khởi nghiệp thông qua các ưu đãi của Chính phủ, bao gồm cả xúc tiến du lịch. Các doanh nghiệp cũng phàn nàn về chi phí đăng ký thực phẩm và dược phẩm cao, thuế suất cao như những bất lợi đối với họ.
Đại biểu Quốc hội Viêng Chăn Saythongg Keodouangdy hứa sẽ đưa những vấn đề mà các doanh nghiệp nêu lên Chính phủ để tìm giải pháp khắc phục. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của LNCCI với vai trò kết nối giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đại diện cho người sử dụng lao động và các nghiệp đoàn khác. (Vientiane Times,07/8/2018)
Khách du lịch đến Lào tăng trong 6 tháng đầu năm
Theo báo cáo của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến Lào đạt trên 02 triệu lượt người, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.
Lượng khách từ khu vực ASEAN đến Lào chiếm khoảng 66% (Thái Lan 44%; Việt Nam 19%; 37% còn lại là các nước khác), ngoài khu vực ASEAN chiếm tỷ trọng khoảng gần 40% và ngày càng có xu hướng tăng mạnh, so với cùng kỳ năm trước, khách Trung Quốc tăng 50%, Hàn Quốc tăng 24%, Nhật Bản tăng 27%, Mỹ tăng 16%. Lượng khách giảm đột biến là địa bàn Châu Phi và Trung Đông (giảm 32%).
Phần lớn khách du lịch đến các địa danh có các di sản văn hóa, nơi các bộ tộc Lào sinh sống, du lịch sinh thái. (KPL, 20/8/2018)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI |
Khu vực nhà nước và tư nhân tham vấn về ba dự thảo luật mới
Ngày 01/8/2018, các đại biểu từ khu vực nhà nước và tư nhân đã nhóm họp tại hội nghị tham vấn công – tư do Thứ trưởng Bộ Tài chính Atsphangthong Siphadone chủ trì để thảo luận về 03 dự thảo luật mới là Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt, Luật Thuế Thu nhập và Luật Quản lý Thuế để bổ sung Luật Thuế hiện hành.
Vài tháng trước, ban soạn thảo đã tổ chức hội nghị tham vấn tại tỉnh Viêng Chăn, Savanakhet và Luang Prabang để thảo luận 03 dự thảo luật. Mục đích chính của hội nghị lần này tại thủ đô Viêng Chăn là nhằm để các đại biểu từ khu vực nhà nước và tư nhân thảo luận và góp ý sâu hơn nhằm hoàn thiện 03 dự thảo luật về thuế. Các ý kiến góp ý tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng để ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện theo hướng rõ ràng và toàn diện hơn, phù hợp với các quy định pháp luật khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Atsphangthong nhấn mạnh, để thực hiện Tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược Phát triển Tài chính Công đến năm 2025 và Đổi mới Hệ thống Quản lý Hệ thống Tài chính Công đến năm 2020, ngành tài chính xác định phải cải cách hệ thống pháp lý để phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai, có khả năng kết nối với các hệ thống khu vực và quốc tế. Các luật mới nhằm mục đích khuyến khích đầu tư, tạo tiềm năng thu nhập và đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.
Trong những năm gần đây, thu ngân sách từ thuế được xem là nguồn thu lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng thu ngân sách, tương đương 9% GDP. Năm 2017, thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng chiếm 30%; thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 22%, 11% còn lại là các loại thuế khác.
Dự kiến, 03 dự thảo luật mới sẽ được hoàn thiện và trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIII sẽ được tổ chức vào cuối năm 2019. (Vientiane Times,02/8/2018)
Kiến nghị ban hành Luật bất động sản
Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) đang kiến nghị nhà nước ban hành Luật bất động sản nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Ngày 07/8/2018, trả lời phỏng vấn Vientiane Times, Giám đốc Công ty Mua bán và cho thuê bất động sản Houmphan Sayalath cho rằng, nếu không có Luật bất động sản, các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy miễn cưỡng trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, LNCCI đã kiến nghị Chính phủ soạn thảo Luật Bất động sản để trình Quốc hội thảo luận. Nếu được phê chuẩn, Luật sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tự tin rót vốn vào phát triển bất động sản ở Lào. Cùng với quá trình hội nhập vào khu vực ASEAN, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Lào, trong đó nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào bất động sản, kể cả xây dựng căn hộ. Trong 10 năm qua, bất động sản đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng đều đặn, nhiều tòa nhà cao tầng đã và đang được xây dựng ở thủ đô Viêng Chăn.
Theo các nhà kinh tế, một trong những vấn đề khó khăn đối với phát triển bất động sản ở Lào đó là các ngân hàng hạn chế cho vay dài hạn. Vì vậy, phần lớn vốn đầu tư vào ngành này chủ yếu là từ nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài thường hợp tác với các công ty Lào để có quyền sở hữu đất để xây dựng nhà hoặc căn hộ cho thuê.
Năm 2018, ngành bất động sản bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Các dự án khai khoáng thường thuê nhiều người nước ngoài nay phải cắt giảm nhân công và do đó cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhu cầu về thị trường bất động ở Lào vẫn lớn, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi khung pháp lý và hướng dẫn rõ ràng hơn để đầu tư. (Vientiane Times,06/8/2018)
Thành lập Ban công tác đặc biệt cải thiện chính sách thương mại
Cuối tháng 07/2018, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã ký quyết định bổ nhiệm Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone làm Trưởng ban công tác đặc biệt nhằm tìm các biện pháp để cải thiện chính sách và xóa bỏ rào cản thương mại.
Theo quyết định, Bộ trưởng Thương mại được bổ nhiệm giữ chức Phó ban và ủy viên thường trực, nhiều cán bộ cấp cao từ các Bộ ngành là các ủy viên. Một trong những mục đích chính của Ban là tiến hành nghiên cứu để xác định những rào cản thương mại ở Lào để yêu cầu các Bộ/ngành giải quyết theo luật hiện hành của Lào cũng như các hiệp ước quốc tế mà Lào tham gia ký kết. Ban cũng được giao nhiệm vụ triển khai các nghiên cứu và sử dụng kết quả đề xuất các kiến nghị trình Chính phủ để rà soát các chiến lược, xây dựng quy hoạch tổng thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại trong nước và qua biên giới. Bên cạnh đó, Ban sẽ tiến hành nghiên cứu để cải tiến các thủ tục và giải pháp phi thuế quan phù hợp với các hiệp ước quốc tế mà Chính phủ đã ký kết.
Theo giới phân tích, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp Lào trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn trong khu vực. Đồng thời, ghi nhận Chính phủ đã có chính sách rõ ràng trong việc đa dạng hóa nền kinh tế hiện nay còn chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khai khoáng và thủy điện, sang các lĩnh vực bền vững hơn. Chỉ khi môi trường kinh doanh được cải thiện và rào cản thương mại được xóa bỏ thì mới có thể đảm bảo tăng trưởng đầu tư trong lĩnh vực phi tài nguyên.
Chính quyền đề xuất tổ chức lại hoạt động dịch vụ một cửa:
Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia Xúc tiến và Giám sát đầu tư đã ban hành Quyết định về Thực hiện và hoạt động của Văn phòng trung ương về dịch vụ đầu tư một cửa và Ban Điều phối nhằm tạo điều kiện cho đầu tư và giảm một số các thủ tục phê duyệt cấp giấy phép đầu tư. Quyết định nhằm mục đích xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và kế hoạch hoạt động của Văn phòng trung ương dịch vụ một cửa và Ban Điều phối liên quan đến đầu tư với mục đích tạo thuận lợi, nhanh chóng, công khai, minh bạch đầu tư do Chính phủ phê duyệt, nhằm đảm bảo cơ chế dịch vụ một cửa được hiệu quả, cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Theo website Cổng Thương mại điện tử Lào, Quyết định này được ban hành tiếp theo Quyết định về Thực hiện và hoạt động của Văn phòng dịch vụ một cửa và Ban Điều phối số 002/CIPSC ngày 20/8/2018. Văn phòng đầu tư một cửa trung ương đặt trụ sở tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, nhóm công tác gồm đại diện của các Bộ KHĐT, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Nông Lâm, Lao động và Xã hội, Công chính và Vận tải, An ninh và Thông tin, Văn hóa và Du lịch. Ngoài ra, Văn phòng là cơ quan tạo điều kiện về đầu tư nói chung và chuyển nhượng doanh nghiệp, phát triển các đặc khu kinh tế một cách đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, công khai. Mỗi Bộ, ngành có nhiệm vụ phải thành lập một đơn vị phối hợp với Văn phòng này dưới sự giám sát của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng các Bộ, ngành liên quan thuộc Ủy ban Giám sát và Xúc tiến đầu tư.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chỉ định Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone đứng đầu Cơ quan chuyên trách nhằm cải thiện chính sách thương mại và loại bỏ các rào cản thương mại. Cuối tháng 7/2019, Thủ tướng đã ký văn bản hỗ trợ pháp lý cho Phó Thủ tướng làm Chủ nhiệm Ủy ban Thuận lợi hóa Thương mại quốc gia có nhiệm vụ cải thiện chính sách thương mại và khắc phục rào cản thương mại. Bộ trưởng Công Thương được chỉ định làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban, thành viên thường trực Ủy ban và một số các quan chức cao cấp Chính phủ thuộc các bộ, ngành là thành viên Ủy ban. (Vientiane Times,16,30/8/2018)
Chính phủ khuyến khích đối tác công – tư nhằm thúc đẩy phát triển
Ngày 23/8/2018, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã ký sắc lệnh chỉ thị và hướng dẫn các Bộ và các cơ quan Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2018; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án đầu tư công trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, eo hẹp.
