Chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Obama (phần 1)

0
1197

Tóm tắt: Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ đã thực thi một chính sách thương mại mạnh mẽ và cạnh tranh hơn đối với Trung Quốc, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ sang Trung Quốc, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần ổn định nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính. Chính sách này đã có tác động tới quan hệ thương mại Mỹ – Trung, cũng như có ảnh hưởng nhất định tới khu vực, trong đó có Việt Nam. Để làm rõ chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Obama, bài viết sẽ tập trung phân tích và đánh giá: 1) những nhân tố tác động tới chính sách thương mại của Chính quyền Obama đối với Trung Quốc; 2) chính sách thương mại của Chính quyền Obama đối với Trung Quốc; và cuối cùng là 3) đánh giá kết quả và tác động của chính sách này.

I. Những nhân tố tác động tới chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Obama.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, sức mạnh kinh tế cùa Mỹ suy giảm một cách tương đối, trong khi đó Trung Quốc tiếp tục có những bước phát triển inh tế ổn định, vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới làm suy giảm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ đối với thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ tham vọng chính trị của mình thông qua các sáng kiến kinh tế như: “Một vành đai, Một con đường”, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu A (AIIB) khiến Mỹ phải tiến hành những điều chỉnh chiến lược đối với Trung Quốc, trong đó có các điều chỉnh liên quan đến thương mại. Cụ thể, Tổng thống Obama đã thực hiện chiến lược Tái cân bằng về Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược này, giúp gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, và giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc định hướng chiến lược phát triển kinh tế của mình từ mô hình phát triển kinh tế dựa trên xuất khẩu sang mô hình dựa vào tiêu dùng trong nước, và tiếp tục duy trì hàng rào phi thuế quan đối với các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đã gây nhiều bất lợi cho phía Mỹ trog việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Trong khi đó, sau khủng hoảng tài chính kinh tế, nhu cầu tiêu dùng trong nước Mỹ vẫn khá thấp, khiến nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi kém ổn định, do vậy Chính phủ Mỹ đã phải thực thi các chính sách thương mại thiết thực hơn nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ra thị trường nước ngoài, trong đó Trung Quốc là một thị trường quan trọng.

Việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp này được hưởng những lợi thế canh trạnh không bình đẳng so với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ. Rồi vấn nạn ăn cắp bản quyền, tấn công mạng và ăn cắp bí mật thương mại đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ. Đồng nhân dân tệ bị phá giá cũng đã làm tăng chi phí nhập khẩu của Mỹ và tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Thêm vào đó, hành vi thiếu hợp tác của Trung Quốc trong đàm phán thương mại đa phương quan trọng như Hiệp định công nghệ thông tin cũng đã cản trở các chương trình nghị sự thương mại của Mỹ.

Như vậy, từ quan điểm của phía Mỹ, căng thẳng và va chạm thương mại với Trung Quốc bắt nguồn từ việc Trung Quốc tiếp tục duy trì (hoặc gần đây áp đặt) một số chính sách có xu hướng bóp méo thương mại như thực thi tương đối không hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm các nghĩa vụ của WTO; các chính sách công nghiệp có tính chất phân biệt đối xử; (như hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp nhà nước và lập các rào cản thương mại đầu tư) nhằm phát triển và bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước; các chính sách can thiệp tác động đến giá trị đồng Nhân dân tệ. Các chính sách này khiến các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Có thể cho rằng, với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng quyết liệt, rồi những điều chỉnh chính sách kinh tế thương mại của Mỹ và Trung Quốc, cũng như những lợi ích và bất đồng trong quan hệ với Trung Quốc là những nhân tố chính tác động tới điều chỉnh chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.

II. Chính sách thương mại của Chính quyền Obama đối với Trung Quốc

Nghiên cứu về chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc là một vấn đề phức tạp, không chỉ liên quan đến các vấn đề mang tính kinh tế đơn thuần, mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như chiến lược, chính trị, ngoại giao,… Chính vì vậy, để nghiên cứu chính sách này bài viết không chỉ xem xét trong phạm vi chính sách thương mại song phương Mỹ – Trung, mà còn xem xét cả trong phạm vi mang tính chiến lược, và trong thương mại đa phương của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương (cụ thể là TPP). Xét về mặt chiến lược, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc nằm trong chiến lược tổng thể của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo quan điểm của Mỹ, Trung Quốc là một thị trường hết sức quan trọng đối với Mỹ, tuy nhiên Trung Quốc lại là một đối thủ cạnh tranh cả về kinh tế và chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương; do vậy, Chính quyền Obama thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai chiến lược tái cân bằng về châu Á – Thái Bình Dương, trong đó thúc đẩy thương mại với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thông qua TPP, nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại với Trung Quốc, cũng như giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Việc thúc đẩy mở cửa thị trường Trung Quốc cho các dòng hàng hóa, dịch vụ, và đầu tư là xu thế chính trong chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.

