Nếu như năm 2012, đã có lúc Việt Nam vượt lên Thái Lan về sản lượng gạo xuất khẩu – tiệm cận tới vị trí số 1 thế giới, thì đến năm 2014 lại rơi xuống vị trí thứ ba, sau Thái Lan và Ấn Độ. Năm 2015, Việt Nam không chỉ để tuột mất vị trí thứ 2 thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu, mà chất lượng gạo cũng khó cạnh tranh ngay cả với những nước kém lợi thế về sản xuất lúa gạo như Campuchia. Những bấp bênh này đã buộc ngành hàng lúa gạo phải nhìn nhận nghiêm túc bài toán xây dựng thương hiệu.
Trước những yêu cầu đặt ra, cùng với quyết tâm giữ vững vị thế của một cường quốc xuất khẩu gạo, tháng 5/2015, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã lựa chọn được biểu trưng chính thức cho thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam và đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cấp mã số đăng ký quốc tế.
Chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC, ông Martin Albani, nhận định: Điều đáng mừng là Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia, và họ đã bắt đầu hành động. Sự thay đổi đang diễn ra là chuyển đổi từ sản xuất theo số lượng sang đi sâu vào chất lượng sản phẩm. Tất nhiên, thương hiệu không chỉ là logo biểu trưng bằng hình ảnh mà phải được khẳng định bằng chất lượng. Nói cách khác, không phải sản phẩm gạo nào cũng được gắn thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam diễn ra mới đây, ông Martin Albani nhấn mạnh, cần phải thay đổi từ buôn bán hàng hóa sang thực hiện hoạt động marketing đối với hàng hóa đó. Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là đưa ra hình ảnh. Tiếp đó là phát triển thương hiệu. Việc đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu, khách hàng mà còn tác động quan trọng đối với đối tác. Đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam, ông Martin Albani cho rằng mục tiêu thương hiệu của khối khu vực tư nhân thì cần chọn sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm và các lợi ích của nhóm sản phẩm đó. Đối với khu vực công và nhà nước cần xác định mục tiêu phát triển của ngành gạo mà Việt Nam cam kết như tập trung vào chất lượng hay là các khía cạnh khác mà Chính phủ muốn thúc đẩy.
Phó Chủ tịch cấp cao Kinh doanh toàn cầu Agriworld, ông Rui Esteves cho rằng thương hiệu gạo có được từ chất lượng sản phẩm, để đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới, gạo Việt Nam cần nâng cao chất lượng. Những thị trường khắt khe như châu Âu, họ yêu cầu cao về chỉ tiêu dư lượng thuốc trừ sâu, cho nên gạo Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ từ ngoài đồng ruộng cho tới kho và kiểm tra mẫu trước khi xuất đi nước ngoài.
Phát biểu về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Định hướng đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại nông sản, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để bảo hộ sản phẩm là một trong những định hướng quan trọng được Chính phủ chỉ đạo đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Do đó, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, thương mại lúa gạo.
Xuất khẩu gạo duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm 2018 nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Dự kiến, năm 2018, xuất khẩu gạo đạt 3,2-3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu năm 2018 và những những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ sản xuất gạo theo quy trình sạch, hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, đóng gói; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng. Cùng với việc logo thương hiệu gạo được công bố, hình ảnh hạt gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Về đẩy mạnh quảng bá cho hình ảnh hạt gạo Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho hay Bộ Công Thương sẽ tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường mặt hàng gạo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu gạo Việt Nam tại những thị trường truyền thống, tiềm năng; làm việc với các kênh phân phối gạo tại thị trường nhập khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Vẫn còn sớm để biết được sự thay đổi của ngành hàng chủ lực này sau khi có được thương hiệu nhận diện. Song đây chắc chắn là hành động thiết thực của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất và thương mại lúa gạo./.
Nguyễn Hạnh