Thủ tướng chỉ thị cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan áp dụng các chính sách để khuyến khích sự tham gia của công chúng và doanh nghiệp vào các dự án cơ sở hạ tầng. Theo sắc lệnh, Hợp tác công – tư theo mô hình Xây dựng – Vận hành và Chuyển giao (BOT) và Đối tác Công – Tư (PPP) cần phải được xúc tiến. Chính phủ muốn khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng vì Chính phủ đang gặp khó khăn về tài chính và kỳ vọng huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng. Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành nghiên cứu xây dựng đường cao tốc nối thủ đô Viêng Chăn với Bắc và Nam Lào.
Theo thông tin đăng tải trên trang Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Chính phủ đang trong quá trình phát triển khung và chính sách PPP. Chính sách này nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, bao gồm ADB và Ban Thư ký của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á – Thái bình dương của LHQ. Khung chính sách, bao gồm Nghị định của Chính phủ về PPP sẽ hướng dẫn cụ thể đối với các cơ quan Chính phủ và khu vực tư nhân phương pháp đối tác trong việc phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng.
Theo các nhà quan sát, trong điều kiện khó khăn về ngân sách, đây là một lựa chọn chính sách tốt nhất và khôn ngoan nhất. Tuy nhiên, cũng cần lưu rằng, Chính phủ phải cân nhắc thực tế là các dự án PPP nên dựa trên quan điểm “công dân trả tiền”, có nghĩa là Chính phủ phải cân đối các lợi ích của chính quyền, công dân và các nhà đầu tư. (Vientiane Times,30/8/2018)
Chính phủ sẽ thanh tra toàn bộ tiêu chuẩn đập, tạm dừng xem xét các dự án thủy điện mới
Ngày 06-07/8/2018, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã chủ trì phiên họp bất thường của Chính phủ để nghe và thảo luận tình hình xử lý các vấn đề sau sự cố vỡ đập tại tỉnh Attapeu.
Phiên họp của Chính phủ thống nhất tiến hành thanh tra tất cả các đập, kể cả đập đã hoàn thành và đang trong quá trình xây dựng. Bộ Năng lượng và Mỏ sẽ phối hợp với Bộ Công chính và Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia quốc tế để thực hiện các cuộc thanh tra. Mọi vi phạm phát hiện trong tiêu chuẩn thiết kế hoặc xây dựng đập đều phải báo cáo lên Chính phủ theo từng trường hợp để tìm giải pháp khắc phục. Chính phủ cũng đã quyết định tạm dừng xem xét đầu tư mới các dự án thủy điện để rà soát lại chiến lược và kế hoạch phát triển thủy điện. Chiến lược và kế hoạch sửa đổi sẽ được sử dụng làm tham chiếu cho phương hướng phát triển trong tương lai. (Vientiane Times,08/8/2018)
Chính phủ phê duyệt chính sách đền bù đối với các nạn nhân do vỡ đập
Ngày 31/7/2018, phát biểu tại hội nghị thảo luận các giải pháp hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng do lũ lụt tàn phá, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone nói, người dân ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu sẽ nhận được đền bù đầy đủ vì Chính phủ xác định đây không phải là một thảm họa tự nhiên.
“Lũ lụt là do vỡ đập”, Phó Thủ tướng Sonexay nói tại hội nghị của Ủy ban Quốc gia Đặc biệt giải quyết sự cố với sự tham gia của đại diện các Bộ ngành do Phó thủ tướng Sonexay làm chủ tịch.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Chánh Văn phòng Bộ Năng lượng và Mỏ Daovong Phonekeo cho biết, hội nghị đã thống nhất về nguyên tắc gói đền bù sẽ khác với hỗ trợ đối với các nạn nhân của các thảm họa thiên nhiên thông thường. Lào có chính sách và quy định hiện hành để đền bù cho các nạn nhân của thiên tai nhưng sẽ không áp dụng trong trường hợp này vì đây không phải do tự nhiên. Nếu Chính phủ áp dụng chính sách hỗ trợ thông thường thì số lượng đền bù sẽ hạn chế vì Chính phủ không thể đền bù đầy đủ cho người dân dựa trên giá trị thiệt hại mà chỉ theo số lượng do Chính phủ xác định. Điều quan trọng là các thành viên của Ủy ban hiểu là lũ lụt gây ra bởi sự cố đập, vì vậy các nạn nhân của lũ lụt sẽ nhận được đền bù căn cứ trên giá trị thực tế của tài sản bị hư hỏng hoặc mất mát. Hội nghị nhất trí, các cơ quan liên quan của Chính phủ sẽ triển khai ngay việc thu thập thông tin từ các nạn nhân bị lũ lụt về thiệt hại.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Khammany Inthirath nói, Công ty Thủy điện Xe - pian Xe – Namnoy không thể phủ nhận hoàn toàn chịu trách nhiệm về thảm họa và sự tàn phá nặng nề gây ra tại huyện Sanaxay. Công ty xây dựng đập sẽ phải đền bù cho các nạn nhân, bao gồm việc xây dựng lại nhà cửa và cơ sở hạ tầng.
Trả lời phỏng vấn Vientiane Times, một cán bộ của Công ty cho biết, Công ty cam kết sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả của sự cố đập nhưng không tiết lộ chi tiết về sự đền bù. Có nguồn tin cho biết, Công ty Thủy điện Xe - pian Xe – Namnoy có bảo hiểm của bên thứ ba sẽ chịu chi phí đền bù nhưng chi tiết của chính sách đền bù vẫn chưa được công bố.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết, Chính phủ sẽ phối hợp với Thái Lan và Hàn Quốc để điều tra nguyên nhân của sự cố đập. Bộ Năng lượng và Mỏ sẽ mời các chuyên gia quốc tế tham gia cuộc điều tra. (Vientiane Times,02/8/2018)
Chính phủ và các doanh nghiệp quan tâm phát triển xe chạy bằng điện
Ngày 23/8/2018, tại Viêng Chăn, Hội thảo về việc sử dụng xe chạy bằng điện đã được tổ chức với sự tham gia của các quan chức Chính phủ và lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội thảo đã thảo luận về việc sử dụng năng lượng sạch thông qua xe cộ chạy bằng điện, nghe các báo cáo của chuyên gia nước ngoài về những tiến bộ mới nhất cũng như những đổi mới trong lĩnh vực vận tải, đồng thời, các quan chức Lào trình bày về việc khuyến khích và triển khai các chính sách liên quan của Chính phủ.
Báo cáo tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Giao thông, Bộ Công chính và Vận tải Lào Boulith Pathomthong nhấn mạnh, thế giới hiện đang phải đối đầu với những thách thức về biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí mà số lượng xe cộ chạy nhiên liệu xăng dầu là một trong những tác nhân chính. Để giải quyết vấn đề này, nhiều nước đã phát triển các loại xe cộ thân thiện với môi trường, bao gồm xe chạy bằng điện. Lào có tiềm năng lớn trong việc sử dụng xe chạy bằng điện vì quốc gia có các nguồn năng lượng tái sinh từ nguồn nước, mặt trời và gió tạo điều kiện giảm nhập khẩu nhiên liệu. Lào có chính sách tiếp tục cải tiến ngành vận tải theo hướng bền vững, đặc biệt là phát triển công nghệ xe cộ sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường. Hội thảo đã nghe báo cáo về những thế mạnh an toàn của các loại xe cộ với động cơ tiên tiến giảm rủi ro cháy nổ, tích hợp với công nghệ thông tin và hệ thống dễ điều khiển. (Vientiane Times,24/8/2018)
Khai trương Trung tâm giao dịch mua bán hàng hóa tương lai
Ngày 17/8/2018, tại thủ đô Viêng Chăn, Trung tâm giao dịch hàng hóa tương lai toàn cầu do Công ty mua bán hàng hóa tương lai (Commofuture Co.Ltd ) đã được khai trương. Tham dự sự kiện có nguyên Phó Thủ tướng Somsavat Lenhsavat; Phó đô trưởng Viêng Chăn Keophilavanh Aphaylath và Giám đốc Công ty mua bán hàng hóa tương lai Zintonehe.
