Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập ASEAN – Thách thức và cơ hội

0
1895
TS. Lưu Bích Hồ

“Để hội nhập, hợp tác phát triển tốt hơn trong ASEAN cũng như trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần ứng dụng hiệu quả những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Có nghĩa là, phải tận dụng được những thành tựu gì mà chúng ta có thể làm được chứ không phải là tất cả mọi thành tựu của nó. CMCN 4.0 cần phải thực tế chứ không phải xa vời, đỉnh cao ở đâu”. Đó là ý kiến của TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chuyên gia kinh tế khi trao đổi với phóng viên về khó khăn, thách thức, cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường ASEAN đầy tiềm năng.

Xin giới thiệu tới độc giả cuộc phỏng vấn với TS. Lưu Bích Hồ xoay quanh chủ đề Doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) hội nhập thị trường ASEAN – thách thức và cơ hội.

Thưa TS. Lưu Bích Hồ, hiện ASEAN đã trở thành đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, ai cũng nhận thấy, còn rất nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt khi gia nhập thị trường này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi thấy, khó khăn lớn nhất của DNVN là cơ cấu kinh tế của Việt Nam so với các nước ASEAN nói chung khá tương đồng. Điều đó khiến thị trường Việt Nam không có gì thực sự hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực mà cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lại quyết liệt hơn.

Chúng ta có các sản phẩm nông nghiệp nhưng trong khu vực thì những sản phẩm này của Thái Lan rất phát triển. Vậy chúng ta phải tìm cách cạnh tranh như thế nào? Hay các mặt hàng tiêu dùng như dệt may, da giày thì Thái Lan cũng rất có thế mạnh về xuất khẩu trong khi với Việt Nam thì đây là hai mặt hàng chủ lực.

Để xuất khẩu vào được thị trường ASEAN, các DNVN cần tìm ra cái mới, những mặt hàng có lợi thế. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi, tại sao thị trường ASEAN chưa chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu của Việt Nam so với các thị trường khác như Mỹ, EU hay Trung Quốc? Ngoài ra, theo tôi thì còn nhiều khó khăn và thách thức khác nữa với DNVN.

Nhìn về mặt tích cực, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới nên Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhất là từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập năm 2015. Theo ông, các DNVN cần làm gì để tận dụng lợi thế mà ASEAN mang lại?

Điều quan trọng nhất là sự kết nối. Kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, kết nối giữa các DNVN với doanh nghiệp các nước khác, kết nối giữa doanh nghiệp với chính phủ. Về mặt thể chế chính trị, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều. Về kinh tế thì cần phải kết nối nhiều hơn.

Trong khu vực ASEAN, có một thực tế hiện nay là, sự kết nối nội khối giữa các nước với nhau thì chưa mạnh nhưng sự kết nối giữa một nước ASEAN với các nước khác ngoài khối thì lại rất mạnh. Các nước ASEAN đều như vậy chứ không riêng gì Việt Nam.

Ông có nói đến vai trò của kết nối. Hiện nay, người ta đang nói nhiều đến cuộc CMCN 4.0 với từ khóa quan trọng nhất cũng là “kết nối”. Vậy cộng đồng DNVN nên tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại như thế nào?

Đây là một cuộc cách mạng vừa phổ biến nhưng vừa có những tầng tầng, lớp lớp trình độ khác nhau, những khu vực khác nhau, không phải ai cũng làm được như nhau.

Chúng ta đang ở trình độ còn thấp. CMCN đối với chúng ta là gì? Là phải tận dụng được những thành tựu gì mà chúng ta có thể làm được chứ không phải là tất cả mọi thành tựu của nó. Tôi lưu ý, nước ta có hai vấn đề cần quan tâm. Đó là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Công nghệ thông tin có đỉnh cao của nó nhưng cũng có mức trung bình và dưới trung bình. Một cách thực tế nhất, chúng ta đang ở mức dưới trung bình và trung bình. Hãy làm được những việc mà có thể làm được ngay chứ đừng vội lên cao, cái gì tranh thủ được ngay thì cần làm. Ví dụ như hiện nay, trong ngành công nghiệp phần mềm, chúng ta gia công là chính chứ chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng. Vậy thì, hãy cứ bằng lòng với việc gia công đi, để tạo ra nhiều giá trị đi, đừng “nhảy” vào lĩnh vực tự thiết kế chế tạo để có giá trị cao hơn nhưng cũng khó hơn và khả năng thất bại cao hơn.

Vấn đề thứ hai là công nghệ sinh học. Chúng ta đang tập trung cho nông nghiệp nên cùng với công nghệ thông tin thì công nghệ sinh học cần được quan tâm ưu tiên hàng đầu. Công nghệ sinh học chính là tập trung vào giống, vào quá trình sản xuất. Hiện sản phẩm nông sản của chúng ta không phải ít nhưng vấn đề chính là chất lượng thì chúng ta chưa đảm bảo được. Đi đôi với chất lượng đó là năng suất lao động. Hai thứ đó chúng ta đều làm chưa tốt.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải thực tế như thế chứ không cần phải xa vời, đỉnh cao ở đâu.

Ông cũng có nói tới việc hiện liên kết nội khối ASEAN chưa mạnh nhưng liên kết giữa từng nước ASEAN với các đối tác ngoại khối thì lại rất mạnh. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Cơ cấu kinh tế tương đồng nên giữa các nước nội khối không có nhu cầu ở nhau nhiều và cũng chưa nhìn thấy lợi ích nhiều khi hợp tác với nhau. Điều này khác hẳn với việc Việt Nam xuất khẩu sang EU, Mỹ, những nơi họ cần nông sản, cần hàng dệt may, da dày. Còn hiện trong khối, nông sản ở các nước rất phong phú và có tiềm năng. Cái người ta cần là chất lượng rất cao. Các nước nội khối cần thiết bị máy móc. Điều đó chúng ta không có.

Điều đó khiến các nước ASEAN đều hướng ra ngoại khối nhiều hơn nội khối. Nhưng, như người ta đã phân tích, giữa các nước ASEAN còn nhiều tiềm năng nên cần thiết bổ trợ cho nhau, kết nối cho nhau để tìm ra xem cái gì có thể cùng bắt tay nhau vào chuỗi ASEAN.

Theo ông, ngoài nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp thì Chính phủ cần giải pháp cụ thể gì trong thời gian tới để giúp cho DNVN hội nhập sâu rộng hơn nữa vào khu vực ASEAN?

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Chính phủ kiến tạo. Đó là một hướng đi rất đúng đắn. Nhưng cần ưu tiên kiến tạo gì? Kiến tạo môi trường đầu tư trong nước để cải cách tốt hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho kinh doanh đầu tư, điều đó là đóng vai trò quyết định, quyết định cả năng lực cạnh tranh.

Thứ hai là Chính phủ hỗ trợ thêm về nhiều mặt như tổ chức thông tin thị trường thông qua các Bộ, Ban, ngành, tận dụng những cơ hội hợp tác để “dẫn dắt” doanh nghiệp đi kết nối mà trên hết là cần tạo ra môi trường thể chế. Môi trường này phải phù hợp với xu thế hội nhập ASEAN.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Trần Liễu (thực hiện)

Năm 2017 là năm đánh dấu tròn 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN (8/8/1967 – 8/8/2017). Trong xu thế các thỏa thuận thương mại đa phương khu vực đang có dấu hiệu chững lại, việc nắm rõ tình hình của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nói riêng và khối ASEAN nói chung sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) nhận ra điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực, từ đó hướng ra thị trường toàn cầu.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here