Các nước GMS đã thông qua Khung đầu tư khu vực đến năm 2022

0
152
Lãnh đạo các nước GMS và Lãnh đạo các Tổ chức quốc tế/ định chế tài chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Lãnh đạo các nước GMS và Lãnh đạo các Tổ chức quốc tế/ định chế tài chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) diễn ra trong ba ngày từ 29 – 31/3 tại Hà Nội đã kết thúc tốt đẹp. Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, Xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Hội nghị đã nhìn lại chặng đường 25 năm hợp tác của GMS và thảo luận về những cơ hội và thách thức mà khu vực GMS phải đối mặt cũng như các định hướng lớn cho hợp tác GMS trong thời gian tới.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 6 nước thành viên GMS là Việt Nam, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, đại diện ADB – đối tác phát triển chính của GMS, Tổng thư ký ASEAN và Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp các nước. Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đều lạc quan về tiềm năng của GMS, muốn tăng cường hợp tác, mở cửa trên cơ sở các bên cùng có lợi. Sự tham gia của lĩnh vực tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hoan nghênh. Từ đó, lãnh đạo các nước trong GMS đều bày tỏ rõ quan điểm về thành tựu, thách thức và ưu tiên hành động trong khu vực.

Kết thúc Hội nghị, các nước đã thông qua Tuyên bố chung, Kế hoạch Hành động Hà Nội (2018 – 2022) và Khung đầu tư khu vực 2022 với hơn 220 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, tổng trị giá khoảng 66 tỷ USD. Bên cạnh đó, các nước cần xây dựng chiến lược tầm nhìn dài hạn để khu vực hội nhập hơn, thịnh vượng hơn, đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa và mọi người dân đều được hưởng lợi.

Hơn 60 tỷ sắp đổ vào Mekong

Để cùng nhau phát triển, các nước cần chú trọng hợp tác trên 5 lĩnh vực. Đó là cơ sở hạ tầng, tăng kết nối về thương mại – đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng cộng đồng GMS chung lợi ích và phát huy cơ chế hợp tác mở.

Đứng ở góc độ đối tác phát triển chính của GMS, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – Takehiko Nakao đánh giá GMS là khu vực nhiều tiềm năng. Nếu không tính hai tỉnh của Trung Quốc, 5 quốc gia trong GMS có tổng dân số hơn 240 triệu người, là một nền kinh tế quy mô lớn, tăng trưởng nhanh. Triển vọng của GMS trong thời gian tới rất khả quan, khi các nước ngày càng hội nhập, tăng trưởng phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa nhiều hơn, tích cực cải cách và mở cửa các cơ chế thương mại. Chủ tịch ADB cho rằng, sáng tạo công nghệ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước GMS hơn là thiệt hại, do lao động được đào tạo bài bản hướng đến sáng tạo.

ADB cam kết tiếp tục hỗ trợ cho khu vực này, với số vốn dự kiến 7 tỷ USD (trên tổng số 66 tỷ USD) trong 5 năm tới để giúp tiểu vùng tăng trưởng đồng đều và phát triển bền vững. Một trong những lĩnh vực trọng tâm là cơ sở hạ tầng giao thông, có lồng ghép yếu tố bình đẳng giới để hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ.

25 năm và tương lai

Hội nghị đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà hợp tác GMS đã đạt được trong 25 năm qua trên cơ sở triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng”. Quy mô hợp tác đạt hơn 21 tỷ USD với hàng trăm dự án trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là hợp tác kết nối với việc xây dựng mới và nâng cấp nhiều sân bay, 80 cây cầu, 10,000 km đường bộ, 500 km đường sắt, và 3000 km đường dây truyền tải điện. GMS cũng là cơ chế hợp tác đi đầu thúc đẩy việc xây dựng các tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông Tây, Bắc Nam và ven biển phía Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác như thuận lợi hoá thương mại, nông nghiệp, môi trường đều đạt những kết quả đáng khích lệ. Tiểu vùng Mê Công mở rộng hiện đã là một khu vực năng động, hội nhập và có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Về định hướng hợp tác  trong 5 năm tới, Hội nghị thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung đầu tư khu vực vùng 2022 nhằm làm rõ hơn các trọng tâm hợp tác, thực hiện những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm hợp tác GMS trong trung hạn đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên. Khung đầu tư khu vực 2022 bao gồm 227 dự án với tổng kinh phí lên gần 66 tỷ USD.

Hội nghị đã ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhất trí khởi động quá trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau 2022 cho hợp tác GMS nhằm giúp các quốc gia thành viên thực hiện thành công Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với thách thức chung của khu vực, và bảo đảm hợp tác GMS kịp thời đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của các nước thành viên trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, nội dung hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước cũng được các nhà Lãnh đạo thảo luận. Hội nghị nhất trí thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và tăng cường hợp tác về sử dụng bền vững và cùng quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua hợp tác xuyên biên giới và các nỗ lực chung nhằm đạt an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, các nhà Lãnh đạo cũng đã ghi nhận chiến lược hợp tác ngành trên các lĩnh vực giao thông, du lịch, nông nghiệp và môi trường, báo cáo kết quả 25 năm hợp tác GMS, báo cáo hợp tác thương mại điện tử GMS.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hợp tác GMS là cơ chế đầu tiên được thành lập nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Mekong và khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác GMS vì hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững tại khu vực. Trong 25 năm qua, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C “Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh”.

Việt Nam đề xuất 4 hướng hợp tác GMS

Trên cơ sở đánh giá những bài học kinh nghiệm từ 25 năm hợp tác GMS, nhìn nhận những cơ hội và thách thức đối với khu vực GMS, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một số hướng hợp tác lớn của GMS thời gian tới, bao gồm: (i) Phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt giữa các nước GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng “chất lượng, xanh và thông minh”, phát huy tối đa hình thức kết nối đa phương thức và chú trọng kết nối thông tin – viễn thông và năng lượng; (ii) Thúc đẩy “kết nối tương hỗ” về thương mại – đầu tư, đặc biệt là kết nối giữa các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm nông lâm thuỷ sản; (iii) Hỗ trợ các nước thành viên xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy sản xuất – chế biến – phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ cao; thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng khu vực; nâng cao năng lực tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho nông sản sạch; kết nối doanh nghiệp và nông dân; (iv) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực;

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh, GMS phải thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung; hợp tác hướng tới cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; ưu tiên triển khai hiệu quả Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030, Hiệp định COP21 Pari về biến đổi khí hậu, và hợp tác về quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hợp tác GMS cũng cần tiếp tục là khuôn khổ để 6 nước tăng cường hiểu biết, nâng cao niềm tin và sự gắn kết giữa các nước thành viên. GMS cũng cần phát huy cơ chế hợp tác mở với sự tham gia của quốc gia, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các nước.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here