Trung tâm tài chính này được thành lập với sự hợp tác giữa Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng và Bộ Nông lâm và Bộ Công Thương nhằm giao dịch mua bán hàng hóa tương lai có chất lượng, chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như vàng, bạc, khí đốt, dầu thô; đồng, quặng sắt, bông, cà phê, đường thô và nhiều mặt hàng khác. Tại đây, sẽ tổ chức các diễn đàn giao dịch hàng hóa theo phương thức mới là giao dịch mua bán hàng hóa tương lai nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của thị trường, thúc đẩy sự phát triển sản xuất hàng hóa để thâm nhập thị trường nội khối ASEAN, khu vực châu Á và thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó đô trưởng Viêng Chăn Keophilavanh Aphaylath nhận định, việc trao đổi về kinh tế, thương mại giữa các nước thành viên trong cộng đồng ASEAN và đối với Lào sẽ ngày càng tăng. Với vai trò là trung tâm kinh tế-xã hội của Lào, thủ đô Viêng Chăn sẽ trở thành địa điểm thu hút đầu tư và dịch vụ mạnh mẽ trong tương lai, việc triển khai Trung tâm này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại Lào có thể giao dịch mua bán hàng hóa tương lai trên toàn cầu ngay tại Viêng Chăn (KPL, 20/8/2018)
HỢP TÁC VIỆT NAM - LÀO |
Kim ngạch thương mại 7 tháng đầu năm 2018
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt – Lào 7 tháng đầu năm 2018 đạt 587,9 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017 (524,3 triệu USD).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 341,2 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017 (308,1 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Xăng dầu các loại đạt 58,3 triệu USD, tăng 3,6%; sắt thép các loại đạt 56,7 triệu USD, tăng 31,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 32,4 triệu USD, tăng 11,4%; sản phẩm từ sắt thép đạt 20,9 triệu USD, giảm 2,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 17,7 triệu USD, tăng 11,3%; phân bón các loại đạt 10,4 triệu USD, giảm 13,3%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 6,7 triệu USD, giảm 29,8%; dây điện và dây cáp điện đạt 5,2 triệu USD, giảm 6%; clanhke và xi măng đạt 5,2 triệu USD, giảm 25,1%; hàng rau quả đạt 5,2 triệu USD, tăng 3,3%; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc đạt 4,9 triệu USD, tăng 10%; sản phẩm gốm, sứ đạt 3,9 triệu USD, tăng 14,1%; hàng dệt may đạt 3,6 triệu USD, giảm 6,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 2,5 triệu USD, giảm 7%; than các loại đạt 2,1 triệu USD, giảm 50,3%; kim loại thường khác và sản phẩm đạt 1,5 triệu USD, giảm 43,6%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ đạt 454,2 nghìn USD.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 246,7 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017 (216,1 triệu USD). Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: phân bón các loại đạt 22,6 triệu USD, giảm 13,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,7 triệu USD, tăng 22,3%; quặng và khoáng sản khác đạt 16,6 triệu USD, tăng 0,8%; kim loại thường khác đạt 4,4 triệu USD, tăng 34,1%; ngô đạt 141,4 nghìn USD, giảm 64%.
Ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Lào 8 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 670 triệu USD. (ĐSQ Việt Nam tại Lào, 20/8/2018)
Sân bay Nongkhang hoàn thành 40% tiến độ
Ngày 08/8/2018, Giám đốc Sở Công chính và Vận tải tỉnh Hủa Phăn Phonesouk Inthavong cho biết, việc xây dựng sân bay mới tại huyện Sầm Nưa, tỉnh Huaphan đã hoàn thành được 40% tiến độ, hiện nay nhà thầu đang tập trung vào xây dựng các kết cấu bên trong nhà ga và các tòa nhà chính của sân bay.
Công tác giải phóng mặt bằng và gia cố bề mặt sân bay, đường băng đã được hoàn thành sẵn sàng cho việc trải bê tông. Công việc hiện đang tiến hành là xây dựng nhà đưa đón hành khách, hệ thống thoát nước và bãi đỗ xe.
Hợp đồng xây dựng sân bay trị giá 74 triệu USD (616 tỷ Kíp) đã được ký kết giữa Cục Hàng không Dân dụng, thay mặt Chính phủ và Công ty Cổ phần Hoàng Anh (HAGL) vào tháng 6/2013. Theo kế hoạch trước đây, dự kiến đường băng sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016. HAGL đã bắt đầu xây dựng sân bay vào cuối năm 2014, nhưng đến năm 2015 đã tạm dừng do khó khăn tài chính. Bộ Công chính và Vận tải đã gia hạn hợp đồng với Công ty đến tháng 6/2019.
Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, sân bay có khả năng tiếp nhận máy bay 70-100 chỗ ngồi như ATR72. Khi kéo dài đường băng theo kế hoạch mở rộng, sân bay có thể tiếp nhận máy bay lớn hơn để phục vụ du khách đến tỉnh. (Vientiane Times,09/8/2018)
HỢP TÁC LÀO VỚI CÁC ĐỐI TÁC |
Lào – Trung Quốc
Nghiên cứu khả thi đường dây tải điện để tăng cường hợp tác năng lượng Lào – Trung
Chính phủ Lào và Công ty Đường dây tải điện Nam Trung Hoa (China Southern Power Grid - CSG) sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi phát triển đường dây tải điện quốc gia ở Lào, đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác năng lượng giữa Lào và Trung Quốc.
Ngày 08/8/2018 MOU đã được ký kết, tại Viêng Chăn giữa Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào và Chủ tịch Hội đồng Quản trị CSG Li Qingkui. Hợp đồng được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Thongphat Inthavong, Giám đốc Công ty Điện lực Lào (EDL) Bounoum Syvanpheng và Phó Chủ tịch CSG Bi Yaxiong. Tham dự và chứng kiến lễ ký có Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone và Đại sứ Trung Quốc tại Lào Wang Wentian cùng đông đảo quan chức cấp cao hai bên.
Ngày 13/11/2017, với sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Bounhang Vorachit, Ủy ban Cải cách & Phát triển Trung Quốc và Bộ Năng lượng & Mỏ Lào đã ký MOU về việc thiết lập Đối tác Chiến lược về Điện, hỗ trợ CSG – EDL về hợp tác đầu tư, xây dựng, vận hành và quản lý đường dây tải điện xương sống (backbone) ở Lào. MOU tạo điều kiện để hiện thực hóa hiệp định khung Lào – Trung.
CSG là một trong hai tập đoàn đường dây tải điện chính ở Trung Quốc, chuyên đầu tư, xây dựng và vận hành các mạng lưới điện ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và khu vực. Với tổng diện tích địa bàn phục vụ trên 1 triệu Km2, dân số 252 triệu người lượng tiêu thụ điện 1.100 TWh, CSG được xếp thứ 110 trong danh sách 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu (Fortune Global – 500). GSG hiện đang tích cực thực hiện các dự án thuộc Sáng Kiến Vành đai và Con đường thông qua hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với các nước GMS và các khu hành chính đặc biệt Hongkong và Macau.
Hợp tác hai bên cùng có lợi và bổ sung lẫn nhau giữa Lào và Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh mạng lưới truyền tải điện tích hợp xương sống bao phủ toàn quốc, cải thiện khả năng phân phối và cung ứng điện ổn định, đáng tin cậy. Đồng thời, hợp tác sẽ tăng cường kết nối mạng lưới điện giữa Lào với các nước láng giềng, tạo điều kiện để biến tài nguyên nước phong phú thành lợi thế kinh tế nhằm phát triển kinh tế - xã hội của Lào. (Vientiane Times,10/8/2018)
Các doanh nghiệp Lào tìm kiếm cơ hội giao thương tại triển lãm Trung Quốc – ASEAN
Quyền Vụ trưởng Vụ Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương Xaysomphet Norasing, tổng giá trị hàng hóa của Lào bán được tại Triển lãm Trung Quốc – ASEAN lần thứ 15 (CAEXPRO) tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc từ 12-15/9/2018, ước sẽ đạt 800.000 USD.