Mục tiêu và nội dung chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Obama

Mục tiêu chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Obama là: i) Thúc đẩy Trung Quốc mở cửa thị trường một cách bình đẳng hơn cho các dòng hàng hóa, dịch vụ, và đầu tư của Mỹ; ii) Kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có các ảnh hưởng về kinh tế và thương mại.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính quyền Obama đã tăng cường sử dụng các biện pháp thương mại đơn phương, song phương và đa phương mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. Cụ thể:

1) Áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc, sử dụng các luật phòng vệ thương mại (như chống bán phá giá và chống trợ cấp) để giải quyết thực tiễn thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Bộ Thương mại và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) Mỹ hiện đã thực thi 332 lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với hàng Trung Quốc, với gần nửa trong số đó (149 lệnh) là đối với sản phẩm thép. Các biện pháp chống bán phá giá được thực hiện do Trung Quốc vẫn bị xem là nền kinh tế phi thị trường, và việc áp dụng phương pháp đối với nền kinh tế phi thị trường của cơ quan điều tra Mỹ có thể tiếp tục đưa biên độ chống bán phá giá lên mức cao hơn, gần như đóng cửa thị trường xuất khẩu Mỹ đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

  2) Tăng sức ép thúc đẩy Trung Quốc thực thi nghiêm túc các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ và an ninh mạng

Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục liệt kê Trung Quốc vào danh sách đối tác cần theo dõi vì bị nghi ngờ không tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan này giải thích, việc duy trì Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ, trong danh sách cần theo dõi là vì trên thực tế, tại Trung Quốc, quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị vi phạm dưới nhiều hình thức.

3) Gây sức ép đòi Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ.

Mỹ cho rằng việc kiểm soát tỷ giá hối đoái chặt chẽ của Chính phủ Trung Quốc đã góp phần tạo ra mức thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với các đối tác thương mại, nhất là với Mỹ, và góp phần làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ. Chính quyền Mỹ tiếp tục khuyến nghị Chính phủ Trung Quốc cần thúc đẩy tăng giá đồng nhân dân tệ.

Một số dự luật đã được trình lên Quốc hội Mỹ nhằm tìm cách thúc ép Trung Quốc cải cách chính sách tiền tệ, hoặc nhằm giải quyết những tác động tới nền kinh tế Mỹ. Trong kỳ họp Quốc hội Mỹ khóa 114 (2015-2017), dự luật H.R. 820 và 433 tìm cách xử lý một số đồng tiền bị định giá thấp theo luật đối kháng của Mỹ. Tháng 2/2016, Luật tạo thuận lợi và thực thi thương mại năm 2015 (P.L. 114-125) đã có hiệu lực. Luật này bao gồm một số quy định mới về giám sát và giải quyết các vấn đề về tỷ giá hối đoái và liệt kê các tiêu chí mới giúp Bộ Tài chính Mỹ xác định nước nào có hành vi thao túng tiền tệ trong các báo cáo hàng năm của Bộ.

      4) Tăng cường đàm phán song phương với Trung Quốc để tự do hóa thương mại thông qua đối thoại song phương cấp cao như S&ED, JCCT, và nỗ lực đàm phán BIT.

Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức đều đặn thường niên các cuộc đối thoại cấp cao JCCT và cơ chế này đã được cả hai nước nêu rõ là không thể thiếu được trong việc mở rộng hợp tác thương mại và kinh tế hai chiều. Chính quyền Obama cũng tiếp tục sử dụng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED) như một công cụ để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ kinh tế thương mại song phương. Trong thời gian này, hai nước đã tổ chức bốn cuộc đối thoại chiến lược về kinh tế. Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực đàm phán thúc đẩy Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Tuy nhiên, cho đến nay hai nước vẫn chưa thể thông qua BIT.

  5) Gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các quy định của WTO, bao gồm cả việc khiếu kiện Trung Quốc lên WTO và tăng cường các chức năng cốt lõi của WTO.

Mỹ đã tăng mạnh các vụ kiện Trung Quốc lên WTO. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Obama cũng tăng gấp năm lần số lượng các vụ khiếu nại của Mỹ đối Trung Quốc tại WTO so với thời Chính quyền Bush. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Mỹ đã đệ trình bốn đơn khiếu nại Trung Quốc mới lên WTO, và Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, hoặc áp thuế trừng phạt mới (thuế chống phá giá mới và các trường hợp thuế đối kháng) đối với 24 nhà xuất khẩu Trung Quốc.

6) Theo đuổi hiệp định thương mại đa phương bao gồm Trung Quốc và không Trung Quốc. Ví dụ, các hiệp định có Trung Quốc: Hiệp định mở rộng công nghệ thông tin (ITA), Hiệp định hàng hóa môi trường, hối thúc Trung Quốc tham gia đàm phán Hiệp định mua sắm chính phủ (GPA), đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ (TISA)? Hiệp định không có Trung Quốc: Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Binh Dương (TPP) Chính quyền Obama đã nỗ lực theo đuổi TPP với kỳ vọng hiệp định này sẽ giúp gia tăng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, và đầu tư của Mỹ, giảm bớt thâm hụt thương mại trong quan hệ với Trung Quốc. Trong bài diễn văn của Tổng thống Obama vào tháng 5 năm 2016, ông viết: “Thế giới đã thay đổi. Cùng với đó là các quy tắc cũng đang thay đổi. Mỹ chứ không phải các nước như Trung Quốc sẽ viết lên các quy tắc đó”. Mỹ kỳ vọng TPP chính là công cụ giúp Mỹ có một vị thế tốt hơn so với các nước như Trung Quốc….

(còn nữa)

Nguyễn Tuấn Minh

(Châu Mỹ ngày nay, số 09/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here