Theo ông cho biết, giá trị hàng hóa tham gia triển lãm của Lào sẽ vào khoảng 536.000 USD. Lào được dàn 84 quầy trưng bày, giảm 38 quầy so năm 2017, tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp tăng từ 53 lên 55. Các doanh nghiệp của Lào trưng bày các sản phẩm đồ gỗ, kim hoàn, dệt may, nông sản, thực phẩm và đồ uống, dịch vụ, du lịch, hàng hóa “Một huyện Một Sản phẩm”. Đối với địa danh, Lào sẽ dựng rạp mô tả Vang Viêng của tỉnh Viêng Chăn để xúc tiến thương mại và du lịch.
Dự kiến, hàng loạt các sự kiện và hoạt động sẽ được tổ chức trong khuôn khổ CAEXPRO nhằm mở rộng cơ hội kinh doanh, xúc tiến hợp tác, nhìn lại những thành tựu đạt được và tìm kiếm khả năng trong tương lai. Các hoạt động kinh tế và thương mại nhằm tăng cường hợp tác khu vực, nâng cấp chức năng của CAEXPRO để thúc đẩy phát triển, tăng lợi ích kinh tế. Các phiên kết nối mạng lưới dự kiến sẽ tăng cường xúc tiến và hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Theo ông Xaysomphet, Trung Quốc cam kết đối tác chiến lược với ASEAN, vì vậy, chủ đề CAEXPRO năm 2018 sẽ là: “Cùng nhau Xây dựng Con đường Tơ lụa Trên Biển Thế kỷ 21, Tiến tới Cộng đồng Sáng tạo Trung Quốc – ASEAN”. (Vientiane Times,14/8/2018)
Dự án đường sắt Lào - Trung Quốc đạt tiến độ hơn 36%
Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Công chính-Vận tải Lào, Thứ trưởng Bộ Công chính-Vận tải Latamani Khunnivong cho biết: hiện nay, dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc đã thực hiện được 36,5% khối lượng công việc, trong đó đã đào được 60 hầm, dài 76.893 m, xây 108 cây cầu. Riêng việc đền bù, các tỉnh đã nghiên cứu giá cả đền bù theo 8 bước, hiện đang ở giai đoạn công ty đường sắt Lào - Trung Quốc nộp hồ sơ chuyển tiền đền bù đợt 1 cho các tỉnh để thanh toán cho người bị ảnh hưởng.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, một dự án quan trọng cả về lịch sử và chiến lược của Lào, là cơ sở hạ tầng kinh tế vững chắc trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Lào cũng như thực hiện chính sách quan trọng biến Lào từ một nước không có biển thành nước liên thông trong khu vực và thế giới. (Vientiane Times, 20/8/2018)
Ký kết thành lập Công ty liên doanh giữa hai Bộ Quốc phòng
Ngày 28/8/2018, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Quốc phòng Lào và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã thống nhất thành lập Công ty liên doanh Southeast Asia hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, lắp đặt, sản xuất và cho thuê cột thu phát viễn thông do Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng Lào hợp tác với Công ty Click Lao Marketing (Trung quốc)- là doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm vượt trội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông.
Lễ ký kết do Cục trưởng Cục Kinh tế quốc phòng Lào và Chủ tịch Công ty Click Lao Marketing thực hiện.
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng Lào Khammi Labounthanh nhấn mạnh, mục đích của dự án là để phát triển sâu rộng hệ thống thông tin truyền thông đến các khu vực nông thôn nhằm cung cấp các dịch vụ viễn thông đến nhân dân vùng hẻo lánh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn. (Báo Kinh tế-xã hội, 30/8/2018).
Lào – Thái Lan
Thái Lan điều chỉnh chính sách phát triển các đặc khu kinh tế để hưởng lợi từ các nước láng giềng
Tăng trưởng của các đặc khu kinh tế (SEZs) Lào dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm sắp tới do Chính phủ Thái Lan dự định sẽ dừng các khu kinh tế tương tự ở các địa bàn biên giới.
Đồng thời, Thái Lan dự định sẽ xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng kết nối với các nước láng giềng nhằm tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp Thái Lan ở các nước này. Từ khi nắm quyền vào năm 2014, Chính phủ Thái Lan đã bắt tay vào kế hoạch chuyển đổi các thị trấn dọc theo biên giới với Lào, Campuchia và Myanmar thành SEZs nhằm giảm bớt khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, những kế hoạch này đã dẫn đến đầu cơ, làm cho giá cả đất đai tăng vọt, việc xây dựng các SEZs trở nên quá đắt đỏ. Tờ nikei.com trích lời Phó Thủ tướng Thái Lan Somkit Jatusripitak nói, “điều đó khiến Thái Lan phải suy nghĩ lại về các dự án SEZs. Thực tế buộc chúng tôi phải rút ra bài học và hợp tác với các nước láng giềng Mekong thay cho việc ganh đua với họ”. Vì chi phí đầu tư xây dựng các SEZs ở Thái Lan cao hơn, Chính phủ Thái Lan tin rằng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào SEZs ở các nước láng giềng sẽ giúp doanh nghiệp Thái tiếp cận tốt hơn tới các thị trường châu Âu. Hàng hóa từ các nước đang phát triển như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) được hưởng lợi từ chính sách miễn thuế của EU. Trong khi đó Thái Lan đã phát triển hơn, phải chịu đánh thuế 30% đối với đa số hàng hóa và tới 100% đối với các loại hàng hóa “nhạy cảm”. Theo các quan chức Thái Lan, đó cũng là một trong những yếu tố dẫn đến thất bại của một số SEZs ở Thái Lan. Họ cho biết, Thái Lan hiện đang tập trung xây dựng kết nối đường sắt và nâng cấp cơ sở hạ tầng và logistics ở các địa bàn sát biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư ở các SEZs của các nước láng giềng. Đầu tư vào hàng hóa sản xuất và xuất khẩu từ CLMV sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào EU. (Vientiane Times,20/8/2018)
Các chính quyền nỗ lực hợp pháp hóa lao động Lào tại Thái Lan
Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào gần đây đã yêu cầu các cơ quan cấp tỉnh cấp giấy phép lao động miễn phí, hộ chiếu và các giấy tờ cần thiết khác cho lao động Lào. Vụ trưởng Vụ Phát triển kỹ năng lao động và việc làm Anousone Khamsingsavath cho biết, các trung tâm lao động ở mỗi huyện cần phải cấp các giấy tờ liên quan cho người dân muốn làm việc tại Thái Lan. Tất cả các Sở công an tỉnh và các phòng công an cấp huyện, và chính quyền địa phương đang dừng việc phạt và thu các loại phí đối với lao động Lào trở về từ Thái Lan.
Một quan chức cao cấp của tỉnh Savannakhet cho biết, theo yêu cầu của chính quyền tỉnh, hệ thống giấy tờ mới này được bắt đầu vào tháng 7/2018, trong đó có việc chấm dứt thu các loại phí của lao động Lào. Chính quyền tỉnh Savannakhet có chỉ thị 14 huyện trong tỉnh thông báo cho lao động Lào về thủ tục đăng ký giấy tờ mới và cung cấp danh sách lao động trở lại từ Thái Lan theo chỉ thị này. Theo chỉ thị, các cán bộ phụ trách lao động có thể hợp pháp hóa đối với lao động bất hợp pháp tại Thái Lan, lao động có thể chọn sống và làm việc tại tỉnh Savannakhet. Cán bộ làm về công tác lao động sẽ giúp họ tìm việc làm tại các dự án phát triển ở Savannakhet hoặc ở các tỉnh khác.
Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội mong muốn đảm bảo số lao động này có các giấy tờ cần thiết hợp lệ để họ có thể ổn định và được đảm bảo quyền lợi. Trong những năm trước đây, lao động Lào ở Thái Lan không được bảo vệ theo luật pháp Thái Lan vì họ không cập nhật tình trạng của mình do không có sự hỗ trợ để có được các giấy tờ cần thiết của chính quyền địa phương.
Lào và Thái Lan đã lập các trung tâm hỗ trợ lao động ở tất cả các địa phương để lao động Lào có thể đăng ký. Theo Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, khoảng 71.000 lao động Lào làm việc tại Thái Lan có thẻ tím nhưng vẫn chưa có được chứng minh thư. Lao động Lào chiếm khoảng 10% trong tổng số 1,5 triệu lao động thường xuyên đến từ Lào, Campuchia và Myanmar được thuê làm việc tại Thái Lan. (Vientiane Times, 20/8/2018)
Lào – Hàn Quốc
Hàn Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho công tác rà phá bom mìn
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 24/8/2018, Đại sứ Hàn Quốc tại Lào Sin Sung-soon cho biết, Hàn Quốc sẽ cung cấp 5,5 triệu USD cho giai đoạn II của chương trình rà phá bom mìn chưa nổ (UXO) để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Lào sau khi giai đoạn I của chương trình kết thúc vào năm nay.
Tuyên bố nêu trên của Đại sứ Hàn Quốc được thực hiện trong chuyến thăm tỉnh Xiêng Khoảng cùng với các đại diện của UNDP, KOICA và Cơ quan Điều phối Quốc gia UXO Lào (NRA). Chuyến thăm nhằm tìm hiểu tình hình UXO và thị sát các hoạt động hỗ trợ nạn nhân UXO do Hàn Quốc hỗ trợ từ năm 2014.
Đại sứ Sin Sung-soon cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ giai đoạn II của chương trình nhằm thúc đẩy nỗ lực của Chính phủ Lào trong việc gỡ bỏ UXO ở các địa bàn canh tác, cũng như giúp đỡ những người bị thương trong các vụ tai nạn liên quan đến UXO thông qua tài trợ cho các khóa đào tạo. Các hoạt động này sẽ được thực hiện thông qua UNDP với kinh phí 3 triệu USD và hỗ trợ song phương qua KOICA 2 triệu USD. Giai đoạn II của dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 04 năm từ 2019 – 2022. Các hợp phần chính của dự án sẽ bao gồm: các hoạt động giáo dục về rủi ro của bom mìn, nâng cao năng lực và hỗ trợ chi phí vận hành của Văn phòng NRA, hỗ trợ dạy nghề và kinh tế đối với các nạn nhân sống sót của UXO, các nhóm nhân đạo của quân đội rà phá bom mìn và các hoạt động kiểm soát chất lượng bảo hiểm. (Vientiane Times,28/8/2018)
Lào – Malaysia
Malaysia cam kết tiếp tục hợp tác về giáo dục với Lào
Ngày 10/8/2018, tại Viêng Chăn, Đại sứ Malaysia tại Lào Mohd Aini Atan đã có chuyến thăm xã giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Sengdeuane Lachanthaboun. Tại đây, Đại sứ Mohd Aini cho biết, Malaysia cam kết tăng cường hợp tác với Lào về giáo dục, công tác thanh niên và thể thao, khẳng định rằng các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực tiếp tục là một trong những nội dung hợp tác chính giữa hai nước.
Hàng năm, có hàng trăm sinh viên đại học quan tâm đến việc học tập tại Malaysia. Số lượng sinh viên Lào dự kiến sẽ tăng lên khi ở Malaysia có hơn 100 trường đại học tư thục và công lập nổi tiếng. Bộ Giáo dục Malaysia sẽ phối hợp với ĐSQ Malaysia tại Lào sẽ tổ chức hội chợ giáo dục, dự kiến vào ngày 8/9/2018 để thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Malaysia và Lào. Đại sứ ghi nhận sự hợp tác thành công giữa Trường Đại học Nottingham có trụ sở tại Malaysia và các tổ chức địa phương về việc thành lập Đại học Nottingham ở Lào. Tháng 9/1980, Chính phủ Malaysia đã giới thiệu Chương trình hợp tác kỹ thuật Malaysia (MTCP), sáng kiến chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm hợp tác giáo dục với các nước nhận MTCP. Tại Lào, hơn 2.000 quan chức đã được hưởng lợi từ nhiều chương trình khác nhau kể từ khi thành lập. Ngoài ra, Đại sứ Mohd Aini khuyến khích sinh viên Lào đăng ký học bổng của chương trình học bổng MTCP-ASEAN dành cho các sinh viên muốn theo đuổi các nghiên cứu sau đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường Đại học Malaysia trong năm 2019. (KPL, 10/8/2018)
Lào – Myanmar
Lào, Myanmar thông qua bản đồ biên giới mới
Ngày 15-16/8/2018, tại thành phố Luang Prabang, tỉnh Luang Prabang đã diễn ra Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban biên giới Lào-Myanmar. Đoàn đại biểu Lào do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Sengphet Houngboungnouang dẫn đầu và Đoàn đại biểu Myanmar do Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao U Myint Thu dẫn đầu.
Hội nghị đánh giá cao kết quả việc tổ chức thực hiện Biên bản Hội nghị lần thứ XII của Ủy ban biên giới Lào-Myanmar trong một năm qua. Hội nghị cũng đã trao đổi vấn đề liên quan đến sự hợp tác giữa cơ quan chức năng biên giới của hai nước, nhất là việc sử dụng thẻ thông hành, cửa khẩu biên giới, thương mại biên giới, quản lý và kiểm tra mốc biên giới, chống buôn bán ma túy, việc di chuyển của tàu thuyền dọc sông Mê Công và các vấn đề khác. Trưởng đoàn của hai bên đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Lào-Myanmar phát triển lên tầm cao mới, với việc trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua, hợp tác tốt trong công tác biên giới. Việc phát triển mối quan hệ hợp tác trên không chỉ tạo lợi ích về kinh tế cho người dân khu vực biên giới mà còn thúc đẩy hòa bình và tiến bộ của hai nước cũng như khu vực. Hai bên nhất trí thúc đẩy cơ quan chức năng biên giới địa phương của hai nước quan tâm tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin trong việc phòng ngừa tội phạm xuyên biên giới, buôn bán ma túy và các phạm pháp khác nhằm đảm bảo trật tự an toàn khu vực biên giới; nhất trí giao cơ quan chức năng biên giới địa phương giáo dục người dân sinh sống tại khu vực biên giới của hai nước thực hiện việc xuất nhập cảnh đúng pháp luật của hai nước.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ hai nước, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Lào-Myanmar đã ký thông qua Bản đồ biên giới Lào-Myanmar số 12 sửa đổi, bản đồ này được ứng dụng kỹ thuật hiện đại có độ chính xác cao, là phụ lục đính kèm Hiệp định đường biên giới ổn định giữa hai nước, ký ngày 11/6/1994. (Vientiane Times, 20/8/2018)
Lào – Anh
Lào, Anh tăng cường hợp tác song phương
Từ ngày 23-25/8/2018, ông Mark Field, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Anh đã sang thăm và làm việc tại Lào. Ngày 24/8, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleuxay Kommasith đã tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Mark Field đến chào xã giao. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Lào hoan nghênh chuyến thăm, làm việc tại Lào lần nay của ông Mark Field cùng đoàn, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Lào-Anh ngày càng phát triển.
Sau khi hai nước Lào-Anh thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995 đến nay, Anh đã giúp đỡ Lào trong khuôn khổ song phương và đa phương như: về y tế thông qua tổ chức Welcom Oxford University giúp lắp đặt trang thiết bị trị giá 1,3 triệu USD và nghiên cứu bệnh cho Bệnh viện Mahosot trị giá 4 triệu USD; 05 học bổng giáo dục thông qua chương trình Chevening trong năm 2017; dự án rà phá bom mìn chưa nổ thông qua tổ chức MAG và tổ chức HALO TRUST trị giá 5 triệu USD. (Vientiane Times, 27/8/2018)
Lào – Pháp
Lào – Pháp tiếp tục hợp tác giáo dục
Lào sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Pháp nhằm phát triển hơn nữa lĩnh vực giáo dục với trọng tâm là dậy và học tiếng Pháp tại các học viện của Lào. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Sengdeuane Lachanthaboun, đây là một trong những vấn đề chính được đưa ra thảo luận trong buổi chia tay Đại sứ Pháp tại Lào Claudine Ledoux, tại đó hai bên đã thảo luận nhiều về việc hợp tác trong thời gian tới giữa Lào và Pháp về giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo giáo viên tiếng Pháp để tăng cường tiếng Pháp tại Lào. Chính phủ Pháp đã hỗ trợ lĩnh vực giáo dục thông qua nhiều chương trình trong nhiều năm như hỗ trợ giáo viên tiếng Pháp của Lào mở rộng kiến thức, kinh nghiệm, cấp học bổng cho quan chức Lào và thanh niên Lào sang học tại Pháp. Pháp cũng cung cấp chuyên gia đến đào tạo cho quan chức Lào và cấp các thiết bị, cơ sở để hỗ trợ việc giảng dậy tiếng Pháp.
Trong những năm qua, Chính phủ Pháp đã hỗ trợ Chính phủ Lào trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, phát triển nông thôn và phát triển văn hóa-xã hội, quản lý, giáo dục, y tế… nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 31/7/1951, quan hệ chặt chẽ giữa hai nước tiếp tục đơm hoa kết trái trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục và y tế. Trong hơn 10 năm gần đây, Chính phủ Pháp đã hỗ trợ đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội dân sự, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tư pháp và giáo dục. Pháp hỗ trợ hệ thống giáo dục của Lào thông qua mạng lưới các lớp song ngữ (13 học viện ở 4 tỉnh/thành lớn của Lào) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Pháp của ĐSQ Pháp và SCAC. Ngoài ra, nhiều tổ chức phi chính phủ như các trường đại học với 15 dự án và các tổ chức và cá nhân, đã có các họat động hợp tác trong vài năm gần đây với các cơ quan giáo dục của Lào. Theo Đại sứ Pháp, thanh niên Lào được hưởng các chương trình học bổng của Chính phủ Pháp, hiên nay có 20 thanh niên đang theo học tại Pháp.
Trọng tâm hợp tác trong năm tới giữa hai nước sẽ là nông nghiệp và phát triển nông thôn. Pháp sẽ vẫn duy trì vai trò của mình trong lĩnh vực này, trọng tâm là bảo vệ đa dạng sinh học, di sản và văn hóa. Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển đô thị liên quan đến di sản, trong đó có việc nâng cấp Luang Prabang. Pháp hợp tác rất tích cực trong hơn 20 năm qua tại các tỉnh Champasak và Savannakhet. (Vientiane Times 27/8/2018)
Lào – Mỹ
Các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư, thương mại tại Lào
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Lào, lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã gặp gỡ các thành viên Chính phủ Lào trong chuyến thăm Lào từ 23-24/8/2018 của Phái đoàn Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) nhằm thảo luận các phương cách để mở rộng thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Lào.
USABC là nhóm tư vấn hàng đầu nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quan hệ thương mại hai bên cùng có lợi giữa Mỹ và các nước ASEAN. Đến thời điểm hiện nay, đây là phái đoàn USABC lớn nhất đến thăm Lào, bao gồm đại diện khu vực từ 10 tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Microsoft, Coca Cola, Google, Visa và Mastercard. Trong khuôn khổ chuyến thăm, phái đoàn USABC đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith, hội đàm với các quan chức cấp cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Công Thương và Ngân hàng TW Lào.
Phát biểu tại buổi tiệc chiêu đãi chính thức tại nhà riêng, Đại sứ Mỹ tại Lào Rena Bitter nhấn mạnh: “quy mô của phái đoàn cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ trong việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Lào. Chúng tôi thừa nhận những bước quan trọng Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Chính phủ Lào đã tiến hành để cải thiện môi trường kinh doanh, làm cho Lào trở thành một nước hấp dẫn hơn để kinh doanh”. Trong các cuộc hội đàm với các cơ quan thuộc Chính phủ Lào, USABC đã xúc tiến giá trị về Trách nhiệm Xã hội của các doanh nghiệp Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ không những chỉ đầu tư vào đất nước, mà còn đầu tư vào con người và cộng đồng. (Vientiane Times,28/8/2018)
Lào – Canada
Bộ Năng lượng và Mỏ và Tập đoàn EXP Canada ký MOU hợp tác kỹ thuật song phương
Ngày 01/8/2018, tại Viêng Chăn, MOU đã được ký kết giữa Phó Vụ trưởng Kế hoạch và Hợp tác, Bộ Năng lượng và Mỏ Khotamy Chanthamalinh và Giám đốc Tập đoàn Dịch vụ Quốc tế EXP Mathieu Pravongviengkham.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ, dự án hợp tác bao gồm xây dựng kế hoạch kỹ thuật, nghiên cứu hệ thống năng lượng của Lào; bao gồm kết nối với các nước láng giềng; nghiên cứu hệ thống ứng dụng các nguồn năng lượng thay thế; hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cán bộ Lào. Dự án kỳ vọng sẽ nâng cấp tiêu chuẩn và hiện đại hóa hệ thống điện ở Lào.
Ông Mathieu cho biết, EXP đã có 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng và có đội ngũ cán bộ trên 3.600 người. Tập đoàn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho ngành năng lượng của Lào. Cùng với các đối tác khác, EXP sẽ hỗ trợ các chuyên gia của Lào có được kỹ năng và trình độ cao đáp ứng yêu cầu của ngành năng lượng ở Lào. Với việc ký kết MOU, EXP cam kết sẽ hỗ trợ Lào vì hợp tác lâu dài phát triển ngành năng lượng và thịnh vượng của Lào. (Vientiane Times,02/8/2018)
Lào – Hợp tác khu vực
Lào kỷ niệm Ngày ASEAN và gia nhập khối
Ngày 10/8/2018, Lào tổ chức kỷ niệm 51 năm ngày thành lập ASEAN và 21 năm ngày đất nước gia nhập ASEAN với lễ thượng cờ tại Bộ Ngoại giao.
Tham dự buổi lễ có các Bộ trưởng phụ trách 03 mảng theo trụ cột của ASEAN, các Thứ trưởng, Đại sứ của các nước thành viên ASEAN và các Đối tác Đối thoại của Lào và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith nhấn mạnh những thành tựu của ASEAN trong hơn nửa thế kỷ bất chấp một số hạn chế và thách thức. Khu vực ASEAN và nhân dân trong khối được hưởng hòa bình và ổn định, cũng như những kết quả của sự tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên và với các nước bạn bè, đặc biệt là với các Đối tác Đối thoại. “ASEAN ngày nay là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, hướng ngoại và có phương pháp trong một cấu trúc cởi mở, bao trùm mà ASEAN là trung tâm. Lào tự hào là một thành viên của gia đình ASEAN, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ và hợp tác của các nước thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN, Lào đã hoàn thành những cam kết và nghĩa vụ của mình với tư cách là một nước thành viên trong hơn hai thập kỷ vừa qua”.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Saleumxay cũng đã bày tỏ sự cám ơn về sự giúp đỡ quý báu, hỗ trợ kịp thời và những nỗ lực cứu viện của các nước thành viên ASEAN, Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo và Quản lý Thiên tai ASEAN (Trung tâm AHA), các đối tác đối thoại của ASEAN, các nước bạn bè và các tổ chức quốc tế đã dành cho Lào để giải quyết hậu quả lũ lụt gây ra bởi sự cố vỡ đập tại nhà máy thủy điện Xe-Pien Xe-Namnoy, tỉnh Attapeu. (Vientiane Times,10/8/2018)
Lào nhấn mạnh việc rút ngắn khoảng cách phát triển tại hội nghị ASEAN
Ngày 02/8/2018, phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 51 tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith nhấn mạnh sự cần thiết về nâng cao năng lực của các thành viên ASEAN mới thông qua việc thực hiện kế hoạch khu vực nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển.
Theo Bộ trưởng Saleumxay, sự hỗ trợ lẫn nhau của tất cả các nước thành viên có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong việc tăng cường phát triển của các nước thành viên mới để đưa trình độ phát triển của họ lên ngang hàng với các nước thành viên cũ. Sự hỗ trợ đối với các nước thành viên mới để họ đạt được các mục tiêu Tầm nhìn ASEAN 2025 cũng có ý nghĩa quan trọng. Bộ trưởng Saleumxay kêu gọi Ban Thư ký ASEAN đánh giá tiến độ rút ngắn khoảng cách phát triển trong nội khối.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận những nỗ lực liên tục của ASEAN trong việc xây dựng khu vực có khả năng chống chịu và sáng tạo, xem xét tiến độ tăng cường Cộng đồng ASEAN thông qua các hoạt động hợp tác. Các hoạt động này bao gồm thực hiện những ưu tiên trong thời gian Singapore đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, đồng thời với việc bổ sung lẫn nhau giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và Chương trình nghị sự về Phát triển Bền vững của LHQ.
Các Bộ trưởng cũng đã thảo luận việc tăng cường hợp tác ASEAN và tiến độ xúc tiến bảo vệ nhân quyền nội khối ASEAN trong khuôn khổ Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền; trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm như khủng bố, buôn bán trái phép ma túy, thiên tai, tình hình bán đảo Triều Tiên và biển Đông. Hội nghị cũng đã nghe tình hình thực hiện Quy tắc Ứng xử của các bên tại biển Đông. Bộ trưởng Saleumxay đã tham dự lễ ký kết văn kiện chấp thuận Achentina và Iran gia nhập Hiệp ước Hòa bình và Hợp tác tại Đông Nam Á. (Vientiane Times,06/8/2018)
Diễn đàn CLMVT 2018, Bangkok, Thái Lan
Ngày 16-17/8/2018, tại Bangkok, Thái Lan, đã diễn ra Diễn đàn CLMVT 2018 với sự tham dự của đại biểu là các Bộ trưởng, Thứ trưởng, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch đến từ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan, tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại trong khu vực. Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Lào Hounphan Intharath cùng đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nghiệp trẻ, các nhà hoạch định chính sách và các học viện lớn của Lào tham dự diễn đàn.
Bộ Thương mại Thái Lan, phối hợp với các tổ chức đối tác, chủ trì Diễn đàn CLVMT 2018 với tiêu đề “Cất cánh thông qua công nghệ”, mục đích chính là tăng cường chia sẻ thịnh vượng phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững và xây dựng mạng lưới khu vực. Diễn đàn nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ kinh tế của khu vực CLMVT và thúc đẩy hợp tác khu vực trong bối cảnh nhiều thách thức của thương mại toàn cầu hiện nay, với trọng tâm là sử dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế toàn diện và bền vững.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, các phát biểu chính và nội dung thảo luận của diễn đàn tập trung vào những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu là kết quả của quá trình công nghệ, thảo luận về hệ thống thương mại kỹ thuật số và các cơ hội của khu vực CLVMT trong thương mại và đầu tư thông qua nền tảng kỹ thuật số, trao đổi giữa các Bộ trưởng CLMVT và Phòng Thương mại, và buổi giao lưu kết nối. Diễn đàn 2 ngày cũng có một phiên họp thảo luận với các chuyên gia và 1 cuộc triển lãm của các công ty startup.
Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Tướng Prayut Chan-o-cha cho biết, ông tin tưởng rằng nguyên tắc “Cùng nhau mạnh hơn” vì lợi ích chung, tôn trọng lẫn nhau và cùng thắng (win-win) và cho biết, cạnh tranh tích cực và hợp tác hoàn toàn mang lại kết quả tốt đẹp cho người dân chúng ta. Ông cũng cho biết, khu vực tư nhân và giới học giả sẽ là những nhân tố đóng vai trò quan trọng, là những người chèo lái sáng tạo và chủ nghĩa thương mại, thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác liên quan. Kỹ thuật số cần phải được thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh nhằm kinh doanh hiệu quả khi cung ứng những giá trị cho người tiêu dùng thông qua chuỗi giá trị. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong cho biết, thời đại kỹ thuật số là nơi thương mại ngày càng được tiến hành thông qua công cụ số đem lại sự thay đổi kinh ngạc mà khu vực CLVMT cần phải thích ứng. Ông nói thêm, khi kinh tế thế giới trở nên ngày càng không ổn định, phức tạp và gắn chặt với công nghệ mới, điều quan trọng đối với khu vực CLMVT là phải phát triển cùng nhau và tiến tới giúp khu vực có thể chịu được những cú sốc, kích thích nền kinh tế cất cánh. (Vientiane Times, 17/8/2018)
Hội chợ ASEAN 2018 sẽ được tổ chức tại Savanakhet
Ngày 13/8/2018, theo thông tin được công bố tại cuộc họp báo, Hội chợ ASEAN 2018 nhằm mục đích xúc tiến đầu tư và thương mại trong lĩnh vực máy móc nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm – đồ uống, hàng tiêu dùng, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm sẽ được tổ chức tại Savan ITECC, tỉnh Savannakhet từ 20-23/9/2018.
Theo ban tổ chức, hội chợ sẽ có 222 gian trưng bày cho các công ty và nhãn hàng từ Lào, Thái Lan và các nước ASEAN khác trưng bày hàng hóa. Điểm nhấn của triển lãm sẽ có hội thảo, thi sáng tạo ASEAN, thi ẩm thực ASEAN, kết nối doanh nghiệp và biểu diễn từ thiện. Hàng ngày có tổ chức rút thăm may mắn, ngày đầu tiên sẽ tổ chức trình diễn thời trang Lào.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) Chanthachone Vongxay cho biết, Hội chợ và triển lãm nhằm tăng cường hợp tác giữa Lào và các nước ASEAN, hỗ trợ các doanh nhân tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời thu hút đầu tư và du lịch vào Lào. Hội chợ do LNCCI và Công ty TENSHO Ltd của Thái Lan đồng tổ chức. Đây là lần thứ hai hội chợ được tổ chức ở tỉnh Savannakhet sau thành công của hội chợ lần thức nhất năm 2017. Năm ngoái, có trên 8.400 người tham quan hội chợ, giá trị trao đổi hàng hóa đạt 950.000 triệu Baht. Ban tổ chức kỳ vọng số khách tham quan năm nay sẽ tăng 20%. (Vientiane Times,15/8/2018)
Lào, Campuchia, Trung Quốc hợp tác về truyền hình kỹ thuật số
Lào, Campuchia cam kết kết tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong việc thúc đẩy việc chuyển đổi từ truyền hình truyền thống sang hệ thống phát sóng số đa phương tiện (DTMB).
Phát biểu tại Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh Truyền hình kỹ thuật số (DTV) quốc tế tại thủ đô Viêng Chăn, ngày 28/8/2018, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Savankhone Razmountry cho biết, Lào đang nỗ lực chuyển từ hệ thống truyền hình truyền thống sang DTMB vào năm 2020. DTMB cho phép các dịch vụ bổ sung sử dụng hệ thống phát sóng truyền hình mới và tương thích với truyền hình cố định (trong nhà và ngoài trời) và truyền hình số mặt đất di động. Đài Truyền hình quốc gia Lào gia nhập Công ty truyền hình kỹ thuật số Vân Nam của Trung Quốc để thành lập TV kỹ thuật số của Lào năm 2008 và dịch vụ này đã trở nên phổ biến kể từ khi thành lập.
Thứ trưởng Savankhone cho biết, Bộ này đang thiết lập các mạng lưới phát thanh và truyền hình trên toàn quốc để sử dụng hệ thống DTMB.
Chủ tịch Phòng thí nghiệm kỹ thuật quốc gia về truyền hình kỹ thuật số (Bắc Kinh) Yang Zhixing cho biết, việc chuyển từ hệ thống truyền hình truyền thống sang DTMB là quan trọng đối với người dân nông thôn khi họ có thể tiếp cận hệ thống hiện đại hơn, đồng thời cũng giúp tăng trưởng kinh doanh truyền hình. Ông Yang cho biết sự hợp tác giữa Trung Quốc và Lào trong phát triển truyền hình kỹ thuật số đã dẫn đến việc lắp đặt mạng DTMB tại các tỉnh Savannakhet, Champasak và Luang Prabang. Với thế kỷ 21 là kỷ nguyên mới của công nghệ thông tin và số hóa, hệ thống DTMB là một tiến bộ lớn trong phát sóng trên mặt đất so với trước đây, công nghệ DTV của Trung Quốc sử dụng hệ thống DTMB sẽ giúp Lào và Campuchia cung cấp cho người xem một loạt các dịch vụ toàn diện. (KPL, Xinhua, 31/8/2018)
Lào – UNDP
Chính phủ, đối tác phát triển đánh giá triển khai kế hoạch phát triển quốc gia
Tại Viêng Chăn, Hội nghị Kiểm điểm giữa kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 8 (NSEDP-8) đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ KHĐT Lào Phonevanh Outhavong và Phó Đại diện thường trú UNDP tại Lào Balasubranmaniam Murali. Tại hội nghị, các quan chức Chính phủ và các đối tác phát triển của Lào đã thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội quốc gia lần thứ 8 (NSEDP 2016-2020), đặc biệt là tiến độ, khó khăn, thách thức trong việc thực hiện và chuẩn bị cho NSEDP 9 giai đoạn 2021-2025 với sự tham dự của hơn 100 đại biểu. Các đại biểu được nghe về tiến độ NSEDP hiện đang triển khai với các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, và các ưu tiêu trước mắt.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đưa Lào thoát ra khỏi tình trạng Nước Kém phát triển (LDC) vào năm 2020, kế hoạch tổ chức lại và lồng ghép Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) và Tăng trưởng Xanh liên quan tới các chỉ số, việc kiểm soát và tiêu chí đánh giá. Quá trình chuẩn bị kiểm điểm giữa kỳ được bắt đầu từ đầu năm 2018 thông qua một loạt các cuộc họp tham vấn với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, trong đó làm rõ, tóm tắt việc triển khai kế hoạch trong 2 năm rưỡi đầu tiên. Qua đó, nhất trí rằng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian qua, với tỷ trọng tăng trưởng công nghiệp cao nhất và vượt chỉ tiêu so với nông nghiệp và dịch vụ. Lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất so với các ngành khác nhưng mức sản xuất thì vẫn còn hạn chế. Việc tạo công ăn việc làm trong các ngành, ngay cả lĩnh vực dịch vụ là ngành có gia tăng về lao động vẫn còn hạn chế.
Có tiến triển đáng kể trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, công tác rà phá bom mìn chưa nổ (UXO), dinh dưỡng và cải thiện chất lượng giáo dục ở mọi cấp và công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Về lĩnh vực môi trường, kết quả là xây dựng được một số chính sách và văn bản pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường, cùng với việc thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững theo sáng kiến tăng trưởng xanh. Có tiến bộ quan trọng theo chỉ thị 3 Xây, nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ thông qua việc nhiều phụ nữ là đại biểu Quốc hội so với các nước trong khu vực. Các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ gia tăng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức để có thể đạt mục tiêu của Kế hoạch trong thời gian còn lại.
Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc chuẩn bị báo cáo Kiểm điểm giữa kỳ và kế hoạch tham gia nhằm có được sự đồng thuận và chuẩn bị nội dung đầy đủ của báo cáo. Sau khi được hoàn chỉnh, báo cáo sẽ được đưa ra xem xét và thông qua tại cuộc họp của Chính phủ và kỳ họp của Quốc hội. (Vientiane Times, 23/8/2018)
Lào – ADB
ADB xúc tiến kinh doanh nông nghiệp thông minh ở Lào
Ngày 01/8/2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố đã phê duyệt một khoản viện trợ không hoàn lại lớn trị giá 40,5 triệu USD để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp ở Lào nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và thông minh về môi trường.
Theo Chuyên gia Chính về Biến đổi Khí hậu khu vực Đông Nam Á của ADB Srinivasan Ancha, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Lào nhưng ngành này rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu làm cho triển vọng phát triển và an ninh lương thực nước này bị rủi ro. Khoản hỗ trợ của ADB sẽ giúp ngành nông nghiệp Lào phát triển thương mại hóa hơn, bền vững hơn, có khả năng chống chịu môi trường và tăng cường triển vọng tăng trưởng của đất nước.
Theo thông cáo báo chí, nền kinh tế Lào vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ngành nông nghiệp, chiếm 65% lực lượng lao động của đất nước. Tuy nhiên, đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP đã sụt giảm từ 32,7% GDP năm 2010 xuống còn 19,8% năm 2016. Ngành nông nghiệp bị đe dọa bởi lũ lụt và hạn hạn ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, nhiệt độ ở Lào dự báo sẽ tăng thêm 2-30c và lượng mưa sẽ tăng thêm khoảng 10% vào năm 2050.
Dự án Chuỗi giá trị Gia tăng Ngành Kinh doanh Nông nghiệp thân thiện với môi trường sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu khí hậu của cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Các hoạt động của dự án sẽ bao gồm nâng cấp đường sá nông thôn, hệ thống thủy lợi quy mô nhỏ; phát triển các cơ sở vật chất nghiên cứu cây trồng, kiểm nghiệm chất lượng và an toàn thực phẩm và cơ sở hạ tầng sau thu hoạch. (Vientiane Times,02/8/2018)
BẠN CẦN BIẾT |
Cơ quan chức năng đóng cửa các cửa hàng bán SP động vật hoang dã ở Tam giác vàng
Theo Tổ chức Thiên nhiên Hoang dã Lào (WWF), ngày 03/8/2018, trong một đợt kiểm tra đột xuất 04 cửa hàng do Trung Quốc sở hữu tại Đặc khu Kinh tế ở huyện Tôn Phợng, tỉnh Bokeo đã bị đóng cửa khi phát hiện bán động vật hoang dã và các sản phẩm trang trí làm từ các loại động vật được bảo vệ.
Mạng lưới Thi hành Luật Thiên nhiên Hoang dã (P-Wen), Sở Kiểm Lâm tỉnh Bokeo đã đóng cửa và tịch gần 400 hiện vật bao gồm vòng cổ, vòng tay, sừng, răng và dây chuyền làm từ các các loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Địa bàn này nổi tiếng như một trung tâm buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã ở khu Tam giác Vàng, nơi tiếp giáp ba nước Lào, Myanmar và Thái Lan. Ở đây có nhiều chợ bán các loại động vật và các sản phẩm có nguy cơ tuyệt chủng như hổ, voi, tê tê và gấu. Việc mua bán thường được tiến hành ở các cửa hàng, chợ, nhà hàng và sòng bạc. P-WEN đã ra lệnh cho các chủ cửa hàng đóng cửa và ký biên bản và cam kết không buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã. Hiện vật tịch thu được bảo quản tại Sở Kiểm lâm tỉnh chờ quyết định xử lý của Tỉnh trưởng và Sở Kiểm Lâm.
Đây là nỗ lực nhằm thực hiện Sắc lệnh của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường sự Quản lý và Thanh tra nhằm Bảo vệ Động – thực vật hoang dã. (Vientiane Times,07/8/2018)
Khánh thành nhà ga mới của sân bay Wattay
Nhà ga mở rộng của sân bay quốc tế Wattay do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đang được hoàn thành sau 32 tháng thi công. Lễ bàn giao nhà ga mới diễn ra tại sân bay quốc tế Wattay ngày 9/8/2018 với sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Duangdy, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Bounchanh Sinthavong, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane và các khách mời.
Dự án mở rộng sân bay quốc tế Viêng Chăn được bắt đầu tháng 12/2015, với phạm vi là khoảng 13.500 m2, làm mới khoảng 3.300 m2, xây dựng nhà ga nội địa khoảng 7.200 m2, xây dựng cơ sở tạm thời tại nhà ga nội địa khoảng 1.000 m2 và xây dựng khoảng 500 m2 khu sửa chữa, nâng cấp tuyến đường ra dành cho taxi và các khu vực dành cho hành khách như bãi đỗ xe, đường đi. Hệ thống hoạt động và an toàn của sân bay cũng được hoàn thiện. Dự án mở rộng còn bao gồm việc lắp đặt hệ thống điện nước, hệ thống xử lý chất thải. Dự án được triển khai để đáp ứng số lượng hành khách ngày càng tăng tại sân bay. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cấp vốn vay là 9,017 tỷ Yên năm 2014 theo chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức Nhật Bản và hỗ trợ hoạt động của dự án.
Theo nguồn tin trong lễ bàn giao, năm 2014 sân bay quốc tế Wattay có 690.000 khách quốc tế và 300.000 khách nội địa, nhưng đến 2023, dự kiến sân bay sẽ có khoảng 1.510.000 khách quốc tế và 460.000 khách nội địa.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bounchanh cho biết, số lượng hành khách có thể tăng lên 3 triệu vào năm 2028, khi đó có khoảng 700 hành khách mỗi giờ cao điểm. Ông đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản dành cho Lào trong lĩnh vực hàng không dân dụng, trong đó có cả việc xây dựng trung tâm điều hành bay năm 1996, xây dựng nhà ga quốc tế năm 1999, và việc mở rộng bãi đỗ xe năm 2012. Bộ trưởng cho biết, tất cả các dự án này đều được hoàn thành với hiệu quả cao. Theo Tổng cục hàng không dân dụng, sân bay có 2,1 triệu lượt khách mỗi năm, trong đó 1,3 triệu là khách quốc tế.
Hoạt động và quản lý hàng ngày của sân bay sẽ được thực hiện thông qua quan hệ đối tác công – tư giữa JALUX Inc. và Tập đoàn Toyota Tsusho. Dưới sự quản lý của công ty tư nhân của Nhật, sân bay quốc tế Wattay dự kiến sẽ cung cấp cho hành khách những dịch vụ chất lượng cao. Cùng ngày cũng đã diễn ra lễ ký hợp đồng mở rộng hoạt động sân bay giữa hai công ty Nhật Bản và Cục hàng không Lào. (Vientiane Times, 10/8/2018)
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO Chủ biên: Nguyễn Thanh Tùng Ban Biên tập: Nguyễn Đình Bá, Vũ Văn Hòa, Trần Thanh Hải, Dương Thị Kim Nụ, Nguyễn Hữu Hà. |